Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.161
123.224.415
 
Chất châm biếm trong thơ Nguyễn Khuyến
Trần Thanh Xem

 

Được chứng kiến sự biến chuyển của xã hội trong buổi giao thời một cách trọn vẹn, Nguyễn Khuyến có một mảng thơ viết về sự châm biếm xã hội đương thời. Ông là một nho sinh cho nên ngòi bút không dùng những lời sỗ sàng, tàn nhẫn và gay gắt khi đùa cợt, chỉ trích thói đời. Tác giả chỉ dùng những lời tao nhã, lịch sự, tế nhị nhưng càng nghĩ càng thấm thía cái dụng ý sâu sắc của nhà thơ.

Lời lẽ kín đáo được xem là một phong cách trong thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến. Nhà thơ thường mượn một hình thức tầm thường bên ngoài để che đậy cái nội dung sâu kín bên trong. Mỗi lần muốn chỉ trích một đối tượng nào đó, ông thường không nêu đích danh mà chỉ dùng những từ đa nghĩa với lối nói gián tiếp.

 Viết về quan lại bất tài, hống hách, Nguyễn Khuyến đã dùng những lời cười cợt nhẹ nhàng nhưng khi đi vào chiều sâu chúng ta mới thấy là những lời mạt sát:

 “Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe

 Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi”

Với tư thế “ngồi bảnh chọe” để rồi pha vào cái cười mỉa mai ấy sự chua chát, đắng cay khi phải phơi bày sự thật tiến sĩ thật hay tiến sĩ giấy cũng đều là một thứ đồ chơi. Lời chỉ trích, phê phán không nặng nề, không phải là những lời trắng trợn nhưng ý tứ thật sâu xa.

Để châm biếm bọn người dựa hơi quan, rồi ngỡ mình là quan có thái độ ngông nghênh, tự phụ, tác giả mượn lời vợ anh phường chèo để kín đáo chỉ cho họ thấy:

         “Vua chèo còn chẳng ra gì,
           Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề”

“Vua chèo”, “quan chèo” chỉ là những nhân vật trên sân khấu để mua vui cho thiên hạ chẳng khác chi thằng hề”. Thế mà lúc nào họ cũng nghĩ rằng trong thực tế mình cũng là quan, là vua. Lời vợ anh phường chèo hay chính là lời của Nguyễn Khuyến muốn gửi đến bọn quan lại bù nhìn trong triều lúc bấy giờ. Những kẻ ngu, dốt và cứ trơ trơ không biết nhục trước cảnh nô lệ.

Cái cười của Nguyễn Khuyến nói chung là nhẹ nhàng, mát mẻ, hóm hỉnh, ít khi sâu độc. Khi chỉ trích người đời chỉ là những nụ cười hiền lành, mang nhiều tính chất giáo dục làm cho những đối tượng bị thi nhân trêu trọc phải ngẫm nghĩ hành động của mình.

Trong bài thơ Hội Tây, ông nhắc nhở những người quá say mê, quên cái nhục mất nước, tham gia các trò giải trí hạ nhân phẩm thì còn ai nghĩ đến chuyện cứu vớt nước non. Từ thằng bé đến bà quan, rồi các cô, các cậu. Kẻ ỷ sức, người tham tiền, đua nhau quay cuồng trong ngày hội. Nhìn cảnh ấy, Nguyễn Khuyến đau đớn mà thốt lên: ‘‘Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu’’.

Nguyễn Khuyến tỏ ra vừa thương vừa giận thói đời, bọn người đời đã không giữ được bản tính Chân - Thiện - Mỹ. Tâm trạng phân đôi, vừa thương vừa giận ấy trở thành lối suy nghĩ thể hiện trong hầu hết các bài thơ và câu đối trào phúng của Nguyễn Khuyến:

        “Hay thật là hay đáo để! Bảo một đàng quàng một nẻo;
         Thôi thế thời thôi cũng được! Phi đằng nọ tắc đằng kia

Nhà thơ chê trách, phê phán người học trò cũ đã không làm theo lời dạy của thầy mà ra làm tay sai cho giặc. Nguyễn Khuyến rất tài tình khi sử dụng thành ngữ Bảo một đàng quàng một nẻo”; “Phi đằng nọ tắc đằng kia” để chỉ trích thói ham danh lợi của người học trò. Lời thầy dạy là những lời chính nghĩa, phải biết trung quân, ái quốc thế mà học trò đâu làm theo như thế. Nhà thơ cười cho cuộc đời, cười cho người đời và cười cho chính bản thân mình. Đạo nghĩa không còn giá trị mà đồng tiền có thế lực vạn năng đã làm cho con người ngày càng tha hóa.

