Nhà văn Mang Viên Long sinh ngày 4/6/1944 tại An Nhơn - Bình Định. Ông là một trong những tác giả tên tuổi ở khu vực Nam Trung bộ, với nhiều tác phẩm được công chúng yêu chuộng như : Trên đỉnh Sa Mù (1969), Mùa thu trống Trải (1970), Phố người (1971), Có những mùa trăng, Đoá hồng cho người yêu (1972), Biển của hai ngừơi, Hỏi lại chính mình (2006), Trái tim còn lại (2007), Ông già và con Chim Hoàng Ly (2008). .. Ông vừa qua đời vào ngày 22/7 vì một cơn đột quỵ tại nhà riêng ở thị xã An Nhơn- Bình Định, hưởng thọ 76 tuổi.
Hơn 20 năm trước, tình cờ qua mối quan hệ cộng tác với tạp chí Thời Văn (TP HCM), tôi có dịp kết nối và làm quen với nhà văn Mang Viên Long. Hồi ấy, lần đầu gặp ông, tôi cảm nhận như ông vừa tìm lại cuộc sống quân bình, ổn định, sau một thời gian dài lao đao, lận đận do những biến động thời cuộc. Ông khoe và tặng tôi một vài tập truyện của ông mới được ấn hành. Qua tiếp cận, tôi thật quý mến phong cách sống khá giản dị, lạc quan và hòa nhã của ông. Từ đó về sau, nhờ có mạng Internet, chúng tôi lại thường xuyên liên lạc nhau nhiều hơn. Gần nhất, hồi tháng 9/2018, trong chuyến công tác của đoàn Hội nhà văn Đà Nẵng tại Quy Nhơn, nhà văn Mang Viên Long cùng nhà văn Trần Hữu Luận đã đón mời nhóm chúng tôi gồm: Nguyễn Nho Khiêm, Trần Trung Sáng, Mai Hữu Phước đến nhà riêng của ông chuyện trò, thù tạc, thăm hỏi hết sức chân tình. Trong câu chuyện dịp đó, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm còn lưu lại Facebook một chi tiết thú vị : “Trên tường anh trang trí một số bức tranh tĩnh vật, đôi câu thư pháp. Tôi dừng lại câu Thư pháp viết run rẩy:"Mài văn sắc cạnh tùy duyên khởi/ Dũa khóa không manh ắt huệ thành". Tôi hỏi anh "mài văn" thì dễ hiểu vì anh viết văn, nhưng tại sao đối với "dũa khóa"?. Anh chia sẻ, trước đây anh hành nghề làm chìa khóa để mưu sinh. Người làm chìa khóa mà có tính gian thì thật nguy hiểm, nên anh luôn tự răn mình...”. Thì ra, sau 1975, rời khỏi công việc nhà giáo tại Tuy Hòa, Phú Yên, Mang Viên Long đã mưu sinh bằng nghề làm chìa khóa. Ông nói: “Tôi vừa học, vừa làm công việc này suốt mấy chục năm qua. Để có thêm thu nhập, tôi làm thêm công việc bơm quẹt ga và sửa kính đeo mắt. Tôi phải làm ba việc cùng một lúc như vậy mới đủ sống. Có ai ngờ được rằng cái nghề mình đã đầu tư liên tục từ thưở lên sáu, ròng rã gần 20 năm (nghề dạy học) mà chỉ nuôi sống nổi mình được 12 năm , trong lúc, một cái nghề khơi khơi , đến với tôi một cách bất ngờ, lại giúp tôi và gia đình đủ sống trong hơn 30 năm”.
