Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.213
123.206.782
 
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương – tình khúc cho đời
Đỗ Nguyễn

 

      « Đôi môi nóng bỏng của âm nhạc đã hôn lên con tim tôi trong những ngày thơ ấu ở vùng đất kỳ diệu xa xôi đó, quả thật đã như con dấu in đậm nét trên định mệnh tôi. Tôi biết rằng tôi đã thuộc về một nơi nào đó rất chênh vênh giữa lý trí của con người, linh hồn của Thượng Đế và hơi thở  của  tình yêu ». 

  (Lê Uyên Phương - Trong tùy bút « Âm nhạc từ thiên đường »).

 

        Từ một thành phố nhỏ,

        Từ một ngôi nhà nhỏ,

        Từ một căn gác nhỏ,

        Từ một khung cửa nhỏ …

        … có người nhạc sĩ từ ngày son trẻ đã miệt mài với từng nốt nhạc, tận tuỵ với mỗi ca từ, say mê với từng giai điệu. Từ cõi hồn anh, tuôn trào suối nhạc nồng nàn chuyên chở hạnh phúc và đau thương theo giòng đời bất tuyệt, với bao khắc khoải tuyệt vọng của tuổi thanh xuân, sống trong sợ hãi lo âu, nghi ngại về một tương lai mơ hồ vào thời chiến đầy máu lệ.

          Người nhạc sĩ đó bước ra từ cõi sương mù dày đặc, trong hơi lạnh se sắt của vùng rừng núi cao nguyên … Mái tóc anh hơi dài phủ gáy, một nhánh rơi trên vầng trán, ánh mắt buồn và tư lự, tay cầm cây đàn guitare … Anh đã ghé đến cuộc đời này, với chúng ta, để dâng hiến tài nghệ và trái tim bằng ngọc quý của mình với ngút ngàn đam mê và tình yêu trọn vẹn qua những  nhạc  khúc  chất chứa  vô vàn ý tưởng và chan hoà cảm xúc.

          Đã  60 năm, kể từ ngày những sáng tác của Lê Uyên Phương bắt đầu đi vào hồn người và thiên tài đó được khẳng định là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của nền âm nhạc Việt Nam. Nghệ thuật của anh được sáng tạo từ giữa thế kỷ 20 vẫn mang tính đương đại và hơn thế nữa, với nhạc thuật cao cấp tân kỳ, ca từ đơn giản nhưng sâu sắc, cách diễn tả nhưng trên hết là ý tưởng, dòng nhạc Lê Uyên Phương là tiếng vọng bất tử của tân nhạc, cho người thưởng ngoạn vẫn tìm thấy, với thời gian, vẫn tiếp tục khám phá thêm mãi những gì mới lạ còn vấn vương, ẩn giấu trong sâu xa, ở tận đáy hồn của nhạc sĩ như những  lời nhắn gởi từ  cõi sống tâm linh của người.

       “ Muốn khám phá những ẩn dụ của đời sống phải biết vượt trên sự tầm thường. Cái tầm thường là cái lập lại, bắt chước, đua đòi … nó giết chết sự sáng tạo của con người. ”

        (Bài viết Cha, Con, và Biển - Tùy bút của Lê Uyên Phương trong  tập  Không Có Mây Trên Thành  Phố Los Angeles ).

         Âm nhạc của Lê Uyên Phương “ vượt trên sự tầm thường ”, riêng tình ca của anh đã mở ra một khung trời khác, trong tầm tay con người, thênh thang và đầy nhân tính, đã vượt thoát khỏi tính lãng mạn cổ điển lan man ngự trị từ quá lâu, từ dòng nhạc tiền chiến của thời “ Gửi gió cho mây ngàn bay ” hay “ Dư Âm” cho đến “ Hoài cảm ”, “ Hoa rụng ven sông”, “ Thương tình ca”, và tính trừu tượng siêu hình quá đỗi mơ hồ như  “ Giọt lệ cho ngàn sau ”, “ Tuổi đá buồn ” hoặc “ Như cánh vạc  bay ” rồi “ Dấu tình sầu ”, “ Nỗi đau muộn màng ” … Tất cả những điều này tuy vẫn đẹp và hay một cách nào đó, như giấc chiêm bao lờ mờ

 bỗng có vẻ cũ kỹ  và có một chút gì ngớ  ngẩn chỉ để  ru hồn tuổi  mới  lớn.

 

 

 

 

                    TIỂU  SỬ.

       

         Nhạc sĩ tài hoa Lê Uyên Phương  sinh năm 1941 tại Đà Lạt, trong một gia đình gốc Quảng và Huế, mất năm 1999 tại Nam California, tên thật là Lê văn Lộc. Là một thầy giáo hiền lành đức độ được yêu mến cùng lúc trở thành nhạc sĩ, anh đã học vĩ cầm từ thơ ấu rồi chuyển qua lục huyền cầm và từ đó, xử dụng nhạc  cụ này để trình diễn.

         Tên Lê Uyên Phương được ký cho những sáng tác ( Uyên là tên người thiếu nữ đầu tiên anh yêu trong mơ mộng, Phương là tên lót của mẹ anh – Công Tôn Nữ Phương Nhi ), sau này, lúc bắt đầu cùng hát, anh đã chia cho vợ mình Lâm Phúc Anh (tức Phi Anh, tên gọi thân mật, trước đó cô cũng có biệt danh là Cẩm Thúy) một nửa cái tên của mình, từ 1970 cô sẽ trở thành ca sĩ Lê Uyên, và người chồng giữ tên Phương khi trình diễn.

 

                    HÀNH  TRÌNH  ÂM  NHẠC.

      

         Rất sớm, vào đầu thập niên 1960, Lê Uyên Phương đã bắt đầu soạn những ca khúc đầu tay tại Pleiku, Ban Mê Thuột ( Buồn đến Bao Giờ, Bài Ca hạnh Ngộ … ), và tiếp tục sau đó khi về lại Đà Lạt. Giới yêu nhạc bắt đầu để ý đến những nhạc phẩm của anh qua nhạc thuật mới lạ và nhận định tính phá cách rõ rệt về  tư tưởng qua lời nhạc.

