Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.149
123.226.632
 
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 23: Dưới gốc cây cổ thụ(2))
Võ Anh Cương

 

Vương Đình Huệ ngồi dưới gốc cây cổ thụ, nơi mà cách đây hơn một tuần trăng Huệ và các bạn học viện Langbiang dong bốn người tù binh về trường. Bộ quần áo liền quần Huệ mặc được cô Nghỉ may giúp rất vừa vặn, trông Huệ khác hẳn với bốn người trong đoàn tìm trầm hương. Huệ đang nhìn Trương Đại Quá, dòng mồ hôi nhể nhại trên tấm thân cường tráng của Trương cho biết anh rất khỏe. Thấy Huệ nhìn mình hơi lạ Trương Đại Quá hỏi:

-Ta có gì lạ sao mà em nhìn ta kỹ thế?

Huệ đáp:

-Anh thì không lạ nhưng dòng mồ hôi của anh thì không phải như vậy!

Không chờ Trương hỏi tiếp, Vương Đình Huệ nói liền:

-Mồ hôi khiến cho muông thú và kẻ thù rất dễ phát hiện. Anh không nhận biết được mùi của thân thể mình nhưng họ lại không như vậy, mùi người tố cáo sự có mặt của anh khiến cho con thú anh định săn chạy trốn hay kẻ thù của anh lẫn tránh!

Trương Đại Quá cười:

-Bộ em không ra mồ hôi sao?

Trương Đại Quá có ý muốn dò xem thằng nhỏ lùn này có giống “người” không hay nó lại là một sinh vật khác bọn anh? Lâu nay ý nghĩ này cứ lẩn quẩn trong anh nhưng anh vẫn chưa tìm ra được câu trả lời chính xác. Bất ngờ Vương Đình Huệ cười lớn, dù giọng cười của nó cố tình ra vẻ khoáng đạt nhưng vẫn còn âm hưởng the thé:

-Anh tưởng chúng tôi không phải là người như các anh sao? Anh sai lầm rồi đó anh Quá ạ! Tôi khẳng định với anh, tôi cũng như các anh, cũng phải hít thở, ăn uống ngủ nghỉ giống như mọi người khác. Điều khác biệt giữa chúng tôi và các anh chỉ có hai điều….

“Đã vào trọng tâm mà mình muốn biết” Trương Đại Quá nghĩ vậy và anh hỏi dồn:

-Hai điều nào, liệu em có thể cho ta biết được không?

Vương Đình Huệ nghiêm mặt:

-Tại sao lại không được, ngược lại anh phải cần biết để mà hiểu nghĩa vụ của mình!

Rồi Huệ nói tiếp:

-Điều thứ nhất: chúng tôi là những người do ý muốn của Giàng tạo ra, khác hẳn người thường là các anh. Tóm lại chúng tôi được Giàng chọn, được đào tạo để sau này trở thành những người thông thái. Điều thứ hai: chúng tôi là các ông chủ, còn các anh là người phục vụ!

Vương Đình Huệ sau khi nói xong nhìn Trương cười ngạo nghễ, tia mắt của Huệ nhìn Trương như muốn anh khuất phục dưới ý chí của mình. “Được lắm, rồi tương lai sẽ có câu trả lời chính xác”, Trương Đại Quá dịu nét mặt đang căng thẳng của mình khi nghĩ như vậy. Là một người tập luyện thường xuyên Ngọc Trản thần công, bản tính Trương ngày càng tiến nhập vào cảnh giới của tự nhiên. Tuy chưa đạt cảnh ngộ tùy chỉnh nhưng Trương đã không còn giận dữ mỗi khi có ai đó chọc giận anh. “Giận sẽ mất khôn”, Trương tự dặn mình như vậy. Còn Vương Đình Huệ là học trò xuất sắc của thầy Râu dài, Huệ đang áp dụng thuật Tri tâm khi nói chuyện với Trương Đại Quá. Lần này Huệ thấy Trương sắp xuất hiện những ý nghĩ và điều mong muốn trong thân tâm nhưng bỗng dưng tất cả biến mất, Huệ chẳng tìm ra chút manh mối nào về ý nghĩ chân thực của Trương. Huệ ngạc nhiên hết sức, lần trước khi lấy cung Trương Đại Quá, Huệ đã thành công rực rỡ khi áp dụng thuật này nhưng sao hôm nay lại không? Bất giác Vương nhìn vào gương mặt cương nghị của Trương, Huệ thấy anh đang khép hờ mắt lại. “Vậy là sao?” Huệ tự hỏi. “Không lẽ lần này phương thuật của mình không linh?” Vương nghĩ tiếp, “mình sẽ phải hỏi lại Mat xem có sơ xuất gì không”. Huệ trở lại vẻ trầm tỉnh vốn có của mình để xứng đáng là học trò xuất sắc của Mat.

