Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.166
123.223.665
 
Thung lũng trăm năm :Tiểu thuyết ( Chương 20 : Đêm trường )
Võ Anh Cương

 

 

Cơn gió đêm đánh thức Trương Đại Quá dậy. Bếp lửa chỉ còn vài hòn than trong đám tro thỉnh thoảng lóe lên thứ ánh sáng yếu ớt khiến cho bầu không khí trở nên ảm đạm. Trương Đại Quá vứt thêm củi vào bếp, anh cúi đầu thổi một hơi bằng cách chụm môi và đẩy một làn khí tập trung từ trong bụng. Bếp lửa bùng cháy soi rõ khuôn mặt khắc khổ của Trương Đại Quá. Quả nhiên Trương đang lo. Từ ngày xa thôn Trường Định anh bước vào một chuyến đi có lẽ không biết kết thúc ở đâu. Những hình ảnh của cuộc đi xuyên rừng mấy năm qua xuất hiện trong đầu óc Trương Đại Quá. Đời người tụ rồi lại tán là quy luật của cuộc đời không trừ một ai cả. Trương Thái giờ này không biết sống chết ra sao, không biết Trương Thái đã gặp lại người thầy ở thung lũng Hoa vàng chưa? Rồi ông Ngọc Ẩn, người mà Trương Đại Quá trong tâm hằng xem là một người thầy không biết trở về quê hương có gặp lại người thân? Nhiều câu hỏi cứ xuất hiện trong đầu Trương Đại Quá còn câu trả lời không thấy một chút tăm hơi! Đầu óc Trương Đại Quá quay về hiện tại, hoàn cảnh khắc nghiệt của bốn người bọn anh đang lâm phải là một bài toán hóc búa chưa tìm ra lời giải. Bây giờ anh đã là một Già làng, an toàn cho nhóm bốn người là một nghĩa vụ thiêng liêng, anh cố hết sức mình để thực hiện nhiệm vụ mà cộng đồng giao phó!

 

Trương Đại Quá trở mình, một làn sương lạnh theo khe hở giữa hai gộp đá len vào nơi cắm trại của đoàn người đi lấy trầm hương khiến anh rùng mình. Ba người Lạch vẫn say giấc nồng bên kia bếp lửa, ngoài cửa trại con ngựa của Vương Đình Huệ bỗng nhiên thở một hơi mạnh thành một tiếng “phì” vang lên trong đêm vắng. Dường như nó đánh hơi được điều gì hay sao mà móng nó gõ xuống đất thành mấy tiếng lịch kịch. Côn trùng cũng không rên rỉ như lúc nãy, không gian im lặng một cách đáng ngờ và đầy bí hiểm. Hốt nhiên Vương Đình Huệ xuất hiện trước cửa lều và vạch đám lá cây đi vào, hóa ra con ngựa đánh hơi được mùi của chủ. Trương Đại Quá ngồi dậy, anh ngạc nhiên nhìn thằng nhỏ lùn:

-Ủa em đi đâu về vậy, khuya rồi mà em chưa ngủ sao?

Vương Đình Huệ nhìn Trương như thầm cân nhắc có nên nói chuyện với anh không, trong đôi mắt nó Trương đọc được điều đó. Anh định nói tiếp nhưng Vương Đình Huệ đã nói trước:

-Tôi đi ra ngoài tập một phương thuật…

Ngạc nhiên Trương Đại Quá kêu lên:

-Phương thuật à…mà phương thuật gì hả em?

Vương Đình Huệ ngước mắt nhìn Trương Đại Quá, dường như nó cũng muốn chia sẻ điều gì đó với Trương, Trương Đại Quá cảm nhận một chút tình cảm trong mắt thằng nhỏ lùn:

-Phương thuật là một loại phép lạ, khó tin nhưng có thật. Ở học viên Langbiang học viên đều biết ít nhất là vài phương thuật …mà thôi tôi có nói anh cũng không hiểu đâu. Đêm nào tôi cũng phải ra ngoài rừng để luyện loại phương thuật làm mất hơi người. Có như thế mới không bị kẻ thù hoặc muôn thú phát hiện, Mat dạy chúng tôi như vậy!