         Vào thời điểm chiến tranh Việt Nam trở thành khốc liệt tang thương, nhất là từ năm 1968, xã hội chìm trong bầu không khí ảm đạm ngạt thở, người trẻ như mòn mỏi chờ đợi một điều gì khác lạ cho một hiện tại đầy bất trắc, đen tối, khi mà sự chết hiện  diện ngay trong đời sống hàng ngày …

          Năm 1970, với sự giới thiệu của nhà thơ Đỗ Quý Toàn và nhà báo Đỗ Ngọc Yến, vợ chồng Lê Uyên Phương có buổi trình diễn ra mắt đầu tiên tại Sài Gòn, trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ ; dòng nhạc của anh chợt bùng lên như ngọn lửa đam mê cháy bỏng đã được đón nhận nồng nhiệt bởi quần chúng nhất là giới sinh viên, giới trí thức trẻ. Ba tập nhạc : Yêu Nhau Khi Còn Thơ, Khi Loài Thú Xa Nhau và Uyên Ương Trong Lồng với những tình khúc nồng nàn và đẹp nhất (viết và ấn hành từ 1960 đến 1973). Lê Uyên Phương trở thành một hiện tượng thời bấy giờ từ những bản tình ca táo bạo mang tính phá cách thật phong phú và độc đáo vì anh đã dũng cảm vạch cho mình một lối đi riêng biệt trong tinh thần hoàn toàn tự do, hoàn toàn khác biệt những dòng nhạc khác, không hề chịu ảnh hưởng của những gì sáo mòn, thiếu  sáng  tạo …

        Sau hơn 2 năm sống và sinh hoạt ở Sài Gòn, Phương cảm thấy ngột ngạt mỏi mệt với không khí hào nhoáng và ồn ào đông đúc của thành phố năng động đó, vì anh chỉ có thể sáng tác được trong khung cảnh sống Đà Lạt. Hai vợ chồng giờ đây đã có một số vốn, họ quyết định trở về phố sương mù để mở một phòng trà có tên là Lục Huyền Cầm vào khoảng cuối năm 1972, đồng thời Phương có thể hít thở lại bầu không khí trong lành và tiếp tục làm việc. Họ ngưng sinh hoạt này từ biến cố lịch sử tháng 04.1975. Năm 1979, sau chuyến vượt biển, Lê Uyên và Phương  định cư ở Mỹ, tại tiểu bang California. Tại đây, anh cũng có sáng tác nhạc với những chủ đề khác ( tập nhạc Trái Tim Kẻ Lạ ra đời vào thời gian này) anh cũng bắt đầu viết văn và vẽ, hai vợ chồng tiếp tục thu  băng và hát tại các phòng  trà và trung tâm Asia.

         Nhạc sĩ Lê Uyên Phương từ trần tại California năm 1999, hưởng  dương 58 tuổi vì bệnh ung thư phổi.

 

             TÌNH  YÊU  trong nhạc Lê Uyên Phương

 

         Tình yêu, chủ đề chính được cảm nhận và sống với tận cùng rung động tinh thần và nhục thể, đầy hình tượng kỳ lạ đặc sắc, không hề xa rời thực tại mà thật gần với tâm tư tuổi yêu đương, vừa cao vợi rạt rào, vừa thiết tha u uẩn, đó là nét hiện thực của tình yêu được diễn tả bằng cảm xúc, không gì khác ngoài cảm xúc  tràn bờ. Qua âm nhạc Lê Uyên Phương, ta có thể hiểu rằng tình yêu là một ẩn dụ của đời sống và là sự thật phải được  sống thật chứ không  còn là chiêm bao, mộng tưởng.

         Con người anh, tâm hồn anh, cuộc đời anh, trầm mặc và mơ mộng, vô cùng nhạy cảm được nuôi dưỡng bằng yêu thương và chỉ có thể sống bằng yêu thương … đã là một bản nhạc tuyệt vời hiền hoà như cây cỏ miền rừng núi êm đềm đó, mùi thơm cà phê lẫn với hương hoa ; nhịp sống nơi thành phố đó, chầm chậm lười biếng từ hơi thở, hoang lạnh và nồng nàn của tình yêu. Buổi sáng sương mù, từng buổi chiều mưa, những viên sỏi, một đoá hoa, tiếng chim hót, những làn mây trắng, khung trời lóng lánh sao đêm … đều gợi cảm xúc rạt rào cho người nhạc sĩ. Mỗi sáng tác của anh đều dựa trên sự kiện có thật liên hệ trực tiếp đến tình yêu lớn của đời mình, từ những buổi hẹn hò, những giây phút hạnh phúc bên người yêu, nỗi sầu nhớ khi xa cách, nỗi âu lo về tương lai … nên hầu hết những sáng  tác về tình yêu  của Phương đều làm cho Lê Uyên. Âm nhạc tiếng hát của đôi vợ chồng  là hơi thở của tình yêu chân thật và mê đắm. Rồi tình yêu đó đã lan tỏa và chạm đến biết bao trái tim người khao khát sống và  yêu như  họ.

      “ Những nốt nhạc là linh hồn của nàng và những lời ca là thể xác của nàng … khi bài hát chấm dứt, thể xác và linh hồn của nàng ở đâu? Có phải đang ở trong não bộ hắn và vẫn còn tiếp tục ngân vang để đánh thức những hoài niệm của hắn và sự tồn tại của con người phải chăng là ở khoảng yên lặng đó? ”

        ( Con Chuồn Chuồn Trong Trí Nhớ, truyện ngắn trong tập Không Có Mây Trên Thành Phố Los Angeles -Lê Uyên Phương )

               

             NÉT  TRIẾT  LÝ  trong dòng  nhạc Lê Uyên Phương.

 

         Tính hiện sinh và nhân bản đượm nét bi quan là suy tưởng của Phương, anh đã đọc Shopenhauer, Krisnamurti và Sigmund Freud rất sớm và đã luôn biết rằng trong đời này chẳng có gì là miên viễn, mọi điều đều có một lúc rồi qua, tất cả sẽ mất mát, không có gì tồn tại, dù anh đã có tuổi thơ  êm đềm, tình yêu và hạnh phúc nhưng tất cả đều mong manh như đời người, tất cả đều như có có không không. Từ đó, nghe nhạc của anh, ta cảm được nỗi ưu tư về cuộc sống với những nhọc nhằn lo toan, tuổi trẻ và tình yêu vào thời điểm mà những gì có trong tay đều mong manh dễ vỡ ; tương lai, thân phận con người trong  thời cuộc chiến tranh và kiếp sống phù du, nỗi đau xót cho sự mất mát và băng hoại cõi tâm linh trước cám dỗ của đời sống vật chất, sự đổi thay của con người. Dù trong  tình ca, trong hạnh phúc, Phương vẫn linh cảm sẽ sống nỗi chia lìa, và  thấp thoáng chiếc bóng đục mờ của  cái chết, và sự chết đối với anh là một phần của đời sống, hay trạm cuối  của cuộc đời  mà anh sẽ bước đến.  Anh có những sáng tác mà nhạc và ca từ như giây phút hấp hối của người yêu nhau.

       “ Giờ này còn nhìn nhau, nhìn đắm đuối như suối bền, nhìn suốt kiếp như chết mòn, nhìn giá buốt thương đau, ngày mai ta không còn thấy nhau …” ( Cho lần cuối ).

