Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.138
123.227.626
 
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 25: Bảy con ve sầu)
Võ Anh Cương

 

 

Ông Dê A Vê xuất hiện trước của nhà với gương mặt khó đăm đăm. Lúc đó Tư Đực đang chuẩn bị rời khỏi chỗ ở mấy hôm nay, nó chỉ chờ ông Dê về là nói lời cám ơn ông và tìm đường về lại rừng ma. Vật dụng ít ỏi của Tư Đực vẫn còn bên mình, từ hòn đá thần của Vương Đình Huệ đến cái xà gạc vẫn theo bên mình Tư thời gian qua đều đã sẳn sàng. Thấy ông Dê A Vê xuất hiện trước cửa nhà, Tư Đực chào:

-Ông đã trở về?

Rồi nó nói tiếp:

-Tôi chào ông, tôi trở về rừng ma đây!

Không đợi ông Dê có đồng ý hay không, Tư dợm bước. Ông Dê A Vê cười nhạt:

-Hóa ra điều ta nói với mi không lọt vào tai mi à?

Ông không còn xưng tao kêu mày với Tư Đực mà trở giọng xưng ta, chắc cơn giận trong lòng ông Dê đã đạt đến đỉnh điểm. Đúng vậy, ông Dê cứ tưởng đã nói hết với Tư rằng cấm nó trở lại rừng ma, rằng Gru Lớn đã tuyên ai từ rừng ma an toàn đi ra là đã được Giàng chọn…vậy mà thằng nhỏ đều bỏ ngoài tai! Ông Dê cười lớn, có lẽ ông muốn dùng tràng cười vang vọng giữa núi rừng để giải tỏa cơn giận trong lòng:

-Mi đi đi…thử có ra được khỏi nơi đây không?

Thực ra Tư Đực đã suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định trở lại rừng ma. Tư vẫn nghĩ rằng mình sẽ trở lại học viện Langbiang sau thời gian thi hành xong kỷ luật của Mat và của chính mình, nó chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ở lại với ông Dê A Vê, một con người bí hiểm. Câu chuyện Gru Lớn phán truyền Tư cũng đã nghe qua nhưng niềm tin trở lại mái trường xưa lấn át hết thảy. Vả chăng xuất thân của Tư không phải là người vùng cao nên những lời phán truyền của Gru Lớn không phải là nỗi ám ảnh truyền đời!

Tư nhất quyết ra về, nó chào ông Dê:

-Tôi cám ơn ông đã cho ăn cho ngủ mấy hôm nay, tôi đi đây!

Nói xong Tư bước thẳng ra cánh cửa nhà ông Dê với vẻ quyết tâm hiện rõ trên gương mặt. Ông Dê không nói gì, cũng chẳng làm gì để ngăn Tư, ông vẫn ngồi yên cạnh bếp lửa hồng đang bập bùng trong cơn gió thoảng. Tư không biết ông Dê mím môi, lấy ngón trỏ khẻ chạm vào vị trí giữa môi trên và môi dưới,  từ cuống họng của ông hình như phát ra một thứ âm thanh, có điều không ai có thể nghe được loại âm thanh đó cả.

Tư Đực đang bước đi một cách tự tin, ngôi nhà ông Dê dưới hai gộp đá đã ở lại phía sau lưng. Bỗng đâu con hổ trắng xuất  hiện trước mặt Tư, thấy con hổ Tư mừng rỡ nói:

-Bạch hổ…ta tưởng không gặp mi trước khi về rừng! Nào, tới đây cho ta ôm một cái!

Con hổ trắng “à uôm” một tiếng thật to. Sau tiếng gầm của nó, cánh rừng bỗng nhiên yên ắng một cách lạ kỳ, có lẽ muông thú đều bị tiếng gầm của chúa sơn lâm khống chế, không con vật nào ở gần đó dám làm một động tác nhỏ, còn những con vật ở xa hơn thì sau một lúc thảng thốt vì sợ hãi chúng cắm đầu cắm cổ chạy bán sống bán chết! Tư Đực thấy con hổ trắng gầm, nó ngạc nhiên:

-Sao, ta chia tay một chút được không?