Trương Đại Quá gật gù như hiểu chuyện, anh nghĩ đến chuyện con ngựa đánh hơi được mùi của chủ lúc nãy vậy mà thằng nhỏ lùn lại nói đi luyện thứ phương thuật để không còn mùi người, anh cười thầm trong bụng nhưng không để lộ ra ngoài mặt. Anh nghĩ tiếp  “thằng nhỏ này không muốn mình thắc mắc chuyện của nó thì anh không hỏi tới  nữa là xong”. Thực tâm Trương Đại Quá cũng có đôi chút tò mò với những chuyện bí hiểm nơi nương thân bất đắc dĩ của mình nhưng mỗi khi nhìn những người lùn trong học viện một cảm giác thương hại xuất hiện trong anh. Dù sao với anh những người này là những người khuyết tật nên họ luôn có mặc cảm với đời, biết đâu họ tụ tập với nhau tại chốn thần bí này để khỏi phải thấy những cặp mắt thương hại của người đời? 

Thấy Trương Đại Quá im lặng Vương Đình Huệ có chút ngạc nhiên:

-Sao anh không nói gì đi chứ?

Trương Đại Quá nhướng mày:

-Em muốn ta nói chuyện gì?

Ngẫm nghĩ một lát Trương tiếp, lần này anh không giấu ý nghĩ của mình:

-Thực tâm ta cũng có chút tò mò với những gì diễn ra trước mắt chúng ta nhưng dường như thầy em và những người bạn không muốn ta lân la dò hỏi những chuyện trong học viện. Bây giờ ta buộc phải sống với em và các bạn chắc đến cuối đời bởi không có nước suối Đen như em nói ta sẽ bị Thần núi cướp mất linh hồn. Điều này ta rất buồn và đôi khi cũng căm giận số phận đưa ta đến gặp các em nhưng nghĩ lại ta thấy rằng có lẽ vì một lý do nào đó mà ông thầy của em phải thực hiện những cấm chế với ta và những người bạn. Thôi điều này em không cần trả lời ta đâu, biết đâu đó chỉ là những ý nghĩ của ta thôi? Huệ à, ta có một đứa em tầm tuổi em. Rất may là chú ấy tách đoàn đi lấy trầm kỳ trước khi ta và 3 người Lạch bị bắt nên có lẽ giờ đây chú ấy đang đi tìm dấu vết của chúng ta. Bây giờ ta biết có lẽ Trương Thái không bao giờ tìm ra chút tăm tích gì của ta bởi các em có kỹ thuật xóa dấu vết khi đi lại trong rừng thuộc loại siêu đẳng!

Vương Đình Huệ công nhận:

-Anh nhận xét đúng, Mat dạy chúng tôi những kỹ năng hòa hợp với thiên nhiên để có thể một mình tồn tại giữa rừng sâu, trong thảo nguyên hay bất cứ nơi đâu! Đáng ra tôi không được phép nói những điều này với người khác, ai biết điều gì phải giữ lấy cho mình là quy định nhưng với anh tôi không cần phải thực hiện quy định này!

-Vì sao? Trương Đại Quá ngạc nhiên.

Thằng nhò lùn ngước nhìn lên miệng hang tạo thành bởi hai khối đá cao ngạo nói:

-Bởi vì 4 người bọn anh chỉ là những phục vụ viên không hơn gì cái ná săn con min hay cái lưới bắt con cá suối!

Một cơn giận xuất hiện trong tâm hồn Trương Đại Quá y như ngọn lửa bị làn hơi trong bụng anh thổi bùng lên lúc nãy. Anh “hừ” một tiếng thật to, mắt anh nhìn Vương Đình Huệ tóe lửa. Vương Đình Huệ cũng nhìn trả anh với một ánh mắt kiêu hãnh và không nhân nhượng:

-Đó là sự thật, anh phải chấp nhận nó như chấp nhận con ngươi của mắt mình!

Câu nói của Vương Đình Huệ khiến Trương Đại Quá mím môi. Anh hít một hơi chân khí, giữ làn hơi thật lâu rồi chầm chậm thở ra. Sau ba lần như vậy Trương Đại Quá bình tâm trở lại. Thằng nhỏ nói đúng, chỉ cần xa rời dòng suối Đen bọn anh sẽ bị điên vì vậy 4 người bọn anh phải thực hiện mọi yêu cầu của cái học viện quỷ quái này. Họ coi bọn anh như những công cụ trong sinh hoạt hàng ngày vì nắm được cái thóp – cái yếu điểm sinh tử do ông thầy Mat tạo ra. Nghĩ đến đây bỗng nhiên một tia sáng lóe lên trong đầu Trương Đại Quá “đã là biện pháp do con người tạo ra ắt phải có cách khắc chế hay hóa giải!”. Chẳng phải anh đã hóa giải thành công việc 4 người bọn anh bị tê liệt vào ban ngày hay sao? Trương Đại Quá càng mím môi chặt hơn, hình như với cử chỉ này Trương biểu lộ quyết tâm của mình. Anh gật gật đầu:

-Được lắm…được lắm!

