Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.148
123.226.734
 
Đọc lại hồi ký Nguyễn Huy Tưởng, nghĩ về bài học cho văn nghệ hôm nay
Cảnh Thụy

    

         Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng- Giải thưởng Văn học, Nghệ thuật Hồ Chí Minh năm 1996, là tác giả của những truyện tiêu biểu: Truyện anh Lục, Sống mãi với Thủ đô, Bốn năm sau, Lũy hoa và các truyện viết cho thiếu nhi: An Dương Vương xây thành Ốc, Hai bàn tay chiến sĩ, Kể chuyện Quang Trung, Lá cờ thêu sáu chữ vàng... Ông cũng để lại cho nền kịch hiện đại Việt Nam hai kịch bản nổi tiếng một thời: Vũ Như Tô và Bắc Sơn.

         Nhắc đến Nguyễn Huy Tưởng, không thể quên một nhà văn hiếm có cần mẫn ghi nhật ký gần 30 năm liên tục (từ ngày 2/11/1930 cho đến trước khi ông qua đời, ngày 21/6/1960). Nếu trong sáng tác, người đọc nhận thấy ở ông một cây bút đa tài, thì qua 1.700 trang nhật ký- trong đó, Tập III do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2006, lại gặp ông qua những trang viết cho riêng mình như những lời thủ thỉ, tâm tình của một “nghệ sỹ, công dân” đầy tâm huyết với đời, với dân tộc và nhân dân. Trong đó, chứa chất không ít những băn khoăn, dằn vặt và đau đớn trước những vấn đề xây dựng cuộc sống mới đang đặt ra trong giai đoạn lịch sử những năm đầu sau 1954 ở Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung.

         Sau sự kiện sôi động và hào hùng quân đội cùng các cơ quan Chính phủ về tiếp quản Thủ Đô, Hà Nội trở về đời sống thường nhật không ít xáo trộn của một trật tự cũ đã thay đổi, trật tự mới bắt đầu hình thành, cùng những sự kiện long trời nở đất, như: cải cách ruộng đất, cải tạo công thương và vụ án Nhân văn, Gai phẩm. Niềm vui chưa vơi thì  lo toan thường nhật và những dự cảm không mấy tốt lành lại ập đến với mỗi người dân, từ giới tư thương đến công chức, trí thức, quân nhân phục viên và người dân lao động. Trong không khí vui tươi, phấn khởi sau hòa bình, có xen lẫn hoang mang của dân chúng cùng với dự cảm của không ít trí thức, văn nghệ sĩ về sự tù túng, thiếu tự do đang trùm lên đô thị ngay sau hòa bình. Nhật ký ngày 5.7.1956, Nguyễn Huy Tưởng viết: “Cảm thấy một sự gì oi bức trong đời sống. Cán bộ còn chật vật thế này, thì nhân dân bị giàng buộc biết mấy... Vợ chồng một cán bộ đang đi chơi trên bờ Hồ Tây. Công an bắt, hỏi giấy, hỏi cả giấy giá thú. Người dân Hà Nội nói: Đấy là nông dân mà còn thế, tưởng chỉ bắt phi dê thôi”. Vẫn trang nhật ký cùng ngày, Nguyễn Huy Tưởng ghi vắn tắt một câu chuyện thật thương tâm: “Trong quân đội, cấm luyến ái. Quy định 32 tuổi mới được lấy vợ, lấy vợ 30, góa càng hay. Có một anh đã ngoài 40, lấy được một đám còn trẻ. Nhưng không được phép về. Nhà gái tới đơn vị, xin cho cưới. Đơn vị không cho phép ra. Đến khi được phép 15 phút, ra nói xin hoãn cưới. Chị kia tức giận, bỏ về không lấy anh nữa và đi lấy chồng. Anh ngồi bần thần đến 7, 8 ngày”. Những nghệ sĩ cùng thời cũng có cùng tâm trạng với ông về đời sống văn hóa, tinh thần và không khí thiếu dân chủ trong xã hội lúc đó. “Nói chuyện với Dương Bích Liên. Ở thành phố, cuộc sống có gì giả tạo. Tình bạn, tình yêu không còn thắm thiết. Gía trị cũ đã thay đổi rồi. Tất cả đều tam bợ. Không mấy người lập được một gia đình, không dám vì không có điều kiện. Không có cái cơ sở để xây dựng, vì cuộc đời bấp bênh. Cái cảnh chủ nhật ở Hồ Gươm thật là biểu hiện của một thực trạng bất bình thường. Họ gặp nhau, họ nói chuyện, rồi họ trở về với tập thể, một thứ tập thể lạnh lùng...” (15.7/1956).

