Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.229.364
 
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 24: Kỳ mỹ nữ)
Võ Anh Cương

 

Ông Dê A Vê chia tay Trương Đại Quá, ông đi thẳng một lèo không ngó nghiêng ngó ngửa gì cả. Qua bộ dạng bên ngoài, ông cố làm ra vẻ hoàn toàn tin tưởng vào lời nói của chàng trai xa lạ. Thực ra ông Dê vận Tri tâm thuật hay một phương thuật gần như thế để cố tìm hiểu tâm cảnh của Trương Đại Quá, ông phải biết càng nhiều càng tốt chuyện của 5 người lạ mặt dưới gốc cây cổ thụ, ông vẫn còn nghi ngờ Trương Đại Quá giải thích sự hiện diện của anh tại nơi này. Đặc biệt trong đoàn khách lạ mặt có một thằng nhỏ lùn, nó không hé nửa lời nhưng từ nó phát ra một vẻ ngụy dị khiến ông phải lưu tâm cảnh giác. 

 

Những hình ảnh ông Dê A Vê thu được qua tâm cảnh của Trương Đại Quá rất lạ lùng, những hình ảnh ấy rất rõ nét khi chàng trai trả lời câu hỏi của ông nhưng ẩn chứa đằng sau những hình ảnh ra vẻ thật thà đó phảng phất một điều gì đó không ổn. Ban đầu ông Dê tin Trương Đại Quá là người đi tìm dược liệu chữa bệnh cho bon Cây ngo đỏ như anh nói nhưng liền sau cảnh ngôi nhà dài lại mường tượng có hình ảnh của một người đàn ông để râu dài và mặc áo liền quần khi ông đảo tia mắt qua Vương Đình Huệ. Thằng nhỏ lùn nhanh như con nai trên trảng cỏ, nó cụp mắt xuống khi ông nhìn qua nó một cách bất ngờ nhưng chỉ một sát na thôi cũng đủ để ông bắt được hình ảnh người đàn ông bí ẩn ấy. Hình ảnh ông râu dài rất đặc biệt và trông rất quen thuộc nhưng trong lúc thảng thốt ông chưa nhớ được là ai!

 

Vì vậy ông Dê A Vê mới chỉ chỗ có nấm linh chi cho Trương Đại Quá ở cánh rừng thông trước mặt để làm một phép thử. Nấm linh chi thường mọc ở những chỗ khô ráo và phải có cây phù hợp làm giá thể, ở cây thông, nấm linh chi đỏ có rất nhiều. Linh chi đỏ là thứ linh chi quý giá nhất, dược liệu có trong nấm gấp tới hai, ba lần loài linh chi đen hay  linh chi vàng. Nước nấu từ nấm linh chi là một loại nước uống tăng cường sức khỏe con người rất hiệu nghiệm, nhất là sau cơn bạo bệnh. Khi ông chỉ chỗ lấy nấm cho Trương Đại Quá chính là bài toán ông Dê đặt ra và đáp số sẽ có trong một hai canh giờ sau đó tùy theo phản ứng của đoàn người xa lạ, ông tin như vậy. Ông âm thầm dùng thuật theo dõi để thử xem có phải đoàn người lạ mặt đúng là đi tìm dược liệu hay là có mục đích khác tại gốc cây cổ thụ?

 

Về phần Trương Đại Quá và đoàn tìm trầm kỳ, khi đã nói lời tạm biệt với ông Dê A Vê, anh dẫn đoàn đi thẳng đến cánh rừng thông mà người lạ mặt chỉ. Anh cũng không hề quay mặt lại về phía sau một lần nào mà luôn miệng nhắc mọi người đi nhanh thôi. Cánh rừng thông chia cắt bởi trảng cỏ dại với nhiều thứ lùm bụi mọc vô trật tự, ngoài cửa rừng thiên nhiên lại cho xuất hiện một loài cây dẻ gai với hai màu lá: bên trên xanh thẫm, bên dưới mang màu xám bạc, dường như loài cây này là lời báo hiệu rằng trảng cỏ đến đây là hết. Trương Đại Quá nói:

-Tất cả mọi người đi nhanh vào rừng thông, bác K’Rè anh K’Quang và K’Sa nấu ngay cơm chiều, cháu bàn với Huệ chút chuyện!