      “ Đâu có ai biết mai sau? Đâu có ai mãi thương đau? Đâu có ai phải muôn kiếp xa nhau ? … » ( Không nhìn nhau lần cuối ).

      “ Người về đâu dứt hết thương đau cuộc tình mau … Cuộc đời đó đã qua ngày đông, phòng lạnh giá môi xô nụ hôn, người nằm đó xin cho được yên …”  (Đưa người tuyệt vọng)

 

         Trong những năm tháng lưu vong, Lê Uyên Phương đã phải sống những giằng xé của nội tâm trầm uất. Tập nhạc « Trái Tim Kẻ Lạ » ra đời tại Mỹ, với bản Có Được Cuộc Đời, anh nói về trái tim người nghệ sĩ không còn là chính mình : « Khi tác phẩm trở thành món hàng để giải trí thì người nghệ sĩ sáng tạo không còn hiện hữu nữa ; bởi anh ta bắt đầu sống với con tim của người khác ; một kẻ lạ, hàng trăm kẻ lạ đã ở trong tâm hồn và thể xác của anh ta. Những kẻ lạ có thể cho anh ta những bữa ăn, những ngôi nhà, những chiếc xe, những dục tình, những thỏa mãn, những hỉ hả, những  phè phỡn … Nhưng cái mà anh ta mất, cái mà nghệ thuật cần, cái mà nhân loại chờ đợi ; đó chính là con tim của anh ta, con tim ca hát chính nỗi đau của nó, con tim ca hát chính sự nhục nhằn của nó, con tim ca hát chính sự trầm luân của nó, con tim ca hát chính sự dơ bẩn của nó, con tim ca hát chính sự tuyệt vời của nó … ».

          “ Có được cuộc đời nằm chôn trong rác, có được cuộc đời ngồi núi tiền vung. Có được cuộc đời lao đao như bão, có được cuộc đời lặng lẽ như khuya. Có được cuộc đời như tôi thay đổi, có được cuộc đời thay đổi như tôi …”

         ( Có Được Cuộc Đời )

           Người ta có thể thấy con người thật của anh trước người nghệ sĩ, vốn đã vô cùng đa cảm, chỉ sống bằng trái tim và hoài niệm ; khi đối diện với mặt trái cuộc đời, anh cảm thấy bất lực, phẫn nộ ; chỉ có âm nhạc mà anh yêu trọn vẹn và mãnh liệt là điều duy nhất có thể cứu rỗi anh, bằng những âm thanh kỳ diệu mà anh đã bàng hoàng lặng nghe từ những ngày thơ dại, tiếng nhạc đó đến từ Bach, Beethoven, Mozart, Schubert, Strauss … cho đến những ngày bằng âm nhạc của riêng mình, anh  đã nói lên tất cả, từng  cảm nhận từ cuộc đời và tình yêu.

      “ Cuộc đời là tất cả, thực tại là tất cả, không lựa chọn, không phân biệt, không so sánh, không hơn thua … Mỗi điều đến với ta là một ngõ ý của cuộc đời, của thực tại; nếu ta không biết chợp lấy nó, ta sẽ mất cơ hội để thấu suốt ý nghĩa của cuộc đời … ” 

        ( Cha, Con, và Biển - Tuỳ bút Lê Uyên Phương ).

         Người nhạc sĩ không ngừng đắm chìm vào suy tưởng về sự tồn tại của con người và loay hoay trăn trở suốt với những câu hỏi : “ Chúng ta cũng biết được cái nhà ga cuối cùng của cuộc đời mình, ở đó chúng ta sẽ gởi thân xác của mình vào lòng đất, nhưng không ai biết được cái nhà ga cuối cùng mà trí óc con người sẽ dừng lại trong cuộc đeo đuổi hạnh phúc mong manh của mình và đồng loại. Có phải chúng ta đang ở cái điểm khởi hành từ hàng ngàn năm trước trong cuộc hành trình đó của nhân  loại  hay không? ”

          (Đà Lạt, Tưởng Niệm Dưới Mặt Đất - Tùy bút Lê Uyên Phương ).

 

 

              Lê Uyên và Phương,  TÌNH  YÊU  HUYỀN THOẠI.  

 

         Năm 1967, Lê Uyên, cánh thiên điểu lạ lùng mang sắc màu rực rỡ đậu xuống thảm cỏ bình yên tâm hồn của Phương … Mười lăm tuổi, đã là thiếu nữ dù tâm hồn vẫn thơ trẻ với một chút ngổ ngáo. Với vẻ đẹp kiêu sa nhưng liều lĩnh và táo bạo, với sức sống sôi nổi, tràn đầy đam mê, tiếng cười hồn nhiên và những bước chân kỳ diệu, nàng tìm đến trên con đường định mệnh dẫn vào khung trời nghệ thuật của Phương để sau đó đưa những ca khúc của người yêu lên đỉnh điểm âm nhạc bằng tiếng hát thiên phú đặc biệt của mình. Từ lúc cái nhìn đăm chiêu xa vời của người nhạc sĩ chìm vào hồ mắt tin yêu trong sáng của thiếu nữ vô tư, tất cả bí ẩn tuyệt vời của đời sống và tình yêu bắt đầu hiển hiện dưới vòm trời bát ngát sương mù núi rừng trùng điệp. Nàng trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho nhạc sĩ. Tình yêu chân thật và mê đắm của họ là chất liệu chủ yếu của những ca khúc tuyệt vời mà Phương đã không ngừng sáng tác. Bản Vũng Lầy Của Chúng Ta được viết năm 1968, sau biến cố Tết Mậu Thân, là một tình ca quan trọng đánh dấu thời kỳ của hai người trẻ phải trải qua những khó khăn ngăn trở để sống cho tình yêu, đầy mê say lẫn nhọc nhằn trong bối cảnh thê lương của đất nước; tiếp theo là những tình ca đẹp khác. Đôi tình nhân là hình ảnh của tình yêu thánh thiện và đài các nhưng lại mang đậm tính chất nghệ sĩ  lang bạt du ca.

      “ Theo em xuống phố trưa nay đang còn ngất ngất cơn say … Ta sống trong vũng lầy một ngày vùi dần, còn vùi sâu còn vũi sâu trong ngao ngán chưa dứt hết một một lần đau …” ( Vũng lầy của chúng ta ).

        “ … Thương em khi yêu lần đầu, thương em lo âu tình sau, dù gương xưa không được lau, soi lấy bóng mối duyên đầu … ( Tình Khúc Cho Em )

       “ Em lên ngày mai đường gió trăng cài, mong em từng giây rộn ràng như ngây …” ( Một Ngày Vui  Mùa  Đông )

       “ Áo xanh, màu áo ngày xưa tôi đã ân cần nhớ mãi trong đời.