Vương Đình Huệ tỏ vẻ ngạc nhiên:

-Vì sao “được lắm” mà được lắm về điều gì?

Trương Đại Quá nhìn Vương Đình Huệ, lần này anh nhìn thằng nhỏ bằng một đôi mắt khác:

-Sau này rồi em sẽ hiểu!

Trương Đại Quá dịu lại, thái độ anh hòa hoãn với Vương Đình Huệ:

-Thôi xí xóa mọi thứ làm mích lòng nhau, em coi bọn ta là những công cụ thì em cứ thế. Ta nghĩ rằng đã ăn của người thì phải làm việc cho người là lẽ công bằng, học viện nuôi anh em ta thì chúng ta phải làm việc cho học viện là đúng. Huệ này…em có thể kể cho ta nghe chút gì về quê nhà của em không, còn ta ta sẽ kể cho em nghe vì sao ta lưu lạc đến xứ này. Đêm thì còn dài, bỗng nhiên ta lại không buồn ngủ nếu được nói chuyện với em để thêm hiểu và cảm thông nhau trong khi chờ trời sáng thì hay biết mấy?

Dù sao Vương Đình Huệ cũng chỉ là một ngưởi trẻ tuổi, nghe lời tự sự của Trương Đại Quá lòng Huệ cũng chùng xuống. Quê nhà của Huệ là điều bí mật bởi theo quy định của học viện điều này học viên không được kể cho nhau nghe nơi chốn xuất thân. Nhưng Trương Đại Quá lại không được công nhận là “người” như lời của Mat thì xem ra Huệ có thổ lộ đôi điều cũng chẳng hề gì! Bấy lâu nay trong học viện, ngoài chuyện trao đổi với thằng Tư Đực khi đi bắt Trương Đại Quá 4 người, Vương Đình Huệ hầu như sống khép kín với học viên, đó là quy định không ai có thể vượt qua. Nay nghe lời đề nghị của Trương Đại Quá trong đêm trường sâu thẳm, một nỗi cô đơn ghê gớm bỗng nhiên xuất hiên trong tâm hồn Vương Đình Huệ. Lâu nay nỗi cô đơn bị dồn nén vào tận đáy lòng, nay Trương Đại Quá khơi gợi nỗi cô đơn ấy như chực bùng lên! Trương Đại Quá nhìn Vương Đình Huệ với một ánh mắt sâu thẳm, trong ấy anh dồn tình cảm của mình cho thằng nhỏ họ Vương như đang dành cho Trương Thái vậy! Đại Quá nói:

-Để ta kể chuyện đời ta cho em nghe trước nhé!

Nói xong Trương Đại Quá e hèm một tiếng để lấy giọng rồi anh đem chuyện đời anh ra kể. Lần này anh cũng bắt đầu bằng câu chuyện ông bá hộ Trần Trung Thế yêu cầu anh biểu diễn Ngọc Trản thần công cho ông xem. Cũng như Trương Thái lúc trước, Vương Đình Huệ nghe anh kể một cách chăm chú và không ngắt lời anh một chút nào như lúc Trương Thái nghe anh kể chuyện. Khi anh chấm dứt bằng chuyện đi tìm trầm kỳ để đổi lấy muối cho bon Cây Ngo đỏ, Vương Đình Huệ mới nói:

-Hóa ra chuyện anh lưu lạc lên cao nguyên này là vậy! Tôi rất biết chuyện đói muối khổ như thế nào. Anh có thể tin tôi rằng sau chuyến đi này bon Cây Ngo đỏ sẽ có muối ăn!

Vương Đình Huệ hứa chắc nịch như vậy. Về phần Trương Đại Quá nghe Vương Đình Huệ hứa như vậy anh bán tín bán nghi:

-Nhưng bằng cách nào….

