Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.146
123.225.662
 
Chừ về yên nghỉ chốn thân thương
Tuệ Thiền

 

 

Gửi bạn 

(Ngày bạn về cõi sáng)

Mỏi gối chồn chân đời lãng tử
Chừ về yên nghỉ chốn thân thương...
Một mai cao hứng vân du nữa
(Nước vẫn “vĩnh hằng” “sau” giọt sương).

---

Tiễn bạn

Ừ thì bạn đi trước
Mình rồi cũng theo sau
U70 đã cạn
Ai cũng đã bạc đầu

Chút lưu luyến thôi nhé
Như đi Mĩ đi Nga
(Vô hình?... Như nước đá
Thành hơi nước - thăng hoa)

Chân tình vẫn tồn tại
Bao nhân nghĩa vẫn còn
Tâm thức mang năng lượng
Vẫn tương tác nhau luôn

Những thiện ích đời bạn
Cũng chẳng mất mát gì
Như thần đồng nhớ mãi
Về cõi sáng phát huy

Ở đâu cũng quen-thân
Luân hồi gặp cố nhân
Biết hướng thiện-hướng thượng
Tâm xuân không úa tàn...

Bạn đi bình yên nhé
Ra đi là trở về
Mười phương là cố quận
Hội ngộ như tình quê.

---------

GÓP LỜI MỘT SỐ MINH SƯ CHỈ THẲNG SỰ GIÁC NGỘ TỐI THƯỢNG

(Để đối chiếu trạng thái tâm, tự ấn chứng, không suy luận)

 

* Tất cả nhân loại không quý gì bằng sinh mệnh, sinh mệnh được coi trọng nhất trên trần gian này. Bởi vì tất cả của cải sự nghiệp, danh vọng tài sắc… đều để tô điểm cho sinh mệnh. Mất sinh mệnh, tất cả cái ấy trở thành vô nghĩa. Song sinh mệnh con người thời nay, nếu kéo dài lắm chỉ trong vòng bảy tám mươi năm. Cái đau khổ nhất của con người là khi nghe mình sắp mất sinh mệnh. (…) Thực là mối đau khổ truyền kiếp không ai thoát được. Nếu có một phương pháp nào khiến con người thoát được cái chết thì trên nhân gian này còn gì quý bằng! Ở đây chúng tôi xin giới thiệu quý vị phương thuốc hi hữu duy nhất trên đời, nếu quý vị uống nó vào thì “bất tử”, chính là tánh giác của quý vị đấy. Người giác ngộ tánh giác là nhận ra được cái “bất tử”. Vì thế tánh giác này được Phật dụ là hòn ngọc như ý. Được hòn ngọc này rồi, con người dứt sạch mọi đau khổ; mọi mong cầu đều toại nguyện. (Thiền sư Thích Thanh Từ) – (Thiền Tông VN Cuối Thế Kỉ 20; Thích Thanh Từ).

 

* Tùng Duyệt, toạ chủ chùa Đâu Suất, thường đặt ra ba câu hỏi sau đây để khảo nghiệm sở kiến của môn nhân đối với đạo lý của Thiền. 1) Ông bái phỏng từ chỗ này sang chỗ khác, chỉ cốt là để thấy tánh; vậy, ngay lúc này, tánh của ông ở đâu? 2) Biết được tự tánh mới có thể thoát khỏi sinh tử; nhưng khi ông chết rồi làm sao thoát? 3) Thoát khỏi sinh tử là biết chỗ đến của mình; vậy khi tứ đại tan rã, chúng ta đi về đâu?
“Tôi là gì?” “Tôi ở đâu?” “Tôi từ đâu đến?” “Tôi đi về đâu?” Tất cả chỉ là một vấn đề, được hỏi khác nhau. Hiểu được một sẽ giải quyết tất cả còn lại. “Tôi là gì?” là một nghi vấn dò vào tự tánh của thực tại, căn cơ của mọi sự vật chủ quan và khách quan. (…).
Trên phương diện tâm lý, trả lời cho cái “ở đâu?”, cho thấy thái độ tâm lý căn bản của ta đối với thế giới khách quan một cách tổng quát, và ở Thiền câu hỏi này thường khoác dưới hình thức “ở đâu đến?”, nhờ đó thiền sư mong thấy tăng chúng tìm ra nơi trú ẩn tâm linh của họ nằm ở đâu. Toàn bộ sự đào luyện của Thiền tông, có thể nói, cốt ở sự đặt để này, cũng gọi là tìm tòi hay đào xới. (…) “Từ đâu?” và “Đến đâu?”, những ai có thể trả lời đích đáng, những vị ấy quả là đã tỏ ngộ.
(…) Đạo Phật, là một lối luyện tập tâm linh thực tiễn, dù có những lời nhằm phô diễn thẳng về kinh nghiệm, không cho phép có sự can thiệp của lối giải thích trí năng hay siêu hình nào ở đây. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Thiền Luận - quyển hạ, luận I; D.T.Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).

