Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.165
123.223.575
 
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 28: Tiếng hát giữa rừng khuya)
Võ Anh Cương

 

Khi Tư Đực vừa về đến chỗ ở, nó đã thấy “con chó” trắng của ông Dê A Vê chờ sẳn. Bên cạnh con chó là một tảng thịt nai còn cả lông, chừng này thịt chắc Tư phải ăn đến mấy ngày mới hết. Lâu nay Tư không còn ý định rời chỗ ở này để về lại rừng ma, đơn giản là nó không thể. Chỉ cần rời khỏi nơi cư trú bất đắc dĩ này chừng vài sải tay là con hổ trắng – con thú mà Tư bắt chước ông Dê gọi là con chó, sẽ xuất hiện ngăn chặn Tư ngay. Không chỉ con hổ trắng mà còn có cả hổ vàng, hình như hổ trắng là “thủ lãnh” của loài hổ trong rừng hay sao mà mọi con hổ khác đều tuân phục nó.

 

Bữa đó Tư định len lén rời đi, tìm đường về lại rừng ma vì Tư biết con hổ trắng vừa chạy về ngôi nhà dưới hai tảng đá của ông Dê bằng một hiệu lệnh bí mật. Khi “con chó” vừa khuất vào một khúc quanh cuối rừng, Tư vơ vội mấy món đồ ít ỏi của nó rồi chạy theo hướng ngược lại. Đang mừng rỡ vì dịp may hiếm có này, Tư sửng người khi trước mặt nó xuất hiện một con hổ vàng khổng lồ. Không thể tưởng tượng được sự to lớn của con hổ, Tư chưa bao giờ thấy một con hổ như vậy cho dù loài hổ đối với học viên của học viện Langbiang không có gì xa lạ. Nó cao gần gấp đôi Tư, còn chiều dài của nó chắc hơn hẳn sải tay của Bạc Đầu Râu! Ở học viện, các thầy giáo và học viên đều là những người thấp, trừ Bạc Đầu Râu là một người bình thường, có khi lại to lớn hơn người bình thường một chút. Thế cho nên sải tay của Bạc cũng khá là dài, vậy mà con hổ vàng này còn có vẻ dài hơn sải tay của thầy Bạc. Đó là ý nghĩ thoáng qua rất nhanh trong đầu óc của Tư, ngay trong khoảnh khắc ấy phương thuật Trị thú cũng xuất hiện thay thế cho nhận xét này.

 

Thầy Râu dài hướng dẫn phương thuật này rất tỉ mỉ, trước khi đi sâu vào phần hướng dẫn học trò của mình, Mat nói:

-Các con phải biết tất cả các loài thú đều sợ con người tuy có những loài có sức mạnh trời cho có thể vật chết con người bất cứ lúc nào nhưng con người có trí khôn nên bao giờ cũng chiến thắng trước thú dữ. Có điều các con phải lưu ý rằng đừng bao giờ dồn con thú vào đường cùng, chỉ là một con chó bình thường thôi, khi bị dồn tới bước đường cùng cũng quay lại tấn công con người với tất cả sức lực của nó vốn có cộng với sự dồn nén nên sức mạnh của thú sẽ được nâng lên tột độ.

Rồi Mat nói tiếp:

-Lửa là một vũ khí lợi hại mà con vật nào cũng sợ, tuy vậy có con vật lại sùng bái hơi nóng từ lửa, cụ thể là loài rắn. Vì vậy khi đi cắm trại trong rừng, các con phải luôn chú ý đến loài bò sát này, chúng sẽ im lặng bò đến và chui vào túi ngủ hay những tư trang của các con để thưởng thức hơi nóng từ lửa! Các con nên nhớ rằng rắn không bao giờ tấn công con người nếu nó không bị đe dọa đến sự an toàn của nó. Chẳng hạn khi các con vô tình dẫm phải đuôi rắn, tức khắc nó sẽ quay lại mổ các con ngay. Nọc rắn rất độc, tùy theo loại rắn, có loại người bị rắn cắn chết ngay sau khi đếm đến mười, có loại thì lâu hơn nhưng nhìn  chung rắn độc đều có hại. Sau bài học này ta sẽ truyền cho các con cách trị rắn cắn nhưng trước hết các con phải biết đừng tấn công rắn trước, nghe chưa!

