Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.159
123.224.519
 
Đắm say
Tuệ Thiền

 

 

Thuở đắm say em
Nặng ánh mắt tình nên quá tải
Chiếc thuyền đời chao đảo
Bến hạnh phúc xa tít cõi sương mù

Thời đắm say danh lợi
Gai lửa đầy lối đi
Hồn rát bỏng quẩn quanh ngõ cụt
Bãi chiến trường giữa trái tim si…

Chân phúc đến: vui trong Chánh Đạo
Tâm Xuân Bất Diệt gọi tôi về
Lòng-say-đắm neo thuyền bến giác
Vỡ chén phong trần - tỉnh cơn mê.


(Đường về minh triết, nxb Văn nghệ, 2007)

 

------

 

ÁP LỰC VẬT CHẤT ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI VỪA TỪ TRẦN

 

(Trích trong Trở Về  Từ Cõi Sáng - Nguyên Phong tuyển dịch; nxb Đồng Nai, 2013; Thuvienhoasen org)

 

        Trong những lần trước, chúng ta đã tìm hiểu về đời sống bên kia cửa tử qua lời kể của những người đã chết rồi hồi sinh (Near death experience). Trong phần nầy chúng ta sẽ tìm hiểu về những áp lực vật chất đối với những người vừa từ trần. Theo kinh Địa Tạng, những người tạo ác nghiệp khi chết sẽ trở thành ngạ quỷ hay súc sanh. Ngạ quỷ là quỷ đói, bụng to bằng cái trống nhưng cái họng chỉ bé bằng cái kim nên ăn uống mãi mà cũng không no. Có lẽ điều nầy ám chỉ những vong linh còn nhiều dục vọng, vẫn thèm khát cái thú vui vật chất, nhưng vì không còn thể xác để thỏa mãn nên bị dục vọng hành hạ biến thành một loài quỷ đói.

 

          Theo các sách vở viết về thế giới bên kia thì đây là một cõi được cấu tạo bằng những chất liệu rất thanh và nhẹ so với nguyên tử cõi trần, nên muốn sống một cách thảnh thơi, các vong linh khi qua đây phải biết loại bỏ đi những phần tử nặng trược tích tụ trong kiếp sống ở cõi trần như dục vọng, sự quyến luyến, lòng ham ăn uống hay đòi hỏi xác thịt. Vì trước sau ai cũng phải đến đó nên sự hiểu biết về cõi giới nầy là một điều rất cần thiết. Nếu khi du lịch qua xứ lạnh, người ta chuẩn bị y phục ấm để khỏi bị lạnh, thì sự chuẩn bị để qua cõi nầy cũng đòi hỏi một sự chuẩn bị cẩn thận. Dĩ nhiên sự giải thoát khỏi các áp lực vật chất không phải dễ, vì trong mấy chục năm sống ở cõi trần người ta đã trầm mình trong dục lạc, muốn cởi bỏ đâu phải trong một thời gian ngắn như vài ngày hay vài tháng mà được. (…..)

 

Cuốn Revelations của nhóm Les Amis de Chamfleury đã ghi nhận rất nhiều trường hợp về những áp lực vật chất mà danh từ Phật giáo gọi là "Cận tử nghiệp", chúng tôi xin trích dịch một trường hợp tiêu biểu như sau.

----------

 

Bác sĩ Otto Kunz làm việc tại bệnh viện thành phố Annecy, Thụy Sĩ. Ông bà Kunz có một người con trai duy nhất tên là Jo đang theo học đại học Geneve năm thứ hai. Vào tháng 4 năm 1952, cô thư ký của bác sĩ Kunz nhận được thư của một người tên là Bernard Piquet viết cho bác sĩ, nhưng vì bất cẩn cô xếp lầm bức thư nầy vào một chồng hồ sơ bệnh lý dày cộm trên bàn, thư bị thất lạc. Hai tuần sau đó, cậu con trai của bác sĩ đi bơi và chết đuối trong hồ Geneve. Đến cuối tháng, sau khi dở hồ sơ bệnh lý, bác sĩ Kunz tìm thấy bức thư thất lạc, nội dung báo trước cái chết của cậu con trai Jo và yêu cầu bác sĩ tiếp xúc với người viết thư.

