Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.209.793
 
Nguyên Cẩn, nhìn qua lăng kính.
Trương Văn Dân

 

 

Viết về Nguyên Cẩn[1] là một việc làm không dễ. Vì anh là một nhà văn viết nhiều thể loại, đọc thể loại nào cũng có thể viết về anh, nhưng muốn viết cho đủ rất dễ sa đà vào câu chữ lan man. Bài viết này vì thế chỉ là một vài phác thảo chân dung anh qua một số trang viết, nhưng không có tham vọng nhận định đầy đủ về một tác giả viết nhiều, từ Thơ, Văn, Tiểu luận, Tản văn, Dịch thuật, Truyện ngắn, Bút ký đến Nghiên cứu Phật giáo, Bình luận văn học…

Một nhà văn viết nhiều như thế chắc chắn phải là người có kiến thức uyên bác, chịu quan sát, học hỏi và đọc kỹ rất nhiều lãnh vực. Từ sách báo trong nước đến các tư liệu bằng tiếng nước ngoài.

Nhìn chung… có thể nói Viết nhanh, viết hay, viết nhiều là nét độc đáo cuả Nguyên Cẩn. Dường như khi nào cầm đến bút là anh đã có sẵn ý tưởng và bố cục nên sau đó chỉ cần đọc lại, chỉnh sửa một chút là đã có bài viết hoàn chỉnh. Tốc độ viết của anh luôn làm tôi ngưỡng mộ.

Nguyên Cẩn viết nhanh nhưng không hời hợt. Thơ có sự thi vị của thơ, tiểu luận thấu đáo phân tích, truyện ngắn tình tiết chặt chẽ, có lý có tình và hình như tất cả trang viết của anh dày đặc tư tưởng Phật giáo. Những vấn đề anh đặt ra trong các bài báo luôn thể hiện sự quan tâm đến tinh thần phản biện xã hội, giải bày sự trăn trở của người trí thức trước cuộc đời.

Khó thể đọc hết những điều Nguyên Cẩn đã viết, nhưng chúng ta hãy nhìn những tán sắc xuyên qua lăng kính để thử phác họa một chân dung văn học.

 

  1. Nhà giáo :

 

Ngay từ thời còn rất trẻ, trong khi đưa giáo sinh đi thực tập ở một vùng quê nghèo anh đã đọc bài tổng kết đợt thực tập sư phạm bằng thơ:

Cho tôi gọi tên em mau vào lớp học,

Nhưng giờ truy bài tôi chẳng gọi tên em.

Vì tôi hiểu chiều qua em còn cắt lúa,

Ánh đèn dầu không đủ sáng qua đêm.

(Cho tôi gọi tên em)

 

…thì đủ biết Nguyên Cẩn là một nhà giáo nhạy cảm và thấu hiểu đời sống nhọc nhằn của các học sinh lam lũ. Tuy lớp trẻ đó có khác anh đôi chút, tuổi thơ của anh tuy không sung túc nhưng không đến nỗi vất vả như lũ trẻ kia: thưa thầy con chẳng thuộc bài /vì con còn mãi dông dài phố trưa… Nhưng anh hiểu và bao dung cho những em bé, không phải vì lười nhát mà bận lo miếng cơm manh áo nên thời gian dành cho việc học không còn bao nhiêu.

            Bài thơ này cũng cho ta biết là Nguyên Cẩn đã đến với văn chương ngay từ những năm cuối trung học, khi chiến tranh đang bừng bừng lửa cháy, cảnh chết chóc dã man đã từng nghe và chứng kiến mỗi ngày, nhưng trong anh cái nhìn về cuộc đời từ bấy đến nay luôn bằng đôi mắt trong veo của lòng nhân ái.

            Trong truyện ngắn Chuyến tàu cuối năm Nguyên Cẩn có kể lại, mà chắc đó là một tự truyện: Sau khi tốt nghiệp, một anh giáo được phân công về dạy ở một miền quê nghèo. Khổ cực. Cô đơn. Và nhân dịp Tết được về thăm nhà anh quyết định bỏ việc, trốn về Sài Gòn. Thế rồi trong lúc chen lấn ở nhà ga anh bị mất một chiếc dép. Chạy đi tìm thì không thể, mà chẳng lẽ lại đi chân trần… Trong lúc còn phân vân thì một cậu học trò mang chiếc dép đến cho anh. Cậu ấy ra ga tiễn thầy, tình cờ thấy và nhặt được: “Anh nhìn lại phía sau, cái vùng quê nghèo ấy sao réo lên trong lòng anh những tiếng sôi của sóng. Anh thấy cả vị mặn của những hạt muối nơi ấy đã thấm trong hồn anh tự bao giờ.” Nguyên Cẩn không viết gì thêm. Chỉ cho biết là đoàn tàu lao vút trong đêm… nhưng người đọc tin chắc là sau Tết anh sẽ quay trở lại.