Đây bàn tay yêu dấu bàn tay êm ái dắt đưa tình yêu …” ( Một Dạ  Hội  Buồn )

         “ Như con nai hiền vui đôi chân mềm trên từng gót êm đềm … Ngày mai còn đó tình yêu đó đời đã cho ta đời đã cho ta …”  ( Uống Nước Bên Bờ Suối )

           “ Ngày em thắp sao trời, chờ mong gió lên khơi …

Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau, chết bên nhau thật là hồn nhiên …”  ( Dạ Khúc Cho Tình Nhân )

           “ Anh ơi như chim say mê có khi rã rời cánh nhung thôi bay! Anh ơi xin anh lúc chân mây mệt nhoài trở về lồng êm thân ái … ” ( Lời Gọi Chân Mây )

 

                  TÌNH  YÊU  THIÊN NHIÊN   của nhạc sĩ.

      

         “ Những âm thanh của sáu sợi dây buông bỗng vang lên và từ trong không gian đầy màu xanh của cây cỏ, núi đồi, của tiếng suối reo, của hơi gió thoảng … và từ trong cái thời gian của những bông mai vàng, của những đêm trăng sáng, của núi rừng lạnh lẽo xa xôi, tất cả đã khơi dậy trong trái tim tôi một niềm hạnh phúc vừa xa lạ, vừa quen thuộc biết bao! ”

               ( Hồi ký Cuộc Tình Tôi, Lê Uyên Phương, 1985 )

        Khung cảnh sống mơ mộng vùng cao nguyên đó, từ địa hình quanh co với những con dốc và lối đi trong rừng cho đến âm thanh là tiếng chim muông hồn nhiên ca hót,  những làn gió ru ngàn thông trên đồi vắng, bươm bướm chuồn chuồn vui cùng hoa cỏ, những thung lũng dã quỳ … đã như một hòa khúc tuyệt vời của vùng đất kỳ diệu sương mù nơi nhạc sĩ cư ngụ và sáng tác. Tình yêu của Lê Uyên Phương cho cõi thiên nhiên là vô tận vì đó là mạch sống đã nuôi dưỡng anh từ thơ ấu, thiên nhiên là hơi thở và nguồn cảm hứng của người nghệ sĩ nên nó đi vào âm nhạc của anh một cách trong sáng tươi đẹp nhất. Rất nhiều sáng tác của anh đầy hình tượng về những ngọn đồi, những cơn mưa, khung trời ngập đầy nắng gió với loài chim, trăng sao, dòng suối … trên thềm ga hay trong lòng phố, những mùa thu mùa đông … Tâm hồn của nhạc sĩ hoà điệu cùng với nhịp thở đầy thi vị và sắc màu huyền thoại của núi rừng trầm mặc nên thiên nhiên hiện diện trong nhạc của anh rất thật và tuyệt vời như chính vẻ đẹp của  nó diễn tả tâm trạng một cách sâu xa nên càng nghe và càng tìm hiểu ta càng nhận biết nét đẹp phong phú và sống động  của từng ngoại  cảnh. Nhạc sĩ luôn sống và sáng tạo từ  cảm xúc.

         “ Khi nhìn một sự việc là hắn nghĩ đến một chuỗi âm thanh và  hát những  ý nghĩ của mình, âm thầm và lì lợm … ”.

         ( Buổi chiều Chủ Nhật ở Santa Ana và Cô gái mặc áo xanh -Tùy  bút Lê Uyên Phương )

       “ Mai hồng tô thắm khung trời, mây chiều xanh ngát núi đồi mà ngỡ đâu tình khó vơi ….”( Một Dạ Hội Buồn )

       “ Ngày em thắp sao trời chờ mong gió lên khơi mà mưa bão tơi bời … lá hoa rừng mau xoá đường quay về. Làm cánh sao đêm lẻ loi … một vì sao lạ rơi nhe hồn tê tái trên gong hương khói bay … ” ( Dạ Khúc Cho Tình Nhân).

       “ Chim muông bên rừng chờ mình về đón mừng … dừng bên suối rồi rừng trưa nắng ngừng trôi …” ( Uống Nước Bên Bờ Suối ).

        “  Qua hôm sau nghe gió thoảng như đi mau, mây trắng đã trao cho nhau những ái ân không màu …  ( Một Ngày Vui Mùa  Đông ).

 

                   CÁCH  THỂ  HIỆN DÒNG NHẠC

 

          Lê Uyên đương nhiên là người ca sĩ duy nhất thể hiện một cách hoàn hảo nhạc của Phương nhờ sự cảm nhận hoàn toàn sâu sắc và tình yêu trọn vẹn cho Phương mà nàng sống với tất cả đam mê tâm hồn.

          Cách phục sức của đôi vợ chồng quả là “ không giống ai ” nhưng đầy cá tính, và chính những bản nhạc đã truyền cảm hứng cho từng bộ trang phục trở nên khác thường và độc đáo. Khi trình diễn, họ trút hết đam mê lẫn tinh túy của nghệ thuật và tuổi trẻ vào âm nhạc với tính sáng tạo riêng biệt và có vương nét ca nhạc Âu Mỹ của những năm 1960. Phương, bình thản và sâu kín, trong nét phóng khoáng tiềm ẩn một chút ngang tàng; Lê Uyên lôi cuốn, tự tin, nồng nàn và sôi nổi. Họ hát, trước công chúng dù đông đảo hay ít người cũng hệt như khi họ hát riêng với nhau. Cách diễn tả khêu gợi hoàn toàn tự do với từng rung động dữ dội và chân thật của con tim, không màu mè kiểu cách, không gượng ép cứng nhắc. Với sự tận hiến cho âm nhạc và tình yêu, như trong cơn mê sảng, Phương để mặc cho mình trôi vào thế giới riêng tư của hai người, anh trút hết sức sống và tinh thần vào những ngón tay cuồng nộ điên say trên những sợi giây đàn không ngừng rung động. Phải, anh dốc toàn bộ hơi thở và máu vào tiếng đàn trong cơn đam mê lung lay đất trời khiến ta cảm thấy xúc động đến rưng rưng xót xa … Lê Uyên, toàn thân và gương mặt diễm lệ đầy biểu cảm, có lúc như con thiên nga ngây dại để mặc cho mình được cuốn hút vào cõi hồn người yêu, có lúc như loài ma nữ yêu tinh muốn hớp vía vồ xác người nam ; nàng hát gào với nỗi giằng xé quằn quại của trái tim và ánh mắt lúc thì mờ tối lúc thì long lanh quắc sáng như mắt cú mèo trong đêm đen ; những ngón tay yêu kiều chơi vơi cùng cánh tay dài nuột nà đưa lên hạ xuống, rồi chiếc cổ thon cao diễm tuyệt trên bờ vai ngà ngọc xoay chiều, đổi hướng, ngẩng lên, gục xuống theo từng cảm xúc và giai điệu ; cách diễn tả của nàng vô cùng linh động với giọng hát khan và nồng như chất rượu chát lâu năm đậm chín men say, rờn rợn não nùng đầy nhục cảm, có lúc như nghèn nghẹn, hụt hơi, rồi lại cao vút, mãnh liệt, ngập tràn cảm xúc rồi chùng xuống, lặng đi, ê chề u uẩn như sợi giây định mệnh quấn quýt ràng buộc lấy tiếng hát êm đềm tha thiết ân cần của Phương, trong nhịp đàn rời rã, dìu dặt khoan thai rồi bật thét lên hừng hực niềm khát vọng, nỗi hoan lạc lẫn đớn đau của cơn yêu vội vã, sự nổi loạn của tâm hồn trước những thử thách của cuộc đời và thân phận, trong điêu tàn khổ lụy mà vẫn hạnh phúc huy hoàng. Và cảm động làm sao khi ta thấy mỗi lần đôi tình nhân hướng về nhau, nhìn nhau đắm đuối để cảm nhận trọn vẹn cái thú đau thương ma quái đầy bí ần và hiểm nguy trong khúc tình ca, như tiếng mời gọi giục giã người nghe vào nơi lưng chừng  giữa thiên  đường và địa ngục.