 

             Đại khái bức thư như sau: "Thưa bác sĩ, tôi được giao phó một công việc rất khó khăn mà tôi không biết phải xử trí ra sao. Việc nầy đã gây cho tôi nhiều bối rối nên tôi mạo muội viết thư nầy cho bác sĩ mặc dù chúng ta chưa hề quen biết. Tôi thấy trước tại nghĩa địa thành phố Annecy một ngôi mộ mới của một cậu con trai tên là Jo Kunz, con của bác sĩ. Cậu vừa thi xong kỳ thi năm thứ hai đại học rồi đi tắm và bị chết đuối. Đây không phải là lần thứ nhất tôi biết trước được những việc sẽ xảy ra nhưng tôi không bao giờ can thiệp vào những việc nầy. Tuy nhiên, lần nầy tôi nhận được lời yêu cầu phải thông báo tin nầy cho bác sĩ trước khi sự việc xảy ra, nên tôi rất ngần ngại vì sợ bác sĩ cho rằng tôi đang toan tính việc gì chăng! Tôi suy nghĩ rất kỹ và sau cùng quyết định viết thư nầy để xin bác sĩ liên lạc với tôi qua địa chỉ và số điện thoại sau...".

                                                                                                                                                                                                                 

Là người hoàn toàn tin tưởng vào khoa học, bác sĩ Kunz rất ngạc nhiên vì lá thư đến trước khi chuyện xảy ra, nên ông vội điện thoại cho ông Bernard Piquet. Trong cuộc tiếp xúc, bác sĩ Kunz được biết ông Piquet không những là một người có địa vị trong xã hội, mà còn là một nhà thần linh học chuyên nghiên cứu về cõi giới bên kia cửa tử. Ông Piquet cho biết có rất nhiều vong linh sống vất vưởng, không nơi nương tựa, không người giúp đỡ, vì còn quá nhiều quyến luyến với cõi trần nên không thể siêu thoát. Nhiệm vụ của ông là liên lạc, giúp đỡ và hướng dẫn những vong linh nầy để họ có thể thích hợp với đời sống ở cõi bên kia. Bác sĩ Kunz không tin tưởng ở những điều mơ hồ viển vông mà ông Piquet nói, nhưng nể ông nầy là người có địa vị trong xã hội nên chỉ nói vỏn vẹn:

                                                                                                                                                         

- Thưa ông Piquet, những điều ông nói hay lắm, nhưng ông có thể giúp đỡ tôi điều gì? Ông muốn xin chúng tôi điều gì chăng?

                                                                                         

- Bác sĩ đừng hiểu lầm. Tôi không muốn xin xỏ một điều gì cả, nhưng cậu Jo, con của bác sĩ, đang cần sự giúp đỡ của bác sĩ vì cậu đang vô cùng đau khổ.

 

Nghĩ ông Piquet có ý xấu, bác sĩ nổi giận:

   - Ông muốn gì thì cứ nói thẳng ra, con tôi đã chết rồi, xin đừng gợi lại những điều đau đớn đó nữa. Làm sao tôi có thể giúp đỡ con tôi được?

                Ông Piquet bình tĩnh trả lời:

         - Thưa bác sĩ, tuy đã chết nhưng cậu Jo không siêu thoát vì đang bị ám ảnh bởi tâm trạng khủng hoảng lúc chết, do đó cậu rất đau khổ. Tôi cố sức đỡ giúp cậu nhưng vô hiệu. Có lẽ chỉ bác sĩ mới có thể giúp đỡ được cậu Jo mà thôi, vì ngày thường cậu rất phục bác sĩ.

              - Tại sao ông biết điều đó?

                     - Đó là việc của tôi. Tôi vẫn thường liên lạc với thế giới bên kia cửa tử...

 

(…..)

                                                                                                                                                                                                                      

Bác sĩ Kunz chấp thuận với điều kiện buổi tiếp xúc phải được tổ chức tại trường đại học y khoa Geneve, dưới sự chứng kiến của một nhóm bác sĩ bạn thân của ông. Không những thế, buổi tiếp xúc còn được thu vào băng để làm tài liệu kiểm chứng.

 

(…..)

 

Ông quay ra phía những người quan sát gần đó:

     - Nầy các bạn, các bạn phải cầu nguyện một cách chân thành. Cậu Jo cần nhận được những rung động thanh cao, dồi dào của tình thương phát xuất từ trái tim của quý vị. Chỉ có tình thương mới có thể đưa linh hồn cậu thoát khỏi các áp lực vật chất mà thôi.

 

(…..)