            Câu chuyện đơn giản mà cái tình người đã làm người đọc xúc động.

Nhưng nghề giáo thời đó quá cơ cực. Giữ nghề thì không đủ sống: “Đã có lúc tôi toan bỏ dạy, về lại Sài Gòn để buôn lậu thuốc tây và chạy áp phe. Nhưng nghe lời cha: “Trong hoàn cảnh nào cũng phải làm người trước đã. Con sẽ hư vì những đồng tiền phi nghĩa ấy. Hãy trở lại trường tiếp tục công việc dạy học. Anh đã nghe lời cha và  trở lại công việc giảng dạy và tìm thấy những niềm vui.

            Hiện nay Nguyên Cẩn vẫn còn tiếp tục giảng dạy khoa quan hệ quốc tế ở Đại Học Văn Lang và tiếng Anh về Kinh tế ở trường KHXH& NV tại Sài Gòn.

 

  2- Doanh Nhân.  

 

Nhưng chuyện đời ít khi chiều theo ý người vì sau 10 năm đứng trên bục giảng người thầy giáo ấy phải bỏ lớp vì bị nám phổi (mà anh đã giải bày qua tập thơ Viết từ buồng phổi trắng). Sau đó anh cộng tác với các công ty đa quốc gia hơn 10 năm trước khi cùng bạn bè ra làm doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Nam Giang từ năm 2000 và rút lui năm 2015 cũng vì sức khỏe.

Nhưng trước khi bỏ dạy vì bệnh nghề nghiệp, cũng đã có những giây phút làm anh xao lòng: “…Có những lúc gia đình rơi vào hoàn cảnh u ám: cha hấp hối, không tiền chạy chữa, tôi làm việc mà lương không đủ ăn, từ xa hối hả chạy về, bị xe đụng, tai nạn, gượng ra ga sắp hàng mua vé, mất bóp, hết cả tiền lương và tiền tạm ứng cho tháng tới…” (Phật tại lòng ta)  nên có thể nói là từ cái đáy vực này anh đã phải vươn lên.

Tuy chuyển hướng mà tính chuẩn mực trong anh vẫn không thay đổi:

“Làm doanh nhân tất nhiên là phải tính đến lợi nhuận. Đó vừa là một nghĩa vụ với những người bỏ vốn đầu tư, vừa là một bổn phận với nhân viên, những người góp vốn và có cả trách nhiệm xã hội qua việc nộp thuế. Thế nhưng lợi nhuận đối với anh “không phải là tất cả vì chúng ta phải cân nhắc nhiều yếu tố khác sao cho cân bằng giữa các trách nhiệm kinh tế, pháp lý, đạo đức…” “ Làm kinh doanh thì chữ TÍN phải được đề cao. Thiếu lòng tin thì không thể kinh doanh lâu dài được… Có khi phải hy sinh một phần lớn lợi nhuận hay thậm chí chịu lỗ để giữ chữ tín với khách hàng một khi mình đã hứa hay cam kết dù không bằng văn bản.” Vì “Điều này suy cho cùng cũng sẽ làm lợi cho công ty về lâu dài và chính là giá trị tạo nên hình ảnh hay thương hiệu của một công ty.

Trong một nền kinh tế mà biết người cần quan hệ (know-who) quan trọng hơn bí quyết công nghệ (know-how) thì theo anh cần phải xây dựng lại tính minh bạch và tinh thần “thượng tôn pháp luật”, xây dựng trên niềm tin và văn hóa kinh doanh phải đồng hành với việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống.

Tất nhiên trong kinh doanh, tiếp xúc đủ các loại hắc bạch giang hồ, nhìn rõ bản chất cuộc đời, con người trí thức và nhạy cảm ấy không khỏi cảm thấy mình đơn độc nên đã tìm đến tôn giáo để nương tựa, sống theo lương tri cùng những ý tưởng vừa thiết thực vừa siêu thoát. “Nhận ra bản chất cuộc đời, chúng ta sẽ giữ đươc tâm bình yên, giúp ta kềm chế hơn và biết thông cảm với tha nhân”. Nhìn đời như thế nên anh không thất vọng: “Nhưng nhìn chung, tôi cho rằng vẫn còn rất nhiều người tốt với lương tâm trong sáng. Chỉ cần những giá trị văn hóa nền tảng như sự tự trọng, lòng danh dự, tính liêm chính… được tôn vinh thì người ta sẽ phải dựa vào lương tâm như một kẻ phán xử sau cùng.”

Triết lý Phật giáo lúc nào cũng cứ như bàng bạc và giúp anh lạc quan ngay cả khi mọi chuyện bế tắc. 

