Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.214.245
 
Chữ Quốc Ngữ dưới mắt một nhà cai trị Pháp cuối thế kỷ XIX
Thiếu Khanh

 

Gần một tuần nay không khoẻ, không ngồi làm việc được, bèn nhân đó nghỉ ngơi và đọc hết cuốn sách CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC TẠI NAM KỲ CUỐI THẾ KỶ 19 do anh Lại Như Bằng vừa gởi tặng.

Cuốn sách là bản dịch các tập tài liệu: “Tiếng Pháp và Nền Học Chính taị Đông Dương (La langue française et l’enseignement en Indo-chine), gồm những “thông tri” của Etienne Francois Aymonier, Giám đốc Trường Thuộc địa tại Paris được đọc trong hai Hội nghị Thuộc địa tổ chức tại Paris vào hai năm 1889  và 1890, và bài phản biện của Emile Roucoules, hiệu trưởng Trừờng Trung học Chasseloup-Laubat ở Sài Gỏn: “Tiếng Pháp, chữ quốc ngữ và nền học chính tại Đông Dương – trả lời ông Aymonier” (La langue française, le quốc ngữ  et l’enseignement en Indo-chine  - Réponse à M. Aymonie,r”  và một bài viết khác cũng của Emile Roucoules, “Nghiên cứu về giáo dục công ở Nam Kỳ (Etude sur l’instruction publique en Cochinchine.”  

Chủ đề chính của cuốn sách là về nền học chính (hoặc nền giáo dục) Pháp tạị Nam Kỳ, nhưng tôi chỉ quan tâm đến sự phát triển của chữ quốc ngữ trong thời kỳ còn sơ khai, và nhân đây tìm hiểu xem người Pháp đã bắt đầu xoay sở như thế nào  áp đặt nền giáo dục của họ trong giai đoạn đầu của nền đô hộ, khi người cai trị mới đến và người dân bị trị chưa thể giao tiếp được với nhau bằng ngôn ngữ; giữa họ chỉ mới có một dúm chữ viết ký âm tiếng nói của dân bản xứ bằng chữ cái La tinh, là thứ ký tự quen thuộc của người Tây phương.

Tuy cuốn Từ Điển Việt Bồ La ( Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) đã ra đời từ năm 1651, nghĩa là cho đến khi Hải quân đô đốc Pháp Rigault de Genouilly chiếm được thành Gia Định vào năm 1859, tiếng Việt đã được ghi âm bằng chữ cái La Tinh từ hơn hai trăm năm rồi, thế nhưng, cho đến lúc đó thứ chữ viết mới này chưa có tên gọi chính thức và đang còn ở giai đoạn phát triển; hơn nữa nó chỉ mới được một số giáo dân bản xứ sử dụng trong nhà thờ, còn đa số dân chúng nói chung thờ ơ, và giới sĩ phu chống đối và tẩy chay. Loại văn tự “truyền thống” và chính thức lưu hành lúc bấy giờ là chữ Hán và chữ Nôm

Hai năm sau khi chiếm được Sài Gòn, năm 1861 người Pháp đã mở trường Thông ngôn tại Sài Gòn, đào tạo một số người biết tiếng Pháp để làm việc cho họ. Ngay từ đầu người Pháp muốn dùng chữ Pháp thay thế chữ Hán trong giáo dục từ cấp thấp nhất trong làng xã trở lên. Muốn vậy thì phải mở trường đào tạo ngay từ trong mỗi làng xã. Đây là một chuyện vạn nan. Nhất thời chính phủ Pháp không tìm đâu ra đủ người có trình độ sư phạm cần thiết và có đủ tiền bạc để mở trường mở lớp dạy trẻ em miễn phí trong hàng ngàn xã khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. (Khômg những miễn phí mà có lẽ phải có học bổng hậu hĩ thì may ra người ta mới cho con em mình đi học!) Vả lại những ông thầy người Pháp bên mẫu quốc mới qua, không biết một tiếng bản xứ nào, càng không đọc được một chữ Hán hay một chữ Nôm, mà học trò bản xứ cũng ngơ ngác không biết tiếng Tây thì việc dạy dỗ là cực kỳ khó khăn, nếu không nói là hoàn toàn bất khả.

Ngày 15/4/1865, tờ Gia Định Báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên, ra đời tại Sài Gòn, sử dụng chữ viết mới gọi là “chữ Tây quốc ngữ.” Lần đầu tiên chữ quốc ngữ bắt đầu có tên.