                          Bà Kunz xúc động khóc ầm lên nhưng ông Piquet cản lại:

            - Xin quý vị hãy bình tĩnh, đừng làm cậu Jo thêm đau khổ. Quý vị hãy cầu nguyện chân thành, vì chỉ có sự chân thành mới có thể giúp được Jo trong lúc nầy mà thôi. Xin quý hãy tự xét lòng mình xem có thanh khiết hay không, vì chỉ có sự thanh khiết mới có thể rung động và ảnh hưởng đến thần trí đang đau khổ của Jo. Chúng ta nên yên lặng và nghĩ đến Thượng Đế vì chỉ có ngài mới có thể giúp được chúng ta trong lúc nầy. Tuy một vài người trong quý vị có lòng thương Jo nhưng vẫn chưa đủ, mà cần có sự hòa hợp của nhiều người để tạo ra được một mãnh lực vươn lên cõi trên cảnh tỉnh Jo.

      Quý vị đừng nghĩ rằng Jo đã chết. Cậu không hề chết như quý vị nghĩ đâu, mà chỉ đi qua một cõi giới khác mà thôi. Quý vị có thể chuyển đến cho Jo những tư tưởng thân ái, những tình cảm chân thành, vì chỉ những thứ nầy mới làm cho Jo thoát được tình trạng u mê hiện nay. Càng than khóc quý vị càng làm Jo thêm đau khổ, và càng đau khổ thần trí Jo càng u mê, quyến luyến, hoảng hốt, không ích lợi gì cả.

 

(…..)

 

Cậu Jo bật lên một câu:

         - Cha mẹ ơi rong rêu bám đầy vào miệng con ghê gớm quá!

       - Con cứ bình tĩnh, mọi việc đã qua rồi. Hiện nay con đang ở bên cha mẹ, không có gì có thể làm hại con nữa đâu. Này Jo, ngày trước con hát hay lắm, con hãy hát một bài cho cha mẹ nghe đi.

           Cậu Jo bật cười thành tiếng, hát một bản nhạc thịnh hành rồi thăng. Lúc đó ông Piquet mới lên tiếng giải thích:

      - Cháu Jo từ trần quá sớm, cháu còn quyến luyến cha mẹ, tiếc cuộc đời còn đẹp nên không muốn từ bỏ cõi trần. Do đó cháu cứ bám víu vào thể xác nên thần trí bị u mê. Cái áp lực vật chất nầy rất kinh khủng cho những ai muốn bám víu vào cõi trần, nên người chết cứ bị ám ảnh bởi hoàn cảnh khi chết. Dĩ nhiên họ rất đau khổ. Vấn đề là phải biết hướng dẫn cho cháu biết chấp nhận sự chết để được siêu thoát. Muốn như thế, cháu cần phải hiểu biết về đời sống ở cõi bên kia, loại bỏ những quyến luyến thì mới có thể tiêu diêu tự tại được. Các ông bà nên biết, có rất nhiều người chết vẫn ở trong trạng thái lúc chết, từ năm nầy qua năm nọ mà không siêu thoát. Họ không sống ở cõi trần, không sống ở cõi chết, mà cứ ở giữa hai cõi. Chính cái hoàn cảnh không sống mà cũng không chết nầy làm họ u mê đau khổ.

  Muốn giúp họ chỉ có một cách duy nhất là cầu nguyện thật chân thành, để sự thương yêu của quý vị tạo ra một mãnh lực soi sáng tâm tư đang hồ đồ của người vừa mới chết. Các sự than khóc, kêu gọi ồn ào chỉ làm tâm tư người chết đã bối rối lại còn hoang mang thêm, không ích lợi gì hết. Do đó một đám tang phải được cử hành trong sự chân thành cùng cầu nguyện.

        Quý vị nên biết cõi giới bên kia cửa tử không phải là một cảnh thiên đàng hay địa ngục như người ta thường diễn tả, mà là một cảnh giới rất sáng, một thứ ánh sáng tràn đầy yêu thương của đấng sáng tạo. Tại đây người ta có dịp hồi quang phản chiếu ý thức thực của mình, để quyết định cho đời sống ở kiếp sau. Đời sống bên nầy rất yên lành, thoải mái vì chỉ có các tư tưởng rung động thanh cao, không hề bị ô nhiễm bởi các dục vọng vật chất. Muốn thích hợp với đời sống này, con người cần biết loại bỏ các ràng buộc vật chất như lòng tham lam, ích kỷ. Cháu Jo hiện nay vẫn còn bị ám ảnh nhiều bởi tâm trạng lúc chết, nhưng tôi tin cháu sẽ hiểu biết và siêu thoát.