 

3-Nhà thơ

 

Khác với những nhà thơ thương mây khóc gió, cách tân ngôn ngữ hay phóng bút về những điều trừu tượng xa vời thì những đề tài Nguyên Cẩn chạm phải đều liên quan đến đời sống, về quan hệ giữa con người và xã hội, về tình yêu, cái chết. Tiếng thơ của anh có thể cảm như lời tình tự thiết tha, là tiếng thở gần gụi với đời sống, phả ra hơi ấm tình người.

            Trong giờ phút giao mùa, hãy nghe anh tâm sự:

Mùa xuân này nghe vắng tiếng rao đêm,

Những gánh hàng rong đã xa rời phố chợ.

Bác xích lô già ngồi nghe từng tiếng thở,

Sợ ngày mai ai biết sẽ về đâu ?

Mãi bơ vơ cơm áo nặng linh hồn,

Chuông chùa vang từng tiếng vọng sinh tồn.

Chắp tay nguyện giờ giao thừa vô vọng …  (Tâm sự mùa xuân)

Người đọc thơ anh bắt gặp ngay một tâm hồn vị tha và không thể không ngẫm nghĩ về những điều anh nhìn thấy rồi tự vấn xem mình trách nhiệm nào không.

Trong đời riêng, trong Khúc hát chiều ru cha và mẹ ta nghe thấy anh suy ngẫm về những người gần gũi:

-Cha như đất mẹ như hoa trên đất,

Cha che tay rừng chắn gió muôn phương.

Xín cúi lạy thâm tình xưa bất tận,

Gọi tên người bốn phía chỉ mây vương.

Sau đó tất nhiên là nhắc về “người yêu dấu”, tức người bạn đời tuyệt vời  “giữ cả ba vai” người yêu, người tình, người vợ, đã cùng sẻ chia định mệnh và số phận với mình:

“Em như ngọn lửa hồng,

Thắp tình anh đêm tối..

Em như là bóng mây,

Che chiều anh khô cháy.

Em như là cánh tay cho buồn anh ngã bóng,

Chất chập chùng mê say,

Thả theo em vào mộng… (Nghĩ về em)

 Thật lãng mạn và ngọt ngào! Khi đọc bài thơ trữ tình này người vợ ấy chắc cảm thấy lòng mình lâng lâng, hạnh phúc và sung sướng

Rồi trên quãng đường thiên lý, chàng thi sĩ ấy vừa sống, vừa viết, trăn trở về những bất toàn và xót xa trong cuộc sống:  

đã đi mòn một khoảng trời,

đường mây cánh mỏi mà lòng chưa yên.

đêm đêm lắng đọng ưu phiền,

 chắt chiu một giọt hương thiền tĩnh tâm.

Ngôn ngữ thơ của Nguyên Cẩn đậm đà chất thiền, anh viết như để mang chút hương thiền tĩnh tâm dâng tặng mọi người. Vì dù đời có gập ghềnh trắc trở đến đâu thì cũng cứ bình tâm mà sống vui trong hiện tiền:“Thôi hãy sống như chưa từng được sống, thôi cứ mộng như chưa từng được mộng…” và bình tâm chứ không việc gì phải tham lam giành giật, vì cuối cùng ai cũng đều phải buông xuôi: “áo công hầu khanh tướng bỏ ngàn sau..” (Miên man cõi tịnh).

Với nhân sinh quan đó, anh xem Danh và Lợi chỉ là bèo bọt, phù vân:

Vay chi anh một chút danh?

Khoác lên áo đỏ lọng xanh rởm đời. (Vay chi anh)

 Thái độ ấy chỉ có ở những người hiểu được lẽ đời, nhìn thấy sự phù du hư ảo, nhưng vẫn yêu tha thiết “cõi trần gian điên dại”:

Tôi hít vào đầy phổi,

Nhấm nháp chút nắng mai (Chùm thơ những ngày bệnh hoạn)

Yêu trần gian nhưng cũng có lúc xem sống và chết như  một trò bỡn cợt. Trong Sau cơn bạo bệnh anh viết:

Sáng nay ồ, vẫn sống đường hoàng

Thế mà ngỡ cờ tang trước ngõ ( )

 

Vì sống và chết chỉ là đi và về:

-…Một đóa mai vừa nở,

Thơm ngát giữa vườn không.

Một hôm nào ngưng thở,

Hồn hóa đóa sen hồng… (đối thoại với hư không)

Xem cái chết như không. Nhưng khi hóa thành tro bụi thì anh vẫn ước muốn hồn mình về cõi an lành, an trú trong tịnh độ.

Nhìn chung, trong cõi thơ Nguyên Cẩn ngổn ngang tâm sự, buồn vui, suy ngẫm và trăn trở bao điều về xã hội, về thân phận làm người, và cuối cùng là ước mơ tìm đến cõi bình yên.

