Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.222.222
 
Tấc lòng son của một người tha hương mang tội phản quốc cho đến chết
Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Bác sĩ Lê Thị Châu, trong thời gian tìm cách minh oan cho người cha suốt đời mang tội danh “phản quốc”, có mời tôi về thăm quê chị ở một làng quê Thanh Chương - Nghệ An, để cùng họ hàng chị “hóa” tập thơ của cha trên nấm mộ ít khi nguội hương khói… Đó là tập thơ do gia đình tổ chức thu thập bài vở và in ấn – tập “Một tấc lòng son”* của ông Lê Vinh Quốc. Ông mang bút danh “Minh Lê” để luôn nhớ tới người vợ đầu là bà Lê Tuyết Minh - nguyên chính trị viên trung đoàn bảo vệ Thủ đô, nữ chính ủy đầu tiên của quân đội ta.

 

Tôi đã trân trọng, chăm chú đọc từng dòng, từng trang tập thơ này, bởi qua sự giới thiệu bước đầu, tôi được biết: đây chính là di cảo của một con người có thân phận khá đặc biệt.

 

Tác giả vốn là một chiến sĩ cách mạng lão thành, từng giữ những trọng trách trong hàng ngũ quân đội Nhân dân Việt Nam, sau đó lại trở thành một giáo sư tiến sĩ triết học của Viện Phương Đông học (Viện Hàn lâm khoa học Uzbêkităng, Liên Xô cũ); và kể từ năm 1962 cho đến khi từ giã cõi đời vào năm 2007, ông đã sống trong cảnh tha hương... Những chuyện rắc rối thuộc lịch sử, theo tôi chẳng cần nói đến làm gì nữa, bởi những điều đó là quá bé nhỏ - nếu không muốn nói là vô nghĩa, so với công trạng của ông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, so với "Một tấc lòng son" của ông đối với Đất nước và cái Lý tưởng ông phụng thờ từ thuở trai trẻ cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng...

 

Đọc xong tập sách có lời đề từ: "Kính tặng Tổ Quốc và Gia đình" này, tôi thấy bàng hoàng. Đúng ra, đây là những dòng nhật ký tinh thần được ghi lại bằng thơ, là ghi chép của một nhà khoa học xã hội giàu tâm hồn thi sĩ, dù không có ý định làm thơ nhưng bao nỗi niềm dâng trào tự tâm can đã buộc ông phải tìm đến thơ. Khi "Đọc Pus-kin", ông cảm nhận được một "sức mạnh lạ lùng", rồi "Tưởng như máu thịt cuộn lên từng lời", và ông rút ra:

 

Phải đâu thơ, ấy là người

Nổi chìm sóng gió cuộc đời mỗi trang

 

Phải chăng, điều ấy cũng có thể áp dụng cho thơ của tác giả Minh Lê để thẩm thấu hết những gì ông gửi gắm trong mỗi chữ, mỗi dòng. Mộc mạc, chân cảm, thành thực, không "làm văn", chính vì vậy mà khiến người đọc rung động, và phải suy ngẫm nhiều.

 

Minh Lê có nhắc đến ba nhà văn hóa lớn của dân tộc trong bài thơ "Ba cuộc sống, một tấm lòng": Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du - "Ba cuộc sống - nhưng tấm lòng là một/  Giữ sạch tâm hồn, và giúp ích cho đời". Đó không chỉ là một khái quát triết học theo thói quen nghề nghiệp, mà là một sự đồng điệu, đồng cảm lớn của ông đối với danh nhân. Dường như, vì thấu hiểu và xót thương với "một tấc lòng băng giá" (nhất thốn băng tâm) của Nguyễn Trãi giữa dòng đời xấu xa băng hoại, mà Minh Lê trong cảnh ngộ mình đã liên tưởng tới cái lẽ sống mà bản thân phải nương theo cho đến chết: "Một tấc lòng son"...

