Trong “Những Trang Hồi Âm”, Phạm Duy đã viết: “… Biến cố 11/ 63 (đánh đổ chế độ Ngô Đình Diệm) kéo theo nhiều xáo trộn trong miền Nam nước Việt. Về mặt chính trị, thường xuyên có những vụ đảo chính, chỉnh lý, xuống đường. Về mặt quân sự, sự có mặt của Quân Đội ngoại quốc trên đất nước khiến cho chiến tranh khởi sự leo thang dữ dội. Về mặt xã hội là cả một sự đỗ vỡ về luân lý, sự mất niềm tin. Tôi gọi thời kỳ này là thời kỳ sợ hãi, hoài nghi và khinh thị (le temps de la peur, du soupcon et du mespris). Thời kỳ thần đồng gẫy cánh, cõi tiên lạc lõng, nhạc trời đứt đoạn. Và tâm ca bắt buộc phải ra đời”. Như vậy sự ra đời của “Tâm Ca” là điều tác giả không thể không viết. Chính vì thế, các bài hát trong “Tâm Ca” đều ra đời năm 1965 như là bày tỏ cái tôi của tác giả trước thực trạng quê hương.
Tâm Ca 01 - “Tôi Ước Mơ” (phổ thơ Nhất Hạnh), như Phạm Duy bày tỏ là “nhận diện cái bi đát của xã hội trong giai đoạn ấy”. Cái bi đát của xã hội lúc ấy nhiều thứ lắm. Nào là đạn bom, nào là giết nhau, nào là chết chóc, nào là nhân danh chính nghĩa, dân chủ, tự do… Đủ thứ bi đát. Và theo tôi, bi đát nhất, ấy là cái chết hiện hữu trong cả niềm mơ ước. Bi đát nhất, đó là không biết bao giờ được nói mơ ước. Còn gì đớn đau, bi thảm khi con người vẫn sống, vẫn ăn, vẫn thở như mọi sinh vật có trên địa cầu này từ sát na này đến sát na nọ, từ kiếp này qua kiếp nọ mà không được ước mơ! Quả là khủng khiếp khi cái tôi đớn đau nhận diện chính mình:
“Tôi, tôi vẫn sống! Tôi vẫn ăn! Và tôi vẫn thở
Tôi, tôi vẫn sống! Tôi vẫn ăn! Và tôi vẫn thở
Nhưng biết bao giờ, biết bao giờ
Tôi mới được nói thẳng những điều tôi ước mơ”.
Trước sự bi đó, tác giả tỏ thái độ trong Tâm Ca 02 - “Tiếng Hát To”. Tên bài ca quả là đặc biệt. Thái độ của tác giả là cất tiếng hát to. Hát to không phải để cho người nghe chú ý mà là để át tiếng súng nổ trên đồng ruộng Việt Nam, để người nông phu vững tay cày cấy, để cây lúa yên bình lớn dậy, để lời ca xua tan ác mộng, đem giấc ngủ say, cho vơi nỗi buồn đau, thống khổ, để từ quá khứ đến tương lai, lời ca nối lại tình thương yêu, xóa bỏ chia rẻ, hận thù của bao đứa con trên đất Mẹ Việt Nam:
“Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già
Lời tôi ca, lời tôi ca xin lúa đừng lo
Lời tôi thay cho tiếng đạn bay
Lời tôi xây cho vững tay cầy
Rồi đêm đêm xua ác mộng đầy
Lời ca êm ru giấc ngủ say
Tôi sẽ hát cho vơi thống khổ vơi dòng lệ nhòa
Một miền quê, một miền quê tim héo và khô
Lời tôi ca khâu vá tình thương
Lời hôm qua chắp nối Con Đường
Lời hôm nay vương tiếng Mẹ buồn
Lời mai đây cao ngút Trường Sơn”.
