Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.092
123.232.514
 
Tửu địa
Phạm Lưu Vũ

Quán rượu nhỏ của lão Côi điếc ở mé đông làng Cát, nhìn thẳng ra một cái hồ lớn, nước xanh ngắt quanh năm. Một hôm, có một ông già gày gùa, nón tơi áo rách ghé vào quán. Ông khách gọi một chén rượu loại ngon đựng trong chiếc hũ sành nút lá chuối khô. Nhưng lão chỉ đưa lên mũi ngửi, chứ không hề uống, ánh mắt lúc nào cũng ngó đăm đăm vào đàn chó đang tranh nhau mấy khúc xương ngoài đường, như thể bị hút hồn vào cái hình ảnh sinh động rất cuộc đời ấy. Lão Côi lấy làm lạ, mấy lần muốn bắt chuyện mà vẫn cảm thấy chưa tiện mồm. Đột nhiên, ông khách trỏ vào một con chó cái lông xù đứng ngoài đám tranh nhau, đang ngoe nguẩy đuôi, phóng ánh mắt về phía hồ nước mà bảo lão Côi:

- Con chó kia của nhà ông phải không? Nó có tướng: “tam nhật nhất tiểu điểm” đấy. Quả nhiên lão đoán không sai. Mới vừa tới đây, lão đã thấy hình thế làng này tuy bệ rạc, song lại có dáng giống cái lưỡi chó đang liếm vào hồ rượu. Sách xưa gọi thế đất này là “tửu địa”. phải có long mạch gọi là “tửu long”, thì mới sinh ra chốn “tửu địa” như thế này. Giờ lại bắt gặp con chó. Thế thì trong làng tất có tay bợm rượu.

Lão Côi tai vốn nghễng ngãng, song được cái tinh mắt, nhìn mồm có thể đoán ra khách nói gì. Nhưng cũng phải một lúc lão mới hiểu ra, hiểu ra thì càng ngạc nhiên. Bèn hỏi:

 

- “Tam nhật nhất tiểu điểm”... là tướng gì? xin cụ giảng cho biết.

Ông khách giải thích:

-                  Theo “Cẩu kinh” (kinh sách chuyên về chó), thì đó là một tướng chó cực hiếm. Giống này khi tiêu hóa, nước thải thoát ra toàn thân theo đường lông. Chỉ có cái tinh chất lắng đọng lại, gọi là “cốt thuỷ”. Ba ngày nó mới đái một lần, mỗi lần đái chỉ có một giọt, và cũng chỉ đái đúng một điểm nhất định trên mặt đất mà thôi. Chỗ ấy quý lắm đấy.

 

Lão Côi nghe nói, ngẫm lại con chó nhà mình thấy đúng quá. Bèn hỏi tiếp:

-      Thế mà nhà tôi nuôi nó bao nhiêu năm nay lại không hề biết. quả là tôi chưa từng bao giờ trông thấy con chó ấy đái. Thậm chí... ngay cả sủa, nó cũng rất kiệm tiếng, không sủa bừa bãi, cẩu thả như những con khác. Chỗ nó đái quý như thế nào, làm cách nào mà biết được hở cụ ? 

 

Ông khách bảo:

-      Phải là người có duyên mới tìm ra được. Người vô duyên dẫu có để ý theo dõi, rình rập cũng uổng công mà thôi. Giời đã sinh ra phải như thế. Chỗ nó đái là một cái huyệt cực tốt, gọi là huyệt “cẩu thuỷ”. Kẻ có duyên tìm được rồi thì đợi đúng giờ Tý (nửa đêm), ngày Tuất, đem mả bố mà táng xuống dưới đó. Đặt mả quay hướng nam, để đầu vừa chạm vị trí nó đái. Nếu là huyệt Âm đột (lồi) thì con cháu có thể làm vua làm chúa, ăn không nói có, đè đầu cưỡi cổ thiên hạ. Nếu là huyệt Dương oa (lõm) thì con cháu có thể làm quan đến tỉnh trưởng, huyện trưởng... Nhưng khi nào con chó ấy chết thì cũng nhanh chóng hết vận.

 

Lão Côi hỏi:

- Tại sao thế hở cụ?