Không để anh nói tiếp, Vương Đình Huệ phát một cử chỉ ngăn lại:

-Cách nào anh không cần biết miễn rằng bạn bè anh có muối ăn là được!

Trầm ngâm một chút Vương Đình Huệ nói tiếp:

-Đáng lý ra tôi không được phép kể với người khác chuyện của tôi nhưng như tôi nói lúc nãy, anh không được xem là một thành viên trong học viện Langbiang nên tôi có nói đôi chút về mình cũng không sao. Anh Đại Quá này, khi anh bị người ta chọc ghẹo, chế diễu vì thân thể anh không giống mọi người anh có bị tổn thương không?

Không đợi Trương Đại Quá trả lời, Vương Đình Huệ nói tiếp:

-Tôi là một người như vậy. Lúc còn nhỏ tôi để ý đến những chuyện đó nhưng khi lớn hơn một chút, mỗi lần tôi xuất hiện trước một đám đông là mọi người cười rộ, ai cũng xúm lại vuốt ve, ngắt nhéo tôi như thể tôi là một thứ đồ chơi của họ. Cơ bản họ không xem tôi là người. Ở trong nhà tôi cũng vậy, tôi không được đối xử công bằng. Cha tôi xem tôi là sự trừng phạt của ông trời đối với ông, ông không bao giờ để ý đến tôi và ông định bán tôi cho một đoàn mãi võ đi qua thôn để làm thằng hề. Người duy nhất thương yêu tôi là mẹ tôi nhưng bà là một người không có chút quyền hành gì trong nhà tôi cả. Mọi chuyện đều do ông tôi và cha tôi quyết định. Khi nghe cha tôi và ông tôi có ý định bán tôi cho đoàn mãi võ Sơn Đông, bà gào khóc thảm thiết. Đêm hôm trước ngày đoàn mãi võ đến giao tiền nhận người, mẹ tôi mang tôi đi trốn. Khi đã cách xa nhà chừng một ngày đường, mẹ tôi mới cho tôi biết sự thật về chuyến đi của hai mẹ con. Chúng tôi đi lạc vào một vùng núi non chớn chở, không còn chút lương thực nào hai mẹ con tôi phải uống nước suối chống đói. Lúc đó tôi đủ lớn để có thể tìm thức ăn, anh nên biết ở nhà quê tìm thức ăn dễ lắm. Tôi có thể đào trộm củ khoai mì hay khoai lang mà không để người lớn phát hiện ra dấu vết, tôi có thể bắt cá bằng tay dưới nước hay câu cá bằng dây câu, bắt con ếch con nhái ở ruộng đồng hay ra bãi cỏ tìm hang dế cơm đào lên và nướng ăn…Nói chung đồng quê cho tôi nhiều món ngon lành, dường như đó là sự ưu đãi của cuộc đời dành cho tôi trước sự ghẻ lạnh của mọi người. Thấy mẹ đói, tôi đi tìm thức ăn cho hai mẹ con. Trước lúc đi tôi dặn mẹ cứ nằm nghỉ dưới gốc cây nơi hai mẹ con tạm trú đừng đi đâu cả. Tôi men theo một con suối nước trong xanh đi dần lên thượng nguồn. Tôi có tài bắt cá, nhìn màu nước là tôi có thể biết được dưới đó có cá hay không. Con suối khá rộng nhưng bên dưới không có cá nên tôi cứ đi mãi với niềm hy vọng mình sẽ bắt được cá trên thượng nguồn về nướng cho mẹ ăn. Quả nhiên ông trời không bạc đãi tôi, sau khi đi chừng một canh giờ tôi vui mừng khi thấy trước mặt mình con suối rộng ra, bên dưới bóng những con cá xám đen lô xô đớp bóng. Tôi lao xuống suối và bắt được chừng chục con cá to hơn hai bàn tay, với chừng này cá hai mẹ con tôi không lo bị đói hai ba ngày tới. Tôi hả hê trở về cây cổ thụ nơi mẹ tôi nằm nghỉ với chiến lợi phẩm trên tay, thực tâm mà nói mang vác chừng ấy cá về lại chỗ cũ là một thử thách với sức vóc của tôi. Nhưng tôi thương mẹ đã bị đói cả ngày trời rồi nên cố. Vậy mà đáp lại tôi là một sự thật đau lòng!