    Sau buổi tiếp xúc, các bác sĩ trong hội đồng Y khoa đã họp nhau bàn thảo về trường hợp nầy. Đa số tỏ ra nghi ngờ, vì họ chưa thấy một bằng chứng rõ rệt nào rằng người nhập xác đồng chính là cậu Jo. Bác sĩ Kunz cũng bối rối không biết có nên tiếp tục nữa không, nhưng bà Kunz thì hoàn toàn tin tưởng, bà nói:

    - Nghe tiếng nói tôi biết đó chính là Jo, không ai có lối nói như vậy ngoài Jo. Hơn nữa, bài hát đó vẫn là bài Jo thường hát, người ngoài không thể biết được. Các ông nghi ngờ ông Piquet đã đánh lừa chúng ta, nhưng ông ta làm thế để làm gì? Cho đến nay, ông Piquet chưa hề đòi hỏi hay lợi dụng chúng ta một điều gì.

 

 

 

(…..)

 

Khi ông Piquet thốt lên lời cầu nguyện thì cậu Jo lắng tai nghe một cách chăm chú, không còn ú ớ như trước, rồi bỗng nhiên cậu cất tiếng đọc theo một cách chân thành. Khi vừa đọc đến câu cuối: "Con quyết tiến lên cõi sáng..." thì cậu bất ngờ reo lên: 

                                                                                                                                                                                                                                - Ô nhìn kìa! Ánh sáng! Ánh sáng đẹp quá... Cha mẹ ơi, ánh sáng đẹp quá... Con đã ra khỏi đường hầm tối tăm rồi, trước mặt con toàn là ánh sáng...

            Mọi người nín thở theo dõi. Bà Kunz cảm động khóc thút thít. Cậu Jo reo lớn mừng rỡ:

      - Cha mẹ ơi, ánh sáng ở đây đẹp tuyệt vời! Con thấy nhẹ nhõm làm sao... Con có thể bay bổng lên được. Thích quá! Thích quá! Phải rồi, con không còn ở dưới nữa mà đã bước vào cõi sáng... Ở đây ánh sáng đẹp tuyệt vời. Cha mẹ ơi, con sung sướng quá, con đã được giải thoát rồi...

                Ông Kunz mừng rỡ kêu lớn:

           - Phải đấy Jo con ơi, con đã bước vào cõi sáng rồi. Suốt mấy tháng nay con không thể nói được, nhưng bây giờ con đã nói được rõ ràng rồi.

             Ông Piquet ra hiệu cho mọi người cùng quỳ xuống chấp tay cầu nguyện:

       - Hỡi đấng Đại Từ Phụ, chúng con cám ơn ngài đã giúp cho cháu Jo. Chúng con yếu đuối không thể làm gì hơn là xin quỳ mọp dưới chân ngài và xin ngài chăm nom cho phần hồn của cháu Jo. Chúng con tin tưởng nơi lòng bác ái cao cả của ngài...

                  Cậu Jo nói lớn:

               - Cha mẹ ơi, con đã bước vào cõi sáng rồi, tại đây con rất thoải mái an lành, xin cha mẹ đừng lo lắng gì nhiều về con.

                Nói xong, Jo cười một cách sung sướng rồi thăng.

            Mặc dù buổi cầu có kết quả tốt đẹp, nhưng đa số mọi người vẫn không tin tưởng cho lắm. Một số bác sĩ đã nghi ngờ rằng đó chỉ là một màn kịch được đạo diễn bởi ông Piquet, mặc dù họ không biết ông nầy làm thế với mục đích gì. Cuộc bàn cãi trở nên sôi nổi hơn khi bác sĩ Kunz có ý nghiêng về phía ông Piquet và tỏ ý chê trách các bạn đồng nghiệp đã quá khắt khe với những dữ kiện thu thập được. Sau cùng mọi người đồng ý sẽ tổ chức buổi nói chuyện với Jo thêm một lần nữa.

