Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.161
123.224.411
 
Sài-Gòn, Ngày Trở Lại
Nguyễn Vy Khanh

 

 

 

      Khi cùng thực hiện với các anh Khánh Trường, Luân Hoán bộ 44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (Mở Nguồn, 3-2019, 7 tập), chúng tôi đã có dịp nhìn lại một thời văn học và đã hơn một lần ngậm ngùi khi đọc lại những tác giả và tác phẩm viết và xuất bản vào thời kỳ đầu của văn học Việt Nam hải ngoại, những Lê Tất Điều, Võ Phiến, Thanh Nam, Minh Đức Hoài Trinh,...

      Sau biến cố 30-4-1975, chúng ta đã lần lượt ra đi và đã bỏ lại tất cả - chúng ta đã mất tất cả và nhất là đã đành đoạn mất quê hương, đất nước như không còn lựa chọn khác. Và nỗi nhớ quê hương đã là tâm trạng chung, như Võ Phiến đã từng viết: “người ta nhớ nhau không nhớ vì cái lỗi lạc, lại e rằng chính nhớ nhau vì cái nhảm nhí ... những cái xe bánh mì ở đầu con hẽm, cũng như nhóm trẻ nít trong xóm vẫn rình rập trèo lên các mái tôn để thả diều, v.v. Tất cả những cái nhảm nhí vô nghĩa ấy, đến một lúc nào đó, trong một hoàn cảnh nào đó, bỗng dưng trở nên quan-trọng như thể chúng là linh hồn của cuộc sống, ít ra, là linh hồn một quãng đời vài chục năm ở quê hương. Trên đất khách, giữa người xa lạ, chợt nhận ra không còn có ngày gặp lại những người xưa cảnh cũ, ta thấy mình mất hết dĩ vãng. Đêm đông không chỉ dài có năm canh mà những sáu bảy canh; ngày không còn đủ sáu khắc : mới chừng bốn giờ chiều đã mịt mù u ám, trời sầu đất thảm. Cuối đông hướng về mùa xuân, không còn chờ đợi dáng con én mà lại lắng nghe một con ó đêm (night hawk) lẻ loi, kêu chão choẹt đó suốt đêm trường trên khoảng trời vắng ngắt. Người cũ xung quanh chẳng còn ai, kỷ niệm cũ không còn. Những giong nói tiếng cười cũ, không còn. Những con người đã sống trên đời chừng nửa thế-kỷ, bỗng không còn quá khứ nữa, bỗng bơ vơ như trẻ sơ sinh: Hoàn cảnh kỳ cục không thể tưởng” (Cỏ Bồng Phất Phơ, Ly Hương (1977, tr. 89-90)

      Quê hương của người lưu vong như đối với người Việt thời bấy giờ là một quê hương đã mất nhưng đồng thời quê hương đó cũng trở nên không chắc chắn, mơ hồ vì thời gian và cái mất mát ở đây không thể đo lường, thống kê như khi người ta đánh mất vật dụng hay tài sản! Với Thanh Nam, Sài-Gòn đã là tất cả, nay mất, tức không còn lại gì:

"Sàigòn, ôi những thân quen

Nhịp xe chợ sớm, ánh đèn hẽm khuya

Vang trong hồi tưởng não nề

Tiếng mưa pháo kích bốn bề thủ đô

(...) Ghé thân lữ thứ trăm miền

Nỗi buồn nào cũng mang tên Sàigòn" (Đất Khách, Sàigòn).