Trương Đại Quá lắng nghe chuyện kể của thằng nhỏ lùn, khi nghe nói ngưng ngang chỗ đang hấp dẫn, Trương buột miệng hỏi:

-Chuyện gì xảy ra hả em?

Vương Đình Huệ mím môi, mắt nó ánh lên một tia nhìn hung bạo, Trương Đại Quá ngạc nhiên nhìn Vương Đình Huệ.

-Anh biết không, một con trăn gió đang nuốt mẹ tôi chỉ còn lòi ra hai bàn chân!

Nói xong Vương Đình Huệ vụt im lặng, cả hai rơi vào một khoảng im lặng khó chịu, tiếng tí tách của lửa reo không làm cho không khí bớt đi sự bức bối. Trương Đại Quá thở dài, anh không lạ gì loài trăn gió, trong rừng đó là một sinh vật đáng sợ đối với muôn thú. Khác với hổ beo, trăn gió di chuyển trên cầy, chúng lao vun vút trên những tàn cây tạo thành một cơn gió với tràn âm thanh trấn nhiếp muôn loài. Trăn gió dài bốn năm trượng là sự thường, thậm chí có con còn dài đến cả chục trượng. Khi đã chấm con mồi nào thì y như rằng con vật khốn nạn nó chỉ còn nước chấp nhận số phận. Bản năng sinh tồn là một loại bản năng cơ bản của động vật nhưng khi bị trăn gió săn đuổi, sinh vật hầu như bị tê liệt thần kinh không thể phản kháng và trở thành thức ăn cho trăn gió! Khi nghe Vương Đình Huệ kể mẹ nó bị trăn gió nuốt, Trương Đại Quá thở dài là vì lẽ đó. 

Vương Đình Huệ nhìn ra xa thẳm, chắc nó nhớ lại cảnh tượng người mẹ thương yêu bị con trăn gió nuốt trộng, sự căm thù hằn trên gương mặt chớm già của thằng nhỏ khiến Trương Đại Quá cảm thấy tội nghiệp cho thằng lùn này quá. Trầm ngâm một hồi, cuối cùng Vương Đình Huệ cũng tiếp tục kể:

-Tôi lao vào cứu mẹ tôi nhưng làm sao mà cứu cho được chứ. Anh nên biết loài trăn gió cực khỏe, chúng cuốn lấy con mồi rồi vặn mình thì hổ báo gì cũng tan xương nát thịt. Tôi lấy con dao đi rừng của mẹ chặt vào khúc đuôi con vật, đó là nơi tập trung toàn bộ sinh lực của con trăn. Con trăn nằm im cho tôi chặt – nó không thể làm gì với cái bụng no căng sau khi nuốt con mồi, phải đến mấy tháng sau con mồi tiêu hết trăn mới hoạt động lại như thường. Tôi giết con trăn gió dễ dàng và lôi mẹ tôi ra, thực ra bà chỉ còn là một đống thịt mềm oặt không hơn không kém. Mùi nhãi nhứt xông lên mũi tôi kích thích cơn giận dữ trong lòng, tôi băm con trăn ra hàng ngàn mảnh mà không thể nào hả cơn giận đang nung nấu trong tim tôi. Khi kiệt sức tôi buông con dao rồi ngả xuống đống thịt bầy nhầy những máu và không biết gì nữa! Khi tôi tỉnh dậy, tôi thấy thầy Bạc đang chăm chú nhìn tôi, miệng thầy hiệu trưởng đọc những câu thần chú. Tôi nhập học học viên Langbiang như vậy đó!

Thực ra câu chuyện này được ông hiệu trưởng Bạc Đầu Râu dài kể lại chứ sau chuyện đó Vương Đình Huệ hầu như mất trí phải cả tuần trăng sau Vương mới bình tâm trở lại nhưng nỗi đau vì mất mẹ là một vết thương không bao giờ kín miệng. Tiếng tí tách của đống củi đang cháy như thể âm vang đồng vọng của một câu chuyện đau lòng. Trương Đại Quá không một lời an ủi Vương Đình Huệ, anh biết rằng dù có vạn lời an ủi cũng vô ích, mất mát của thằng nhỏ lùn là một mất mát quá lớn. Nỗi đau trong lòng Vương Đình Huệ họa chăng chỉ có thời gian mới làm dịu lại được. Sống gần người Lạch, Trương Đại Quá cũng bị tính ít nói của họ ảnh hưởng đến anh, không phải vì ít nói mà người Lạch không biết chia sẻ với nỗi đau của đồng loại. Trương Đại Quá cầm bàn tay nhỏ xíu của Vương Đình Huệ bóp mạnh, với cử chỉ đó anh biểu lộ sự chia sẻ với nó. Bất ngờ thằng nhỏ lùn rút mạnh tay ra, nó đứng bật dậy mắt lộ nét giận dữ cao độ:

-Anh làm gì vậy?

