Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.147
123.226.102
 
Hành trình một giấc mơ
Vĩnh Thông

 

 

Khi nhắc tới xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, người ta thường nhắc đến câu ca dao “Hiệp Xương là xứ quê mùa/ Đi thăm cháu ngoại cho vùa cà na”. Câu ấy khi tra cứu trong các tư liệu hầu như không tìm gặp. Có lẽ đó là một biến thể từ câu “Xứ đâu là xứ quê mùa/ Đi thăm cháu ngoại cho vùa cà na” mà anh chị “tài tử” Nam Bộ nào đó đã gắn địa danh cụ thể của quê hương mình vào. Tuy nhiên, chúng tôi được biết còn một dị bản khác chắc hẳn có “tuổi đời” cao hơn, đó là “Cái Đầm là xứ quê mùa/ Đi thăm ông già vợ cho vùa cà na”. Cái Đầm ở đâu? Hóa ra đó cũng là một con rạch chảy qua Hiệp Xương. Những câu ca dao đó ít nhiều cho thấy trong nhận định của cư dân xưa, vùng đất nầy thật sự là xứ… quê mùa!

Nếu so với các thôn làng cố cựu ở An Giang thì Hiệp Xương không phải là vùng đất được khai phá sớm. Dưới triều vua Gia Long, qua tác phẩm Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, chúng ta được biết chưa có thôn Hiệp Xương. Bước sang triều Minh Mạng, thôn nầy cũng chưa xuất hiện trong Địa bạ tỉnh An Giang. Tuy nhiên, nó cũng không ra đời quá muộn về sau, bởi khi Pháp chiếm Nam Kỳ vào năm 1867, thôn Hiệp Xương đã có mặt trong danh sách các thôn mà Pháp tiếp nhận quản lý. Như vậy đoán chừng thôn nầy có thể được ra đời trong những thập niên 1840 - 1860.

Hiệp Xương có vị trí địa lý khá cách trở, không gần quốc lộ hay tỉnh lộ cũng không gần sông lớn, giao thông đường bộ hay đường thủy đều khó khăn. Sáu xã bao quanh khiến Hiệp Xương như lọt thỏm giữa bè bạn. Suốt mấy mươi năm liền, địa phương nầy luôn được xem là một trong những xã nghèo khó nhứt của huyện Phú Tân. Vậy mà khó có thể ngờ rằng, hiện nay bộ mặt của xã vùng sâu nầy thay đổi hẳn, mọi điều mới mẻ như vừa đang khởi đầu.

Điều đặc biệt nhứt ở Hiệp Xương hôm nay có lẽ là cầu. Vốn là vùng đất có nhiều kinh rạch chi chít, người dân phải qua lại các con kinh bằng những chiếc cầu ván ộp ẹp. Đến mùa thu hoạch, nông dân chuyên chở hàng hóa càng khó khăn hơn do không thể đi qua những chiếc cầu xiêu vẹo đó mà phải sử dụng ghe xuồng, nên cần canh con nước lớn ròng để chọn thời điểm vận chuyển phù hợp. Vậy mà trong vài năm gần đây, xã đã xây dựng được hàng loạt những chiếc cầu bê tông trọng tải 8 tấn. Đối với những kinh rạch nhỏ vắt ngang những đoạn đường nội bộ, chưa có điều kiện xây cầu bê tông, thì những chiếc cầu ván lắc lư cũng được thay thế bằng cầu dây văng bền chắc còn thơm mùi gỗ mới.

Tính đến năm 2018, xã Hiệp Xương cơ bản hoàn chỉnh hệ thống cầu nông thôn trên địa bàn với 15 cây cầu kiên cố được xây dựng, trong đó có 7 cầu bê tông và 8 cầu dây văng. Nhìn những chiếc cầu còn mới toanh, chúng tôi nói vui với nhau rằng ở xã nầy… cầu đẹp hơn cả đường! Để hệ thống giao thông nông thôn được hoàn thiện, những ngày nầy người dân Hiệp Xương cũng đang ráo riết nâng cấp nhiều đoạn đường trên địa bàn xã. Những con đường đất gồ ghề và phải chịu cảnh sìn lầy vào mùa mưa đang được thay thế bằng đường nhựa hoặc đường bê tông bằng phẳng và sạch đẹp.

