Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.152
123.225.240
 
Những đêm trắng
Khuất Đẩu

 

(Truyện lịch sử )

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh vị anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học ( 01-12-1903 – 01-12-2012)

 

Đêm ở đền Thượng

Đó là một đêm đầu xuân, ánh trăng mỏng quá không soi rõ được mặt người. Những bậc tam cấp cứ nối nhau lên cao, lên cao mãi như vút tận trời. Một đàn chim Lạc từ đâu bỗng bay qua, tiếng đập cánh làm đong đưa những chòm sao xanh biếc.

Đêm thánh vô cùng!

Họ đi lễ đền Thượng.

Lễ vật không có bánh chưng bánh dầy. Chỉ có trầu, cau và hai trái tim thắm đỏ.

Chàng nói, “hôm nay, anh cưới em”!

Nàng nói, “em cũng cưới anh, hôm nay”!

Họ cùng nói, “thưa Quốc Tổ, chúng con xin cưới nhau”!

Nghe như có tiếng cười từ ái reo vui của các vua Hùng.

Chàng nói, “anh nghèo lắm, chỉ có món quà nhỏ này làm sính lễ. Nó sẽ thay anh bảo vệ em”!

Chàng nâng khẩu súng lục lên trước mặt. Nàng xòe tay ra như hoa quỳnh đón lấy, rồi áp cái kỷ vật lạnh ngắt vào giữa ngực mình.

“Em cũng nghèo lắm, chỉ có cái chết để đền ơn anh”.

Lập tức, chàng khóa miệng nàng bằng đôi môi dày, nóng rực, để cái tiếng “chết” kia không bao giờ thoát ra được nữa.

Nhưng cưới nhau vậy thôi, chứ họ là hai kẻ không nhà.

Họ đành ngồi bên nhau suốt đêm, chờ sáng.

Cũng ấm ức lắm, cũng thèm thuồng lắm.

Cũng muốn lấy cổng tam quan làm nhà, lấy nền gạch làm giường, lấy bóng đêm làm chăn màn để thực sự là của nhau.

Cũng muốn đã yêu là yêu cho tới bến, đã cho là cho đến tận cùng.

Nhưng đêm yên lành và thiêng liêng quá. Họ chỉ có thể cởi bỏ mọi buộc ràng, mọi lo toan, để hai tâm hồn bận rộn được ngơi nghỉ đôi chút bên nhau mà thôi.

Khi ánh ngày lên, nàng thấy chàng là ông cụ áo the thâm đeo mục kính, chàng thấy nàng là một chị nhà quê váy đụp, chít khăn mỏ quạ. Cả hai nhìn nhau, kín đáo nở một nụ cười thầm.

Rồi như hai kẻ xa lạ chưa hề gặp nhau bao giờ, nàng xuống Đông, chàng ngược lên Đoài.

Họ là ai?

Xin thưa, một Người là Nguyễn Thị Giang.

Và một Người là Nguyễn Thái Học.

 

Đêm trước ngày N.

Trong một căn phòng sang trọng tại một đồn điền, bọn họ mười chín người. (Hơn một người là bị bắt bỏ bót ngay).

Một người nói, “bọn Túy, Dương, Mai, Kỉnh, nhất là Kỉnh đã phá nát đảng ta rồi. Hàng mấy trăm trái bom tự tạo đã bị đào lên. Hàng ngàn dao, súng bị tịch thu. Bao nhiêu đồng chí đã bị bắt. Bao nhiêu cơ sở, nhất là trong các trại lính, đã bị khám phá. Cứ đà này, thì chỉ trong vài tháng nữa thôi, đảng ta sẽ bị xóa sạch”!

Người vừa nói đó, trong vỏ bọc của một công tử ăn vận âu phục rất bảnh bao, đã ôm đẩu gục xuống trên bàn. Một sự yên lặng đông cứng đến nỗi 18 trái tim bao quanh bỗng như ngừng đập. Những ngọn đèn cũng bất ngờ yếu đi, bóng tối được dịp tràn ra, khiến cho căn phòng trở nên chật chội, ngột ngạt.