 

* Chỉ có một câu mà thiền gia nên ra sức công phu và tìm thấy giải đáp chung quyết là: “Bản lai diện mục của ta là gì?”(Thiền sư Đại Ứng). “Khi các ngài được dạy cho đặt nghi tình vào cái nghĩa của niệm Phật, hãy cứ tự nhiên mà chú tâm ngay trên chỗ “ai” niệm Phật”. (Thiền sư Bản Thiện) - (Thiền Luận - quyển trung, luận I; D.T.Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).

 

* Giác ngộ phải gồm cả ý chí lẫn tri thức. Đó là một hành vi trực giác phát sinh từ ý chí. Ý chí muốn tự biết nó là gì, y như thực, ngoài tất cả các điều kiện chi phối sự hiểu biết. (…) Khi nói đến chứng đạo hoặc giác ngộ, tự nhiên ta dễ liên tưởng đến khía cạnh nhận thức và quên mất động lực phi thường của ý chí tác động ở bên sau, mà cũng chính là động lực cấu tạo nên cốt cách của một cá nhân. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Thiền Luận - quyển thượng, luận III; D.T.Suzuki; dịch giả: Trúc Thiên).

 

* Sự ô nhiễm tâm linh không phát xuất từ đâu khác cả mà chính là ở trong mạt-na (ý), căn gốc của tri thức và của ý chí. (Thiền sư D.T.Suzuki) – (Nghiên Cứu Kinh Lăng Già; D.T.Suzuki; dịch giả: Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn Mẫn).

 

* Từ trước cho đến thời Lục Tổ, khái niệm về Phật tánh (tánh giác) hiện hữu nơi tất cả chúng sinh, tự thể hoàn toàn thanh tịnh và bất nhiễm, rất thịnh hành. Bổn phận sự của người tu là làm hiển lộ Tự tánh, tức Phật tánh nơi mình, vốn xưa nay thanh tịnh. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; dịch giả: Thuần Bạch).

 

* Lục Tổ đã giảng rõ cho chúng ta hiểu về Tánh theo cái nhìn của ngài. Tánh là sinh lực ngự trị toàn thể sinh mệnh chúng ta, là nguyên lý của sự sống vật chất lẫn tinh thần. Không chỉ có thân mà cả tâm, trong ý nghĩa cao tột nhất, đang sống vì sự có mặt của Tánh. (…).
Tự tánh nói một cách khác là tự tri, không phải chỉ là hiện hữu suông mà còn biết. Chúng ta có thể nói như thế vì tự tri tức đang là, tri tức hữu và hữu tức tri. Đây là ý nghĩa câu nói của Lục Tổ: “Nơi bản tánh riêng có trí Bát-nhã và vì thế có tự tri (tự dụng trí huệ). Bản tánh thường quán chiếu và không dùng ngôn ngữ để diễn tả được”. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; dịch giả: Thuần Bạch).

 

* Mục tiêu của việc tu thiền là nhận ra tự tánh (tức Phật tánh) và giải thoát khỏi mê lầm phiền não. Làm thế nào để nhận ra được? Có thể được, vì tự tánh là tự tri. (…) Bảo rằng quá trình giác ngộ là đốn nghĩa là có một cú nhảy vọt (…). Cú nhảy vọt về mặt luận lí là tiến trình lý luận thông thường khựng lại một cách đột ngột (…). Tiến trình này gián đoạn đột ngột, và đồng thời bất khả tư nghì; đó là kiến tánh. (…) Vì là vô tâm vô niệm nên cái thấy mới thực là thấy. (…) Lý vô ngã không đúc kết từ suy luận duy lý mà là một sự kiện thực tế. (…) Các lý luận gia cần nhớ rằng tôn giáo là sự kiện thực nghiệm (…). (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; dịch giả: Thuần Bạch).

 

* Tự tri là thấy mình, nhìn thấy tâm trí mình từ giây phút này đến giây phút khác trong lăng kính của tương giao tương hệ của mình đối với tài sản, đối với những sự việc, đối với con người, đối với những ý tưởng… (…) Đây là việc chính yếu: khi mà tôi chưa hiểu được mình, tôi không thể có được căn bản để suy tư, và tất cả sự tìm kiếm (chân lí) của tôi chỉ là vô vọng hão huyền. (…) Chính sự kiện ý thức trực tiếp về hiện thể (cái đang là) là chân lí rồi. (…) Chân lí ở trong cái đang là, và đó chính là vẻ đẹp của chân lí. (…) Nhân đức là việc đối mặt với hiện thể; và đối diện với sự kiện là một trạng thái hạnh phúc tuyệt trần. (…) Đừng phân tích tâm thức để tâm trí tĩnh lặng. (Danh nhân giác ngộ Jiddu Krishnamurti, người không theo tôn giáo nào cả) – (Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng; J.Krishnamurti; dịch giả: Phạm Công Thiện).

 

* Ngài Pháp Hải bạch rằng: “Hoà thượng để lại giáo pháp gì khiến cho những người mê đời sau được thấy Phật tánh?” Tổ bảo: “Các ông lắng nghe, những người mê đời sau nếu biết chúng sinh tức là Phật tánh, nếu chẳng biết chúng sinh muôn kiếp tìm Phật cũng khó gặp. Nay tôi dạy các ông: biết tự tâm chúng sinh, thấy tự tâm Phật tánh. Muốn cầu thấy Phật, chỉ biết chúng sinh; chỉ vì chúng sinh mê Phật, chẳng phải Phật mê chúng sinh. Tự tánh nếu ngộ chúng sinh là Phật, tự tánh nếu mê Phật là chúng sinh; tự tánh bình đẳng chúng sinh là Phật, tự tánh tà hiểm Phật là chúng sinh. (…)”. (Pháp Bảo Đàn Kinh; dịch giả: Thích Thanh Từ). (“Mê” nghĩa là “quên, không nhận biết” – trái nghĩa với “ngộ”).