Bàn về những tác phẩm tâm đắc của mình, nhà văn Mang Viên Long thường nhắc đến truyện ngắn “Dì Lucia”. Đây là truyện kể về mối tình thoáng qua của người lính, trong một lần dừng chân đóng quân gần cô nhi viện, gặp vị nữ tu thánh thiện. Là chuyện tình nhưng không một lời yêu, không một nụ hôn, không cả một cái nắm tay…Là một truyện viết về chiến tranh, nhưng không có những cảnh chết chóc bạo liệt, ngôn ngữ nhẹ nhàng, không gian thi vị, bàng bạc nỗi khát khao hòa bình của người lính và hình ảnh nàng nữ tu dịu dàng bảng lảng dưới vạt nắng chiều… Ngay cả khi phác họa về chân dung nhân vật, tác giả cũng khá kín đáo, kiệm lời: “Tôi không ngờ tôi đã gặp một người nữ tu trẻ, và đẹp như dì Lucia. Chắc là tôi khó có thể tả lại được một vẻ đẹp như vẻ đẹp của dì Lucia, nhưng tôi có thể nói chắc một điều, xưa nay tôi chưa hề được gặp một người nữ nào có một vẻ đẹp, vừa quyến rũ, vừa thánh thiện như thế. Có lẽ nét hồn hậu, điềm tĩnh của dì, khiến tôi về sau này, thấy nhớ dì hơn”. Hoặc là: “Bước đi vội vàng. Bước đi thoăn thoắt. Những bước chân dì dầu có vội vã, nó vẫn là những bước êm ái nhẹ nhàng như những bước chân chim”. Kết thúc truyện, nhân vật người lính hứa hẹn: “Tôi sẽ tới, thưa dì. Chắc là ở đâu tôi cũng sẽ về đây ngày Chúa giáng sinh. Dì hãy cầu nguyện cho tôi còn sống để trở lại”. Và thú vị biết bao, khi trả lời câu hỏi : “Hoà bình hơn 30 năm, không còn nỗi sợ chết của người lính bị động viên, anh có biết Lucia ở đâu?”, nhà văn Mang Viên Long nói: “Tôi biết! Dì Lucia ở tại Ninh Hòa (thời điểm 72-73) và sau đó, cho tới hôm nay sau hơn 30 năm, Lucia đang ở trong… Trái tim tôi!”. Vào dịp Giáng Sinh năm 2013, tập truyện ngắn thứ 15 (tác phẩm thứ 18) của Mang Viên Long được phát hành, có tên là “Dì Lucia”. Lần đó, ông cũng đã nhắc lại : “Sau hơn 40 năm “xa dì Lucia”, hôm nay, nếu Dì còn ở đâu đó trong một chủng viện (hay nhà thờ nào), thì tuổi đời trên 60 rồi! Còn tôi? Tôi đang bước vào tuổi 70, đón Giáng Sinh trong niềm cô độc, bỗng nhớ hình bóng Dì. Tôi đã “thất hẹn” với Dì Lucia, bởi vì – tôi vẫn còn sống sau cuộc đao binh, mà vẫn chưa có dịp nào trở lại ngôi nhà thờ xưa. Ai có biết Dì Lucia bây giờ đang ở đâu, xin chỉ giúp. Tôi muốn tạ lỗi cùng Dì, và gởi đến Dì Lucia một câu: “Chúc Dì một mùa Giáng Sinh vui vẻ, an lành, hạnh phúc”.
Tác giả Ban Mai trong bài viết “Mang Viên Long – Một thế hệ buồn” nêu nhận định: “Mang Viên Long là nhà văn trung thành với lối viết cổ điển, thiên về hiện thực. Thời gian trong truyện của ông thường là thời gian tuyến tính, không gian là những miền quê nghèo khó trên dải đất miền Trung. Với giọng văn mộc mạc bình dị nhà văn kể về những cuộc đời bé mọn của kiếp người. Đặc biệt hệ lụy của chiến tranh bàng bạc trong từng phận người, chúng ta có thể tìm thấy trong “Nỗi khổ không rời, Hai trường hợp một cuộc tình, Trên đỉnh tháp chuông, Mấy ngày trước giáng sinh…” hoặc những chuyện tình luôn có kết thúc tan vỡ trong “Bóng mây ngày cũ, Quán café Tulip”, hay tìm lại một thời đã qua trong “Ngôi nhà mùa hè”. Đọc truyện của Mang Viên Long, điều đọng lại trong tôi là một chữ tình, mặc dù nhân vật chính của ông lúc nào cũng là kẻ thất thế, người thua cuộc, mang nặng nỗi buồn, với một cuộc đời cô độc, nghèo khó, không gia đình, mồ côi cha mẹ…tuy nhiên, không phải vì vậy mà ông nhìn đời với lòng thù hận, trái lại là một tấm lòng “thàng hậu” của người dân xứ Nẫu”. Còn tác giả Trần thị Hiếu Thảo (Hoa Kỳ) trong bài Cái hay của nhà văn Mang Viên Long cho rằng : “Cái hay cuả MVL là miêu tả về ngược lại về quá khứ lồng trong câu chuyện đang viết đang hiện hữu, hình như lối viết này anh chiếm 1/3 truyện anh. Là một lối viết có từ lâu nhưng hiện giờ được yêu chuộng trên toàn cầu. Anh viết kiểu này rất thu hút người đọc, để gởi vào độc giả liên tưởng những chuỗi hình thành, mối tương quan cuả quá khứ, trong quá trình tính cách nhân vật. Viết kiểu này một nhà văn không có duy tư khéo để viết,dưới hình thức này sẽ dễ rơi vào chai cứng, và áp đặt phi lý. Nhưng MVL đã bỏ túi nhẹ nhàng với lối viết như trên. Cái hay của MVL bắt kịp lối văn thế giới đang ngưỡng mộ là không còn tả cảnh nhiều lê thê, chỉ phớt qua một vài cảnh nào đó như ngọn gió, cánh hoa, cành cây, dòng sông, lúc đó để nhập cái hồn cần một chút thôi, nói lên cái vưà đủ, và cho người ta suy nghiệm thêm, không dành nói hết… Nói về nghệ thuật MVL còn nhiều thứ hay. Anh sử dụng từ ngữ điạ phương, như cụm từ “mừng húm”, “phỉnh đó”, “chớ em”, “hỏi gì nưã ” “…Từ điạ phương rất nhiều trong anh, là một thứ ngôn ngữ, để chuyển tải cho người ta ấn tượng mến yêu về tiếng điạ phương mình , đồng thời cũng nói lên tâm tình trân trọng tiếng quê hương mình cần san sẻ, qua ngôn từ đó”.