Rồi Mat dạy thuật Trị thú, điều cơ bản là phải khống chế thú bằng cái nhìn! Đúng vậy, không con thú nào dù cho là dữ cách mấy cũng không dám nhìn thẳng vào mắt người. “Vì sao ư?” Mat nói: “đó chính là cái “thần” nơi mỗi chúng ta. “Thần” là gì? Không ai có được định nghĩa chính xác về thần nhưng nói chung cái để phân biệt giữa người và thú là thần, cái để phân biệt người này và người khác cũng là thần. Ai cũng có thần như nhau nhưng cách tu luyện khác nhau sẽ có thần khác nhau”. 

Ban đầu Tư Đực chẳng hiểu gì cả với lời giải thích của thầy Râu dài nhưng Tư vốn có trí nhớ tốt nên nó cứ nghiền ngẫm từng lời nói của Mat, cuối cùng Tư giác ngộ, ít nhất theo cách mà nó nghĩ ra!

Tư Đực áp dụng ngay thuật Trị thú vào con hổ vàng khổng lồ. Tập trung tinh lực - nghĩa là thần theo cách hiểu của nó, Tư dồn hết tất cả vào mắt thú. Tức khắc con hổ lảng tránh cái nhìn của Tư nhưng nó không chịu thua ngay, nó bỗng dưng gầm một tiếng náo loạn rừng xanh! “À…uôm….” Tiếng đồng vọng từ bốn phía dội lại, “à…uôm…”, “à…uôm…”, tất cả các con thú đều im tiếng, không gian sống trong rừng như đông đặc lại dưới sự thị uy của chúa sơn lâm. Ban đầu Tư Đực cũng hơi bị chao đảo bởi tiếng gầm của con hổ vàng, nhanh chóng Tư sử ngay thuật Tĩnh tâm, khoảnh khắc sau tiếng gầm của con hổ vàng vang vọng trong tâm Tư Đực chỉ nhỉnh hơn một tiếng mèo kêu trong đêm vắng!

Nhưng cuối cùng Tư cũng không rời khỏi khu rừng được bởi xa xa Tư thấy một con hổ vàng khác cũng đang trấn phía mà Tư định đi qua. Tư quay qua bên phải cũng thế, bên trái cũng thế, Tư thất vọng quay về nơi nó dùng làm chốn nương thân dưới một gốc cổ thụ ven bờ suối. Từ bữa đó Tư từ bỏ ý định trở lại rừng ma, dù sao rừng ở đâu cũng chỉ là rừng nên sự thôi thúc theo ngày tháng cũng có chút phôi pha.

Tư toàn tâm toàn ý học hát, nghĩa là nó cố nhại lại tiếng của tự nhiên, vả chăng với Tư ý niệm “hát” vẫn là một cái gì bí hiểm, bí hiểm giống như lời giải thích hàm hồ của ông Dê A Vê. Thật tâm càng ngày Tư càng thích thú với “trò chơi” này bởi những âm thanh chung quanh nó quá là đa dạng và đầy hấp dẫn. Này nhé, tiếng con hoẵng tát trong chiều lẫn trong tiếng gió xào xạc khác hẳn tiếng róc rách của dòng suối đang chảy qua bạt ngàn lau sậy. Tư không theo hướng dẫn của ông Dê A Vê, nghĩa là học theo tuần tự từ tiếng con suối qua tiếng thác đổ…mà nó học theo cảm hứng của mình. Tư đam mê tiếng chim họa mi gọi bạn tình, nó sâu lắng và khơi dậy trong tâm hồn Tư một điều gì đó khó tả, thứ mà nó chưa hề cảm nhận qua từ trước đến nay. Vì vậy Tư để cả tâm hồn mình vào việc “học”, ngoài thời gian dành cho việc ăn uống để tồn tại Tư lơ là hết thảy, ngay cả con chó bạn nó lúc nào cũng quanh quẩn bên Tư, thỉnh  thoảng Tư mới dành thời gian giỡn chơi với nó.

Tư không biết mình đã “học” được bao nhiêu trong rừng âm thanh của tự nhiên, vả chăng nó cũng không chú ý đến điều này, chỉ cần bắt chước được tiếng của một con vật hay âm thanh cuộc sống quanh mình là Tư vui lắm rồi.