Tiếng hát to hơn cả mọi thứ âm thanh của sự chết chóc, hủy diệt, to hơn cả hận thù. Tiếng hát to ấy, có khác chi tiếng khóc cảm thông cho bao số phận con người (đứa nhỏ mồ côi ngồi vỉa hè, trẻ bơ vơ giữa vườn hoa, em gái nhỏ đêm đêm son phấn nhạt mờ, …). Và thái độ khóc ở đây như là khóc cho dân tộc mình, cho chính mình:
“Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang ngồi vỉa hè
Trẻ bơ vơ, trẻ bơ vơ đi giữa vườn hoa”…
“Tôi sẽ khóc cho em gái nhỏ theo mụ chủ nhà
Một chiều mưa, một chiều mưa đi trong ngõ bùn nhơ”…
Hát to chỉ là tiếng hát của cá nhân. Tiếng hát to ấy chẳng là gì so với lời ca vui, yêu đời của toàn dân trên đất Việt khi đất nước thanh bình, khi dân chúng thảnh thơi, hạnh phúc. Và điều tác giả nhận ra rằng, tiếng hát to ấy cũng chỉ là quá nhỏ so với lời nguyện cầu, lời thương yêu nhau, lời của muôn trùng, của thiên nhiên, lời của tình yêu muôn thuở:
“Tôi sẽ hát to nhưng hát nhỏ như lời nguyện cầu
Lời yêu nhau, lời thương nhau cho đến dài lâu
Lời tôi ngoan như tiếng trùng kêu
Lời tôi vang như tiếng chuông chiều
Lời tôi cao như tiếng ngọn diều
Lời tôi sâu như tiếng tình yêu
Lời tôi sâu như tiếng tình yêu…”
Còn trong Tâm Ca 03 - “Ngồi Gần Nhau”, Cái Tôi nhận diện có ngồi bên nhau, có nắm tay nhau, nói nhau nghe mới thấy người từ bi - lũ giết người, giun dế - hùm beo, người hùng - lũ cướp, sự sống - cái chết, niềm vui – nỗi buồn, yêu thương – thù hận cũng chỉ là hai mặt của cuộc đời. Chỉ có yêu thương, kết đoàn mới xóa tan bạo tàn, mới nghe tiếng lòng của nhau được. Có thế Cái Tôi mới là Cái Ta:
“Ngồi gần ngồi gần nhau, đây đó chung quanh địa cầu
Ngồi gần ngồi gần nhau, trong kiếp xưa, trong đời sau
Ngồi gần ngồi thật lâu, cho đến hai ngọn đầu
Thành một người trong nhau nguyện cầu
Ngồi vào một thế giới, không xấu tốt buồn vui
Ngồi vào niềm chơi vơi, không có sắc mầu phai
Ngồi vào đời không mới, không rách nát tả tơi
Một mình ngồi trong cái TA
Một mình ngồi trong cái TA
Một mình ngồi trong cái TA”
Tâm Ca 04 - “Giọt Mưa Trên Lá”, theo tôi, là sự nhận diện về tình yêu. Cho nên mỗi lần nghe nó, tôi như cảm từng giọt, từng giọt mưa mang bao hình ảnh yêu thương của mọi vật ở thế gian. Trong từng giọt mưa ấy, tôi thấy hình ảnh người mẹ vật vã khóc, nước mắt đầm đìa trên xác con lạnh giá; tôi cũng thấy hình ảnh người vợ mừng rơi nước mắt khi chồng trở về sau chiến tranh; tôi còn thấy nước mắt mừng vui của bao người khi đứa bé khóc tiếng chào đời; tôi được thấy hình ảnh của bao người thầm thì yêu nhau từ thuở thanh xuân đến khi tóc trắng. Và trong từng giọt mưa rơi trên lá, tôi như nghe tiếng nói thầm thì, tiếng nói tinh khôi của Phật, của Chúa vì trần gian, vì con người đầy tội lỗi này:
“Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì
Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế
Giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi
Lúc Chúa vào đời xin đóng đanh vì người”.
Và đặc biệt, giọt mưa trên lá ấy, tôi như thấy đôi lứa bỡ ngỡ khi gặp nhau lần đầu, như thấy đôi lứa xôn xao tiếng lòng khi cất tiếng yêu, như thấy dáng điệu cuống quít vụng về nhưng đầy say đắm như khi mới yêu nhau. Tôi cũng thấy dáng điệu bối rối của kẻ đang yêu, tôi như nghe được hơi thở bổi hổi, bồi hồi khi hòa nhịp yêu thương:
“Giọt mưa trên lá bối rối, bồi hồi,
Ráo riết, miệt mài, em (anh) biết yêu lần cuối.
