Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.209.030
 
Trương Đăng Dung và cảm thức triết luận trong sáng tạo thi ca*
Trần Hoài Anh

               

 

 

     1. Không hiểu sao khi đọc thơ Trương Đăng Dung, đặc biệt tập thơ Em là nơi anh tị nạn, tôi lại nghĩ đến tập thơ Mật khảiNhìn thấu cõi tử sinh (The prophet) của Kahlil Gibran (1883-1931) - Người “thi sĩ tâm linh của xứ Liban” nằm giữa Á và Âu, do Phạm Bích Thủy dịch, xuất bản tại Sài Gòn đầu năm 1975 mà lời giới thiệu tập thơ đã xác quyết: “Mật khải là ngọn đuốc thắp bằng Sự Thật và Tình Yêu để soi sáng những vấn đề muôn thuở của cuộc đời mà mỗi người phải sống và nghĩ, phải hỏi và đáp cho chính mình và cho tất cả”.[1] Những thông điệp trên về tập thơ Mật Khải của Kahlil Gibran cũng có thể tìm thấy trong Em là nơi anh tị nạn của Trương Đăng Dung, bởi điều gặp nhau giữa Kahlil Gibran và Trương Đăng Dung, có lẽ, do thơ của họ đều vươn tới những giá trị phổ quát của nhân loại, là sự hợp hôn diệu kỳ giữa hai nền văn hóa, tư tưởng Á - Âu mà biểu hiện của sự hợp hôn này là cảm thức triết luận về nhân sinh được thể hiện bằng thi pháp Dụ ngôn tạo nên một thi giới đầy biểu tượng ẩn dụ mà những diễn ngôn trong Mật khải của Kahlil Gibran và Em là nơi anh tị nạn của Trương Đăng Dung là một minh chứng.

 

    Theo Từ điển và Danh từ triết học do Trần Văn Hiến Minh, Tiến sĩ triết học, Nguyên Giảng sư Đại học Văn khoa Sài Gòn biên soạn thì Dụ ngôn (parabole) là “kiểu nói so sánh đi từ một truyện có thực để diễn tả một chân lý cao siêu”.[2] Từ nội hàm ý nghĩa này của Dụ ngôn, ta thấy Kahlil Gibran khi luận về những vấn đề có tính triết luận nhân sinh, thơ ông thường bắt nguồn từ thực thể hiện hữu của đời sống qua những bài thơ như: Tầu đến, Tình yêu, Hôn nhân, Con Cái; Sự cho; Ăn uống, Công việc; Buồn vui; Nhà cửa; Áo quần, Mua bán; Tự do; Cái đẹp; Tôn giáo; Thiện và Ác; Sự chết; Thời gian… mà ở mỗi bài thơ là những diễn ngôn đầy tính triết luận về những vấn đề nhân loại luôn khao khát. Chẳng hạn, khi luận về Tư Do, Kahlil Gibran viết: “Một diễn giả lên tiếng nói về TỰ DO. / Người đáp: Ở cổng thành và bên lò sưởi ta thường thấy các ngươi cúi mình thờ phượng tự do của chính mình/ Như những người nô lệ tự hạ mình trước kẻ bạo ngược và ca ngợi hắn dẫu hắn giết họ/ Phải, trong lùm cây tại đền thờ và trong bóng lũy thành ta từng thấy những kẻ tự do nhất trong bọn người đeo tự do mình như cái ách, cái còng/ và tim ta ngầm rướm máu; vì các người chỉ có thể tự do khi ngay nỗi khát khao tìm kiếm tự do cũng trở thành yên cương đối với các ngươi, khi các ngươi ngưng nói lời tự do như một mục đích, một hoàn thành/ Các ngươi sẽ thật sự tự do khi ngày không còn một nỗi âu lo; khi đêm không còn thiếu thốn, sầu đau/ Nhưng tốt hơn khi những điều ấy trói đời mình các ngươi vẫn vươn lên khỏi chúng trần truồng và không ràng buộc (…) và thi sĩ kết luận:“Khi bóng tối mờ dần rồi mất hẳn, tia sáng còn neo lại sẽ thành bóng tối của một tia sáng khác/ Như vậy khi vụt khỏi những chiếc còng, tự do các ngươi sẽ thành còng của một tự do lớn hơn”.[3]

 

