Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.215
123.206.598
 
Con Nghê chỉ là linh vật hài hước
Hoàng Xuân Hoạ

 

 

Con nghê, một linh vật hài hước do các nghệ nhân dân gian sáng tạo ra bằng cảm hứng châm biếm đã lâu đời trong các loại hình kiến trúc đời sống tâm linh của Việt Nam, được đúc bằng đồng, bằng gốm sứ, đắp bằng vôi vữa đứng trước các cổng đền, miếu, đình, chùa, cổng làng, trên nắp thạp đồng, lư hương ngoài trời, ở những nơi thờ cúng và nhiều loại hình nghệ thuật, văn hóa kiến trúc khác. Tuy nhiên thực trạng mỗi nơi, linh vật nghê lại được mang một ý nghĩa riêng do ý tưởng chủ quan của những người xây đình, chùa, đền, miếu. Nơi thì để trấn trạch, nơi để canh cửa nên tượng nghê nơi tạc mình dài, nằm, hoặc bốn chân đứng trông giống mình con báo hoặc ngựa. Có nơi nghê được gắn đầu rồng, nơi cách điệu thành đầu lân (sư tử)... Nhiều nơi tạo hình tượng nghê thành một đôi ngồi chồm hỗm trên hai cột trụ cổng đình làng, làm nhiều người nhầm tưởng đó là tượng nghê vợ, nghê chồng!? Thực ra không phải vậy. Đó là hai chú nghê đực cả.

 

Anh là thợ mộc Thanh Hoa
Làm cửa làm nhà, cầu quán khéo tay.
Cắt kèo và lựa đòn tay.
Bào trơn, đóng bén, khéo thay mọi nghề.
Bốn cửa anh chạm bốn nghê,
Bốn con nghê đực chầu về tổ tông”.

                                                (Ca dao)  

 

     Tiếc rằng, nhiều ngôi đình, chùa, đền mỗi lần phá đi xây mới đã quên mất việc tạc lại tượng nghê theo ý tưởng của người xưa. Họ tùy tiện tạc theo tầm hiểu biết lệch lạc của mình về văn hóa chơi nghê nên đã làm mất đi giá trị hài hước về hai linh vật nghê của người xưa để lại! Họ biến hai chú nghê hài hước thành linh vật trấn trạch, trừ ma tà, quỷ ác. Thật nực cười: đình, chùa, đền, miếu là nơi cúng trời, thờ Phật, thờ thánh. Trời, Phật, Thần, Thánh là những đấng thần linh tối cao trong quan niệm thờ cúng, đáng ra ma quỷ phải nể tránh, kiêng sợ sao phải nhờ đến hai linh vật nghê canh cổng, giữ của giúp các đấng thần linh!?

 

Trong văn hóa tâm linh của người Việt, bên cạnh linh vật rồng (long), quy (rùa), hạc là chú nghê. Linh vật rồng, quy, hạc được bày, bài trí trân trọng trong nội cung đình, chùa, đền, miếu. Riêng linh vật nghê, người xưa tạc mang ý nghĩ châm biếm nên chúng ta thường thấy từng đôi đứng ngoài cổng, chứ không có trong những vị trị trang nghiêm như bàn thờ tam bảo và các bàn thờ khác của đình, chùa... Những đôi nghê cổ ở nửa đầu thế kỷ trước thường đứng quay mặt ra ngoài, phần đuôi chổng vào đình. Một chú bồng trên tay con nghê con nhe miệng cười rất tươi, chú nghê thứ hai miệng ngậm viên ngọc cũng nhe răng cười tươi vậy.