 

  1. Nhà Văn – nhà phê bình.

 

Phần lớn các truyện ngắn của Nguyên Cẩn đều mang tinh thần Phật giáo, liên quan đến tính nhân quả. Truyện anh viết thường nói về những mảnh đời lầm lạc, về cách con người hồn nhiên làm khổ mình, vô tình hay hữu ý làm khổ đến những người xung quanh… Nhưng anh không cường điệu hay lên án họ mà để cho… Nhân Quả giải quyết. Đó có lẽ là cách lý giải để người đọc ngầm hiểu rằng trong cuộc sống, những gì ta gieo thì trước sau gì cũng sẽ gặt.

Hồi mã thương là một truyện ngắn như vậy. Truyện kể về một kẻ thủ đoạn, “vô độc bất trượng phu”,  xem cuộc đời là một gánh xiếc, chỉ muốn làm đạo diễn để biến kẻ khác làm trò hề. Anh hể hả. Sau khi lừa người vợ cũ, được cả tiền và tình, anh cưới cô vợ trẻ hơn. Nhưng chỉ tích tắc sau đó là anh bị cô vợ trẻ này cao tay cướp sạch, rồi vượt biên với người tình.

Trong truyện ngắn Thầy sáu anh mở đầu như một hành trình đi tìm bn ngã: “Cậu biết không? Mình phải trở thành cái người ta muốn chứ không phải cái mình thực sự là.” Nhưng sau đó anh vẽ cuộc sống muôn màu và đầy bí mật: Những người gặp hằng ngày nhưng sự hiểu biết của chúng ta về họ quá đơn sơ, phiến diện và luôn làm ta lạ lẫm: Một ông thầy trí tuệ, thông minh. Nhưng phía sau sự thông thái là sự hiểm độc và gian trá. Ông nói chuyện đạo lý, triết học thì rất hay nhưng hành động thì mưu mô, hiểm ác. Sau khi cưỡng hiếp con gái mang thai ông đã lừa để gả con cho bạn thân hay thay vì giảng hòa ông đã dùng mưu trí khích bác và gieo rắc hận thù giữa hai phe nhóm để xem chém giết. Một đoạn kết qua cách viết của Nguyên Cẩn rất bất ngờ và thú vị.

Tính Nhân Quả trong Sân không dấy bụi không tức thời mà sàng lọc qua thời gian: Một tên cướp ở miền Bắc, sau vào Nam thay danh đổi tánh, hóa thân thành một nhà thầu đáng kính. Nhiều năm sau, do một tình cờ, gã bỏ tiền an táng cho mẹ của một người bạn thân, đang trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế.

Thế rồi, thật bất ngờ, gã nhà thầu khám phá ra là bà cụ mà anh vừa an táng chính là một nạn nhân, bị anh cướp bóc và đánh đập 20 năm trước!

Mảnh sân không dấy bụi mà mắt gã bỗng cay. Gã thú tội và bỏ tiền giúp gia đình người bạn, trang trải mọi chi phí học hành cho các cháu, như một cách chuộc lại lỗi xưa.

Nhưng câu chuyện không đơn giản dừng lại!

Khi miền Nam thay đổi, gã nhà thầu vượt biên, gia sản mất sạch. Hai đứa con gái của gã bị cướp bắt. Gã may mắn sống sót mà đời như đã chết. Đến lúc này gã đã ngộ lẽ đời:: “Khi người ta không biết mình sống để làm gì thì thì xem như đó là kẻ sống đang chờ ngày chôn mà thôi” và hiểu là mọi chuyện đều vô thường, biến đổi: “Cháu chưa cần uống trà, cứ nghe tiếng nước reo là vui rồi vì cuối cùng mọi thứ đều bốc hơi…

Truyện lôi cuốn, kể bằng nhiều giọng điệu và chuyển biến đột ngột, hai lần nhân quả báo ứng. Đây là một kỹ thuật viết, tựa như một vận động viên đứng trên bục phóng, tung mình lên cao, nhào lộn 2 lần trên không trung trước khi chìm đầu vào mặt nước và để lại những bọt nước lăn tăn ngấm vào lòng độc giả.

Một truyện ngắn khác, chuyện tình bên dòng kênh, kể theo một bút pháp khác:

 Một sinh viên y khoa tên Quang, thời khó khăn tìm cách quyến rũ và lấy bà chủ nhà trọ tên Hoa lớn tuổi hơn mình để được tận hưởng cảnh cơm no bò cỡi. Sau khi tốt nghiệp anh hùn hạp và mở phòng mạch riêng với cô y tá tên Thu trẻ đẹp. Thấy mọi thu nhập từ phòng mạch chỉ có 2 người ấy biết, Hoa lờ mờ hiểu tình ý của hai người, nhưng mặc cảm vì mình bị vô sinh. Được thế, Quang càng lấn lướt, chê bai Hoa ù lỳ, ít động não và vô tích sự.