 

Có thể nói: cái phần sâu xa chìm lắng đặc biệt nhất của "Tấc lòng son" đó chính là tâm hồn anh Bộ đội Cụ Hồ mà thời gian cùng bao sự biến không thể làm lu mờ sự sáng trong vằng vặc. Ông đã từng mang trái tim quặn đau :

 

Lửa rừng rực

Vết thương mưng mủ

Trên mình Tổ quốc mến thương

 ( Vì tự do của Tổ quốc)

 

Ông cho ta thấy lý do của việc buộc phải cầm vũ khí thực giản dị:

Giặc đang giết con tôi

Tôi ngồi yên sao nổi

(Thu )

 

"Tấc lòng son" đó rưng rưng niềm tự hào là đã được đứng trong hàng ngũ những con người "Nguyện dâng đến giọt máu cuối cùng/ Cho Độc lập - Tự do Tổ quốc". Tác giả có kể lại một "Giấc mộng" kinh hoàng: khi đoàn quân bại trận thất thểu "mũ lệch sao rơi" thì cũng là lúc kẻ xâm lược hoành hành tàn phá quê hương, gây bao tang tóc... Tới lúc choàng tỉnh dậy, "lạnh toát mồ hôi", và nhìn thấy cả doanh trại vẫn đang nói cười, Đất nước vẫn yên bình, ông đã thầm thì tâm sự: "Và tôi hiểu, như chưa bao giờ hiểu được/ Ý nghĩa sâu xa công việc mình làm". Giờ đây, trong thời điểm Tổ quốc lâm nguy, bài thơ trên quả là một lời cảnh báo đầy ý nghĩa!

 

Trong hàng ngũ những người mang "Những bộ quân trang tả tơi bạc màu/ Những vết sẹo còn hằn trên lưng, trên má", "Tấc lòng son" Minh Lê ở hoàn cảnh nào cũng thường hiển hiện "Bến sông chiều dào dạt/ Lúa chín vàng làng quê" (Thăm mẹ). Và khi xa Đất Mẹ, ông đã vô tình nói hộ nhiều tấm lòng cố quốc tha hương:

 

Tôi dẫu đi khắp hết địa cầu

Vẫn nhớ về con đường làng thuở ấy

Con đường làng che mát hồn tôi

( Con đường làng )

 

Sống qua nhiều chân trời đẹp đẽ, thi vị, để rồi ông ngậm ngùi:

 

Nhưng không có chân trời nào sánh nổi

Những chân trời kỳ diệu quê tôi

Nơi tiếng mẹ ạ ời ru tôi từ nhỏ dại

Nơi cha ông tôi đỏ máu tự bao đời

( Chân trời )

 

Hễ cứ điều gì gợi nhớ đến quê hương, trái tim ông lại rung lên thổn thức. Nhìn "lá chuối phờ phạc nhớ mưa rào nhiệt đới", ông rơi lệ:

 

Nơi đất khách ngày đêm vời vợi

Lòng hướng về Tổ quốc đứa con xa

(Cây chuối Tas-ken)

 

Không có thứ thơ nào hay hơn, và Thơ hơn mấy câu tác giả kể lại một cách chân chất lòng thương vợ thương con:

 

Suốt buổi chiều ngồi bên con gái nhỏ

Mỉm cười cùng ngắm giấc con ngoan

Trong mơ con nhoẻn cười tay vẫy

Chiều ấm quanh nôi đọng nắng vàng

(Một ngày chủ nhật)

 

Có bài thơ tựa một vở kịch câm ngắn đầy xúc động, tả lại giấc mơ ông về bên vợ con, ngắm nghía, sẽ sàng hôn vợ con, rồi "Cắn chặt môi và cất bước lên đường" (Anh sẽ về bên em trong giấc mộng). Có bài thơ chỉ giống như sự kể lể: ông muốn gửi cho đứa con gái nhỏ trong nước con búp bê Matriôtka "đọng trong đó mối tình Xô - Việt", tưởng tượng con sẽ vui mừng ra sao, ôm con búp bê rồi mở từng con một đặt trên bàn rồi thủ thỉ: "Bé yêu của chị"... Nhưng không thể gửi được cho con, nỗi buồn đè nặng lòng ông. Chỉ có vậy mà khiến người đọc chảy nước mắt, vì cảnh ngộ không thể nói ra được của người cha, và cái chính là bởi trái tim người cha như bị bóp chặt trong nỗi đau xa cách vô vọng nhưng vẫn lóe niềm hy vọng: sẽ có ngày họp mặt để được trao tận tay con gái yêu "con búp bê thiệt Nga, xinh xinh, nho nhỏ" ( Con búp bê bằng gỗ ).

