Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.146
123.225.660
 
Ngõ nhỏ ngày xưa
Vinh Anh

 

 

Nhân ngày khai giảng năm học mới,

 bạn của gấu và voi trong ngõ (có cả bạn gái) cứ đến hỏi ông,

 gấu đâu, voi đâu, khiến ông nhớ hai đứa và nhớ cả ngày xưa.

 

 

Hắn từng thổn thức đến“lên men” khi nghe bài hát “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó /đêm nằm nghe trong gió, tiếng sông Hồng thở than…*” Những cái nhỏ mà bài hát nói đến là cái gần gũi, thân thương và có lẽ sẽ đi suốt chiều dài cuộc đời hắn. Hắn là người nặng lòng và mang nợ ngõ nhỏ. Từ khi nào? Từ ngày hắn còn nhỏ. Con ngõ dẫn vào nhà hắn uốn éo lắm, đầy cỏ dại và bẩn nữa. Sau này, chính cái uốn éo làm nên cái điệu đàng của con ngõ. Mà lạ, điều lãng mạn đó chỉ riêng hắn nhận ra. Có lẽ, hắn nhận ra vì tình yêu với nó, tình yêu nơi ngõ nhỏ. Những cái vòng vèo uốn éo đó chính là khúc cong, khúc lượn của dáng điệu thon thả con gái. Cái uốn éo điệu đàng mà thượng đế tạo ra.

Hắn cũng nghe được gió thở than, khi gối đầu lên lớp cỏ mịn màng, nằm ngắm trăng không ngủ, nghe chuyện của các anh lớn. Đó là những đêm nằm bờ đê, nghe tiếng uuu từ trên trời vọng về, những tiếng uuu đó đưa hắn vào giấc ngủ với những tưởng tượng, đam mê. Cảm giác hòa tan với đêm khuya mát lạnh và một cuộc sống bình lặng trôi. Mà sao, lạ, hắn chỉ nhận ra cái trôi hờ hững nỗi buồn, man mác buồn. Gió mát và tinh khôi hương đêm đã cho hắn cảm giác buồn hờ hững đó. Ngày đó, hắn còn mường tượng con sông lặng lờ phía dưới kia đang thầm thì với ai đó. Tiếng thầm thì là “tiếng rất gần**”. Người ta chỉ thầm thì khi ở gần nhau.

 

Hắn hay kiếm cớ sang nhà nó. Cái uốn éo của con ngõ như che bớt cho hắn cái hồi hộp rất con trai, cái hồi hộp thuở hẹn hò. Và lần nào cũng vậy, vẫn chỉ một hắn với bất đẳng thức hồi hộp, đơn phương. Nó chẳng biết gì hết.

Nó không biết gì hết. Hắn cam đoan là nó hoàn toàn không biết gì hết. Nó vẫn mày tao với hắn vô tư. Mãi lâu sau, khi thân nhau hơn một chút nữa, hắn bảo nó, vậy mới xứng đáng làm anh, được làm anh. Con trai là thế. Nó nhìn hắn, hứ, và quay đi dấu nụ cười, nụ cười rất xinh, nụ cười bỏ bùa hắn từ khi nào đó xa lơ xa lắc, lâu hơn nữa cơ. Mà tại sao hắn biết mình “phải lòng” nó từ hồi đó? Có lẽ tại nó. Chứ cứ như hắn, hắn chẳng bao giờ mê gái.

 

Cái ngõ nhỏ dẫn đến nhà hắn và nhà nó lối đi đầy cỏ.  Chẳng là ngõ chỉ có vài mái nhà, cách nhau bằng những mảnh vườn hoang, những cây lâu niên thưa thớt mọc chẳng ra hàng lối và cũng um tùm cỏ dại. Hình như nông dân ngày ấy chưa biết tính toán làm ăn trên mảnh đất của mình, nông sản chưa là hàng hóa, vài ba thứ hoa quả chẳng có người mua. Trời mưa phải bấm ngón chân xuống đất và bùn. Nó ngại bẩn, không đi trên lối mòn mà đi vào cỏ, có lần giật bắn người, hoảng hồn vì suýt dẫm phải rắn, hắn thấy và hét toáng lên khi nhìn thấy con rắn, con rắn cũng vọt biến. Nó choàng ôm chặt hắn. Hắn bất ngờ được nó ôm, ngây ngất mãi mấy ngày, người cứ lửng lơ treo vào con sáo diều uuu.