Ngay cả cà na - loại trái cây gắn liền với câu ca dao về xứ nầy cũng đang góp mặt trong hành trình cùng địa phương “vươn ra biển lớn”. Hằng năm cứ vào mùa nước nổi, những hàng cà na lại cho ra trái xanh um cả một vùng quê. Đây vốn là loại trái có vị chua chua, ngọt ngọt, chát chát. Khi ăn cà na, người ta có thể ăn sống và chấm với muối, hoặc ngào đường rồi cũng chấm muối khi ăn. Ăn một trái cà na là có thể cảm nhận đủ đầy nhiều hương vị, quả là một đặc sản mang đậm tính… tổng hòa!

Không cam chịu số phận “quê mùa” của xứ cà na, thanh niên Hiệp Xương bắt đầu thử nghiệm những giải pháp phát triển kinh tế từ loài cây gắn liền với tuổi thơ. Họ trồng tại nhà, thu hoạch và chế biến rồi bán ra thị trường, tạo thành thương hiệu riêng. Câu chuyện thanh niên Hiệp Xương khởi nghiệp bằng chính sản vật quê mình được huyện chọn làm mô hình khởi nghiệp sáng tạo, là điều rất đáng nghĩ suy.

Nhìn những đổi thay ở Hiệp Xương hôm nay mới biết sức mạnh của người nông dân kỳ diệu đến nhường nào!

Di chuyển chậm rãi trên những con đường quê yên ả của Hiệp Xương, chúng tôi cảm nhận nhưng đang được hít thở mùi vị dân dã của miệt vườn. Hình ảnh những cánh đồng xanh rì màu lúa non, lả lướt trong gió như những ngọn sóng, chạy dài tới chân trời rồi chạm phải nền xanh dìu dặt của mây như tấm phông nền vĩ đại, đâu đó được điểm xuyến thêm với những gốc cổ thụ lẻ loi trên bờ đê soi mình xuống dòng mương bình lặng chảy, vài cành lá lòa xòa nghiêng xuống chiếc xuồng ba lá đang đậu ven đê… tất cả tạo thành bức tranh quê vừa gần gũi, yên bình mà cũng vừa sinh động, lôi cuốn.

Nằm ở trung tâm xã, ngôi đình thần Hiệp Xương được xây dựng vào năm 1919, đến nay đã gần tròn một thế kỷ làm chứng nhân cho bao đổi thay của quê nhà. Mặt tiền ngôi đình chạm hình long mã màu vàng trên nền xanh mây trời - biểu tượng của sự thái bình. Ngay từ thời xa xưa, người nông dân đã gửi gắm bao ước vọng về cuộc sống sung túc của quê hương và suốt hàng bao năm qua đã cùng nhau chinh phục hoài bão của mình. Niềm tin như nguồn động lực lớn, cổ vũ cho bao lớp người vượt khó vươn lên.

Hành trình để Hiệp Xương khoác lên màu áo mới như một giấc mơ trong mắt nhiều người. Hành trình ấy - giấc mơ ấy, một nửa đã thành hiện thực, nửa còn lại vẫn đang từng ngày được hiện thực hóa bằng bàn tay và tấm lòng của những người con quê nhà. Không chỉ có Hiệp Xương mà khắp An Giang, bản lĩnh của những người nông dân đã làm nên biết bao đổi thay trên những miền quê heo hút. Phải chăng đó chính là niềm cảm hứng sâu sắc cho nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết lên những câu hát da diết:

“Cơn lũ đi qua, cây si già bật gốc

Cây lúa đồng ta, mùa sau còn sai bông hơn trước

Cảm ơn người sáng tối gian lao

Thương sao hạt thóc quê mình

Nửa nuôi ta lớn nửa dành nước non”

 

 

 

 

 

Vĩnh Thông
Số lần đọc: 884
Ngày đăng: 18.12.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ông già Nam bộ chốn biên thùy - Vĩnh Thông
Đất làng - Vinh Anh
Nhớ tiếng chuông thanh thoát hương lành - Trang Thùy
Đắm say - Tuệ Thiền
Nhớ thương nhau, hát nhạc Phạm Duy - Phan Trang Hy
Chừ về yên nghỉ chốn thân thương - Tuệ Thiền
Những người thiện tâm - Lê Ký Thương
Bánh ướt tôm chấy của chị Lúa. - Trang Thùy
Nỗi lòng của Cha - Lê Hứa Huyền Trân
Một thoáng đôi bờ xứ Nghệ - Phan Anh