“Không thể như thế được”, ai đó rít lên. Hai tiếng “không thể” sắc nhọn như ngọn lao đâm suốt 19 lồng ngực.

Người gục đầu trên bàn liền đứng bật dậy. “Phải rồi, không thể để bọn chúng muốn phá chỗ nào thì cứ phá, muốn bắt ai thì cứ bắt. Đảng ta không thể chỉ vì một vài tên cẩu gian mà tan rã được. Dân tộc ta quyết không thể làm nô lệ mãi. Chỉ còn một cách, đó là…”!

Người ấy ngừng nói, đưa tay lên cao như làm hiệu lệnh. Tức thì, bao nhiêu lồng ngực cùng mở banh ra một lúc để hai tiếng “khởi nghĩa” mạnh mẽ và trẻ trung bị nhốt kín bấy lâu được dịp lao ra như những con tuấn mã.

Khởi nghĩa!

Khởi nghĩa!

Âm vang cố nén cho thật nhỏ nhưng căn phòng vẫn rung lên, nghe như các bô lão hô “quyết chiến” ở điện Diên Hồng.

Đừng ai hỏi: như vậy có liều lĩnh không?

Đừng ai so sánh: tương quan như trứng chọi đá, thế thì thất bại là cái chắc.

Đừng ai cười nhạo là ấu trĩ, dại khờ.

Cũng đừng ai sụt sùi thương cảm.

Không có chuyện sông Dịch lạnh.

Chỉ có sông Hồng, sông Mã và sông Bạch Đằng sục sôi, nổi sóng.

Mười chín trái tim, trong đó có một trái tim đàn bà, chỉ một nhịp đập. Đó là nhịp trống xuất quân.

Rồi đó, kẻ ngược lên Bắc Giang, Yên Bái.

Kẻ xuôi Nam Định, Hải Phòng.

Kẻ vào xứ Thanh, xứ Nghệ.

Chữ nghĩa đầy mình như dịch giả Mái Tây thì vào đất thần kinh rước cụ Phan Sào Nam.

Loáng một cái, họ biến đi các ngã trước khi bọn cẩu gian và lính lê dương tìm tới.

Cởi bỏ lốt công tử và cave, giờ họ là hai khách bộ hành quê mùa.

Chàng nói, “nhớ em quá”!

“Em cũng nhớ anh lắm”, nàng nói.

“Hôm nay em thật đẹp”, chàng nói.

“Đừng nhạo em, đóng giả một cô cave thật khó làm sao”!

“Anh cũng đâu thích làm công tử”.

“Giờ chúng ta đi đâu”?

“Về nhà”.

“Thật sao”?

“Thật”.

Gió thổi, lạnh. Họ đi sát bên nhau. Tay nàng trong tay chàng. Họ đi qua một cánh đồng vừa gặt. Hãy còn thơm mùi lúa chín.

“Đến nhà rồi”, chàng nói.

“Nhà đâu”? Nàng hỏi.

“Đây”.

Chàng kéo nàng ngồi xuống bên một đụn rơm.

“Xem này, chàng nói, vợ của tôi ơi, hãy xem anh làm nhà”.

Chàng quỳ gối, khom lưng kéo bỏ từng bó rơm qua một bên, và chỉ mươi phút là đã xong một cái nhà nhỏ vừa thơm vừa ấm.

Cởi áo giải lên nền đất đầy rơm,chàng nói: “nào, mời em”!

Không đợi mời đến lần thứ hai, nàng liền ngã xuống trên mình chàng như lúa ngã rạp trên đồng.

Đó là một đêm hợp cẩn ngọt ngào đến từng chân tóc.

Một đêm mà chàng là quân vương và nàng là hoàng hậu.

Một đêm giàu sang tót vời dù không một xu dính túi.

Một đêm mà may mắn được hoài thai, thì đứa bé ấy, Trời ơi, sẽ đẹp đến nhường nào. Đó sẽ là hoàng tử của cách mạng. Là thế hệ tươi non của một nước Việt trẻ trung, hùng mạnh.

