Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.105
123.229.807
 
Nơi ấy, biển ở phía Tây…
Nguyễn Thanh Xuân

 

Đảo Phú Quốc, biển Kiên Giang, Hà Tiên - nàng tiên sông nước kiêu sa, tôi chỉ tưởng tượng và khát khao qua những bài ca. Về miền Tây đã hai mươi năm, lúc đó mới hơn hai mươi tuổi, neo bến Lạc Hồng nay tóc đã đổi màu mà chưa có dịp "mục sở thị" Tây Đô, cù lao Ông Hổ - quê Bác Tôn, chưa có dịp thăm đất của thi sĩ Đông Hồ, Mộng Tuyết. Chiêu Anh Các - cái tên ấn tượng biết bao mà chỉ nghe trong sách. Có một nơi biển ở phía Tây, đẹp lắm, thế mà tôi chưa đến một lần…

 

Ngày Thơ Việt Nam năm nay 2005, Hội Văn học nghệ thuật Kiên Giang tổ chức tại đền thờ Mạc Cửu, kết hợp trao giải Ký đồng bằng sông Cửu Long. Dịp may đã đến, tôi được quá giang xe về nơi mình khao khát từ lâu. Ông Trần Phương Hùng (Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang) là người đã từng sống, chiến đấu ở miệt dưới ấy. Một người anh trai của ông đã anh dũng hy sinh nơi ấy. Ông là đứa con trở về thăm quê, tôi là khách lạ mong khám phá vùng đất mới. Cùng ngồi một xe, có hai cái nhìn và tâm trạng khác nhau…

 

Con đường về Rạch Giá, bên phải là dòng kinh, ghe thuyền tấp nập ngược xuôi. Đường nhỏ hẹp, uốn lượn theo dòng nước, có những đoạn lông chông, cầu cống dày đặc. Bà con sống nhờ dòng nước ngọt đưa từ sông Hậu về, cống vừa lấy nước phù sa, vừa xả phèn hàng năm cho ruộng đồng. Hầu hết các cầu, cống đều nhỏ hẹp, chỉ lọt một xe lớn nên anh tài xế cứ phải nhường đường. Đến Rạch Giá, trời vừa xế trưa… Cái nắng hào phóng phả dữ dội trên lộ nhựa vào mùa khô thôi thúc mọi người đi hối hả tới ngôi nhà dịu mát của mình…

 

Rạch Giá là thủ phủ của tỉnh Kiên Giang. Các cơ quan đầu não cấp tỉnh đều đóng nơi này. Thị xã nằm giữa ruộng đồng và biển cả. Ngọn gió mang vị tanh nồng của cá tôm, vị mặn mòi của biển cả. Những ngôi nhà cổ, thấp của người Hoa hòa vào những ngôi nhà đường nét uốn lượn của người Khơ-me. Thị xã đang mở rộng, đường hai chiều tăm tắp hàng cau kiểng, những tòa nhà hình hộp hiện đại, bề thế. Nhịp sống đang rộn lên. Biết đâu lần sau trở lại, ta được đọc dòng chữ: "Thành phố Rạch Giá xin chào quý khách!". Tôi được xem bến cảng, tàu ghe san sát, neo đậu dày đặc, không thấy nước, chỉ thấy tàu. Những con tàu dập dềnh gối lên sóng nghỉ ngơi, sau chuyến ra khơi. Trên bến cảng, bao người đứng đợi tàu đánh cá đang trở về, đàn hải âu bay theo… Tôi nhớ bài hát: "Trời cũng đẹp, biển cũng đẹp, sao đâu đâu cũng đẹp, đoàn tàu về lấp lóa…" Hẳn là cảm hứng từ cảnh thực như tôi chứng kiến chiều nay!

 

Cảnh đẹp thế nhưng không biết có dễ làm ăn hay không? Những chàng trai đi biển da rám nắng, ở trần để "sao sương tẩm gió", sau mỗi chuyến đánh bắt cá trở về, xài tiền như nước! Dám tiêu tiền, thì chắc sẽ làm được nhiều tiền! Tôi có người bà con làm thợ khóa ở đây, không nhà, tối thuê nhà trọ, ngày mắc võng chỗ Bưu điện tỉnh, đòng đưa đợi khách hàng… Phong trần thế, gia đình kiếm chỗ cho về Sài Gòn, thế mà lắc đầu không đi! Anh tính, thu nhập 3 triệu mỗi tháng, hơn lương hiệu trưởng cấp ba còn gì? Dân không bỏ đi nghĩa là nơi này còn dễ làm ăn.

