Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.124
123.228.278
 
Nguyên Sa: Thơ thời hải ngoại
Nguyễn Vy Khanh

 

 

 

Nhà thơ Nguyên Sa tên thật Trần Bích Lan, sinh ngày 1-3-1932. Còn dùng bút hiệu Hư Trúc, Đoàn Vũ, Đoàn Văn. Ông chủ trương tạp chí Hiện Đại (1960), Nhà Văn (1-1975, cùng Trần Dạ Từ) và cộng tác với nhiều tạp-chí văn học nghệ thuật khác. Sĩ quan khóa 24 Trừ bị Thủ Đức và phục vụ tại trường Quốc gia Nghĩa tử. Năm 1975, di tản sang Pháp, 1978 định cư ở Hoa-Kỳ. Làm báo (Đời, Phụ Nữ Việt-Nam, Dân Chúng), làm xuất bản (Cơ sở Đời) và mở trung tâm băng nhạc. Ông mất tại Quận Cam, California ngày 18-4-1998, tên thánh Giu-Se.

  Tác phẩm xuất bản ở hải-ngoại - do NXB Đời: Giấc Mơ (truyện dài, 3 quyển, 1992-1994) – 20 Khuôn Mặt Nghệ Sĩ Việt-Nam Ở Hải-Ngoại (nhận định, 1993) - Nguyên Sa Tác-Giả và Tác-Phẩm tập 1 (1991); II (1998) - Thơ Nguyên Sa tập II (1988), tập III (1996), tập IV (1998), Hồi-Ký (1998. 412 tr.), Cuộc Hành Trình tên là Lục Bát (tuyển tập thơ và bài viết; 1999) và Thơ Nguyên Sa Toàn Tập (2000).

*

Khi ra hải ngoại, Nguyên Sa bị nghiệp làm báo và thương mại theo đuổi nhưng hình ảnh đẹp của Nguyên Sa nhà thơ tình yêu vẫn còn đó. Nguyên Sa tiếp tục làm thơ nhưng không còn được người đọc đón nhận như nhiều thập niên trước đó. Người tuổi trẻ với ngôn ngữ, tâm thức khác, có thể hết cùng cảm nhận vì không còn cùng tần số. Tuy vậy, thơ Nguyên Sa vẫn đặc biệt hay, độc đáo, vẫn và sẽ luôn có địa vị trong lịch sử thi ca Việt Nam.

Thời hải ngoại, Nguyên Sa vẫn đều đặn đến với Nàng Thơ. Và đã xuất bản Thơ Nguyên Sa tập hai năm 1988 gồm những sáng tác từ 1966 đến 1988, tập ba năm 1996 và tập 4 năm 1998 gồm thơ từ tháng 10-1995 đến 4-1998 xuất bản năm 1998 đang chuẩn bị in thì nhà thơ qua đời. Năm 2000, NXB Đời tuyển in Thơ Nguyên Sa Toàn Tập gồm 2 tập (1 và 2, 3 và 4).

Thơ giai đoạn sau 1966 nếu không hiện thực chiến tranh, sinh hoạt thì cũng lý giải về hiện sinh, cuộc đời; nhưng sau 1975 thì rõ là của một tâm hồn đã chín, sầu đời, pha tín ngưỡng và triết lý, rõ ra thuần tuý Đông phương. Hãy nghe tâm sự của kẻ thua, buồn nản, trong tập 2:

"Ta ngồi so kiếm một mình

Kẻ thua người thắng cuối cùng vẫn thua"

(So Kiếm)

"Ta ngồi nhìn cánh tay xâm

Hỏi thăm đời trước, truy tầm kiếp sau

Mang về mấy chục đầu lâu

Luân hồi chắc đứt, nỗi sầu còn nguyên"

(Tay Xâm)

Của kẻ sống lưu đày:

"Trời trên đất khách buồn vô hạn

Trăng rất quen mà vẫn chẳng quen"

(Mạt Lộ)