     Giống như Kahlil Gibran, Trương Đăng Dung cũng khởi từ cái thực của cuộc đời để khái quát lên những qui luật mang cảm thức triết luận mà ở đó thi pháp dụ ngôn đã trở thành một dự phóng sáng tạo, thể hiện ở các bài thơ: Tin nhắn cho em; Hai chuyến tàu; Ác mộng; Trên bàn mổ; Bà và cháu; Giấc mơ của con; Trong quán cà phê Piano; Đối thoại; Độc thoại; Sách của Giôna; Sách của Gióp; Sách của Aylan Kurdi; Tinh thần Kafka; Đọc lại Dostoievsky; Tự do của Nikos Kazantzakis,… Và đây là những luận lý về tự do trong thơ Trương Đăng Dung: “Tôi bị sinh ra/ tôi phải dấn thân/ tôi hội đủ những điều kiện chết/ tôi không hy vọng gì/ Tôi sợ thiên nhiên/ sợ Thượng Đế/ sợ con người/ tôi không còn gì để sợ/ Không hy vọng gì/ không còn gì để sợ/ tôi biết phía sau thế giới tự do vô hình/ là thế giới cưỡng chế hữu hình/ tôi tự do.” (Tự do của Nikos Kazantzakis) Và thi nhân xác quyết: “Có Tự do trong từng hành động/ dẫn đến cái Thiện/ dẫn đến cái Ác/ dẫn đến khổ đau. / Con đường phân đôi/ qua vực sâu/ và lửa” (Đọc lại Dostoievsky). Chỉ cần đọc và cảm nhận những diễn ngôn ở bài Tự do của Kahlil Gibran trong Mật khải và những diễn ngôn trong bài Tự do của Nikos Kazantzakis và Đọc lại Dostoievsky của Trương Đăng Dung trong Em là nơi anh tị nạn, ta cũng thấy những điểm tương đồng trong cảm thức triết luận và thi pháp dụ ngôn, kết tinh giữa tư tưởng Đông phương và Tây phương ở hồn thơ hai thi sĩ, dù họ sống cách nhau hàng thế kỷ.

 

     2. Là một thi sĩ, lại là một nhà lý luận - phê bình văn học am hiểu khá sâu sắc về các trường phái triết học trên thế giới, đặc biệt là triết học hiện sinh, nên thơ Trương Đăng Dung, vì thế là thơ của những ám ảnh hiện sinh với những suy tư, tra vấn về bản thể, về sự sống, cái chết, về hiện hữu, về sự buồn nôn trước những bi hài của đời sống và sự phi lý về giới hạn của kiếp người…  khiến ông luôn bị dày vò, không bao giờ được thanh thản, bình yên trong cuộc sống dù chỉ là một khoảnh khắc, một sát na hiện hữu. Thơ Trương Đăng Dung luôn trôi trong tâm thức hiện sinh của kiếp lưu đày mà mỗi ngày sống của thi nhân là mỗi ngày ông tự vác cây thập giá khổ nạn của đời mình bước đi trong bão giông cuộc đời, để khát khao đi tìm lời giải đáp từ một câu hỏi mà Albert Camus đã đặt ra trong Thần thoại Sisyphus (Le Mythe de sisyphe) Sống để làm gì? Điều này đã từng thấy rõ trong tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng (Nxb. Thế giới, 2011, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội (2011), tái bản lần thứ nhất, Nxb. Văn học, 2014 và được Nxb. Europa, Budapest dịch sang tiếng Hungary, xuất bản năm 2018) mà ở đó có những bài thơ, những câu thơ, khi đọc lên lòng ta không khỏi thấy xa xót, ngậm ngùi trước những biến đổi vô thường trong cõi sống và sự mỏng manh hư ảo của kiếp người. Đó là các bài thơ: Anh không thấy thời gian trôi; Ảo ảnh; Vật chứng; Có thể; Không đề; Anh không còn gì ngoài em; Những kỷ niệm tưởng tượng; Ba mươi năm hay ba triệu năm rồi; Có một thời… và những câu thơ: “Anh không thấy thời gian trôi/ thời gian ở trong máu không lời/ ẩn mình trong khóe mắt, làn môi/ trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời/ về kiếp người ngắn ngũi”. (Anh không thấy thời gian trôi) Hay “anh không biết dòng sông trôi về đâu/ bốn mươi sáu ngàn năm nữa/ có thể em vẫn còn nhớ một ô cửa của con tàu/ nơi anh đứng/ và bàn tay thấp thoáng vẫy trong đêm/ Có thể em vẫn nhớ những vầng trăng thức trắng/ lá rơi thảng thốt trước thềm/ có thể em vẫn nhớ một bóng hình, giọng nói/ đã tan trong sương khói/ những kiếp người”. (Có thể) …