Thế là người Pháp sử dụng ngay chữ “Tây quốc ngữ” có sẵn vừa nhanh vừa tiện. Ngày 22/2/1869 Thống đốc Nam Kỳ là Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier, ký nghị định bắt buộc dùng chữ quốc ngữ bằng chữ cái Latinh thay thế chữ Nho trong các công văn của chính quyền ở Nam Kỳ. Từ đây chữ quốc ngữ chính thức có tên gọi này – chữ quốc ngữ.

Ngày 6/4/1878, Thống đốc Nam Kỳ, lần này là Chuẩn đô đốc Louis Charles Georges Jules Lafont, ký Nghị định 82 ấn định “Kể từ mồng một Tháng Giêng năm 1882 tất cả văn kiện chánh thức, nghị định, quyết định, lịnh, án tòa, chỉ thị... sẽ viết, ký tên và công bố bằng chữ Quốc ngữ.

Đó là hai điểm mốc quan trọng và quyết định, thúc đẩy sự phát triển của chữ quốc ngữ.

Nhưng theo Aymonier, đó là một sự sai lầm trong chính sách giáo dục của Pháp áp dụng ở thuộc địa trong thời kỳ mới bình định xong đất Nam Kỳ.

Etienne Francois Aymonier, giám đốc Trường Thuộc địa ở Paris (trường đào tạo nhân viên phục vụ tại các thuộc địa của Pháp), một cựu sĩ quan trong lực lượng viễn chinh Pháp, tốt nghiệp trường Võ bị nổi tiếng Saint Cyr, từng là công sứ pháp tại Nam Kỳ, từng tham gia tiêu diệt phong trào Cần Vượng tại Bình Thuận. Aymonier lấy vợ người Chăm, biết tiếng Chăm, Khmer và tiếng Việt,  

Theo Aymonier, đáng lẽ ngay từ đầu, người Pháp nên cưỡng bách dạy tiếng Pháp cho dân bản xứ, biến người Việt thành người Pháp-Á Đông để sau này dù có được trả chủ quyền người Việt vẫn gắn bó với “mẫu quốc” Pháp. Ông thậm chí chủ trương dạy tiếng pháp “bồi” (mà ông gọi là tiếng Pháp “tóm gọn” – sabir.) cho người bản xứ để nhanh có kết quả “nhằm tạo ra một nước Pháp-Á-Đông gắn bó chặt chẽ với nước Pháp-Âu-Châu bằng một sự hoà đồng tư tưởng và tình cảm, điều kiện duy nhất để nước Pháp có thể trực tiếp thừa hưởng những tiến bộ tương lai của thuộc địa.”(24) (Từ đây, những con số trong ngoặc đơn trong bài viết là số trang trong sách mà những đoạn văn được trích dẫn)                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                              

Thế nhưng các viên toàn quyền trước đó đã sai lầm nghiêm trọng khi ra sức bắt dân An Nam học chữ quốc ngữ trong suốt 30 năm trời, tiêu phí của công quỹ Pháp đến 30 hay 40 triệu franc, mà ngay cả giới “sĩ phu bản xứ” cũng tỏ tra khinh bỉ sâu sắc thứ chữ quốc ngữ này. Aymonier gọi chữ quốc ngữ là chữ An Nam viết bằng chữ cái của Pháp thay vì hoặc chỉ một đôi khi ông chịu gọi là chữ cái La tinh, và ông gọi thứ ngôn ngữ của người Việt là “tiếng An Nam thông tục” (Annamite vulgaire), “một phương tiện rất thô sơ [… ] cho những ai có ý muốn quảng bá  một số ý thông tục thuộc lãnh vực luân lý hay đạo giáo. Nó không cho phep bàn đến những vấn đề sâu sắc hơn, thuộc lãnh vực văn chương hay khoa học.”(56)

Và: “Vốn không có tính cố chấp, tôi sẵn sàng công nhận rằng chữ quốc ngữ là  phương tiện đơn giản, dễ học, người bản xứ có thể tiếp thu nội trong vòng vài tháng. Nhưng tiền nào của đó, công dụng của nó rất giới hạn, Tôi nghĩ không nên cho nó tầm quan trọng vượt quá mức thực thụ của nó, và ta không thể lấy nó làm cơ sở cho nền học chính của cả một dân tộc. (59).

Khoảng thời gian 30 năm là tác giả nói từ năm 1859 khi Đô Đốc Rigault de Genouilly chiếm thành Gia Định, cho đến năm 1889 có các cuộc Hội nghị Thuộc địa này.