Nhà hắn có hai cây ăn qủa rất quê kiểng, đó là cây dâu sa xoan và cây khế chua. Hình như tự nó mọc lên, chẳng ai chăm sóc. Cây dâu da xoan mọc lệch bên cổng ra vào nhưng lại chìa cả nửa thân ra ngoài ngõ, chi chít, lúc lỉu quả. Bọn trẻ con cỡ tuổi hắn và cả người lớn nữa, vặt trụi khi quả nó mới thành từng chùm xanh lúc lắc theo gió. Còn cây khế mọc sát cửa sổ phòng ngủ và học của hắn với thằng em, phía sau vườn. Nhà nó có cây ổi găng rất sai quả, rất dòn, nhiều đến nỗi ổi chín rụng xuống đầy gốc. Hắn thường mang dâu da và khế đến đổi lấy ổi. Khi chưa có ổi, hắn cho không nó. Hắn chả tiếc tẹo nào nhưng thằng em hắn nhắc, nhớ đòi ổi đấy. Có hôm nó nói, nhà mày chả ra làm sao, nhà toàn con trai, thì trồng hai cây chua loét. Hắn toét miệng, chẳng hiểu nó nói ý gì.

 

Cây khế xòe lá cành vào cửa sổ phòng ngủ của hắn, hắn rất thích, cứ để nguyên như vậy cho đến khi lá có dấu hiệu bị héo, không khi nào đóng cửa. Một chút màu xanh cũng làm tâm tính vui vẻ hơn. Sáng sáng, bọn chim sâu, với bộ lông như màu xanh như lá khế, nhảy nhót và chí chóe cãi nhau, đánh thức hắn. Hắn dụi mắt, nằm im trên giường, ngắm tụi chim, thích lắm, nhất là nghe nó hót gọi bạn, khi líu lo, khi lanh lảnh trong vắt như nước suối trên núi bà Mãnh. Bé con mà sao tiếng to thế. “Con cái”, hắn nghĩ thế, khi con bạn tìm đến, vừa sà xuống bên, nó lại bay đi mất. Hắn khẳng định, đúng là con cái, đúng là “hứ” rồi quay mặt đi, như nó.

Nhà nó cuối ngõ, không xa nhà hắn nhưng lối đi thì ngoằn ngoèo, lại cách một con mương và một chút nữa là đường cái quan. Vậy là gần nhà xa ngõ. Cũng nhiều lần đi tắt, hắn lội mương sang nhà nó. Có hôm hắn ngã ướt hết vì bước hụt, nước sâu, uống mất mấy ngụm nước. Nó biết và nói như ra lệnh, lần sau không được đi tắt. Đi tắt tao cấm cửa. Chẳng hiểu sao, cái thằng bướng có xoáy trên đầu như hắn, (hắn có những hai xoáy trên đầu) lại tuân lệnh nó dễ dàng thế.

 

Nhà nó nhìn ra cánh đồng. Cánh đồng vào vụ lúa chín nhìn sướng con mắt. Nhưng hắn thích nhất là vào độ cây lúa óng ả, mướt mà. Các cụ bảo lúa vào thời con gái. Cứ cái gì đẹp là con gái. Hắn thấy tức tức khó chịu. Bố mẹ nó vất vả vì ba đứa lắt nhắt phía sau, đứa nào cũng nó bế ẵm, làm nó vất vả theo. Nó về nhà chẳng học hành gì được nhưng trí nhớ cực kỳ, vào hàng cao thủ. Nó thuộc lòng tất cả các bài văn vần, mà có lẽ, hắn biết, không hề mó đến sách. Việc lớn, việc nhỏ trong nhà một tay nó cáng đáng. Con gái đầu lòng, người quê bảo, ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng là thế. Nhiều lúc hắn ái ngại cho nó. Hắn gọi nó là “bà cụ non của tôi”. Nó cười, xinh ơi là xinh.