    Rõ ràng, sự ám ảnh của tâm thức hiện sinh khởi đi từ những được mất của cuộc nhân sinh là cảm hứng miên viễn tạo năng lượng cho hành trình sáng tạo thơ của Trương Đăng Dung không chỉ trong tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng (2011) mà còn ở tập thơ Em là nơi anh tị nạn (2020). Có điều, nếu trước kia trong Những kỷ niệm tưởng tượng những ưu lo ấy được thể hiện qua thi giới đầy ảnh tượng trôi trong một tâm thức hiện sinh thì nay trong Em là nơi anh tị nạn, những điều ấy được thi nhân thể hiện qua những cảm thức dụ ngôn đầy biểu tượng mang tính ẩn dụ mà nếu chúng ta không chuẩn bị một tầm đón đợi để tiếp nhận những bài thơ đó từ một độ chín tư duy và chiều sâu tâm hồn trên nền tảng của sự thẩm thấu về văn chương, văn hóa và triết học thì rất khó cảm nhận được những thông điệp đầy tính “mặc khải” trong thơ Trương Đăng Dung. Bởi, mỗi bài thơ, câu thơ trong Em là nơi anh tị nạn đều mang cảm thức triết luận được chuyển tải qua những hình tượng thơ với thi pháp dụ ngôn chứa đựng chiều sâu triết lý nhân sinh. Và những suy tư về thân phận mong manh của kiếp người trong cõi vô thường ấy vẫn tiếp tục tra vấn ông như một ám ảnh từ vô thức và tâm linh của cái “Tôi – Tự vấn” với những “chấn thương” trong trái tim của một thi sĩ luôn mang trong tâm cảm mình nỗi đau phận người mà bài thơ “Giấc mơ của con” là một chứng từ: “Con thấy bố về đêm qua./ Ngoài đồng xa/ hiu hắt trăng treo/ nhiều cái bóng vật vờ cùng đom đóm./ Bố bảo dưới đất còn bom/ xương người chết/ lẫn với mìn chưa nổ./ Con gọi bố/ chỉ nghe tiếng gió/ một vệt sáng vút qua…/ Sáng nay trong gương/ con bắt gặp ánh mắt buồn của bố/ tuổi năm mươi./ Có gì mới hơn sau mỗi kiếp người?/ con hỏi bố,/ thấy một người già lặng lẽ đứng nhìn con.” (Giấc mơ của con). Vì vậy, khi Đọc lại Dostoievsky, thi nhân đã suy ngẫm về Dostoievsky bằng sự sẻ chia của những tâm hồn đồng điệu, tri âm, khi nhà thơ nhận ra trong bản thể Dostoievsky là sự kết tinh những trăn trở, cật vấn của Dostoievsky về nỗi khổ đau kiếp người: “Ông tìm bản diện của mình/ qua cái Ác/ qua cái Thiện/ qua khổ đau kiếp người”. Phải chăng, những “Tội ác” và “Trừng phạt” mà Dostoievsky đặt ra trong tác phẩm của mình là thông điệp về những khổ đau định mệnh của phận người mà nhà văn gởi lại cho đời: “Không chỉ có cái Ác/ Không chỉ có cái Thiện/ không chỉ có khổ đau/ Có Đức Kitô/ trong mỗi con người/ có Tự do trong từng hành động/ dẫn đến cái Thiện/ dẫn đến cái ác/ dẫn đến khổ đau” (Đọc lại Dostoievsky). Thì ra, trong suy niệm của Trương Đăng Dung, tất cả những gì con người gặp phải trong cuộc đời đều xuất phát từ sự lựa chọn của chính mình và đây là sự lựa chọn từ ý thức của một nhân vị hiện sinh mà các triết gia hiện sinh luôn hướng đến, để được sống là chính mình chứ không phải là cái bóng của tha nhân, cho dẫu tha nhân đó là bất kỳ ai, bất kỳ quyền lực nào, ngôi vị nào, kể cả Thượng Đế. Bởi, không ai có thể lựa chọn thay cho mình cũng như không ai sống thay cho bản thân mình. Và sự lựa chọn đó, từ điểm nhìn của triết học hiện sinh cũng là phẩm tính của Tự Do. Đây chính là sự minh chứng cho luận đề: hiện hữu có trước yếu tính, hiện hữu quyết định yếu tính, một luận đề triết học mà chủ nghĩa hiện sinh đã xác quyết, xem như một phản đề đối với các nhà triết học cổ điển, khi họ cho rằng yếu tính có trước hiện hữu và yếu tính quyết định hiện hữu. Cảm thức triết luận trong thơ Trương Đăng Dung chịu ảnh hưởng sâu sắc triết lý hiện sinh, rõ nhất là thuyết hiện tượng luận của Heidegger mà ông là người có những nghiên cứu chuyên sâu nên không xa lạ với cuộc sống và thấm đậm tinh thần nhân bản. Bởi, nói như J. Paul Sartre: “Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản”.[4] Thơ Trương Đăng Dung vì thế, không phải là thơ phù hợp với lối cảm nhận dễ dãi, hạn hẹp, bình tán một cách ngẫu hứng, màu mè bằng những lời “có cánh”, nên, thơ Trương Đăng Dung, có lẽ, không phải là thơ của đám đông, thuộc về đám đông mà đó là thơ của sự sẻ chia từ những tâm hồn đồng điệu, thấu cảm được sự tra vấn trong tâm thức và tâm cảm thi nhân. Nhưng trong nghệ thuật, nhất là nghệ thuật thơ ca, đâu phải lúc nào những gì thuộc về “đám đông” cũng là chân lý, cũng là giá trị mà giá trị của sáng tạo nghệ thuật, phải chăng chính là sự độc đáo từ những dự phóng riêng có và không bao giờ lặp lại chính mình của người nghệ sĩ. Thơ Trương Đăng Dung từ Những kỷ niệm tưởng tượng đến Em là nơi anh tị nạn là một hành trình của những dự phóng sáng tạo khi thi nhân đã biết tự vượt qua chính mình không chỉ trong nội dung tư tưởng mà ngay cả trong hình thức biểu hiện. Và chính điều này làm nên một hệ giá trị riêng có của thơ Trương Đăng Dung không lẫn vào đâu được. Tôn trọng cá tính sáng tạo của chính mình, người nghệ sĩ sẽ góp phần tạo nên sự đa dạng phong cách mang tính sáng tạo của nền văn học, phá vỡ được tính “đồng phục” trong sáng tạo nghệ thuật. Về phương diện này, có lẽ với phẩm tính của một thi sĩ đích thực, Trương Đăng Dung đã thành công và đây là đóng góp cần được tri nhận không chỉ trong lĩnh vực thi ca mà ngay cả trong lĩnh vực lý luận - phê bình đối với nền văn học hiện đại nước nhà trong những năm qua.

