Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.117
123.229.004
 
NNND Thanh Hương “Giọng ca đồng điệu tài danh đã ra đi”
Võ Quê

 

  • Ảnh kèm bài: Chân dung NNND Thanh Hương của Phạm Bá Thịnh.

 

 “Đàn bầu ai gẩy nấy nghe, làm thân con gái chớ mê đàn bầu”… Lời ca dao ấy nhắc nhở một thời xa xưa không có sức thuyết phục một người con gái ở làng quê Thanh Phước. Nàng vẫn mê tiếng réo rắt, cung bậc nỉ non của độc huyền cầm; nàng vẫn sống bình yên trong âm hưởng bổng trầm, da diết của ngón đàn bầu đượm hồn dân tộc. Mà không mê, không say sao được cái tình tự quê nhà thấm đậm trong tiếng đàn bầu? Và khi người sử dụng thành thục, nhuần nhuyễn đàn bầu lại là thân phụ. Từ cái nôi thanh âm ấy nàng đã được nuôi dưỡng, chắt chiu tâm hồn nghệ thuật đàn ca Huế.

     Sinh năm 1928 ở làng Thanh Phước, xã Hương Phong, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế, cô gái yêu tiếng đàn bầu ấy có nghệ danh là Thanh Hương, sống cùng thời với các nghệ nhân tên tuổi trong làng điệu nghệ như Minh Mẫn, Vân Phi, Quế Trân, Nguyễn Kế, Trần Kích, Phạm Văn Thiết, Nguyễn Văn Tân… từ thời thiếu nữ cho đến nay luôn gắn liền với nghiệp cầm ca. Năm tháng kéo dài trong từng âm hưởng cung đàn, nhịp phách, lời ca.

     Được sự dìu dắt của người cha vốn là một người chơi đàn bầu đến mức tuyệt kỹ; với sự thông minh, linh lợi và lòng yêu nghề, Thanh Hương tự đi tìm thầy học theo lối truyền khẩu bộ môn ca Huế. Bằng chất giọng khỏe, trong, trầm ấm, rõ lời, cộng với sự sáng trí, học mau, tiếp thu nhanh, Thanh Hương đã sớm thành công trong nhiều bài bản, làn điệu ca Huế và dân ca. Thanh Hương đã học thuộc được nội dung nhiều bài ca Huế thuộc hệ thống bài bản lớn như Nam ai, Nam bình, Tứ đại cảnh, 10 bài Ngự, thuộc nhiều làn điệu lý, dân ca, hò, vè, chầu văn… Thanh Hương đã từng nhiều lần thâu đêm suốt sáng, cùng với đồng nghiệp Quế Trân, Vân Phi, Minh Mẫn để ca tri âm, với các ngón đàn tài hoa của Nguyễn Hữu Ba, Bửu Lộc, Tôn Thất Toàn, Tôn Thất Viễn Dung, Nguyễn Văn Tân, Trần Kích, Nguyễn Kế, Phạm Văn Thiết... qua các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, nguyệt cầm, tỳ bà, đàn nhị… Chuông nhà thờ đổ hạt trong sương Canh năm rồi câu ca còn luyến nhạc Cung tỳ bà ngân dài ý ngọc Mặt trời lên chầm chậm bởi câu ca. Hạnh phúc của những người bạn tri âm vốn mang nghiệp cầm ca là vậy. Thanh Hương đã cùng giới điệu nghệ sống hết mình vì cung đàn, tiếng ca. Thiên nhiên dường như cũng đồng cảm với nghệ thuật ca Huế, đồng điệu với tài hoa của văn nghệ sĩ xứ Thần Kinh.

     Với tấm lòng yêu thiên nhiên, quê kiểng. Thanh Hương sống chí thú trong cảnh nhà đơn sơ, đạm bạc, chung thủy với người chồng đã đi xa. Thanh Hương cùng với người con trai đã trải qua những thăng trầm, biến thiên của cuộc sống. Vượt lên những khó khăn của số phận, Thanh Hương luôn giữ được sự thuần khiết, thanh nhã của tâm hồn Huế, giữ chất lượng trong sáng qua các làn điệu trữ tình Thanh Hương cũng đã tự chọn cho mình một làn điệu để say mê: Tứ đại cảnh.