         Trong đời sống chính trị thì lúc này đã bắt đầu bộc lộ tính quan liêu và bệnh dân chủ hình thức. Quốc hội họp phiên toàn thể thông qua mấy dự luật (Tự do hội họp, Tự do báo chí...) theo trình tự Chính phủ trình bày, Tiểu ban Thống nhất thuyết trình, “mấy tham luận toàn miền Nam... Tán thành hết”. Nguyễn Huy Tưởng không kìm nén được  búc xúc “Rất khó chịu cái nhất trí kiểu kỳ cục này” (ngày 12.1.1957). Cũng vì thế mà đến phiên Quốc hội họp ngày 14.9. 1957, ông đã phải bỏ không dự vì không muốn “phải giơ tay tán thành” dự luật “Tự do xuất bản” mà chỉ mỗi cái có chữ “tự do” còn lại nội dung thì chả thấy tự do đâu cả(!).

         Trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và tuyên truyền, Nguyễn Huy Tưởng cũng nhận rõ những lệch lạc, do quá đề cao ý thức hệ, dẫn đến “vọng ngoại” đến cực đoan và xem nhẹ di sản dân tộc. Kỷ niệm Nguyễn Du, Tố Hữu nhắc nhở: “làm bé thôi”. Trong nhật ký, ông bộc bạch vẻ phẫn nộ: “Không phải từ khi có Đảng chúng ta mới có nước. Không miệt thị ông cha. Đừng công, nông chủ nghĩa”. Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, Hà Nội tổ chức linh đình, cờ hoa lộng lẫy, vậy mà kỷ niệm 2/9 lại hầu như chẳng có gì. Nhân viên Đại sứ quán Đức hỏi: “Sao các anh lại làm thế? Quốc khánh của các anh thì chẳng có gì?” (7.11.1957). Sự việc đó khiến cho một nghệ sĩ có tâm hồn nhạy cảm và tinh tế như ông cảm thấy tổn thương và bị xúc phạm. Đến Hội Lim nhân dịp đầu xuân, chứng kiến những gì chính quyền địa phương đã hành xử với lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc này khiến ông chua xót: “Khách quốc tế đến xem thất vọng. Hỏi ban tổ chức thì được biết: đền đã bị phá, hát thì lớp trẻ chưa tập vì nội quy “cấm trai gái lãng mạn” (13.2.1957). Trong một trang nhật ký khác, Nguyễn Huy Tưởng khái quát cách ứng xử với thiết chế và ấn phẩm văn hóa cũ: “Sách vở cũ tịch thu. Thư viện trống rỗng. Cổ điển Pháp bị bỏ (...). Các tài liệu về phong kiến, về lịch sử thì đem thủ tiêu”. Ông chỉ ra cái thuộc tính cố hữu của những người nông dân đi làm cách mạng và chua chát nhận xét: “Triều đại nào lên là phá triều đại cũ. Vẫn cái vòng luẩn quẩn ấy thôi” (27.5.1957).

         Đọc nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, ta không khỏi kinh ngạc khi ông rất sớm đưa ra những cảm nhận về bức tranh giáo dục với tư duy phản biện ngang tầm của một chuyên gia giáo dục, mà đến nay vẫn chưa hết tính thời sự: “Không hề chú trọng đến bản chất của trẻ em là vui tươi, ngây thơ, nhiều tình cảm, nhiều tưởng tượng”, mà người ta hướng các em vào những điều chính trị, tính cũng thuế, chính cũng tả thuế, tập đọc cũng thuế”(20.4.1956). Có thể nói, ông là một trong số ít trí thức nói lên được vấn nạn văn chương, nghệ thuật và giáo dục bị “chính trị hóa” một cách thô thiển. Ông bức xúc: “cái giáo dục của ta bây giờ cưỡng lại cuộc sống” và “giáo dục nhà trường: giả dối” (9.1.1957).