         3. Khi luận về mối quan hệ giữa triết học và văn chương, diễn giải theo tư tưởng của Merleau – Ponty, Đặng Phùng Quân trong Triết học và Văn chương đã cho rằng: “Ý nghĩa của một quyển sách trước tiên không phải do những ý tưởng, mà do một biến đổi có hệ thống và khác thường của những cách thế ngôn ngữ và truyện kể hay những hình thức văn chương hiện hữu. Nơi nhà văn, tư tưởng không hướng dẫn ngôn ngữ từ bên ngoài; nhà văn là chính hắn như thể một ngôn ngữ riêng mới được thành lập, phát triển ra những phương tiện diễn đạt và phân hóa theo chiều hướng riêng của nó.”[5] Trong ý nghĩa này, với tập thơ Em là nơi anh tị nạn, Trương Đăng Dung đã tạo cho mình một vũ trụ ngữ ngôn riêng để chuyển tải những thông điệp thơ giàu tính triết luận, chứa đựng những ưu tư và tra vấn của thi nhân về kiếp nhân sinh bằng thi pháp dụ ngôn mà ngay tên tập thơ cũng cho ta thấy rõ điều ấy.

   Em là nơi anh tỵ nạn là một hình ảnh thơ mang tính dụ ngôn đầy sức ám gợi. Em là một hiện hữu ngoài bản thể. Hiện hữu đó, có thể là tha nhân, là một nơi chốn, là tình yêu, là thơ ca, thậm chí là là một giấc mơ, là cái đẹp, là một cõi tâm linh nào đó, để thi nhân “tỵ nạn” hầu đi tìm sự “cứu rỗi”, sự “thứ tha”, đi tìm “gương mặt con người” trong một thế giới luôn bất toàn như thi nhân đã trần tình: “Thế giới này không còn chỗ bình yên, em là nơi anh tỵ nạn/ kỷ niệm cứu rỗi chúng ta, nó lưu giữ thứ ánh sáng làm cho gương mặt ta mãi mãi là gương mặt con người” (Tin nhắn cho em). Nhưng rồi, chính thi nhân lại tự vấn: “Đêm nay trời đầy mây. Điều gì xảy ra nếu ký ức không cất giữ cuộc đời ta an toàn nhất?” (Tin nhắn cho em). Vì vậy, chốn “tỵ nạn” ấy cũng chỉ là cõi tạm, nhất thời, không những thế, còn luôn tiềm ẩn những bất an, không thể là nơi thi nhân tìm thấy hạnh phúc hằng cửu được. Bởi, một điều đơn giản vì con người không thể tìm thấy được sự bình an và hạnh phúc ở bất cứ nơi nào trên trên cõi nhân gian cho dẫu hằng ngày, con người vẫn thường nghe ở đâu đó những lời tụng ca về hạnh phúc, an bình, văn minh, trên rất nhiều diễn đàn của hành tinh này. Song, hạnh phúc, bình yên có chăng cũng chỉ là một thứ bánh vẽ đầy ngụy tín mà con người đưa ra để huyễn hoặc chính đồng loại mình. Bởi, như nhà thơ Hungari Pêtôfi đã chia sẻ: “Buồn đau là bể khổ/ vui sướng là ngọc Châu/ Khi mò được ngọc châu dưới bể/ E nửa vời tan nát biết đâu!?”. Thế nên, dù có “tỵ nạn” nơi đâu, thi nhân vẫn không thể chạy trốn được nỗi cô đơn thân phận và những khổ đau kiếp người vốn là yếu tính của bản thể mà một thi sĩ có trái tim đa cảm, đa sầu, một tâm thức luôn thao thức với quá nhiều ưu lo như Trương Đăng Dung không thể không trở trăn, dằn vặt. Thơ Trương Đăng Dung, vì thế, là sự kết tinh những vang vọng từ nỗi đau phận người mà thi nhân luôn lắng nghe như ông đã trần tình: “Tôi nghe đêm đêm tiếng bước chân người, tiếng trẻ khóc đòi ăn, tiếng mèo kêu ma quái, tiếng mưa rơi da diết gọi bình minh. Bóng những người cha lặng lẽ vô tình, như vết máu đổ dài trên vách, những người mẹ ôm bụng trào nước mắt, sung sướng lo âu nghe nhịp đạp con người (…) Tôi đi giữa mọi người, bên những hàng cây im lặng, lòng thầm biết ơn thân cây nào rồi đây ngã xuống, xẻ mình ra ôm tôi về cát bụi”. (Tự bạch)