Nơi xứ người, nếu không nhung nhớ về một khung trời đã mất, thì chữ tình lụy đến nhà thơ, ông dĩ nhiên đã bớt da diết và mộng mơ. Hình tượng "em" cũng hiện thực hơn:

"Em vào tắm dưới hoa sen

Những khe nước chẩy những miền hải lưu

Những thuyền lạc dưới trời sao

Hỏi em hay hỏi hoa đào của anh

Chỗ đào có lá sen xanh

Bờ xa cỏ thấp nghiêng mình dáng sông

Tuyệt vời giữa một giòng trong

Đầu sông tóc ướt, lưng vòng biển khơi"

(Hoa Sen Và Hoa Đào)

Cảnh chờ đợi, gần với phim ảnh Hoa-Kỳ. Hết còn những mong mỏi nôn nao, mà người yêu cũng nhẹ quan trọng cho đời "chàng":

"Chờ em ở góc cây xăng

Em không thấy tới ta nằm trong xe

Nhạc buồn ta vặn thật to

Sao buồn không vỡ sao ta vẫn còn?"

(Chờ Em)

Tình vợ chồng có trãi qua thời gian, người tình vẫn “gầy” vẫn còn hương vị tình ái – cũng như những vần thơ ngày cũ:

“Em ốm nghe trời lượng đã hao

Em ngồi trong nắng mắt xanh xao

Anh đi giữa một ngàn thu cũ

Nhớ mãi mùa thu bẽn lẽn theo

   Anh nhớ sông có nguyệt lạ lùng

Có trời lau lách chỗ hư không

Em tìm âu yếm trong đôi mắt

Thấy cả vô cùng dưới đáy sông

   Anh nắm tay cho chặt tiếng đàn

Tiếng mềm hơi thở, tiếng thơm ngoan

Khi nghe tiếng lạnh vào da thịt

Nhớ tiếng thơ về có tiếng em” (Em Gầy Như Liễu Trong Thơ Cổ)

 

Tập 3 rời xa vùng trú ẩn của tình yêu, đến nơi không thể không đến của kiếp nhân sinh, gồm nhiều bài sáng tác sau khi phải giải phẩu ung thư cổ họng, dù bình yên hồi phục nhưng như ông cho biết “dấu vết của sự giải phẩu và hậu quả của nó đã làm tôi suy yếu nhiều. Trong hoàn cảnh của tình trạng đó, đột nhiên tôi nhận thấy tôi đứng trước bờ vực của sự chết, và giới hạn của kiếp người đã hiện ra. (...) Nói về cái chết, trong ý niệm triết học, thì đó là một cõi xa xôi không làm ta xúc động, nhưng cái chết như một sự việc cụ thể đã gắn liền vào cơ thể làm ta xúc động” (tr. 440, 441).

Tháng 8-1988, sau khi giải phẩu ung thư cổ, ông có bài Hậu Giải Phẫu:

“Cửa biển vào đầy gian phòng

Từng giọt nước mặn chạy vòng tới tim,

Ta mơ hồ thấy giọt quen,

Giọt thơ tuổi trẻ, giọt em ngày nào,

Mơ hồ trăm lưỡi nghịch đao

Ðâm vào cổ họng, chém vào thịt da,

Giây trời trói ngọn núi thua,

Mơ hồ vũ trụ lúc chưa khởi đầu.”

 

Từ một tiếng hát được cất lên, âm thanh vang vọng lúc đơn, lúc bè, nhà thơ đêm không ngũ được, nghe như đến với trái tim, đã như là những huyễn động thời gian phức thể, từ quá khứ đến hôm nay, từ nay phóng đến tương lai và quay ngược chiều lại, từ hiện thực chiếu lên những đồ vật phản ảnh rồi đi ngược lại, khiến nhà thơ tưởng chừng ảo tưởng vượt hiện thực của lời ra ngoài và như đạt đến vô ngôn:

Trái tim đang cất tiếng hát, em nói chàng chưa ngủ.

