Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.133
123.227.836
 
Đọc bài “Daddy” của Sylvia Plath
Đỗ Quý Dân

 


Daddy, tựa bài thơ nổi tiếng của Sylvia Plath, là ngôn ngữ, âm thanh thân thuộc của một đứa con gọi bố. Gọi một cách yêu thương. Gọi như một đứa bé muốn nói chuyện với bố, muốn bố nghe nó kể chuyện. Đọc tựa bài thơ, ta không khỏi mong đợi ngôn ngữ trẻ thơ, đượm chất thương yêu từ tác giả.

Thật vậy, nếu ta vội không tìm hiểu ý nghĩa bài thơ, ngôn ngữ của bài Daddy nghe như ngôn ngữ của những bài thơ viết và đọc cho trẻ con mà người Mỹ gọi là “nursery rhyme”:

You do not do, you do not do
Any more, black shoe
In which I have lived like a foot
For thirty years, poor and white
Barely daring to breathe or Achoo.


“You do not do” (mày đừng làm vậy) là lời của trẻ con. “Achoo” (Hắt xì) cũng là ngôn ngữ trẻ con. Nếu chỉ có hai câu đầu:

Mày thôi nhé, mày thôi nhé
Đừng thế nữa nhé, giày đen…


Thì đúng là lời trẻ con, thật dễ thương!

Nhưng không phải thế. Đọc cả bốn câu, những tưởng là của trẻ con, lại trở thành lời buộc tội đầy tính chất oán hận của một kẻ bị áp bức gần như tới đường cùng:

Mày thôi nhé, mày thôi nhé
Đừng thế nữa nhé, giày đen
Nơi tao đã sống như một bàn chân
Trong ba mươi năm qua, trắng bệch và xác xơ,
Gần như không dám thở hoặc hắt xì.


Chiếc giày kia, giày của bố, đã như một nhà tù, nơi cô bé không dám thở mạnh hoặc hắt hơi. Nhà tù với một kỷ luật sắt thép, như kỷ luật nhà binh. Chiếc giày đen đó là chiếc giày lính.

Hai câu đầu của khổ thơ tới làm người đọc giật mình, dù vẫn giữ nguyên âm điệu thơ trẻ con:

Daddy, I have had to kill you.
You died before I had time --


Bố ơi, con phải giết bố.
Bố đã chết trước khi con có cơ hội --


Chỉ cần đổi vài chữ, hai câu này đã có thể trở thành những lời nũng nịu của một cô bé nói với bố:

Daddy, I have had to tell you.
You slept before I had time –

Bố ơi, con nói bố nghe.
Bố đã ngủ trước khi con kịp nói --


Chính cái âm hưởng của ngôn ngữ trẻ con đã làm cho người đọc có phản ứng mạnh hơn, phải hoảng kinh khi đọc lên những câu nói căm hờn, ác độc của đứa bé.

Nghệ thuật thơ Sylvia Plath nằm chỗ đó. Ngữ thanh và ngữ nghĩa xung khắc nhau một cách cực đoan, buộc người đọc phải tìm hiểu chiều sâu của người nói, để dần dà chính người đọc cũng đào, moi, khoét nội tâm của đứa bé để tìm hiểu sự thực. Bài thơ chứa đựng ngôn ngữ, âm điệu và hình ảnh của thơ trẻ con, của trẻ con, nhưng lại diễn tả sự căm hận cực đoan của một người đàn bà bị áp bức. Không gian thơ chợt biến thành một vùng tăm tối, đầy oán hận. Thơ trẻ con bỗng thành thơ tối nghĩa, ý thơ như bị một màn sương đục che khuất, một vài bóng hình ma quái chập chờn đâu trong đó, lúc ẩn, lúc hiện, đe dọa người đọc.

Chúng ta hãy đọc tiếp hai đoạn thơ trẻ con/đàn bà đầy căm hận kia:

Bố ơi, con phải giết bố.
Bố đã chết trước khi con có cơ hội --
Một cái túi đầy Thượng đế, nặng như đá,
Một pho tượng với ngón chân xám, trông phát khiếp
To như một con hải cẩu Frisco (1)



Và một cái đầu trong cái Đại Tây Dương quái đản
Nơi trận mưa đậu xanh đổ xuống biển xanh
Trong sóng khơi ngoài thành Nauset diễm lệ
Con đã từng cầu nguyện để vớt được bố.
Ach, du. (2)


Daddy như một tượng đá có ngón chân to như một con hải cẩu ở vịnh San Francisco. Daddy như một bao chứa đầy “chất Chúa”. Phải chăng Daddy sùng đạo, hoặc có thói quen đem Chúa ra dạy dỗ đứa con gái của mình?

