Phần này bàn về cách dùng tiền quí, cheo, bài ca dao “đi chợ tính tiền” và các cách tính tiền thời trước và thời LM de Rhodes, dựa vào tự điển Việt Bồ La và một số tài liệu chữ Nôm/chữ quốc ngữ. Đây là những chủ đề có rất ít người đề cập đến. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false . Không có nhiều tài liệu Hán Nôm viết về chủ đề tiền tệ trước đây nên người viết dựa vào một số ca dao và thành ngữ/tục ngữ đã được lưu truyền trong dân gian. Các chữ viết tắt khác là NCT (Nguyễn Cung Thông), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), ĐNQATV (Đại Nam Quốc Âm Tự Vị), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), HV (Hán Việt), Bắc Kinh (BK). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán). Bài này đánh số 21A vì là một trong loạt bài liên hệ hay cùng chủ đề, như “Tiếng Việt thời LM de Rhodes - tiền gián, bẻ tiền bẻ đũa” là phần 21.
-
Tiền quí và quan tiền
VBL ghi rõ tiền quí là tiền lớn so với tiền gián nhỏ hơn. Một tiền bằng 60 đồng và một quan bằng 10 tiền hay 600 đồng[2] (VBL trang 792-795). Có lẽ nên xem lại chữ quan/quán 貫 với nghĩa cổ là dây xâu tiền (1000 đồng - đơn vị tiền cổ đại ở TQ), hàm ý phải dùng nhiều đồng tiền xâu lại với nhau để có một quan hay 600 đồng ở VN. Chữ quan/quán (thanh mẫu kiến 見 vận mẫu hoàn 桓 bình/khứ thanh, hợp khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
古玩切,音瓘 cổ ngoạn thiết, âm quán (TVGT, ĐV, QV, NT, TV, LT, VH, CV, TTTH, TG 字鑑, LTCN 六書正譌, TVi/CTT)
古亂反 cổ loạn phản (ThVn 釋文)
古亂切 cổ loạn thiết (NT, TTTH)
古患反 cổ hoạn phản
古患切 cổ hoạn thiết (TV, LTCN 六書正譌)
烏關切,音彎 ô quan thiết, âm loan (TV, LT)
古丸切,音官 cổ hoàn thiết, âm quan (QV, TV, VH)
TNAV ghi vận bộ 寒山 hàn san (khứ thanh)
TNAV cũng ghi vận bộ 桓歡 hoàn hoan (khứ thanh?)
CV ghi cùng vần/bình thanh 官 冠 觀 涫 莞 菅 棺 倌 貫 (quan quan/quán hoàn gian)
CV cũng ghi cùng vần/bình thanh 彎 關 灣 (loan quan)
CV ghi cùng vần/khứ thanh 慣 貫 串 卝 摜 (quán xuyến/quán)
CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh 貫 冠 觀 懽 館 悹 痯 祼 果 盥 灌 瓘 鸛 雚 爟 烜 矔 涫 (quán/quan quán/hoan *quả *huyên)
沽歡切 cổ hoan thiết (CV)
烏還切 ô hoàn thiết (CV)
古患切 cổ hoạn thiết (CV)
古員切 cổ viên thiết (TVi)
音眷 âm quyến (TVi/CTT) ...v.v...
Giọng BK bây giờ là guàn so với giọng Quảng Đông gun3 và các giọng Mân Nam 客家话: [海陆丰腔] gon5 kwan5 [客英字典] gwon5 kwan5 [沙头角腔] gan5 [客语拼音字汇] gon4 guon4 [台湾四县腔] gon5 kwan5 [陆丰腔] gon5 [东莞腔] gon5 [梅县腔] gwon5 gwan5 [宝安腔] gon5, tiếng Nhật kan và tiếng Hàn gwan.
Như vậy quan là cách đọc phù hợp với âm và nghĩa HV cổ[3], cũng như dạng đọc quán của cùng một chữ trong các cách dùng tập quán (~ quen), nhất quán, quán thông, quán triệt, quan âm (VBL ~ quán âm) ...v.v... Giá trị 600 đồng của một quan còn bảo lưu qua ca dao như
Đấy vàng đây cũng đồng đen
Đấy hoa sói trắng đây sen Tây Hồ
Đấy song đây cũng mây liền
Đấy quan đây cũng chín tiền sáu mươi (trích từ Nam Giao Cổ Kim Lý Hạng Ca Dao Chú Giải/sđd)
(Chú ý/NCT: một quan = 9 tiền + 60 đồng = 9 tiền + 1 tiền = 10 tiền).
