Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.057
123.234.443
 
Nước mắt - Chó
Trần Khởi

 

         Sau trận phục kích ở gò Mả Vôi dưới chân đèo Nhông, cạnh đường số 1, đoạn chạy từ Hoài Ân vào Phù Mỹ, anh em bàn bạc nhau xuống ấp, vào các thôn làng tìm chó về làm thịt liên hoan mừng chiến thắng và cũng để tỏ lòng quan tâm anh em trên núi đói khát lâu ngày mới về. Đồng thời, nhân cơ hội này, tìm cách tiệt hết những con chó hay sủa mỗi khi cán bộ, bộ đội ta về vùng hay làm lộ diện...

         Về vùng địch, giữa ban ngày ban mặt, buộc lòng mấy anh em phải cải trang. Xã đội trưởng du kích Mỹ Trinh Nguyễn Khải (Khải Rỗ) xách đến một bao quần áo lính Việt Nam Công Hòa, có cả quân hàm quân hiệu nữa. Khải lấy bộ quân phục có lon trung sỹ ấn vào tay tôi, bảo mặc vào. Tay cầm khẩu AR15, tôi ngắm đi ngắm lại, nhìn cũng oách ra phết!

           Đoàn đi có bốn người, gồm: Nguyễn Khải xã đội trưởng du kích xã Mỹ Trinh, trung đội trưởng Như Ngọc, đến tôi, cuối cùng là một em du kích còn rất trẻ dẫn đường. Tất cả đều đã thành lính Việt Nam Cộng Hòa. Khải Rỗ đeo lon thượng sỹ nhất, có súng ngắn Rulo, dáng chững chạc, oai vệ.

         Buổi sáng còn hơi sương, bọn tôi lên đường, theo hàng dọc. Ung dung băng qua mấy cánh đồng lúa, mấy vườn dừa, thì vào được cái xóm nhà dân nằm sát canh sát đường Quốc lộ số 1.

         Ngọc và cô du kích cảnh giới phía ngoài. Khải Rỗ vẫy tôi vào theo anh ấy. Từ đây nhìn ra đường số 1 rất gần, chưa đầy 100m, nghe thấy cả tiếng xe người đi lại. Nhìn sang phía phải, xa bên kia cánh đồng, cũng có một tốp lính bảo an dân vệ đang lùng sục tuần tra gì đó. Hình như bọn chúng cũng thấy rõ bọn tôi, nhưng ngỡ lính Cộng hòa nên cũng không phản ứng gì. Bởi không thể tin giữa ban ngày ban mặt, nơi một ấp làng sát ngay đường số 1, không xa đồn bốt và lính tráng Việ Nam Cộng Hòa, lại có Việt cộng xuất hiện ngang nhiên...

         Chọn căn nhà tranh cuối xóm, có tiếng chó sủa in ỏi, hai anh em mò vào. Cả hai lấy vẻ tự nhiên của lính tráng.

         Khải Rỗ bước thẳng vào trong và lên tiếng, khi nhìn thấy con chó to đang sủa: 

         - Chào ông già! Sao chó sủa dữ vậy? Hay chó sủa là để chỉ điểm cho tụi Việt cộng sao? 

         Nhà vắng, chỉ có hai ông cháu. Ông già với chiếc kính tuổi đang chằm hăm xem bài vở chi đó. Có thể ông là một thầy giáo hay thầy thuốc chi đó. Nhìn ông ta trạc chừng 65 - 70 tuổi, người gầy, cao, da trắng trẻo. Gương mặt cứng cỏi, cương nghị, nhưng nhẫn nhịn khoan hòa. 

       Chậm rãi bỏ chiếc kính xuống bàn, nhìn ngước ra ngoài, rồi ông ta đứng dậy xua đuổi chó. Giọng ông ngắt khoảng trong cơn ho khan khục khặc. Có thể ông ta đang dò xem ý tứ bọn lính tráng đến đây có việc gì.

