Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.209.763
 
Lưu lạc một vần thơ
Dương Ðình Hùng

Chiếc máy bay sắp đáp xuống phi trường thành phố Calgary. Một hành trình xa trên 4 giờ bay từ Toronto đến đây. Calgary là nơi nổi tiếng vì đã tổ chức thế vận hội mùa đông 1988, có rặng núi Rocky hùng vĩ, dãy núi chạy sâu vào đất Mỹ, có núi Glacier suốt năm băng tuyết, có hồ Louis đẹp không thua gì vùng hồ Thụy Sĩ.

 

Mục đích cuộc đi xa này, tôi sẽ có dịp ghé được Edmonton, thành phố xa xôi tận cực Bắc, nơi tôi sẽ giao được tập thơ "Hát dạo bên trời" đến tay người nhận - Tôi đã nhận lời đem đến tận tay cho anh bạn đời (gọi thế là vì anh ruột của người bạn quý hiếm trong đời tôi).

 

Hai tháng trước đây, một hôm trước ngày đáp máy bay qua Canada. Kim, người bạn đến nhà, nhờ tôi chuyển dùm tập thơ của T.D.L. với chữ ký của tác giả, có địa chỉ và số điện thoại của người anh, và đôi lời nhắn gởi... Thầm nghĩ tôi sẽ ở khá lâu bên đó nên đã nhận lời và nói :

- Tôi chỉ cần có số điện thoại, sẽ tìm được địa chỉ của anh K. Sẽ giao tập thơ này tận tay ông anh ....

 

Nhìn tập thơ "Hát dạo bên trời", lời thủ bút của tác giả đã viết trân trọng ngay trang đầu tiên : "Được thai nghén trên 30 năm. Nay đứa con đầu ra đời và hiện đang đứng hát dạo bên trời".

 

Khi qua đến bên này, nhìn bản đồ rộng mênh mông của Bắc Mỹ, mò ra thành phố Edmonton cũng khó. Lúc đầu tưởng nó nằm đâu gần Quebec, Montreal hay Toronto. Nó nằm tận cao tít trên tiểu bang xa lạ Alberta, len cao chút nữa là cực Bắc Canada, rồi Alaska, nơi cách Toronto chỗ tôi đang triển lãm tranh đến hơn 5.000 kilômét. Mỉm cười, tự nhủ dù sao mình cũng phải đến đó, như lời đã hứa ở quê nhà.

 

*

Vợ chồng L. đón ở phi trường, sau đó đưa chúng tôi về nhà anh ta ở lại. Nhà nằm trên ngọn đồi cao, một xóm vắng dành cho người giàu có. Phía sau nhà là thung lũng phủ đầy cỏ. Cỏ đã héo khô lúc đông băng giá chưa về. Cỏ chết vàng úa. Những hạt cỏ rơi cuối thu, có nơi khác ở Bắc Mỹ là mới chuyển màu vàng đỏ. Vùng này khá lạ, lá đã rụng tự bao giờ.

 

Phía sau nhà, tầng trệt dành cho bố mẹ L. từ Việt Nam qua được mấy năm. Nối tiếp là một sân nhỏ, có con đường đi xuống vùng sâu thung lũng, có hàng cây khô gắn chặt vào đất. Cây như những bộ xương cá đen trên nền trời xám. Thấp  thoáng xa xa vài mái nhà im vắng giữa gió rét, phía xa trên đồi cao có cầu nhảy, đó là nơi để thi môn nhảy cao nghệ thuật xây trên đỉnh dốc đứng. Cầu nhảy được dùng tranh tài Thế vận hội mùa Đông 1988.  

 

Chiều mai thứ bảy vợ chồng L . được mời lên Edmonton tham dự đêm chiêu đãi dành cho những cá nhân xuất sắc tiểu bang, mỗi năm một lần. Tôi lợi dụng dịp may này để có dịp cùng rong ruổi và trao tập thơ.

 

Anh ta  du học ở Montreal, là tiến sĩ hóa, chuyên viên loại giỏi của hãng dầu khí tiểu bang này. Vợ anh trước đây là dược sĩ, nhưng khi qua đây học ngành tài chánh, hiện nay làm việc cho ngân hàng. Chuyện người Việt chăm học, chăm làm và trở thành chuyên viên giỏi ở nước ngoài thì nhan nhản khắp thế giới.