Hai khổ thơ này lẽ ra phải dính liền nhau nhưng Sylvia Plath tách chúng ra để giữ thể nursery rhyme. Ngón chân to của Daddy nằm ở Frisco (viết tắt của San Francisco), tức về phía Thái Bình Dương, còn đầu thì nằm phía Đại Tây Dương. Như nhiều đứa trẻ khác, cô bé của Sylvia Plath có ấn tượng bố khổng lồ, và ấn tượng này, cùng với câu thơ tả mưa “đậu xanh” (ở đây là “green bean” tức đậu “haricot vert”) làm người đọc liên tưởng đến chàng khổng lồ Jolly Green Giant, chàng khổng lồ xanh lục, thương hiệu của hãng B&G Foods từ năm 1903, vẽ trên các lon đậu xanh (green bean) bày bán tại siêu thị. Sylvia Plath cố tình buộc người đọc phải thấy được cái trẻ con của cô bé kia, nhìn ra được những điểm trái ngược giữa sự thực và ấn tượng do âm thanh, (cách phát biểu) ngôn ngữ gây ra, để hiểu tại sao lại một cô bé lại oán hận bố như thế. Ở đây, Sylvia Plath gián tiếp biện hộ cho cô bé, cho chính bà. Người đọc phải sợ nhân vật bố thì mới thông cảm được cho cô bé, cho Sylvia Plath.

Thể chất của chàng khổng lồ Jolly Green Giant kia do những hạt đậu tạo ra. Khi những hạt đậu đó đã bị đổ xuống biển, chàng khổng lồ kia không còn là gì nữa, người bố khổng lồ coi như bị chìm xuống biển. Đó là điều cô bé kia mong muốn, nhưng cô vẫn cầu nguyện để cứu vớt bố, cứu vớt gã khổng lồ kia. Đây là biểu tượng cho những liên hệ thương-ghét, yêu-hận thường thấy trong những bi kịch của đời sống.

Rồi cô bé bỗng gọi bố bằng Đức ngữ: “Ach, du” (Ồ, bố). Người đọc đang chú tâm theo dõi nên hiểu cô đang chuyển đề tài, hiểu cô phải có dụng ý khi sử dụng ngôn ngữ mới.

(Ach, du - Ồ, Bố)

Thốt lên bằng tiếng Đức, trong cái thành phố Ba Lan
Đã bị ủi phẳng bằng trục lăn
Của những cuộc chiến, những cuộc chiến, những cuộc chiến.
Nhưng tên của thành phố rất quen thuộc.

Gã bạn Polack (3) của con

Nói cho con biết có hàng đôi hàng tá thành phố như thế.
Nên con không bao giờ có thể chỉ bố
Chỗ nào bố phải đặt chân, cắm rễ,
Con không bao giờ có thể nói chuyện với bố.

Lưỡi con đã dính chặt vào quai hàm.

Nó đã bị mắc vào cái móc của hàng rào kẽm gai
Ich, ich, ich, ich, (4)

Con gần như không nói được.
Con tưởng tên Đức nào cũng là bố.
Và cái ngôn ngữ thì thô tục.


Một đầu máy, một đầu máy

Phun con ra như phun một người Do thái.
Một người Do thái ở Dachau, Auschwitz, Belsen.(5)
Con bắt đầu nói như một người Do thái.

Con nghĩ chắc con chính là người Do thái.