       - Tô, Tô!.. Tô!.. Vào đây!.. Vào đây!!..

       Đứa cháu gái chừng 7, 8 tuổi mặc chiếc hoa ngắn củn, chạy lại ôm chầm lấy cổ chó rồi hôn hít. Hai tay non nớt của nó vuốt ve xoa xuýt lên người con Tô, mắt lấm lét nhìn hai chúng tôi, vẻ lo lắng. Con bé nũng nịu và trấn an con chó: 

- Đừng sợ!.. Đừng sợ!.. Có chị đây!.. Chị đây mà!..

         Hình như linh tính điều chẳng lành, ông già trâng trâng mắt nhìn đi nhìn lại chúng tôi một hồi, rồi buồn buồn rót nước mời: 

     - Chào các ông lính Quốc gia... Chẳng hay các ông đến có việc chi sớm sủa?

       Khải Rỗ đến bên ông già, nói từ tốn:

       - Lũ tôi có công chuyện, đến xin ông con chó để làm thịt...

       Ông già nhìn con bé rồi lắc đầu:

       - Không được mô!.. Con chó của con bé! Các ông thấy đó!..

         Ông nói và đưa mắt hất hàm chỉ đứa bé đang ôm cổ con chó thơm thít nựng nịu như chị em. Tuồng như ông tin rằng, với sự gắn bó đó, con người không nỡ đang tâm bắt mất con chó của đứa bé.

         Nhưng Khải Rỗ không để tâm, vẫn cố tìm cách để thuyết phục, bằng cách nêu lên lý do buộc phải bắt con Tô:

       - Con chó nhà ni ghê lắm!.. Hình như nó thuộc nòi Việt cộng. Mỗi lần chúng tôi đi tuần tra qua đây, nó làm inh lên cả xóm. Chắc để đánh tiếng cho tụi Việt cộng cũng nên..?

         Ông già nhếch mép cười, vẻ mỉa mai, rồi phân bua:

       - Chó mô thấy người lạ chẳng sủa như rứa, mắc chi Quốc gia hay Việt cộng!..

         Ông già nói cứng, lý lẽ ra trò.

         Khải bực bội ném ra một lời dọa dẫm:

       - Đã có lệnh, nếu vận động không được thì bắt! Chẳng lôi thôi gì hết!..

       Ông già cũng không vừa, tỏ thái độ bực bội hỏi:

       - Tại sao không cho dân biết trước lệnh này??..

       Khải nói:

         - Cho dân biết, để dẫn chó đi giấu à? Chẳng biết trên thế nào, nhưng tụi tui chỉ biết thi hành lịnh!..

       Như linh cảm được điều gì, con Tô ngẩng mặt lên nhìn chúng tôi, rồi sợ sệt cúi gặm mặt xuống, rúc đầu vào con bé và dường như thấy nước mắt nó chảy tràn...

       Con bé thút thít khóc:

       - Mấy ông không được bắt chó của con!.. Không được!..

       Rồi nó khóc òa lên trông đến tội nghiệp. Tôi kéo Khải ra phía hồi, tỏ ý phản đối với việc làm đó, nhưng Khải không nhất trí. Hắn ta còn xổ ra một câu sắt đá:

     - Cậu nên nhớ đây là vùng địch! Là gia đình nào cũng có người đi lính phía bên kia! Không lôi thôi gì hết,bắt luôn!..

         Ông già thấy tôi đứng yên, chạy đến khẩn khoản, năn nỉ: 

         - Các ông thương con nhỏ với! Mẹ nó mất sớm, ba nó bị thương đang ở viện. Con Tô là bạn thân, đêm nào con bé cũng ngủ chung với nó. Các ông bắt con chó đi, thì con bé sống răng nổi!..