Không phải đâu em, chàng ngủ say lắm rồi đó. Trái tim vẫn có thói quen ca trong khi ngủ. Nó là sinh vật có khả năng hát dù thức hay ngủ.

Em lắng tai nghe, em nói dường như cả tiếng bè (...)

Chuyển động là một tổ chức. Có đồng cỏ. Có hoa vàng. Có nụ hôn. Có biển. Có biển lớn hơn biển. Có đam mê lớn hơn đam mê. Có bầu trời ngoài bầu trời. Có những tiếng nói không có nghĩa. Tiếng nói có thực sự có những ý nghĩa mà chúng ta gán cho nó chăng? Tiếng nói thực sự có ý nghĩa gì chăng? Có tiếng thở rạo rực. Có tiếng nói ở ngoài tiếng nói.

Hôm nay trái tim bỏ đi thật sớm. Nó nói hôm nay nó về trễ. Mà nó về trễ thật. Nửa khuya đã trôi qua từ lâu. Trái tim đã đi qua những đâu? Có tới đồng cỏ không? Sao tổ khúc có bài đồng cỏ? Có tới biển không? Đó là biển hay biển lớn hơn biển? Sao những tiếng vang trong từng vi ti huyết quản thẳm sâu hơn biển? Bầu trời ngoài bầu trời ở đâu? Đam mê lớn hơn đam mê ở đâu? Thế giới của những tiếng nói ở ngoài tiếng nói ở đâu?

Em không trả lời./ Cám ơn em.

Em đã nằm xuống bên chàng. / Cám ơn em.

Em đã đi vào buổi bình minh trong veo

Ở trong giấc ngủ.

Em đã cất lên tiếng hát.

Có cả tiếng bè,/ Cám ơn em” (Tiếng Hát, 3, tr. 406, 410-412)

Ở các tập đầu cũng như tập 3, Nguyên Sa dành cho bạn hữu như Mai Thảo, Trần Dạ Từ, Du Tử Lê, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Xuân Hoàng, Niên, một số bài thăm hỏi, nhắc nhở những ngày xưa nay thân ái.

*

Nhà thơ bị giải phẩu ung thư bao tử từ tháng 6-1997, rồi hóa học trị liệu, “nằm lơ mơ trên giường cả ngày, trạng thái bồng bềnh, không ý thức trong sáng tuyệt đối, không chìm sâu trong vô thức” (tr. 540) mà thơ đã trở lại. Ở những ngày tháng cuối đời, nhà thơ đã có “Những Bài Thơ Cuối” sáng tác đầu năm 1998 - được in lại trong phần cuối Thơ Nguyên Sa Toàn Tập 3-4, bộc tả tâm thức trung thực, lòng yêu người (người vợ, người thân và bạn hữu), yêu đời và đã để lại một vài thông điệp, nhắn nhủ cho người yêu thơ ông tư nhiều thập niên qua.

Khi trãi qua những ngày hóa học trị liệu, nhà thơ đã nghĩ đến tử biệt sinh ly:

"Khi những chiếc lá phong ngả sang màu rượu chát,

Vào tuần lễ thứ nhì,

Tôi biết cây phong nghĩ gì.

Tôi biết cây phong đứng ở trước cửa bệnh viện nghĩ gì

Khi những chiếc lá phong buông tay ra,

Làm thành những vòng tròn nhỏ,

Những chiếc lá phong màu rượu chát rơi xuống một vị trí tên là mặt đất,

Gió đưa những chiếc lá phong sang một vị trí khác cũng tên là mặt đất,

Như thể vật nào cuối cùng cũng chỉ có cùng một tên... "

(Hóa Học Trị Liệu, tr. 575)

Cho nên khi nhà thơ được trở về nhà, Ngày Khỏi Bệnh diễn tả tâm trạng hân hoan ông dùng thể loại lục bát thân quen:

Thương ghê màu áo hoa cà

Mộng mơ bật sáng trên da thịt người,

Anh nhìn chỗ rẽ đường ngôi

Nhìn hân hoan mới giữa trời mùa thu,

Em cười khép lại chân co

Anh vừa đau dậy xin cho nằm cùng,

Mùa thu vô thủy vô chung

Xin em hoa cỏ tận cùng hoang sơ.” (tr. 459)