Đối với thế hệ đầu, lưu đày đã là sống một đời sống mới, trong hoàn cảnh chẳng đặng đừng, cho hy vọng nẩy sinh. Hạnh phúc không cho bản thân thì thôi đành sống những mảnh hạnh phúc còn lại trong hy vọng, trong hạnh-phúc của người khác, của con cái, người thân hoặc của cả đồng hương nơi địa phương. Đời sống mới ở xứ người không thể là một mục đích vì thường với hy vọng, người ta mong đó chỉ là một giai đoạn tạm bợ, chuyển tiếp (“di tản”, “tị nạn”, “tạm dung”, “đất khách”), dù có lúc ý chí nhìn nhận đây là nơi đất hứa, quê hương mới. Lê Tất Điều thì cay đắng khi viết về thân phận và cuộc đời mới Kéo Cày Trên Đất Mỹ trong Thơ Cao Tần và các tùy bút xuất-bản chung với Võ Phiến - tập Ly Hương (1977). Võ Phiến trong Thư Gửi Bạn (1976) và Lại Thư Gửi Bạn (1979) lúc đó quá Việt Nam, không tin vào hội nhập vì nghĩ rằng tâm hồn Việt Nam không thể hội nhập; ông giữ mình và lấy mình làm tham khảo, đến soi mói, nghi ngờ hàng xóm bản xứ.

Hơn 40 năm qua đi ... !

 

Đến thời gian gần đây, tôi được đọc một số tác phẩm của vài tác giả viết về Sài Gòn như một nơi chốn mà họ đã trở lại: Nguyễn Minh Nữu với Thương Quá Sài Gòn Ngày Trở Lại (2017), Trương Văn Dân với Milano Sài gòn: Đang Về Hay Sang? (2018, và Hành Trang Ngày Trở Lại) và Lê Thanh Hoàng Dân với Thành Phố Sài Gòn (2019). Mỗi tác giả một hành trình, họ có điểm gì chung chăng?

Bài này, với tư cách là độc giả, chúng tôi chỉ ghi lại một số điểm đã gây cảm xúc, suy nghĩ. Thật vậy, 40, 44 năm sau chúng ta đã trở về/trở lại Sài-Gòn, thế thì với một tâm trạng như thế nào? Sài-Gòn đã là “thành quách cũ” trong lòng người lưu-dân, thì nay khi trở lại, “thành quách” ấy có còn chăng? Nay đã thế nào và họ đã nhìn thấy gì, cảm tưởng ra sao? Dù gì thì cũng phải nhìn nhận rằng tình cảnh cũng như cảm nhận “lưu-vong” đã thay đổi và biến hóa theo thời-gian!

 

 

 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Minh Nữu sinh ngày 6-1-1950 tại Hà Nội, từng đi lính và định cư tại Hoa-Kỳ từ 1995. Làm báo, chủ biên Văn Phong, Văn Nghệ ở vùng Washington D.C. và đã xuất bản: Những Sự kiện Đáng nhớ Năm 2001 (2001), Lời Ghi Trên Đá (2006), Thương Quá Sài Gòn Ngày Trở Lại (xuất bản trong nước và hải ngoại, 2017)

Nguyễn Minh Nữu sử-dụng thể-loại bút-ký, ở đây đồng thời cũng là tự truyện khi tác-giả viết về mình cũng như bạn hữu và các sinh hoạt văn-nghệ. Tâm sự của Nguyễn Minh Nữu tức tâm tình, nhung nhớ, lại vừa mang tính sử ký về một thời và những con người thật có tên, có chân dung, từng ở đó, đang còn ở đó hoặc đã rời bỏ cũng như đã chết. Thời tuổi đôi mươi nhập dòng văn-nghệ, ở Sài-Gòn, Ban-Mê-Thuột, thời của “Cơ sở Văn-nghệ Con người”, của “Phong trào Du ca”,... Qua anh, người đọc được thấy và nhớ lại những người trẻ qua các sinh hoạt một thời, trước 1975. Tự sự ở mối tình đầu, rối rắm nhưng không dễ quên, ở những năm tháng trong quân ngũ,... Tự sự về cuộc sống khó khăn sau 1975, phải bươn chải để sống còn, với những “nghề mới” ở đường-cùng, ở khắp Sài-Gòn và Chợ Lớn, ở Rừng Sác, Nhà Bè, Kênh Tẻ, v.v.