        Ông già nói chưa hết câu thì Khải Rỗ vọt lại giằng lấy con Tô trong tay con bé. Hai bên giằng qua giằng lại, rồi con bé giãy nảy nằm lăn ra giữa sân, khóc thấu trời thấu đất...

         Bất lực, ông già gạt vội những giọt nước mắt, đến dỗ dành con bé: 

         - Thôi con!.. Để cho mấy ông băt Tô đi!.. Bữa khác ông kiếm cho con Lu đẹp hơn!..

         Tôi nhìn ông, rồi nhìn con bé đang vật vã trên sân, nuốt thầm nước mắt. Định can ngăn Khải thêm đôi lời, nhưng đã muộn. Khải đã vụt lia lịa, vụt tới tấp chiếc gậy vào đầu con Tô. Con chó rống lên kêu ăng ẳng, lát sau giãy giụa mấy cái rồi nằm im. Chỉ còn lại trên sân nhà, tiếng khóc thảm thiết của con bé...

         Ông già bế con bé lên giường, nó lại lăn xuống đất. Khải Rỗ vẫy tay cho Ngọc từ ngoài vào khiêng chó đi. Tôi đứng lặng nhìn ông rồi ôm chầm lấy ông. Vội gạt nước mắt, thông cảm gật đầu chào đi ra.

         Đến đường cái, ngoái nhìn ra phía sau, ông già và con bé đứng chết lặng nhìn theo bóng con chó, như hai bức tượng đá...

       Trên đường về, tai tôi vẫn ong ong tiếng khóc con bé, và mắt tôi ướt nhòe nước mắt con chó. Trong đầu óc tôi những ý nghĩ mung lung, mơ hồ phải trái. Chúng tôi  cảm phục Khải Rỗ, người vào sinh ra tử dũng cảm, kiên cường.  Một tay xuất quỷ nhập thần, hạ thủ nhiều ác ôn khét tiếng ngay trong lòng địch. Khiến cho chúng ăn không ngon ngủ không yên. Nghe nói chi khu Hoài Ân đã treo thưởng 10 ngàn đô cho ai bắt được tên du kích Việt cộng nằm vùng Nguyễn Khải..." Nhưng có lẽ một số du kích nằm vùng như Nguyễn Khải quá lâu năm, luôn bị địch ruồng bố săn lùng, bị chết đi sống lại quá nhiều lần, nên giờ họ căm thù tất thảy những người bên kia chiến tuyến...

       Về đến thôn Đông Cầu đã 9 giờ sáng. Nhóm nữ nằm vùng ở đây cũng khiêng đâu một con chó to, lông đen tuyền nũa. Lúc này trong nhà dì Ba Tính khá đông đúc, có đền trên 15 người. Số trên rừng vừa xuống và số nằm vùng dưới này, lâu không gặp nhau, bây chừ thấy mặt là nói cười rôm rả.

         Để giữ bí mật, phần lớn dạt ra ở phía sau gò, nơi có rặng tre um tùm và dưới đó có giao thông hào, có hầm bí mật đào sẵn. Tất cả vẫn tư thế sẳn sàng chiến đấu. Phía trong nhà dì Ba Tính, chỉ có dì và anh Khải, anh Ngọc làm thịt chó. Cuối và đầu thôn có du kích canh gác cẩn thận... 

         Buổi chiều, anh em đang xả thịt chó. Chó được thui vàng hươm, tỏa mùi thơm lá sả. Ai nấy đang xắt xắt, bằm bằm. Nào thịt luộc, nào thịt hoong, nào món dồi. Ngoài vườn, lông chó, phân chó vương vãi chư kịp chôn lấp. Trong nhà thịt chó cũng văng ra lung tung, máu me rỏ chảy cả sân nhà...

         Bỗng đột ngột, o du kích dẫn chúng tôi đi lúc sáng, chạy xồng xộc hớt hải nói không ra tiếng:

         - Các chú ơi!!.. Các chú ơi!.. Chạy!.. Chạy nhanh lên!.. Địch càn lên kia rồi!..