Tới đầu TK 20, quan tiền (“là sáu trăm đồng”) vẫn còn được dùng như trong bài "Trăng sáng vườn chè" của thi sĩ Nguyễn Bính (1918-1966) - trích một đoạn liên hệ
Một quan là sáu trăm đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi
Chồng tôi cưỡi ngựa vinh qui
Hai bên có lính hầu đi dẹp đàng
Tôi ra đón tận gốc bàng
Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem
…
Hình vẽ lại một quan tiền - để ý xâu chuỗi trên (hai đầu mối ở ngoài cùng bên phải) được chia thành 10 phần bằng nhau (mỗi phần gồm có 60 đồng hay một tiền). Hình trên trích từ cuốn Dictionnaire franco-tonkinois illustré trang 338 (tác giả PG Vallot, Hà Nội 1898). Vì hình dạng của quan tiền quí như trên nên còn được gọi là quan tiền dài.
Xin anh đi học cho ngoan
Để em dệt cửi kiếm quan tiền dài
Quan tiền dài em ngắt làm đôi
Nửa thì giấy bút, nửa nuôi mẹ già
…
Ngoài ghi nhận về quan/tiền và đồng trong VBL trang 792-795, LM de Rhodes còn bàn thêm chi tiết về tình hình tiền tệ của TK 17 ở Đàng Trong và Đàng Ngoài:" ... Còn thứ tiền đồng trao đổi giữa người Đàng Ngoài thì có hai loại, loại lớn hay loại bé. Loại lớn thông dụng trong khắp nước và đa số do thương gia Tàu đem tới, xưa kia do người Nhật nữa. Còn loại nhỏ thì chỉ dùng trong kinh thành và trong bốn tỉnh ở chung quanh chứ không dùng ở Đàng Trong. Tất cả loại tiền đồng, lớn hay bé đều nhẵn và tròn, khắc bốn chữ trên mặt và tất cả đều có lỗ ở giữa, để dùng dây xỏ vào như thường lệ. Vì thế mỗi dây buộc chừng sáu trăm hoặc mười lần sáu mươi có đánh dấu để phân biệt mỗi sáu chục đồng. Như vậy rất thuận tiện để quàng vào cánh tay hay khoác lên vai khi đi chợ, không cần dùng túi như chúng ta, chỉ dùng dây mà thôi. Còn về giá của thứ tiền này, thì chưa bao giờ chắc chắn và hay thay đổi[4], theo quy luật cung cầu trong nước. Do đó mấy năm trước đây một trăm tiền đồng lớn giá bằng năm đồng nhỏ. Nhưng vào một thời gian khác, giá những đồng này thay đổi và cao hơn vì trong nước có ít bạc hơn …".
VBL còn ghi thu thuế là làm thuế, làm quí - cho thấy loại tiền quí (tiền tốt) rất thông dụng trong các hoạt động chính thống về tiền bạc (thuế má, lương bổng, tiền thưởng ...):
VBL trang 782
Quí trong cách dùng tiền quí chỉ giá trị cao, được coi trọng (so với tiền gián kém hơn) hay có thể tương ứng với cách dùng tiền tốt trong bài ca dao nổi tiếng "đi chợ tính tiền" sau đây.
2. Đi chợ tính tiền
2.1 Bài ca dao "đi chợ tính tiền" xuất hiện trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư (Lớp sơ đẳng, 1927) do Nha học chính Đông Pháp xuất bản và các tác giả tên tuổi có gốc từ trường Thông ngôn - Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận:
Một quan tiền tốt mang đi
Nàng mua những gì mà tính chẳng ra
Thoạt tiên mua ba tiền gà
Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu
Trở lại mua sáu đồng cau
Tiền rưỡi miếng thịt, giá rau mười đồng
Có gì mà tính chẳng thông?
Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi
Ba mươi đồng rượu chàng ơi
Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng
Hai chén nước mắm rõ ràng
Hai bảy mười bốn, kẻo chàng hồ nghi
Hai mươi mốt đồng bột nấu chè
Mười đồng nải chuối chẵn thì một quan.