 

Nhưng yêu Tổ quốc mình đến cháy bỏng, "Tấc lòng son" Minh Lê vẫn dành một mảnh hồn tha thiết cho Đất nước bạn. Ông đã rơi nước mắt mừng vui khôn xiết trước sự hồi sinh của một đất nước sau ""đêm dài trung cổ", trước những tấm áo dài Pa-ran-za "bỉ ổi" bị xé tung để những khuôn mặt "rầu rĩ héo khô" bao đời che kín của người phụ nữ Hồi giáo được rạng rỡ với ánh mặt trời... (Bu-kha-ra )

 

Ở một phương trời xa, ông đã suy ngẫm về vận mệnh của của Dân tộc mình và nhiều Dân tộc khác trên thế giới, để có một khái quát chân xác đầy sức lay động:

 

Hỏi có gì Nhân Dân không làm được

Khi vận mệnh mình ở trong chính tay mình

(Tôi yêu Tas-ken)

 

Xưa kia, thánh y Tuệ Tĩnh nước Đại Việt lưu lạc xứ người đã từng nhắn nhủ xót xa: "Nếu sau này có ai về nước Nam hãy đưa di cốt của tôi về với", thì vị tiến sĩ triết học Việt Nam thời hiện đại cũng có di nguyện cảm động:

 

Nếu ngày mai tôi sẽ chết nơi đây

Không kịp trở về quê hương xứ sở

Hãy cắt quả tim tôi làm hai nửa

Một nửa chôn ở đất Liên Xô

Một nửa chôn ở đất Việt Nam

( Rễ )

 

"Dĩ bất biến ứng vạn biến", vị cựu sĩ quan quân đội & giáo sư viện Hàn lâm Minh Lê đã lấy trái tim trung thực từng Tin -Yêu hết lòng của mình để "Mãi mãi làm sao sáng dẫn đường" (Vũ Cao). Vì thế, khi Minh Lê đứng trên đỉnh Thiên Sơn - nơi từng làm lễ tế Trời Đất xưa của vua chúa phương Đông, chúng ta càng tin, càng thấm thía lời thề nguyền của ông:

 

Miễn sao đi trọn con đường

Soi mình chẳng thẹn với lương tâm mình

(Nghỉ trên đỉnh Thiên sơn)

 

Và tâm sự riêng của tác giả Minh Lê: "Dẫu biến đổi nhân tình thế sự/ Trọn cuộc đời ta vẹn tấm lòng son" (Viết ở Xô-si) cũng đáng trở thành lời "khắc cốt ghi tâm" của mỗi con dân nước Việt chúng ta hôm nay khi vận nước đứng trước nhiều thử thách.

__________________________

* Nxb Văn học, HN- 2011

 

Tư liệu:

Tên thật của ông là Nguyễn Hữu Sáu, sinh năm 1924. Ông tham gia CM từ thời Tiền khởi nghĩa. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia hầu hết các chiến dịch lớn nhỏ, nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ, là cánh tay phải của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông được tặng thưởng nhiều Huân chương Chiến công; từng giữ những chức vụ quan trọng trong quân đội: Chính ủy sư đoàn Quân Tiên phong 308, sư đoàn 351, phó Chính ủy Quân khu III... Được phong hàm đại tá năm 34 tuổi... Sau đó, ông được cử đi học tại Học viện quân sự Liên Xô. Rồi ông đi vào nghiên cứu sâu triết học và văn học Phương Đông, được phong hàm Giáo sư tiến sĩ triết học tại trường Đại học Phương Đông, làm cán bộ nghiên cứu ở Viện Phương Đông học (Viện Hàn lâm khoa học Uzbêkităng). Ông đã có 207 công trình nghiên cứu & bài báo về triết học Phương Đông, văn học Việt Nam.... đăng ở các tạp chí Liên Xô cũ. Luận văn tiến sĩ của ông: “Những nét tương đồng triết học của các nước phương Đông” được bảo vệ tại Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô.