         Tiếng gầm rú mỗi lúc một rõ hơn. Máy bay trực thăng ầm ào rà sát ngọn cây. Anh em chúng tôi cầm súng sẵn sàng chiến đấu. Chợt nghe tiếng dì Ba Tính giục:

       - Bay ơi!.. Dọn thịt chó nhanh!.. Dọn sạch! Chúng vào thấy, là giết tao mất!..

     Không kịp nghĩ nợi, chúng tôi nhặt thịt chó vứt đi mỗi nơi trong vườn. Nhưng vứt sao được những gì vương vãi khắp nhà, nhất là mùi thịt chó sống con dậy lên. Cuối cùng, đành nhét liều vào ba lô để mang chạy...

         Nhìn ra giữa cánh đồng phía trái nhà, xe tăng và lính bộ binh địch dày đặc. Tiếng súng nổ râm ran. Máy bay rà sát ngọn tre ngọn chuối. Phía truông Chùa những tiếng nổ dữ dội. Tôi đang múc mấy xô nước, tạt vào bãi làm thịt chó để xoa mất dấu, nhưng làm sao xoa nổi. Lại nghe dì Ba Tính vừa van vừa khóc đến nóng cả ruột:

       - Chết tau rồi K ơi!.. Chạy đi mô chừ  bay ơi!.. Lát sau dì có phần bình tĩnh hơn, nói - Thôi, bay chạy đi! Tau xuống hầm đây...

         Tôi kịp vớ lấy súng, chạy như bay theo đồng đội. Băng qua truông Đông Cầu thấy xe tăng địch đã nằm lù lù chặn ở đó. Nhà cửa của dân chúng bị đốt phá, lửa cháy ngút trời...

         Tối, lên đơn vị, bưng nồi thịt chó ra, đứa nào cũng nghẹn ngào, im lìm không nuốt nổi. Miếng cơm như nghẹn đắng nửa chừng. Không biết dì Ba Tính có mệnh hệ gì không? Tôi như còn thấy hình ảnh vật vã và tiếng khóc xé gan xé ruột của con bé, của ông già, cả những giọt nước mắt của mình, và của chó...

                                                               *

         55 năm tôi mới có dip lần đầu tiên trở lại mảnh đất Bình Định, nơi chiến trường xưa, để tri ân đồng đội, đồng bào. 

         Tôi cố mò mẫm tìm đến ngôi nhà nước mắt chó năm xưa.

         Chính đây rồi!.. Cây vú sữa ở lối ngõ ra vào, nơi anh Ngọc đứng canh gác. Và đây nữa, cái giếng nước bên hồi nhà, cái sân nhỏ nơi con bé nằm van khóc năm ấy...

         Người ra đón tôi là thiếu phụ trạc chừng trên 40 tuổi. Có khuôn mặt phúc hậu. Nhìn lên bàn thờ có ảnh của ông già với chiếc kính cận mà tôi còn nhớ rõ khuôn mặt. Tôi ngậm ngùi thắp nén hương cho ông, và lẩm nhẩm  khấn:

         - Mong ông tha lỗi cho chúng con!..

         Cô gái rót nước mời, rồi như sực nhớ điều gì, cô ta cứ trâng trâng nhìn tôi một hồi và hỏi:

       - Các chú là bộ đội từ ngoài Bắc vào à ?

         Qua tiếp chuyện, mới biết cô ta tên là Thảo, là cháu của ông già trên ảnh. Bố cô ấy đi lính Việt Nam Cộng hòa, chết trong trận Dương Liễu - Đèo Nhông, khi cô mới 8 tuổi. Vậy thì đúng đích danh cháu bé năm xưa đây rồi. Lại có cái bớt đen ở má, càng khẳng định chính xác hơn đúng là cô ấy. Càng cảm động và xót xa khi biết được năm 1974, cô ấy vào du kích huyện Hoài Ân, bị thương 2 lần nhưng đến nay chưa có chế độ thương tật gì cả....