 

* Lục Tổ nói lên câu đầu tiên liên quan đến sự chứng nghiệm của Tổ là “xưa nay không một vật” và sau đó là “kiến tánh”, cái tự tánh vì là “không một vật” nên là “Không”. Vì thế “thấy tánh” là “thấy Không” như Thần Hội nói. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; dịch giả:Thuần Bạch).

 

* Nếu được bạn lành vạch bày liền đốn ngộ cái “biết” không - lặng. Cái “biết” không có niệm, không hình tướng thì đâu có gì là ngã tướng nhân tướng. (Thiền sư Tông Mật)) – (Nguồn Thiền; Tông Mật; dịch giả: Thích Thanh Từ).

 

* Không (trong Bát-nhã) là thành quả của trực giác tâm linh, chứ không phải là hậu quả của suy luận. (Thiền sư D.T.Suzuki) – (Thiền & Bát-Nhã; D.T.Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).

 

* Theo Lục Tổ, Bát-nhã là tên đặt cho Tự tánh hoặc Vô niệm, khi Tự tánh tự nhận biết mình, hoặc đúng hơn là hành vi tự nhận biết chính mình. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; dịch giả: Thuần Bạch).

 

* Người trí xem năm uẩn là những cấu trúc của tưởng. (…) Ba cõi không gì khác hơn là sự phân biệt. (…) Khi một sự chuyển hoá (chuyển y) xảy ra thì có một trạng thái vô tưởng vốn là cảnh giới của người trí. (…) Khi người ta nhận biết rằng không có gì ngoài những thứ được thấy từ chính cái Tâm thì sự phân biệt về hữu và phi hữu đứt đoạn. (Kinh Lăng Già; bản tiếng Anh của D.T.Suzuki; dịch giả: Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn Mẫn).

 

* Đừng nghĩ đến thiện, đừng nghĩ đến ác, mà ngay bây giờ hãy nhìn xem bản lai diện mục của ngươi, trước khi nhà ngươi sinh ra là gì? (Lục tổ Huệ Năng) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; Thuần Bạch biên dịch).

 

* Chỗ không có niệm tưởng dấy khởi, rỗng thênh và vô sở trụ, đó là Định. Khi không niệm tưởng, rỗng thênh và vô sở trụ được nhận biết thì đó là Tuệ. Ở đâu việc (vi diệu) này xuất hiện thì ta bảo rằng Định này tự thể hiện và chính là Thể của Bát-nhã, không khác với Tuệ mà chính là Tuệ; lại nữa Tuệ này, tự thể hiện và chính là dụng của Định, không khác với Định mà chính là Định. (…) Ta nói về Định, nhưng đối với Thể của nó thì không có gì phải sở đắc. Khi thấy được cái Thể bất khả đắc này, luôn luôn tịch lặng tròn đầy bất biến, nhưng vẫn diệu dụng bất tư nghì, thì đó là Tuệ. Chỗ này Định Tuệ đồng đẳng. (Thiền sư Thần Hội) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; Thuần Bạch biên dịch).


* Ánh sáng chiếu soi, đó là Tuệ; chẳng phải động và bất biến, đó là Định. Bồ-tát dùng pháp Định Tuệ đồng thể đó được Vô thượng giác. Cho nên nói “Định Tuệ đồng thể tức là giải thoát”. Nói tự tại khỏi nhiễm ô có nghĩa là không còn phàm tình chứ không phải hết thánh tình. (Thiền sư Huệ Hải) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; Thuần Bạch biên dịch).

 

* Pháp môn vô niệm thuộc về hàng thánh nhân, nhưng nếu phàm phu tự tu tập theo đó, họ không còn là phàm phu nữa. (…) Ai quán vô niệm, kẻ ấy tức thì tăng trưởng phước đức nhiều như cát sông Hằng. (…) Ai quán vô niệm, kẻ ấy ôm trọn vạn vật trong lòng mình. (…) “Vô” có nghĩa là vô nhị tướng, “niệm” là niệm Chân như. (Thiền sư Thần Hội) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; dịch giả: Thuần Bạch).

 

* Mười phương thế giới thu vào một điểm hiện tiền; quá khứ, hiện tại, vị lai tụ trong một niệm đương thời. Dù ở giữa hàng chư thiên cũng khó có niềm vui nào so được với đây; ở loài người lại càng hiếm lắm. Sự tiến bộ như thế trong đời sống tâm linh có thể thâu đạt được chỉ trong vài bữa, nếu hành giả dốc lòng tu tập. (Thiền sư Bạch Ẩn) - (Thiền Luận - quyển trung; D.T.Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).

 

* Tột trước cùng sau trở về niệm hiện tiền. (Kinh Lăng Già Tâm Ấn; dịch giả: Thích Thanh Từ).


