Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.138
123.227.445
 
Một thoáng đôi bờ xứ Nghệ
Phan Anh

 

 

Tác giả trên đường lên đền thờ Quang Trung 

 

 

               Đền thờ Hoàng Đế Quang Trung 

 

 

Rời bãi biển Cửa Lò, chúng tôi theo hướng cửa Hội Thống để tìm về núi Quyết, nơi vẫn còn đó “giấc mộng” không thành của nhà Tây Sơn. Mới có hơn bảy giờ mà cái nắng miền Trung đã chói chang, gắt gỏng đến khó coi nhưng bù lại từng làn gió đậm đà, mát mẻ của biển khơi đang thỏa sức theo dòng Lam biếc xanh liên hồi xô bờ khiến cho ai nấy đều cảm thấy cái nóng nắng oi nồng của một ngày mới ở nơi điểm đầu khúc ruột miền Trung như đang được dịu dần xuống làm cho tinh thần trở nên sảng khoái và dễ chịu hơn biết bao. Cái nắng hòa vào non xanh nước biếc cùng với gió lộng của biển khơi dạt dào giữa đôi bờ ngút ngàn nơi cửa biển dường như cũng đang làm ngưng lại và vương lên mái tóc, làn da của mỗi người qua cái hương vị mặn mòi xứ Nghệ.

 

 Cửa Hội mênh mang là đây. Thương cảng trên bến dưới thuyền sầm uất một thời là đây. Dưới trời nắng hạ, mặt nước sông Lam và nương bãi đôi bờ muôn dặm hòa trong một màu xanh bất tận cùng những cánh buồm bồng bềnh xuôi ngược thấp thoáng xa xa lại gợi cho ta nhớ về một “Đan Nhai quy phàm” (Buồm về cửa biển Đan Nhai) ngày xưa của Bùi Dương Lịch: “Tịch chiếu lưu hà vạn khoảnh đan/ Ngư chu thứ đệ vọng hồi than/ Hà tu đóa đóa ba tâm dạng/ Điệp dực phiên phiên hải nhãn khoan/ Long thuỷ hưng triều phong tiệm động/

Ngư sơn hướng vãn thuỷ sinh hàn/ Thăng bình nhất khúc thuyền huyền địch/

Tùng thử càn khôn thuộc đại quan”. Dịch nghĩa:“Ráng chiều toả chiếu muôn vùng biển ửng hồng/ Thuyền chài lần lượt nhằm cửa sông trở về/ Càng tôm từng cặp cửa quẫy dưới lòng sóng/ Cánh bướm dập dờn hiện rõ trong mắt biển/ Sông Thanh Long triều lên, gió dần dần thổi/ Đảo Song Ngư về chiều, nước tăng khí lạnh/ Một khúc sáo thanh bình vọng ra từ mạn thuyền/ Theo đó, trời đất càng thêm bao la thoáng rộng”

            Ôi sông Lam! Con sông huyền thoại, con sông thi ca của muôn đời xứ Nghệ, nơi cuối nguồn hòa mình vào biển lớn sao mà êm đềm và nhẹ nhàng đến vậy. Nước sông thăm thẳm xanh màu dập dờn sóng xô cùng ngút ngàn rộng lúa, bờ ngô ngả nghiêng, lao xao trong nắng. Không biết ở nơi thượng nguồn và suốt chặng đường dài của hành trình tìm về biển lớn, sông đã phải “hung dữ” thế nào để đi qua bao rừng bao rú, vượt qua bao thác bao ghềnh; đã phải bao lần oằn mình lên để chuyên chở phù sa, bồi đắp và tắm mát cho đôi bờ xứ Nghệ. Còn ở hạ nguồn, nơi cửa bể Hội Thống, sông “trữ tình” và thiết tha lắm, hiền hòa và thơ mông lắm. Mặt nước bao la, ngăn ngắt một màu tựa như mặt gương khổng lồ biêng biếc đêm ngày in soi dãy Hồng Lĩnh hùng vĩ quấn quýt bên mình. Và cũng chẳng biết tự bao giờ, cặp đôi núi Hồng - sông Lam đã trở thành một biểu tượng của vùng đất Châu Hoan làm ngất ngây biết bao tao nhân mặc khách. Cái cặp đôi này cũng là nơi khơi nguồn cảm hứng để tạo nên biết bao tác phẩm thi ca và hội họa. Xem ra cái ngọn núi và dòng sông ấy từ bao đời nay lúc nào lặng lẽ, âm thâm để dâng hiến, để nuôi dưỡng và tạo nên hồn cốt con người xứ Nghệ. Và cũng chẳng biết từ bao giờ núi Hồng - sông Lam “cứ lớn trong ta”, “cứ chảy trong ta” để rồi một ngày nào đó trở thành những niềm thương, nỗi nhớ đến vô cùng của bao thế hệ người Nghệ, khiến không ít người “đi xa” lại “muốn về” mỗi khi phải rời xa quê hương xứ sở.