Một hôm Quang đánh thức Hoa dậy, yêu vợ nồng nàn rồi nói rằng anh sắp phải đi theo diện bảo lãnh của bà chị, vì hồ sơ làm 15 năm trước nên chỉ đi được một mình anh. Vậy là phải ly dị. Quang hứa là sau khi đến Mỹ sẽ làm ngay đơn bảo lãnh cho Hoa. “Mình chỉ tạm xa nhau có 3, 4 năm thôi”.

Chồng đi, Thu cũng biến mất. “Chắc họ đã lấy nhau rồi cũng nên”. Nhưng mấy năm sau bỗng thấy Thu đến thăm, ngậm ngùi: “Ảnh đi với cô vợ trẻ hơn mình 15 tuổi chứ không có bà chị nào bảo lãnh hết. Quang mang theo hết tiền mà tụi em hùn hạp làm phòng mạch. Mà thôi! Tại mình ngu! Có lúc em cũng sai với chị”. “Hôm nay em đến để cho chị biết 2 tin mới nhất: Anh Quang bị vướng tiền liệt tuyến, bị cô vợ ấy moi hết tiền và ly dị rồi. Ảnh đang bơ vơ, thất nghiệp ở xứ người.” Nghe chuyện, Hoa ngậm ngùi “phải chị có con chắc anh không bỏ đi” thì Thu sẵng giọng:“Anh Quang bị vô sinh chứ không phải tại chị! Ảnh giấu, nhưng em có nói chuyện với bác sĩ xét nghiệm

 Truyện ngắn, tiết tấu nhanh nhưng có đủ mọi cung bậc cảm xúc và đầy đủ bố cục để hoàn thành một kế hoạch “phản bội liên hoàn” của anh chàng bác sĩ. Quang theo Thu, phản Hoa. Quang lừa tình và tiền với Thu để đi theo vợ mới. Và hệ quả báo ứng đến ngay lúc anh tưởng là an toàn nhất!

Nguyên Cẩn viết những truyện ngắn qua kinh nghiệm sống, nhìn thấy bao mảnh đời, “kể cho vui” mà thật ra gói ghém bao nhiêu tâm sự, cùng tấm lòng tha thiết với đời: Cảnh tỉnh, để ta có thể sống cao đẹp hơn. Vì chẳng lẽ cuộc sống chỉ có thế thôi sao? Lừa lọc để có thêm vật chất, và suốt đời chúng ta phải hao tâm sức lực và tâm trí cho mục đích này? Truyện anh viết thường buồn, nhưng anh là người lạc quan, vì nếu không tha thiết với lòng yêu cuộc sống thì làm sao anh có thể để mắt vào chuyện này, việc kia và bỏ thời gian ngồi với bóng chữ trước đèn để cầm lấy bút?

 

  1. Dịch giả.

Nhờ thành thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp nên ngoài  làm thơ, viết văn, viết báo, thỉnh thoảng khi cao hứng Nguyên Cẩn còn phiên dịch thơ văn từ tiếng Anh, tiếng Pháp ra tiếng Việt, và  dịch  ngược từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài.

             Xin trích dẫn 2 bản dịch từ tiếng Pháp:

  •  bài thơ “Il pleure dans mon coeur”  của  Paul Verlaine ra tiếng Việt[2]:

                                     Mưa khóc trong lòng tôi

 Mưa khóc trong lòng tôi

 Như mưa rơi trên phố

Phải chăng bao sầu khổ

 Đã thấm lạnh trong tôi

 

Êm êm tiếng mưa rơi

Trên mái nhà mặt  đất

Trái tim buồn chất ngất

Khúc mưa hát tự trời

 

Mưa khóc bởi vì đâu

Mà lòng tôi tan nát

 Nào có  ai phụ bạc

 Mà tang tóc  u sầu

 

 Buồn gì hơn khi tìm

Vì sao mà  lệ  thấm

Không yêu không oán hận

Nỗi đau tràn trong tim

  • Và bản dịchLes feuilles mortes” của  Jacques Prévert[3]:

 

Lá rụng

Anh ước nguyện phải chi em vẫn nhớ

Thưở đôi mình là bạn sống vui sao !