Khi sao mai vừa mọc, hai người lại lặng lẽ ra đi, mỗi người về một hướng. Nhưng họ biết, từ đây họ không còn đi một mình.

 

Đêm thấy ta là thác đổ!

Phó Đức Chính, chàng kỹ sư công chánh từ Lào về với một bộ quân phục mới toanh và tài hùng biện đã khiến cho 2 cơ đội khô đỏ ở Yên Bái quay ngược mũi súng về phía giặc thù. Nhưng chỉ với 2 cơ đội thì làm sao thắng được địch từ trên cao bắn xuống. Ba ngày sau bị bắt và ba tháng sau chàng dũng cảm nằm ngửa để xem cái máy chém nó cắt đứt đầu mình!

Xứ Nhu, còn gọi là Song Khê, phải ba lần tự sát mới chết được. Lần đầu bị bắn gãy chân, liền nằm sấp trên hai quả tạc đạn. Đạn nổ banh cả ruột gan, nhưng vẫn chưa chết. Lại lao mình xuống sông, cũng không chết. Sau cùng, tại Hỏa Lò, dù chân bị cùm tay bị xích, chỉ còn mỗi cái cổ ngúc ngắc, anh vẫn đập đầu vào tường mới chết được.

Quán Cẩm, người bị đau tim bất ngờ không thể chỉ huy đánh Yên Bái, đã vỡ tim mà chết trong nhà thương khi nghe tin cuộc khởi nghĩa thất bại.

Nguyễn Thị Tâm, suốt một buổi chiều bị làm nhục, tối đến phải nuốt cả một giải thắt lưng dài để được chết.

Và bốn mươi cái chết do hội đồng đề hình tuyên xử, cả những cái chết trên đường rút lui đẫm máu, chết trong các nhà tù tối tăm…cả trăm Người đều chết để thành Nhân.

Chữ Nhân đẹp như lưỡi kiếm tuốt ra dưới ánh trăng, rất lãng mạn, nhưng cũng rất bi tráng Họ vui vì được chết trong khi chàng không thể vui vì được sống. Buồn hơn nữa là chàng không đọc được một lời ai điếu hay rải cho ai một nắm đất.

Có phải vì mình nôn nóng, vì thiếu kế hoạch, vì kém tài mà bao nhiêu người non trẻ như Chính, như Nghiệp, như Nhu …phải đối mặt với cái chết? Có thực họ vui vì được chết hay chỉ vì không còn một con đường nào khác? Mà ai? chính mình chứ còn ai vào đây nữa, chính mình đã đưa họ đến con đường cụt này!

Đau đớn hơn nữa là những ngôi làng như Cổ Am, Võng La, Xuân Lũng, Kha Lâm…yên ấm bao đời, nay chỉ vì theo Cách mệnh mà bị giặc ném bom, đốt phá. Biết bao người già, phụ nữ, trẻ em đã bị thiêu cháy như những cây đuốc! Tất cả do mình, chỉ một mình mình, cái gánh nặng trách nhiệm to nặng như núi Tản này biết trút bỏ cho ai? Mà sao lại trút bỏ, sao không dũng cảm chấp nhận?

Rất may, trong muôn ngàn tin dữ, cũng lấp lánh có được một tin vui. Tuy chỉ mới mong manh như một làn sương, nhưng hạt mầm của hai người đã hình thành. Nó đẹp như một chiếc cầu vồng bắc qua hai bờ thác trắng.

Với 4000 bức hình dán khắp hang cùng ngõ hẽm, biết ngụy trang như thế nào cho thoát, trong khi chàng nhứt quyết không chịu sang Lào hay sang Tàu?!

Hai nhà sư vai khoác tay nải, được lệnh dừng lại trước điếm canh.

Thế là lộ rồi!

Một quả tạc đạn nhỏ được tung ra để dọa.

Đoàng!

Chạy!

Nhưng không thoát!