     

 

                     

                  TÍNH  NHỤC  CẢM  trong nhạc của Lê Uyên Phương.

 

         Với người nghệ sĩ, sáng tạo là cách hữu hiệu tuyệt vời nhất để khẳng định tính cách riêng của mình qua tác phẩm. Tính nhục cảm trong nhạc của Lê Uyên Phương được nhìn nhận như một sáng tạo thật phong phú, đầy gọi mời và hứa hẹn ( và chính nhục cảm là nguồn hứng khởi cho sáng tạo ) có lúc được diễn tả bằng ca từ một cách tinh tế trong sáng và dịu dàng êm ả, kín  đáo nhẹ  nhàng :

       “ Khi em bước đến bên tôi, lời chim tưng bừng … em mơ cuộc đời thêu hoa, ôm tâm tư buồn bàn tay như giáng tiên …” (Nỗi  Buồn Dâng Hiến )

      “ Trên đôi vai thanh xuân ướp hương nồng bên gối đắm say … Cùng rót bao nhiêu ngày hoang …”  (Dạ Khúc Cho Tình Nhân )

      “  Như con nai hiền vui đôi chân mềm trên từng gót êm … Môi khô em tròn đợi từng giọt sữa non …” ( Uống Nước Bên Bờ  Suối )

      “ Hãy ngồi xuống đây như loài cỏ tranh chen nhau từng hàng xoắn  xuýt bên nhau vui chơi cuộc đời cỏ rác hôm nay … ( Hãy Ngồi  Xuống  Đây ).

         Hoặc có lúc trần trụi hoang dã, mãnh liệt công khai đậm sắc màu hiện sinh, đó những dâng hiến ngút ngàn, những thôi thúc cuồng mê điên dại ; cũng đều là những lời tự tình đẹp đẽ, rất gần và thật, gần đến phải chạm được bằng tay qua làn tóc, môi mắt người yêu, thật và thiết tha như hương thơm da thịt người  tình.

      “ Hãy ngồi xuống đây như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng, dưới nắng ban mai phô thân trần truồng kiếp sống hoang sơ …” ( Hãy Ngồi Xuống  Đây! )

       “ Yêu nhau giữa đám rong rêu, theo dòng nước cuốn lêu bêu …  ( Vũng  Lầy Của  Chúng Ta )

         “ Người yêu hỡi yêu mãi như thịt da … yêu mãi thức giấc như trời đêm rồi quên hơi trên thân người …”  (Trên Da Tình Yêu ).

         “ Anh ơi bao nhiêu tang thương mỗi khi đã rời giấc mơ yêu  đương! Anh ơi xin anh cúi trên cơn mộng dài để chờ ngày mai lên nắng! …”  ( Lời Gọi Chân Mây ).

          “ Một chiều xuân đê mê gối chăn còn ấm da nồng, tình dài lâu anh ơi đứt dây hững hờ …” ( Ngồi Lại Trên Đồi )

        

         Nếu trong văn xuôi, Vũ Trọng Phụng từ những năm 1930 mạnh dạn đề cập đến “ con người toàn diện ” và trong thi ca, Hàn Mặc Tử và Bích Khê đã ngợi ca một cách trọn vẹn và mới mẻ cuộc đời và tình yêu qua những từ ngữ đầy hình tượng thơm ngạt ngào mùi nhục cảm ; Lê Uyên Phương, bằng cách vừa tinh tế vừa hồn nhiên và can đảm, bằng tiếng nói từ đáy hồn mãnh liệt và da diết đến tận trạng thái xuất thần qua âm nhạc riêng của mình, nhạc sĩ đã dấn thân trên con đường tìm đến chân lý, dấn thân vào vùng cấm địa mà xã hội đã dựng lên những bức tường ngăn cấm, xã hội mà nhận thức về tự do cá nhân còn bị giới hạn. Âm nhạc của anh đánh thức điều ngủ quên trong sâu thẳm con người, mà chúng ta hoặc chưa tự hiểu thấu, hoặc còn e ngại, hoặc đành giả dối với chính mình, đó là bản năng dã thú cần được sống tận cùng cho hoan lạc xác thịt, điều mà có thể từ trong vô thức chúng ta đã luôn mong đợi, mong đợi khao khát được yêu và sống khẩn cấp tình yêu với hình hài và sắc thái hoàn toàn thật và đẹp như cõi thiên nhiên hiện hữu ngay đó, không cần kiếm tìm khám phá, không do dự không hờ hững cho một cách sống tưởng chừng khác lạ, nhưng lại là cách sống bình thường như nhịp đập hân hoan của trái tim tươi trẻ, hoàn toàn tự  nhiên, hoang dại như loài dã thú và  cũng  rất “ người ”, rất hồn nhiên và cao thượng. Lúc đó, sự sống mới có ý nghiã thật sự khi hiện hữu của nhân loại quá ngắn ngủi ở cõi tạm này.

        “ Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay, cho nhau chắt hết thơ ngây trên cánh môi say trên những đôi tay, trên  ngón chân bước về tình buồn …” ( Vũng Lầy Của Chúng Ta )

       “ Hãy ngồi xuống đây vai kề sát vai cho da thịt này đốt cháy thương đau, cho cơn buồn này rót nóng truy hoan, cho thiên đường  này bốc cháy trong cơn chia phôi tràn trề ”… ( Hãy Ngồi Xuống  Đây ).