Sau đó, ông và một số cán bộ vì bất đồng quan điểm đã ở lại Liên Xô, và bị coi là thành phần phản quốc suốt nhiều năm ròng... Ông mất năm 2007 tại Tasken, Uzbêkittăng.

Qua một vài tài liệu, sách vở như: “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên, “Đèn cù” của Trần Đĩnh, wikipedia, v.v, ta có thể nắm được sơ qua “sự kiện thế kỷ” trên như sau:

Vụ án Xét lại Chống Đảng có tên chính thức là "Vụ án Tổ chức chống Ðảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài", là một vụ án chính trị do Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn trực tiếp chỉ đạo, bắt đầu từ năm 1963. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ IX, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Phạm Hùng đã phê phán chủ trương chung sống hòa bình, và hội nghị kết thúc với nghị quyết xác định lập trường đứng về phía Trung Quốc lên án "chủ nghĩa xét lại Khrusov", đẩy mạnh công cuộc đấu tranh bằng vũ lực ở miền Nam. Những bất đồng của hai nhóm trong nội bộ đảng kết thúc vào năm 1967 bằng đợt bắt bắt giam không xét xử những người ủng hộ quan điểm của Khrusov, với cáo buộc những người này đi theo Chủ nghĩa Xét lại và làm gián điệp.

Trước tình hình đó, có khoảng 40 người lúc đó đang đi học hay đi công tác ở Liên Xô đã xin tị nạn, như Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Nguyễn Minh Cần; nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân thượng tá Ðỗ Văn Doãn; Chính uỷ sư đoàn 308, Phó chính uỷ Quân khu khu III đại tá Lê Vinh Quốc…

Trong bức thư gửi Ban chấp hành Trung ương Ðảng cộng sản Việt Nam khóa VII, ngày 18 tháng 7 năm 1995, ông Lê Hồng Hà, nguyên Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ tổng hợp Bộ Nội vụ viết về Vụ án Xét lại Chống Đảng này như sau: "Có thể nói, sau những sai lầm, oan trái rộng rãi trong Cải cách ruộng đất và Chỉnh đốn tổ chức (1956), thì đây là vụ án oan sai lớn nhất trong lịch sử Ðảng ta, xét về quy mô, tính chất. Và, có thể nói không ngoa, đây là vụ án oan sai lớn nhất trong hàng ngũ những người yêu nước Việt Nam của thế kỷ XX".

 

Ảnh: Ông Lê Vinh Quốc ở Liên Xô  (tư liệu của gia đình):

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 2317
Ngày đăng: 31.08.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngôi chùa thiêng lưu giữ “Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du - Nguyễn Anh Tuấn
Từ tro tàn bóng chữ bay lên - Trương Văn Dân
Đọc lại hồi ký Nguyễn Huy Tưởng, nghĩ về bài học cho văn nghệ hôm nay - Cảnh Thụy
Huy Tưởng, lục bát - Nguyễn Đức Tùng
Đi tìm Dịch giả Trần Dần - Nguyễn Anh Tuấn
Sài-Gòn, Ngày Trở Lại - Nguyễn Vy Khanh
Đôi dòng tản mạn về “Trò chuyện với thiên thần” của nhà văn Trương Văn Dân - Nguyên Cẩn
Hiện-tượng hồi-ký hải-ngoại - Nguyễn Vy Khanh
“Thơ đến từ đâu”- Cuộc truy tìm bất thành đáng trọng - Nguyễn Đức Tùng
Chiếc đòn khênh võng của một bậc quốc sĩ - Nguyễn Anh Tuấn
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)