               Hai tuần lễ sau Jo trở lại, lần nầy cậu tỉnh táo hơn và đã nói như sau:

          - Cha mẹ ơi, khi xưa con chỉ biết nghĩ đến đời sống vật chất. Con nghĩ đến tương lai huy hoàng sau khi tốt nghiệp đại học. Con nghĩ đến những tiện nghi của đời sống như có một chiếc xe hơi, một căn nhà riêng, và một tình yêu thật đẹp. Chính vì thế mà con không muốn rời bỏ cõi trần, nên cứ sống trong trạng thái bị ngộp nước suốt mấy tháng. Đó là do lỗi của con, quá thiết tha với cái vỏ vật chất mà con không muốn từ bỏ.

       Bây giờ bước qua cõi sáng, con nhìn lại và thấy mình quá ngu dại, lầm lẫn. Từ chỗ của con ở mà nhìn lại cõi trần, con thấy cõi trần âm u, ảm đạm làm sao, khác hẳn với sự tươi sáng của cõi nầy. Đời sống của con bây giờ đẹp lắm, đẹp không thể tả được. Phải chi khi vừa chết con biết được như vậy...

 

(…..)

 

Bác sĩ Morris ngồi chết sững. Mỗi câu nói của Jo là một mũi kim xuyên vào tim ông. Làm sao Jo biết được điều nầy? Những sự kiện riêng tư nầy (của ông) làm sao một người ngoài có thể biết được, trừ khi họ quan sát nó từ một cõi giới nào đó? Liệu ông có nên tin những câu nói mơ hồ phát ra từ miệng một đồng tử như vậy không? Là một khoa học gia, ông không thể chấp nhận những điều "phản khoa học" như thế nầy được, nhưng ông cũng không thể phủ nhận những dữ kiện có tính cách cá nhân mà ông không ngờ nhất. Mặt ông dúm dó lại như đau đớn lắm. Sau cùng ông run rẩy nói:

              - Cám ơn... cám ơn Jo. Bác đâu ngờ sự tình lại xảy ra như vậy...

               Cậu Jo quay qua một người khác:

     - Còn bác Franz nữa. Có phải bác đang nghĩ rằng cõi giới bên kia cửa tử là một nơi nào xa lắm, xa như một tinh tú trên bầu trời mà người ta không thể đến được không?

                            Bác sĩ Franz giật nẩy mình, ấp úng:

                         - Phải... phải đấy... nhưng làm sao cậu lại biết?

                     Jo cười lớn:

              - Cháu có thể đọc được tư tưởng của bác. Ở cõi bên nầy người ta có thể đọc rõ tư tưởng của những người bên cõi trần một cách dễ dàng. Nầy bác Franz, điều bác nghĩ không đúng đâu! Cõi giới bên nầy rất gần với cõi trần, và chỉ trong chớp mắt là người ta có thể qua đến bên nầy. Để cháu lấy một thí dụ cho dễ hiểu: Khi bác mặc áo choàng (tức còn thể xác) là lúc bác ở cõi trần, và khi cởi bỏ áo choàng ra (tức bỏ thể xác) là bác đã qua cõi bên kia rồi. Con người của bác khi khoác chiếc áo choàng và khi cởi bỏ nó nào có khác gì đâu, vẫn y nguyên như trước đấy chứ. Bác không hề thay đổi gì, cũng như đi làm bác mặc áo choàng rồi về nhà cởi bỏ áo ra, bác đâu thình lình bay bổng lên một hành tinh nào đâu, bác vẫn đứng nguyên ở chỗ cũ đấy chứ.

          Nói một cách khác, khi từ trần người vẫn ở nguyên chỗ cũ, chỉ có khác là các giác quan thuộc về xác thân đã hư hại không còn sử dụng được nữa, nhưng các giác quan mới lại bắt đầu làm việc. Sau một giây phút thay đổi như người đang đi ở chỗ tối bước ra chỗ sáng, bị lóa mắt một lúc rồi mới có thể nhìn được mọi vật một cách rõ ràng, thì cũng như thế, nhờ các giác quan mới hoạt động mà người ta có thể ý thức được cõi giới bên nầy một cách rõ rệt hơn.

         Điều đáng nói ở đây là sự quyến luyến với cõi vật chất, giống như người từ chỗ tối bước ra chỗ sáng lại cứ nhắm mắt, không muốn nhìn gì nữa. Tuy họ không còn ở chỗ tối nữa, nhưng họ cũng chưa thể thấy gì ở cõi sáng vì nhắm mắt chặt. Đó là cái áp lực vật chất, cái cảm giác u mê, đau khổ đè nặng lên tâm thức con người khiến cho họ trở nên tê liệt không sáng suốt, không ý thức và cũng hiểu biết gì. Ôi, cái tâm trạng sống không ra sống mà chết cũng không ra chết, cứ vất vưởng trong trạng thái lúc từ trần, ở giữa hai cõi giới nầy thật vô cùng ghê gớm, không thể tưởng tượng được.