    Thấu hiểu trước những nỗi đau cũng như sự vô nghĩa của kiếp người trong cõi nhân sinh, Trương Đăng Dung luôn tự vấn về sự hiện hữu của chính mình và cũng là phận số con người qua những hình ảnh thơ mang tính dụ ngôn của một cảm thức hiện sinh mà nếu không có một thiên năng thi sĩ được Thương Đế ban tặng khó có thể viết được những câu thơ đầy mỹ cảm và giàu trính triết luận như thế: “Hai chuyến tàu cùng số hiệu/ không cùng giờ xuất phát/ không ga đi/ không ga đến/ con tàu như nỗi cô đơn của bóng đêm/ di chuyển/ không hành khách/ không cửa sổ/ con tàu như ký ức của mùa thu/ đóng hộp/. Rồi một ngày tàu anh kiệt sức/ nằm im trên cánh đồng/ những toa tàu bỏ không/ đầy bụi/ Rồi một ngày tàu em đến/ tiếng còi nghe như tiếng côn trùng/ những toa tàu bỏ không/ đầy mối/ thấp thoáng bóng người/ trong cỏ.” (Hai chuyến tàu)

 

      Từ điểm nhìn của chủ nghĩa hiện sinh, cuộc sống con người là một kiếp lưu đày. Trong hành trình lưu đày đó, đôi khi người ta thấy mỏi mệt muốn tìm một nơi chốn nào đó để “tị nạn”, mong tìm phút yên bình trong một thế giới bất ổn. Là người có phẩm tính thi sĩ, được bộc lộ rất sớm từ những ngày còn ngồi trên ghế trường đại học ở Hungari (không phải khi trở thành nhà lý luận - phê bình Trương Đăng Dung mới cầm bút làm thơ như lâu nay mọi người vẫn nghĩ) nên tâm hồn ông bao giờ cũng dễ vỡ, cũng bất an, vì vậy, việc thi nhân tìm đến một nơi nào để “tỵ nạn” cũng là điều dễ hiểu. Tính triết luận trong thơ Trương Đăng Dung qua thi pháp dụ ngôn trong Em là nơi anh tỵ nạn không phải là suy luận từ những triết lý khô khan, siêu hình, tắc tị mà đó là sự kết tinh nỗi đau bản thể  với nỗi đau thân phận, nên chạm đến mỹ cảm người tiếp nhận, bởi nói như P. Reverdy: “Nhà thơ gần như chỉ sống bằng cảm giác, hướng lên ý tưởng và rốt cuộc chỉ bày tỏ những tâm tình”[6], còn Friedrich Schiller thì cho rằng: “Tiềm thức hợp với suy tưởng, tạo thành nhà thơ”.[7] Những suy niệm này, theo tôi rất đúng với hành trình sáng tạo thơ của Trương Đăng Dung không chỉ ở tập thơ Em là nơi anh tị nạn (2020) mà ngay cả ở tập thơ đầu tay Những kỷ niệm tưởng tượng (2011). Thơ Trương Đăng Dung là sự kết tinh của những ký ức, những hoài niệm cùng với những ưu tư, giằng xé mà ông đã trải nghiệm trong hành trình sống và viết của mình. Chính sự nghiệm sinh này đã tạo nên một giọng thơ riêng, một thi pháp riêng có của Trương Đăng Dung, để từ đó xác lập một hệ giá trị của thơ ông.

 

     Trương Đăng Dung không chỉ làm thơ mà còn có những suy niệm về thơ mang cảm thức triết luận khá sâu sắc mà tiểu luận: “Cô đơn, khát vọng, và khoảnh khắc trong thơ hiện đại” góp mặt trong tập thơ Em là nơi anh tị nạn là một xác chứng, khi ông cho rằng: “Thi sĩ hiện đại nắm bắt khoảnh khắc như nắm bắt mùi hương thoảng qua. Trong các nền văn học xưa, ý nghĩa của cái khoảnh khắc này còn xa lạ, vì các nền văn học tôn giáo chỉ biết đến những giá trị ổn định. Trong thơ hiện đại, khoảnh khắc là một trong những hình thức xuất hiện của nỗi cô đơn, giống như khát vọng vậy. Bởi vì, người hiện đại không chỉ cô đơn trong không gian mà còn cô đơn cả trong thời gian”[8]. Thơ Trương Đăng Dung là thơ của nỗi cô đơn và ưu lo bất tận trước những được mất của phận người và chính điều này cho thấy sự nhất quán trong cảm thức triết luận của ông không chỉ thể hiện trong thơ mà ngay cả trong những suy niệm về thơ ở các bài tiểu luận - phê bình. Như vậy, cảm thức triết luận là một thực thể mang tính dự phóng trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của Trương Đăng Dung.