     Trước năm 1975 Thanh Hương đã được nhạc sĩ Ngô Ganh mời vào cộng tác tại Đài phát thanh Huế một thời gian. Qua làn sóng, Thanh Hương đã gửi tiếng lòng đồng điệu đến muôn phương. Cùng thời điểm này, Thanh Hương cũng được Trường Quốc gia Âm nhạc Huế mời giảng dạy một số chương trình ca Huế. Đã có một thế hệ học trò được đào tạo trưởng thành qua phương pháp truyền khẩu của nghệ sĩ Thanh Hương.

    Khi tuổi đã cao, sức khỏe không được sung mãn như xưa nhưng nghệ sĩ Thanh Hương vẫn là một thành viên tích cực của Câu lạc bộ Ca Huế thuộc Nhà Văn hóa Huế. Thanh Hương vẫn chịu khó tham gia bất kỳ hoạt động âm nhạc dân tộc nào diễn ra trong thành phố hoặc các miền quê. Cứ miệt mài luyện tập, hát ca khi có điều kiện một cách hồn nhiên nghệ sĩ Thanh Hương được giới mộ điệu, các nhạc hữu dành cho những tình cảm thương yêu đặc biệt. Ngược lại, Thanh Hương cũng tạo cho đồng nghiệp nguồn cảm hứng nhẹ nhàng mà sâu lắng. Tiếng hát cung đàn Huế vì thế mà vọng ngân, rung động bao tâm hồn chung mạch nguồn ca Huế xưa, nay.

     Năm 2019, nghệ nhân Ưu tú Thanh Hương đã vinh dự được Nhà Nước phong tặng danh hiệu Nghệ Nhân Nhân Dân.
     Ngày 24.8.2020 giới nghệ sĩ nghệ nhân và những người mộ điệu nghệ thuật Ca Huế vô cùng thương tiếc trước tin Nghệ Nhân Nhân Dân Thanh Hương đã vĩnh viễn ra đi.

     Dù giọng ca đồng điệu tài danh Thanh Hương từ nay không còn ngân vọng nữa nhưng trong sâu thẳm lòng của bao người âm hưởng tuyệt vời, đầy tình yêu quý nghệ thuật của Thanh Hương luôn tha thiết hòa thanh.
 

  •  

 

Võ Quê
Số lần đọc: 846
Ngày đăng: 03.09.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhân sinh thất thập : “cổ lai hi” hay “nhi tòng tâm bất du củ” ? - Phan Văn Thạnh
Tấc lòng son của một người tha hương mang tội phản quốc cho đến chết - Nguyễn Anh Tuấn
Ngôi chùa thiêng lưu giữ “Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du - Nguyễn Anh Tuấn
Từ tro tàn bóng chữ bay lên - Trương Văn Dân
Đọc lại hồi ký Nguyễn Huy Tưởng, nghĩ về bài học cho văn nghệ hôm nay - Cảnh Thụy
Huy Tưởng, lục bát - Nguyễn Đức Tùng
Đi tìm Dịch giả Trần Dần - Nguyễn Anh Tuấn
Sài-Gòn, Ngày Trở Lại - Nguyễn Vy Khanh
Đôi dòng tản mạn về “Trò chuyện với thiên thần” của nhà văn Trương Văn Dân - Nguyên Cẩn
Hiện-tượng hồi-ký hải-ngoại - Nguyễn Vy Khanh
Cùng một tác giả
Thì ra (thơ)
Mùa thu tế (tạp văn)
Em (thơ)
Hoa báo mưa (tạp văn)
Mạ (thơ)
Từ Phố núi (tạp văn)
Giếng nhà Quê (truyện ngắn)