Thương Quá Sài Gòn Ngày Trở Lại xuyên suốt cuộc sống của tác giả, còn là chân dung một số người làm văn-học nghệ-thuật trước sau 1975 và bây giờ, có người đã là thân thiết từ lâu, có kẻ mới quen, với những nét đơn sơ mà cụ thể, hữu hình, trung thực, những nét rất riêng Nữu, và là gốc gác, xuất xứ những văn bản thơ, văn và nhạc, kèm theo văn bản, cả “tình sử” làm nền, bạn văn,... Thành công làm sống lại được như vậy, Nữu phải thân thiết lắm, phải sống-chết-với lắm, dĩ nhiên với tài quan sát, với tình thân thương chân thật, với một trung thành vô vị lợi,...

Thương Quá Sài Gòn Ngày Trở Lại đã là những nhìn thấy tận mắt, những thấu tâm can qua quan sát và ký ức của Nữu, qua những cuộc lái xe thăm tìm bạn hữu, qua bạn hữu của Nữu, những con người, nhân-vật bên ni bên tê, còn sống hay đã chết, qua những tách cà-phê và những con đường sách trước sau 1975, ... Người đọc được nghe kể về kinh nghiệm làm văn-chương, văn-nghệ (thơ, văn và nhạc). Qua mỗi chuyến “Đi và Về Sài-Gòn”!

Thật vậy, với Nữu, “Đi và Về” đã trở thành những ám ảnh đời thường nhưng mang mang tính văn-chương cũng như tâm trạng hiện sinh. Qua bút ký, với Nữu, Sài-Gòn đã thay tên và thay da đổi thịt, nhưng Sài-Gòn vẫn mãi là Sài-Gòn, ở những con người đã “đi và về”, đã từng ở đó, từng đến đó, đã sinh sống và xem Sài-Gòn là da thịt, là tâm hồn, là sự sống hoặc lẽ sống,... của chính mình, của thế hệ đôi mươi ở thập niên 1970 cũng như của nhiều thế hệ khác. Một kiếm tìm thời-gian và không-gian qua kỹ thuật bút ký vừa kể vừa nhớ vừa tìm - đối với Nữu, tất cả đã là nổi ám ảnh khôn nguôi. Cảm hoài, tìm lại và tìm thấy, nhận ra, sẽ khiến nỗi day dứt vơi bớt khi người ra đi có thể trở về chốn cũ. Bước chân đi tìm về chốn cũ, đi qua nhiều con đường ngày cũ, háo hức tìm ra những nơi chốn thân thương, những ngôi nhà nơi đã ở, đã đến. Qua bút ký này, Nữu đã trở về chốn cũ và đã tìm thấy, đã sống lại và đã chứng kiến đôi "cái còn lại", hữu hình và cả vô hình hay trong tiềm thức. Cuộc trở về luôn liên quan đến lúc rời bỏ, cho nên đây đó người đọc nhìn thấy một số hồi hộp và cả lo sợ!

Khi viết về văn chương lưu đày, chúng tôi đã từng ghi nhận: "Quê nhà do đó trở nên điểm tựa, cho những tham khảo đã mất đó! Nhưng với thời gian, nỗi nhớ cũng trở nên khô cằn, già cỗi, một cách bi thảm, khó khăn. Nỗi nhớ trong cô đơn, giữa những thê thảm của cảnh vật xa lạ, "của người" thường trực chung quanh,... đã là những yếu tố làm suy bại kẻ lưu đày! Quá khứ quấy rầy đến làm hỏng cuộc sống hiện tại; đã dứt bỏ quá khứ nhưng không dễ, lắm khi bị thương tổn". Thương Quá Sài Gòn Ngày Trở Lại đã thoát ra khỏi phạm trù đó, vì ở đây cái bất hạnh nếu có cũng chỉ do bất lực bình thường, của con người, của cuộc đời, của hoàn cảnh; ảo tưởng do đó không có chỗ trong hiện tại và cả tương lai!

Gấp tác-phẩm lại, cái còn lại của những ngày trở lại là tình bạn, tình văn-nghệ, là những chốn cũ không thể chìm vào quên lãng hay phải thuộc về quá-khứ như có người và tập thể vẫn chủ trì. Với chúng tôi vốn vẫn tự cho sứ mạng đi tìm và làm sống trong nguyên trạng tinh thần và chân lý, qua những cái đã mất, cho nên Thương Quá Sài Gòn Ngày Trở Lại cho chúng tôi đoan chắc rằng Sài-Gòn ấy, không-gian ấy, nếp sống văn-hóa ấy, vẫn sống, vẫn trơ gan dù tuế nguyệt dù định mệnh có khắc nghiệt đôi khi! 