 

Cũng vì chưa hiểu được ý nghĩa hài hước của người xưa về linh vật nghê nên có một chuyện ở làng nọ. Do sự bế tắc trong cuộc sống trước thiên nhiên khắc nghiệt như lũ lụt, mất mùa, dịch bệnh, giặc giã hung tàn gây nên bao nỗi đau thương cho làng quê  nên họ đã suy diễn... “chỉ tại hướng đình gây ra cả”. Để xoay lại hướng đình thì khó quá, đó là việc làm không dễ, không đơn giản. Cuối cùng họ soi ra, chắc tại hai chú nghê đã gây ra mọi chuyện cho dân làng xưa nay(!). Vì đôi nghê, kẻ ngậm ngọc, kẻ bồng con quay đít vào đình, tức quay đít vào nơi thờ tự thần linh của làng. Họ cho rằng mấy tay thợ xây dựng ngày xưa thù hằn gì đó đã chơi xỏ các già làng nên bố láo bố toét đi tạc đôi nghê đứng chổng mông đít vào đình, chùa... làm cho thần thánh của làng... mất thiêng; làm cho làng mình chịu khổ dài dài đời này qua đời khác! Vậy là họ bàn nhau xoay lại đôi nghê, cho hai mặt đôi nghê đối diện nhau.

 

Gần đây, có nhiều tranh cãi về linh vật nghê nhưng chẳng ai chỉ ra được cái ý tưởng hài hước, nỡm, giễu đời, bỉ báng thói hãnh của, hãnh con của hai chú nghê. Tóm lại, đôi tượng nghê “linh thiêng” kể trên, với thâm ý của các nghệ nhân dân gian chỉ là sự chế giễu khoe khoang, hợm hĩnh của người đời. Hai anh trọc phú: kẻ ngậm ngọc khoe của, kẻ khoe con... có vậy thôi... xin thưa!

 

            Những năm gần đây, chúng tôi thấy nhiều nơi tượng nghê bày hội chợ được đúc, đẽo gọt thành hàng hóa bằng các chất liệu đồng, gốm sứ, gỗ quý, gỗ lũa tạo hình rất lộn xộn. Họ bày hai chú nghê cùng ngậm ngọc nhe cười giống nhau hoặc chú nghê không bế con trên tay mà đặt con đứng xuống bệ rồi một chân nghê bố móng vuốt nhọn sắc đè lên lưng con trông rất phản cảm, chẳng thấy sự yêu thương con trẻ. Nó khác với linh vật nghê của các người xưa bế đứa con nhỏ nhắn áp vào nơi ngực, nâng nưu khoe con một cách tự hào.  

 

            Để giữ được nền văn hóa Việt phong phú đích thực của ông cha để lại, xin các nhà nghiên cứu, các nhà bảo tồn, các nhà tạo hình nghê, trước khi làm cần biết nguồn gốc, ý tưởng sâu sắc để phục dựng lại những linh vật nghê theo đúng chủ đề và ý tưởng của người xưa, đừng làm theo ý chủ quan mê tin lệch lạc của mình sẽ làm con cháu mai sau hiểu lệch, dẫn đến thẩm mỹ lệch, làm mai một nền văn hóa cổ truyền của người Việt Nam. Bởi, tính hài hước của hai chú nghê cũng như sự hồn nhiên của Chú Tếu (trong múa rối nước); Chú Cuội trên cung trăng (chuyện cổ tích); Thằng Bờm quý chiếc quạn mo; Mẹ Đốp (trong chèo cổ)...

 

 

 

 

Hoàng Xuân Hoạ
Số lần đọc: 1138
Ngày đăng: 09.12.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Huế - quê hương đi để mà nhớ … - Bùi Hoàng Linh
Dịch và giới thiệu: Thơ và tranh của tác giả Đỗ Quý Dân - Đỗ Quý Dân
“Bước chậm bên dòng Hương Giang” Nghe và nhìn thấy… - Võ Quê
“Văn Học Miền Nam 1954-1975” - Nguyễn Vy Khanh
Lục Bát Huy Tưởng - Nguyễn Vy Khanh
Nhà sử học Trần Huy Liệu trong tôi - Nguyễn Anh Tuấn
Phồn sinh - Nguyễn Linh Khiếu
Nhà văn nữ - nhìn từ tâm lý sáng tạo mang đặc điểm giới trong phê bình văn học miền Nam trước 1975 - Trần Hoài Anh
Sonnet 97 Shakespeare (Kể Như Đông Đã Về) - Thái Huy Long
“Tơ Bông” và những bữa tiệc thi ca của Nguyễn Hồng Sơn - Nguyễn Tiến Nên