 

      4. Khi tìm hiểu hành trình sáng tạo của Trương Đăng Dung, tôi chợt nghĩ đến Nguyên Sa – Trần Bích Lan, một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học miền Nam trước 1975. Bởi hai ông có những điểm tương đồng khá thú vị trong hành trình sáng tạo vì đều là thi sĩ và là nhà lý luận - phê bình mà ở lĩnh vực nào họ cũng có thành tựu đáng ghi nhận, bởi sự đóng góp từ những sáng tác của họ với đời sống văn học nước nhà. Nhưng khi nghĩ đến Nguyên Sa người ta thường nhớ đến ông như một thi sĩ có những bài thơ đã để lại dấu ấn trong tâm cảm của những người trẻ ở miền Nam, nhất là những bài thơ được Ngô Thuỵ Miên phổ nhạc, được thu âm, phát trên “làn sóng điện” Đài phát thanh Sài Gòn trước 1975 như: Tuổi mười ba, Áo lụa Hà Đông, Pari có gì lạ không em; Tháng sáu trời mưa, … mà ít ai quan tâm đến vai trò của ông với tư cách là nhà lý luận  - phê bình có nhiều tác phẩm nỗi tiếng như: Quan điểm văn học và triết học (1960); Một bông hồng cho văn nghệ (1967); Descartes nhìn từ phương Đông (1969)… bàn về những vấn đề lý luận - phê bình như: Quan niệm về nhà văn và quá trình sáng tạo văn học; Chỗ đứng của văn học nghệ thuật trong tình thế hiện tại; Đào sâu, nỗi cần thiết của suy tưởng nghệ thuật; Sự sáng tạo đề tài … Ngược lại, với Trương Đăng Dung, mặc dù làm thơ khá sớm và gần đây đã cho in hai tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng Em là nơi anh tị nạn tạo nên những dư chấn trong tiếp nhận của người đọc với hàng chục bài phê bình trên phương tiện truyền thông trong và ngoài nước nhưng khi nghĩ về ông người ta không nói nhiều đến tư cách thi sĩ mà lại quan tâm đến ông với tư cách là nhà lý luận - phê bình. Đây chính là điều khác biệt giữa Trương Đăng Dung và Nguyên Sa trong cảm quan tiếp nhận của người đọc. Song, điều khác biệt rõ nhất ở hai ông, đó là Nguyên Sa làm thơ và nghiên cứu lý luận - phê bình khi tuổi thanh xuân còn Trương Đăng Dung dù làm thơ và có thơ đăng báo từ khi còn trẻ nhưng rồi, ông lại để cho nàng thơ ngủ yên trong ký ức, dành thời gian cho nghiên cứu lý luận - phê bình, và khi đến tuổi “tri thiên mệnh” ông mới trở về “ân ái” với thơ để sinh hạ cho đời tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng và mười năm sau mới “trình làng” tập thơ thứ 2 Em là nơi anh tỵ nạn với chỉ 24 bài thơ, trung bình mỗi năm ông viết được hơn hai bài thơ. Trương Đăng Dung viết thơ chậm như thế, “đẻ” thơ “lâu” và “đau” như thế, đủ thấy hành trình sáng tạo thơ của ông khốn khổ và khó khăn đến dường nào!?