Ông khách trả lời:

- Huyệt mạch nào thì cũng phải dưỡng mới lâu dài được. Kì cẩu chết, không có chó đái dưỡng huyệt nữa thì hết vận chứ sao.

Lão Côi nói:

- Thế thì có lẽ tôi là người vô duyên chăng? Thật là tiếc quá. Ai biết được có một chỗ chó đái mà quý đến như thế. Song phú quý mà chỉ kéo dài bằng kiếp một con chó thì kể cũng hơi ngắn. Nhưng sao cụ xem tướng chó, lại biết làng tất có tay bợm rượu ?

 

Ông khách trả lời:

-      Hạng trí giả xưa nay xem tướng chó, biết tính chủ là chuyện bình thường. Huống chi loại chó này vốn có sự tích hẳn hoi. Giống này hiếm bởi không do di truyền, mà do giời sinh. Và cũng chỉ có ở chó cái, không sinh vào chó đực. Cái lý nó phải thế. Đi hàng trăm làng may ra mới thấy một con. Ngẫm ra cũng có cái lẽ bên trong của nó. Giống chó ấy mà sẵn thì chẳng lẽ trên đời đầy nhóc cả vua, chúa hay sao? Nó là thứ ngược lại của rượu, là âm tửu. Nó chỉ cất tiếng sủa khi gặp phải đám loạn tửu, sắp gây ra thù hằn nhau, đánh chửi nhau vì rượu đến nơi. Mỗi tiếng sủa của nó có tác dụng làm cho những cái đầu bốc lửa nguội dần đi. Ở đâu có long mạch gọi là “truyền nhân kĩ tửu địa” (đời nào cũng sinh ra một “kĩ tửu” - bợm rượu), thì ở đó mới xuất hiện giống chó này. Song cũng phải có kì duyên, thì hai thứ kì nhân và kì cẩu ấy mới gặp được nhau.

 

Lão Côi chợt hiểu ra. Hèn nào mà quán của lão chưa bao giờ xảy ra những vụ ẩu đả nhau vì rượu như những quán khác trong làng, mặc dù ở đây không ngày nào là không diễn ra những trận nhậu tưng bừng. Thì ra nhờ có con chó “âm tửu” kia. Nhưng lão Côi nghĩ bụng làng mình đã có tiếng là một làng say, thì thiếu cha gì tay bợm rượu. Già trẻ lớn bé đủ các hạng, cứ tụ tập dăm ba anh là nốc tì tì, hết chai nọ đến chai kia, uống không giới hạn, uống đến say bét nhè, rồi đánh chửi nhau như cơm bữa. Lão bèn bảo:

- Làng này nhiều người hay rượu lắm cụ ạ, không chỉ một người mà thôi đâu.

Ông khách nghe nói, vừa thong thả đưa chén rượu lên mũi ngửi, vừa bảo:

- Uống nhiều, uống say để mà nói nhiều, để mà chửi bới nhau, hay thậm chí tuôn ra thơ phú nhập nhằng thì cũng chỉ là những hạng tục tửu mà thôi. Nhưng đạt đến bậc gọi là “kĩ tửu” ấy, thì dứt khoát chỉ có một. Dân gian quen mồm gọi nôm na là “bợm”, cứ tưởng thế là ghê gớm lắm, chứ thực ra đã ăn thua gì.

Lão Côi lại hỏi.

- Đúng là làng này cứ ai hay rượu đều gọi là bợm hết. Bợm già, bợm trẻ, bợm đàn ông, bợm đàn bà đủ cả. Không hiểu cái bậc “kĩ tửu” mà cụ nói kia thì như thế nào?

Ông khách rung rung chòm râu bạc, mủm mỉm cười ra vẻ bí ẩn và bảo:

- Rồi sẽ đến lúc ông biết thôi.

Lão Côi bắt đầu cảm thấy vừa khâm phục, vừa bị hấp dẫn bởi kiến thức của ông khách về ba cái khoản liên quan: rượu - chó - bợm kia. Bèn rụt rè đề nghị:

- Hay là cụ chịu khó ngồi chơi đến chiều, xem những người đến đây uống rượu, ai là người được như cụ nói, cho bõ một phen cụ lặn lội đường xa?