 

Nhà thơ đã nghĩ nhiều đến quê hương, đến cố hương nơi sinh quán chưa bao giờ trở về từ thuở sang Pháp du học và đến quê hương chưa hề trở lại từ khi ly-hương năm 1975. Nỗi niềm nhung nhớ quê hương thường đến khi chuẩn bị đón Tết, trong trường hợp nhà thơ vào thời điểm Tết năm 1998, đã rất buồn và vô tình như tiên tri về những ngày tháng cuối một cuộc đời:

Nửa khuya nàng đánh thức tôi dậy, nói dậy đi, dậy đi, giao thừa rồi, tôi ngồi dậy, chúng tôi mặc quần áo mới, chúng tôi thắp nhang, chúng tôi ngồi uống trà với nhau, ngồi tựa lưng vào nhau, hát cho nhau nghe bằng ánh sáng của những ngày mới gặp nhau,

Khi nàng quay đầu lại tôi thấy mắt nàng đỏ hoe, mắt nàng ngơ ngác giống như mắt con vành khuyên một mình, để định hướng, bay theo những màu vàng của một rừng mai,

Tôi thật sự không có ý niệm gì về màu vàng, khu rừng mai và con chim ngơ ngác đó. (...)

Tôi không biết sau đó chúng tôi đổi chỗ,

Con chim đứng làm pho tượng tuyết và tôi bay lượn trên không trung,

Trên những màu vàng

Của khu rừng mai trong kiếp khác”

(Tết ở Wichita Falls, tr. 544, 545)

 

Nghĩ đến ngày rời bỏ trần gian, khi đã thành tro bụi, khi được hỏi nơi thả tro, thoạt đầu ông ngõ ý “anh muốn em... cho anh hai vị trí, ở ngang sông Hồng và chỗ tả ngạn sông Seine” nhưng rồi cuối cùng anh chỉ xin em ném dùm anh xuống những mảnh đất đầu đời: chỗ bãi phù sa anh tắm mỗi chiều, con lộ mỗi ngày chúng mình cùng nhau đi học”. Và nhà thơ xem đó như là một sự Thủy Chung trọn vẹn nhất.

Suốt cuộc hành trình đời, Nguyên Sa luôn có người vợ trung thành dõi bước cùng chia vui xẻ buồn, những ngày tháng cuối cuộc đời, nhà thơ luôn nghĩ đến bà như hy vọng, như kỷ niệm không thể lạt phai: 

"Em làm cho tà áo lượn bay màu trắng ở quê hương xưa

trở thành màu hồng

Em làm thắp lên ngọn bạch lạp vào buổi sáng

ở trong lớp học

trong những giờ khắc yêu đương" (Ký Ức, tr. 555)

Có những việc tưởng chừng tầm thường có khi trong một số hoàn cảnh, trở nên thành tố của suy tưởng và có thể, của một “ngộ” và tỉnh ngộ:

Lau khô một bông hoa không phải chỉ là động tác của tay. Công việc đòi hỏi sự chú ý của thị giác, sự nhịp nhàng của hô hấp và cả sự di chuyển trong một không gian (...).

Anh vẫn nhớ lời em dặn. Muốn mang lại sự ấm áp cho hoa, lau khô đài hoa, nhụy hoa và cánh hoa không đủ. Cần phải làm khô cành nhỏ, phải làm khô cành lứn, rồi lau thân cây. Sau đó là khu rừng.

Đúng thế, sự ẩm, ướt cũng như bất hạnh và hạnh phúc, là hiện tượng toàn diện. Anh đã lau khô xong đài hoa, nhụy hoa, cánh hoa, cành cây lớn và nhỏ, và thân cây.

Bây giờ thì đã xong cánh Đồng của khu rừng.