Bốn khổ thơ này đưa người đọc đến những trại tập trung người Do Thái ở Ba Lan do Đức Quốc Xã lập ra: Dachau, Auschwitz, Belsen. Cô bé giờ buộc tội bố như cai tù của Đức Quốc Xã, đối xử với cô như tù nhân, như người người Do Thái. Sylvia Plath đã làm dư luận xôn xao và bị nhiều người lên án vì sự so sánh này. Cô bé trong thơ phải gọi bố bằng tiếng Đức, ngôn ngữ thô tục đối với cô, miệng cô như bị vướng hàng rào kẽm gai của trại tập trung, cô hầu như không mở miệng được nữa. Rõ ràng là Sylvia Plath mượn cô bé để buộc tội bố cô là độc tài, và cô sống đời cô như một tù binh. Những cái đáng lẽ phải là nguồn vui của cô (chiếc đầu máy xe lửa) lại đày đọa cô như những hình cụ, để rồi đưa cô vào tuyệt vọng. Cái đầu máy xe hỏa là hình ảnh làm người đọc liên tưởng đến cái xe hỏa đồ chơi mà trẻ con Mỹ gọi là “choo choo train”. Sylvia Plath dùng chữ “chuffing” (đang phun) để có cùng cách phát âm với “choo choo”, phải chu môi lên một cách rất trẻ con khi nói. Nhưng ở đây chiếc đầu máy xe hỏa (đồ chơi) lại phun … cô ra, hay đúng hơn là phun tro của cô ra, vì cô đã bị thiêu như những nạn nhân Do Thái trong các trại tập trung! Hình ảnh ghê rợn này khiến người đọc tự nhiên phải căm phẫn người bố kia, mặc dù không thực sự biết ông ta là ai.

Ta hãy đọc tiếp:

Tuyết trên rặng Tyrol, bia trong ở thành Vienna
Chẳng thanh khiết mấy, chẳng thực mấy.
Dựa trên cái vận số kỳ cục và tổ tiên gypsy của con
Và bộ bài Taroc và bộ bài Taroc (6)
Có thể con có chút máu Do thái.


Con luôn luôn hãi sợ bố,
Sợ cái Luftwaffe (7) của bố, cái giọng trúc trắc khó nghe của bố.
Và bộ râu tỉa gọn của bố
Và mắt Aryan (8) của bố, xanh sáng,
Lính panzer (9), lính panzer, Ôi Bố --


Không phải Thượng đế nhưng là một cái swastika (10)
Đen đến mức không bầu trời nào qua lọt.
Đàn bà ai ai cũng ngưỡng mộ tên Phát Xít,
Giày bốt đạp lên mặt, tên vũ phu
Quả tim vũ phu của một gã vũ phu như bố.


Sylvia Plath nhắc đến những nạn nhân khác của chính sách diệt chủng của Đức Quốc Xã, ở đây là những người du mục của Âu châu, thường được gọi là “gypsy” hay “bohemian”. Sylvia Plath nhờ cô bé ở nêu hết mọi tội trạng của bố cô ra cho cộng đồng thế giới được biết. Cái máu gypsy của cô tương phản với cặp mắt Aryan, giọng nói trúc trắc (vì sử dụng ngôn ngữ thô tục) của bố. Những danh hiệu Luftwaffe, Panzer, cái swastika (dấu hiệu Quốc Xã, giống chữ vạn trong Phật giáo xoay ngược) là bằng chứng cho thấy bố cô là một gã vũ phu, có trái tim lạnh. Trớ trêu thay, đàn bà lại ngưỡng mộ cái vũ phu ấy, cái Phát Xít ấy của đàn ông. Ở đây Sylvia Plath đặt ra vấn đề tâm lý: con người khi bị khủng bố thường đi đến tình trạng ngưỡng mộ kẻ khủng bố mình!

Bố đứng trước bảng đen, bố ơi,
Con có tấm ảnh đó của bố,
Vết chẻ ở cằm thay vì ở chân
Nhưng chẳng vì thế mà kém vẻ yêu ma quỷ quái, chẳng
Kém cái gã đàn ông mặt sắt đen xì



Đã từng cắn trái tim đỏ hồng, tươi đẹp của con ra thành hai mảnh. Khi người ta chôn bố, con lên mười.
Năm hai mươi tuổi con cố chết đi
Và để đáp lời, đáp lời, đáp lời bố.
Con đã tưởng chỉ cần mấy khúc xương cũng đủ.


Nhưng họ đã lôi con ra khỏi bao,
Rồi dán những mảnh của con lại bằng keo.
Và vì thế con biết con phải làm gì.
Con làm ra một hình tượng của bố,
Một gã đàn ông bận đồ đen với dáng điệu Meinkampf (11)


Và gã thích thú với những hình cụ dùng để đâm và để móc.
Và con đã nói “I do, I do.” (12)
Vậy nhé bố, con không chịu nổi nữa.
Cái điện thoại đen đã bị gỡ dây nối,
Những giọng nói không gặm xuyên qua như sâu ăn được nữa.