Cả hai không ai nói với ai sau câu chuyện, ba người Lạch lại càng im lặng, tính họ vốn thế. Vả chăng Trương Đại Quá là già làng của bốn người, trong mọi trường hợp, già làng là người quyết định hết thảy. Trương Đại Quá đứng dậy, anh đến bên con ngựa đang gặm cỏ cách chỗ đoàn người đi lấy trầm hương cỡ một tầm tên bởi chỗ ấy mới ngoài ảnh hưởng của tàng cây cổ thụ họ đang ngồi nghỉ sau một chặng đường dài. Cái dạ dày con min và những vật thiết thực khác cho cuộc hành trình đã được ông K’Rè lấy xuống khỏi mình ngựa để con vật có thể tự do gặm cỏ. Trương Đại Quá xem xét chỗ nước suối Đen bọn họ mang đi. Hôm nay là ngày thứ năm của chuyến lữ hành, số nước còn lại trong dạ dày chắc đủ cho bốn người dùng nếu không có sự cố xảy ra. Trương không hề biết rằng nếu các anh đi lấy trầm kỳ mất mười ngày thì đã vi phạm thời gian mà Bạc Đầu Râu cho phép. Anh cũng không biết Vương Đình Huệ vi phạm kỷ luật của học viện, sau chuyến đi này Huệ phải bị phạt theo luật tục có tự ngàn xưa. Nếu cộng thêm lỗi trễ hẹn với học viện, có thể Vương Đình Huệ sẽ bị kỷ luật nặng hơn. Trương Đại Quá không biết cũng phải thôi bởi Vương Đình Huệ không lộ ra bất cứ điều gì dù chỉ trên gương mặt!

Rừng là chốn bình đẳng cho mọi sinh vật, thiên nhiên vốn dĩ không thiên vị bất cứ vật nào. Đây là thái độ lãnh khốc vô tình, từ đó mới tạo ra được cuộc đấu tranh để sinh tồn và như vậy vạn vật mới phát triển được. Trương Đại Quá nhận thức điều này rất rõ ràng nhưng anh không thể diễn tả bằng lời. Ngược lại Vương Đình Huệ dường như không quan tâm đến điều đó, Huệ là một phần tất yếu của tự nhiên như Mat, Bạc Đầu Râu hay hàng thông đỏ ngăn cách học viện với thế giới bên ngoài.

Vương Đình Huệ gọi to:

-Anh Quá, ta bắt đầu thôi!

Trương Đại Quá trở lại chỗ ngồi ban nãy, anh hỏi Huệ:

-Theo em ta bắt đầu từ đâu?

Vương Đình Huệ không ra vẻ lưỡng lự, dường như chuyện này đã được Huệ nghiền ngẫm từ lâu, Huệ đáp:

-Anh và ông K’Rè tìm quanh gốc cây này về phía bắc, còn hai người này, Huệ chỉ K’Quang và K’Sa theo tôi đi tìm về phía nam của gốc cây, ta bắt đầu thôi!

