Ông Dawson giơ tay ngoắc gọi:
- Tim, mày làm ơn đi kiểm tra laị các mối giằng buộc và hệ thống máy hơi! Tao muốn tất cả phải bảo đảm tuyệt đối, không phải tao không tin mày, nhưng công việc là công việc!
Tim trả lời:
- Ok, tao đi kiểm tra đây, mặc dù tao đã biết là tất cả đã an toàn!
Tim thông cảm với Dawson, nó làm quản lý vô cùng bận rộn, mọi việc đổ lên đầu nó, trên thì chủ la rầy, dưới thì nhân viên cứng đầu. Nó phải làm sao cho vừa lòng chủ mà cũng không phải căng thẳng với nhân viên. Mọi việc phải chính xác, nếu có sai sót gì thì nó là người đầu tiên chịu trách nhiệm. Công việc nó thật khó chứ chẳng phải chơi, ở cái xứ này việc an toàn là trên hết, phải lăn ra làm và chịu trách nhiệm việc mình làm, không có chuyện:”Tao tin ở mày!”. Nhớ năm kia có thằng bé chơi đu quay bị té, lỗi một phần ở thằng bé không chịu nghe theo chỉ dẫn. Ấy vậy mà ba mẹ nó đi thưa, bọn luật sư và bác sĩ làm hồ sơ gian để ăn tiền bảo hiểm, sau khi bồi thường xong đoàn xiếc tưởng chừng sạt nghiệp luôn. Ông chủ thương lượng với nhân viên:
- Đoàn xiếc chúng ta cạn tiền vì vụ kiện, giờ mọi người thắt lưng buộc bụng, giảm lương và các khoản phúc lợi, bằng không thì đoàn xiếc chúng ta khai phá sản.”
Đa số mọi người chấp nhận vậy để đoàn xiếc còn họat động, tuy có thằng Jackson D thì không bằng lòng:
- Shit! lời ăn lỗ chịu, sao bắt tôi phải gánh? Hôm nay ngày cuối của tôi!
Thế là nó ra đi, con Annie A- bồ thằng Jackson D ca cẩm:
- Lương đã thấp còn giảm nữa sao sống nổi?
Nó rời đoàn đi theo thằng bồ luôn. Hai đứa đi rồi, việc của nó những người còn laị phải làm bù trước khi tuyển người mới. Nhiều người bực bội vì vừa giảm lương mà laị thêm việc, tuy vậy vẫn phải cố đu theo đoàn vì chưa biết đi đâu.
Tim theo đoàn này đã mười lăm năm, cuộc sống rày đây mai đó, lang thang khắp góc bể chân trời, khi thì từ bờ Đông sang bờ Tây, khi thì từ miền Nam ngược lên miền Bắc, lúc thì về miền Trung Tây. Đoàn xiếc rong ruổi từ thành đô, thị trấn cho chí miền thôn quê heo hút, nơi thì năm ba tuần, nơi thì một hai tháng; đi tới đâu mang tiếng cười sảng khoái cho con nít ở đấy. Dân địa phương cũng thích thú với những màn xiếc tạp kỹ, các trò chơi rộn ràng, các gian hàng ăn uống, quà lưu niệm… tiếng loa quảng cáo, âm nhạc xập xình, đèn màu chấp chới…làm sống động một góc trời. Đoàn xiếc tạp kỹ nào cũng thế, không thể thiếu anh hề tóc vàng bù xù, cái mũi cà chua đỏ loét, cái miệng vẽ cười toét đến mang tai và đôi mắt buồn vô hạn; phải chăng đấy là dấu hiệu của cuộc đời? những tấn tuồng cười đó khóc đó của kiếp nhân sinh.
Không biết nhân duyên gì mà Tim laị gắn bó với đoàn xiếc này, đôi khi tự nhủ lòng và cười thầm mà không biết phải trả lời sao. Sau khi học xong phổ thông, một lần tình cờ đi chơi và thấy đoàn xiếc tuyển người. Tim xin vào làm tạm thời, định bụng sẽ học tiếp hoặc xin một việc ổn định và có tương lai hơn, ấy vậy mà dính luôn đến tận bây giờ. Ban đầu chú Hai- ba của Tim cũng nghĩ là Tim làm tạm thôi, chứ ai laị theo đoàn xiếc lang bạt kỳ hồ như vậy, nhưng sau thấy Tim dính chặt với đoàn nên nhiều lần khuyên nhủ:
- Con tìm công việc nào cho nó chính danh, có thu nhập và ổn định chứ theo đoàn xiếc hoài sao được? tương lai không có, người quen biết chê cười!