Con hổ vẫn nhìn Tư chăm chăm, hình như nó không có ý định chia tay với người đã cứu nó thì phải. Tư bước tới, con hổ không nhường bước, ngược lại nó còn tiến lại phía Tư chắn mất lối đi của Tư. Tư Đực lách qua bên phải, nhanh nhẹn con hổ cũng bước qua bên trái của nó. Rõ ràng nó cản đường không cho Tư Đực tiến về phía trước, người và thú vờn nhau một lúc, Tư Đực bực tức nói:

-Bạch hổ…mi chơi gì kỳ vậy, sao không cho ta đi?

Thấy con hổ vẫn không phản ứng gì sau câu nói Tư Đực vỗ về:

-Ngoan nào…ngoan nào, mi cho ta về đi thôi!

“Không ăn thua”, Tư đã làm đủ cách nhưng con hổ trắng vẫn không bỏ qua ý định cản trở Tư tìm đường về rừng ma, “mình phải làm sao đây?”. 

Ông Dê A Vê xuất hiện từ hồi nào, dường như ông đọc được ý nghĩ của Tư, ông nói:

-Mi chẳng cần làm gì hết, liệu mi có vượt qua được con chó của ta không?

Chán nản, Tư Đực theo ông Dê A Vê trở lại ngôi nhà dưới hai gộp đá. Ngồi phịch xuống đất cạnh bếp lửa, nó nói:

-Bây giờ tôi phải làm gì, ông nói đi?

Ông Dê A Vê nhìn Tư cười bí hiểm, ông không trả lời trực tiếp câu hỏi của Tư mà ông hỏi ngược lại:

-Mi biết hai hôm nay ta đi đâu không?

Tư ngạc nhiên, “đi đâu, làm gì là quyền của ông ấy, làm sao mình biết cho được?”, Tư Đực nghĩ. Nó lắc đầu thay cho câu trả lời, ánh mắt nó không giấu diếm vẻ tò mò.

-Ta đi bắt bảy con ve sầu cho mi đây. Mi phải biết, đã vào mùa thu nên khó bắt ve sầu lắm!

Tư ngạc nhiên:

-Nhưng tôi đâu cần ve sầu làm gì?

Ông Dê A Vê cười to:

-Mi không cần nhưng ta cần, hiểu chưa thằng nhỏ?

Câu trả lời của ông Dê càng làm cho Tư Đực thấy rối mù. Ve sầu…tại sao lại là ve sầu cơ chứ? Thấy vẻ ngơ ngác của Tư, ông Dê thôi cười hỏi lại:

-Mi người đâu ta?

Tư Đực lại ngạc nhiên hung, người đâu ta có liên quan gì đến chuyện ve sầu? Nó cũng hỏi ngược lại:

-Tôi người ở đâu có ăn nhập gì đến chuyện mấy con ve?

Ông Dê trả lời với giọng bí hiểm:

-Có đấy nhưng mi chưa biết mà thôi. Nếu mi là người Lạch thì sẽ biết rằng bảy con ve sầu được ta luyện với một phương thuật đặc biệt bí truyền sẽ giúp cho mi có giọng hát hay nhất trong toàn thể các bon làng dưới gầm trời  này, nhất định thế!

Tay ông Dê khoát một vòng rộng, mắt ông Dê lim dim, có thể thấy niềm tin trên gương mặt của ông, niềm tin ấy xuất phát tận đáy lòng và chỉ những người có tin tâm mới phát ra trạng thái như thế! Tư Đực không hiểu mô tê gì hết, “mình sẽ có giọng hát hay nhất trong toàn thể các bon làng?”. “Và hát là gì, để làm gì với giọng hát đó?”.

Không ai giải thích cho Tư hiểu cả, vả chăng trong cánh rừng này chỉ có hai người, ông Dê bí hiểm đang chơi trò chơi của ông thì nhất định ông không cho Tư biết điều bí ẩn đang ẩn chứa trong lòng. Còn lại mình Tư thôi. Tư, một học viên của học viện Langbiang với điều luật Tự mình sẽ không trông chờ vào ai để đi tìm bí mật đang bao trùm lấy nó!