 

         Nhìn ở góc độ kinh tế, chính trị thì tuy cải cách ruộng đất đã thực hiện được mục tiêu người cày có ruộng, xóa bỏ tầng lớp địa chủ, nhưng ngay lúc bấy giờ, Nguyễn Huy Tưởng cũng không chấp nhận lối hành xử cực đoan, bất chấp sự thật, trái với các văn hóa, đạo đức, nhân văn. Ông đau đơn viết: “Biết bao những người oan uổng. Đau xót vô cùng là đồng chí có công lao trong kháng chiến vào sinh ra tử, ở hầm, ở hố nay bị đem ra bắn. Có những người theo lệnh của Trung ương ký giấy cho bà con di cư, nay bị đem ra xỉ vả, không có một lời khiếu nại, minh oan. Có những người đeo huy hiệu Điện Biên Phủ, cải cách ruộng đất, huân chương, đội trưởng đem ra lột để bỏ tù, đánh đập. Có những người Bác cho áo, chúng cũng lột cho là làm giả và nghi cho là gián điệp. Rất buồn là đưa lên những cốt cán 17, 18 tuổi không biết gì nhân tình thế thái, cũng không hề tham gia kháng chiến, lăn lộn cải cách ruộng đất, và áp bức nông dân, ho ra lửa, thét ra khói. Sự trớ trêu của số phận. Bần cố nông chủ nghĩa. Đâu là nhân đạo cách mạng?”(9.7.1956). Nguyễn Huy Tưởng ghi lại một chuyện “ Ở Thái Bình, sau chỉ thị sửa chữa sai lầm của Trung ương, Đoàn ủy chữa chỉ thị đi. Những người bị xử oan, bị quy oan, đáng lẽ phải xin lỗi và khôi phục, thì lại bắt họ phải xin lỗi nông dân và biết ơn Đảng đã khoan hồng”. (5.9.1956). Về Bắc Ninh (sau kỳ họp QH) Nguyễn Huy Tưởng biết thêm một chuyện đau lòng: “Nghe nói có một xã, cán bộ kết án tử hình một đồng chí. Có lệnh sửa sai, nhưng anh cán bộ kia cứ đem đồng chí kia ra bắn, sợ sượng mặt” (16.2.1957).

 

         Cũng trong giai đoạn này, cải tạo công thương ở thành thị và vụ án “Nhân văn giải phẩm” đang gây chấn động dự luận, khiến Nguyễn Huy Tưởng cảm thấy bi quan và thất vọng. Đây là tâm trạng thực của ông trong Tết Mậu Tuất (1958): “Buồn cho một đất nước chưa có thói quen dân chủ, nặng phong kiến. Nạn nhân của lý luận giáo điều. Không người. Bao giờ cho Đảng cải tiến được tác phong. Để cho đời sống dễ chịu. Văn nghệ không còn gì. Đời sống văn nghệ thiếu. Tình cảm không còn. Chỉ còn là đối phó”. Đọc những dòng trên dù được ghi chép trong cuốn sổ tay cá nhân, người đọc cũng không khỏi ngạc nhiên về sự chân thật và táo bạo ở ông. Người đọc không thể không tưởng tượng  đến một tình huống giả định: Giả sử cuốn sổ ghi chép này rơi vào tay người có chức trách lúc đó, thì số phận ông sẽ ra sao?   

         Trong một bối cảnh xã hội như thế, nhìn lại nền văn học cách mạng sau hơn mười năm (1946-1954), Nguyễn Huy Tưởng nhận xét có thể hơi cực đoan nhưng không phải không có căn cứ từ thực tế sáng tác. Do hiểu một cách ấu trĩ về văn học phục vụ chính trị, nên trong một giai đoạn dài, văn học kháng chiến chỉ viết chạy theo đề tài, chạy theo thời sự, minh họa sống sượng cho những chủ trương, chính sách, phản ánh cuộc sống theo kiểu ghi chép, phản ánh thô thiển, công thức. Do vậy, nó không có sáng tạo, thiếu cá tính, chẳng có tư tưởng, cũng không rút được ra bài học hay nêu được vấn đề gì cho cuộc sống. Nó gây “lãng phí bao nhiêu tài năng” mà chỉ sinh ra “những tác phẩm vô giá trị” và “những nghệ sĩ cơ hội”. Từ đó, ông bày tỏ một thái độ dứt khoát: “Phải vứt những chữ “kịp thời” tai hại kia đi” (8.6.1956). Nhìn lại mình, ông thành thật đến tận đáy lòng và thú nhận: “Mình đã lăn lộn với nghề văn hơn 10 năm, đã có ít nhiều tiếng tăm, cũng có ít nhiều địa vị. Than ôi! Nhưng mà sao mờ mờ nhân ảnh. Tất cả những tác phẩm của mình đều vội vàng, hấp tấp, nhất thời. Chẳng xây dựng được chất tâm hồn. Mới ra thì ầm ĩ một lúc. Rồi nó chìm đi....Mà chính ta cũng không muốn nhìn lại nữa. Chẳng để lại một hình ảnh gì. Chẳng nêu được vấn đề gì... Chán và buồn thấm thía. Nằm thừ ra không vui. Văn chương vô vị” (8.7.1956). Phải là người rất tỉnh táo, có đủ bản lĩnh, không biết dối mình, tự huyễn hoặc mình, mới có được cái nhìn như thế! Cái đau ở Nguyễn Huy Tưởng là ông rất ý thức được có một thế lực vừa hữu hình, vừa vô hình đang biến cả một nền văn nghệ thành một trào lưu, trong đó có ông mà không thể thoát ra được.