Năm tháng ấy cuộc đời sao đẹp lạ,

Và mặt trời gay gắt nắng trên cao

Sao  gom hết bao nhiêu là lá rụng

Em thấy chăng , ta chẳng thể quên đi

 Sao  gom hết bao nhiêu là lá rụng

 Kỷ niệm nào , niềm  luyến tiếc khôn ghi

Cuốn theo gió lạnh lùng đêm quên lãng

Em thấy chăng , ta chẳng thể quên đi

 Bài hát cũ một lần  em hát tặng

Khúc ca buồn  như chuyện của đôi ta

Em chứng kiến   ngày chúng mình chung bước

Ta yêu em và em cũng yêu ta

 Dẫu cuộc đời chia chúng mình hai ngã

Thật nhẹ nhàng, lặng lẽ lúc chia tay  

Biển sẽ xóa dấu  chân nào  trên cát

Những tình nhân một thưở đã qua đây 

 

Và  hai bản dịch từ tiếng Anh :

  • “A dream within a dream” của Edgar Allan Poe [4]:

 

Mộng trong mơ

Hôn lên vầng trán này

Mình chia tay từ đây

Anh thành tâm thú nhận

Em biết rồi bao bận

Đời anh là giấc mơ

Không biết tự bao giờ

Ước vọng bay đi mãi

Ngày đêm khôn níu lại

Trong huyễn tưởng vô thường

Cơn mê nào còn vương

Đời ta trông hay ngóng

Chỉ là mơ trong mộng

Anh đứng giữa gầm gào

Bờ đau xô sóng cao

Anh nắm tay thật chặt

Vàng tay nghìn hạt cát

Rồi len qua kẽ tay

Cát rơi làm sao đây ?

Anh thấy mình bật khóc

Trời ơi  nghe khó nhọc

Làm sao giữ cát này

Sóng vô tình cuốn trôi

Ta thấy gì cuộc đời?

Chỉ là mơ trong mộng

  • Và bài After a hundred years  của Emily Dickinson[5] :

 

Rồi trăm năm sau nữa

 

Rồi trăm năm sau nữa

Ai biết đến nơi này ?

Tim xưa,buồn đã cứa

Giờ yên bình ngủ say

Cỏ úa tràn mộ chí

Ai vô tình đi qua

Đọc những dòng bia ký

Hay người xưa đã xa

 Gió đồng mùa hạ cũ

Chạnh nhớ một con đường

Nhặt chút hương quá khứ

Kỷ niệm nào còn vương ?

 

             Còn đây là bản dịch ngược, bài thơ Cà phê sớm mai [6]của Nguyên Cẩn từ tiếng Việt sang tiếng Anh:

 

 

Early morning coffee

You asked me if I am ok in Saigon

I still drink coffee every morning

The city faintly smells of antiseptic alcohol

Human faces appear unclear behind face masks

Still,the homeless is hanging around

Leaving for the city to earn their bread

Still, dead mice are thrown out into the streets

Still, everybody is in big hurry to go back and forth

City seems more deserted than it used to be

Still, Saigon is craving for a rain

To quench the thirsty land and cool down the heat

Saigonese smile on meeting but no handshakes

For a vague fear of Corona virus somewhere

What kind of virus is he - so invisible or imageless ?

Coming from Wuhan and flying everywhere

He does not care what class people belong to , be it poor citizens or high officials

Fearlessly flying into the mouths of anybody , even heads of state

Sleeping on professors' lips

Dwelling in the mandarins’ concubines houses

where though hidden still made known by them

What kind of virus makes the world sunk in deep grief

America, Australia ,Europe, Asia all managed in vain

When facing the question of life and death

Don't ask why people become so frustratedly small

You ask me if Saigon is fine

Yes, hope that all statistical numbers stopped yesterday

We wish man lives in the same home

Where pain will be divided into 7 billion

Regardless of Korean, Chinese, Vietnamese, Italian

People interdependently fight the evil

To find a reason to live

Let’s forget the longstanding hatred dividing us

This disaster is over soon

For children to come back to class

For market to be crowded as before

For us to happily see each other and warmly shake hands

For parties full of laughter to celebrate the peaceful days

You ask me if Saigon is okay

Yes, people still sit around here inside the shops

Sipping their first drops of morning coffee!

  1. Nhà báo.

 

Nguyên Cẩn viết đều và viết thường xuyên trên các tạp chí Phật Giáo: Văn Hóa Phật Giáo, Giác Ngộ, Từ Quang, và gần đây trên tập san văn học Quán Văn.

Trong các bài báo, tiểu luận… nếu “nhìn quả biết cây, nhìn cây thấy rừng” thì chỉ lướt qua các tựa đề là chúng ta có thể hiểu được nội dung và những đề tài làm chúng ta phải suy nghĩ, và nghiền ngẫm: Mùa xuân và ước mơ của tuổi trẻ- Cạm bẩy của ngôn từ- Sức mạnh của sự tử tế-  Câu chuyện đầu năm học- Triết lý nhân quả và cải cách giáo dục- Bạo lực từ đâu- Nhận ra bản chất cuộc đời, tâm sẽ bình yên- Tản mạn về chữ Tâm và chữ Tầm- Hãy cho tôi một điểm tựa!?- Giải mã GNH (Gross National Happiness) -Thức dậy văn hóa để xây dựng hạnh phúc

Đó là những vấn đề nóng bỏng và bức thiết của xã hội mà người nào còn tâm huyết với quê hương và thời đại cũng đều trăn trở và Nguyên Cẩn đã can đảm cầm lấy bút nói lên những trăn trở ấy.

