Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.213
123.206.747
 
Đêm coi hát bội,tuồng cổ ở Huế
Trang Thùy

Các nghệ sĩ chụp hình lưu niệm sau đêm diễn

 

     Cũng háo hức ăn cơm tắm rửa thiệt sớm, cũng gọi nhau í ới và tò mò xớ xênh bên các cô chú nghệ sĩ coi các cô chú ấy hoá trang, thích ngắm nghía những bộ áo xống sặc sỡ sắc màu được đính bằng kim tuyến và những hột cườm óng ánh muôn hồng nghìn tía. Đó là tôi của tuổi không còn lên sáu lên mười như hồi xưa nữa nhưng niềm mê thích coi cải lương hát bội không bao giờ ngừng cháy bỏng trong tôi.

     Được biết, nhân dịp kỉ niệm 30 năm thành lập đoàn hát bội, tuồng cổ Ngọc Khanh nên hôm nay các nghệ sĩ từ khắp nơi trở về Huế, nơi có điểm Di tích Thanh Bình Từ Đường nằm trong kiệt 281 đường Chi Lăng phường Phú Hiệp. Sau khi làm lễ dâng hương lên Tổ nghề các nghệ sĩ đã cùng nhau trình diễn phục vụ bà con suốt hai đêm 24 và 25 tháng 7. 2020.

 

     Náo nức cả ngày nên hôm nay tôi quyết định tạm gác lại công việc của mình để đến đây thật sớm. Như một thói quen của ngày thơ, điều tôi thích nhất là được ngắm nhìn các nghệ sĩ hoá trang trước lúc biểu diễn. Tuỳ vào mỗi nhân vật các nghệ sĩ sẽ hoá trang sao cho thật giống, biểu hiện của nhan sắc xinh đẹp, thướt tha yêu kiều, oai phong lẫm liệt hay là gian manh độc ác...

     Ngày bé, mỗi lúc đi coi hát tuồng bao giờ tôi cũng thắc mắc:"Ôi, sao ông đó để râu dài và dày đến vậy nhỉ"! Hay là: "Chả lẽ họ phải cạo hết tóc mỗi lần đóng vai đi tu hay sao, nếu vậy thì thương các nghệ sĩ quá. Hồi đó thật tình thích đi coi chơ nhiều khi cũng chẳng hiểu hết nội dung của vở tuồng vì hầu như đến nửa phần hoặc hơn một chút là đã díp mắt rồi ngủ rồi. Thường gánh hát sẽ mượn chỗ diễn tại góc sân đình, hoặc là sân phơi của hợp tác xã, khán giả thì đủ độ tuổi già trẻ nam nữ.
     Với những đôi lứa yêu nhau thì đây là một dịp hẹn hò lý tưởng, với lũ trẻ con thì đây là dịp được đi coi mấy ông bà diễn viên mặc đồ đẹp lại vừa được uống nước đá, ăn xi rô hay miếng dưa hấu, gói đậu phụng luộc. Với các ông bà lớn tuổi thì chu đáo mang theo cái quạt mo, quạt xếp và kẹp bên túi áo gói Cẩm Lệ để vừa coi vừa bập bập phì phà.

     Sướng nhất là mỗi lần diễn viên diễn xong một đoạn lấy nhiều nước mắt của các bà các cô hoặc một đoạn nào ca mùi mẫn, khán giả lại đến ném tiền lên sân khấu rầm rầm. Sau này lớn lên tìm hiểu tôi mới biết đó là một cách bày tỏ lòng yêu quý nghệ sĩ của bà con. Họ có thể ném những bông hoa, những chiếc quạt... hoặc là hiện kim bao nhiêu tuỳ tâm của khán giả ngoài tiền vé vào xem. Vì những lúc như thế họ không có sự chuẩn bị gì cả, chỉ những chiếc quạt đem theo bên mình và tiền đôi khi dù chỉ là những đồng tiền mệnh giá nhỏ cũng là một sự tỏ bày rất mộc mạc chân tình. Và điều đó là một sự động viên khích lệ cho các nghệ sĩ rất nhiều, là động lực để các diễn viên nghệ sĩ sống hết mình cho nghệ thuật.