Trong khi trời vẫn mưa tầm tã” (Hiện Tượng Toàn Diện, tr. 462)

 

Nhà thơ bị những chia lìa, hiu quạnh, hư vô, cái chết,... thường trực ám ảnh. Trong bài Chân Dung:

Lúc này tôi quá bận, tôi phải chụp hình hư vô,

Tôi phái làm đúng theo giao ước, chụp chân dung của hư vô,

Lúc rảnh tôi có chụp thêm chân dung của người anh em song sanh của nó là trống rỗng (...)

Tôi nhất định chụp được hình hư vô giống như kiểu mẫu,

Trước khi, đúng theo giao ước, hư vô chụp được hình tôi,

Giống y chang như nó” (tr. 520)

Hiu quạnh biết đứng trong đêm,

Biết buồn như cỏ, biết nhìn trăng soi,

Ban đêm là hiu quạnh tôi,

Ban ngày có cả một đời quạnh hiu,

Bỏ tay vào túi buổi chiều,

Lấy ra hiu quạnh với nhiều bản thân,

Còn hiu quạnh chỗ mộ phần,

Tấm bia màu trắng mấy lần quạnh hiu?..” (Hiu Quạnh, tr. 512)

Cả những chuyến tàu – nay không còn là những chuyến tàu tình ái thời trai trẻ: “Tôi trân trọng mời em dự chuyến tàu tình ái... Trân trọng mời em cùng đi, cùng khai mạc cuộc đời(Mời), và cũng “không có chuyện chuyến tàu của tuổi thơ chạy viên miễn trong trí nhớ không bao giờ dừng lại” (Chuyến Tàu và Chuyện Trang Điểm của Trái Đất, tr. 508), mà là những chuyến tàu thời gian, định mệnh, về cõi vô thường,...

“Thời gian thực sự là một chuyến tàu,

Qua sự di chuyển nó cho thấy khởi đầu và tận cùng của cánh đồng cỏ.

(...) Thành ra khi tới sân ga hành khách không bỡ ngỡ khi nhìn thấy phía trước và phía sau của hư vô” (Chuyến Tàu, tr. 525)

Con sông cũng trở nên cái cớ cho triết lý lên ngôi:

"Suối cạn là nghĩa trang biết thở dài của dòng sông

Sa mạc là nghĩa trang khác, nghĩa trang biết khóc của dòng sông

Vật nào cũng có hai nghĩa trang

Một vật bao giờ cũng có hai tên

Tên nó và tên ước mơ của nó

Nghĩa trang của nó và nghĩa trang của ước mơ

Có lúc tôi thích được gọi bằng tên tôi

Có lúc tôi thích được gọi bằng tên ước mơ của tôi

Đó là lý do tôi ký tên em khi làm thơ" (Con Sông, tr. 567)

 

Nguyên Sa can đảm trước cái chết khi bệnh tật không lối thoát, mà ngay khi còn trẻ ông cũng đã suy niệm và mạch lạc đối diện một cách thơ và nhân bản: 

“Anh cúi mặt hôn lên lòng đất

Sáng ngày mai giường ngủ lạnh côn trùng

Mười ngón tay sờ soạng giữa hư không

Đôi mằt đã trũng sâu buồn ảo ảnh

   Ở trên ấy mây mùa thu có lạnh

Anh nhìn lên mái cỏ kín chân trời

Em có ngồi mà nghe gió thu phai

Và em có thắp hương bằng mắt sáng

   Lúc ra đi hai chân anh đằng trước

Mắt đi sau còn vương vất cuộc đời

Hai mươi năm, buồn ở đấy, trên vai

Thân thể nặng đóng đinh bằng tội lỗi

   đôi mắt ấy đột nhiên buồn không nói

đột nhiên buồn chạy đến đứng trên mi

Anh chợt nghe mưa gió ở trên kia

Thân thể lạnh thu mình trong gỗ mục

   Anh chợt ngứa nơi bàn chân cỏ mọc

Anh chợt đau vầng trán nặng đêm khuya

Trên tay dài giun dế rủ nhau đi

Anh lặng yên một mình nghe tóc ướt

   Nằm ở đấy, hai bàn tay thấm mệt

Ngón buông xuôi cho nhẹ bớt hình hài

Những bài thơ anh đã viết trên môi

Lửa trái đất sẽ nung thành ảo ảnh”