       Cậu Jo im lặng một lúc rồi nói tiếp:

     - Con muốn nói để cha mẹ và mọi người hiểu thêm về thế giới bên nầy. Có rất nhiều vong linh sau khi từ trần vẫn không chịu rời bỏ những ràng buộc vật chất. Số nầy rất đông, họ sống vất vưởng, lang thang, đói khổ, không nơi nương tựa, không biết phải làm gì và cũng không chịu nghe ai. Phần con thì rất thoải mái, muốn làm gì cũng được. Con có thể bay lên bay xuống nhẹ nhàng, nhưng con thích ở bên cõi sáng nầy hơn, vì mỗi lần đi trở lại cái đường hầm âm u tăm tối kia con thấy buồn lắm. Buồn vì thấy còn có những người cứ u mê, than khóc, buồn vì cứ nghe những câu trách móc, than van, những lời nguyền rủa, những sự oán hận, đau đớn không thể kể xiết. Mấy tháng trước con cũng như thế, nhưng nhờ cha mẹ và mọi người cầu nguyện mà con tỉnh thức, thoát khỏi cái tình trạng kinh khủng kia. Bây giờ con đã hiểu rồi nên cố gắng giúp đỡ những người còn đang u mê để họ có thể tỉnh thức... Con làm việc ngày đêm không biết mệt và cũng không cần phải ăn uống nữa...

               Bà Kunz giật mình kêu lớn:

            - Sao, con không ăn uống gì ư?

            Cậu Jo cười lớn:

        - Ở bên nầy đâu ai cần phải ăn uống! Người ta sống bằng tâm thức chứ đâu bằng thân xác vật chất nữa.

 

Nầy mẹ, mẹ hay làm nhiều đồ ăn quá, mẹ nên hạn chế bớt việc nấu nướng đi. Hiện nay sức khỏe của cha mẹ không còn như xưa, mẹ không nên quá cực nhọc trong việc nấu nướng, ăn uống. Phần con thì không nghĩ gì đến việc ăn uống, thế mà sức khỏe của con lại hơn xưa, vì ở bên nầy thức ăn cần thiết là tình thương chứ không phải thứ gì khác. Cha mẹ ơi, lạ lùng lắm! Con nghiệm được rằng tình thương là sự cho ra chứ không phải nhận vào. Càng cho ra bao nhiêu con càng cảm thấy thoải mái, sung sướng, mạnh khỏe bấy nhiêu. Đó cũng là đặc điểm của cõi sáng bên nầy: Càng yêu thương bao nhiêu, người ta càng nhẹ nhõm, sung sướng, thoải mái, bình an bấy nhiêu.

 

           Hiện nay con đang cố gắng giúp đỡ những vong linh vừa từ trần đang đau khổ. Con tự nhủ: Thế nào họ cũng trải qua tâm trạng đau khổ, oằn oại, thao thức như con đã trải qua, và họ sẽ sống trong đau khổ như thế cho đến lúc tỉnh thức. So sánh với hoàn cảnh của con thì nhiều người còn khổ hơn nhiều, có người đã đau khổ như vậy đã mấy trăm năm rồi, không thể nào cảnh tỉnh họ được. Con có cảm giác rằng tâm thức họ bị đè nặng bởi những áp lực rất lớn, những áp lực kinh khủng mà sức con không thể giúp họ được. Chắc hẳn họ đã phạm những lỗi lầm ghê gớm lắm. Theo chỗ con biết, họ là những người khi sống không hề biết yêu thương, không hề biết xúc động, trái tim của họ đã khô kiệt, chỉ còn những sự thù hận, oán hờn, ích kỷ nên họ phải ở trong những nỗi đau khổ cùng cực cho đến khi nào những động năng thù oán đó tiêu tan bớt đi.

       Phần con rất may mắn là chỉ đau khổ trong vòng mấy tháng thôi, vì mê muội không chịu chấp nhận sự thật rằng mình đã chết, cứ u mê thiết tha với những vọng tưởng về vật chất mà không biết đời sống ở đâu cũng có cái hay, cái đẹp của nó. Nếu biết như vậy con đâu để mình bị ngộp nước lâu đến thế. Những điều con nói đây là sự thật mà con đã nghiệm được, cha mẹ nên trình bày cho mọi người biết để họ tránh cái hoàn cảnh đau khổ mà con đã trải qua.