Ông Dê A Vê giữ lời hứa, đều đặn qua con chó trắng, ông gởi đến cho Tư vật phẩm, từ chút muối để khỏi nhạt mồm nhạt miệng đến bộ quần áo vải thô, thịt thú tươi hay xông khói…nghĩa là Tư không thiếu thốn như hồi sống ở rừng ma. Điều này khiến Tư cảm động, dù chưa thiết lập được tình thân với ông Dê quái dị nhưng qua cách chăm sóc của ông, thành kiến trong lòng Tư ngày càng giảm bớt.

Hôm nay Tư trở về căn chòi dựng dưới gốc cây cổ thụ sau khi đi học tiếng róc rách của dòng suối trong rừng, nó thấy một tảng thịt còn rướm máu ông Dê gởi. Tảng thịt này Tư và con chó ăn có lẽ đến mấy ngày mới hết. Thực ra, con hổ trắng thường ăn thịt sống mà nó săn được, nhưng sống với người từ hồi còn nhỏ nên con thú đâm ra thích ăn thịt nướng. Mà cách nướng thịt của Tư thường đem đến hương vị thơm tho, mùi vị đó kích thích tất cả các động vật ăn thịt, từ con người đến con hổ hay con sói rừng với cuộc sống bầy đàn. Bí mật trong món nướng này là lá gia vị tẩm trong thịt đủ để nâng lên hết cỡ vị thơm ngon của món thực phẩm này. Ngoài ra còn có sự góp phần của muối, muối giúp vị ngọt của thịt thêm sức quyến rũ bất cứ ai dù có khó tính đến đâu chăng nữa!

Hai “người bạn” ăn xong bữa tối thì trăng cũng vừa mọc. Những đêm trăng Tư thường ít ngủ, không hiểu sao từ ngày vào cánh rừng tự học, Tư ngày càng thích trăng. Vì sao Tư không quan tâm đến, Tư chỉ biết rằng mình thích trăng thế thôi. Trăng đem đến cho Tư  Đực những cảm xúc mới - lúc ấy Tư không biết thế nào là cảm xúc, sau này nghĩ lại Tư mới biết đó là một cung bậc trong tình cảm của con người. Cũng phải thôi từ nhỏ Tư đã được đưa vào học viện Langbiang, ở đó người ta đào tạo Tư trở thành một nhà thông thái, nghĩa là cái gì cũng biết nhưng như thế đâu đã đủ? Từ ngày Tư được ông Dê A Vê cho biết Tư sẽ trở lại “bình thường” sau khi uống thuốc của ông, nghĩa là Tư sẽ giống Bạc Đầu Râu chứ không phải như những bạn đồng môn thuộc loại thấp bé, cách gọi những người lùn trong lớp Nhập môn, Tư đã có cái nhìn khác về học viện của mình! Sự biến đổi trong tâm hồn của Tư không ai nhận thấy bởi chỉ mình Tư sống trong một khu rừng hoang vắng, tự học “hát” với thiên nhiên bên cạnh một “thằng bạn” mà Tư gọi là con chó trắng lúc vui buồn hay phẫn nộ, đói khát hay muốn biểu hiện cái uy của chúa tể rừng xanh đều dựa vào tiếng “à uôm”!

Vậy mà đêm trăng này Tư nghe một loại âm thanh khác hẳn tiếng thiên nhiên mà Tư đang cố tình học thuộc, cho dù giữa tự nhiên và việc học của Tư bao giờ cũng có khoảng cách. Sau này Tư mới biết đó là tiếng hát, chứ lúc ban đầu nghe Tư không biết đó là gì nhưng Tư nhận ra âm thanh mà mình nghe đi thẳng vào tâm hồn Tư, một tâm hồn nguyên thủy!

Tò mò là tính cách của con người, bất kể là người hiện đại hay người xưa cũ, cũng nhờ thế mà cuộc sống con người ngày càng tiến bộ. Tư lần theo khe suối đi tìm tiếng hát, tiếng hát như thật như mơ lẫn vào trong lá trong cây hay lơ lửng trên không trung bàng bạc đầy trăng. Tư để hết tâm trí vào cuộc tìm kiếm, cuối cùng Tư tới một nơi nó chưa hề đặt chân đến bao giờ. Đó là một thung lũng cỏ, trong ánh trăng bàng bạc, Tư vẫn nhận ra màu cỏ rất đặc biệt: một màu hồng thuần khiết phủ kín lòng thung!