       “ Ôi ái ân đâu rồi cơn tình ngất buông xuôi? Qua những cơn mê cuồng sao còn mãi khôn nguôi? ” ( Trên Da tình Yêu )

         Với Lê Uyên Phương, chủ nghĩa tự do sống cho nhục cảm không còn là một hoài bão, đó là điều hiển nhiên cho sự tồn tại của loài người, không hề là tham vọng hay ảo tưởng, đó là điều khẳng định sự hiện hữu của loài người. Từ đây, tình ca vỡ tiếng chối bỏ kiểu sống và hạnh phúc phân nửa người trần, phân nửa thầy tu. Con người cần sống ngay bây giờ, ngay lập tức, và sống tận cùng cho tình yêu và nhục cảm là đặc ân mà Thượng Đế trao tặng cho  chúng ta, dù trong đớn đau tuyệt vọng.

        “ Vuốt ve cuộc đời, từ mùi son phấn trên mặt người … Trong  đau  đớn điên cuồng đó, vun kiếp sống không ngơi.”  ( Hãy Ngồi Xuống Đây ! )

 

                        NHẠC  THUẬT

       

          Đi vào cõi nhạc của Lê Uyên Phương để cảm nhận và thưởng thức, được lang bạt rong chơi tận những chân trời yêu đương, người ta ít khi phân tích tìm hiểu về nhạc thuật và thật khó xác định, nó vừa vương một thoáng nhạc cổ điển Tây phương  đến từ  nguồn văn hoá  bài bản, sâu sắc nhưng vẫn tân kỳ hiện đại, vừa mênh mang lướt thướt trôi và thoải mái thong dong trong âm hưởng của du ca Mỹ và Jazz, nhiều lúc tự do buông thả như không hề bị giam hãm trong vòng lý trí đồng thời vẫn trí thức, sang trọng thanh cao. Toàn bộ dòng nhạc mang một gương mặt độc đáo khác lạ và cấu trúc của mỗi sáng tác đều khác nhau rất xa, không hề dựa trên một khuôn kỹ thuật nhất định nào, mỗi ca khúc được biên soạn và triển khai với tiết tấu đa dạng, đầy trắc trở và khúc mắc để tạo thành những giai điệu chênh vênh chao đảo rồi chìm lặng âm thầm, rã rời hiu hắt như từng giọt mưa rồi rào rạt cuồn cuộn như giông bão; đó là nét đặc sắc mới lạ về tầm nhận thức và sáng tạo trong nền tân nhạc Việt Nam, một cách tân của hệ tư tưởng cũng như nhạc thuật ngày đó,  cho đến sau này.

          Để có thể hiểu thêm về âm nhạc của Lê Uyên Phương, chúng ta cần biết hơn về những suy tưởng của anh về mọi khía cạnh của cuộc sống, trong từng hoàn cảnh sống, qua những sáng tác văn chương để thấy rằng anh là một nghệ sĩ đích thực đã mặc nhiên đi trước thời đại và bằng sáng tạo nghệ thuật đã khẳng định chân lý “ Con người sinh ra để sống chứ  không phải để  chuẩn bị sống ” của  Boris  Pasternak.

       “ Tôi đã mơ đến một chân trời mở ra bất tận, tôi đã mơ đến những hải đảo, đến những giòng sông, đến những thành phố lạ tràn ngập ánh đèn, tôi đã mơ đến những bài hát được bay xa, bay xa mãi, tôi đã mơ đến những nụ cười thân ái không một chút nghi kỵ, sợ hãi nào, tôi đã mơ đến một tình người thật ấm áp không pha trộn chút tranh chấp hèn mọn nào của cuộc sống, tôi đã mơ đến một cuộc sống không bị khô héo vì độc dược của những  chủ nghĩa, vì những đeo đuổi mỏi mòn theo cơm áo …

       … Ít ra chúng ta phải ôm nhau để nhìn vào mắt nhau, để thấy hình hài của chính mình trong đáy mắt đó, một hình hài tiều tuỵ nhưng kiêu hãnh biết bao, hình hài của một con người đã  đứng vững được trên những tang thương của cuộc đời. ”

         ( Tùy Bút “  Không Có Mây Trên Thành Phố Los Angeles ” Lê Uyên Phương ).

 

      

 

                           ĐÀ LẠT  -  Phòng trà  LỤC HUYỀN CẦM 

 

 

          Không tìm kiếm, tự nhiên tôi đã là một trong những người đầu tiên được nghe tiếng đàn giọng hát đó bất cứ lúc nào, từ ngày còn là đứa bé hàng xóm của gia đình Lê Uyên Phương, từ lúc tiếng vĩ cầm réo rắt cho đến tiếng guitare của người nhạc sĩ mà bọn trẻ con chúng tôi gọi « chú Lộc » rất thân tình … Con đường Võ Tánh êm ả thanh vắng từ bờ hồ Xuân Hương dắt về nguyện xá Don Bosco, rồi một căn nhà có cây hoa Ngọc Lan thơm ngát, một căn nữa có một chú vượn rất năng động, luôn bay nhảy trên cành. Hầu hết những căn nhà đó đều bằng gỗ, có vườn cây trái, những bụi hoa, bãi cỏ và phía bên kia là đồi thông với con đường thơ mộng im bóng cây tên Hoàng Huyền mà những đôi tình nhân hay cùng đếm bước … Ngày ấy, ngày mà Đà Lạt còn nguyên vẹn cái nhan sắc dịu dàng đằm thắm đầy bí ẩn và hoang lạnh kỳ lạ với những tầng sương dày đục chập chùng mỗi sáng, những cơn mưa lặng lẽ hiền hòa rơi trên con phố ngủ quên mỗi chiều; ngày mà Đà Lạt với nhịp sống êm đềm chậm rãi chỉ để người ta mơ mộng và lang  thang  hoặc ngồi nghe  nhạc  trong một quán cà phê nào đó.