Tác giả còn dẫn lời một ông Luro nào có lẽ rất uy tín từng “than tiếc về sự ra đời của chữ quốc ngữ là một thứ cũi sắt chúng ta muốn dùng để giam hãn tri thức của dân An Nam.” (59 – 59)

Rồi tac giả “kết luận và nhắc lại rằng không thể nào đặt cơ sở nền học chính của cả một dân tộc lên trên chữ quốc ngữ.” (61)

Vài mươi trang sau, tác giả khẳng định thêm: “Tiếng An Nam sẽ tiếp tục tồn tại trong điều kiện hiện thời [ … ] nghĩa là tồn tại như một thổ ngữ. Ta đã hé thấy nó sẽ mau chóng tàn lụi đi.  Thanh điệu của tiếng nói đã mất đi nét sắc sảo chính xác khi vào đến Nam Kỳ thuộc Pháp. Về lâu dài trong tương lai xa, có lẽ nó sẽ héo tắt đi và chỉ còn lưu lại vài từ trong thứ tiếng Pháp tương lai của xứ này, cũng giống như tiếng nói của dân Guarani đã để lại nhiều từ trong tiếng Bồ Đào Nha được dùng tại xứ Braxin. Chuyện này cũng không hại gì, điều cốt yếu là sau này , cơ sở của tiếng nói [của người An Nam] phải là tiếng Pháp. (82)

Aymonier không nhìn thấy những khó khăn mà những người đi trước ông ta 30 năm trước đã không khắc phục được, bắt buộc họ phải phát triển ngôn ngữ của người bản xứ đáp ứng ngay cho việc cai trị trước mắt. Nhưng ở đây chúng ta chú ý thái độ thực dân kẻ cả và tầm nhìn nông cạn của người Pháp lúc bấy giờ đối với tương lai của chữ quốc ngữ và ngôn ngữ của người Việt. Trong mắt Aymonier tiếng Việt và chữ quốc ngữ chỉ là một thứ sản phẩm tinh thần tầm thường, thông tục, không có giá trị, và sẽ mau chóng lụi tàn.

Có người nhắc Aymonier: “Sau 12 thế kỷ bị Trung Hoa đô hộ, dân bản xứ vẫn nói tiếng An Nam chớ không nói tiếng Hoa.” Aymonier cho rằng tiếng Việt chỉ là một thổ ngữ của tiếng Trung Hoa, như tiếng Quảng Đông, mà tiếng Quan Thoại của Trung Hoa, “một thứ tiếng có khả năng uốn nắn vào khuôn phép đời sống tinh thần của cả một dân tộc hơn những ngôn ngữ khác, vì nó vốn dồi dào hơn, sâu sắc hơn,” đã không thèm đồng hoá; và những ai ủng hộ giải pháp chữ quốc ngữ “để giải Hán hoá Bắc Kỳ” là tự mâu thuẩn, vì “việc giải Hán hoá chỉ có thể thực hiện được bằng tiếng Pháp.” (84)

Aymonier không tin chữ quốc ngữ - một sự kết hợp giữa tiếng nói của người Việt bản địa với hệ thống chữ cái Âu tây mang lại giá trị gì, và ông ta huênh hoang phát biểu: “Tôi cũng sẵn sàng thiếp đi trong năm, sáu thế kỷ để khi tỉnh dậy, nghiên cứu xem sự gặp gỡ giữa tiếng nói thô sơ đó với nền văn minh và chữ viết Âu Tây đưa đến thành quả nào.” (29)

Ngay cả Emile Roucoules, Hiệu trưởng trường Trung học Chasseloup-Laubat, Sài Gòn, người bênh vực giảng dạy chữ quốc ngữ, cũng cho rằng “Không hề có ai nói rằng tiếng An Nam thông tục có thể diễn dịch các lập luận trừu tượng hay khoa học.” (135)

Thời bấy giờ một số lớn sĩ phu người Việt cũng coi thường chữ quốc ngữ như những người Pháp này, và thậm chí họ tẩy chay chữ viết mới, nhưng không phải vì họ có cùng quan niệm với người Pháp. Họ tẩy chay chữ quốc ngữ chỉ vì đó “không phải chữ thánh hiền” và nhất là thứ chữ viết đó do những người Tây phương mang lại: Họ đồng hoá những gì thuộc về “tây phương” là giặc, là thế lực xâm lăng cướp nước. Thế là phải chống lại. Sự tẩy chay chữ quốc ngữ của giới sĩ phu Nam Kỳ thời đó là do động cơ tinh thần, tình cảm yêu nước, hơn là do ý thức, nhận thức rõ khả năng của chữ quốc ngữ.