* Ngộ là một hình thái của tri giác, một thứ tri giác nội tại, phát hiện trong phần sâu thẳm nhất của ý thức. Đó là ý nghĩa của đặc tính tự tri; tức là sự thực tối hậu. Cho nên người ta thường bảo rằng Thiền giống như uống nước, nóng hay lạnh tự người uống biết lấy. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Thiền Luận - quyển trung, luận I; D.T.Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).
 

* Được gia trợ bởi năng lực của chư Phật, chư Bồ-tát Ma-ha-tát đang ở cấp độ thứ nhất của mình (sơ địa) sẽ đạt đến Bồ-tát Tam-ma-địa gọi là Ánh sáng đại thừa (phát quang địa), thuộc về chư Bồ-tát Ma-ha-tát. (Kinh Lăng Già; bản tiếng Anh của D.T.Suzuki; dịch giả: Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn Mẫn).

* Thiền, cốt yếu nhất là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tánh của chúng ta; nó chỉ con đường từ triền phược đến giải thoát. (…) Bấy giờ, ta nhận ra ý nghĩa cuộc sống, ta biết rằng đó không phải là một nỗ lực mù quáng, mà cũng không phải là trường thao diễn những bạo lực vô tri; nhưng dầu không thấu hiểu được những ý nghĩa tối hậu của kiếp người, vẫn có cái gì đó khiến ta vui không cùng để mà sống, và qua mọi cuộc thăng trầm ta vẫn thảnh thơi mà an thân lập mệnh, không thắc mắc, không hoài nghi, không bi quan yếm thế. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Thiền Luận - quyển thượng, luận I; D.T.Suzuki; dịch giả: Trúc Thiên).

 

 * (Tôi chỉ là người đang học tập, nhưng để nêu cái mẫu số chung về giá trị nhân sinh của đạo và đời, nên xin được góp vào đây vài lời).
“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lý của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả. “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình. (Đường Về Minh Triết-có bổ sung; Tuệ Thiền-Lê Bá Bôn; Thuvienhoasen org).

--------------

THAM KHẢO THÊM:

(Đọc trong Chấm Dứt Thời Gian, một đối thoại giữa ngài Jiddu Krishnamurti và ngài David Bohm. Ngài Krishnamurti là một danh nhân giác ngộ được Liên Hiệp Quốc tôn vinh. Ngài David Bohm là một nhà khoa học lớn, giáo sư tiến sĩ vật lí. Bản dịch của dịch giả Đào Hữu Nghĩa.
Những chỗ trong ngoặc đơn và chữ in hoa là do người đọc làm cho rõ nghĩa).
------