 

         Mặc dù ông luôn tâm niệm văn chương là “Đừng viết cái gì sai với sự thật của con người, dù là dưới hình thức phục vụ. Người là thật. Phải thật với người” (16.6.1956). “Chân” là một trong ba giá trị mà bất kỳ tác phẩm văn chương nào cũng phải lấy đó làm mục tiêu (Chân, Thiện, Mỹ). Trong một trang nhật ký khác, Nguyễn Huy Tưởng viết: “Ông cụ Như Phong nói dân Hà Nội tinh, không lừa được.(...). Cổ động cho báo Nhân Dân, không mấy người nào mua”(14.3.1957) cũng là vì nó thiếu  chữ “Chân”. Ở trang khác, ông kể thêm một chi tiết không mấy thiện cảm với tờ báo này: Hay tin ở Hồ Tây có một phụ nữ tự tử, đại diện tờ Nhân Dân đề nghị “công an không vội loan tin, để giành quyền đưa tin cho báo” (1.9.1957). Một nhà văn trung thực như Nguyễn Huy Tưởng thì không thể chấp nhận được sự giả dối của một cán bộ quản lý điện ảnh (có tên H) khi hay tin: “điện ảnh duyệt phim “Hăm Lét” của Anh. Hay. Nhưng H tuyên bố: không nên chiếu, vì nó hay quá, sợ chiếu thì phim Liên Xô mất giá. Than ôi !” (14-15.5.1957). Tôn trọng sự thật, đề cao sự thật, nên từ trong tâm can, Nguyễn Huy Tưởng phản đối quan điểm “không được nói cái xấu của công, nông, binh”, ông cho rằng như thế là hủy hoại văn nghệ, ông viết: “Rất lo cho tiền đồ văn nghệ. Người ta kị không được nói cái xấu của công nhân, nông dân, hình như chế giễu những người ấy là động đến cả chế độ. Nhưng sao lại không được?...Không. Không thể dối trá được. Không thể che đậy được...” (7.3.1957). Tuy “trong bụng” nghĩ mạnh thế, nhưng ông cũng chưa viết được truyện gì chỉ rõ những tật xấu của công, nông lúc bấy giờ, chứ nói gì “động đến chế độ”(!). Đọc những trang nhật ký này, có thêm căn cứ để lý giải tại sao trong sáng tác, Nguyễn Huy Tưởng thiên về đề tài lịch sử. Có thể đó cũng là cách “giữ mình”, không chống được cả một trào lưu, thì cũng không hùa theo, để biến mình thành cây bút vô dụng vì chạy theo thời sự, viết theo công thức, thiếu cá tính, bản lĩnh, không dám nêu vấn đề, không dám đưa ra cái nhìn trái chiều.

 