Giọt mưa trên lá bỡ ngỡ, xôn xao,
Cuống quít, dạt dào, anh (em) biết yêu lần đầu”.
Tâm Ca 05 - “Để Lại Cho Em”, (lời Nguyễn Đắc Xuân) là sự nhận diện về quê hương, đất Mẹ Việt Nam. Thời cuộc biết bao biến đổi, biết bao đớn đau mà quê hương gánh chịu. Đất Mẹ Việt Nam còn lại gì ngoài “gia tài của Mẹ là nước Việt buồn” (Trịnh Công Sơn). Thế nhưng, với tình thương yêu hy vọng quê hương sẽ đẹp xinh, oai hùng, hiển hách trong sự chung sức chung lòng tranh đấu của người dân Việt:
“Nhưng em thương anh, thương anh em đón nhận gia tài
Nhưng em thương anh, thương anh ta cùng gom sức mới
Nhưng em thương anh, thương anh xin nhận lời tranh đấu
Nhưng em thương anh, thương anh đi tìm lối thoát cho nhau”.
Tâm Ca 06 “Một Cành Củi Khô” là sự nhận diện giá trị của mọi vật quanh ta. Từ “một cành củi khô”, đến “một tờ lá úa”, từ “một hòn cuội to” đến “một làn bụi mờ”, từ “một ngọn cỏ may” đến “một vài miếng giấy”, từ “một hạt mưa bay” đến “một giọt sương mai” và còn biết bao thứ nhỏ nhoi của sinh trùng, biết bao thứ huyền diệu của đất trời đến hình hài tuyệt mỹ của giai nhân đều có quan hệ tương tác, đều có ý nghĩa đem đến sự an lạc, hoan hỉ với tác giả:
“Một mảng vai non. Một vòm tóc sáng.
Một vành tai ngon. Một cổ tròn tròn.
Một làn mi cong. Một vùng má nóng.
Một hàm răng trong. Một bàn tay thuôn.
Cuộc đời quanh đây mừng là biết mấy.
Tình đầy trong tay và tình ở ngoài.
Ở gần bên tôi hàng nghìn thế giới.
Cùng nhờ nhau thôi, để buồn hay vui.
Cuộc đời quanh đây mừng là biết mấy”.
Tâm Ca 07 - “Kẻ Thù Ta”, theo Phạm Duy, đây là sự nhận diện kẻ thù. Nghe cả bài ca, ta nhận diện kẻ thù ấy là “gian ác”, “vô lương”, “hận thù”, “lũ ma”. Kẻ thù ấy còn là kẻ nhân danh chủ nghĩa, tự do. Nó là “vu khống”,”vô minh”, “lòng tham”, “tị hiềm”, “ghét ghen”… Và theo tôi, kẻ thù ấy cũng chính là ta. Sự nhận diện kẻ thù nằm trong ta chính là sự nhận diện cái tà, cái ác, cái xấu của chính mình để tự răn mình, hướng về cái chính, cái thiện, cái đẹp:
“Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai?
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai”.
Tâm Ca 08 - “Ru Người Hấp Hối”, theo Phạm Duy là sự nhận diện cái chết. Còn riêng tôi thì nghĩ, đó là lời cầu nguyện giúp con người bình an trước cái chết. Cái chết rồi sẽ đến bất cứ ai, đủ cả kiếp người, đủ cả loại người. Qua lời ru, người hấp hối, có lẽ sẽ nhận diện được kiếp người có chi đâu ngoài bộn bề, bon chen, xô bồ lọc lừa, mới thấm thía giữa mê và tỉnh, mong được an bình, thanh thản đón nhận cái chết như một sự hẹn hò:
“Ôi cái chết tuyệt vời, đến với đời người
Giữ vững một lời, cái chết nghìn đời chẳng hề phai
Ôi cái chết thật thà, cái chết mặn mà
Đến đúng ngày giờ, cái chết hẹn hò tự ngàn xưa!