  
(...)
Krishnamurti: Động thái trở thành (về mặt tâm lí-tức là thời gian tâm lí) dựng lên một trung tâm ở bên trong, TRUNG TÂM VỊ NGÃ, phải không? (Trang 9).
(...)
Krishnamurti: Tôi hiểu. Nhưng tôi đang thử khám phá nguồn gốc của những nỗi đau khổ, hỗn loạn, xung đột, đấu tranh này – chỗ bắt đầu của chúng ta là gì? Khởi đầu buổi nói chuyện tôi đã hỏi: phải chăng NHÂN LOẠI ĐÃ ĐI SAI ĐƯỜNG? Phải chăng nguồn gốc là “cái Tôi” và “cái không phải Tôi”.
David Bohm: Tôi nghĩ ta đã tiếp cận được vấn đề rồi. (Trang 9).
(...)
Krishnamurti: Tôi muốn phế bỏ thời gian về mặt tâm lí (tức là mọi nhớ tưởng-suy nghĩ bị dính chặt với “cái Tôi” tâm lí). (Trang 13).
(...)
David Bohm: Nhưng tôi nghĩ ý ông cho rằng TRÍ không phát sinh từ trong não. Phải vậy không? Có lẽ não là một công cụ của trí?
Krishnamurti: Và trí không thuộc thời gian. Hãy thấy xem thế nghĩa là gì?
David Bohm: Trí không tiến hoá cùng với não?
Krishnamurti: Trí không thuộc thời gian và não thuộc thời gian – phải chăng đó là nguồn gốc của xung đột? (Trang 20).
(...)
Krishnamurti: Não đã tiến hoá.
David Bohm: Não đã tiến hoá vì vậy nó đã chứa thời gian (tâm lí) trong đó.
Krishnamurti: Vâng, nó đã tiến hoá, thời gian (tâm lí) dự phần vào đó.
David Bohm: Thời gian trở thành thành phần của chính cấu trúc não.
Krishnamurti: Vâng.
David Bohm: Trong khi TRÍ hoạt động không có thời gian, còn não (với những nhớ tưởng-suy nghĩ) thì không thể làm thế.
Krishnamurti: Có nghĩa rằng THƯỢNG ĐẾ (Trí tuệ vũ trụ) chỉ hoạt động nếu NÃO TỊCH LẶNG, nếu não không còn mắc kẹt trong thời gian (thời gian tâm lí-tức là cái Tôi tâm lí). (...).
Krishnamurti: Không phải não có khả năng thấy được những gì nó hiện đang làm sao – bị vướng mắc trong thời gian – thấy rằng trong tiến trình đó XUNG ĐỘT không có chỗ dứt sao? Có nghĩa là, có chăng một thành phần nào của não không thuộc thời gian? (...).
David Bohm: Không phải một thành phần, mà đúng hơn rằng não phần lớn bị khống chế bởi thời gian, tuy nhiên, không có nghĩa nhất thiết nó không thể thay đổi. (Trang 20-21).
(...)
David Bohm: Tức là phủ nhận toàn bộ thời gian (thời gian tâm lí-cái tôi tâm lí).
Krishnamurti: Thời gian (tâm lí) là kẻ thù. Hãy GIÁP MẶT nó và VƯỢT QUA nó. (Trang 23).
(...)
David Bohm: Trí não không bị vướng mắc sâu vào thời gian (thời gian tâm lí-cái tôi tâm lí) bởi nó không có kiến thức (mang tính chất) tâm lí để tự cơ cấu.
Krishnamurti: Vâng.
David Bohm: Vậy ta nói rằng VÙNG NÃO PHẢI TỰ CƠ CẤU bằng cách TỰ TRI về mặt tâm lí.
Krishnamurti: Liệu bấy giờ trí não có hỗn loạn đảo điên không? Chắc chắn là KHÔNG? (Trang 28).
(...)
Krishnamurti: Không còn thời gian (thời gian tâm lí-cái tôi tâm lí). Bấy giờ biến cố gì xảy ra? Không phải xảy ra cho tôi, cho não tôi. Điều gì xảy ra? Ta đã nói rằng khi (tâm) ta phủ nhận thời gian (tâm lí) thì không còn có gì cả. Sau cuộc nói chuyện dài này, (ta hiểu rằng) KHÔNG GÌ CẢ NGHĨA LÀ TẤT CẢ. Tất cả là NĂNG LƯỢNG. Và ta đã ngưng ở đó. Nhưng đó không phải là chấm dứt, là cuối cùng.
David Bohm: Không phải.
Krishnamurti: Không phải cuối cùng. Lúc đó điều gì diễn ra? SÁNG TẠO phải không?
David Bohm: Vâng, cái gì đó tương tự như vậy.
Krishnamurti: Nhưng không phải là nghệ thuật sáng tạo tương tự như viết lách và vẽ vời. (Trang 33).
(...)
David Bohm: Chắc ông thấy, ta phải làm rõ, bởi vì ông nói rằng thế giới tự nhiên là sự sáng tạo của cái TÂM VŨ TRỤ, tuy thế tự nhiên vẫn có thực tại riêng.
Krishnamurti: Mọi điều đó hiểu được.
David Bohm: Nhưng hầu như toàn thể tự nhiên đều do cái tâm vũ trụ tạo.
Krishnamurti: Tự nhiên vốn thuộc cái tâm vũ trụ. Tôi thử tìm cách chấm dứt cái tâm cá biệt; bấy giờ chỉ còn có TÂM, tâm vũ trụ đúng chứ? (Trang 38-39).
(...)
Krishnamurti: Vâng. Trong trật tự vũ trụ có vô trật tự, vô trật tự ấy có liên quan đến con người.
David Bohm: Không phải vô trật tự ở bình diện vũ trụ.
Krishnamurti: Không phải. Ở bình diện thấp hơn nhiều.
David Bohm: Vô trật tự, hỗn loạn ở bình diện con người.
Krishnamurti: Và tại sao con người đã sống trong tình trạng này từ khởi thuỷ?
David Bohm: Bởi vì con người còn VÔ MINH-ignorant, chưa thấy ra sự thật.
Krishnamurti: Nhưng CON NGƯỜI VỐN THUỘC VÀO CÁI TOÀN THỂ, CÁI NGUYÊN VẸN, nhưng trong một góc hẹp, con người tồn tại và sống trong hỗn loạn, vô trật tự. Còn cái TRÍ THÔNG MINH TỈNH THỨC MÊNH MÔNG này thì không. (Trang 41).
(...)
Krishnamurti: Bởi vì “X” (người giác ngộ) không “bằng lòng” với việc thuyết giảng và thảo luận suông. Cái mênh mông vô tận đó, chính là “X”, phải thực sự có hiệu quả, phải làm cái gì đó. (...).
David Bohm: Nhất thiết phải làm thế. Nhưng cái mênh mông vô tận ấy sẽ tác động hay thay đổi nhân loại cách nào? Khi ông nói thế, gợi ý người ta hiểu rằng có một hiệu quả siêu-cảm-giác lan toả khắp.
Krishnamurti: Đó là chỗ tôi đang nắm bắt đây. (...).
David Bohm: Vâng. Bởi vì thức tâm cũng khởi lên từ nền tảng, nên hoạt động này ẢNH HƯỞNG TOÀN NHÂN LOẠI cũng từ NỀN TẢNG.
Krishnamurti: Vâng. (Trang 228-229).
(...)
Krishnamurti: (...) “X” (người giác ngộ) nói, có lẽ chỉ cần có MƯỜI NGƯỜI được trang bị bằng TUỆ GIÁC này là có thể làm THAY ĐỔI XÃ HỘI, không phải tổ chức lại hệ thống chính trị này, khác. Công cuộc thay đổi đó hoàn toàn khác hẳn và đặt nền tảng trên TRÍ TUỆ và TỪ BI. (Trang 237).
(...)
Người hỏi: Phải ông nói TRI GIÁC DÙ MỘT PHẦN NHỎ BÉ cũng là cái MÊNH MÔNG VÔ TẬN?
Krishnamurti: Dĩ nhiên, dĩ nhiên.
Người hỏi: Phải tự thân tri giác là NHÂN TỐ làm thay đổi?
David Bohm: Phải ông nghĩ rằng việc tri giác cái phần nhỏ bé đó chuyển hướng nhân loại thoát khỏi con đường nguy hiểm họ đang đi?
Krishnamurti: Vâng, tôi nghĩ thế. Nhưng để đánh lệch hướng đi vào chỗ huỷ diệt của con người, ai đó phải BIẾT LẮNG NGHE. Đúng chứ? Ai đó, người nào đó – mười người nào đó cũng được – phải biết lắng nghe.
David Bohm: Vâng.
Krishnamurti: Lắng nghe TIẾNG GỌI của cõi mênh mông vô tận đó.
David Bohm: Vậy là cái mênh mông vô tận có thể làm lệch hướng đi của con người. CÁ NHÂN KHÔNG THỂ làm được việc đó. (Trang 239).