 

Hôm đó, ngày không có mặt trời chỉ có gió lạnh buốt trùm kín không gian dọc theo xa lộ số 2, con đường trực chỉ phía Bắc, đến vùng băng giá quanh năm L. lái xe, tay gõ nhịp theo những bản nhạc Việt xưa cũ, thỉnh thoảng anh hát theo. Âm nhạc là niềm say mê của anh, nhất là chơi guitar cổ điển. Anh ta hát và hỏi :

- Tại sao trong nước lúc này hình như  ít có bài hát hay so với những năm về trước ?

 

Ngồi cạnh , tôi mỉm cười :

- Thật ra năm nào cũng có vài bài nhạc mới hay nhưng ít người biết, đôi khi đám trẻ lại không ưa. Có những bài hát trung bình lại được quảng cáo ầm ĩ, ít có bài hay, có lẽ do mấy ông nhạc sĩ nhà mình lười sáng tác. Không phải lãnh vực âm nhạc mà nhiều lãnh vực nghệ thuật khác cũng cùng cảnh ngộ. Xã hội thay đổi quá nhanh, chắc đầu óc người nghệ sĩ cũng rối bời. Hôm qua người ta là thế này, hôm nay đã đổi khác. Chuyện tham nhũng, chuyện sì ke ma túy, chuyện thiếu văn hóa, xã hội rối rắm... bao nhiêu hình ảnh quay cuồng. Ngay có không ít họa sĩ khi họ vẽ tranh, họ còn không biết mình vẽ cái gì ? Huống chi là thơ là nhạc !

Chúng tôi tranh luận về những bản nhạc hay đối với riêng anh, với riêng tôi và đâu là bản nhạc hay cho con chúng ta ? Một bản nhạc hay có giống như món ăn quen thuộc như mẹ nấu cho ta hồi còn bé dại ? Những đứa con lưu lạc giờ đâu thấy ngon khi tụi nó ăn bún mộc, bún mắm ? Chúng quen ăn bánh mì gà rán, thích McDonald, đâu có kỷ niệm ăn cơm nguội mỗi buổi sáng trước khi đi học. Một bản nhạc hay có phải như một món ăn ngon hợp khẩu vị nhiều người ?

Hai bên đường vắng người, chỉ có những nông trại rộng lớn trồng lúa mì bạt ngàn nhà kho với dàn kho ống to cao chứa lúa, chỉ lên trời cao như khẩu đại pháo. Ngọn lửa đỏ hừng hực cháy giữa vòm trời xám từ những nhà máy dầu cạnh thành phố hươu đỏ (Red deer). L. kể lại thành phố nhỏ vắng lạnh này cũng có cả ngàn người Việt tới sinh sống vì có nhiều mỏ dầu, mỏ vàng. Họ dễ kiếm công ăn việc làm vào thời buổi khó khăn. Ngọn lửa cô quạnh như niềm hy vọng nhỏ giữa bầu trời xám xịt.

 

Tiến lên cao phía Bắc, hai bên tuyết phủ đến chân trời. Vài ngôi nhà gỗ như bị bỏ quên giữa rừng khô lá, buồn bã bên chân núi. Những mái nhà của người da đỏ lẻ loi dọc hai bên xa lộ với ánh đèn leo lét trong đêm tối như là dấu ấn sống của người chủ bị chiếm đất bằng vũ lực. Họ bị hất ra bên lề cuộc sống ngay trên đất nước mình.

 

Xe vượt trên xa lộ, thỉnh thoảng chui qua những chiếc cầu riêng dành cho thú khi ngang qua một cánh rừng. Người ta sợ xe tông vào những hươu nai băng trong rừng ra giữa đường lộ.