Dựa vào giá trị của các đơn vị tiền tệ[5] đã ghi trong VBL: 1 quan (q) = 10 tiền (t) = 600 đồng (đ) thì khi kiểm lại tổng số tiền đi chợ trong bài trên ta thấy
3 t (gà) + 1.5 t (gạo nếp) + 1.5 t (miếng thịt) + 1.5 t (gạo tẻ) = 7.5 t = 450 đ
3 đ (trầu) + 6 đ (cau) + 10 đ (rau) + 6 đ (chè tươi/trà) + 30 đ (rượu) + 30 đ (mật) + 20 đ (vàng mã để đốt sau khi cúng) + 14 đ (nước mắm) + 21 đ (bột nấu chè) + 10 đ (nải chuối) = 150 đ
Do đó tổng số chi là 450 đ + 150 đ = 600 đ = 1 quan ("chẵn thì một quan")
Một số tác giả[6] lại ghi câu gần chót là "Hai mươi đồng bột nấu chè" thay vì "Hai mươi mốt đồng bột nấu chè" cho đúng âm vận, thành ra tổng số chi lại là 599 đ (hay 9 t 59 đ, thiếu 1 đ mới chẵn một quan hay 10 t). Một dị bản khác[7] lại viết câu này là "Hăm mốt đồng bột nấu chè" (hai mươi đọc nhanh thành hăm) thì vừa đúng âm vận và vừa đúng một quan hay 600 đ.
2.2 Một dị bản được GS Maurice Durand chép lại (1946/1956) trong "Nam Giao Cổ Kim Lý Hạng Ca Dao Chú Giải" được thư viện đại học Yale lưu trữ, bản này có khá nhiều thay đổi:
Một quan tiền tốt mang đi
Thiếp mua những gì chàng tính chẳng ra
Thoạt tiên mua ba tiền gà
Tiền rưỡi gạo nếp mấy ba đồng trầu
Ngoảnh lại mua năm đồng cau
Tiền rưỡi chả thịt giá rau mười đồng
Có gì chàng tính chẳng thông
Tiền rưỡi gạo mới mười đồng chè tươi
Ba mươi đồng rượu chàng ơi
Ba mươi đồng mật ba mươi đồng vàng
Hai chén nước mắm rõ ràng
Hai bẩy mười bốn kẻo chàng hồ nghi
Sáu đồng tôm trứng một khi
Mười hai đồng chả cá chẵn thì một quan
Dựa vào giá trị của các đơn vị tiền tệ đã ghi trong VBL: 1 quan (q) = 10 tiền (t) = 600 đồng (đ) thì khi kiểm lại tổng số tiền đi chợ trong bài trên ta thấy
3 t (gà) + 1.5 t (gạo nếp) + 1.5 t (chả thịt) + 1.5 t (gạo mới) = 7.5 t = 450 đ
3 đ (trầu) + 5 đ (cau) + 10 đ (rau) + 10 đ (chè tươi) + 30 đ (rượu) + 30 đ (mật) + 30 đ (vàng mã) + 14 đ (nước mắm) + 6 đ (tôm trứng) + 12 đ (chả) = 150 đ
Do đó tổng số chi là 450 đ + 150 đ = 600 đ = 1 quan ("chẵn thì một quan").
Để hiểu hơn giá trị của đồng tiền vào thời nhà Nguyễn, hãy xem qua lương bổng của "quan chức nhà nước" vào giai đoạn này:
- Quan Nhất Phẩm lãnh mỗi năm 400 quan, 300 phương gạo, 70 quan tiền Xuân Phục, tức tiền áo quần.
- Quan Chánh ngũ phẩm, hàng tri phủ mỗi năm lương 40 quan, 43 phương gạo, 9 quan tiền Xuân Phục.
- Lính, thơ lại, phục dịch ... lương mỗi tháng 1 quan tiền, 1 phương gạo. So với giá sinh hoạt bình thường như một chỉ đạo năm Cảnh Hưng thứ tư (1741) định giá bò lớn 5 quan, bò nhỏ 3 quan và lợn 2 quan (theo Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương sđd).