Cả chục tên trương tuần đuổi theo. Một sư bị đánh gãy tay. Một sư khác bị đánh gãy chân.

“Hóa ra là ngài đảng trưởng Nguyễn Thái Học, quý hóa quá. Thôi để chúng em làm võng cáng quý ngài”!

Mặc cho máu me đầy mình, bọn chúng trói chặt hai người bỏ vào thúng, khiêng đi lãnh thưởng!

Hai người đã bị “cắt tiết” như thế đó ở cái ấp có cái tên rất định mệnh là ấp Cổ Vịt!

(Có lẽ từ nay phải thêm một từ “cắt” cho đủ nghĩa là ấp Cắt Cổ Vịt!)

Đêm ở Hòa Lò

Mười ngày sau khởi nghĩa Yên Bái, chàng bị biệt giam trong ngục. Làm ra vẻ nhân đạo, thống sứ Bắc kỳ vẫn cho thân nhân được vào gặp mặt. Thực ra, lão giăng câu để câu một con cá mà lão tin là to hơn, đẹp hơn, một con cá cái anh vũ có tên là Nguyễn Thị Giang.

Nhưng chỉ có mẹ chàng vào.

Một tay gãy mà vẫn bị còng.

Một cái miệng với cặp môi sưng vù, không che nổi chỗ khuyết của hai chiếc răng bị gẫy do cây ba toong của một thằng quan hai gây ra. Hai chân bị cùm lở loét mà vẫn bị xiềng.

Đem một người bị bầm dập tơi tả như thế đến gặp người đã mang nặng đẻ đau ra anh ta, thì đó chính là một đòn tra tấn độc ác hành hạ cả hai. Mẹ và con, nhất là người mẹ, sẽ đau nhức đến suốt đời.

Bà cụ đưa bàn tay nhăn nheo, run rẩy qua song sắt rờ đầu con, cái đầu một ngày không xa sẽ rời khỏi cổ.

Chàng nói, “cho con được lạy mẹ, con giữ được chữ trung thì đành mất chữ hiếu, xin mẹ tha lỗi cho con”.

“Đừng nói nữa, con, bà nghẹn ngào, nếu có lỗi thì chính mẹ chứ không phải con, mẹ đã sinh con ra nhưng lúc này mẹ không biết làm cách nào để giữ được con’!

Khi chàng bị lôi đi bà vẫn còn đứng thẫn thờ.

Chàng là người dễ ngủ. Chỉ cần nằm sấp, quặp hai chân lại, là bất cứ chỗ nào, giờ nào chàng cũng ngủ được. Nhưng không phải là nết ngủ của một kẻ hờ hững vô lo. “Có ngủ mới đủ sức khỏe mà lo việc này việc nọ được chứ”. Chàng thường nói với các bạn như thế.

Tại Hỏa Lò, gần như ngày nào chàng cũng ngủ. Ngủ để tối đến thì thức. Hơn 100 đêm chờ ra pháp trường là hơn 100 đêm chàng thức trắng. Thức để sống lại những năm tháng thơ ấu. Cậu bé 9 tuổi là chàng đã hứa gì trước người mẹ của đội Cấn hóa điên khóc đòi con? Không hứa gì cả, nhưng cái mầm cách mệnh đã mọc lên trong cậu từ buổi chiều hôm đó. Rồi những năm sinh viên, những bè bạn ở Nam Đồng thư xã, những đồng chí lập nên tổng bộ đầu tiên và những đêm tuyên thệ hùng vĩ…

Thức, để mổ xẻ từng sự kiện, phân tích từng cái hay cái dở, từng cái ưu cái khuyết. Thức như thể ngày mai lại tiến hành một cuộc khởi nghĩa nữa, khởi nghĩa mãi cho đến lúc thành công. Chàng cũng thức vì những cái bóng ma của bọn phản đảng. Thức vì những kẻ trùm chăn, vì những nỗi hãi sợ có từ ngàn năm do vua quan phong kiến đè lên số phận từng người.