Vừa quan sát gốc cây theo chỉ định của Vương Đình Huệ, Trương Đại Quá vừa suy nghĩ riêng trong đầu. Trước khi bị bắt về học viện Langbiang, anh đã đi tìm quanh gốc cây này đến mấy vòng mà chẳng thấy điều gì kỳ lạ cả. Những hốc nhỏ tạo ra dưới gốc cây đều nông choẹt chẳng có gì trong đó ngoài chút lá khô mà gió lùa vào. Chỗ ấy tạm trú qua đêm thì được chứ là nơi chứa trầm kỳ thì không thể. Nay thằng nhỏ lùn giao cho anh đi tìm lại, ừ thì đi nhưng chắc không có gì bất ngờ. Anh cũng đã nới rộng phạm vi tìm kiếm nhưng vẫn không phát hiện điều gì lạ. Nếu trong ngày mai mà cuộc kiếm tìm không có kết quả, đoàn phải trở về bởi chẳng ai trong số bốn người bọn anh muốn Thần núi bắt mất linh hồn!

Về phía Vương Đình Huệ và hai người Lạch cũng không khác gì Trương Đại Quá, họ cẩn thận xem xét từng chút một gốc cây cổ thụ, phía trên đầu họ bầy khỉ khọt khẹt tò mò nhìn xuống, chúng nắm tay nhau tiến sát đầu K’Sa, con bên dưới cùng bỗng dùng bàn tay lông lá của nó vỗ vào đầu K’Sa rồi cả bọn tản mát thật nhanh vào tán lá cây cổ thụ. K’Sa tức giận nắm tay dọa bầy khỉ phá phách nhưng không biết phải trừng trị chúng sao cả! Trương Đại Quá cười:

-K’Sa à, đừng giận bầy khỉ làm gì, chúng có hiểu gi đâu!

Đúng vậy, khỉ là sinh vật sống bầy đàn nhưng rất có kỷ cương. Chính kỷ luật là sự kết dính tính cộng đồng của bầy khỉ, một khi bị cộng đồng ruồng bỏ có nghĩa là cuộc sống của con khỉ vô phước đó sắp chấm dứt: không vào bụng con vật ăn thịt khác trong chuỗi thức ăn của tự nhiên thì cũng chết bởi sự buồn thảm!

Bỗng một mũi tên bất thần xuất hiện, con khỉ trêu chọc K’Sa trúng tên kêu thảm một tiếng rồi rơi bịch xuống đất, đôi mắt nó trợn giọc, vẻ kinh hãi tột cùng chưa kịp tiêu trừ thì nó đã chết, có lẽ nó không hiểu vì sao cái chết đến với nó mau như vậy!

Một người lạ xuất hiện trước mặt đoàn người, gương mặt đen đúa đầy vẻ khắc khổ đang cố tạo ra một nụ cười. Người đàn ông chấp tay lại, đầu cúi xuống chào:

-Xin chào…ta là Dê A Vê!

Cúi xuống xem xét con khỉ xấu số, ông Dê A Vê nói tiếp:

-Con vật hỗn hào này đáng chết, ta thay người anh em trị tội nó!

Ông Dê quay qua nhìn K’Sa, dường như ông đang chờ đợi từ người thanh niên Lạch một lời cảm ơn? K’Sa im lặng, ánh mắt anh không toát lên vẻ cảm kích hay vui mừng gì cả bởi trong tất cả các trường hợp già làng là người quyết định hết thảy. Quá quen với cảnh tượng này, Trương Đại Quá nhìn qua Vương Đình Huệ, ánh mắt anh ngầm nói tạm thời chấm dứt câu chuyện tìm kiếm trầm kỳ ở đây, mọi chuyện để anh đối phó với người lạ. 

Trương Đại Quá cũng chấp tay và đầu cúi xuống chào giống như ông Dê vừa làm lúc nãy:

-Xin chào người anh em Lao Ốt, xin cảm ơn ông vì mũi tên giết con thú hỗn láo kia!