Khi sử dụng thủ pháp trào phúng, Nguyễn Khuyến tiếp tục phát huy truyền thống dân tộc đã được hun đúc từ các thế kỷ trước. Thái độ trào phúng của Nguyễn Khuyến thường nhẹ nhàng, mát mẻ, “ý tại ngôn ngoại”. Ông  chỉ trích bọn quan lại tham nhũng đương thời bằng cách nói bóng gió. Nguyễn Khuyến không trực tiếp vạch ra tội ác của chúng mà chỉ nhân việc bọn quan lại triều Minh bóp nặn ba trăm lạng vàng của Vương viên ngoại mà viết:

         “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ!
          Đời trước làm quan cũng thế a”

Lời phê phán một việc oan ức của lương dân từ đời xưa mà ý văn đả kích thói tham tàn của bọn quan lại đời nay một cách rất độc đáo. Thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến có những cái bất ngờ như thế. Nó như những mũi tên đả kích phóng ra từ sau những câu hiền lành.

Nguyễn Khuyến có tài nêu bật lên mâu thuẫn giữa các hiện tượng rồi khiến cho mọi người phải đồng tình với sự căm thù, khinh ghét của ông. Mức độ trào phúng của Nguyễn Khuyến cao hay thấp, nặng hay nhẹ là tùy vào từng đối tượng. Đối với những kẻ như tri huyện Thanh Liêm, hay viên Tuần phủ bị mất cướp, hay viên Đốc học Hà Nam, thái độ châm biếm của ông là thái độ của đàn anh đứng ở vị trí trên mà nhiếc móc, mỉa mai kẻ dưới. Nhưng khi tạ lại viên Tuần phủ trẻ tuổi tặng ông một chậu hoa trà thì ông lại mỉa mai một cách nhẹ nhàng:

         “Xem hoa ta chỉ xem bằng mũi,
         Đếch thấy mùi thơm, một tiếng khà”

Một cụ già mắt đã nhập nhèm, tay cầm chậu hoa mà xem hoa chỉ xem bằng mũi với một thái độ mỉa mai: “đếch thấy mùi thơm, một tiếng khà” Cái cười kín đáo với cách nói ngọt thâm thúy của Nguyễn Khuyến là một thứ nghệ thuật được trau dồi đầy công phu. Trào phúng của ông không phải là phanh phui, vạch mặt chỉ trán.

Châm biếm mà sao Nguyễn Khuyến còn độ lượng và nhân ái quá. Có lẽ, nhà thơ sinh ra vốn để làm một nhà nghệ sĩ gắn bó, yêu thương con người và chỉ muốn viết những dòng thơ êm đềm, tươi xanh. Nhưng cuộc đời đâu có như Nguyễn Khuyến nghĩ. Trước cảnh nhiễu nhương của xã hội, dòng thơ trữ tình của ông không thể không cuồn cuộn nổi lên những con sóng giận dữ. Nỗi khổ tâm của nhà thơ là có giận dữ nhưng lại thấy không đành lòng. Tư tưởng nhân văn trữ tình vẫn như một lực lượng quy tụ mọi nguồn cảm hứng sáng tác của Nguyễn Khuyến. Tấm lòng nhân hậu đã làm cho thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến dẫu chưa thật sự sắc nhọn, chưa đập mạnh nhưng vẫn đúng hướng và tạo nên giá trị nhân bản, truyền cảm da diết, lâu bền.

 

 

Trần Thanh Xem
Số lần đọc: 2297
Ngày đăng: 03.01.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“ Đất nước những cánh cung”- ký ức lính của nhà thơ Chung Tiến Lực - Vũ Tuyết Nhung
Chỗ của THƯỢNG thơ - Vũ Trọng Quang
Bóng dáng của một thời và thông điệp vượt thời gian Về bài thơ “Tàu điện đêm” của Nguyễn Nguyên Bảy - Nguyễn Anh Tuấn
"Hoa Cỏ Lau" _ Hành Trình Hoa Của Nhà Thơ Trương Vạn Thành - Vũ Tuyết Nhung
“Đinh Xăng Hiền “Sự im lặng của kẻ rình mồi - Mai Bá Ấn
Nhặt lá mà thương duyên phận mình.Tập thơ tình của một người lính - Hoàng Thị Bích Hà
Bình thơ Van Em của Nguyễn Hàn Chung - Trần Hạ Vi
Vài cảm nhận khi đọc “Thăm bạn” của Đồng Thị Chúc - Đặng Xuân Xuyến
Bàn thêm về cái “Kết phim” và cái “Đuôi phim” - Nguyễn Anh Tuấn
Nhận định về thơ Bùi Hoàng Linh - Hoàng Thị Bích Hà