Thương Quá Sài Gòn Ngày Trở Lại đã cho độc giả từng ở Sài-Gòn sống lại một thời đã qua, và thăm viếng, gặp lại những nơi mình cũng từng sống, từng đi qua, có nơi từng ghi dấu đau khổ và hạnh-phúc, những nơi gần như tới lui mỗi ngày, những khu phố, những con đường “từng có một thời”. Nguyễn Minh Nữu với vốn liếng “từng có một thời” khá phong phú, nay với những chuyến “Đi và Về” thường xuyên, sống thực hữu, thực tình, bằng cái hiện sinh bất chấp, bằng cái tiềm thức sống động,... đã cho người đọc những giây phút hạnh-phúc chúng tôi nghĩ không có gì đánh đổi được.

 

 

 

 

 

 

 

 

Trương Văn Dân sinh năm 1953 tại Bình Định, 1971 du học Ý ngành Hóa và Công nghiệp Dược phẩm, về hưu sớm, trở lại Việt Nam, viết văn, dịch thuật và xuất bản 7 tác phẩm – tập sau cùng là Milano Sài gòn: Đang Về Hay Sang?

Với ông, viết như một nhu cầu nội tâm vì muốn giãi bày và nhất là tự-bạch; 11 năm sau Hành Trang Ngày Trở Lại, ông xuất bản Milano Sài gòn: Đang Về Hay Sang? Trong tùy bút được dùng làm tựa tuyển tập này, họ Trương cho biết “Một thước phim lướt nhanh qua tâm trí: Tôi rời quê nhà lúc 18 tuổi, khi trái tim mẫn cảm vừa khe khẽ chạm vào cuộc sống còn đượm màu thiên nhiên nên trong lòng luôn  mang theo nỗi nhớ và lòng quyến luyến với quê hương. Tôi  nhận ra một điều, là dù sống ở bất cứ nơi nào không phải quê hương... với thời gian bao nhiêu năm đi nữa thì tiềm thức vẫn luôn in đậm nét của kỹ niệm, có buồn có vui nhưng lúc nào cũng đẹp, và quyết định quay về vẫn là một lực đẩy tiềm ẩn trong tâm hồn.

… Sau 40 năm cuống rún xa lìa tổ quốc, tôi đã được quay về. Dù chuyến về không dễ dàng và cũng có nhiều hệ lụy...” (tr. 188).

Trương Văn Dân cho biết thêm: “Khi còn ở Ý và viết “Hành trang ngày trở lại” (2007), tôi đã xem Việt nam là nơi trú ẩn an toàn sau những bon chen của xã hội Tây Phương. Còn khi đi về để viết “Bàn tay nhỏ dưới mưa”... thì xã hội Việt Nam đã như xã hội Tây Phương. Đã và đang bị Tây Phương hoá” (tr. 112). “Thương yêu hờn giận, gắn bó đến thế, làm sao lòng không vương vấn, không đau như cắt ruột khi phải chia xa, dù được quay về nơi mình cất tiếng chào đời? Thế thì 40 năm sống ở trời Âu có khác gì 40 năm cuộc đời của Gấm? Rồi ba năm hạnh phúc, cũng chính là 3 năm mà tôi đã trở về quê hương. Tôi đã bình an biết bao. Nhưng khi ánh hào quang của cuộc trùng phùng chấm dứt, những biến đổi xã hội Á đông đang thay da đổi thịt, hoà theo nhịp sống cuồng loạn của toàn cầu hoá... đã xoá mất nếp bình thản cũ xưa, xuất hiện nhiều mâu thuẫn trong thời hội nhập” (tr. 121).