Thực tâm đó chỉ là một câu xã giao bởi Trương Đại Quá trong bụng không nghĩ như vậy, con khỉ kia tuy có hỗn hào nhưng không phải vì vậy mà đi tước đoạt mạng sống của nó! Trương Đại Quá nói vậy nhưng trong ánh mắt anh không toát lên vẻ cảm kích nào, ngược lại nếu người đại diện đối đáp trong đoàn tìm trầm kỳ là ba người Lạch hay ngay cả Vương Đình Huệ, có lẽ với tính cách thẳng thắn của họ sẽ dẫn đến xung đột mất thôi!

Ông Dê A Vê tỏ vẻ ngạc nhiên:

-Người anh em làm sao biết ta là người Lao Ốt?

Trương Đại Quá cười, anh không trả lời câu hỏi của người Lao Ốt, anh nói:

-Tứ hải giai huynh đệ, anh em bốn biển đều là người một nhà, người anh em đừng để bụng làm gì!

Câu này Trương Đại Quá học được từ người bán quán nghèo ở thôn Trường Định quê anh, khi ông kể cha ông với chiếc ghe bầu đi buôn bán tận miệt đàng trong, ở đâu ông cũng có bạn cả nên hay nói câu này để chỉ sự giao thiệp rộng của mình.

Ông Dê A Vê nhìn dưới gốc cây cổ thụ rồi ngước lên hỏi tiếp:

-Người anh em đang tìm gì vậy, nếu các người không ngại nói ra, ta có thể giúp được mà!

Trương Đại Quá thầm khen hay, một câu thôi mà ông Dê xa lạ kia vừa có thể hiểu được đối thủ vừa làm ra vẻ mình là người hay giúp đỡ người khác. Trong thiên nhiên hoang dã, sự giúp nhau là vô cùng quý báu nhưng con người thường hay cảnh giác với những người mới gặp mặt lần đầu bởi biết đâu vì sự cạnh tranh sinh tồn mà người lạ mặt có thể dùng bất cứ thủ đoạn nào để chiếm tiện nghi cho mình. Tiện nghi ấy chỉ có thể là không gian sống, mà không gian sống quyết định sự sinh tồn nên ở các bon làng tính bộ tộc được đặt lên hàng đầu. Trương Đại Quá đã có mấy năm lang thang qua nhiều bộ tộc trên vùng cao này nên anh đã có chút kinh nghiệm, Trương đáp:

-Ồ không có gì là nghi ngại cả, thưa ông Dê! Chúng tôi đi tìm nấm linh chi về làm thuốc cho bon làng Cây ngo đỏ!

Chỉ tay về phía ông K’Rè, Trương giới thiệu:

-Đây là ông K’Rè, già làng của bon, còn K’Sa và K’ Quang là hai thanh niên trong bon Cây ngo đỏ. Tôi là Trương Đại Quá, y sư và là khách của bon ông K’Rè. Tôi người Việt đến bon Cây ngo đỏ theo lời mời của ông K’Rè để chữa cái bệnh bụng to, vàng da vàng mắt của mấy người trong bon.

Quay qua Vương Đình Huệ, Trương Đại Quá nói tiếp:

-Đây là cháu Huệ gọi tôi bằng cậu đang học nghề thuốc.

Ông Dê A Vê cười nói:

-Hóa ra người anh em là dân Kinh, thảo nào ta thấy khác mấy người này!

Trương Đại Quá cũng cười:

-Thực ra cũng không có dân tộc nào gọi là Kinh hết, từ thời chúa Nguyễn lên ngôi vua mới sai người từ kinh thành về làm quan khắp đất nước nên mới gọi như thế.

Ông Dê không tỏ vẻ gì:

-Thì ra là vậy…người anh em đã tìm ra cây nấm linh chi chưa?

Trương Đại Quá lắc đầu, anh hỏi lại ông Dê:

-Nếu ông biết chỗ nào có nấm linh chi chỉ giúp chúng tôi thì chúng tôi rất biết ơn.