 

Thị xã Hà Tiên cách xa Rạch Giá gần trăm cây số! Tôi thoáng buồn vì đường dài nhưng lại sung sướng vì nhận ra điều thú vị: một tỉnh mà có đến hai thị xã. Tỉnh lớn như Thanh Hóa, Nghệ An, ĐắkLắk cũng chỉ có một thành phố mà thôi?

Xe chúng tôi chạy qua nhà máy xi măng Kiên Lương. Trời ban tặng cho đồng bằng những mỏ đá quý giá. Những công nhân, kỹ sư từ nhiều miền quê đến đây công tác. Kiên Giang có thế mạnh đặc biệt so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Kinh tế nông - ngư, công nghiệp và du lịch sẽ làm đầy thêm ngân sách của Kiên Giang. Tôi bồi hồi khi qua Hòn Đất, núi Ba Thê, miền đất kiên trung, quê hương hình tượng chị Sứ, tôi được đọc từ lúc lên tám tuổi. Nhà văn Anh Đức nói đất anh hùng, tôi xin gửi thêm hai tiếng: "giàu đẹp" cho vẹn tròn tình nghĩa trước sau!

 

Vượt qua cây cầu đẹp như mơ, ta đến thị xã Hà Tiên. Huyền thoại đất Hà Tiên: những nàng tiên tắm sông trần gian, một nàng Út xinh đẹp nhất say chàng trai biển, tình nguyện ở lại, sinh thành con cháu xinh đẹp và thông minh, họ yêu thơ ca nhạc họa, họ mến khách dừng chân… Thực ra, đây là vùng đất do ông tổ Mạc Cửu, người Tàu khai phá. Ông tài hoa và nghĩa dũng, biết chọn người tài, chiêu hiền đãi sĩ. Nhờ đó mà Hà Tiên giàu đẹp, đi vào sử sách, vào cảm hứng thi ca xưa nay?

 

Đứng ở khách sạn Pháo Đài, chiều nay, tôi vọng trông ra biển. Biển phương Nam cũng tình tứ, hiền hòa như người vậy. Nó không xanh thẫm và dữ dội như biển Đà Nẵng hay Ninh Chữ. Biển được sa bồi hàng năm. Nếu chăm chú nhìn, ta thấy mờ mờ những doi cát đang cao dần lên theo năm tháng. "Biển xanh hóa nương dâu", hóa làng mạc phố phường đang diễn ra nơi này chứ không chỉ là triết lý trong sách. Biển nơi này nằm ở phía Tây! Tôi đang đứng ở cực Tây của Tổ quốc mình. Hoàng hôn đang buông xuống trên biển cả bao la. Người ta nói "Biển Đông", phía mặt trời mọc. Còn đây phải nói "Biển Tây", phía mặt trời lặn. Đây mới đúng với câu thơ của Huy Cận:

"Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi…"

Nhà giáo, nhà thơ Trần Công Tùng nhiều lần trao đổi cùng tôi về câu thơ trên. Ở biển Hạ Long, Quảng Ninh, không thể nói "mặt trời xuống biển" được! Vì biển ở phía đông. Chưa kịp hỏi thì Huy Cận đã vừa ra đi về chốn hư vô, không kịp dự đêm thơ năm nay!

 

Hà Tiên nhỏ bé rất nhiều so với Rạch Giá. Phố xá, có thể đứng trên khách sạn Pháo Đài mà thu gọn trong tầm mắt. Nhưng nhiều nhà cao tầng hơn (chứng tỏ không gian quý giá, không dễ kiếm chỗ), chất lượng đời sống kinh tế và văn hóa rất cao. Những người giàu có từ khắp nơi đổ về đây mua đất cất nhà. Phía bờ sông, một bãi đất đang được san lấp. Người ta lấp biển xây phố! Trò chuyện với chủ khách sạn Tú Anh, chị mới 40 tuổi, buôn bán ở Châu Đốc, dồn mấy trăm cây vàng để lập nghiệp tại đây. Tôi hỏi chị:

- Gia đình chị có định cư luôn hay chỉ làm ăn thôi?

- Anh nhìn thấy cơ ngơi của tôi thì đoán biết. Vợ chồng tôi sẽ chọn nơi này làm quê hương!