Tim im lặng chưa trả lời thì ông Hai laị nói:
- Dòng đời nghiệt ngã, người đời bạc lắm con! người thầy suốt đời dạy chữ cho người, khi nằm xuống không ai đọc cho một chữ. Người nghệ sĩ đem tiếng ca dâng cho đời, khi ra đi chẳng có ai hát cho một lời. Người làm trò suốt đời đem nụ cười tiếng khóc đến cho người, khi tàn hơi không có ai nhỏ cho gịot nước mắt. Người đưa đò suốt đời đưa người qua sông, đến khi mình qua thì chẳng có ai đưa…Con theo đoàn xiết rong ruổi như thế, rồi ngày mai sẽ ra sao?
Bà Hai cũng càm ràm:
- Con lớn rồi, tìm việc khác cho ổn định, còn phải lấy vợ sanh con, xây dựng tương lai… Con theo đoàn xiếc miết sao được! nhiều người quen của gia đình cứ hỏi thăm về con và họ xì xầm tiếng bấc tiếng chì.
Tim dạ dạ cho qua chuyện, một lần nghỉ phép về nhà. Ông bà Hai nói gắt quá,Tim bảo:
- Con muốn sống tự do, cuộc sống của con như thế này cũng được, đừng bắt con theo cái lối mòn. Ba má thương con thì đừng ép con!
Ông bà Hai thôi không nói nữa nhưng trong lòng vẫn xót xa thương cho Tim:” Thằng nhỏ số long đong, cứ như dân du mục, không biết có bùa mê thuốc lú gì mà theo đoàn xiếc quanh năm.”
Bạn bè Tim cũng cười cợt:
- Sao không tìm một việc gì đó ổn định mà sống?
Tuị nó giờ thành danh hết rồi, thằng Logan R làm văn phòng luật, thằng Carpenter J lấy bằng bác sĩ, thằng Keith J thì làm chủ tiện Nails, con Tammy N làm đaị lý bảo hiểm… nói chung tụi nó tiếng, có tiền trong cộng đồng. Con Tammy R bỏ Tim đã lâu, nó cặp với thằng Josh T- một đaị gia mua bán nhà cữa. Tim và Tammy yêu nhau suốt hai năm cuối phổ thông, sau khi Tim vào đoàn xiếc thì Tammy không hài lòng, nhiều lần cô ta bảo:
- Anh tìm việc khác đi, theo đoàn xiếc người ta cười chết!
Tim không trả lời, hai tháng sau thì người ta thấy Tammy cặp kè với Josh. Thật tình Josh theo đuổi Tammy đã lâu nhưng ngặt nỗi lúc ấy Tammy còn yêu Tim. Tim biết tin nhưng cũng không buồn. Anh biết chuyện phải thế thôi, cô ấy không có lỗi, nếu anh là cô ấy anh cũng sẽ làm thế. Làm sao một cô gái trẻ có thể sống với anh nhân viên đoàn xiếc, rày đây mai đó; tiền bạc và địa vị ai mà không ham, cho dù cái danh vị cỏn con là chủ tiệm nails hay văn phòng này nọ…Riêng trong tâm Tim thì chẳng may may có ý niệm gì về những cái danh vị ấy. Anh sống và hành xử như một chú bé, làm những gì mình thích, không màng chuyện khen chê của người đời, coi khinh những cái mà người đời tranh đoạt cho bằng được. Bởi thế trong nhà và bạn bè vẫn bảo:” Cái thằng xìu xìu ễnh ễnh, chẳng có chí tiến thân”. Từ khi Tammy bỏ, ban đầu cũng thoáng chút cô đơn, có lần sau đêm diễn. Tim cùng các bạn diễn vào quán bar trong thị trấn uống thả giàn, cả bọn hú hét tán thưởng những cô gái trần truồng múa cột, những tờ tiền xếp nhỏ nhét vào chiếc dây buộc ở bắp đùi và cánh tay các cô, đêm ấy Tim qua đêm với cô gái làng chơi trong lúc hứng khởi laị gọi tên Tammy.