 

(...)
Krishnamurti: Tôi muốn thảo luận với bạn và có lẽ cả Narayan (hiệu trưởng trường Rishi Valley) xem điều gì đang diễn ra nơi bộ não nhân loại. Ta có một nền văn minh mở mang, tiến bộ rất cao nhưng đồng thời cũng rất dã man, tàn ác với tính vị kỉ được nguỵ trang dưới mọi lớp áo tinh thần, tôn giáo. TẬN SÂU TRONG NỘI TÂM CŨNG CÓ TÍNH VỊ KỈ khủng khiếp đó. NÃO BỘ CON NGƯỜI ĐÃ TIẾN HOÁ liên tục qua nhiều ngàn năm để ĐI ĐẾN GIAI ĐOẠN CHIA RẼ HUỶ DIỆT NÀY mà tất cả chúng ta đều biết. Vì thế tôi tự hỏi phải chăng não bộ người, không phải não bộ đặc biệt riêng tư nào cả, mà là NÃO BỘ LOÀI NGƯỜI, đang hư hỏng, sa đoạ? Phải chăng não đang ở trong tình trạng suy đồi một cách chậm và chắc? Hay liệu trong một đời người ta, ta có thể mang lại TRONG NÃO MỘT SỰ ĐỔI MỚI toàn diện – một cuộc đổi mới toàn vẹn, triệt để, bất nhiễm? Tôi đã tự hỏi mọi điều ấy và tôi muốn thảo luận.

Tôi nghĩ não bộ nhân loại không phải là não bộ của cá nhân nào, nó không phải của tôi hay bất kì của ai khác. Đó là não bộ của nhân loại đã tiến hoá qua nhiều nghìn năm. Và trong cuộc tiến hoá đó, não đã tích luỹ một lượng lớn khủng khiếp kinh nghiệm, kiến thức và những hành động tàn ác, hung bạo và thô bỉ của tính vị kỉ hay ích kỉ. Có thể nào cởi bỏ tất cả mọi thứ ấy và đổi khác không? Bởi vì rõ ràng NÃO ĐANG VẬN HÀNH TRONG NHỮNG MÔ HÌNH. Dù đó là mô hình tôn giáo, khoa học, kinh doanh... hay mô hình gia đình thì não vẫn luôn luôn vận hành trong cái vòng luẩn quẩn nhỏ nhen cạn cợt. Các vòng luẩn quẩn ấy va chạm nhau, mâu thuẩn dường như không có chỗ dứt. Vậy cái gì, yếu tố nào sẽ đứng ra phá vỡ việc hình thành các mô hình này mà không rơi vào mô hình mới khác, mà phá vỡ toàn bộ hệ thống mô hình, dù là đau khổ hay khoái lạc? Tóm lại, não đã chịu nhiều cú sốc, nhiều thách thức và áp lực. Và nếu nó không đủ khả năng để TỰ ĐỔI MỚI hay tự trẻ hoá lại thì có rất ít hi vọng. Bạn hiểu chứ?