Vương Đình Huệ ra vẻ bất bình với khẩu lệnh của Trương Đại Quá nhưng vì lời giải thích lúc nãy của Trương nên anh tạm thời nhẫn nhịn. Mat thường dạy học trò của mình “các con phải làm chủ cảm xúc của mình không để cho giận giữ chiếm lĩnh thân tâm các con, như thế các con mới chế ngự được mọi hoàn cảnh và chiếm lợi thế về mình”. Rồi ông truyền pháp môn cho lũ học sinh đang há hốc mồm nghe ông giảng, pháp môn ấy rất đơn giản mà đứa nào cũng có thể thực hành được: hít vào thật sâu, thật chậm và thở ra thật dài, thật êm; giữa hai nhịp là một khoảng nín hơi bằng với thời gian của hai nhịp kia! Nãy giờ Vương Đình Huệ áp dụng pháp môn của thầy đến lần thứ tư mới áp chế được cơn giận đang nung nấu trong lòng. Cũng phải thôi, Vương Đình Huệ là đại biểu của những người thông thái trong một ngôi trường danh giá; đang là người chỉ huy bỗng dưng biến thành người nghe lệnh thì không tức giận sao được chứ?

Khi cả hai ngồi dưới một gốc cây thông to, gốc của nó dễ đến ba người ôm, có lẽ nó sống trên trăm năm tuổi nên mang vẻ trầm mặc của một nhà hiền triết? Vương Đình Huệ hỏi:

-Chuyện gì anh nói đi?

Trương Đại Quá cúi người xuống, anh nói:

-Em thấy bụi rậm kia không?

Tay Trương chỉ một bụi thủy trúc rất tốt, bụi cỏ cao có lẽ tới ngực anh. Vương Đình Huệ ngạc nhiên:

-Thấy rồi, có gì đặc biệt đâu?

Thủy trúc là một loại cỏ rất đẹp, ở trảng cỏ này nó tốt gấp mấy lần so với vùng đồng bằng. Bụi thủy trúc mà Trương Đại Quá chỉ cho Vương Đình Huệ xem lại đặc biệt tốt, dường như nó muốn vượt chiều qua cao của các loại mua sim mọc rải rác trong trảng cỏ. Trương Đại Quá trả lời:

-Em nhìn kỹ đi, bụi cỏ đang di dộng!

Quả vậy, bụi thủy trúc như bị ma làm! Cây cối không bao giờ di chuyển được, di chuyển là đặc ân của tạo hóa dành cho động vật mà thôi. Vương Đình Huệ chăm chú nhìn bụi cỏ, quả nhiên đúng như lời Trương nói, bụi thủy trúc từ từ di động, càng lúc nó càng xa cánh rừng thông nơi đoàn trầm kỳ đang ẩn náu.

-Đó là ông Dê A Vê!

Vương Đình Huệ vụt hiểu tất cả, hèn nào nãy giờ Trương Đại Quá chỉ chăm chăm giục mọi người đi nhanh! Anh nói:

-Để tôi!

Nói xong Vương biến mất như có phép tàng hình! Trương Đại Quá ngạc nhiên, anh không biết Vương Đình Huệ có thuật ẩn thân, đó là một môn phương thuật mà bất cứ học viên nào của học viện Langbiang phải thành thạo ở lớp Nhập môn. Vương Đình Huệ là học trò ưu tú của Mat, tất nhiên thuật ẩn thân của anh rất cao cường! Nói chung phương thuật này cũng không có gì là bí hiểm, chỉ là người thực hiện phải có óc quan sát thật nhanh, tận dụng mọi điều kiện chung quanh và có vài pháp bảo hổ trợ! Một trong những pháp bảo mà Vương Đình Huệ có được là một tấm lưới hai mặt, một mặt giúp anh biến thành một đám cỏ xanh, mặt kia là một tổ mối! Tấm lưới đó khi vung ra có thể bao phủ một vùng rộng cỡ hai sải tay còn khi vo lại thì nó nằm gọn trong lòng bàn tay nhỏ bé của Vương Đình Huệ. Khi Mat giúp đứa học trò cưng của mình làm tấm lưới này, Mat nói:

-Tùy ngộ tính của từng đứa, các con sẽ đạt thành quả khác nhau. Anh em nhà K’RaJan chúng chỉ làm được pháp bảo giống đám cỏ gừng mà thôi, còn ụ mối nếu nhìn kỹ thì sẽ khám phá ra ngay khiếm khuyết! Ta không nói pháp bảo của con tốt hơn của anh em nhà K’RaJan nhưng sự thực chứng tỏ rằng con không phụ sự giảng giải của ta. Con biết tìm đúng cây I è sống cạnh nguồn nước mới cho ra loại tơ mãnh giống sợi tơ nhện. Anh em nhà K’RaJan lại tìm cây I è nơi gò đống, hừ!