Đến đây Sylvia Plath tiết lộ cho chúng ta biết là bà, cô bé trong thơ, đã lấy mẫu mực của bố để tìm chồng. Ta cũng lờ mờ đoán là bà đã tự tử một lần nhưng không chết ("họ đã lôi con ra khỏi bao"). Cô bé muốn đáp lời bố bằng mấy khúc xương của chính cô! Người đọc chợt nhận ra cái đau khổ nghiệt ngã của những người đàn bà phải ngưỡng mộ những tên vũ phu, Phát Xít. Cái ấn tượng sâu đậm, dù là ấn tượng khủng bố, của con người kia đã in sâu vào cô, cô không thoát ra được. Và người đọc cũng vỡ lẽ tại sao cô phải giết bố. Chỉ giết bố, cô mới thoát được cái xiềng xích vô hình của khủng bố. Cô phải giết bố. Và cô phải giết chồng, cái gã đàn ông đã theo khuôn mẫu của bố, đã sử dụng những hình cụ để đâm, để móc vào cô, gã đàn ông với dáng điệu Hitler (tác giả của Meinkampf), gã đàn ông mà cô đã từng nhận lời làm vợ qua hai tiếng “I do”. Cô đã không chịu nổi nữa, cô phải cắt đứt mọi liên hệ với những kẻ đã khủng bố cô. Cô phải giết họ!

Nếu con đã giết một người, con đã giết hai người –
Con quỷ nhập tràng đã tự xưng là bố
Đã hút máu con cả một năm,
Bảy năm, nếu bố muốn biết.
Bố ơi, bố có thể yên nghỉ rồi.


Có một cái cọc đã cắm qua trái tim đen đầy mỡ của bố
Và người trong làng chưa bao giờ thích bố.
Họ đang nhảy múa và đạp lên người bố.
Họ luôn luôn biết cái xác đó là bố.
Bố ơi, bố ơi, bố là quân khốn kiếp, con chẳng còn gì để nói với bố nữa.


Ở đoạn kết này, Sylvia Plath tiết lộ cho người đọc bà đã bị chồng đày đọa bảy năm. Bà cũng tiết lộ đôi khi bà nhầm lẫn chồng là bố (con quỷ nhập tràng đã tự xưng là bố và đã “hút máu” bà cả bảy năm!). Vì là quỷ hút máu nên muốn cho nó chết hẳn đi, bà phải nhờ dân làng đâm cọc vào tim. Bố bà đã chết trước đó nhiều năm, và như quỷ nhập tràng đã sống lại qua thân hình chồng bà. Phải cắm cọc xuyên tim như đã được tả trong truyện Dracula thì con quỷ kia - bố bà trong thân xác chồng bà - mới có thể chết hẳn được.

Và con quỷ đó, Daddy, phải chết hẳn thì Sylvia Plath mới được giải thoát.

(1) Chữ viết tắt của San Francisco (Cựu Kim Sơn)

(2) Đức ngữ. Ach: Ồ, à. Du: anh, chị, bạn... Ở đây tạm dịch là Ồ, bố.

(3) Người Ba lan, gọi theo tính cách khinh bỉ, kỳ thị.

(4) Đức ngữ. Ich: Tôi. Ở đây tạm dịch là "Con, con, con, con". Sylvia Plath ngụ ý phải tự gọi mình bằng Đức ngữ bố bà mới hiểu được.

(5) Những trại tập trung người Do thái ở Ba Lan, nơi có những lò hỏa thiêu đã thiêu sống hàng triệu người Do thái.

(6) Bài Taroc là bài người gypsy (bohemian, bô hê miêng) dùng để bói Tarot.

(7) Luftwaffe là không lực (không quân) của Đức quốc xã vào thế chiến thứ 2.

(8) Chủng tộc Aryan, dựa theo thuyết xếp hạng chủng tộc của Hitler và Đức quốc xã, là chủng tộc đứng đầu trên mọi lãnh vực.

(9) Panzer là thiết kỵ binh (lính chiến xa, thiết giáp) của Đức quốc xã vào thế chiến thứ 2.

(10) Dấu hiệu giống dấu hiệu chữ vạn của Phật giáo nhưng vẽ ngược lại. Đây là biểu hiệu của Đức quốc xã.