           Có thể nói, ngay từ khi còn rất trẻ thơ văn của anh đã gắn với thế sự, xã hội, và đứng về phía lẽ phải, với nỗi khổ đau của con người.  

Như đã nói, Nguyên Cẩn viết nhiều thể loại, nhưng chính là viết văn và làm báo. Và khi viết về Nguyên Cẩn tôi thường nhớ đến câu nói của Hemingway: “Nghề thích hợp nhất với nghề viết văn là nghề làm báo. Và với điều kiện là ta… rời bỏ nó đúng lúc”. Tất nhiên là mỗi nghề mỗi cách viết đều có một lối tư duy riêng, không thể viết báo như viết văn, hay viết văn như viết báo. Một nội dung và ý tưởng - quan niệm nghệ thuật bao giờ cũng dẫn đến một phong cách nghệ thuật viết của riêng nó. Bút pháp văn chương rõ ràng không chỉ là vấn đề câu chữ. Hình như Nguyên Cẩn đã biết cách phân thân và làm được một cách riêng lẻ từng thể loại mà anh cần chuyển tải: Viết cái nào ra cái đó. Thơ ra thơ, Văn ra văn, Triết luận rạch ròi như triết luận.Và nếu nhìn theo góc độ tâm lý thì có thể nói là anh đã lựa chọn và nhập vai rất đạt trong các vai giáo-báo-thơ-văn-và-phê bình đó.

Trong các tiểu luận, Nguyên Cẩn luôn có những nhận định sâu sắc đến đến nhiều vấn đề trong đời sống và đưa ra những góc nhìn trực diện của người trí thức, có lúc anh bi quan, hay phẫn nộ, nhưng câu chữ của anh chừng mực phân tích và nhận định ôn hòa, bút lực vừa phải, không quá khích cực đoan.

Nếu hai yếu tố làm nên giá trị văn chương là hiện thựclòng nhân đạo thì trong Nguyên Cẩn tư tưởng Phật giáo nắm phần chủ đạo. Trong phần lớn các bài viết của anh đều gói ghém một uớc mơ là khơi dậy sự tử tế và lòng nhân hậu để con người vượt lên cái tầm thường, tránh bị ăn mòn bởi thói quen, dung tục, để sống một cuộc sống xứng đáng và nhân ái hơn.

 

                                                                                  

   Sài Gòn 4-2018

 

 



[1]   Tên thật là Phạm Văn Nga,  Nguyên Cẩn là Pháp danh và Bút danh,

[2] Il pleure dans mon coeur            

                    Paul Verlaine

 

Il pleure dans mon coeur

Comme il pleut sur la ville;

Quelle est cette langueur

Qui pénètre mon coeur?

 

Ô bruit doux de la pluie

Par terre et sur les toits!

Pour un coeur qui s'ennuie

Ô le chant de la pluie!

 

Il pleure sans raison

Dans ce coeur qui s'écoeure.

Quoi! nulle trahison?...

Ce deuil est sans raison.

 

C'est bien la pire peine

De ne savoir pourquoi

Sans amour et sans haine

Mon coeur a tant de peine!

 

[3] Les feuilles mortes

Jacques Prévert

 

Oh, je voudrais tant que tu te souviennes,

Des jours heureux quand nous étions amis,

Dans ce temps là, la vie était plus belle,

Et le soleil plus brûlant qu'aujourd'hui.

Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,

Tu vois, je n'ai pas oublié.

Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,

Les souvenirs et les regrets aussi,

Et le vent du nord les emporte,

Dans la nuit froide de l'oubli.

Tu vois, je n'ai pas oublié,

La chanson que tu me chantais...

C'est une chanson, qui nous ressemble,

Toi qui m'aimais, moi qui t'aimais.

Nous vivions, tous les deux ensemble,

Toi qui m'aimais, moi qui t'aimais.

Et la vie sépare ceux qui s'aiment,

Tout doucement, sans faire de bruit.

Et la mer efface sur le sable,

Les pas des amants désunis.

 

[4] A dream within a dream

                    By Edgar Allan Poe

 

A dream within a dream

Take this kiss upon the brow!

And, in parting from you now,

Thus much let me avow -

You are not wrong, who deem

That my days have been a dream;

Yet if hope has flown away

In a night, or in a day,

In a vision, or in none

Is it therefore the less gone?

All that we see or seem

Is but a dream within a dream.

I stand amid the roar

Of a surf-tormented shore,

And I hold within my hand

Grains of the golden sand –

How few! Yet how they creep

Through my fingers to the deep,

While I weep – while I weep!