Phải mất ba tuần trăng Vương Đình Huệ mói dệt ra tấm vải bảo bối của mình!

Lúc ông Dê A Vê quay lưng về hướng ngược lại, Vương Đình Huệ đã tiếp cận được ông. Anh biết đây là một đối thủ lợi hại nên không dám tiến quá gần. Bụi cỏ sả có thân cao mọc rất mạnh này dường như lại càng phát triển tốt hơn trên đồng đất thảo nguyên, Vương Đình Huệ đang nằm trong đó dể quan sát ông Dê. Ông Dê A Vê quay lại  phía sau, ông không chút ngạc nhiên khi cặp mắt ông lướt qua bụi cỏ, cỏ trên thảo nguyên là một phần tất yếu của cuộc sống này mà! 

 

Lúc ông theo dõi đoàn người lạ mặt từ trong bụi thủy trúc, ông không phát hiện điều gì khác thường sau một hồi đi theo từ phía sau. “Ít nhất chàng thanh niên đó phải quay lại nhìn về phía sau chí ít là một lần, sao lại thế?”. Dường như có gì không ổn trong dáng đi của chàng trai, có thực sự phải chứng tỏ cho “ai đó” thấy rằng mình đang nôn nóng? Đây là điểm bất thường và mấu chốt là ở điểm này, ông Dê mừng rỡ khi phát hiện ra điều đó! Hóa ra linh tính của ông mách bảo ông rằng chàng thanh niên chưa nói hết sự thật, rằng cách vội vã đi tìm ngay thứ linh chi rừng là để che giấu mục đích thực sự của bọn họ. Nhưng rốt cuộc mục đích của bọn họ là gì?

Ông Dê A Vê vừa đi vừa suy nghĩ câu hỏi hóc búa. Lúc nãy họ tỉ mẩn dò từng chút một quanh gốc cây. “Hay mặt đất nơi ấy có gì bí hiểm?” ông Dê nghĩ. “Tốt nhất mình phải quay lại chỗ gốc cây cổ thụ ấy ngay”, ông tự nhủ. Chính vì mải suy nghĩ về hành động của mình, ông Dê quên mất một câu châm ngôn tối thượng mà ông từng chiêm nghiệm “đừng để cảm quan của bạn lôi kéo bạn đi”. Ông không hề biết một ụ mối xuất hiện bên cạnh lối ông đi, nó xấu xí và u ám làm sao!

 

Ông Dê A Vê đã đi đến gốc cây cổ thụ, trời vẫn trong xanh nhưng biết đâu chốc nữa thôi mọi chuyện sẽ khác. Trên tán cây, bầy khỉ sau một hồi sợ hãi vì một con bị bắn chết đã trở lại hoạt động bình thường. Con đầu đàn vẫn dáng vẻ lười nhát, nó nằm im như đang suy gẫm chuyện đời nhưng ông Dê biết rằng mọi chuyện đều không qua khỏi cặp mắt của nó. “Mặc kệ nó, ta làm việc của ta”, ông nghĩ. Ông cẩn thận xăm xoi mặt đất, dưới tàng cây bộ rễ xù xì nổi lên mặt đất, không loài cỏ dại nào sống được nơi này bởi ánh sáng mặt trời không soi thấu đến đây. Vạn vật đều cần ánh sáng mặt trời, dưới ánh sáng mặt trời không điều gì che giấu được, đây là chân lý của cuộc sống, ông Dê tin chắc như vậy. “Dưới mặt đất không có gì khác biệt thì tìm ở đâu?”, ông Dê A Vê tự hỏi. Mắt ông bỗng sáng lên: “gốc cây, tại sao không?”.

Việc đi quanh gốc cây cũng không có kết quả gì, gốc cây vốn dĩ vẫn thế từ ngàn năm trước, có khác chăng là càng lâu năm gốc càng già hơn. 

 

-Vậy điều bí mật ở đâu, ở đâu…ở đâu….