David Bohm: Chắc ông thấy, có một khó khăn trước mắt. Nếu ông suy nghĩ đến cấu trúc của não, ta không thể đi sâu vào cấu trúc đó về mặt vật lí.
Krishnamurti: Về mặt vật lí, ta không thể. Tôi biết, ta đã thảo luận điều ấy. Vậy não phải làm gì? Các chuyên gia về não người có thể quan sát, lấy não người chết ra xem xét, nhưng làm thế không giải quyết được vấn đề. Đúng chứ?
David Bohm: Không thể.
Krishnamurti: Vậy con người phải làm gì khi biết rằng KHÔNG THỂ THAY ĐỔI ĐƯỢC NÃO TỪ BÊN NGOÀI? Nhà khoa học, chuyên gia về não và nhà thần kinh học đã giải thích đủ điều, nhưng các giải thích, các nghiên cứu của họ cũng không giải quyết được vấn đề này.
David Bohm: Không có bằng chứng cho thấy là họ có thể.
Krishnamurti: Không có bằng chứng.
(...)
David Bohm: Câu hỏi tiếp theo là liệu não có thể tri giác chính cấu trúc của mình.
Krishnamurti: Liệu NÃO CÓ THỂ TRI GIÁC CHÍNH HOẠT ĐỘNG CỦA NÓ không? Và không chỉ tri giác chính hoạt động của mình mà tự mình còn có đủ NĂNG LƯỢNG để phá vỡ tất cả mô hình và thoát khỏi đó không?
(...)
David Bohm: Vâng, tôi nghĩ ở một giới hạn nào đó, ta phải buông bỏ kiến thức của ta, chắc ông thấy, kiến thức có thể có giá trị đến một giới hạn nào đó và quá giới hạn đó kiến thức không còn giá trị. Kiến thức trở thành chướng ngại. Ông có thể nói NỀN VĂN MINH CỦA TA ĐANG SỤP ĐỔ DO CÓ QUÁ NHIỀU KIẾN THỨC.
Krishnamurti: Đương nhiên thôi.
David Bohm: Ta không biết loại bỏ chướng ngại.
(...)
Krishnamurti: Vâng, tôi muốn đặt vấn đề về toàn bộ cái ý nghĩ muốn có kiến thức.
David Bohm: Nhưng, một lần nữa, nói thế không rõ lắm, bởi vì ta chấp nhận rằng ta cần có một số kiến thức.
Krishnamurti: Đương nhiên, ở một mức độ nào đó.
David Bohm: Vậy không rõ ông muốn đặt vấn đề về loại kiến thức nào?
Krishnamurti: Tôi đặt vấn đề về việc kinh nghiệm lưu lại kiến thức, tức để lại một dấu ấn.
David Bohm: Vâng, nhưng loại dấu ấn gì? Dấu ấn tâm lí à?
Krishnamurti: Đương nhiên, DẤU ẤN TÂM LÍ (tức cái “tôi”). (Trang 241-250).

(...)
Krishnamurti: (...) Ta đang tiến đến một điểm, tức là TRI GIÁC TRỰC TIẾP và HÀNH ĐỘNG TỨC THÌ. Thông thường tri giác của ta bị điều khiển bởi kiến thức (mang dấu ấn tâm lí), bởi quá khứ (mô hình tâm lí), tức là kiến thức đứng ra tri giác và từ đó mà có hành động. Đó là nhân tố co rút não, gây lão suy.

Có chăng một tri giác không bị trói buộc bởi thời gian (thời gian tâm lí – tức cái “tôi”)? Và do đó có hành động tức thì? Tôi trình bày như vậy có rõ chưa? Nghĩa là, bao lâu não, đã tiến hoá qua thời gian (mang dấu ấn tâm lí), vẫn còn sống trong mô hình của thời gian thì vẫn còn chịu tình trạng lão suy. Nhưng nếu ta có thể phá vỡ mô hình thời gian đó, nếu não đã phá vỡ mô hình thời gian đó, từ đó mới có CÁI KHÁC diễn ra.
(...)
Narayan: Phải ý ông muốn nói rằng, chính việc THẤY cái tiến trình mang tính huỷ diệt ấy là NHÂN TỐ GIẢI THOÁT?
Krishnamurti: Đúng thế.
(...)
Krishnamurti: Tôi không nói về việc tồn tại mãi mãi – tuy thế tôi không chắc là não bộ vật chất không thể tồn tại mãi mãi. Không, đây là việc hết sức nghiêm túc, tôi không nói đùa đâu. (Trang 258-261).
(...)
David Bohm: Phải ông nói rằng NỘI DUNG TÂM LÍ NÀY LÀ MỘT CẤU TRÚC VẬT LÍ nào đó nằm trong não? Nhằm mục đích để cho nội dung tâm lí này tồn tại, não qua bao nhiêu năm đã thực hiện thật nhiều NHỮNG KẾT NỐI CỦA TẾ BÀO NÃO hầu cấu tạo nội dung này?
Krishnamurti: Chính xác, chính xác.
David Bohm: Và rồi một ánh chớp của TUỆ GIÁC (tri giác thuần khiết, trực tiếp) SOI THẤY tất cả mọi điều ấy, và tất cả không còn cần thiết nữa. Do đó, tất cả mọi điều ấy bắt đầu tan biến. Và khi đã TAN BIẾN thì không còn có nội dung (tâm lí) nữa. Bấy giờ, bất cứ não làm việc gì cũng đều khác hết.
Krishnamurti: Hãy đi xa hơn. Bấy giờ, có sự trống không hoàn toàn.
David Bohm: Đúng. Trống không nội dung. Nhưng khi ông nói trống không hoàn toàn, phải ý ông muốn nói trống không tất cả NỘI DUNG TÂM LÍ (vị ngã-cái “tôi”) này?
Krishnamurti: Đúng thế. Và sự trống không đó có một năng lượng khủng khiếp. CÁI KHÔNG ĐÓ LÀ NĂNG LƯỢNG.