         Nhà cô Phi Anh tức Lê Uyên ở số 18 Võ Tánh, số 20 là gia đình một vị mục sư đạo Tin Lành, chú Lộc ở số 22, căn nhà ẩn mình kín đáo sau vườn cây, có giàn hoa giấy sặc sỡ trên cổng và những khóm tường vi tươi hồng, trạng nguyên rực đỏ ở bờ rào. Chúng tôi ở số 24 và bên cạnh, nhà số 26 là gia đình con trai của dịch giả Hà Mai Anh … Mọi người đều quen biết và tôn trọng quý mến nhau chỉ có điều lũ trẻ nghịch phá ồn ào trong khi nhạc sĩ cần không gian riêng tư, đi học về, chúng cười đùa chạy nhảy bên khóm tường vi hàng rào nhà chú, lấy cây gậy thọc rơi những quả đào quả mận của vườn nhà chú … đến nỗi nhiều khi chú Lộc phải ngừng tập đàn, chạy ra vườn nhìn nhưng không hề la mắng, chỉ cười hiền một cách bao dung,  rồi cúi nhặt những  trái cây đã rớt  trao cho lũ quỷ nhỏ …

 

 

          Chú Lộc cứ thế miệt mài sáng tác, từ buổi sớm trời còn mờ sương, nơi căn gác rộng và yên tĩnh là không gian người vô cùng yêu thích, với những sách triết và nhạc, những bức họa, với bình trà thơm bốc khói mà bà cụ, người mẹ kính yêu pha cho mỗi sáng. Chú Lộc viết nhạc, đàn hát từ khung cửa sổ căn gác đó, hoặc trong vườn cây sau khi đi dạo về trong sương mù … Trong trí nhớ, tôi chưa bao giờ thấy nhạc sĩ rời cây đàn guitare, nó là một phần hồn của người, nó là tri kỷ để chia sẻ, cứu rỗi và chung tình với người cho đến hơi thở cuối. Cây đàn guitare mầu nhiệm đã miệt mài sống cùng Lê Uyên Phương nỗi cô đơn, với từng phút mê đắm trong hạnh phúc và khổ đau, cho đến những giấc mộng đầy vơi  và cõi chết thật gần …

        « Những âm thanh vụng về đó của sáu sợi dây buông đã thật sự đánh thức những hoài bão trong tôi, những âm thanh đó đã thật sự giúp tôi tìm thấy con đường của mình, một con đường mà suốt cuộc đời dài, tôi đã đi đi lại lại không biết bao nhiêu lần từ những niềm vui như gió thoảng của hồ Xuân Hương đến những nỗi buồn không bao giờ nguôi của hồ Than Thở ».

      ( Trích từ bài viết « Đà Lạt Tưởng Niệm Dưới Mặt Đất  » của  Lê Uyên Phương, 1985 )

          Cho đến một ngày, Lê Uyên và Phương trở thành một hiện tượng của âm nhạc lúc bấy giờ, từ những buổi trình diễn cho sinh viên tại Đà Lạt và sau đó, về trình diễn thu âm ở Sài gòn với dòng nhạc khác lạ làm mê hoặc giới trẻ ; họ được đón nhận vô cùng nồng nhiệt khắp nơi và chinh phục biết bao trái tim yêu nhạc. Một thời gian sau họ trở lên Đà Lạt, vì Phương ngộp thở bởi tiếng động và ánh sáng của môi trường huyên náo phù hoa ; không thể sáng tác bất cứ nơi nào khác ngoài khung cảnh thân quen nơi phố sương mù. Họ quyết định thành lập quán cà phê Lục Huyền Cầm, ở Đà Lạt, khoảng cuối năm 1972, Lê Uyên và Phương cùng gia đình, bạn hữu hát cho buổi gặp gỡ như một cách trao đổi nghệ thuật văn hoá vài giờ đồng hồ mỗi tối thứ Bảy, Chủ Nhật … Những người đến Lục Huyền Cầm được sống những giây phút ấm áp hiếm hoi của thời chiến căng thẳng. Họ là những người cảm nhận và yêu quý đôi vợ chồng nghệ sĩ đó; họ là những người trẻ, quân nhân, những văn sĩ, thi sĩ … đông đảo ngồi sát bên nhau trong cái lạnh se sắt vùng cao nguyên, dưới ánh đèn mờ, một cách hạnh phúc thân tình bên lò sưởi đốt bằng củi, với tách cà phê hay ly sữa đậu nành thơm nóng để lắng nghe đôi vợ chồng cất tiếng hát khắc khoải ma mị trong tiếng đàn rộn ràng tha thiết … Người yêu nhạc Lê Uyên Phương lúc bấy giờ như được quên những  điều tiêu cực, bấp bênh  của cuộc  sống trong  những  giờ  phút  đó.

        “ Sống bên nhau dịu dàng, dù đời làm ta khô khan, sống cho nhau nụ cười vì ta yêu mãi người, vì biết sẽ có ngày nhìn thấy nhau  mắt môi lạnh mất rồi …”

         ( Yêu Nhau Trong Phận Người)

         Những lúc quên đi cuộc chiến, không khí bình yên lãng mạn nơi phố học mù sương sao mà đẹp, mênh mang và lôi cuốn hồn người trong cung đàn tiếng hát của đôi uyên ương ! Lũ trẻ con giờ đây đã ý thức hơn một chút, biết xôn xao đặt những câu hỏi như : « Chú Lộc ơi, cuối tuần này có cô Khánh Ly hay cô Thanh Lan lên hát nữa ? », « Cô Phi Anh ơi ! Cô đừng kéo màn cửa lúc ca sĩ hát cho tụi cháu được coi ké với ! » … A ! thế giới của « người lớn » có cái gì « ngồ ngộ, hay hay » trong cái nhìn ngô nghê và tinh quái của chúng  tôi … Suốt tuần họ tập dợt ca hát nhộn nhịp để chuẩn bị, trong tiếng đàn vang lừng, họ mặc sức gào đến rát hơi bỏng cổ; đến vã mồ hôi ; cho đến chiều thứ Bảy, cô Phi Anh và gia đình lăng xăng lo cho xong mọi việc của một phòng trà, từ ánh sáng, chỗ ngồi cho đến nước uống trong khi chú Lộc thử âm thanh, xem lại giây đàn … Rồi khán giả lũ lượt kéo đến, tiếng xe máy ồn ào, tiếng cười nói vui vẻ chào hỏi vì hình như họ đều quen biết nhau. Cũng dễ hiểu vì họ cùng ghiền một thứ thuốc phiện, một thứ ma tuý, đó là nhạc của Lê Uyên Phương ; và họ có chung thần tượng là đôi tình nhân tuyệt vời đó … Rồi Lê Uyên và Phương xuất hiện trên sân khấu, như tìm về từ thuở hồng hoang. Phương muôn đời là một lãng tử với cây đàn, Lê Uyên thì diễm ảo trong chiếc áo dài màu thẫm tối mê hoặc lạ lùng ( ngày đó nàng chỉ mặc áo dài khi trình diễn và những màu lam sậm, màu đỏ mận chín, màu xám ngọc … vô cùng quyến rũ dưới ánh đèn dịu mờ). Khán giả rơi vào im lặng, chờ đợi, xao xuyến … Bản nhạc hạnh phúc thật sống động “ Một Ngày Vui Mùa Đông ” bùng lên, mở đầu cho chương trình, tiếp nối là một loạt những sáng tác khác , rồi sự góp vui của các ca sĩ thành viên gia đình và các bạn hữu; khi có các ca sĩ danh tiếng khác từ Sài Gòn lên thì không khí thêm hào hứng và chương trình luôn kết thúc bằng bản « Hãy Ngồi Xuống Đây! » hoặc “ Cho Lần Cuối ”…

          Họ đã cùng nhau hát ca tình yêu, hát ca từ vũng lầy đời sống, từ những đớn đau và hoan lạc … cho chính họ và đam mê rực lửa của đời họ. Rồi giọng hát tiếng đàn đó trong những ca khúc tuyệt đẹp cao vời và u uất thẳm sâu là tiếng mời gọi những tình nhân hãy sống ngay bây giờ và tận hiến cho tình yêu và tuổi trẻ.