Cái chết hẹn hò từ nghìn xưa… ”.
Tâm Ca 09 - “Tôi Bảo Tôi Mãi Mà Tôi Không Nghe”, theo tôi, là sự tự đánh giá cái tôi của Phạm Duy. Cái tôi ấy quá tự do, thật thà, đáng yêu, không so đo, vụ lợi (“Cứ muốn đi về nẻo đường mình thường mong ước”; “Cứ cố tin rằng lòng người còn trong, còn trắng”; “Nhất quyết yêu người, cả người thực thà, gian dối”; “Cứ cố yêu người dù rằng người đang lừa người”). Cái tôi ấy cũng mê lụy tình yêu, thương yêu bè bạn, người thân (“Mới chớm yêu đời lại buồn vì đời mau hết”; “Mới biết ái tình là ngờ mình yêu còn ít”; “Quyến luyến bạn bè để rồi về nhà mong nhớ”; “Cứ thích la cà để rồi chợt thương người nhà”). Cái tôi ấy lại chương chướng, gàn gàn, cứng đầu, cứng cổ (“Cứ nói những lời mọi người hằng ngày không nói”; “Cứ chối không làm đàn cừu làm con vẹt nữa”; “Cứ hát những lời buồn rầu mà người ta giấu”; “Cứ hát vui đùa chọc cười người quên nụ cười”). Cái tôi ấy còn là cái tôi trung dung, bao dung, nhân ái (“Đứng giữa hận thù chỉ ngờ mình là Horace”; “Chiến đấu quân thù mà tìm chưa ra thù ghét”; “Thấy máu quân thù chỉ buồn và thề không uống”; “Thấy xác lăn quay không say không thích phanh thây”). Thời cuộc bấy giờ, dễ mấy ai chấp nhận như thế! Dẫu không ai chấp nhận, nhưng Phạm Duy vẫn sống hết mình:
“Đời sinh tôi ra tôi ra như thế!
Đời sinh tôi ra tôi ra như thế!
Thương tôi thương tôi cho sống say mê
Không thương không thương xin giết tôi đi!”.
Bởi sống hết mình, nên đối với Phạm Duy chỉ có đem lời hát đến với mọi người, thông qua đó kêu gọi mọi người cùng mình cất lên tiếng hát trong Tâm Ca 10 - “Hát Với Tôi”. Lời kêu gọi mọi người cùng hát cùng tác giả trong mọi thời khắc, tình huống. Có thể đó là điệu hát nhặt khoan, ầm vang trong niềm vui, nỗi buồn, khi đời tròn hay méo. Hoặc đó là tiếng hát vang vang khắp chốn từ vỉa hè đến nơi ở, từ biển vàng đến ruộng đồng xanh ngát, hát trong niềm tin yêu còn mãi. Đó còn là tiếng hát từ khi thoát thai làm người, hoặc đến lúc sắp từ giã cõi trần. Hát hết mình vì tình yêu đôi lứa, hát không phân biệt trẻ già, hát cho vươn tiếng lòng khắp chốn, mọi nơi:
“Hát với tôi trong cõi tim sâu xa tuyệt vời
Hát với tôi vươn mãi ra đến tận mù khơi
Đừng thèm nhờ máy hát lạ tai
Đừng thèm nhờ ai hát hộ ai
Để lòng mình dâng lên miệng hát đầy vơi”.
Nghe bài này tôi như thấy một Phạm Duy vừa đàn vừa vỗ tay, vừa khích lệ mọi người cùng ông cất lên tiếng hát, tiếng hát của người Việt Nam:
“Hát với tôi nào! Hát với tôi nào!
Hát với nhau những lời hôm nay cùng hát
Hát với tôi nào! Hát với tôi nào!
Hát với nhau những lời của người Việt Nam”.
Viết những điều như trên về 10 bài Tâm Ca của Phạm Duy, với tôi, chỉ là một phần nhỏ về cái tôi nhận diện của Phạm Duy. Dù ra đời trên 55 năm, nhưng ca từ trong Tâm Ca vẫn ám ảnh người nghe, vẫn thấy như Phạm Duy hát về chính cuộc đời của ông, của dân tộc này, đất nước này.
2020