Thức vì có những đảng mới với những học thuyết xa lạ, những con người độc đoán chỉ muốn độc quyền làm cách mệnh, nên chống Pháp thì ít mà chống và tiêu diệt những phần tử của đảng khác thì nhiều. Không loại trừ cái nghi án chính họ đã mượn tay thực dân để giết hại các đảng anh em. Yên Bái khởi nghĩa thất bại, họ thấy vui nhiều hơn buồn!

Đương nhiên, chàng cũng thức vì lo lắng cho sự an nguy của người nữ đồng chí mà chàng quý yêu còn hơn chính bản thân mình. Thức vì cái mầm sống mong manh vừa hình thành trong người nàng. Ôi chao, cái khẩu súng thay chàng để bảo vệ nàng, giờ sẽ thành cái vật giết người oan nghiệt. Ước gì chàng không trao nàng khẩu súng ấy. Ước gì nàng quên lời thề sẽ chết theo chàng!

Trong đêm chàng thao thức, âu lo, đau cái đau của dân của nước, nhưng ban ngày, trước mắt bọn cai ngục và bọn thống trị, lúc nào chàng cũng an nhiên, đĩnh đạc. Cái khí phách của chàng chính là sự bình tĩnh của một người hiểu và tin việc mình làm là đúng, là cần thiết. Giờ thì chàng đã làm xong, chỉ còn mỗi một việc cuối cùng là đón nhận cái chết trong tâm thức của một kẻ chiến thắng.

Đêm cuối của chàng

 Chiều 16 tháng 6, 1930, Nguyễn cùng 12 tử tội được đưa ra ga Hàng Cỏ để lên Yên Bái. Tiếng xích sắt khua loảng xoảng trên sân ga. Khi người cuối cùng bước lên tàu, 13 cái cùm sắt nặng nề liền ngậm chặt những ống chân tong teo, các cửa sổ bị đóng sập bít bùng, đạn được lên nòng, lưỡi lê được tuốt trần.

Bị canh giữ cẩn mật như thế, nhưng được gặp lại bạn bè, đồng chí sau những tháng ngày biệt giam, nên ai cũng vui.

Một người nói, “các anh trên ấy chắc đang ra ga đón mình”.

Người khác nói, “mình chưa biết cái máy chém nó ra làm sao?”

“Thì sáng mai khắc biết. Nó như cái dao trong các tiệm thuốc bắc, nhưng to hơn!”

“Bậy nào, nó là máy mà, không biết nó chạy bằng gì?”

“Ước gì mình được chém bằng cái máy mà cách mệnh Pháp đã dùng để chém vua Louis 14. Thế mới đã!”

“Ít ra Đảng Trưởng của mình phải được như thế chứ. Phương diện quốc gia mà”

Lúc đó một cố đạo mang thánh giá đến từng người để rửa tội, Nguyễn liền nói lớn, “chúng tôi nào có tội gì mà rửa!”. Rồi anh đọc mấy câu thơ ngắn bằng tiếng Pháp, có nghĩa rằng:

“Chết vì Tổ Quốc

Chết vinh quang

Lòng ta sung sướng

Trí ta nhẹ nhàng”.

Dù sao, cái cảnh những tử tội nói cười trong toa vẫn có vẻ “tây”và văn minh hơn cảnh Huấn Cao và đồng tù khiêng một cái gông dài, nặng ra pháp trường, một cảnh rất “Tàu” và luộm thuộm.

Con tàu giống như một con sâu khổng lồ, mở to hai con mắt sáng quắc, hú những tiếng chói tai trước khi lao vào đêm tối. Phó Đức Chính không dấu nổi xúc động, nói “Anh Học à, phải chi bọn tôi chiếm được Yên Bái và các nơi thành công, thì đoàn tàu này rất vẻ vang vì đang đưa anh và tổng bộ lên mừng chiến thắng”. “Rồi sẽ có một đoàn tàu dài như vậy, Nguyễn nói, chẳng những một đoàn mà nhiều đoàn để mừng nước nhà độc lập”.