Nghĩ như vậy nên Tư Đực trở lại trạng thái bình thường, gương mặt nó hết vẻ căng thẳng. “Chuyện gì rồi cũng lòi ra thôi, mình phải bình tỉnh để xử lý tình huống, nhất định nó sẽ xuất hiện!”.

Ông Dê A Vê cũng trở lại vẻ mặt vốn có của mình, ông tiếp tục câu chuyện:

-Tuần trăng sau mi mới bắt đầu Luyện thanh. Cùng lúc với chuyện ấy mi còn phải trở lại người bình thường!

Tư Đực lại ngạc nhiên. “Mình đang rất bình thường, có gì là không bình thường đâu chứ?”. Hình như ông Dê biết một loại phương thuật thấu hiểu được nội tâm của người đối diện, ông nói:

-Mi tưởng mi là một đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác sao? Trước đây đúng là như vậy nhưng từ ngày vào học viện quỷ quái ấy, mi lại không còn như vậy nữa!

Tư Đực chỉ còn biết tròn xoe mắt nhìn ông Dê, chờ ông nói tiếp:

-Có phải hàng ngày mi đều uống một thứ nước màu nâu, đúng không?

Tư Đực mím môi gật đầu. Đúng thế, hàng ngày trước khi đi ngủ bao giờ Tư và những đứa khác trong học viện đều phải uống một cốc nước màu nâu. Mat giải thích rằng “nếu các con thường xuyên uống thứ nước này thì các con sẽ luôn mạnh khỏe và không bao giờ bị bệnh”. Ông thầy Râu dài nghiêm khắc đi kiểm tra hàng đêm trước khi học trò đi ngủ, kẻ nào vô ý không uống nước ấy hôm sau sẽ phải chịu kỷ luật là một tuần trăng làm bếp thay cho phiên của đứa đang giúp cô Nghỉ nấu ăn!

Ông Dê nói:

-Đó là nước mắt của Gru, còn gọi là Quà tặng của Thần rừng! Từ trước đến nay, bất cứ đứa trẻ nào liên tục uống trong vòng mười hai tuần trăng sẽ giữ mãi vóc dáng như ngày bắt đầu uống nước, nghĩa là không bao giờ lớn!

Rồi ông nói tiếp trước cái nhìn bán tín bán nghi của Tư Đực:

-May cho mi đã gặp ta và mi còn may hơn nữa khi ta vừa có được cái này!

Ông Dê cho tay vào bọc, ông lấy ra một khúc rễ cây màu đen:

-Đây là kỳ nam. Ta sẽ cho mi uống thứ nước được bào chế từ loại dược liệu này, nó sẽ giải được lời nguyền!

Không chờ Tư có đồng ý không, ông Dê A Vê ra lệnh:

-Bây giờ mi đi ngủ đi, mọi chuyện để ta lo!

Không còn cách nào khác, Tư Đực leo lên chỗ ngủ của nó mấy ngày nay. Đó là một vạt giường ông Dê làm bằng những thân cây lồ ô đập dập được đặt lên trên một cái khung chôn chắc chắn dưới đất. Trong lòng Tư Đực bán tín bán nghi, nó đang nghĩ về những lời nói của ông Dê. Có đúng như vậy không, thực tâm Tư Đực đang rối bời. Không lẽ những lời nói của Mat đều là không thật? Trước giờ Tư tin tưởng hoàn toàn vào ông thầy Râu dài nay Tư lại nghe những lời của ông Dê khiến cho nó thấy khó nghĩ vô cùng. 