         Những năm đầu hòa bình lập lại trên miền Bắc, Nguyễn Huy Tưởng luôn trăn trở với đề tài trí thức, trong khi nhiều văn nghệ sĩ phải né tránh vì như thế là trái với chủ trương, đường lối văn nghệ lấy “công, nông, binh” là nhân vật trung tâm của văn học. Riêng ông lại có những lý lẽ riêng, rất táo bạo, sâu sắc, chân thực và nhân văn để bênh vực giới trí thức. Ông bộc bạch: “Muốn viết một tiểu thuyết về người trí thức kháng chiến. Bần cố nông còn có lý do chiến đấu, vì kháng chiến đưa lại quyền lợi thiết thực cho họ. Những người trí thức đi với kháng chiến, vợ con nheo nhóc, con còn bốc cứt ăn, đang sống xa hoa, họ phải lội bùn, lội cứt, đi bộ, vác ba lô, mưa gió, sốt rét. Nhưng họ vẫn vui. Kể cả những người đã sống rất có tiện nghi ở Pháp sung sướng, thế mà bây giờ lội bùn kể cũng vui thật. Khổ vì vật chất mà họ còn khổ vì tinh thần. Bị khinh miệt, mũ tiểu tư sản, không được sử dụng vào chuyên môn, không được đề cao. Nhưng họ vẫn kháng chiến, ít người theo giặc, ngay Trịnh Văn Tuất bây giờ vào Sài Gòn cũng không cộng tác với Diệm. Thật là quý những người kỹ sư, bác sĩ, văn nghệ sĩ trong kháng chiến” (27.8.1956). Thế nhưng, Nguyễn Huy Tưởng mới chỉ “định viết”, còn chưa rõ nguyên nhân tại sao ông chưa viết (chưa có thời gian để hay còn đủ tỉnh táo để không dám viết?). Ở thời điểm ấy, nhìn tầng lớp trí thức, thấu hiểu được “bi kịch” của họ (nhất là trí thức từ Pháp về tham gia kháng chiến và trí thức chạy vào Nam sau 1954) không chỉ cần một cái đầu biết tư duy độc lập, cần một cây bút có nhân cách, mà quan trọng hơn là cần một bản lĩnh nữa. Cho nên, tiếc vì ông chưa thực hiện được dự định, nhưng biết đâu, “trong cái rủi có cái may”- như cổ nhân đã dạy!

         Không chỉ trăn trở với những vấn đề sáng tác, trong nhật ký của mình, Nguyễn Huy Tưởng còn đau đáu về một nền văn hóa, văn nghệ lấy ý thức hệ và tinh thần quốc tế cộng sản làm nền tảng dẫn đến cực đoan, xem nhẹ văn hóa truyền thống, tất cả cho vào mộ rọ “tàn dư phong kiến”, cũng được ông cảnh tỉnh. Trong trang nhật ký ghi ngày11.12.1956, ông không dấu nổi niềm tự tôn dân tộc: “Một đoàn chuyên gia Đức đi thăm chủa Tây Phương, để tìm hiểu thực tế và đặt kế hoạch xây dựng nhà bưu điện. Nói: Hôm nay là ngày lịch sử của chúng tôi, về kiến trúc, các anh có hẳn cốt cách, chúng tôi chẳng giúp được gì. Rất thán phục kiến trúc độc đáo của Việt Nam”. Mở rộng đường biên tiếp cận, Nguyễn Huy Tưởng thấy rõ những giá trị phương Đông cần được phát huy, cùng với học tập những giá trị văn minh phương Tây, cho thấy ở ông có tiếp cận văn hóa một cách cởi mở, khoa học và biện chứng: “Cần phải tiếp tục cái gì Đông phương, với cái phong cách tế nhị, hòa nhã của nó. Phải đóng góp cái khía cạnh ấy. Tây quá rồi. Đọc lại thơ văn cổ. Nghiên cứu sâu cái tâm hồn Đông phương. Tình cảm Đông phương phối hợp với khoa học Tây phương. Đó mới là văn học tiên tiến” (23.11.1956).

 