         Hòa bình lập lại, cô ta lấy chồng. Chồng cô ấy là một thương binh cụt một chân, thuộc cựu chiên binh Sư đoàn 3 Sao Vàng chúng tôi.

         Chiều đó, tôi lại nhờ cháu Thảo dẫn lên xóm Đông Cầu, thuộc xã Mỹ Trinh, nơi ngày xưa là bản doanh của tổ nữ trinh sát nằm vùng  C52 Sư đoàn 3. Xóm Đông Cầu bây giờ đã đổi khác nhiều. Đường bê tông, nhà tầng, nhà ngói mọc lên san sát. Mò mẫm mãi rồi 2 chú cháu cũng tìm được đến nhà dì Ba Tính. Người tiếp tôi là cậu Tuấn - em trai của dì, năm nay đã tròn 80 tuổi. Cậu Tuấn trước đây cũng là lính trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng. 

         Giọng cậu xót xa, trầm lại khi kể về sự hy sinh cao cả của dì Tính:

         - Trong trận càn hôm đó, tưởng bọn chúng đi lệch đường, chừa cái thôn Đông Cầu này ra. Ai ngờ khi quay về, hình như có điệp chỉ đường. Bọn chúng xông vào sục sạo, đốt sach, phá sạch. Tìm được một con chó đã được cạo lông vứt dưới hồ, vậy là bọn chúng càng nghi ngờ và làm tợn. Cho xe tăng chà đi xát lại quần nát xóm này. Rất nhiều bà con bị bắt. Một số chết do bị sập hầm. Chị Ba Tính cũng bị chết nơi căn hầm có bụi tre đằng sau hồi nhà, mà các anh thường nấp đó...

         Cậu Tuấn cùng anh em tôi lau vội nước mắt thương xót, rồi cùng kéo nhau ra bãi gò Eo thắp hương trên mộ dì. Khói hương nghi ngút bay quanh những mái đầu bạc trong buổi chièu tà. Tôi nghẹn ngào xúc động, như nghe thấy tiếng van khóc của dì trong cõi âm dương trời đất vọng về:

     - Chết tau rồi K ơi!.. Chạy đi mô bây chừ?.. Thôi bay chạy đi, để đó tau liệu...

           Chia tay gia đình cậu Tuấn,  chia tay cháu Thảo! Chia tay bà con xóm Đông Cầu....Tôi ra về lòng day dứt khó tả.

           Những kỷ niệm năm xưa như vẫn đang còn đây. Hình ảnh một ông già đeo kính ngồi trầm ngâm bên bàn giấy. Một đứa bé lăn lóc giữa nền nhà vì bị mất chó. Hình ảnh tất tả của dì Ba Tính trong cơn chạy càn như còn đeo đẳng. Tôi như còn nghe thấy tiếng khóc của  bé Thảo năm xưa, và còn thấy cả nước mắt của chó..., 

 

 

 

 

Trần Khởi
Số lần đọc: 876
Ngày đăng: 26.12.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhật ký chiến trường - NGÀY 16-17-18/4/1975 - Phan rang những ngày đáng nhớ - Trần Khởi
Ghi chép – tản mạn những ngày ở Seattle - Phan Văn Thạnh
Du ký chiều quan tái - Giang Hiền Sơn
Thầy Huỳnh Lý của tôi - Nguyễn Anh Tuấn
Ký ức về người Thầy cũ - Lê Thị Tâm
Tuy – Hòa quê ngoại - Vương Kiều
Bản Troi và “Giấc mơ con chữ” - Hoàng Xuân
Nha – Trang ngày về - Vương Kiều
Đà – Lạt ngày ấy - Vương Kiều
Thư cho anh - Trần Hạ Vi