Khi Tư tỉnh dậy, vật đầu tiên mà nó nhìn thấy là một miếng thịt rừng còn đang rướm máu, có lẽ ông Dê để phần cho mình, Tư nghĩ. Nó cảm thấy đói bụng nên hân hoan cầm miếng thịt đến gần bếp lửa. Món nướng là một món ăn có tự nghìn xưa, món ăn này cho ta cảm giác sức mạnh của con người trước muông thú với vị trí là chúa tể của muôn loài. Đúng vậy, với muôn loài, lửa do con người tạo ra là một vật bất khả xâm phạm, con vật nào cũng sợ lửa, chúng tránh xa lửa như bản năng có từ thuở hồng hoang!

Tư Đực ăn xong rồi định đi một vòng nơi nó trú ngụ thử xem ông Dê A Vê sinh sống ra sao, dù sao Tư là một đứa trẻ vừa lớn, nỗi khát khao khám phá luôn luôn khiến nó phải thỏa mãn tính tò mò của mình. Nhưng lần này Tư không thực hiện được ý định, vừa bước ra khỏi cửa ngôi nhà của ông Dê nó vấp phải sự canh chừng của con hổ trắng. Con hổ nhất định không cho Tư rời nửa bước khỏi ngôi nhà cho dù Tư cố vin vào tình thân giữa người và thú cũng vô ích. Con vật trung thành với chủ nhân của nó, trừ chuyện cấm cản Tư nó không “làm khó” Tư Đực chút nào. Tư ngán ngẩm trở vào ngôi nhà ông Dê, trong lòng nó mong ông Dê mau trở về để hỏi cho ra chuyện. Nhưng ông Dê vẫn vắng mặt một cách khó hiểu, để mặc Tư Đực với con hổ trắng trong suốt nửa tuần trăng.

Cuối cùng ông Dê cũng xuất hiện, Tư Đực mừng ra mặt, nó hỏi liền:

-Mấy hôm nay ông đi đâu….

Không đợi Tư nói hết, ông Dê đã quát:

-Không phải việc của mi, nghe ta hỏi: hàng ngày mi có ăn thịt thú nướng và uống nước trong ống giang không?

Tư hơi bực mình vì ý nói chưa nói ra đã bị ông Dê chẹn họng nên Tư chỉ hàm hồ gật đầu mà không nói nửa lời. Thấy vậy ông Dê dịu giọng:

-Tốt, ta vẫn ở cạnh mi! Bộ mi không để ý ai lấy nước đầy ống giang cho mi uống, ai mang phần thịt cho mi mỗi sáng mi thức dậy hay sao?

Quả nhiên Tư là một đứa vô tâm. Cũng phải thôi, hồi Tư còn là học viên của học viện Langbiang mọi thứ sinh hoạt đều do luật tục của trường chi phối, từ nơi ăn chỗ ngủ cho đến việc học hành đều do Mat và Bạc Đầu Râu quyết định, học viên chỉ việc răm rắp thi hành!

Bây giờ nghe ông Dê nói, Tư mới giật mình:

-Tôi thật tệ…lẽ ra tôi phải đoán người cung cấp thức ăn nước uống cho tôi là ông!

Nó không nói lời xin lỗi, vả chăng, xin lỗi là một điều “xa xỉ” dưới mái trường học viện. Khi ai đó bị lỗi thì luật tục tự khắc định rằng kẻ đó phải chịu kỷ luật, nghĩa là hình phạt sao cho từ đấy về sau người phạm lỗi không vấp phải nữa mới là việc làm thiết thực. Tư Đực nói:

-Ông nói đi, tôi phải chịu hình phạt gì?

Ông Dê A Vê nhìn chăm chăm Tư:

-Bộ ở học viện mọi chuyện sai lầm nhất định phải chịu hình phạt hay sao?

Tư Đực ra vẻ khó chịu:

-Đó là chuyện của học viện không dính líu gì đến ông, ông nói đi tôi phải làm gì?

-Mi sẽ chẳng làm gì hết ngoài chuyện phải răm rắp nghe lời ta trong ba mươi sáu con trăng!