Tuy vậy, hơn 40 năm sau những Hội Nghị Thuộc địa này, vẫn có một người Việt đồng ý với quan điểm của các quan chức thực dân Pháp nói trên về ngôn ngữ của người Việt. Trong cuốn sách Vietnamese Tradition on Trail,1920-1945, tác giả David G. Marr kể “Vào tháng chín năm 1931, một chính trị gia lão thành hợp tác với Pháp, là Hồ Duy Kiên, trong một cuộc thảo luận của Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ về giáo dục tiểu học đã nói ngôn ngữ Việt Nam như một thổ ngữ dân tộc tương tự như những thổ ngữ thấy ở các xứ Gascogne, Brittany, Normandy, hay Provence của Pháp.”

Bị dư luận cả nước phản đối, Hồ Duy Kiên giải thích: ngôn ngữ thực sự đáng kể, theo ông, là tiếng Trung Hoa cổ và tiếng Pháp; tiếng Việt thô thiển không đủ dùng. Thậm chí, ông ta đi xa hơn giấc ngủ thiếp sáu thế kỷ của Aumonier, mà đoan chắc rằng năm trăm năm hoặc một ngàn năm sau may ra tiếng Việt được như tiếng Pháp.

Thực ra, không cần phải có thời gian năm, sáu thế kỷ hay một ngàn năm để tiếng Việt và chữ quốc ngữ chứng tỏ khả năng của mình. Sau thất bại trận Điện Biên Phủ, quân Pháp trên hai miền Việt Nam cuốn cờ về nước. Không lâu sau đó cả hai miền Nam Bắc, hai chính thể Việt Nam Cộng Hoà và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà gạt bỏ tiếng Pháp ra khỏi các chương trình giáo dục mà không gặp một khó khăn hay lấn cấn nào cả. Tiếng Việt và chữ quốc ngữ đã đảm nhận vai trò truyền tải, giao tiếp và trao đổi mọi ý tưởng của người dân trong nước không có trở ngại nào. Cho đến nay, đã không có một vấn đề khoa học cao siêu hóc búa nào không diễn tả được bằng tiếng Việt và chữ quốc ngữ; không một triết thuyết trừu tượng, lớn lao hay vi tế của một triết gia nào trên thế giới không dịch ra được bằng chữ quốc ngữ.

Ngoài ra, tiếng Pháp cũng không hề bám rễ lâu dài với người dân VN. Tuy VN được kể trong khối Francophone (các quốc gia nói tiếng Pháp) nhưng đó chỉ là một thứ “liên minh” liên kết nước bọt mang tính chính trị, chớ cả hai bên cùng biết rõ tiếng Pháp chỉ còn là một sinh ngữ hạng hai ở đất nước này, chớ không phải là thứ ngôn ngữ chính thay thế "tiếng An Nam thông tục" như Aymonier đã tin tưởng.

Aymonier, cũng như mọi con người trên trái đất, đã chết là chết thẳng luôn. Như thế vớt vát phần nào mặt mũi ông ta. Bởi vì, không phải đợi năm, sáu thế kỷ nữa, nếu ngay bây giờ sống dậy, Aymonier ắt phải rất tẽn tò về sự huênh hoang của mình về chữ quốc ngữ vào cuối thế kỷ 19 – mới đây thôi.

 

 

Thiếu Khanh
Số lần đọc: 1012
Ngày đăng: 17.10.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cái nhìn tham chiếu về văn học Việt Nam đổi mới của TS. Phan Tuấn Anh - Hoàng Thị Thu Thủy
Ý thức mới trong văn học nghệ thuật - Võ Công Liêm
Dấu ấn trong tác phẩm Mang Viên Long - Trần Trung Sáng
Tâm ca, cái Tôi nhận diện của Phạm Duy - Phan Trang Hy
Nhà văn Lan Khai trong tâm thức con trai Nguyễn Lan Phương - Trần Hoài Anh
Tác giả Nguyễn Phan Quế Mai và tác phẩm “The Mountains Sing” - Đào Như
Ánh sáng vô tận Phật - Võ Công Liêm
Thơ Thiền Trần Nhân Tông - Mai Văn Hoan
44 Năm Văn-học Việt-Nam Hải-ngoại (1975-2019) - Nguyễn Vy Khanh
Khát vọng lớn của nhà thơ Trần Vàng Sao - Võ Quê