 

            Ngắm nhìn dãy núi Hồng Lĩnh trập trùng và dòng sông Lam thơ mộng sánh đôi, chợt ngẫm đó không chỉ đơn giản là núi với sông. Nó là sự kết nối, giao hòa giữa âm và dương của tạo hóa. Núi mang tính dương và sông mang tính âm. Xem ra đất nước mình thật kỳ thú, đi dọc từ Bắc xuống Nam, dải đất hình chữ S này có biết bao ngọn núi, dòng sông sóng đôi bên nhau làm thành một cặp. Nào là, núi Mường Hung bên dòng sông Mã, núi Tản bên sông Đà, núi Ngự bên sông Hương, núi Ấn bên sông Trà ... Núi hùng vĩ, vững chãi che chở vạn vật. Sông chở nước tưới mát ngọt, bồi đắp phù xa làm nên những đồng bãi trù phú. Người tín phong thủy cho rằng: địa linh là đất có núi sông sánh đôi làm thành một cặp. Đất địa linh ắt sẽ sinh nhiều nhân Kiệt. Lý thuyết này xem ra quá đúng với vùng đất núi Hồng sông Lam.

 

            Lâng lâng, trên những khúc đường quanh quanh “non xanh nước biếc như tranh họa đồ” ngập tràn nắng gió bên bờ Lam giang, chúng tôi thỏa sức ngắm nhìn chín mươi chín ngọn núi của dải Hồng Lĩnh đang nhấp nhô uốn lượn trùng trùng điệp điệp theo dòng sông. Nhìn dãy núi vừa giống như bức trường thành trấn giữ trước mặt biển Đông hùng vĩ và thơ mộng vừa chẳng khác gì một bức thủy mặc khổng lồ tạc giữa trời đất bao la làm xao xuyến lòng người. Cứ thế, bất giác, trong tôi lại gọi về những huyền thoại mở đất của xứ sở ví giặm trăm mến ngàn thương. Hóa ra bức trường thành đẹp như tranh vẽ và từng được ngợi ca với danh xưng “Hoan Châu đệ nhất danh thắng” trước mặt chúng tôi kia lại là kết quả lao động của một đêm tình si mà chàng trai khổng lồ xứ Nghệ (ông Đùng) đã hữu tình để lại cho vùng đất này bởi một lời thách đố của một người con gái. Thế mới hay sự hấp dẫn đến kỳ thú của tình yêu thời khai thiên lập địa nơi xứ Nghệ lung linh và tráng lệ đến phi thường.