Thế mới cảm thông sự cố gắng của người vợ lo cho chồng đi thi để hi vọng có tương lai gia đình tươi sáng hơn, thành ra phải chắt chiu từng quan cho từng tháng như bài ca dao đi chợ tính tiền trên. Bài "đi chợ tính tiền" trên cho thấy sức sáng tạo của người vợ, dù mua gì đi nữa cũng không quá số tiền đã dành dụm cho cuộc sống gia đình.Học giả Trần Trọng Kim từng nhận xét về thực trạng xã hôi thời trước trong Việt Nam Sử Lược (Chương VI: Chế độ và tình thế nước Việt Nam đến cuối đời Tự Đức):"Người trong nước chia ra làm bốn hạng là: sĩ, nông, công, thương ... Mỗi phường có thợ cả, thợ phó và thợ, và phường nào có tục lệ của phường ấy. Những người làm nghề thợ thường là người ít học, quanh năm ngày tháng đi làm thuê làm mướn chỉ được đủ ăn mà thô... công nghệ không có, buôn bán không ra gì, trừ việc cày cấy làm ruộng ra thì người nghèo đói không có nghề nghiệp gì mà làm ăn cả, cho nên thuở ấy tuy một tiền được bốn bát gạo, mà vẫn có người chết đói, vì rằng giá gạo thì rẻ, nhưng kiếm được đồng tiền thật là khó. Người đi làm thuê khôn khéo, thì mới được một ngày một tiền, không thì chỉ được 18 hay 30 đồng tiền mà thôi. Sự làm ăn ở chỗ thôn quê đã vất vả mà lại thường bị nhiều sự hà làm, ai có đồng tiền ở trong nhà thì lo sợ đủ mọi đường: nào sợ kẻ gian phi trộm cắp, nào sợ giặc đêm giặc ngày cướp phá, cho nên phải chôn phải giấu cho kín".
Một nhận xét ở phần này là vần -i trong bài trên (nghi - khi - thì) có dùng âm thì nhưng chữ Nôm dùng lại là thìn/thần HV 辰 thay vì thì HV 時, hiện tượng kị húy tên vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì 阮福時) cho ta thấy bản Nôm này viết sau năm ra lệnh kị húy thứ tư của vua (1861) - tham khảo thêm bài viết "Tản mạn về từ Hán Việt thời - thì" cùng tác giả (NCT).
2.3 Đi chợ tất niên
Một bài ca dao khác cũng cho thấy một cách tính tiền khi đi chợ - trích từ trang này https://cadao.me/the/quan-tien/
Sáng nay đi chợ tất niên
Em đây cầm một quan tiền trong tay
Sắm mua cũng khá đủ đầy
Nào cau, nào thuốc, trái cây, thịt thà
Độc bình mua để cắm hoa
Hột dưa, bánh mứt, rượu trà, giấy bông
Tính hoài mà cũng chẳng thông
Còn ba trăm sáu chục đồng tiền dư
Vội chi, em cứ thư thư
Anh đây sẽ tính chừ chừ cho em
Sáu mươi đồng tính một tiền
Mà ba trăm sáu chục đồng nguyên vẫn còn
Vị chi em mới tiêu xong
Cho hột dưa, bánh mứt, giấy bông, rượu, trà
Trái cây, cau, thuốc, thịt thà
Độc bình cùng với hương hoa là bốn tiền
Ba trăm sáu chục đồng nguyên
Tính ra chính thị sáu tiền còn dư
Dựa vào giá trị của các đơn vị tiền tệ đã ghi trong VBL: 1 quan (q) = 10 tiền (t) = 600 đồng (đ) thì khi kiểm lại tổng số tiền đi chợ trong bài trên ta thấy
Tiền chi ra = 4 t = 4x60 đ = 240 đ (mua hột dưa, bánh mứt, giấy bông, rượu, trà ... độc bình, hương hoa)
Tiền mang đi chợ trước khi mua sắm = 10 t (= 1 quan)
Tiền mang về lại = 10 t - 4 t = 6 t = 6x60 đ = 360 đồng ("ba trăm sáu chục đồng tiền dư").
Thành ra chàng trai đã giải thích rất chính xác tại sao cô nàng mang một quan[8] đi chợ, khi về thì chỉ còn lại ba trăm sáu mươi đồng mà thôi.