O God! can I not grasp

Them with a tighter clasp?

O God! Can I not save

One from the pitiless wave?

Is all that we see or seem

But a dream within a dream?

 

[5] After a hundred years

By Emily Dickinson

 

After a hundred years                    

Nobody knows the place, --

Agony, that enacted there,           

Motionless as peace.  

 

Weeds triumphant ranged,

Strangers strolled and spelled

At the lone orthography

Of the elder dead.

 

Winds of summer fields

Recollect the way, --

Instinct picking up the key

 Dropped by memory.

 

[6] Nguyên Cẩn

Cà phê sớm mai. 

Bạn hỏi tôi rằng Sài Gòn có ổn không?

Tôi vẫn uống cà phê mỗi sáng

Thành phố chỉ thoang thoảng mùi cồn sát khuẩn

Mặt người nhìn lờ mờ sau lớp khẩu trang

Thành phố vẫn còn những kẻ lang thang

Bỏ quê cũ lên đây kiếm sống

Vẫn còn chuột vất bừa ra đường rộng

Vẫn tất tả đi về dù vắng vẻ hơn xưa

Sài Gòn đang thèm nhớ một cơn mưa

Cho bớt cái oi nồng khi nắng gắt

Sài Gòn bây giờ mặt mừng nhưng tay không bắt

Sợ corona quanh quẩn bên mình

Cái con chi mà vô ảnh vô hình

Từ Vũ Hán mi bay đi khắp chốn

Không kiêng nể thứ dân hay quan lớn

Không biết sợ bay vào mồm nguyên thủ

Ngủ trên môi giáo sĩ, giáo sư

Ngự cả trong nhà thứ thiếp, quý phi

Ai đi tắt về ngang đều hiển lộ

Cái con chi làm thế gian sầu khổ

Mỹ, Úc, Á, Âu quay quắt điêu linh

Khi cận kề câu hỏi tử sinh

Bạn chớ hỏi sao con người nhỏ bé

Bạn hỏi tôi Sài Gòn có ổn?

Vâng cầu mong con số mãi hôm qua

Khi nhân gian cùng ngụ một mái nhà

Nỗi đau sẻ chia đều ra 7 tỷ

Không phân biệt Hàn, Hoa, Việt, Ý

Con người tựa lưng vào nhau tìm lẽ sống

Quên hận thù chia rẽ bấy lâu

Đại họa này mong sẽ qua mau

Cho bé thơ lại lên đường đến lớp

Cho chợ lại đông người chen buổi họp

Tay bắt mặt mừng hội ngộ tiệc vui

Bạn hỏi tôi Sài Gòn có ổn?

Vâng, vẫn tán chuyện đời trên mạng sáng mai đây!

 

 

Trương Văn Dân
Số lần đọc: 1509
Ngày đăng: 05.09.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghệ nhân Lữ Hữu Thi với Nhã Nhạc cung đình Triều Nguyễn - Võ Quê
Nhà báo kỳ cựu Phan Quang - Minh Tứ
Nhà văn Larry C Heinemann “Người kể chuyện Việt Nam” - Võ Quê
Rimbeaud (II) Tác giả và tác phẩm - Võ Công Liêm
Nsnd.TS Bạch Tuyết – Cải lương chi bảo - Nguyễn Thanh
Nguyễn Tấn Hải – Gã nhà quê trên cánh đồng chữ nghĩa - Mai Bá Ấn
Nhà thơ Lê Anh Xuân - Dáng đứng Việt Nam - Nguyễn Thanh
Võ Thanh Hùng "một hồn thơ chiến sĩ" - Nguyễn Thanh
Diệp Minh Châu - Nhà nghệ sĩ huyết họa chân dung lãnh tụ - Nguyễn Thanh
Nguyễn Bính - Xuân mãi nở trong hồn thơ chân đất - Nguyễn Thanh
Cùng một tác giả
Những sợi tóc (truyện ngắn)
Ngã Rẽ (truyện ngắn)
Một áng mây bay (truyện ngắn)
Những gã thợ săn (truyện ngắn)
Colombre (truyện ngắn)
Thời hạn (truyện ngắn)
Chiếc áo dị kỳ (truyện ngắn)
Quyển Sách (truyện ngắn)
Ngọn tháp (truyện ngắn)
Một ngày của Chuá (truyện ngắn)
Những người bạn (truyện ngắn)
Tâm lý trị liệu (truyện ngắn)
Một ngày của Chuá (truyện ngắn)
Paris, ngày trở lại (truyện ngắn)
Về với hư không (truyện ngắn)
Lỗi kết nối (truyện ngắn)
Tòa soạn Quán Văn (tiểu luận)
Cuộc hội ngộ câm (truyện ngắn)
Quán Văn, số 100 (tiểu luận)