Ông Dê A Vê bực tức dùng cây rìu ném mạnh vào gốc cây, cây rìu rơi xuống mặt đất vang lên một tiếng bịch. Ông Dê mắt sáng rỡ, ông cúi xuống nhặt cây rìu rồi vừa đi quanh gốc cây vừa gõ.  Bỗng ông cười vang thích thú:

-Có thế chứ, ha ha ha….!

Hóa ra lúc cây rìu đánh vào một chỗ hơi lõm của gốc cây thì vang lên một tiếng “boong”, đây chính là tiếng của loại đá được dùng làm đàn mà người ta hay gọi là đàn đá. Sau cơn hưng phấn, ông Dê A Vê cẩn thận dùng lưỡi rìu bổ vào chỗ gốc cây khác lạ. Lát sau một hòn đá lớn màu xám nặng nề ngả xuống đất sau một động tác nạy của ông Dê. Một lỗ hổng trong gốc cây hiện ra trước mặt hai người: một người là ông Dê – tất nhiên như thế và người thứ hai là Vương Đình Huệ, lần này anh ẩn dưới hình dáng của một cái rễ cây to!

Ông Dê A Vê  cẩn thận chui vào hang, lát sau ông vui vẻ chui ra, trên tay ông cầm một khúc rễ cây to bằng cánh tay người lớn màu đen nhánh. Vừa nâng tảng đá lên đậy lại lỗ hổng, ông Dê vừa lẩm bẩm:

-Ngày mai ta sẽ di chuyển chỗ kỳ nam này đi nơi khác, bây giờ sắp tối rồi!

Nói xong ông Dê A Vê nhanh chóng biến mất. Đồng thời lúc đó một khúc rễ cây cổ thụ cũng bỗng dưng biến mất, núi rừng trở lại với vẻ thần bí của nó bởi chính lúc ấy màn đêm vừa buông xuống.

Bên ánh lửa trong trong rừng thông, Vương Đình Huệ hoan hỉ nói:

-Cuối cùng chúng ta cũng đi trước ông Dê A Vê một bước, anh Quá ta khơi to đống lửa trại để xem kỹ chỗ kỳ nam này được chứ?

Trương Đại Quá nhìn ông K’Rè:

-Ta nghĩ là không có vấn đề gì…nhưng cũng phải hỏi ý chủ nhân đích thực của chỗ kỳ nam này đã. Bác K’Rè bác thấy sao?

Ông K’Rè vẫn trầm ngâm như ông vốn thế, ông nói:

-Các cháu cứ xem…còn ta chỉ mong đổi ít trầm kỳ lấy muối cho bon làng của ta thôi!

Vương Đình Huệ dõng dạc tuyên bố:

-Bác yên tâm, tuần trăng sau tôi sẽ cho người mang muối đến bon Cây ngo đỏ!

Một ánh mừng vui xuất hiện trên mắt ông già nhưng nó nhanh chóng biến mất. Trương Đại Quá bận khơi to ngọn lửa nên không thấy vẻ vui mừng của ông K’Rè, dưới ánh lửa đêm rừng đống kỳ nam màu đen được soi rõ. Trương Đại Quá và Vương Đình Huệ xăm xoi từng khúc kỳ nam, Quá lấy xà gạc gọt một chút vỏ của khúc kỳ nam đang cầm trên tay, anh bỏ vào đống lửa đang rừng rực cháy. Một mùi thơm kỳ diệu bốc ra khiến mọi người ngây ngất. Bỗng nhiên Vương Đình Huệ kêu to:

-Anh Quá xem này!

Vương Đình Huệ đưa khúc kỳ nam anh đang cầm trên tay cho Trương Đại Quá, tay anh vẫn còn run khi Quá tiếp lấy khúc kỳ nam bởi đó là bức tượng một người con gái đẹp không chút tì vết, mắt và môi kỳ mỹ nữ dường như đang cười chào tất cả mọi người đang ngồi im như phổng ngắm nàng!

 

CHƯƠNG 25

BẢY CON VE SẦU

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 638
Ngày đăng: 17.10.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 23: Dưới gốc cây cổ thụ(2)) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 22: Dưới gốc cây cổ thụ (1)) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 21: Tao ngộ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm :Tiểu thuyết ( Chương 20 : Đêm trường ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 19: Một mình giữa rừng ma) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 18: Lên đường ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 17: Khai tâm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 16 : Gặp Bạch Hổ lúc nửa đêm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 15: Tương tư) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 14: Phiên bản) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)