Trương Đình Huệ ngạc nhiên, cử chỉ vừa rồi là một loại cử chỉ thân thiện chứ không biểu lộ một điều gì đối địch cả, anh nói:

-Em bình tỉnh…anh chỉ muốn chia sẻ với em thôi!

Nói xong Trương Đại Quá mỉm cười, mắt anh hướng về Vương Đình Huệ với một tia nhìn đằm thắm, anh nói tiếp:

-Em xem, trong tay ta không có gì cả để có thể hại em. Em thấy đó, phàm là con người sống trong hoang dã đều phải nương tựa vào nhau để tránh hiểm nguy. Quê ta ông bà đã dạy con cháu một câu rất hay: đoàn kết thì sống, chia rẻ thì chết! 

Thật ra Trương Đại Quá chưa nói hết ý mình. Anh không có bất kỳ thứ vũ khí nào trong tay nhưng nếu muốn hại thằng nhỏ này không phải là chuyện quá khó đối với anh. Anh đã được cha dạy cho môn điểm huyệt, với môn này tùy theo thời thần người ra tay có thể làm tê liệt hay làm đối thủ chết ngay tức khắc. Nhưng sinh mệnh con người là quan trọng, chỉ khi nào địch thủ dồn vào bước đường cùng không còn lối thoát mới hạ thủ nhằm tìm sinh lộ, cha anh dặn đi dặn lại như vậy. Từ trước đến nay, Trương Đại Quá chưa hề sử dụng đến công phu điểm huyệt bao giờ. Vương Đình Huệ vẫ còn nét giận trên mặt:

-Nhưng không ai được đụng đến những đứa con mà Giàng đã chọn!

Trương Đại Quá cười xòa:

-Ta không biết điều đó, vả lại em đã nói bọn ta không khác gì cây ná bắn con min, tấm lưới bắt con cá dưới sông kia mà? Ta chạm đến người em một chút chắc Giàng không quở trách gì đâu!

Nghe Trương Đại Quá giải thích, Vương Đình Huệ dãn nét mặt, nó nói:

-Nhưng tôi cũng không thích ai chạm vào người tôi, lần này anh không biết thì tôi bỏ qua chứ lần sau anh không được như vậy nữa!

Trương Đại Quá cười tươi và gật đầu:

-Em yên chí đi, ta sẽ nhớ điều này!

Nãy giờ ba người Thượng ngồi dậy tự lúc nào, họ xúm vào nhau nhìn cuộc xung đột giữa Trương Đại Quá và Vương Đình Huệ. Họ không biểu lộ vẻ gì trên gương mặt nhưng Trương Đại Quá nhìn thoáng qua anh biết họ đang sợ cơn giận của Vương Đình Huệ. Nỗi sợ của họ như là một thứ mặc cảm tự ti truyền từ ngàn xưa đến trong tiềm thức họ. Trương Đại Quá bỗng nhiên thấy thương hại những người bạn của mình, anh nghĩ chỉ khi nào đời sống của họ khá lên, không chịu sự tác động của thiên nhiên có lẽ những mặc cảm như thế này mới hết. Còn bây giờ những người bạn Lạch tuy đã biết chọc lỗ trỉa hạt để làm ra thứ lúa đồi cơm cứng khi để nguội nhưng mùa màng thu hoạch được hay mất tùy thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Đó là những ý nghĩ thoáng qua của Trương Đại Quá trong lúc này.

 

CHƯƠNG 21

TAO NGỘ

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 883
Ngày đăng: 23.09.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 19: Một mình giữa rừng ma) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 18: Lên đường ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 17: Khai tâm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 16 : Gặp Bạch Hổ lúc nửa đêm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 15: Tương tư) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 14: Phiên bản) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 13: Trở thành người phục vụ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 12: Rừng ma) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 11: Tư Đực) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 10: Dẫn dược) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)