Ga Yên Bái đông đặc lính khố xanh, khố đỏ và lê dương. Mười ba tử tội, lại bị tống vào ngục tối. Trong hơi lạnh của núi rừng trung du, sau nhiều đêm thức trắng, Nguyễn đánh một giấc dài cho đến khi bị dựng dậy lúc 5 giờ.

Nhưng bên ngoài, có một người không ngủ được đang âm thầm ngồi chờ sáng.

 

Đêm cuối của nàng

Người đó không ai khác, chính là cô Giang.

Ngay khi biết tin chồng bị đưa lên Yên Bái, cô đã đáp xe lửa đi theo hút. Cùng một đoàn tàu với Nguyễn, nhưng không cách gì đến gần được. Cô đành giấu những quả tạc đạn dưới đáy thúng.

Sáng hôm ấy, cô định ném vào pháp trường để giải cứu cho chồng. Nhưng ba vòng lính, ken dày. Một con kiến cũng không chui lọt.

Cô, lúc này biến mình thành một bà già người Mán, và cũng biến tim mình thành đá, yên lặng một cách dũng cảm, đứng nhìn các đồng chí và chồng mình, từng người một bước lên máy chém. Những tiếng hô Việt Nam muôn năm mạnh mẽ vang lên. Sau mỗi tiếng hô là một cái đầu bị lưỡi dao rộng và nặng như tấm phản rơi xuống cắt đứt.

Đã mười hai tiếng hô và 12 cái đầu rời khỏi cổ. Đến lượt mình, anh chỉ yêu cầu được rít một hơi thuốc lào.Trong màn khói xanh xanh cay mờ, Nguyễn nhìn thấy cụ bà người Mán mặc áo váy sặc sỡ kia chính là Mẹ của đứa con anh sắp được sinh ra. Rất dõng dạc, anh hướng về phía nàng, hô từng tiếng một: Việt Nam muôn năm, như nhắn nhủ hãy cố sống để sinh và nuôi con.

Rời bỏ pháp trường, nàng thay đồ, giả dạng một người đàn bà miền xuôi. Nàng về Thổ Tang, lạy cha mẹ chồng, rồi ghé thăm cái quán, nơi hai người đã có lần vào nghỉ chân, uống một bát nước chè. Tối hôm ấy nàng ngồi một mình lặng lẽ giữa đồng. Đây là đêm dài nhất của đời nàng.

Đêm thật hoang vu, chỉ có những ngôi sao lặng lẽ mọc lên trên nền trời cao rộng. Nàng mở giỏ lấy một vuông vải trắng, chít khăn tang cho chồng. Cái đầu với mái tóc tóc húi cua và cái thây không đầu của chồng hiện rõ như có thể đưa tay ra sờ được. Đây là lúc không còn phải giữ gìn, không còn là đá, không còn là giá băng, giờ chỉ là nước và nàng òa khóc. Nàng khóc như cả đời chỉ được khóc một lần này.

Tôi phải làm gì? Khẩu súng thiêng còn đây và tôi nhứt định phải giữ lời thề. Em tiếc là không được chết cùng anh. Nhưng em sẽ theo anh, dù chậm một ngày. Chúng mình sẽ lại về đền Thượng. Sẽ lại chiêu binh mãi mã dưới suối vàng để phục quốc. Nhưng liệu có nên giữ lời thề khi trong tôi hãy còn một mầm sống mạnh mẽ đòi được sinh ra? Tôi có quyền gì mà không cho nó được sinh ra. Dường như trong bốn tiếng Việt Nam muôn năm, tôi nghe như, “hãy sống nuôi con”!

Hãy sống nuôi con! Đúng rồi, tôi phải sống để sinh con tôi, tôi phải sống., .tôi phải sống để nuôi con tôi. Lớn lên, nó sẽ trả thù cho cha, sẽ tiếp bước giành cho được độc lập. Tôi tin con chúng tôi sẽ thành nhân và cả thành công.