2.4 Giai thoại về bà Hồ Xuân Hương
Tương truyền[9] nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) muốn mượn 5 quan tiền của Chiêu Hổ, nhưng khi nhận được thì chỉ có ba quan tiền, bà liền làm thơ trách Chiêu Hổ rằng
Sao nói rằng năm lại có ba
Trách người quân tử hẹn sai ra
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt
Nhớ hái cho xin nắm lá đa…
Và Chiêu Hổ họa lại rằng
Rằng gián là năm, quí có ba
Bởi người thục nữ tính không ra
Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt
Cho cả cành đa lẫn củ đa…
Nếu biết được giá trị của đơn vị tiền tệ ghi trong VBL thì ta có thể thông cảm cho Chiêu Hổ vì đã dùng tiền gián (tiền kém, một quan chỉ bằng 360 đồng hay 3 phần 5 tiền quí) thay vì tiền quí (một quan bằng 600 đồng) mà bà Hồ Xuân Hương đã có ngụ ý trong thơ. Năm quan tiền gián[10] thì chỉ bằng ba quan tiền quí vì tỷ số 3 phần 5 này. Tỷ số 3/5 hay 6/10 còn thấy trong cách dùng "chục gián": theo LM Gustave Hue trong Dictionnaire annamite-chinois-français (1937), gián là 6 phần mười (~ 6/10) như “chục gián” là 6 (chục gián = six/P trang 328 sđd). Một nhận xét ở đây là bài thơ này có thể liên hệ đến một cách dùng tiền đặc biệt vào thời trước hay là một vỉa tiền đã hiện diện từ thời LM de Rhodes (VBL trang 794 hay Béhaine/1772-1773, Taberd/1838, Theurel/1877): một vỉa tiền là một xâu năm quan tiền xấu (tiền gián) bằng ba quan tiền tốt. Năm quan tiền còn gọi là một vác tiền (Đàng Ngoài), cách dùng cục bộ này phù hợp với quê quán và hoạt động (td. dạy học trò ở Hà Nội) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Rất ít tài liệu viết về tập hợp năm quan tiền hay một vác tiền, vỉa tiền sau thời VBL so với bài thơ trách móc trên của bà chúa thơ chữ Nôm Hồ Xuân Hương.
VBL trang 794: một vỉa tiền = 5 lần 600 = 3 ngàn đồng
2.5 Sách Sổ Sang Chép Các Việc: sau đây là bảng tính tiền cách đây hơn 2 thế kỉ của LM Philiphê Bỉnh, cùng thuộc thế hệ nữ sĩ Hồ Xuân Hương, và cũng dựa vào đơn vị quan, tiền và đồng - trích từ "Sách Sổ Sang Chép Các Việc" trang 524/525 do chính tay ông viết:
Không những cho thấy liên hệ quan, tiền và đồng - trang trên còn cho ta hối suất giữa đơn vị tiền Bồ-Đào-Nha pataca và tiền VN vào khoảng đầu TK 19. Giá trị của một quan tiền theo LM Béhaine (sđd, 1772/1773) là bằng 3 phần 4 một đồng pataca, dựa vào hối suất từ trang này ta có thể tính ra một quan tiền là
1 pataca = 1 quan 3 tiền 20 đồng = 13 tiền 20 đồng = 780 đồng 20 đồng = 800 đồng
1 quan = 3/4 x 800 đồng = 600 đồng đúng như trị giá vào thời VBL ở trên.
LM Taberd, tuy chép lại hầu như nguyên vẹn tự vị Annam Latinh của LM Béhaine, đã không ghi hối suất 3/4 đồng pataca này trong tự điển năm 1838, có lẽ đồng pataca không còn dùng nữa (so với Macao vẫn còn dùng pataca) hay hối suất không còn như trước nữa.
3. Tiền cheo
3.1 Cheo chỉ của hay quà biếu/tặng (dona/L – VBL trang 102 - không nhất thiết là tiền mặt[11]/NCT) cho làng xã của mình (chỗ mình ở ~ patriæ/L) khi có lễ cưới, ăn cheo là đám cưới (nuptiæ/L) "Lan Giai nộp cheo cứ lề" CNNAGN 44b, cheo có một dạng chữ Nôm là chiêu HV 招. VBL đã ghi nhận nhiều tục lệ hay hoạt động đặc biệt thời xưa của VN như đánh lửa, tang tóc, ăn cheo, bẻ tiền bẻ đũa, ăn năn (ăn cỏ/rau năn), xem giò (coi bói bằng chân gà), mực tàu (thước dây để kẻ đường thẳng), xuy đồng, đầu rau, nước mlồi (Chiêm Thành)…Có nhiều cách dùng từ cheo như ăn cheo, nộp cheo, đóng cheo, phá cheo, cheo cưới, cheo chạy tang, cheo làng ...v.v…
VBL trang 102
Có vẻ như Đàng Trong không tha thiết với tục "cheo làng" nên các LM Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) ghi rằng/đánh đồng cheo là tiền của tặng trong đám cưới (VBL ghi rõ là tặng cho làng xã địa phương khi cưới), để ý dạng chiêu HV 招 của chữ Nôm cheo
Béhaine/Taberd (sđd)
Ca dao cũng thường nhắc nhở tục lệ này như
Nuôi lợn thì phải vớt bèo
Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng
Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa (44b) có nhắc đến nộp cheo
蘭佳納招拠例
Lan giai nộp cheo cứ lề
Gần đây hơn, cụ Huỳnh Tịnh Của (1895 - Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tome II trang 131 - xem hình chụp lại bên dưới) giải thích chi tiết hơn - để ý tiền cheo làng ghi là ba quan (khác làng - đáng lẽ là chỉ có hai quan bốn tiền) so với một quan tám tiền (ca dao) hay mức giới hạn một quan hai tiền (Đại Nam Thực Lục - xem trang dưới). Rõ ràng là tiền cheo nộp thay đổi tùy địa phương (không gian) và thời nào (thời gian), đây cũng là một tục lệ[12] dễ bị lợi dụng và một gánh nặng không nhỏ khi có dự định cưới hỏi trong xã hội phong kiến, để cho có người từng đặt vấn đề trong ca dao lưu truyền rằng
Bắc thang lên hái ngọn trầu vàng,
Hỏi thăm chị Xã nộp cheo làng mấy quan?
Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tome II trang 131
Xưa kia đám cưới mà không có cheo làng thì cũng như là không được thiên hạ cộng đồng chấp nhận, cũng như không có giấy hôn nhân chính thức vậy (td. giấy giá thú - Certificate of Marriage/NCT). Khi nhận cheo thì quan chức địa phương mới cho giấy chứng nhận hôn thú dù hai người thành hôn có biết chữ hay không. Có khi tiền cheo còn nặng hơn tiền cưới như trong lời trần tình của anh chàng si tình sau đây
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.
Để ý là tiền cheo là 1 quan 8, nhiều hơn tiền cưới 3 tiền (tiền cưới là 1 quan 5 như ghi nhận trong bài ca dao). Gánh nặng của tiền cheo đã khiến ‘nhà nước’ phải ra lệnh giới hạn mức thu tiền cheo, như theo Đại Nam Thực Lục quyển 3 ghi ”Đại phàm lấy vợ lấy chồng, chẳng qua cốt được cặp đôi mà thôi, còn lễ cưới thì nên châm chước trong sáu lễ, lượng tùy nhà có hay không, chứ không được viết khế cố ruộng. Hương trưởng thu tiền cheo trong lễ cưới thì người giàu 1 quan 2 tiền, người vừa thì 6 tiền, người nghèo 3 tiền, người làng khác thì gấp đôi. Nếu có kẻ cẩu hợp chửa hoang thì phạt người gian phụ 30 quan và cha anh 3 quan để giữ phong hóa".
Cũng như tục “bẻ tiền bẻ đũa” đi theo làn sóng Nam Tiến vào các vùng đất mới, Đàng Trong cũng có tục “nộp cheo” này nhưng dân chúng lại không xem trọng[13] như lời kể của LM Lefèbvre[14] "Tôi không biết lệ “cheo làng” ở Đàng Ngoài như thế nào nhưng tôi biết nó không được xem trọng ở Đàng Trong. Từ đầu tiên, “cheo” có nghĩa là thông báo (avertir ou informer); từ thứ hai, “làng” nghĩa là các vị bô lão trong làng. Lệ này là có người nào đó muốn cưới một cô gái trong làng, phải tìm đến các bô lão trong làng ấy với trầu và rượu trong một số làng này hay với một số tiền nào đó trong một số làng khác, và thông báo với họ rằng mình muốn cưới một cô gái nào đó làm vợ. Nếu anh ta không thi hành bổn phận này và cô vợ có thai, thì anh ta sẽ phải nộp tiền phạt vì tội thông dâm".