David Bohm: Vậy phải ý ông muốn nói rằng não, do đã thực hiện tất cả những kết nối phức tạp ấy, đã giam hãm một lượng lớn năng lượng?
Krishnamurti: Đúng đấy. Tiêu hao năng lượng.
David Bohm: Và khi các kết nối bắt đầu tan biến thì năng lượng liền có đó.
Krishnamurti: Vâng.
David Bohm: Phải ông nói năng lượng là vật lí cũng là năng lượng khác?
Krishnamurti: Tất nhiên. Bây giờ ta có thể đi tiếp vào chi tiết hơn. Nhưng nguyên lí này, NGUỒN GỐC của nó, là một Ý NIỆM hay một SỰ KIỆN? Tôi nghe tất cả mọi điều ấy bằng thính giác, nhưng tôi có thể biến điều tôi nghe thành một ý niệm. Nếu tôi nghe không chỉ bằng lỗ tai, mà BẰNG CẢ TỰ THỂ CỦA TÔI, bằng chính trong cấu trúc của tôi thì lúc đó, VIỆC GÌ XẢY RA? Nếu không nghe theo cách đó, tất cả mọi điều ấy đơn thuần trở thành một ý niệm, và tôi quay cuồng tất cả phần đời còn lại của mình chơi đùa với những ý niệm. (...).
(Trang 273-274).

(...)
David Bohm: Vật chất đang động. Ông có thể nói rằng có bằng chứng về điều đó, rằng khoa học đã tìm thấy vô số những phản ứng đều do các dây thần kinh.
Krishnamurti: Có phải bạn nói rằng vật chất và chuyển động đều là những phản ứng tồn tại trong tất cả vật chất hữu cơ.
David Bohm: Vâng, mọi vật chất ta biết đều tuân theo định luật TÁC ĐỘNG VÀ PHẢN ỨNG. Mỗi tác động đều có một phản ứng tương xứng.
Krishnamurti: Vậy tác động và phản ứng là một tiến trình vật chất như TƯ TƯỞNG vậy. Bây giờ việc VƯỢT LÊN TRÊN TIẾN TRÌNH ĐÓ mới là vấn đề.
(...)
Krishnamurti: Bởi vì bất kì động đậy nào của tư tưởng đều là một tiến trình vật chất.
(...)
David Bohm: Vâng. Vậy ta nói tư tưởng là như thế. Tư tưởng vẫn xuất phát từ cái nền tảng kiến thức. Vì thế, ông cho rằng CÁI MỚI phát sinh KHÔNG THUỘC VÀO TIẾN TRÌNH NÀY?
Krishnamurti: Vâng, có cái gì đó mới thì TƯ TƯỞNG, như một tiến trình vật chất, PHẢI CHẤM DỨT.
David Bohm: Và rồi sau đó tiến trình tư tưởng có thể ĐƯỢC SỬ DỤNG LẠI.
Krishnamurti: Sau đó, vâng. (...). (Trang 322-324).

(...)
Krishnamurti: (...) Giờ đây, tôi xin hỏi, phải chăng vũ trụ vạn vật và cái trí, đã tự mình trút sạch trống không mọi thứ (tâm lí vị ngã), đó là một?
David Bohm: Phải chăng chúng là một?
Krishnamurti: Chúng không tách biệt, riêng lẻ, chúng là một.
David Bohm: Vậy, ông đang nói rằng VŨ TRỤ VẬT CHẤT giống như THÂN CỦA CÁI TRÍ TUYỆT ĐỐI?
Krishnamurti: Vâng, chính xác.
David Bohm: Nói thế thật là ấn tượng!
(...)
Krishnamurti: Ta cũng đồng ý ở chỗ rằng có cái TRÍ PHỔ QUÁT này và trí con người có thể HOÀ NHẬP vào đó khi có TỰ DO GIẢI THOÁT. (Trang 342-343).

(...)
Krishnamurti: Từ cái cá biệt riêng tư, cần thiết phải đi đến cái chung, cái phổ biến, rồi từ cái phổ biến vẫn tiếp tục vào sâu hơn nữa và có lẽ, có cái tánh thuần khiết được gọi là TỪ BI, TÌNH YÊU và TRÍ TUỆ. Nhưng điều đó có nghĩa rằng bạn phải đặt hết trí, tâm và toàn bộ tự thể của bạn vào công cuộc TRA XÉT, KHÁM PHÁ này. (...). (Trang 369-370).
-------------------------------------------------------------

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tuệ Thiền
Số lần đọc: 995
Ngày đăng: 27.10.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những người thiện tâm - Lê Ký Thương
Bánh ướt tôm chấy của chị Lúa. - Trang Thùy
Nỗi lòng của Cha - Lê Hứa Huyền Trân
Một thoáng đôi bờ xứ Nghệ - Phan Anh
Chinh chiến - William Lê
Hồn nhiên hoa móng tay - Trang Thùy
Huế, mưa kí ức - Vũ Dy
Luyện văn – luyện tư cách - Lê Ký Thương
Cô bé bán ruốc - Võ Quê
Quyển sách - Trần Hạ Vi
Cùng một tác giả
Cái Lưỡi Câu (truyện ngắn)
Ngày Giỗ Mẹ (tạp văn)
Đắm say (tạp văn)
Thiền (tạp văn)
Tự do (thơ)