         Trong xây dựng con người mới, Nguyễn Huy Tưởng cũng có cách tiếp cận biện chứng và hài hòa: chú trọng xây dựng phẩm chất chiến sĩ đi đôi với xây dựng con người công dân có trí tuệ, văn hóa, nhân văn; không nên có cái nhìn phiến diện, một chiều về con người và xã hội: “Lại nghĩ đến sự bồi dưỡng tâm hồn con người. Đề cao anh hùng, chiến sĩ, đề cao lòng căm thù đế quốc, phong kiến, đề cao lòng dũng cảm. Nhưng có một cái không hề chú ý, ấy là vấn đề giáo dục tâm hồn, xây dựng những tình cảm bình thường của con người, trau dồi cái nhân phẩm con người, nâng cao trí tuệ và hiểu biết cái chân, thiện, mỹ” (28.7.1957). Khi nhiều văn nghệ sĩ bị trừng phạt vì có liên quan trong vụ án “Nhân văn Giai phẩm”, Nguyễn Huy Tưởng chưa đủ dũng cảm để cất tiếng nói bảo vệ, nhưng ông bày tỏ nỗi thương cảm và không tán thành với cách giải quyết thô bạo đối với trí thức, văn nghệ sĩ. Ông rất thấu cảm, bày tỏ nỗi ái ngại cho một nhạc sĩ tài danh: “Văn Cao bị một ám ảnh là luôn có người theo dõi. Tâm trạng bệnh tật” (14.2.1957). Ông đồng quan điểm với Nguyễn Đức Qùy: “Việc bắt Trần Dần năm ngoái chính là đồng chí TH. sau khi xem bài “Nhất định thắng” cho Trần Dần là phản động và ra lệnh Cục bắt. Đúng là dùng hành chính thô bạo trong đấu tranh tư tưởng rồi” (5.1.1957); và thầm oán TH, chỉ nhìn thấy cái vêt xấu của “Nhân văn”, mà không thấy nó là tiếng nói của nhiều quần chúng đang thiết tha dân chủ...” (14.12.1956). Cho đến hôm nay, những sai lầm trong giải quyết vụ Nhân văn Giai phẩm đã được “bạch hóa”, nhiều văn nghệ sĩ đã được “chiêu tuyết”, nhưng ở thời điểm lúc bấy giờ, việc nhận thấy trong Nhân Văn có “tiếng nói của nhiều quần chúng đang thiết tha dân chủ” thì chỉ có thể là một trí thức, văn sĩ có tâm, có tầm mới ngộ ra được!

 

         Đi sâu vào những vấn đề chuyên môn của nghề cầm bút, nhật ký Nguyễn Huy Tưởng đem đến người đọc điều thú vị và sâu sắc là ông đã chỉ ra sự khác biệt giữa trách nhiệm của một nghệ sĩ với trách nhiệm của một công chức: “Người nghệ sĩ phải có tự hào. Nhưng sự thật ra, lúc này, họ có khác gì một công chức. Họ dốt về mọi phương diện, văn hóa rất thấp kém. Họ sáng tác cái gì? Những đề tài đã có sẵn, vô thưởng, vô phạt, mà nhất định được hoan nghênh: anh công nhân, người đàn bà cắm thẻ nhận ruộng. Có sẵn hết. Thế thì anh ấy đóng góp cái gì. Anh nêu được vấn đề gì khi anh chẳng tìm thấy vấn đề gì nêu cả. Vẽ xong, anh yên tâm là đã phục vụ. Nhưng như thế có phải là nghệ sĩ không? Hay anh chỉ là một công chức?” (15.7.1956). Từ việc phê phán “thái độ công chức” trong nghiệp văn chương, Nguyễn Huy Tưởng nêu quan niệm của mình về sứ mệnh của nhà văn, đó thực chất là trách nhiệm của một “nghệ sĩ- công dân”; yêu cầu người nghệ sĩ ngoài tư tưởng đúng đắn, còn phải phải có văn hóa, vốn trải nghiệm sống, qua sáng tạo nghệ thuật thể hiện được nhiều “khía cạnh nhìn”, “khía cạnh nghĩ”, “khía cạnh cảm”; biết nêu vấn đề, biết sáng tạo và quan trọng nhất là phải có “tâm hồn nghệ sĩ” biết sống với thế giới nhân vật của mình... Vấn đề được Nguyễn Huy Tưởng đặt ra, không chỉ có ý nghĩa thực tiễn và kinh nghiệm sáng tác, mà còn có giá trị học thuật, giá trị lý luận chuyên ngành mà đến nay trong thực tế quản lý và sáng tác, nền văn nghệ đương đại vẫn còn nhiều vấn đề nan giải!

 

         Trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp, Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn trung thành với sự nghiệp của Đảng và cách mạng. Nhưng là một trí thức đồng thời là nhà văn trung thực, có trí tuệ và bản lĩnh, ông không chấp nhận lối sống buông xuôi, hèn nhát và cơ hội. Ông cũng không chấp nhận lối tư duy giáo điều, công thức, xơ cứng, một chiều; không chấp nhận cái nhìn cực đoan, phiến diện, lệch lạc, chủ quan, duy ý chí trong đời sống và  văn chương. Những vấn đề tự do, dân chủ trong văn nghệ mà ông ấp ủ, rãi bày trong nhật ký, phải đến sau 1975, nhất là sau Nghị quyết 05 của Trung ương về Văn nghệ, mới được  giới chuyên môn và dư luận sôi nổi bàn luận. Như thế, có thể nói, Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn có tư tưởng cấp tiến, ông đã đi trước 30 năm, dù chỉ là “để trong bụng”!