 

Đến Edmonton đã xế chiều vừa lúc cơn mưa lớn ụp tới. Vợ chồng tôi vào trú đêm lại khách sạn Edmonton Mall. L. đưa vợ về chỗ ở riêng dành cho quan khách được mời dự tiệc đêm hôm đó. Edmonton Mall nổi tiếng nhất vùng đất này. Đó là tòa nhà vĩ đại chứa nhiều thứ ăn chơi, mua sắm. Mall này xếp vào loại lớn nhất thế giới do hai anh em người Ả Rập đầu tư xây dựng nên. Hàng ngày shop mua bán, hàng trăm tiệm ăn, cả chục Gallery. Có bãi biển nhân tạo, trồng hàng dừa không lên nổi trái. Người tắm biển ấm có thể nhìn tuyết rơi ngoài trời. Một sở thú, một vườn cho lũ trẻ chơi đùa. Một sòng bạc lớn cho người thích đen đỏ. Một sân trượt băng nghệ thuật, vài rạp chiếu bóng. Mấy chú cá heo biểu diễn nhảy lên trời rồi nhào lặn... và chỉ một khách sạn mười mấy tầng trang trí đủ loại kiểu cách Âu, Á, Ai Cập... Tất cả quần thể trên đều dưới chung một vòm kính ngăn gió lạnh quanh năm. Ném hành lý vào tủ, hồ hởi nhấc điện thoại gọi cho "Anh bạn đời", số điện thoại có ghi trên trang đầu tập thơ "Hát rong bên trời".

 

Chuông reo, giọng nói ngạc nhiên từ phía bên kia. Tôi vui mừng báo cho "Anh bạn đời" - nhiều điều : "Tôi đã mò lên tới đây - ở lại đêm cách nhà bạn không xa. Mang theo tập thơ người bạn xưa cũ là anh T.D.L. gửi sang tặng anh. Đôi lời nhắn nhủ của người em ruột chuẩn bị thi học bổng đi Mỹ học - rồi thân ái mời bạn tới khách sạn này đêm nay uống một ly rượu với nhau - Tối nay tôi chỉ có một mình trong khách sạn, vì bà xã sẽ vô mấy Shopping ngắm áo quần son phấn...". Giọng nói lạnh lùng vang lên từ phía bên kia :

- Tôi mới đi làm về, nếu rảnh tôi sẽ tới.

 

- Đây là tập thơ đầu tay của D.L. hình như là bạn rất  thân với anh ? Anh là hội viên Hội Văn bút Hải ngoại tại Canada, chắc anh sẽ thích tập thơ này ? Tôi có đọc bài viết của anh trong tuyển tập Văn bút Canada của người Việt ở đây.

 

Rồi báo cho anh ta biết số phòng tôi đang ở lại. Có thể tôi sẽ đi loanh quanh trong cái Mall này để đợi anh. Mọi chuyện đi đâu tôi sẽ báo cho người tiếp tân khách sạn rõ... để chúng ta dễ tìm nhau.

 

Khách sạn chỉ chiếm một vị trí nhỏ trong Edmonton Mall này nhưng nối liền với mọi điểm vui chơi. Thiết kế chỉ có quầy tiếp tân và 4 cái thang máy lớn đi lên phòng ngủ. Tôi tranh thủ thời gian nhìn đám cá heo nhào lặn, chui xuống tàu ngầm xem cá. Nhiều thứ miễn phí dành cho khách ngủ tại khách sạn.

 

Tàu ngầm lặn sâu trong con kinh đào giữa hàng ngàn loại tôm cá cua,  được mua khắp nơi trên thế giới mang về. Cá muôn màu bơi lặn giữa những san hô trắng đỏ... bỗng thương nhớ, tội nghiệp cho các bờ biển thật và tuyệt đẹp ở quê nhà.

 

Đâu còn Nha Trang xưa với san hô đỏ quanh đảo gợn sóng lặng xanh. Giờ san hô cùng tiệt, người ta đem lên bờ để bán. Biển không có rong có san hô làm gì có chỗ cho cá sống cá lội, chưa kể chất nổ ném đêm ngày để đánh cá lớn, giết cá nhỏ kể cả trứng cá. Loanh quanh chờ khá lâu, gọi điện thoại lần nữa cho "Anh bạn đời". Tiếng người đàn bà trả lời :

- Anh ta lái xe đi khỏi nhà rồi !