 

(…..)

 

Bác sĩ Franz Lên tiếng:

                                  - Nầy Jo, cháu có thể cho bác biết thêm về cõi giới bên đó không?

      - Được chứ. Cõi bên nầy không phải là nơi mà người đi qua sẽ không bao giờ trở lại, hoặc là nơi tối tăm, ghê rợn hễ ai rơi vào đó là mất hút, mà trái lại, đó là một cõi sáng rất linh hoạt. Có lẽ nó còn linh hoạt hơn cả những đô thị sống động nhất của cõi trần, nhưng sự linh hoạt ở đây không phải là sự ồn ào, náo nhiệt mà là một sự linh hoạt rất nhẹ nhàng, bình an, thoải mái để người ta có thể cảm nhận được một tình yêu thương tuyệt đối, một ân phước dồi dào không bút mực nào có thể tả xiết. Trong sự bình an nầy, người ta bắt đầu hồi tưởng nhiều việc đã xảy ra để rút tỉa kinh nghiệm và học hỏi, để chuẩn bị cho một đời sống mai sau.

                - Cháu nói sau? Còn có một đời sống nữa hay sao?

        - Đúng thế. Còn có nhiều cõi giới nữa chứ không phải chỉ có một cõi bên nầy mà thôi. Hiện nay việc học hỏi của cháu còn giới hạn nên cháu không biết rõ những cảnh giới khác ra sao, nhưng cháu được biết sẽ có lúc cháu sẽ trở lại cõi trần, dĩ nhiên dưới một hình thức nào đó. Theo sự biết của cháu thì việc học hỏi ở bên nầy có tính cách lý thuyết còn phải mang ra thực hành, và nhờ kinh nghiệm thực hành mà người ta mới thực sự học hỏi. Vì người ta chỉ có thể kinh nghiệm thực hành  được qua đời sống ở cõi trần mà thôi, nên trước sau gì các vong linh cũng đều tái sinh trở lại.

          Cậu Jo quay qua cha mẹ:

        - Thưa cha mẹ, con đã nói tất những gì con biết về cõi giới bên nầy. Con xin cha mẹ cứ yên chí, đừng quá lo lắng gì nhiều cho con và cũng đừng gọi con trở lại nữa... Sự liên lạc nầy không cần thiết, gây quyến luyến và làm trở ngại việc học hỏi của con. Công việc của con hiện nay rất bận rộn. Con xin cảm ơn cha mẹ và mọi người đã cầu nguyện cho con, chính nhờ việc nầy mà thần trí con sáng suốt và được thức tỉnh. Việc cầu nguyện chân thành cho người chết có thể giúp đỡ cho họ rất nhiều, đây là một điều hết sức quan trọng mà mọi người cần nên biết.

     Khi từ giã cõi trần, người ta không thể mang theo tiền tài, sự nghiệp, danh vọng mà chỉ có thể mang được lòng yêu thương và sự hiểu biết mà thôi. Chính lòng yêu thương là mãnh lực duy nhất có thể vượt qua không gian, thời gian và tồn tại với người đó mãi mãi, nó cũng là yếu tố quan trọng nhất giúp người ta tiến hóa, phát triển ở cõi giới bên nầy. Người ta có thể chuẩn bị cho cuộc hành trình nầy với hành trang quý báu và độc nhất là sự yêu thương mà thôi.

        Những điều con nói ra hôm nay cần được trình bày cho mọi người biết rõ, đó cũng là lý do ông Piquet viết thư riêng cho cha để báo trước. Dĩ nhiên tin hay không là vấn đề riêng của mỗi người, điều nầy không quan trọng; nhưng sự hiểu biết về cõi sáng, về các áp lực vật chất, sẽ là một hạt giống tốt gieo vào tâm thức người đó, và rồi trong giờ phút khổ sở lúc lìa đời, người ta sẽ nhớ lại. Con xin kính chào tất cả, chúc cha mẹ và mọi người luôn luôn được bình an, hạnh phúc.