Ông khách nghe lão Côi nói, vẻ mặt chợt tỏ ra trầm ngâm. Ông bảo:

-      Lão đi cũng đã nhiều nơi, rất hiếm khi được chứng kiến một chốn tửu địa như thế này. Nếu may mà gặp được bậc kĩ tửu ấy nữa thì còn gì hay hơn. Có điều không biết đã có duyên gặp được hay chưa. Nhưng làng đâu có thiếu quán rượu, chắc gì họ kéo đến đây mà xem với xét. Ông muốn họ đến thì hãy ra khua đám chó kia, cho chúng sủa nhặng lên...

 

Lão Côi mừng quớ vì ông khách đã nhận lời, lại càng tròn mắt kinh ngạc về cái sáng kiến ấy của ông ta. Lão vội hỏi, giọng không giấu vẻ thán phục:

- Thì tôi vẫn thường làm như thế mỗi khi muốn kéo họ tụ tập đến đây uống rượu đấy. Làm sao mà cụ biết hay thế?

Ông khách lại nhấc chén rượu đưa lên mũi ngửi rồi chậm rãi trả lời:

- Người hay rượu phản xạ rất nhạy với tiếng chó sủa. Một phần vì có thế mới biết đường mà lần về nhà, khỏi lạc vào ngõ nhà người ta. Một phần vì ở đâu chó sủa nhiều là ở đó có tiệc tùng, đình đám, hội hè...

Lão Côi nghe nói mới biết, thì ra cái tiểu xảo câu khách bấy lâu nay mình vẫn làm, vốn có lý luận biện chứng hẳn hoi. Lão bèn hăng hái vớ lấy cây chổi lao ra ngoài đường, xông vào giữa đám chó, vung chổi lên múa tít. Lũ chó mới đầu ngơ ngác, tưởng lão lên cơn điên. Lát sau dường như chúng hiểu ra, lập tức bảo nhau cùng sủa loạn xạ bằng đủ các thứ giọng trầm, bổng, thanh, đục... chẳng ra bài bản gì. Chúng sủa mãi, sủa mãi, thi nhau mà sủa, sủa như sợ con người quên béng mình là chó, sủa như để tính công... Cứ thế, chúng làm cho huyên náo cả một góc làng.

 

Quả nhiên, chiều hôm đó diễn ra một tiệc nhậu tưng bừng của các “đệ tử Lưu Linh” làng Cát tại quán rượu lão Côi điếc. Ông khách vẫn thỉnh thoảng nhấc chén rượu đưa lên mũi ngửi, lâu lâu lại thò tay rón một hạt lạc rang bỏ vào mồm nhai, đôi mắt vẫn lơ đãng ngó ra phía ngoài đường cái, dường như không chú ý gì đến cái đám nhậu ồn ào bên trong quán. Thấy thế, lão Côi rón rén nhích tới gần, ghé tai ông khách hỏi nhỏ:

 

- Đám này toàn những tay “bợm” cả đấy. Cụ không thấy ai trong số họ xứng đáng là bậc kĩ tửu, ứng vào cái triệu con chó “tam nhật nhất tiểu điểm” nhà tôi hay sao?

Ông khách vẫn tỉnh bơ, vừa ngó lướt qua đầu đám nhậu ồn ào, vừa trả lời:

 

- Tuyệt không có được người nào. Nhưng trong làng thì chắc chắn có. Hôm nay quả chưa gặp được duyên, có chờ thêm nữa cũng vô ích. À phải rồi, ông tính tiền rượu đi, rồi đến lúc ông sẽ biết người ấy là ai thôi.

Lão Côi vội vã xua tay:

 

- Ấy thôi thôi! Cụ gọi có một chén rượu với mấy hạt lạc rang, có đáng gì mà phải tính tiền. Coi như tôi được hân hạnh hầu cụ. Mà cụ cũng chỉ ngửi, chứ đâu có uống. Chén rượu còn nguyên kia kìa.

Ông khách nói:

 

- Ai bảo là lão đây không uống? Ông cứ thử xem.