Đã “trở lại” nhưng vẫn “đi” và “về” Milano, nơi lưu trú của hơn 40 năm qua. Hình như trong tâm thức tác giả vẫn còn những day dứt, quyến luyến, dù ông đã có lúc muốn dứt khoát: “... Mới đến Milano “hôm qua” thế mà nay đã sắp về lại Việt nam rồi. Một tháng trôi qua trong nháy mắt. Tôi xuống phố Cassina dé Pecchi để mua sắm vài món đồ. Đang bước, tôi bỗng nghĩ là mấy mươi năm trước những con đường này hoàn toàn xa lạ với tôi, thế rồi trở nên quen, đã đi qua đi lại bao nhiêu lần và bây giờ lại sắp hóa ra xa lạ.

Sự vật biến đổi. Còn duyên thì hợp, hết duyên thì tàn.

Milano-Sài Gòn” (tr. 125)

Trương Văn Dân “đi” và “về” như cùng lúc có đến hai quê hương, ở bước chân và trong tâm thức. Ông sống cái “bản ngã nhị trùng” vì sống như gạch nối giữa hai quốc gia với nếp sống, sinh hoạt văn hóa và vật chất khác biệt. Ngày trở lại mà ông mong ước và thực hiện, đã không dễ dàng. Trong truyện ngắn Hành Trang Ngày Trở Lại, nhân vật Quang như đã nghĩ giùm ông: “sau hơn ba mươi năm sống và làm việc ở Âu châu, trong chuyến về thăm nhà lần đầu Quang vừa muốn nghỉ ngơi, vừa muốn tìm một cách nghĩ Á Đông nào đó khả dĩ giúp anh quên đi nỗi ưu tư về một tương lai mù mịt, lâu nay cứ ám ảnh trong hồn” (HTNTL, tr. 53).

“Tắm” lại cùng dòng sông đã trở thành bất khả thi, vì con nước ngày thơ ấu nay đã bị ô nhiễm, chận nguồn và trở thành nguy hiểm cho những ai mạo hiểm, vì Sài-Gòn cũng như ở các nơi đô hội khác, tâm-địa, hành xử của con người đầy bất ngờ và nhiều khi không thích thú tí nào... Nhưng Trương Văn Dân đã trở lại và đã về! Đã chấp nhận đắm mình trong sinh-lộ của cả tập thể, dĩ nhiên với tâm thức đã tỉnh với từng trãi. Ông cũng hay nói đến nghĩa trang, người chết, đã và cả đang chết, hình như cũng để nói về kiếp người, về bản thân mình và những người thân, sơ. Cuối cùng, tư tưởng nhà Phật thấm nhuần, ông đã “ngộ” được nhiều điều, đã mở tầm mắt để nhìn mà thấy được những gì tưởng đã là kinh điển, kiến thức, và ông đã viết ra, trao gửi bạn đọc qua các tùy bút, truyện ngắn.

 

 

 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lê Thanh Hoàng Dân sanh năm 1937 tại Sài-Gòn, trước biến cố năm 1975, ông là giáo sư ngành sư-phạm và là nhà nghiên cứu, dịch giả cùng chủ trương nhà xuất bản Trẻ và đã xuất bản nhiều biên khảo, lý thuyết về phương pháp sư phạm, giáo dục, cùng một số dịch-thuật tác phẩm văn học thế giới. Ông và gia đình định cư ở New York ngay sau ngày 30-4-1975, đi học lại và làm việc trong ngành tài chánh. Năm 2002, nghỉ hưu và cùng phối ngẫu mà ông vẫn gọi là “người tình trăm năm” đi chu du nhiều nước. Từ năm 2018, ông bắt đầu cho xuất bản bộ sách “Nước Mỹ Nơi Tôi Đang Sống”, quyển đầu là 42 Năm Sống Ở Mỹ, và mới đây là Thành Phố Sài Gòn (2019), quyển 1 của bộ sách Việt Nam Quê Hương Mến Yêu.