       Một điều khác biệt nữa không thể không nói đến giữa thơ Trương Đăng Dung và Nguyên Sa đó là hương vị ở mảng thơ tình. Nếu thơ tình Nguyên Sa là men rượu ngất ngây tình ái của tuổi thanh xuân ngọt ngào và đầy lãng mạn được “chưng cất” từ những tâm hồn khao khát yêu đương: “Nắng Saigon anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/ Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/ Thơ của anh vẫn nguyên màu lụa trắng” (Áo lụa Hà Đông); Hay: “Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám? / Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba/ Tôi phải van lơn ngoan nhé, đừng ngờ… Tôi phải dỗ như là … Tôi đã nhớn”, nên khi viết về Nguyên Sa, Tạ Tỵ đã xác quyết: “Nói đến Nguyên Sa là nói đến Thơ, đến tình yêu đôi mươi, nói đến một vòm trời Tình Ái với “ngày tháng không thể làm mòn phai những lời đắm đuối. Do đó, Nguyên Sa đúng là thi sĩ của Tình Yêu và Tuổi Trẻ chẳng phải cho hiện tại, còn cho ngày mai phía trước”[9], thì thơ tình Trương Đăng Dung là thơ được “chưng cất” từ những tâm hồn mà tình yêu luôn gắn với sự nghiệm sinh của đời người nên trong âm hưởng mặn nồng tình ái còn có cả vị đắng chát của cuộc nhân sinh, vì vậy nó mang cảm thức triết luận: “Bao năm rồi anh tìm em/ trong những bình minh không có mặt trời/ trong những lâu đài chỉ có cánh dơi/ trong những giấc mơ không đầu không cuối/ … Anh hỏi dòng sông về hạnh phúc trên đời/ sông trả lời anh sông chỉ biết trôi/ anh hỏi ngọn núi/ núi trả lời anh núi chỉ biết ngồi/ anh hỏi con người/ người trả lời anh bằng nước mắt rơi!/… Thôi em đừng khóc/ rồi sẽ qua đi kiếp người ngắn ngủi/ một ngày kia hết mọi buồn vui/ chui xuống cỏ ta sẽ năm dưới cỏ/ bàn tay ta bất động giữa đất dày/ bàn tay ta thôi tìm nhau run rẫy” (Ảo ảnh), hay “Em ngồi bên anh nhìn dòng song /chảy từ phía chân trời/ đầy nắng, mưa và gió/ (…) Anh sợ đến một ngày dòng sông ngừng trôi/ đất khô cứng những giọt buồn hoá đá/ anh sợ đến một ngày hồn anh từ cõi lạ/ trở về đây mà không có dòng sông” (Trên đồi Vọng Cảnh) và “Ngoài kia trời không sao/ em chập chờn hư thực/ trái tim trong lồng ngực/ đang thét gào yêu thương” (Ánh sáng này). Tuy nhiên những sự khác biệt này chỉ là yếu tố ngoại vi, là những điều thứ yếu khi đối sánh hành trình sáng tạo của Nguyên Sa và Trương Đăng Dung. Bởi điểm gặp nhau giữa hai người chính là những giá trị nhân văn luôn hướng về con người với những ưu tư thi sĩ trước “vũng lầy đau thương” của nhân loại thể hiện trong thơ của Nguyên Sa khi ông cảm nhận về chiến tranh: “em nhìn coi/ mùa xuân đã trôi qua/ mùa hạ đã trôi qua/ mùa thu đã trôi qua/ bây giờ là mùa đông/ mùa đông ở trên vai/ mùa đông trên thành phố/ lá chết ở trên cành/ cành chết ở trên cây/ cây chết ở trên đường/ thành phố/ phải thành phố đó/ thành phố chiến tranh và đại bác/ thành phố trống vắng/ quê hương trống vắng” (Nhìn em nhìn thành phố nhìn quê hương). Bởi, trong tâm thức của Nguyên Sa “Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt/ dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư”. (Bây giờ)”. Những ưu lo trong thơ Nguyên Sa cũng là nỗi ám ảnh hằng thường, đau nhói trong thơ Trương Đăng Dung khi thi nhân xa xót nhận ra: “Mỗi ban mai khép cửa/ Anh vẫn ngoái nhìn em lần nữa/ ngoài kia mây bay/ gió thổi mong manh rèm cửa đóng/ ngoài kia trời rộng/ ở đâu đó đang gầm lên tiếng súng/ ở đâu đó bao người ngã xuống/ mắt nhắm rồi chưa một bửa ăn no…” (Anh không còn gì ngoài em). Và đây chính là sự tương hợp của hai nhà thơ không chỉ trong tư tưởng mà ngay cả trong hình thức biểu hiện, nhất là ở âm điệu câu thơ mà hai đoạn thơ trích dẫn trên là sự minh chứng. Và dù khác thế hệ, khác bối cảnh lịch sử - xã hội, nhưng họ đều là những thi sĩ đích thực, khi thơ họ biết vượt lên cái tầm thường của đời sống để hướng đến cái cao cả với những suy tư về nỗi đau than phận và sự hư hao của kiếp người. Chính điểm gặp gỡ này đã đưa thơ Nguyên Sa và Trương Đăng Dung hòa vào dòng chảy nhân văn của thơ ca dân tộc được kết tinh từ những giá trị văn hóa nhân bản tốt đẹp mang tầm nhân loại.

 

   5. Đọc thơ Trương Đăng Dung từ rất lâu, đã hơn mười năm rồi, khi ông cho ra đời tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng, vậy mà tôi vẫn chưa có dịp chia sẻ những suy ngẫm của mình về thơ ông. Nhưng khi đọc tập thơ Em là nơi anh tị nạn của Trương Đăng Dung trong những ngày cả nhân loại đang khốn đốn trước đại dịch Covid 19, với hàng trăm người chết mỗi ngày trên cả hành tinh mà Việt Nam không phải là ngoại lệ, khiến chúng ta không thể không suy ngẫm về sự hư ảo của kiếp người trong cõi nhân gian đầy bất an mà những cảm thức triết luận về phận số mỏng manh của con người trong thơ Trương Đăng Dung là một xác chứng mang tính dự báo. Và với những suy tưởng triết luận về nhân sinh như đã luận giải ở trên, thơ Trương Đăng Dung đã thức nhận trong ta “tính bổn thiện” để chúng ta không thể sống thờ ơ, vô cảm, ích kỷ, chạy theo những dục vọng thấp hèn luôn đẩy con người vào “hố thẳm” tội lỗi với những đố kỵ, thù hận không đáng có và không nên có mà thi nhân đã cảnh báo trong thơ: “Lên cao lên cao, tôi nhìn thấy gì từ phía trên thành phố? Những mặt người khốn khổ chen chúc dưới mặt trời, như thể đã đến thời người với người không muốn nhìn nhau nữa”. (Lên cao, lên cao) Vì thế, hơn lúc nào hết, con người phải biết đùm bọc, yêu thương, sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống, biết tôn vinh những giá trị nhân văn, bởi không ai có thể “cứu rỗi” con người ra khỏi  khổ đau bằng chính con người như Trương Đăng Dung đã trăn trở: “Có thế giới này không/ nếu con người ngừng cấp cho ý nghĩa” (Lưu ý). Đây là những thông điệp mang tính dự báo đầy nhân bản nên thơ Trương Đăng Dung, không phải là thơ của một thời mà đó là thơ của một đời. Song, để thơ mình có thể đến nhiều hơn với người tiếp nhận, có lẽ, điều thi nhân cần hướng đến, là làm sao những cảm thức triết luận trong thơ đạt được sự dung hòa giữa chất trí tuệ và tình cảm nhiều hơn nữa. Bởi nói như Breton: “Thơ phải là sự tan rã của trí tuệ”[10]. Nghĩa là trí tuệ trong thơ phải biến thành cảm xúc, thành sự rung động của trái tim như lời một thi nhân đời Đường đã chia sẻ: “làm thơ, thơ gì cũng vậy, cũng phải lấy cái gốc trữ tình, cái gốc trái tim thì mới đi vào được lòng người”.[11]