 

     Họ như những kiếp tằm rút ruột, cống hiến cho khán giả những trận cười vỡ bụng hàng đêm, những giọt nước mắt thổn thức, hay thót tim theo những pha múa đao múa kiếm. Nào ai biết đằng sau những vai diễn vương triều công tướng, lụa là gấm vóc xa hoa, phía sau cánh gà là những nỗi lo cơm áo gạo tiền. "Đời nghệ sĩ chỉ thế thôi!". Nào ai biết đâu để có những đường nét "mặt hoa da phấn", nhan sắc tuyệt trần diễm lệ ấy người nghệ sĩ đôi khi phải trả giá bằng sự nhanh lão hoá của làn da bởi những mỹ phẩm bôi vào thật đậm. Khát khao cống hiến hết mình cho nghệ thuật, niềm đam mê nghiệp diễn khiến họ chỉ có một khát khao thật lớn, đó là thanh sắc luôn toả sáng mỗi khi xuất hiện trước công chúng. Mấy ai biết rằng đằng sau mỗi vai diễn là những nỗi vất vả cơ cực, đôi khi vừa đem lại tiếng cười cho khán giả ít giây sau họ đã nước mắt lã chã rơi sau cánh gà. Những chuyến lưu diễn rày đây mai đó nếu ai có được sự cảm thông của gia đình thì đó là niềm hạnh phúc còn không thì cuộc sống hôn nhân của các nghệ sĩ thường không được như ý muốn. Đó phải chăng cũng là một sự hy sinh quá lớn của người nghệ sĩ khi quyết định dấn thân vào nghiệp diễn đã biết trước những gai góc trên con đường mình đã chọn nhưng vì niềm yêu nghề nên họ không ngần ngại vượt qua.

 

     Với họ, được cống hiến hết mình cho khán giả, được cháy hết mình trong mỗi đêm diễn đã là một hạnh phúc lớn lao. Phải chăng niềm hạnh phúc ấy là hàng đêm được thấy khán giả đủ mọi lứa tuổi ngồi lót dép dưới bãi cỏ, mắt hướng lên sân khấu, khóc cười với từng nỗi bi hài của vở diễn, với những chiếc quạt được ném lên sân khấu đầy nhiệt tình hâm mộ, đó là một động lực cho người nghệ sĩ dù gặp muôn điều cam go trong cuộc đời nghệ thuật vẫn không thể nào cho phép mình được rứt ra khỏi ánh đèn sân khấu mỗi khi màn đêm buông xuống, tấm màn nhung mở ra như mở ra một thế giới huyền ảo đầy khuyến dụ và lôi cuốn.

 

     Cũng như hôm nay, tôi và các bạn lại háo hức đón đợi các tiết mục của các nghệ sĩ. Và không để chúng tôi chờ đợi lâu, tất cả các trích đoạn các nghệ sĩ thể hiện đều rất thành công. Có những tiếng cười, có những phút giây im lặng, thẩm thấu, cũng có những tiếng sụt sịt. Và tiếp theo một bác tay mang một chiếc bì thư với một số tiền, bác đặt trân trọng lên sân khấu, lặng lẽ tôi cũng đem một số tiền nhỏ đặt lên sân khấu và sau đó những bạn trẻ chung quanh tôi được mấy bà mấy bác giải thích và khuyến khích họ đã mạnh dạn hơn, thay vì ném những chiếc quạt có kèm tiền lên sân khấu, họ đã đi mua đũa tre mới rồi cột tiền vào những chiếc đũa tre và ném lên, lòng tôi bất giác nghe một niềm hân hoan dâng ngập lòng. Hình thức tặng tiền ấy trong nghệ thuật Ca Huế gọi là thướng. Ca Trù ở miền bắc thì ném thẻ có ghi mệnh giá tiền vào chiếc chậu đồng trước sàn diễn để thưởng ca nương; thẻ ấy gọi là trù. Sauk hi kết thúc chương trình ca Trù, ai ném thẻ thì vào gởi tiền cho ban tổ chức.