Ba mươi sáu con trăng không phải là thời gian ngắn, Tư Đực nghĩ trong lòng, không lẽ ông ta bắt làm gì mình cũng phải làm, sao mình chịu được? Nhưng lời nói đã ra tới miệng rồi không lẽ nuốt vào. Mat và các bạn nếu biết chuyện mình nuốt lời sẽ nhìn mình với cặp mắt ra sao? Không, không thể được, Tư Đực dù trong hoàn cảnh nào cũng phải xứng đáng là người của học viện Langbiang, nơi đào tạo những nhà thông thái cho các bon làng khắp xứ!

Nghĩ như vậy nên Tư Đực cả quyết gật đầu:

-Đúng vậy, trong ba mươi sáu mùa trăng tôi sẽ nghe lời ông với điều kiện những yêu cầu của ông không được vi phạm ba mươi sáu điều cấm của học viện Langbiang!

Ông Dê A Vê nhướng mắt ngạc nhiên:

-Lại còn đặt điều kiện với ta nữa…thôi được mi thử đọc ba mươi sáu điều cấm của mi đi?

Tư Đực đọc trơn tru những điều học viên không được làm cho ông Dê nghe. Nghe xong ông Dê A Vê cười lớn:

-Yên chí lớn thằng nhỏ, những điều đó ta không bao giờ bắt mi phải làm đâu. Giờ mi đã uống thứ thuốc ta bào chế, thử hét thật lớn cho ta nghe với âm thanh cao nhất!

“Mình uống thuốc của ông ấy hồi nào?” Tư Đực ngạc nhiên tự hỏi. Nhưng ngay lập tức nó vụt hiểu. Thứ thuốc ấy là ống giang hàng ngày Tư uống hoặc giả được ướp trong miếng thịt Tư ăn mà Tư không biết. Nghe lời ông Dê, Tư Đực có hét thật to, tiếng hét của Tư vang vọng khắp cả đại ngàn, “Ơ! Giàng….”…lập tức tiếng đồng vọng từ bên kia vách núi cũng đáp lại “Ơ! Giàng” một lúc sau mới chấm dứt.

Ông Dê A Vê ra vẻ hài lòng, ông tiếp tục yêu cầu:

-Bây giờ mi thử giọng thấp nhất cho ta xem!

Khi đã đáp ứng yêu cầu của ông Dê, thực ra đó là chuyện nhỏ ai cũng có thể làm được, Tư Đực coi chuyện đó là chuyện tự nhiên khác hẳn vẻ mặt thoáng ngạc nhiên vụt hiện nơi cặp mắt ông Dê. Cuối cùng ông Dê nói:

-Được lắm, ngày mai mi đi Luyện thanh. Bắt đầu từ con suối, mi phải cố bắt chước được tiếng suối reo chừng nào thành công thì trở lại đây “hát” cho ta nghe. Thực phẩm hàng ngày ta sai con chó nhà ta mang tới cho mi, muốn ăn rau rừng hay cá suối thì tự bắt lấy. Nên nhớ đừng nghĩ đến chuyện bỏ về rừng ma, con chó trắng của ta có nhiều bạn bè chó của nó, những “đứa” đó không dễ chịu chút nào đâu! Bây giờ mi tự đi học thôi….

Khi Tư Đực bước ra khỏi cửa nhà, ông Dê nói với theo:

-Sau khi học được tiếng suối, mi còn phải học tiếng thác đổ, tiếng lá reo, tiếng gió thổi…nhưng cứ yên tâm cái sau sẽ dễ hơn cái trước.

Luật tục Tự mình bắt đầu phát động, Tư Đực bị lôi vào sự vận hành không ngừng nghĩ của luật tục có từ ngàn xưa.

 

CHƯƠNG 26

INRASARA

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 900
Ngày đăng: 23.10.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiểu thuyết : Một nỗi đau riêng (Chương 1) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 24: Kỳ mỹ nữ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 23: Dưới gốc cây cổ thụ(2)) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 22: Dưới gốc cây cổ thụ (1)) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 21: Tao ngộ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm :Tiểu thuyết ( Chương 20 : Đêm trường ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 19: Một mình giữa rừng ma) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 18: Lên đường ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 17: Khai tâm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 16 : Gặp Bạch Hổ lúc nửa đêm) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)