Nói xong, Trương Đại Quá mô tả loại nấm này và vẽ hình nấm trên mặt đất. Nhìn nét mặt của ông Dê, Trương Đại Quá biết ông ta đã tin quá nửa lời mình, ông Dê đáp:

-Tưởng gì, người anh em tìm loại nấm này ở đây không có đâu, ta thông thuộc vùng này nên biết nấm linh chi hay mọc ở những rừng thông. Ông Dê tiếp:

-Ta vừa đi ngang qua một cánh rừng, ông lấy tay chỉ cụm rừng xa xa xanh thẫm một góc trời, người anh em đến đấy tha hồ lấy nấm.

Trương Đại Quá vội vàng cám ơn ông Dê A Vê, anh nhìn Vương Đình Huệ rồi nói với ông K’Rè:

-Già làng, ta gặp may rồi mau đi đến lấy nấm!

Trương Đại Quá lại chấp tay và cúi đầu chào ông Dê, anh hối thúc mọi người thu dọn đồ đạt rồi tiến về con ngựa sau khi nói lời tạm biệt với người xa lạ. Đi được một đoạn, ông Dê A Vê gọi to:

-Khoan đã người anh em!

Trương Đại Quá ngạc nhiên, anh dừng lại hỏi:

-Có gì vậy hả ông?

Ông Dê A Vê chỉ con khỉ nói:

-Người anh em đem theo làm thực phẩm!

Trương Đại Quá lắc đầu:

-Cám ơn tấm thịnh tình của ông, chúng tôi không thể nhận món quà này vì bon Cây ngo đỏ không ăn thịt khỉ, điều này bị ông bà cấm.

Trương Đại Quá nói đúng, một số bon làng ở vùng cao này có những cấm kị riêng. Anh không biết bon Cây ngo đỏ có cấm ăn thịt khỉ hay không, nhưng anh không muốn rắc rối với một người lạ mặt, một vị khách không mời nên mới nói thế.

Nghe Trương Đại Quá nói vậy, ông Dê A Vê đáp:

-Vậy thì ta mang con thịt này về thôi. 

Nói xong ông quay mặt đi không thèm nhìn đoàn người tìm trầm nữa.

Chờ cho ông Dê đi khuất tầm mắt, Vương Đình Huệ nói với vẻ mặt giận dữ:

-Tại sao anh không xin phép tôi mà tự tiện làm thủ lĩnh, anh nên nhớ anh chỉ là người phục vụ mà thôi?

Huệ gương mắt đỏ ngầu nhìn Trương chờ câu trả lời, anh từ tốn nói:

-Xin lỗi em và cả bác K’Rè, tự nhiên ta lại gặp ông Dê, ta không biết được ông ấy là người tốt hay kẻ xấu nên không thể cho biết mục đích chuyến đi của ta. Ta biết nếu để em hay bác K’Rè đối đáp với ông Dê, với tính chân thực của mình, em sẽ nói ra tất cả, điều ấy là không tốt. Ta phải vừa thực vừa giả để ông ấy không nghi ngờ và có hành động bất lợi cho ta!

Nét mặt của Vương Đình Huệ dịu xuống, Huệ không nói ra nhưng trong thâm tâm anh biết rằng Trương Đại Quá nói đúng. Trương Đại Quá không nói gì nữa, anh giục mọi người nhanh chân đi đến cánh rừng thông trước mặt.

 

CHƯƠNG 24

KỲ MỸ NỮ

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 731
Ngày đăng: 13.10.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 22: Dưới gốc cây cổ thụ (1)) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 21: Tao ngộ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm :Tiểu thuyết ( Chương 20 : Đêm trường ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 19: Một mình giữa rừng ma) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 18: Lên đường ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 17: Khai tâm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 16 : Gặp Bạch Hổ lúc nửa đêm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 15: Tương tư) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 14: Phiên bản) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 13: Trở thành người phục vụ) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)