3.2 Cheo có khả năng liên hệ đến chiêu HV 招; cũng như tương quan[15] yêu 腰 - eo, phiêu 薸 - bèo, tiêu 宵 - teo ... Chiêu có phạm trù nghĩa khá rộng: gọi (bằng tay > vẫy tay gọi[16]), xưng ra (thông báo - đây là nét nghĩa của cheo/chiêu thân/cho biết hôn nhân giữa hai người), tìm/cầu, kén rể, bài hiệu ... Chữ chiêu 招 (thanh mẫu 章 chương vận mẫu 宵 tiêu, bình thanh khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
止遙切 chỉ diêu thiết (TVGT, ĐV, QV, CV)
諸遙切 chư diêu thiết (NT, TTTH)
之遙切,音昭 chi diêu thiết, âm chiêu (TV, VH, LT, CV, TVi)
朱傜翻 chu dao phiên (BH 佩觿)
時饒切 thì nhiêu thiết (TV, VH, LT)
祁堯切,音翹 kì nhiêu thiết, âm kiều (TV, VH, LT, CV, TVi)
TNAV ghi vận bộ 蕭豪 tiêu hào (dương bình)
CV ghi cùng vần/bình thanh 昭 鉊 招 釗 炤 朝 鼂 (chiêu *chiếu trào)
CV ghi cùng vần/bình thanh 韶 㲈 招 佋 昭 詔 苕 (thiều chiêu *chiếu điều/thiều)
CV ghi cùng vần/bình thanh 橋 招 荍 劭 喬 僑 翹 轎 蟜 蹻 嶠 (kiều chiêu *kiệu *kiểu)
時昭切,音韶 thì chiêu thiết, âm thiều (CV, TVi)
職交切,音昭 chức dao thiết, âm chiêu (CTT) - thời CTT giao đọc gần như jiāo và chiêu đọc gần như zhāo (rất giống nhau)
之笑切,音照 chi tiếu thiết, âm chiếu (KH)
之由切。音周 chi do thiết, âm chu (TVi, KH) ...v.v...
Giọng BK bây giờ là zhāo so với giọng Quảng Đông ziu1 và các giọng Mân Nam 客家话: [沙头角腔] zau1 [客语拼音字汇] zau1 zeu1 [宝安腔] zau1 [客英字典] zhau1 cheu1 [陆丰腔] zhau1 [梅县腔] zhau1 [东莞腔] zau1 [海陆丰腔] zhau1 [台湾四县腔] zeu1 潮州话:ziê1/zio1, ziou1/ziao1, giọng Mân Nam/Đài Loan chiau/chio, tiếng Nhật shō và tiếng Hàn cho, gyo. Một âm cổ phục nguyên của chiêu là *tjew đọc gần như cheo tiếng Việt, phản ánh phần nào khuynh hướng bảo lưu âm cổ trong quá trình hình thành tiếng Việt thời VBL: tương tự như mựa (vô), mùi (vị) ...v.v...
Tóm lại, các tài liệu của LM de Rhodes khi đọc kỹ sẽ cho ta nhiều chi tiết thú vị: giá trị của một quan so với tiền và đồng vào TK 17 vẫn khá cố định cho tới cuối thời nhà Nguyễn. Dựa vào đó mà các bài ca dao về tiền đi chợ hay tiền cheo, thuế má trước đây có thể được giải mã một cách chính xác hơn. Điều này cũng cho thấy tư duy phân tích[17] (analytical thinking) của tây phương thường chú trọng nhiều đến lượng như tiền bạc/thời gian so với phẩm: VBL dành 4 trang cho mục tiền (trang 792-795) so với số lượng tài liệu Hán/Nôm/chữ quốc ngữ trước đây khá hiếm hoi về cùng đề tài (tài chính). Cách liệt kê của LM Philiphê Bỉnh trong Sách Sổ Sang Chép Các Việc cũng cho thấy ảnh hưởng tây phương (để ý đến từng chi tiết/số lượng) và cũng là những bảng kế toán thu chi đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Hi vọng bài viết này gợi ý cho bạn đọc tìm hiểu sâu xa hơn về tiền VN, phản ánh phần nào thực trạng xã hội và lịch sử.
4. Tài liệu tham khảo chính
1) Đào Duy Anh (1938) "Việt Nam Văn Hóa Sử Cương" NXB Quan Hải tùng thư - tái bản nhiều lần như NXB Nhã Nam (2014) ...v.v...
2) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999).
3) Philiphê Bỉnh (1822) "Sách Sổ Sang Chép Các Việc" NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.
(1822) "Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị" tài liệu viết tay của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã.
4) Cristophoro Borri (1631) "Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina (Nhiệm vụ mới của các cha dòng Tên ở Vương quốc Đàng Trong - NCT) bản dịch của tác giả Phạm Văn Bân 4/2011 - xem toàn bài trang này https://thunhan.org/images/file/OGaaTdIb0wgQAKwp/mar-31-11-cristoforo-borri-vietnamese-avril-5-1-.pdf.