Tác giả Lê Thanh Hoàng Dân thuộc thế hệ di dân thứ nhất, nói đến quê-hương là nói đến quá khứ, và thường là quá khứ của riêng họ. Trong Lời Nói Đầu tập 42 Năm Sống Ở Mỹ, ông cho biết: “Sách này ghi lại những suy nghĩ riêng tư của một người thường dân Việt Nam do tình cờ lịch sử được sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, gia đình con cái bị cuốn hút vô biến cố 30 tháng Tư năm 1975. Cuộc đời của tôi giống phần nào đời các bạn sau biến cố lịch sử này, bị xáo trộn, bị cuốn hút trong vòng xoáy lịch sử, bánh xe lịch sử nghiền nát, cố gắng tranh đấu để sống, và xây dựng lại cuộc đời yên bình và hạnh phúc cho mình, và vợ con...”.

Lê Thanh Hoàng Dân tâm tình: “Tôi ra đi cũng khổ lắm. Mặc dầu nước Mỹ rộng lượng và tốt với di dân, tôi cũng phải tranh đấu nhiều năm, mới sống được vững vàng, có chân đứng vững chắc trong xã-hội mới. Điều đầu tiên cần làm là quên quá-khứ, và bắt đầu lại” (tr. 7). Vì cũng như đối với tập thể người Việt tị nạn Cộng-sản lúc bấy giờ, ông đã nghĩ “Không còn quê-hương để về, phải sống bơ vơ và cô đơn dưới đáy xã-hội, tranh đấu ngoi lên, vừa làm vừa học, mệt và chán nản vô cùng...” (tr. 17). Ông tâm sự với độc giả, cách riêng với giới trẻ: “Suốt 42 năm nay, tôi hình như có hai con người, với hai bậc thang giá trị khác nhau, chưa hội nhập hoàn toàn vô xã-hội Mỹ được” (tr. 53). Đây không phải chỉ riêng đối với tác-giả mà còn là “định mệnh”, là “bản ngã nhị trùng” của nhiều người Việt tị nạn trong các thập niên qua. Ông đã quyết tâm từ bỏ, quên đi quá-khứ và các tác-phẩm đã từng xuất-bản, để sống cuộc đời mới mà định mệnh đã đẩy đưa đến!

Từ năm 1994, ông đã trở lại Việt Nam nhiều lần, ban đầu thăm và giúp đỡ đại gia đình, đồng thời ông và vợ con và cháu du lịch đi khắp vùng đất nước để nhìn lại cũng như thăm lần đầu những nơi từng đến. Như ông cho biết: “Tôi cố gắng quên quá khứ, quên quê hương, nhưng sâu thẳm trong lòng, tôi vẫn chưa quên được. Chưa quên được nơi tôi sanh, nơi tôi sống thời tuổi trẻ, chưa quên được gia đình, bạn bè, chưa quên được. Tôi chưa bao giờ quên được tình người Việt Nam. Tôi không thích Cộng Sản. Nhưng tôi vẫn thích người Việt Nam, thành phố Sài Gòn nơi tôi sanh, và quê hương rộng lớn, quê hương Việt Nam của tôi trong gần 40 năm...” (tr. IX).

Thành Phố Sài Gòn tập ký sự ông ghi lại những lần trở lại Sài-Gòn. Ông trở lại nơi đây, “bỏ tự do một vài tuần, để lại tự do tôi hưởng ở New York lại New York, ra phi trường về Việt Nam, tôi chỉ muốn tìm tình người Việt Nam, chớ không phải tìm tự do”  – cho nên “khi tôi ngồi trên máy bay cất cánh khỏi Sài Gòn, tôi lại thở phào nhẹ nhõm, rất vui trở về thế giới Tự Do, nơi tôi sống 44 năm nay. Tôi có cảm giác mình đang về Nhà. Việt Nam là nơi tôi sanh. Nhưng Mỹ mới là Nhà của tôi. Mỹ là nơi tất cả những gì quí nhất của tôi trên đời, con cháu của tôi đang sống và lập nghiệp, bây giờ và mãi mãi về sau” (tr. X, XI).