 

Sau buổi cơm tối ngay trước khách sạn, loay hoay một tối trong cái Mall này. Chẳng dám xuống "biển giả" chơi, chẳng dám vào sauna tắm hơi dù được miễn phí, chỉ vì sợ mất thời gian của "Anh bạn đời" khi ghé đến tìm. Những giờ trôi qua vô vị. Tôi chờ đợi mân mê tập thơ "Hát rong bên trời", lạc lõng giữa đám người lạ ồn ào quanh đây. Bên ngoài lạnh 25 độ âm chắc nhiều tuyết lắm. Nơi quầy khách sạn, giở ra đọc mấy vần thơ đầu tiên trên trang nhất :

Người đi theo bóng thiên thu

Bỏ đây năm tháng sa mù nhân gian.

                        Nhớ một nhà văn D.L. - 1965.

 

Gần trang cuối có bài thơ thấm thía cảnh đời quạnh hiu của tác giả :

Mười năm ở chợ không tri kỷ

Ta dừng thu thân một nỗi buồn

Sáng bảnh mắt ra ngồi độc ẩm

Chiều về tra vấn lấy lương tâm.

&

Buổi sáng chủ nhật thức dậy vẫn không mặt trời. Từ lầu 11 nhìn, thành phố Edmonton chìm trong tuyết trắng. Xuống cầu thang, bước qua hành lang đối diện có quán cà phê Ý. Nhấm nháp ly cà phê giở đọc lại tập thơ "Hát rong bên trời".

 

Đến 9 giờ, tôi gọi điện thoại lần nữa cho "Anh bạn đời" :

- Chào anh - Anh khỏe ? Tôi đang uống cà phê trước khách sạn, anh rảnh ghé lấy cuốn thơ. Nhiều chuyện người em ruột của bạn nhờ tôi nhắn. Chuyện dài lắm, không tiện nói qua điện thoại. Anh cố gắng đến. Tôi nghe ở đây có quán phở Pasteur nổi tiếng. Tôi mời anh đi ăn sáng rồi tôi phải về lại Calgary trưa hôm nay..

 

Im lặng chốc lát, bỗng có tiếng nói giận dữ từ bên kia :

- Anh có phải cán bộ cao cấp Cộng Sản gởi qua không ? Anh nói thật cho tôi hay ?

 

Tôi sững sờ nhưng ráng cười trả lời :

- Có lẽ anh hiểu nhầm rồi.

 

- Người ta đến Canada một mình đã khó. Anh đi qua đây lại có thêm vợ đi cùng ?

- Khổ quá "Anh bạn đời ơi !". Vợ chồng tôi đã đi với nhau nhiều nơi rồi bây giờ mới đến Canada. Ở Việt Nam hiện nay, ai có phương tiện thì đi du lịch thoải mái. Có chi lạ đâu.

 

Tiếng nói im, rồi giọng chất vấn hỏi tiếp :

- Tiền đâu anh ở trong khách sạn đó ?

 

Chuyện ngớ ngẩn ! Tôi trả lời :

- Anh yên tâm. Tiền tôi đi chơi là do tôi làm ra. Anh đến khách sạn bây giờ đi, anh sẽ thấy giá thuê phòng. Mùa này là low season, giá phòng ở đây chỉ bằng giá căn phòng khách sạn tệ nhất ở Paris, nên tôi trả được. Nhà anh ở đường nào ?

 

Tiếng nói to hơn như chưa hả cơn giận :

- Đường một trăm lẽ… Thôi tôi không cần tập thơ đó nữa cũng chẳng muốn nghe em tôi nhắn gửi, anh đem cuốn sách về Việt Nam cho nó. Tôi không muốn gặp Cộng Sản đến tuyên truyền.

 

- Cám ơn anh.

 

Điện thoại cắt mạnh phía bên kia. Tôi trả tiền cà phê, cầm tập thơ, trở về thang máy, lên phòng đánh thức vợ dậy để chuẩn bị hành lý.

Những cơn buồn khó chịu thỉnh thoảng chợt đến với mỗi người, nhưng đời sống cứ vẫn trôi đi. Có thể "Anh bạn đời" ghét tôi dù chưa một lần gặp mặt trong đời. Có thể sợ người em ruột của mình hay người Hát dạo gởi gắm tôi, xin vài chục đôla gởi về nước cho ? Không ! Người em ngày ngày vẫn đi dạy kiếm thêm tiền, học và đang chuẩn bị thi học bổng.