     Vậy là khán giả Huế đã không quay lưng với nghệ thuật sân khấu, họ rất trân trọng những sự cống hiến hết lòng cho nghệ thuật mà ca Huế, cải lương, hát bội, hát chèo, ca trù... là những nền văn hoá phi vật thể của mỗi vùng miền trên đất nước Việt Nam ngàn đời văn hiến cần được gìn giữ và phát triển theo sự chuyển mình ngày càng mạnh mẽ của đất nước.

     Trong lúc tôi vẫn còn lâng lâng với những cảm xúc còn đọng lại của tiết mục biểu diễn của các diễn viên thì nghệ sĩ Phương Trinh đã lặng lẽ cùng đoàn thu dọn hành lý để lên đường, chúng tôi chỉ kịp chào nhau bằng cách nhắn tin qua điện thoại. Mặc dù chỉ vừa mới biết nhau không lâu nhưng sao lòng tôi nghe một niềm quyến luyến khôn cùng. Cô đi vội vàng quá bỏ lại tôi với nổi ngẩn ngơ tiếc nuối chưa kịp thực hiện ý định mời cô một lần món Huế quê tôi.

     Đời nghệ sĩ rày đây mai đó, mặc dù biết là vậy nhưng tôi tin rằng biết đâu cũng sẽ có những sự hữu duyên về sau, tôi lại được nghe giọng cô mềm mại ngọt ngào, nhan sắc cô toả sáng trên sân khấu. Lòng ngập tràn nỗi xúc động, tôi viết bài này như một lời tri ân của tôi gởi đến quý cô chú anh chị em nghệ sĩ. Tôi muốn các cô chú ấy biết rằng khán giả Huế rất yêu mến các cô chú nói riêng, nghệ thuật sân khấu nói chung và luôn mong một ngày gần lại được đón đoàn về trình diễn trên đất Cố đô.

     Viết đến đây bất chợt tôi có ý nghĩ giá như nơi cây đa trước từ đường Thanh Bình này, thỉnh thoảng Nhà hát Nghệ thuật Cung Đình Huế cũng diễn hát tuồng phục vụ khán giản Huế thì hay biết bao! Vì dân Huế, tuổi trẻ Huế vẫn có người yêu thích tuồng như thực tế hai đêm tại đây đã cho thấy. Mấy chục năm nay khi đoàn tuồng Huế bị giải thể, người dân Huế gần như không biết chi đến bóng dáng tuồng mặc dầu thành phố Huế có Nhà hát Nghệ thuật Cung Đình Huế. Giữa Nhà hát Nghệ Thuật Cung Đình Huế và người dân Huế mê tuồng đang có một khoảng cách khá xa!

     Riêng tôi rất cám ơn đoàn tuồng cổ, hát bội Ngọc Khanh vì những cung bậc cảm xúc các nghệ sĩ mang lại trong đêm diễn như đưa tôi quay về thế giới tuổi thơ của mình - một đứa trẻ mê coi hát bội, cải lương lại có tật hay ngủ gục giữa buổi. Vậy mà cũng đã ngót nghét hơn ba mươi năm rồi, nay lòng tôi lại rộn rã theo từng tiếng trống chầu thúc giục, theo từng lời ca buông lơi, bay xa, bay xa...!

 

 

Trang Thùy
Số lần đọc: 1213
Ngày đăng: 06.08.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tổng quan bẩy nhà hát-đoàn Tuồng hiện nay. - Tuấn Giang
Tuồng sau đổi mới. - Tuấn Giang
Sự ra đời sân khấu tuồng. - Tuấn Giang
Mục Đích Bảo Tồn Vở Diễn, Vai Diễn Kinh Điển Sân Khấu Truyền Thống - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 13 hết - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 12 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 11 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 10 - Tuấn Giang
Sống Chụ Son Sao 7 - Nguyễn Khôi
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 12 - hết - Tuấn Giang
Cùng một tác giả
Mùa nấm mối (truyện ngắn)
Mít vườn nhà (truyện ngắn)
Ngày mùa (tạp văn)