Bên cạnh nhà nó còn có cái đầm rất rộng. Bọn trẻ trâu cứ vượt qua đường cái quan là đến mương, đến đầm. Chẳng ai quản lý cái đầm đó. Hắn bơi giỏi nên hay sang đó tắm và đôi lúc, ngồi gốc tre câu cá, chiều tối đi đặt vó bắt tép. Hắn hướng dẫn nó đặt vó. Nó bảo tao biết, nhìn thoáng tao biết, không phải dạy, khiến hắn cụt hứng. Nó rất chi là bướng với hắn, cứ như là cố ý gây sự với hắn.

 

Đáng nhớ nhất là một năm mưa bão. Đường cái quan ngập nước. Mãi sau mới nghe nói là vỡ đập, nhiều người chết. Nó cũng suýt chết độ đó. Sự việc là, chiều hôm mưa bão đó, nó ngồi vắt vẻo trên lưng trâu về nhà. Mưa bão thì trâu cũng vẫn phải ăn. Nó đi chăn trâu trong mưa, hình ảnh đẹp “Ai bảo chăn trâu là khổ” vì mưu sinh của ông nhà thơ nào đó. Thì đây đúng là khổ, chẳng có mơ màng được gì đâu. Con trâu nó ngồi vắt vẻo đang yên lành tử tế bỗng lồng lên, hất văng nó xuống đầm. Hóa ra con trâu bị hụt do bờ vẫn đi, bị nước chảy, lở mất quãng giữa. Nó chìm nghỉm dưới đầm. Hắn nghe mọi người hét nhau í ới trên đường cái, cũng lao ra xem. Biết chuyện, hắn lao ngay xuống đầm, chỗ con trâu hất nó. Ngụp lặn một hồi, hắn dẫm phải nó, hai tay bế nó lên, nhờ mọi người trên bờ giúp. Vậy là nó thoát chết đận ấy. Vì thế, có lẽ, mà sau này, hắn vẫn thấy nó đọc bài thơ, ai mơ màng…

 

Thời gian trôi, hắn lớn và nó cũng lớn. Nó bỏ học từ hồi hết cấp hai, sau đận suýt chết. Hắn được gửi người bà con ngòai thành phố.  Thi thoảng về, thấy ngõ nhỏ ngày xưa mỗi ngày một khác. Hỏi nhà nó, hắn không nhận ra. Tìm nó, thấy nó đẹp rực rỡ như một phu nhân. Hỏi mấy con, nó bảo hai đứa, Còn cậu, học gì, làm gì, đi đâu, ở đâu, lấy ai, tớ biết hết, không cần nói. Tớ vẫn nhớ cậu.

Hắn bỗng nhận ra, nhà nó vẫn có ba cây ngày xưa của hắn và nó, cây ổi găng, cây khế và cây dâu da xoan. Ngõ thì không còn dấu vết. Nó chỉ cái đầm và bảo, tớ đấu thầu, giữ lấy cái đầm này. Hắn trầm ngâm, cái ngõ nhỏ ngày xưa bay lảng vảng trước mắt hắn.

 

 

*Bài hát Hà Nội và tôi của Lê Vinh

**Lời bài hát của Tôn Thất Lập

 

 8/9/20

 

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 1109
Ngày đăng: 15.09.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bên kia hàng cây chưa thay lá - Nguyễn Thị Kim Lan
Chị ơi, đừng khóc! - Lê Hứa Huyền Trân
Sáng thế - Đỗ Quý Dân
Đêm tìm em - Nguyễn Thị Kim Lan
Vẻ đẹp của con ngựa hoang dã - Nguyễn Thỵ
Ánh mắt sông quê - Vinh Anh
Tả ngạn - Đỗ Nguyễn
Cảnh giới mong manh (tiếp theo và hết) - Nguyễn Thỵ
Chênh vênh - Nguyễn Thị Kim Lan
Cảnh giới mong manh - Nguyễn Thỵ
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)