Ông đã trở lại Sài Gòn, “lang thang phố xá Sài Gòn, tìm lại, sống lại những giây phút êm đềm thời tuổi trẻ, mới lớn, vừa biết yêu, yêu nhau say đắm. Thời đó đã qua. Nhưng già, chúng tôi muốn tìm lại hương vị xưa”, và “ôn lại những kỷ niệm xưa, nhớ mơ hồ về một quá khứ xa xôi thời tuổi trẻ, luyến tiếc những di tích xưa của Sài Gòn, nay không còn nữa” (tr. 1, 35). Thật vậy, kẻ cưỡng chiếm Sài-Gòn đã phá đổ, bôi xóa những dấu vết của Sài-Gòn cũ, dù nhân danh tiến bộ và cập nhật thời đại, kể cả làm trái thiên nhiên và khuyến cáo của chuyên viên “tránh phát triển đô thị phía Nam Sài Gòn, vì đây là vùng đất thấp hay ngập lụt, nước thành phố sẽ đổ về phía này... Họ (Cộng Sản) càng đắp khu Nam Sài Gòn cao, Sài Gòn càng giống lòng chảo, nếu mưa là ngập, ngập càng ngày càng nặng, không có giải pháp” (tr. 113).

Tác giả đã cất công đi tìm viếng thăm những tàn tích này, truy tìm gốc gác lịch sử, văn hóa, v.v. Buồn thay, ông đã phải “thường đi ngơ ngác trong một Sài Gòn xa lạ, không còn thấy được gì duyên dáng của thành phố năm xưa. Nhiều người nói cái hồn Sài Gòn xưa cũ nay không còn nữa” và ông còn chứng nhận: “Những chứng tích chống Tàu xâm lược của Sài Gòn từ từ biến mất rồi” (tr. 43).  

Thành Phố Sài Gòn đưa người đọc đi khắp phố xá, di tích, đền đài, cơ sở,... Từ những tiệm ăn, khách sạn sang trọng đến những quán cóc, những con hẽm, góc đường,... Hương vị, hình ảnh Sài Gòn và những vùng phụ cận sống động tràn ngập tập du ký, cùng với nhiều nỗi u hoài, tiếc nuối và cả tâm tình bất lực.

44 năm trước, tác giả Lê Thanh Hoàng Dân đã cố gắng hội nhập hướng đến tương lai, nay, khi trọng tuổi. ông đã trở lại quê quán, quay về quá khứ, sống trong hoài niệm. Với ông, cũng chỉ là “đi” và “về” vì không thể hoàn toàn “trở lại”!

*

Ba tác giả Lê Thanh Hoàng Dân, Nguyễn Minh Nữu và Trương Văn Dân sinh quán ở ba miền đất nước khác nhau, cả ba đã “trở lại” Sài Gòn nhưng vẫn “đi” và về” là chính. Buồn thay, đó cũng là sinh mệnh của đa phần người Việt. Đổ lỗi cho “định mệnh” thì quá dễ dàng; thiển nghĩ con người và “bá đạo” mới chính là thủ phạm đã gây ra những cảnh tang thương của Sài Gòn!

 

 

(Ngôn Ngữ, số 2, 1-7-2019)

 

Nguyễn Vy Khanh
Số lần đọc: 1480
Ngày đăng: 15.08.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đôi dòng tản mạn về “Trò chuyện với thiên thần” của nhà văn Trương Văn Dân - Nguyên Cẩn
Hiện-tượng hồi-ký hải-ngoại - Nguyễn Vy Khanh
“Thơ đến từ đâu”- Cuộc truy tìm bất thành đáng trọng - Nguyễn Đức Tùng
Chiếc đòn khênh võng của một bậc quốc sĩ - Nguyễn Anh Tuấn
Nhà Văn Hải Ngoại Hồ Trường An - Nguyễn Vy Khanh
Phân tâm học - Võ Công Liêm
Du lịch cùng thi ca Huế - Võ Quê
Mai Văn Hoan – Hồn thơ nồng nàn và đa cảm - Hoàng Thị Bích Hà
Nguyên Sa: Thơ thời hải ngoại - Nguyễn Vy Khanh
Những cái “tôi” và tiếng lòng của Trần Bảo Định - Trương Văn Dân
Cùng một tác giả
Thơ Du Tử Lê (tiểu luận)
Thơ Hôm Nay (phê bình)
Lục Bát Huy Tưởng (nghệ thuật)