 

Lão Côi nghe nói vừa cảm thấy khó hiểu, vừa nghi ngờ. Bèn cầm chén rượu đưa lên mũi ngửi. Kỳ lạ thay, chén rượu tuyệt không còn chút hơi rượu nào. Lão vội nhúng ngón tay trỏ vào, đưa lên mồm nếm thử. Quả nhiên, trong chén chỉ còn là nước lã. Quá khâm phục, lão thở phào một cái, vừa tấm tắc, vừa nói:

 

- Té ra cụ chỉ hít hết hơi rượu, chứ không uống. Nhưng tôi cứ xin được phép đãi cụ.

Ông khách nghe thấy thế bèn trỏ tay vào hũ rượu dựng trong quán bảo:

 

- Không phải là hít hơi rượu. Đó gọi là phép: “hấp tửu sương” (thu lấy hơi rượu). Lão không trả tiền chén rượu này, mà trả tiền cả hũ rượu kia kìa.

Lão Côi tưởng ông khách muốn mua cả hũ rượu để mang đi, bèn hỏi lại:

 

- Cụ định mang cả hũ đi à? Liệu có vất vả cho cụ không?

Ông khách vẫn tỉnh bơ giải thích:

- Ông nhầm rồi, lão không mang đi, mà đã dùng hết rồi.

Bấy giờ lão Côi chẳng còn hiểu ra làm sao nữa, chỉ biết đờ người ra vì kinh ngạc pha lẫn nghi ngờ. Lão ngập ngừng tiến lại phía hũ rượu, mở cái nút lá chuối ra. Hũ vẫn còn đầy, song không thấy hơi rượu xông lên như mọi khi, lão vội thò tay vào nhúng rồi lại đưa lên miệng nếm. Quả thực cả hũ rượu đã chỉ còn là nước lã. Lúc này sự kinh ngạc của lão đã biến thành một niềm kính sợ. Thì ra cái phép “hấp tửu sương” gì đấy của ông khách, đã hút hết chất rượu trong chiếc hũ để cách xa hàng mấy mét, biến nó thành nước lã. Thật là một việc chưa từng thấy bao giờ. Lão bắt đầu lờ mờ hiểu ra điều gì, vội vàng quay lại định vái ông khách.

Nhưng ông khách đã không còn ngồi đó nữa.

 

Trên cái đĩa còn sót mấy nhân lạc, có mấy đồng tiền rượu do ông ta để lại.

Lão Côi hấp tấp chạy ra khỏi quán, ngó đi ngó lại hai phía con đường làng. Không thấy bóng dáng ông khách đâu.

Bên trong quán, đám nhậu đã đến hồi cao trào, mấy gã trai cởi trần trùng trục, mặt đỏ như gà chọi đang bắt đầu lớn tiếng.

 

Lão Côi điếc tưng hửng quay vào, thừ người ra vì tiếc rẻ. Ông khách đi vội quá, lão còn chưa kịp hiểu thế nào là kĩ tửu, chưa kịp hỏi cặn kẽ về con chó, chắc không chỉ quý ở tiếng sủa và cái chỗ nó đái mà thôi đâu. Biết đâu còn những điều kì diệu nào khác thì sao?... Không biết ông ta có quay lại nữa không? Xưa nay, ngồi nghe bao nhiêu cuộc luận bàn huyên náo bên chiếu rượu, chung quy cũng chỉ là những chuyện đời vặt vãnh mà thôi, chưa bao giờ lão được nghe những chuyện kì lạ. Tự nhiên xuất hiện ông khách cổ quái này, lão linh cảm làng Cát sắp xảy ra chuyện gì. Từ bấy giờ, lão đâm ra hay nghĩ ngợi lung tung... 

 

Truyện ngắn liên hoàn Vật Báu thứ (2)

 

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3544
Ngày đăng: 21.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trả lại tôi mùa đông - Trần Kim Trắc
Ước mơ trong mỗi cuộc đời - Thảo Bích
Kẻ lạ ở trong nhà - Vũ Đình Giang
Lưới tình - Trương Hoàng Minh
Cái nhìn khắc khoải - Nguyễn Ngọc Tư
Những giọt nước mắt - Ngô Khắc Tài
Kiều Nương - Ngô Khắc Tài
Mơ thấy mùa đang tới - Nguyễn Ngọc Tư
Áo gấm đi đêm - Phạm Lưu Vũ
Cái tủ thờ - Trần Thôi
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)