 

Sợ người thi sĩ nghèo kia xin chút tiền ! Điều đó chắc chắn là không. Nhà thơ kia tôi có quen biết. Vẫn sống một cuộc đời khá cơ cực. Ngày ngày vẫn giữ xe nơi chợ Phú Nhuận, có khi bán ve chai, nhưng vẫn ung dung làm thơ trên chiếc xe đạp hàng chục năm này. Giờ anh ta khá hơn, mua được chiếc xe susuki cũ cà tàng, vẫn ngồi bán rau muống với vợ trong chợ, vẫn có một  góc để làm thơ. Anh ta luôn hiền hòa nhân hậu, vẫn trầm ngâm bên ly cà phê mỗi sáng mai trong sân rộng đường Trần Quốc Thảo, nơi có nhiều văn nghệ sĩ tụ lại mỗi ngày. Giờ này ở quê nhà, tôi như nhìn thấy anh vẫn ngồi chỗ cũ... vẫn trầm ngâm dưới nắng mai, nắng sáng làm lóng lánh chùm trái của cây Dái ngựa, xa hơn chùm rễ cây Si  dài đong đưa với gió, buông thả xuống đời.

Tôi nhớ anh ta từng viết  "Thơ ư ? Đó là điều thú vị. Nhưng làm sao thơ đến tay người đồng cảm đồng điệu với tôi là nỗi trăn trở khôn cùng..." hôm nay điều trăn trở của anh đã là sự thật !

 

Vợ tôi nhìn tập thơ vẫn còn trên tay tôi, bèn hỏi :

- Anh của K. chưa đến lấy sách ?

 

- Thôi quên chuyện này đi. Thật là bệnh hoạn và tội nghiệp !

 

Qua khung  cửa kính từ lầu cao, thành phố Edmonton chìm trong tuyết trắng. Mảng tuyết trắng đọng lại trên những mái nhà vắng lặng. Thỉnh thoảng có vài chiếc xe di chuyển trên phố. Những con đường song song chạy dọc, rồi được cắt ngang như bàn cờ tướng. Đường phố ở đây được gọi tên như ở New York. Những con đường nhỏ song song gọi là Street đánh dấu theo thứ tự 1, 2, 3, 4. Những đường lớn hơn thẳng trục gọi là Avenue.

 

Nhà "Anh bạn đời" có lẽ dưới kia, cách nơi tôi ngụ 3 con đường, chưa đầy 5 phút lái xe, thế mà xa vời vợi. Thiên đường và địa ngục, thiên tài và điên loạn, hạnh phúc và đớn đau, yêu thương và căm thù... tất cả dường như chỉ cách nhau bởi một biên giới mong manh.

 

Tất cả mái nhà quanh đây đều phủ vây băng lạnh dưới lớp tuyết dày, duy chỉ có cái vòng cung cong tròn của Edmonton Mall không có tuyết, vì bên dưới có hơi ấm sưởi. Mái cong như trái tim nóng giữa trời băng giá có nghe không lời thầm thì của "người hát dạo" xa :

Chim có tổ mà ta thì phiêu lãng

Dắt nhau đi quờ quạng kiếm thiên đàng

 

Xin lỗi em cô gái Sài gòn

Đã vì ta mà xa giảng đường thư viện.

 . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Vì áo cơm mà em ra chợ

Một hồn buồn giữa cõi rau xanh

                                    Mùa Xuân - D.L.

 

Tôi lượm theo mấy tờ báo tiếng Việt để ngay cửa ra vào sau khi ăn phở. Báo tiếng Việt ở đây cho không biếu không, đặc biệt trong các tiệm ăn, tại cửa bán hàng tạp hóa.

 

Trên xe trở về lại Calgary, Long nhìn tập thơ "Hát rong bên đời", ngạc nhiên hỏi :

 - Sao anh chưa giao tập thơ cho người ta ?

Tôi kể tóm lược chuyện trao đổi điện thoại giữa tôi và người xa lạ đó. Long lắng nghe, cười lớn :

- Toa ngây ngô lắm. C'est fou, mais c'est vrai ici ! (chuyện điên nhưng có thật ở đây !). Ngày mai vào sở, moa sẽ xin nghỉ làm 2 ngày thứ ba thứ tư để đi chơi với toa cho đỡ buồn.