         « Cuộc đời như tình yêu, ngày mai sẽ trăm chiều; cuộc đời như tình yêu mình sống trong cô liêu … »

         ( Một Dạ Hội Buồn )

         Nhưng rồi cuộc đời với bao nhiêu biến động … vật đổi sao dời, những ai đã ra đi, những ai còn ở lại, đều trải qua muôn vàn khổ đau nghiệt ngã tiếp nối của kiếp người mà chỉ có âm nhạc của tháng năm nào  mới cứu rỗi và cho ta được nguôi khuây.

        «  … một sự thờ ơ, một niềm im lặng. Chúng ta đã thật quá bé nhỏ giữa cái thế giới rộng lớn này. Chúng ta lại càng bé nhỏ hơn giữa dòng thời gian tạo nên lịch sử nhân loại. »

          ( Lê Uyên Phương, trong tùy bút “ Không Có Mây Trên Thành  Phố Los Angeles  ” ).

         Dòng nhạc của Lê Uyên Phương theo tôi đi mãi trên hành trình giòng đời đầy đau thương thống khổ, với những mộng mơ của tuổi thanh xuân chết yểu, chết quá vội vàng ; nhưng âm thanh đẹp và buồn sống động kia cũng như tiếng mưa ngậm ngùi và màu nắng dịu dàng của vùng trời cao nguyên lồng lộng gió cuốn mây bay đó, đã  nuôi dưỡng hồn tôi và thường xuyên gợi lại trong tôi từng giây phút nhịp sống kỳ diệu êm đềm  của  những  ngày tháng  đó.

      “ Máu biếc xanh trên vai người em nhỏ …

        Mải miết chiều phai em có hai bàn tay đầm đìa hối tiếc …

        Hỡi em còn chờ gì?

         Đợi chờ gì ngoài nguyệt lạnh tử hình tôi trong ngục tối? ”

  ( Máu Biếc Xanh và Ngục Tối - Huy Tưởng, Lê Uyên Phương )

        « Hãy thử hỏi lại ta còn lại gì trong trí nhớ nhỏ nhoi? Là cơn mưa đầu mùa, là tiếng hát vu vơ hay một giây tuyệt vọng? »                 ( Cất Tiếng Hát Giữa Đời  - Lê Uyên Phương )

      

         Chú Lộc đã từ lâu yên nghỉ, với trái tim nhân ái chan hòa tình yêu cho cuộc đời và nhân loại ; vào độ tuổi mà tâm hồn còn ngập cảm xúc và khối óc còn đầy sáng tạo.

        “ Nằm ngủ trong nấm mồ, ta mơ về những gì đã mất, ta mơ về bầu sữa mẹ, mơ về nụ hôn đầu, ta mơ về nỗi chết trong chiến tranh, mơ về nỗi sống trong thù hận, ta mơ về một quê hương xa, ta mơ đến một quê hương gần. Nằm ngủ trong nấm mồ, ta mơ về  những gì đã mất, và nước mắt lưng tròng. ”

  (Đà Lạt Tưởng Niệm Dưới Mặt Đất-Tùy bút Lê Uyên Phương )

        

         Lê Uyên Phương yên nghỉ, rất xa Đà Lạt tuyệt vời yêu dấu đó của người nhạc sĩ lưu vong, rất xa khung trời của riêng mình, khung trời của ngày ngập đầy mây trắng, của đêm lấp lánh ngàn sao. Ở nơi đó nằm im chết những mùa thu dĩ vãng. Ở nơi đó anh, Lê Uyên Phương đã chào đời và hiện hữu, đã mơ mộng, đã sống định mệnh đời mình và đã yêu, đã viết và đã hát, đã dâng cho đời bao giai điệu về tình yêu và hạnh phúc cũng như nỗi đau phận người. Rồi bao năm sống xa quê hương, anh đã buồn khôn nguôi khi nghĩ về vùng thánh địa xa xưa, nhưng đường về quá xa xăm diệu vợi, khi tất cả chỉ còn là hoài niệm và nước mắt, vì những đào bươi kiếm tìm, chắp nối vá víu … từng mảnh vỡ của dĩ vãng, chỉ là hoài không vô vọng. Còn có chăng là âm vọng của dòng nhạc đó, một gia sản tinh thần mà mỗi ca khúc là một viên ngọc quý hiếm, vỗ về hồn người vào những lúc ta cần tìm lại chính mình để được sống khoảng lặng riêng tư và thầm  mong mỏi nghệ thuật sẽ là vĩnh  cửu.

           

              « Tôi đang làm một con chim giữa đời

              cất tiếng hát để đánh thức bình minh

              những  tiếng hát ngắn một giây đồng hồ

              nhưng  dài bằng cả cuộc đời … »

                          ( Lê Uyên Phương  -  Cất Tiếng Hát Giữa Đời )

 

   Bussy Saint Georges, Pháp - đầu thu 2020 - trích từ hồi ký Tuổi  Sương  Mù.

              Viết cho Đà Lạt của tôi, Đà Lạt của những tháng năm đẹp nhất đời người, để tri ân Lê Uyên Phương đã sáng tác, Lê Uyên và  Phương  đã  sống và ca ngợi tình yêu ).

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 2046
Ngày đăng: 06.10.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
"Tháng sáu trời mưa ", một bà hai ông: thơ vào nhạc ... ... - Lê Anh Thu
Vài nét về hai khuôn mặt nổi bậtcủa nhạc Việt đương đại:Lê Cát Trọng Lý và Vũ Cát Tường - Bùi Đức Hào
Bài hát “Bàn tay nhỏ dưới mưa” - Nguyễn Phú Yên
Những hình thức biểu diễn ca nhạc - Tuấn Giang
Nguồn gốc âm nhạc Mông (Hmômgz) - Tuấn Giang
Nhạc tình Boléro trở lại - Phan Văn Thạnh
Nhạc sĩ Xuân Hồng – Trẻ mãi một giai điệu màu xuân - Nguyễn Thanh
Từ lâu đã có Boléro bụi đời, hát rong... - Phạm Nga
Bài ca cứu nước - Nguyễn Thanh
Hát nhạc Trịnh cũng là cách tự ru mình - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)