 

            Cứ thế, miên man với những cảm xúc từ thủa hồng hoang chúng tôi tìm về ngọn núi cô đơn (núi Quyết) còn xót bên mạn bờ phía Bắc của dòng sông, tương truyền ngọn núi này cũng là kết quả tinh nghịch của nữ nhân khổng lồ xứ Nghệ (bà Đùng) với chàng trai khổng lồ xứ Nghệ. Và sau này, cái nơi ấy (núi Quyết) cũng chính là “giấc mộng” dang dở còn đang ẩn chứa biết bao điều bí ẩn về người anh hùng áo vải (có ý kiến cho rằng đây là nơi đặt mộ hoàng đế Quang Trung). Phượng Hoàng Trung Đô, một thời tưởng rằng sẽ phồn hoa giờ đây đã trở thành phế tích. Những dấu xưa huy hoàng của một thời lịch sử cũng đã nhạt nhòa theo năm tháng chỉ còn neo đâu trong tâm khảm và ký ức của mọi người qua những trang sử và huyền thoại.

 

Thong dong thả bước qua tám mươi mốt bậc đá tam cấp giữa đất trời thanh tĩnh, thoáng đãng, xanh rợp bóng cây lên đỉnh núi Quyết, chúng tôi vào đền thờ Quang Trung thắp hương, bái lạy hoàng đế thiên tài quân sự mà lòng không khỏi tiếc thương cho giấc mộng không thành của nhà Tây Sơn khiến cơ nghiệp lụi tàn, đất nước lâm cảnh tang thương dâu bể. Từ đỉnh núi Quyết thả mắt ra bốn phương vẻ đẹp hữu tình của sơn thủy hiện lên đúng “như tranh họa đồ”. Nhìn về phương Nam sông Lam tựa con rồng xanh uốn khúc, ôm ấp núi Hồng sừng sững. Ngó sang đằng Đông thấp thoáng xa xa là hòn Ngưhòn Mắt. Quay về phương Bắc là toàn cảnh thành Vinh phồn hoa và náo nhiệt. Trở lại đằng Tây là ngút ngàn màu xanh của của cây cỏ bãi nương. Cảnh đẹp và nên thơ, những dấu xưa thành cũ đã nhạt phai theo năm tháng nhưng lòng người vẫn không tránh khỏi sự ngậm ngùi tiếc nuối

 

            Nghe nói, dải Trường Sơn chạy đến cuối huyện Thanh Chương thì chia làm hai nhánh. Nhánh bên phải là dãy Thiên Nhận. Nhánh phía trái là dãy Đại Huệ. Dãy này chạy đến núi Quyết thì mạch đất dừng lại, tạo thành thế đất long ly quy phụng. Có núi Rồng mang dáng long thủ ở phía Tây. Có dáng núi mang hình loan cánh phượng (Phượng Hoàng) ở phía Đông Nam. Có núi Kỳ Lân ở phía Nam. Có cồn đất tựa như mu rùa nổi lên ở phía Đông Bắc (Cồn Rùa). Từ đền thờ Quang Trung trên đỉnh núi ngó sang hai bên ta thấy có Hồng Lĩnh là tả thanh long có Lam Thành là hữu bạch hổ ... Tất cả âm dương giao hòa, cùng quần phong tụ khí để hun đúc thành hồn thiêng của núi sông ... Chẳng thế mà bao đời nay, từ Cao Bền thời nhà Đường cho đến Hoàng Phúc thời nhà Minh, quan quân phương Bắc thay nhau ra sức tìm cách trấn yểm triệt hạ đất này.