(Lúc Chết, Tập 1, tr. 30)

*

Thơ Nguyên Sa thời hải ngoại vẫn chăm chút con chữ và nhịp điệu cũng như nội dung, ý thơ, và trên hết, từ đầu thập niên 1950 cho đến khi mất, ông luôn giữ cho thơ mình nét đặc trưng và độc đáo “Nguyên Sa” từ thơ tình ra đến thơ thời sự, xã hội, ở hơi thơ, ở hình ảnh, ở nét trung thực, nhập cuộc hết mình... Như ông đã viết trong Cuộc Hành Trình tên là Lục bát:

“Tôi thích được giới thiệu bằng cách đọc lên một bài thơ Nguyên Sa. Đó là cách giới thiệu được cả Nguyên Sa ý thức và vô thức, cho thấy bản ngã của người làm thơ tương đối đầy đủ nhất, cả bản ngã đã có, bản ngã đang có, và bản ngã muốn có. Những bài thơ khác biệt mang lại bản ngã khác biệt trong thời gian. Làm thơ với tôi bao giờ cũng cần có cảm hứng, có cảm hứng mới làm được thơ, không có cảm hứng thì chịu thua. Cảm hứng đưa tôi vào thơ, thời gian này, cũng như từ hơn bốn thập niên, luôn luôn đến từ xúc động chân thực. Lúc hai mươi tuổi, đam mê tình ái mang thơ lại cho tôi. Khi tuổi già đã tới, cánh cửa của một đời người sắp khép kín lại, những xúc động của những ngày tháng đối diện với sự thật của kiếp người, một cuộc tình hồi tưởng lại, một cuộc tình mơ ước, giọt sương mai mong manh, cơn mưa đến muộn, buổi hoàng hôn nơi quê người, người bạn thâm niên bỏ đi vĩnh viễn, là nguồn cảm hứng hôm nay của tôi. Cảm hứng này xây trên xúc động chân thực luôn luôn đổi mới, cùng với kỹ thuật thi ca có suy nghĩ, giúp cho sáng tạo tránh khỏi nhắc lại chính mình....”. Thơ tình của ông đã và sẽ vẫn sống động với người yêu thơ và với những tình nhân - ngày nào còn có những người yêu nhau! Suốt cuộc hành trình thi ca, Nguyên Sa đã sáng tạo, luôn tự nhiên và độc đáo cũng như làm đẹp và làm mới ngôn ngữ thơ.

11-2014

[. Nhà Văn Việt-Nam Hải-Ngoại. NXB Nhân Ảnh, 2020]

 

Nguyễn Vy Khanh
Số lần đọc: 1291
Ngày đăng: 01.08.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những cái “tôi” và tiếng lòng của Trần Bảo Định - Trương Văn Dân
Về cách-tân tiểu-thuyết - Nguyễn Vy Khanh
Hoa Nhài và những vui buồn quanh hoa Nhài - Nguyễn Anh Tuấn
Trò chuyện với thiên thần, Lắng nghe. Dừng lại và Suy ngẫm - Elena Pucillo Truong
Đặng Đình Hưng, đời của thơ… - Đỗ Quyên
Tư tưởng - Võ Công Liêm
Khoa học và tôn giáo - Võ Công Liêm
Vụ án hơn 900 năm trên hồ Mù Sương - Nguyễn Anh Tuấn
Thế giới ngủ trong đường viền và giấc mơ con chữ - Nguyễn Tiến Nên
“Quên Tô Thùy Yên thì quá tệ đấy…” (Hay là vấn đề 3 nhà thơ) - Đỗ Quyên
Cùng một tác giả
Thơ Du Tử Lê (tiểu luận)
Thơ Hôm Nay (phê bình)
Lục Bát Huy Tưởng (nghệ thuật)