Khách sạn của chị không kém gì ở thành phố lớn, một trệt, bốn lầu, tiện nghi đủ cả. Tôi mở cửa, ngọn gió từ biển ùa vào mát rượi, khỏi mở máy điều hòa… Biển là cái máy điều hòa nhiệt độ khổng lồ, không tốn điện năng! Ngọn gió cũng nồng nàn hương vị biển khơi như ở Rạch Giá hồi trưa nay, nhưng trong lành hơn, nguyên sơ và lãng mạn hơn nhiều. Thị xã Hà Tiên có tiềm năng du lịch rất lớn. Không bị các khu công nghiệp làm ô nhiễm nguồn nước và không khí. Tôi đến Mũi Nai cát mịn, yên bình, ngắm nhìn thì đẹp lắm nhưng tắm thì thiếu sóng, thiếu màu xanh hấp dẫn, vì đây là biển đang được sa bồi…

 

Đêm thơ được tổ chức ngoài trời, bên đền Mạc Cửu. Trong đền ông tổ khai đất nghi ngút khói nhang, linh thiêng và huyền bí. Mùi hương gợi nhớ ngày xưa, các cụ thường cho trầm hương vào bình đồng đốt lên để đọc sách ngâm thơ. Nơi đây hơn hai trăm năm trước (1736), Mạc Thiên Tích đã lập Chiêu Anh Các - Thi đàn độc nhất của phương Nam. Tôn vinh nhà thơ, nói rộng hơn: tôn vinh trí thức tài hoa. Cái thâm ý của các cụ đã đi trước thời đại. Nhân tố con người, đặc biệt là người tài hoa, quyết định sự phát triển của cuộc sống. Hội diễn dưới ánh trăng lồng lộng sáng, trên núi Binh San, bên biển gió xôn xao… Các tiết mục ca, múa và ngâm thơ của nhà văn hóa thị xã và các Hội Văn học nghệ thuật đồng bằng sông Cửu Long đã gợi lại không khí thi đàn Chiêu Anh Các thuở nào. Lời ca, điệu múa thật hay, điệu nghệ nhưng thơ - "Hoa hậu" đêm nay thì chưa nổi bật. Phải chăng vì nàng tiên cá ở biển nên người Kiên Giang có thế mạnh ở điệu múa và giọng ca? Chiêu Anh Các xưa, tiếp theo là Đông Hồ, Mộng Tuyết nay, chẳng lẽ Hà Tiên chưa tiếp nối xứng đáng truyền thống thơ ca quê mình? Nó sẽ giúp Hà Tiên phát triển văn hóa, du lịch làm giàu mạnh vùng đất huyền thoại này.

 

Ở đây thiên thời địa lợi đều tuyệt vời. Có núi Bình Sơn vời vợi mây trời làm xương cốt. Có đất sa bồi tươi tốt thịt da. Có sông dài biển bao la ngày đêm bồi sóng thở làm tâm hồn. Ngày xưa ông cha ăn nhờ đất, sống nhờ trời, biển. Ngày nay, biển cạn đá mòn, không ngủ quên trên thế mạnh "Trời cho" được, mà con người phải năng động. Con người tài hoa, đứng cao hơn núi và nhìn xa hơn biển!

 

Hai thị xã Rạch Giá và Hà Tiên như vòng tay Kiên Giang ôm lấy Mẹ Biển yêu thương. Đảo Phú Quốc là điểm gặp của vòng tay ấy. Vòng tay cứ vươn dài giữ hạnh phúc no ấm cho hàng triệu con người. Biết đâu, vài trăm năm nữa, con cháu mình lại thung thăng tản bộ ra đảo Phú Quốc để ngắm trăng rằm, nguyên tiêu? Tây Đô (Cần Thơ), An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh,v.v… là địa danh đồng bằng Sông Cửu Long thuộc sông Hậu. Nó còn đất rộng, người thưa, còn tiềm năng rất dồi dào. Nó cho tôi hy vọng một Tổ quốc đẹp giàu. Đất làm tổ của những đàn cò bay trắng trời An Giang. Hãy nhớ lời họ Mạc, lập Chiêu Anh Các hiện đại. Mở rộng lòng đón anh tài từ muôn phương. Người đến càng đông, sức khẩn hoang càng lớn, càng dễ làm ăn. Họ sẽ mang theo tiền của, đặc biệt là trí tuệ để xây dựng quê hương.

Nguyễn Thanh Xuân
Số lần đọc: 2195
Ngày đăng: 18.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Làng ngựa Đức Hoà - Lê Phú Khải
Đất phèn - Lê Phú Khải
Về xứ nhãn tiêu hồng - Trần Đổ Liêm
Báo động một tuyến đường huyết mạch - Trần Đổ Liêm
Ghi lại CUỘC TRIỂN LÃM tháng 9 & 10/1996. - Dương Ðình Hùng
Dự đám cưới xứ ngòai… - Dương Ðình Hùng
Về thăm Đất Mũi - Lê Phú Khải
Xa Đầm Thị Tường - Nguyễn Ngọc Tư
Bất ngờ sim - Hồ Hùng
Bức xúc chuyện dạy và học ở miền tây nam bộ - Huỳnh Kim