----

 

(Trường hợp của Jo Kunz là một trong hàng trăm tài liệu đã ghi nhận và soạn thảo thành hồ sơ một cách chi tiết. Một số khoa học gia cho rằng đây là tài liệu rất quý giá về cõi giới bên kia cửa tử cần phải được nghiên cứu rộng rãi hơn. Một số khác chưa chịu chấp nhận các hiện tượng nầy vì tính cách "mơ hồ khó có thể phối kiểm qua các định luật khoa học thực nghiệm". Do đó các nhà khoa học vẫn còn bàn cãi sôi nổi, chưa ai chịu nhường ai, nhưng đó là việc của họ. Còn về phần chúng ta? Phải chăng chúng ta vẫn chờ đợi cho đến khi những khoa học gia hay giới chức có thẩm quyền chấp nhận thì mới chịu tin?

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         Theo những tài liệu viết về cõi giới bên kia cửa tử như cuốn Tử thư Ai Cập và Tử thư Tây Tạng thì những người chết trẻ, chết bất đắc kỳ tử, nghĩa là chết trong lúc bất cập, chưa chuẩn bị, thường bị những áp lực rất nặng của vật chất nên khó siêu thoát. Người chết trẻ giống như quả non chín héo. Trong một quả non chín héo, người ta khó có thể tách rời cái hột ra khỏi cái trái. Ở một người chết trẻ, vong linh cũng khó có thể thoát ra khỏi áp lực của vật chất, của các dục vọng, thèm khát của xác thịt. Các vong linh nầy không muốn lìa bỏ cõi trần, không muốn rời bỏ thể xác đang tan rã, nên đau khổ rất nhiều. Hầu hết các tôn giáo đều dạy rằng khi có người sắp từ trần cần phải tụng kinh cầu nguyện. Sau khi họ qua đời cũng cần cầu nguyện tiếp tục trong một thời gian. Mặc dù đây là việc nên làm, cần làm và thường được làm, nhưng nếu chờ đợi đến khi chết rồi mới lo cầu nguyện thì có lẽ đã quá trễ chăng?

 

         Cuốn Tử thư Tây Tạng khuyên người ta cần chuẩn bị càng sớm càng tốt. Nếu có những ham muốn vật chất thì phải biết hạn chế lần hồi các dục vọng nầy bằng cách thay thế nó với những thú vui trí thức, nghệ thuật có tính cách hướng thượng. Chương thứ sáu của cuốn Tử thư đã ghi rõ: "Muốn được hữu dụng ở cõi trần và thoải mái ở bên kia cửa tử, ngay bây giờ phải biết làm chủ các dục vọng vật chất, nghĩa là tránh các thú vui tửu sắc, tránh sự tha thiết với tài sản, sự nghiệp, không nên chạy theo tiền tài, danh vọng vì đó là những vật vô thường, nay còn mai mất. Khi nhắm mắt từ bỏ cõi trần, người ta không thể mang nó theo được mà còn bị nó tạo những áp lực khiến cho thần trí hoang mang, u mê không sáng suốt, dễ bị đọa lạc vào cảnh giới ngạ quỷ hay súc sanh". Hơn lúc nào hết, sự hiểu biết về cõi giới bên kia cửa tử là một đề tài cần được nghiên cứu rộng rãi để chuẩn bị cho mọi người, vì trước sau ai cũng qua bên đó. Tại sao trước khi đi du lịch một nơi nào, người ta đã thu xếp hành lý cẩn thận, nhưng lại cố tình phủ nhận không chịu chuẩn bị, bỏ qua một nơi chốn mà trước sau ai cũng phải đến?).

--------------------------------------------------

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tuệ Thiền
Số lần đọc: 893
Ngày đăng: 11.11.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhớ thương nhau, hát nhạc Phạm Duy - Phan Trang Hy
Chừ về yên nghỉ chốn thân thương - Tuệ Thiền
Những người thiện tâm - Lê Ký Thương
Bánh ướt tôm chấy của chị Lúa. - Trang Thùy
Nỗi lòng của Cha - Lê Hứa Huyền Trân
Một thoáng đôi bờ xứ Nghệ - Phan Anh
Chinh chiến - William Lê
Hồn nhiên hoa móng tay - Trang Thùy
Huế, mưa kí ức - Vũ Dy
Luyện văn – luyện tư cách - Lê Ký Thương
Cùng một tác giả
Cái Lưỡi Câu (truyện ngắn)
Ngày Giỗ Mẹ (tạp văn)
Đắm say (tạp văn)
Thiền (tạp văn)
Tự do (thơ)