Tư sửng người, nó cứ tưởng rằng mình đang mơ. Bên bờ suối một người con gái đang ngồi hát. Từ môi nàng thoát ra những âm thanh lúc cao vút, lúc trầm lắng hòa trong tiếng nước chảy, hình như nàng để cả tâm hồn vào lời ca tiếng hát nên không biết đến sự hiện diên của Tư! Tư không dám nhúc nhích sợ nàng phát hiện ra mình, nó đứng im để hết hồn vào lời ca đau khổ. Phải, nàng hát bằng tiếng Lạch, nội dung đơn sơ nhưng Tư nhận ra sự đau đớn trong lòng nàng. Nàng nhớ bon làng, nàng nhớ những buổi lên rẫy chọc lỗ tỉa hạt, nàng nhớ những đêm hội cồng chiêng, nàng nhớ vít cần bên ché rượu….

Tự trong sâu thẳm, Tư bỗng trào lên một niềm thương cảm cho dù chưa biết nhiều lắm về nàng. Lúc này Tư đâu biết rằng sức mạnh của lời ca tiếng hát có thể xóa tan thù hận, sức mạnh ấy có thể đưa con người đến với nhau và lời ca tiếng hát có thể hòa nhập vào thiên nhiên bất tận!

Tư im lặng thưởng thức món quà bất ngờ và lạ lẫm, nó không dám thở mạnh chứ đừng nói gì đến cử động vì Tư sợ sẽ khiến nàng phát hiện ra nó và ngừng hát! Nhưng cuối cùng nàng cũng chấm dứt bài hát của mình, bất ngờ nàng ngước mắt lên nhìn thấy Tư đang say đắm nhìn nàng, nàng nhoẻn miệng cười, một nụ cười thật đẹp!

Tư như bị Thần núi cướp mất linh hồn, nó ngơ ngác trước vẻ đẹp lộng lẫy của nàng. Nàng chỉ vận một cái váy đơn sơ có dệt hoa văn dưới gấu, nàng để bộ ngực trần tắm trong ánh trăng huyền ảo, cái ùi hờ hững khoác lên bờ vai tròn trịa của nàng. Từ trước đến giờ Tư chưa bao giờ để ý đến đàn bà nói chi đến bộ ngực của người con gái. Cảnh tượng trước mắt đánh thức bản năng đàn ông của nó, dù sao nó cũng là giống đực dù chỉ mấp mé tuổi trưởng thành! Tư nhìn chằm chằm vào bộ ngực thanh tân của người thiếu nữ, không có bất cứ lời nào có thể mô tả vẻ đẹp toát ra từ cơ thể nàng. Nàng rướng người ra phía trước khiến cặp vú nửa như thách thức nửa như mời gọi, dường như nàng muốn hỏi rằng “em có đẹp không?”. Tư xơ cứng trong thế đứng như bị trời trồng trên mặt đất không biết phải làm gì trước cảnh tượng này. Nàng cười và hỏi:

-Anh là ai, từ đâu tới?

Mãi một lúc sau Tư mới lắp bắp trả lời:

-Tôi là Tư...Tư Đực...Tư Đực!

Tiếng sét ái tình ở đâu cũng có, đó là ơn huệ của Giàng dành cho con người. Nếu có mặt ở đây, Mat chắc sẽ nói như thế!

 

CHƯƠNG 29

CỎ HỒNG

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 815
Ngày đăng: 04.11.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiểu thuyết : Một nỗi đau riêng (Chương 2) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 27: Sự cố bất ngờ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 26: Inrasara) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 25: Bảy con ve sầu) - Võ Anh Cương
Ạch liên Tây Hồ(*) - Trương Đình Phượng
Tiểu thuyết : Một nỗi đau riêng (Chương 1) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 24: Kỳ mỹ nữ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 23: Dưới gốc cây cổ thụ(2)) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 22: Dưới gốc cây cổ thụ (1)) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 21: Tao ngộ) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)