Sáng hôm sau đoàn xiếc rong kéo về miền Cherokee, một trấn nhỏ bên bờ sông Cherokee, con sông nhỏ mà nước trong vắt. Ban ngày chưa diễn, Tim ra sông tắm, bọn con nít quanh đấy đang giỡn ầm ĩ cả khúc sông, chúng leo lên những cây sồi có nhành xìa ra mép nước rồi nhảy tùm xuống. Những chú bé con tóc vàng mắt xanh đẹp như những thiên thần, nghịch ngợm không kém những chú bé ngày xưa ở khúc sông quê Tim. Thuở ấy lên mười, Tim cùng lũ trẻ con trong xóm vẫn thường ra sông Hà Thanh tắm, cả một trời kỷ niệm ùa về. Tim cũng leo lên cây sồi nhảy tùm xuống, vùng vẫy đã đời giữa giòng nước trong xanh. Tim nghĩ có tắm trong những bồn tắm sang trọng của khách sạn năm sao cũng không bằng tắm ở khúc sông này.Thằng Jack thấy Tim thân mật với tụi trẻ bèn nhắc nhở:
- Tim, mày cẩn thận! đừng có quá thân thiện, không chừng ba mẹ nó thưa mày tội ấu dâm, quấy rối con nít là tàn đời đấy!
- Cảm ơn mày, tao biết, tao vẫn giữ khoảng cách an toàn- Tim trả lời Jack
Ở cái xứ này việc gì cũng có thể thưa kiện cả, có những vụ kiện rất mơ hồ và vu vơ tỉ như: có bà uống cà phê, vô ý làm đổ trên đùi, thế là kiện vì cà phê nóng quá. Có người bất cẩn mà té, bèn kiện vì sàn siêu thị trơn. Có cô đi kiện chồng vì sau một thời gian chung sống bị hao mòn thân thể… Những vụ kiện không biết nên khóc hay nên cười đây? Có phải vì dòng đời như thế nên những anh hề luôn luôn vẽ mặt với cái miệng cười toe toét mà đôi mắt buồn đẫm lệ?
Ở cái xứ này quả là rất tự do nhưng đừng giỡn mặt với pháp luật, luật là lý không có chỗ cho chữ tình. Có những bộ luật to lớn đồ sộ, bao hàm cả thế giới, thậm chí vũ trụ như chiến tranh các vì sao, các tàu thám hiểm không gian… nhưng cũng có những điều luật vô cùng nhỏ nhiệm, chi li như: gà không được gáy nhưng chó được sủa, cấm làm tình bằng miệng…( việc như thế làm sao mà biết, ấy vậy mà có luật hẳn hoi). Còn nhớ năm xưa, O.J. Simpson giết vợ, ấy vậy mà ra toà laị trắng án. Luật sư quá giỏi, tìm được kẽ hở của luật làm cho quan toà không sao kết án được. Simpson tránh được luật thế gian nhưng luật nhân quả thì không tránh được, chỉ chừng mươi năm sau thì Simpson từ giàu có trở thành nghiện ngập, trộm cắp và chết trong đói nghèo.