            Không biết vùng này có thế đất linh thiêng ra sao nhưng anh tài, hào kiệt thời nào cũng có. Không những vậy, xem lại sử xưa, đất núi Hồng sông Lam đã bao thời được chọn (hoặc có ý muốn chọn) làm kinh đô; đất tụ nghĩa đuổi giặc. Thời kỳ Việt Thường, kinh đô đã từng được dựng ở Ngàn Hống  (Can Lộc). Buổi đầu dựng nước, Kinh Dương Vương, người sáng lập vương triều nhà Hùng cũng đã từng có ý chọn đất Hồng Lam để xây dựng kinh đô. Mai Hắc Đế từng dựa vào địa thế Sa Nam để phất cờ khởi nghĩa chống lại nhà Đường và xây dựng quốc đô với tên thành là Vạn An bên bờ sông Lam. Lê Thái Tổ kháng Minh buổi đầu với bao lần thất bại, sau nghe theo Nguyễn Chích đã tìm về miền Tây xứ Nghệ để xây dựng lực lượng và tiếp tục cất cao lá cờ khởi nghĩa. Và những trận thắng đầu tiên của nghĩa quân Lam Sơn cũng khởi nguồn ở đất này. Bình Ngô Đại Cáo còn ghi: “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/  Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”. Từ chiến thắng này đã mở ra những chiến thắng khác. Trong thế chẻ tre, nghĩa quân của Lê Lợi đã xuôi dòng sông Lam xuống đánh thành Nghệ An. Tiếp tục thừa thắng, tiến quân ra chiếm thành Diễn Châu, Thanh Hóa và cuối cùng là hạ thành Đông Đô rồi vào Nam chiếm thành Thuận Hóa, giải phóng hoàn toàn đất nước. Có lẽ, cũng bởi đất thiêng nên người Trung Quốc đã xếp núi Hồng Lĩnh vào hai mươi mốt danh sơn nước Nam. Còn vua Gia Long sau này cũng đã cho người chọn cảnh núi Hồng sông Lam để khắc lên cửu đỉnh.

 

Đã 232 năm trôi qua, Phượng Hoàng Trung Đô của người anh hùng áo vải dẫu không thành hiện thực, thành quách một thời tưởng như vàng son rực rỡ cũng đã nhạt dần, phôi pha, mai một theo năm tháng nhưng lời trăng trối trước lúc băng hà của hoàng đế Quang Trung: “Sau khi ta mất, nên trong một tháng táng cho xong. Việc tang làm qua loa mà thôi. Chúng ngươi nên giúp lập Thái tử sớm dời đô ra Nghệ An để khống chế thiên hạ. Nếu không thế thì quân Gia Định sẽ tới, chúng ngươi không có chỗ chôn thân” sao vẫn ám ảnh và để lại biết bao điều luyến tiếc.

 

Đôi bờ sông Lam vừa có quần sơn kỳ tú (núi Hồng) quấn quýt vừa có Phượng Hoàng Trung Đô dang dở. Có lẽ vậy mà đôi bờ xứ nghệ tuy có cảnh đẹp hữu tình thơ mộng nhưng lòng người vẫn không tránh khỏi những nỗi niềm bâng khuâng, hoài niệm da diết. Hình ảnh ngọn núi và dòng sông linh thiêng hiện hữu quyện thấm bên nhau cùng cây lá xanh tươi của đôi bờ bỗng khơi dậy trong ta câu thơ của Xuân Hoài đã đi vào lời ca của nhạc sỹ Quốc Việt: “Nếu không có sông Lam/ Núi Hồng buồn biết mấy/ Núi Hồng không đứng đó/ Sông Lam xanh cũng thừa…”. Đúng là tạo hóa đã ban cho xứ Nghệ cặp đôi núi Hồng sông Lam để làm thành tâm hồn xứ Nghệ. Núi sông ấy, hồn thiêng ấy không chỉ sừng sững và trôi chảy theo thời gian mà còn neo đậu trong tâm thức người Nghệ và con dân đất Việt.

 

Xứ Nghệ, cuối tháng 7 năm 2020

 

Phan Anh
Số lần đọc: 938
Ngày đăng: 04.09.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chinh chiến - William Lê
Hồn nhiên hoa móng tay - Trang Thùy
Huế, mưa kí ức - Vũ Dy
Luyện văn – luyện tư cách - Lê Ký Thương
Cô bé bán ruốc - Võ Quê
Quyển sách - Trần Hạ Vi
Tản mạn về khổ đau và vượt thoát khổ đau - Phạm Nga
Xóm bông ơi, Thược dược ơi, còn không ? - Trang Thùy
Tiếng chuông - Bạch Diệp
Nhớ gió Tuy Hòa - Lê Ký Thương