     Chúng ta hy vọng và chờ đợi những dự phóng mới trong hành trình sáng tạo của Trương Đăng Dung như những suy niệm của ông về thi sĩ Tô Thùy Yên: “Ngựa đã gục ngã trên cánh đồng hoang/ tàu vẫn chạy/ mặt trời vẫn mọc./ Thi sĩ bước nhanh cho kịp bóng mình/ đi như không thể hoãn/ đi như không thể dừng/ cuộc rượt đuổi thời gian bất tận.” (Tô Thùy Yên). Và cũng như Tô Thùy Yên, Trương Đăng Dung không những đang đi mà ông đang “rượt đuổi thời gian” vốn không còn nhiều của đời người để sống và sáng tạo, hầu góp những điều có nghĩa cho con người, cho cuộc đời mà ông luôn trân quí, yêu thương…

 

Xóm Đình An Nhơn Gò Vấp, mùa dịch Covid 19

Sài Gòn, 6/8/2020

 

      



[1] Kahlil Gibran, Mật khải - Nhìn thấu cõi tử sinh (The prophet), Phạm Bích Thủy dịch, Nxb. Hiện Đại, Sài Gòn, 1975, tr.7

[2] Trần Văn Hiến Minh, Từ điển và Danh từ triết học, Nxb. Ra Khơi, Sài Gòn, 1966, tr.64

[3] Kahlil Gibran, Mật khải - Nhìn thấu cõi tử sinh (The prophet), Phạm Bích Thủy dịch, Nxb. Hiện Đại, Sài Gòn 1975, tr.62, 65 

 

[4] J. Paul Sartre, Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản, (Đinh Hồng Phúc dịch, Nxb. Tri thức, Hà Nội. 2015, tr.7

[5] Đặng Phùng Quân, Triết học và Văn chương, Lửa Thiêng xuất bản, SG, 1974, tr.14

[6] Trần Hoài Anh, Thơ - Quan niệm và Cảm nhận,  NXb. Thanh niên, H, 2010, tr.279

[7] Trần Hoài Anh, Thơ - Quan niệm và Cảm nhận, NXb. Thanh niên, H, 2010, tr.278

[8]  Trương Đăng Dung, Em là nơi anh tị nạn Nxb. Văn học, 2020, tr. 81, 82

[9] Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt Văn nghệ, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1970, tr.262

[10]  Trần Hoài Anh, Thơ quan niệm và cảm nhận, Nxb. Thanh niên, H, 2010, tr.83

[11] Đoàn Thêm trích dịch, Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế, 1962, tr.153

*Thơ trong bài trích trong tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng (Nxb. Thế giới, 2011) và Em là nơi anh tị nạn (Nxb. Văn học, 2020) của Trương Đăng Dung

 

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 1330
Ngày đăng: 17.08.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Linh Khiếu với Phồn Sinh: ''ta một mình ở lại để dòng sông trôi đi'' - Mai Liên Giang
Đọc bài “Daddy” của Sylvia Plath - Đỗ Quý Dân
Giấc mơ thặng dư - Nguyễn Thanh Huyền
Dịch bệnh Covid 19 và tiểu thuyết:Trò chuyện với thiên thần - Trần Kim Đức
Thơ tình Mai Văn Hoan - Hoàng Thị Bích Hà
Chúng ta không cần phải đẹp lắm- một bài thơ hay - Hoàng Thị Thu Thủy
Như một bài tập làm văn – Thơ Trần Vấn Lệ - Đặng Xuân Xuyến
Vài khoảng đời trong «Kinh thành cổ tích» - Nguyễn Anh Tuấn
Mùa Hạ tím trong thơ Lê Phượng - Phan Chính
Để làm gì, nghĩ đến câu trả lời! - Phan Chính
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)