5) Nguyễn Minh Chính (2019) "Tục lệ “Cheo làng” trong cưới xin ở Địa phận Đàng Ngoài và Đàng Trong" đăng trên mạng như https://gpquinhon.org/q/on-co-tri-tan/tuc-le-cheo-lang-trong-cuoi-xin-o-dia-phan-dang-ngoai-va-dang-trong-1645.html ...v.v...
6) Đỗ Quang Chính (1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).
7) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran (SaiGon).
8) Maurice Durand (1946/1956) "Nam Giao Cổ Kim Lý Hạng Ca Dao Chú Giải" bản chép tay bằng chữ Nôm và chữ quốc ngữ - thư viện đại học Yale (Mỹ).
9) Gustave Hue (1937) "Dictionnaire annamite-chinois-français" Imprimerie Trung-hoà - NXB Khai Trí (Sài Gòn) in lại năm 1971 theo bản gốc năm 1937.
10) Trần Trọng Kim (1919) "Việt Nam Sử Lược" NXB Trung Bắc Tân Văn (Hà Nội) - tái bản nhiều lần.
11) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.
(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).
“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).
"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).
12) Jean Louis Taberd (1838) - tên Việt là cố Từ - "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).
13) Nguyễn Cung Thông (2011) "A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật?" - có thể xem toàn bài trên các trang http://www.daophatngaynay.com/vn/tap-chi-dao-phat-ngay-nay/Bai-viet-chon-loc/9925-A-Di-Da-Phat-hay-A-Mi-Da-Phat.html ...v.v...
(2016) "Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài ... thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)" có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachDungXuongThuyenTrenTroiVaRaDoiP1.pdf
(2016) "Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min ... Tiếng Việt thời LM de Rhodes" - có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachNoiToiTaTaoToP2.pdf
(2016) “Huyền Tráng, Huyền Tảng hay Huyền Trang? Hiện tượng đồng hóa âm thanh (phần 2)” - có thể tham khảo hai bài viết này trên các trang mạng như http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-qt/con-nguoi-qt/21409-huyen-trang-huyen-tang-hay-huyen-trang-hien-tuong-dong-hoa-am-thanh-phan-2.html
(2015) "Sinh thì là chết?" - có thể tham khảo ba bài viết này (đánh số 11.1 đến 11.3) trên các trang mạng như http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=21612
(2013) "Tản mạn về từ Hán Việt thời-thì" có thể xem toàn bài trang này https://khoahocnet.com/2013/06/15/nguyen-cung-thong-tan-man-ve-tu-han-viet-thoi-thi-phan-6-2/
(2012) "Những đợt sóng giao lưu ngôn ngữ Việt-Trung qua con đường tôn giáo - vài vết tích sau thời nhà Nguyên trong từ điển Việt Bồ La (phần 1.3)" - có thể xem toàn bài trang này http://pgvn.vn/nghien-cuu/201508/Nhung-dot-song-giao-luu-ngon-ngu-Viet-Trung-qua-con-duong-ton-giao-vai-vet-tich-sau-thoi-nha-Nguyen-trong-tu-dien-Viet-Bo-La-phan-1-3-49809/
14) Tạ Chí Đại Trường (2004) "Sử Việt Đọc Vài Quyển" NXB Văn Mới, 2004 (California, Mỹ) - trang 84 đến trang 105 viết về tiền quí và tiền gián theo dòng lịch sử.
15) Pierre-Gabriel Vallot (1898) "Dictionnaire franco-tonkinois illustré" NXB F.H. Schneider (Hà Nội).
[2] Ngoài ra, VBL còn cho ta thông tin về "hối suất đương thời", thí dụ như một đồng bạc bằng 1 phần mười đồng real (đơn vị tiền tệ phổ thông thời đế quốc Tây-Ban-Nha cực thịnh). Đây là một chủ đề thú vị về giá trị tiền VN trong lịch sử nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này.
[3] Quảng Vận, Tập Vận vào TK 11 cho thấy chữ 貫 có hai cách đọc chuẩn là quan và quán (xem phiên thiết). Các tài liệu HV nên ghi thêm cách đọc (đúng) là quan và quán thay vì chỉ cho một âm quán mà thôi. Âm quan đã xuất hiện trong VBL trong các cách dùng quan âm, quan tiền so với quán 館.
[4] Nhận xét này của LM de Rhodes khá chính xác: td. Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, tập thơ Nôm của hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông chủ trì (1442-1497), ghi rằng (61b) "固