Nhưng tôi sẽ sống làm sao giữa muôn ngàn dòi bọ, tôi trốn ở đâu giữa muôn trùng vây bủa, tôi giả dạng làm sao để qua mắt lũ diều cú? Nếu một ngày chúng tóm được tôi, làm sao tôi chịu được nhục, rồi tôi cũng sẽ như chị Tâm, sẽ phải nuốt cả một giải thắt lưng dài mà thôi!

Đêm càng khuya, sự vật vã giữa sống để sinh con và chết theo chồng khiến nàng phờ phạc. Chưa bao giờ, nàng cảm thấy cô đơn trơ trọi như lúc này. Con ơi, mẹ phải làm sao đây? Chắc phải đem con theo cùng mẹ, đợi kiếp sau, khi nước nhà độc lập, mẹ con chúng ta sẽ lại lên làm người. Chắc phải vậy thôi. Không sinh con ra là có tội, nhưng sinh con ra mà không bảo vệ được con, tội lại càng nặng hơn.

Rồi đêm cũng tàn và ngày đến. Đã nghe thấy tiếng người gọi nhau ra đồng, tiếng móng guốc của trâu bò gõ trên đường đất. Có kẻ đã biết nàng về lạy bố mẹ chồng. Chỉ trong vài giờ, thậm chí là vài phút lũ mật thám như ruồi nhặng sẽ tìm tới.

Nàng đứng lên, rũ cỏ dại bám trên áo quần, lấy gương ra soi mặt, sửa lại tóc, cho rạng ngời vẻ đẹp Việt Nam, để xứng đáng là phu nhân của một Đảng Trưởng.

Anh ơi, anh đã từng nói: được chữ trung thì mất chữ hiếu, giờ em giữ được lời thề với anh thì mang tội giết con.

Không còn kịp nữa rồi, con ơi, xin tha tội cho mẹ.

Nàng kê súng vào màng tang và bóp cò!

Đúng lúc ấy mặt trời mọc lên, ánh sáng đầu tiên đã kịp rắc một lớp phấn hồng lên người nàng.

Nơi ấy, bây giờ chỉ là một ngôi mộ trơ trọi như thế này đây!

 

Mộ cô Giang nằm giữa cánh đồng làng Thổ tang,

Ghi chú: Ngoài việc hư cấu như trong tiểu thuyết, những nét chính về Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang, tác giả dựa theo tác phẩm Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống. Đây là nén hương của kẻ hậu sinh kính dâng lên hai vị anh hùng.

 

 

 

 

 

 

Khuất Đẩu
Số lần đọc: 1160
Ngày đăng: 13.01.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cô bé có tràng hoa quấn cổ - Nguyễn Anh Tuấn
Nối dõi - Lê Hứa Huyền Trân
Tất Nguyệt Ô - Đỗ Nhựt Thư
“Ông còn có con” - Lê Hứa Huyền Trân
Đứa con - Lê Hứa Huyền Trân
Dòng đời - Tiểu Lục Thần Phong
Về nhà trước Giáng Sinh - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Đọc “Cõng mẹ” của Nguyễn Văn Song - Đặng Xuân Xuyến
Mùa Giáng sinh năm ấy - Quang Nguyễn
Các cửa hiệu đã đóng kín - Nguyễn Thị Kim Lan
Cùng một tác giả
Những con đom đóm (truyện ngắn)
Tiểu công chúa (truyện ngắn)
Vua Tango (truyện ngắn)
Phố Núi (truyện ngắn)
Bóng Tháp (truyện ngắn)
Không Thấy Núi (truyện ngắn)
Nguyệt Thực (truyện ngắn)
Để Tang Cho Sách (truyện ngắn)
Ai Đã Giết A.Q ? (truyện ngắn)
“Bộ Tam” (truyện ngắn)
Trăng Hát (tạp văn)
Cặp Đôi Bi Tráng (truyện ngắn)
Chôn Đứng (truyện ngắn)
Nguyễn Hòa VCV (tạp văn)
Những đêm trắng (truyện ngắn)
Bà chúa hời (truyện ngắn)