Tim theo đoàn xiếc rong ruổi bốn phương trên mảnh đất bao la này, gặp đủ hạng người, thấy nhiều cảnh đời. Nếu người phương Bắc: New York, Seatle… cao ráo, lịch lãm hơi lạnh lùng; người phương Nam: Alabama, New Orleans, Georgia… có vẻ cục mịch và bảo thủ hơn. Nếu người thành thị thì tính cách cởi mở, hào nhoáng, tiếp nhận những cái khác biệt về văn hoá, tôn giáo, giới tính… thì người nông thôn laị cực kỳ bảo thủ, nhất là những tay Mormons. Tim thấy mình như một loại chuối ruột trắng vỏ vàng, gốc phương Đông còn đấy nhưng đã pha quá nửa chất phương Tây. Sở dĩ Tim theo đoàn xiếc rong ruổi đây đó cũng một phần ảnh hưởng từ những trang sách Đông phương, hình ảnh những hiệp khách giang hồ rày đây mai đó, trọng nghĩa khinh tài. Những ông tăng nơi thiền lâm thạch thất, cao sơn… vô cùng hào sảng, lãng mạn… kết hợp và hoà với hình ảnh các tay cao bồi Viễn Tây như anh chàng Lucky Luke; những tay nghĩa hiệp, cao thượng, hào hùng nhưng không kém phần lãng mạn, tài hoa! tất nhiên bọn họ rất tài giỏi và bản lãnh cao cường. Bởi thế mà người ta bảo:” Đông Tây hội ngộ”, hội ngộ ở đây, gặp nhau ở điểm này. Dòng đời thật không phải là những trang sách! Tim theo đoàn xiếc rày đây mai đó khắp bốn phương trời phần nào thoã cái chí xê dịch của mình, vừa được cái tự do nhiều nhất, không bị trói buộc bởi những khuôn phép sáo mòn, hình thức của người đời. Đoàn xiếc rong và những thành viên của nó như những người du mục của những thế kỷ xa xưa, vừa mưu sinh vừa thõa chí tang bồng
Theo đoàn xiếc thật sự là ăn buị ngủ bờ, cơm chùa cháo chợ…Đoàn có bà Monica N- như một quản gia, quán xuyến mọi việc trong ngoài, lo việc ăn uống… Bà cao to, ăn to nói lớn tưởng chừng như thô tháo ấy vậy mà cũng rất nồng hậu. Khi mới vào đoàn, Tim không thích bà, có lần bà quát:
- Bữa nào mày không ăn thì phải báo trước cho tao biết, tao sẽ không tính tiền bữa đó, bằng không tao sẽ tính!
Bà sòng phẳng đúng tính cách dân giang hồ, không nhưng nhị gì cả, tưởng chừng khô khan. Ấy vậy mà có lần Tim sốt li bì, bà mang một ly mật ong chanh nóng và mấy viên Tylenon đến, rờ trán Tim:
- Mày uống mấy viên Tylenon với ly nước này, ngaỳ mai sẽ khoẻ!
Quả thật vậy, hôm sau bớt sốt, từ đấy Tim nhìn bà Monica với một cái nhìn khác. Sau đó Tim kêu bà bằng mama, bà cười to, chỉ vào ngực Tim:
- Tao không phải là má mì, tao là quản gia cho đoàn xiếc nhé!
Nói xong bà cầm ly Whishky tu một hơi cạn sạch, làm Tim laị nhớ về một bà già ở chợ quê ngày xưa. Khi Tim lên bảy, gần nhà Tim có bà Tư bán rau sống. Người ta kể chồng bà đi tập kết ngoài Bắc, khi về đem theo một bà ngoài ấy về theo, sau đó họ đánh đuổi bà Tư ra khỏi nhà. Bà Tư phải sống nhờ ở góc chợ Bà Bâu, ngày ngaỳ bán rau sống. Mỗi ngaỳ hai lần, bà Tư cũng ghé quán bà Bảy để làm xị đế, bà laị hay nói liệu. Người xóm chợ thấy thế thường hay chọc ghẹo cho bà nói liệu lấy đó làm trò cười. Có nhiều người ác tâm bày con nít hốt ổ kiến lửa ném vào nơi bà ngủ. Tim thấy thương bà lắm nhưng không biết làm sao giúp bà được cả. Bà Monica uống rượu như nước làm cho hình ảnh bà Tư uống rượu trong ký ức xa xưa hiện về. Từ lâu những chuyện cũ, những hình ảnh thơ ấu đầu đời những tưởng đã mờ nhạt, ấy vậy mà nay bất chợt hiện về. Tim laị gần bà Monica nói:
- Cảm ơn bà rất nhiều bà Monica!
Bà nhìn vào mặt Tim:
- Mày cảm ơn tao vì chuyện gì?
Tim cười cười:
- Cảm ơn bà vì mọi chuyện mà cũng chẳng vì chuyện gì cả! cảm ơn vì dòng đời thế thôi!
Ất Lăng thành, 3/2020