 

*

Sáng sớm tiếng chuông đánh thức tôi dậy. Tiếng chuông ngân vang, mấy tháng rồi mới nghe lại. Tung chăn, hé cửa phòng. Ông cụ của L. đang thắp nhang, gõ chuông rồi khấn nguyện trước bàn thờ gắn trên bức tường trắng. Cửa hé nhỏ, mùi hương thơm quyện vào. Bên ngoài lạnh 10 độ âm nhưng thấm vào đâu cái rét cóng trong mùi khói hương nồng nặc thời thơ ấu mùa mưa dầm ở Huế.

 

Cuộc đời ấu thơ của tôi hình như quanh quẩn với những vong hồn người thân yêu đã khuất, trong ngôi nhà xưa với bà nội. Tiếng mõ, tiếng chuông, mùi nhang trầm, ngọn đèn dầu hiu hắt từ lúc rạng sáng, cứ như thế quanh năm, từ khi lũ ve sầu chưa cất tiếng giữa mùa hè, đến mỗi sáng khi mọi người còn im ngủ trong cơn rét mùa đông trong cơn lũ lên xuống hàng năm .

Màn sáo cửa được kéo lên, ông cụ L. mở cánh cửa sổ. Nắng màu trắng tuyết đi vào nhà. Ông cẩn thận nhắc cây chuối lại gần nắng. Cây chuối xanh cao chỉ 1 mét nhưng quý hiếm xứ này. Khách tới chơi, ông ta khoe và nói nhiều về cây đó như nhắc về một quá khứ. Cả nhà săn sóc nó như đứa con cưng. Nó được trồng từ ngày ông và bà cụ qua ở xứ này.

 

Hai người già sống quanh quẩn trong ngôi nhà người con. Họ chăm cháu, công việc hàng ngày là đưa đón hai cháu đến trường, chăm sóc ngôi nhà và cây chuối xanh. Chuyện của họ luôn theo một thứ tự : cây chuối, thiền định rồi thẫn thờ nhớ về những kỷ niệm xa tít bên kia đại dương.

 

*

Tôi vẫn thích ngao du trên những vùng đất lạ, tìm đến những khu phố có người Việt cư ngụ. Vẫn thường nhặt những tờ báo không tốn tiền, người ta để đó cho thực khách xem sau mỗi bữa ăn trong những nhà hàng. Thỉnh thoảng dừng chân trước một cửa hàng sách người Việt, hỏi xem có cuốn sách nào viết về Việt Nam.

 

Một ngày, tôi trở về. Hãng máy bay Canada phá sản. Họ đổi vé máy bay cho tôi vòng về, phải bay ngược lại phía Alaska (bay ngang qua Edmonton lần nữa), đến Hồng Kông rồi đến phi trường Tân Sơn Nhất. Trong hành lý tôi đem về có tập thơ  "Hát dạo bên trời".

 

Tập thơ "Hát dạo bên trời" đã đi được hơn một vòng trái đất. Người sĩ quan hải quan xem xét hành lý của tôi, nhân viên kiểm duyệt văn hóa xem chồng sách tôi vừa đem về có thêm tờ lịch Xuân in ở ngoại quốc, vì sắp đến Tết. Tôi đã vi phạm một chuyện cấm. Chuyện mang văn hóa phẩm nước ngoài. Tất cả sách báo đem về đều bị tịch thâu. Tập thơ "Hát dạo bên trời" hiện nay tôi không biết lưu lạc về đâu ? .

 

Dương Ðình Hùng
Số lần đọc: 2586
Ngày đăng: 19.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mật ngọt của rừng - Tạ văn Sĩ
Nơi ấy, biển ở phía Tây… - Nguyễn Thanh Xuân
Làng ngựa Đức Hoà - Lê Phú Khải
Đất phèn - Lê Phú Khải
Về xứ nhãn tiêu hồng - Trần Đổ Liêm
Báo động một tuyến đường huyết mạch - Trần Đổ Liêm
Ghi lại CUỘC TRIỂN LÃM tháng 9 & 10/1996. - Dương Ðình Hùng
Dự đám cưới xứ ngòai… - Dương Ðình Hùng
Về thăm Đất Mũi - Lê Phú Khải
Xa Đầm Thị Tường - Nguyễn Ngọc Tư