Một điều đáng chú ý, Mang Viên Long vốn là một người gặp nhiều bất hạnh, trắc trở từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành, nhưng may mắn là Phật Pháp đã ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đời ông. Đến gần tới tuổi 70, một trong những cảm hứng lớn của Mang Viên Long là gần như dành trọn hứng thú chữ nghĩa cho việc chia sẻ về Phật pháp. Trong hồi ký “Như áng mây trôi”, ông viết: “ Từ ngày tháng có duyên gặp được “Kinh Pháp Bảo Đàn” của Lục Tổ Huệ Năng, tôi dần cảm thấy giảm đi rất nhiều nỗi ưu phiền, khổ đau! Tôi cũng nhận ra lòng an bình, tỉnh táo, không còn nhiều âu lo, băn khoăn hay toan tính cho ngày mai mờ mịt phía trước nữa!”. Một bút ký quan trọng khác của ông là “Những ngày tháng bình yên (Nxb Hội nhà văn 2018) ghi lại những năm tháng lang bạt, khổ đau của ông, nhưng ông đã có duyên lành đến với ngôi chùa quê Phi Lai (thôn Mỹ Trung, xã Hòa Thịnh, Phú Yên); nơi ấy ông được sống trong những ngày tháng an vui, hạnh phúc giữa tình thương yêu của đạo pháp và con người. Ông viết: “Có thể nói, trong suốt gần 10 năm trước – cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn thường đến Phi Lai sống; có lần vài ngày, một tuần, có khi cả hai ba tháng, xem đó là chốn “Quê cũ “ an lành, bình yên cho tôi tạm trú, đến hết thời gian ở cõi tạm vô thường nầy!”. Nhà nghiên cứu Nguyễn thị Thanh Xuân (Trường Đại học KHXH và NV Tp HCM) trong bài viết Phật tính trong trang viết Mang Viên Long nêu rõ: “Như những giọt sương (1,2,3, 2012, 2013, 2014) Tôi đến với Phật (Tiểu luận và tạp bút, 2014) nói đến “duyên ngẫu nhiên mầu nhiệm”, Như áng mây trôi (hồi ký, 2015) tái hiện hành trình làm người với duyên tu tập và duyên chữ nghĩa; Đôi bờ nhân duyên (2018) là truyện dài được xây dựng trên cảm hứng về Ni sư Thích Nữ Trí Hải (1938-2003) và rất nhiều bài đăng rải rác xen kẽ trong những tập sách khác. Những trang sách này có thể cung cấp cho chúng ta những dữ liệu cụ thể về hoạt động nhà văn Phật tử Huệ Thành- Mang Viên Long, đặc biệt là giúp ta cắt nghĩa lý do, điều kiện nào nhà văn đến với Phật. Có thể nói, Phật tính nơi những trang viết này trỗi lên trên bình diện ý thức, với những diễn giải trực tiếp về tư tưởng nhà Phật”.
Hàng ngày vào mỗi buổi sáng, hầu như những người bạn thân quen với nhà văn Mang Viên Long trên Facebook đều nhận được từ ông những bài viết ngắn hoặc lời mời “trà và cà phê hiên nhà” cùng những lời chúc tụng tốt lành. Nhưng giờ đây, tất cả đã trở thành áng mây trôi về nơi xa tắp. Do vậy tôi sẽ nhớ mãi status (stt) cuối cùng của ông ghi ngày 22/7/2020: “Nếu người có tâm hồn, trí tuệ, luôn tôn trọng đạo lý, nhân cách, nhân quả (…) làm theo việc tốt, điều thiện lành; mang niềm vui, tin yêu, lợi ích đến cho mọi người, là rất khó, mà đôi khi còn bị kẻ xấu dèm pha, phá phách – cho nên, làm việc tốt - điều thiện, đôi lúc phải cần có sự dũng cảm và hy sinh”./.
Ảnh: 1/ Nhà văn Mang viên Long và tác giả TTS
2/ Nhà văn Mang Viên Long tại thư phòng của ông
3/ Nhà văn Mang Viên Long tiếp nhóm thân hữu văn nghệ Đà Nẵng tại nhà riêng - Ảnh (từ trái sang): Mai Hữu Phước, Mang Viên Long, Trần Hữu Luận, Trần Trung Sáng, Nguyễn Nho Khiêm