(11) Mein Kampf (cuộc chiến của tôi) là tự truyện (autobiography) của Hitler viết vào năm 1925, được coi như là thánh kinh của chủ nghĩa quốc xã Đức. Dáng điệu meinkampf là dáng điệu quốc xã, dáng điệu Hitler.

(12) "I do" là câu nói của cặp tân hôn trao nhau vào lễ cưới. Ở đây Sylvia Plath giới thiệu người đàn ông thứ hai, chồng của bà (bà làm ra tượng hình của bố). Bà ngụ ý lấy chồng vì chồng giống bố, và khi "giết một người là giết hai người". Theo như lời bài thơ, bà đã bị chồng đày đọa trong bảy năm.

* * * * *
Daddy

You do not do, you do not do
Any more, black shoe
In which I have lived like a foot
For thirty years, poor and white
Barely daring to breathe or Achoo.


Daddy, I have had to kill you.
You died before I had time——
Marble-heavy, a bag full of God,
Ghastly statue with one gray toe
Big as a Frisco seal


And a head in the freakish Atlantic
Where it pours bean green over blue
In the waters off beautiful Nauset.
I used to pray to recover you.
Ach, du.


In the German tongue, in the Polish town
Scraped flat by the roller
Of wars, wars, wars.
But the name of the town is common.
My Polack friend


Says there are a dozen or two.
So I never could tell where you
Put your foot, your root,
I never could talk to you.
The tongue stuck in my jaw.


It stuck in a barb wire snare.
Ich, ich, ich, ich,
I could hardly speak.
I thought every German was you.
And the language obscene


An engine, an engine
Chuffing me off like a Jew.
A Jew to Dachau, Auschwitz, Belsen.
I began to talk like a Jew.
I think I may well be a Jew.


The snows of the Tyrol, the clear beer of Vienna
Are not very pure or true.
With my gipsy ancestress and my weird luck
And my Taroc pack and my Taroc pack
I may be a bit of a Jew.


I have always been scared of you,
With your Luftwaffe, your gobbledygoo.
And your neat mustache
And your Aryan eye, bright blue.
Panzer-man, panzer-man, O You——


Not God but a swastika
So black no sky could squeak through.
Every woman adores a Fascist,
The boot in the face, the brute
Brute heart of a brute like you.


You stand at the blackboard, daddy,
In the picture I have of you,
A cleft in your chin instead of your foot
But no less a devil for that, no not
Any less the black man who


Bit my pretty red heart in two.
I was ten when they buried you.
At twenty I tried to die
And get back, back, back to you.
I thought even the bones would do.


But they pulled me out of the sack,
And they stuck me together with glue.
And then I knew what to do.
I made a model of you,
A man in black with a Meinkampf look


And a love of the rack and the screw.
And I said I do, I do.
So daddy, I’m finally through.
The black telephone’s off at the root,
The voices just can’t worm through.


If I’ve killed one man, I’ve killed two——
The vampire who said he was you
And drank my blood for a year,
Seven years, if you want to know.
Daddy, you can lie back now.


There’s a stake in your fat black heart
And the villagers never liked you.
They are dancing and stamping on you.
They always knew it was you.
Daddy, daddy, you bastard, I’m through.

 

Sylvia Plath

 

 

 

Đỗ Quý Dân
Số lần đọc: 1822
Ngày đăng: 12.08.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giấc mơ thặng dư - Nguyễn Thanh Huyền
Dịch bệnh Covid 19 và tiểu thuyết:Trò chuyện với thiên thần - Trần Kim Đức
Thơ tình Mai Văn Hoan - Hoàng Thị Bích Hà
Chúng ta không cần phải đẹp lắm- một bài thơ hay - Hoàng Thị Thu Thủy
Như một bài tập làm văn – Thơ Trần Vấn Lệ - Đặng Xuân Xuyến
Vài khoảng đời trong «Kinh thành cổ tích» - Nguyễn Anh Tuấn
Mùa Hạ tím trong thơ Lê Phượng - Phan Chính
Để làm gì, nghĩ đến câu trả lời! - Phan Chính
Khát yêu trong bài thơ “Đừng đi” của Đặng Xuân Xuyến * - Nguyễn Xuân Dương
Trong thế giới âm thanh của Nữ sĩ Lê Hà: Về tập thơ "Sau cơn bão" - Nguyễn Anh Tuấn