 

         Nguyễn Huy Tưởng là con người độc lập trong tư duy, ưa phản biện, ghét lối suy nghĩ theo công thức, sáo mòn. Vì thế mà ông nhìn vấn đề với hai mặt phải, trái, đúng sai không giáo điều, xơ cứng và công thức; luôn đặt trong mối quan hệ biện chứng. Với ông, “Người chấp hành đường lối văn nghệ cũng vì Đảng, người chống lại cũng vì Đảng. Bây giờ làm thế nào bảo vệ Đảng. Đấy là băn khoăn của Văn Cao” (4.9.1959). Và cũng “có khi bảo vệ đảng dẫn đến hại đảng vì không còn dân chủ gì cả” (27.12.1956). Ông trung thành với Đảng, với cách mạng nhưng không ấu trĩ, giáo điều; ông “phản biện trong suy nghĩ” cũng chỉ với mong muốn cho mọi chủ trương, đường lối và chính sách phù hợp với quy luật phát triển, với tiến bộ xã hội và thực tiễn đời sống mà thôi.   

 

         Nguyễn Huy Tưởng đến với thế giới này không phải để hài lòng, mà muốn thay đổi nó theo hướng tiến bộ. Ở ông, vừa có tư chất của một trí thức sắc sảo, tỉnh táo vừa có tâm hồn của một nghệ sĩ nhạy cảm và lãng mạn. Có những lúc ông “Buồn. Không muốn sống nghề viết văn. Làm một công chức, viết được cái gì hay cái ấy” (22.6.1958). Đấy suy nghĩ rất thực của một nhà văn hiểu rất rõ cái thiên chức của người nghệ sĩ, hiểu rõ cái quy luật nghiệt ngã của văn chương đích thức và thấy giới hạn của mình. Ông mang nỗi buồn đau của một nghệ sĩ- công dân có tư duy sắc sảo, tỉnh táo lại đang dấn thân vào con đường không mấy lạc quan: “Trong văn học, các đường xuất bản bị tắc hết. Văn chương toàn một điệu. Viết những cái gì ấp ủ: không được hoan nghênh lắm. Đuổi theo cái mới. Cái mới chưa sống. Đưa ra ngoài, người ta chê ỏng chê eo những tác phẩm của Việt Nam. Nhưng cái đường lối sáng tác thì gò quá. Dễ đi đến rập khuôn” (4.4.1959). Đó cũng là bi kịch của một con người gắn với vận mệnh chung của cả một dân tộc.

 

         Đọc nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, người đọc không chỉ hiểu thêm hoàn cảnh đất nước một thời. Mà điều quan trọng là hiểu thêm về một nhà văn đang sống và suy tư  trong một giai đoạn “nhận đường” mới. Qua nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, bạn đọc- nhất là giới trí thức và văn nghệ sĩ, tìm thấy trong đó bài học thật quý báu cho riêng mình. Những gì ông đã trăn trở và viết, đến nay vẫn đầy ắp tính thời sự!

___________________

* Nguyên giáo viên văn trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc- Sơn La

ĐT: 0912 180 541

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cảnh Thụy
Số lần đọc: 1020
Ngày đăng: 25.08.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đi tìm Dịch giả Trần Dần - Nguyễn Anh Tuấn
Sài-Gòn, Ngày Trở Lại - Nguyễn Vy Khanh
Đôi dòng tản mạn về “Trò chuyện với thiên thần” của nhà văn Trương Văn Dân - Nguyên Cẩn
Hiện-tượng hồi-ký hải-ngoại - Nguyễn Vy Khanh
“Thơ đến từ đâu”- Cuộc truy tìm bất thành đáng trọng - Nguyễn Đức Tùng
Chiếc đòn khênh võng của một bậc quốc sĩ - Nguyễn Anh Tuấn
Nhà Văn Hải Ngoại Hồ Trường An - Nguyễn Vy Khanh
Phân tâm học - Võ Công Liêm
Du lịch cùng thi ca Huế - Võ Quê
Mai Văn Hoan – Hồn thơ nồng nàn và đa cảm - Hoàng Thị Bích Hà