Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.155
123.224.956
 
Màu hồng của tôi
Đỗ Quý Dân

 

 

Thế giới trước mắt tôi hình như đang nhòe ra. Tôi chỉ thấy một màu hồng phủ che bầu trời trước mặt. Màu hồng này loang ra như những nét cọ trên một bức tranh màu nước. Hồi bé tôi rất mê vẽ tranh, hay nói đúng hơn tôi rất mê màu sắc. Đặc biệt là màu hồng. Tôi đã bị lũ bạn cùng trường chế nhạo tôi, bảo tôi có máu đàn bà. Đàn ông con trai ai lại thích màu hồng? Năm tôi lên trung học mẹ tôi may cho tôi bộ quần áo bằng vải nỉ màu hồng bà mua rẻ từ một cửa tiệm vải sắp đóng cửa. Dạo ấy gia đình tôi gặp khó khăn về tài chánh, có được bộ quần áo mới tôi rất mừng, cứ mặc đi mặc lại đến trường để rồi trở thành mục tiêu cho lũ bạn học nhạo báng. Cả đám con gái cũng tủm tỉm cười khi đi ngang qua tôi. Đã nhiều lúc tôi thấy màu hồng trong mắt, từ màu đỏ của cơn tức giận loãng ra. Những lúc tức giận gân máu của tôi nổi lên trong mắt, và chỉ nhạt đi khi mồ hôi, nước mắt trào ra, biến máu nóng cuồng điên thành một thứ màu hồng không quyết đoán.

 

Nhưng hiện giờ tôi không tức giận. Tôi đã lấy lại được bình thản trong tâm hồn từ bao năm nay. Chắc vì tôi đã trưởng thành và đã lấy được lòng tự tin. Không những thế, giờ đây tôi còn có chút kiêu hãnh về bản thân. Đồng nghiệp tôi đã tặng tôi cái mỹ hiệu “Thập Bộ Phi Đao”. Đây là họ lấy từ câu “Thập bộ sát nhất nhân” trong bài Hiệp Khách Hành của Lý Bạch. Đi mười bước giết một người. Còn tôi không cần đi. Chỉ cần cách mười bước là tôi đã giết được một người. Nói thế chứ tôi chưa giết ai cả. Tôi chỉ có khả năng phóng dao giết người cách tôi mười bước. Tôi dùng phi đao (dao phóng) chứ không dùng đao kiếm bình thường như khách nước Triệu trong thơ Lý Bạch. Tôi chuyên biểu diễn phóng dao cho gánh xiếc Đại Vũ Trụ. Tôi tự hào vì tôi phóng dao thật chứ không dùng đến những tiểu xảo của bọn nghệ nhân ảo thuật, chỉ sắp xếp cho dao cắm vào những chỗ định sẵn trong màn trình diễn chứ không có khả năng thực sự.

 

Màn biểu diễn của tôi đã gây được nhiều ấn tượng. Tôi nhờ người tình của tôi đứng yên trước một tấm vách gỗ, cách tôi khoảng mười bước, để tôi phóng dao vào những điểm sát người nàng. Lúc tôi đến xin việc, chủ gánh xiếc cứ nghĩ rằng tôi sẽ dựa vào những tiểu xảo làm hoa mắt khán giả khi trình diễn, giống như bọn ảo thuật tầm thường ở những gánh xiếc khác, và đã phải toát mồ hôi khi thấy tôi phóng dao thật về phía Như Cơ, người tình của tôi, trong khi nàng cứ thản nhiên đứng đón những mũi dao tôi ném ra. Chỉ cần tôi xểnh tay là nàng có thể bị mất mạng nhưng nàng vẫn bình tĩnh đứng yên cho tôi biểu diễn. Nàng tin tưởng vào tài năng của tôi một cách tuyệt đối. Mỗi con dao tôi phóng ra lại gợi cho tôi nhớ chuyện bị lũ bạn bắt nạt và cho tôi được cái cảm giác đắc thắng như vừa trừng trị được bọn chúng. Mỗi lần ném dao là một lần tôi trả thù, tôi ném dao chung quanh người Như Cơ giống như tôi phóng dao vào tim lũ bạn khả ố đã coi thường tôi ngày trước.

Ở Như Cơ tôi thấy một màu hồng dịu dàng. Tôi gặp nàng trong một buổi tiệc dạ vũ cuối năm, nàng đi chung với mấy cô bạn. Như Cơ giống tôi, không biết khiêu vũ, nàng đứng một mình ở một góc sảnh trong bóng tối. Tôi suýt vấp phải người nàng khi đi lấy nước uống. Lúc tôi lí nhí xin lỗi, Như Cơ cứ chăm nhìn vào áo tôi. Tôi sực nhớ tôi mặc áo “jacket” màu hồng, chiếc áo tôi chỉ dám mặc khi dự những buổi dạ hội như hôm đó, khi quan khách đều thích chưng diện, khoe quần áo, thời trang, và không ngần ngại khoác lên người những màu áo đập mắt nhất, quái lạ nhất, dị hợm nhất. Như Cơ đã khen áo tôi đẹp và khen tôi can đảm vì “đàn ông mà dám mặc áo màu hồng”, có nghĩa là nàng khen tôi có đủ bản lãnh để coi thường sự phán xét của đám đông. Nàng khen tôi thật, tôi tin thế, và từ đó tôi đã yêu nàng, cảm thấy nàng như một sự cần thiết trong đời sống, như một nữ thần đã giải thoát được cho tôi ra khỏi ngục tù mặc cảm. Và nàng cũng đã đáp ứng tình yêu của tôi.

Bố của Như Cơ có biệt danh là Ba Dao. Ông cũng đã từng làm cho một gánh xiếc. Ông có thể phóng ba con dao cùng một lúc vào ba vị trí khác nhau. Chỉ vì một cơn say, ông đã lỡ tay phóng trật dao, để đâm vào tim người cộng sự viên của ông. Từ đó ông thôi hành nghề, nhưng Như Cơ đã thuyết phục ông truyền nghề cho tôi. Ông cũng đã từng dạy cho Như Cơ, nhưng cho rằng Như Cơ mềm yếu quá, như mẹ nàng, nên không thể có chân truyền của ông được. Ông mất vợ sớm, khi bà cho ông đứa con gái duy nhất, nên ông thương yêu con gái hơn chính bản thân mình và không muốn nàng phải đi theo con đường của ông mà ông cho là nguy hiểm. Như Cơ không phản đối. Nàng tuyệt đối tin vào bố, và khi ông chết đi nàng lại đặt niềm tin đó vào tôi.

 

Màu hồng lại đang nhòe ra trước mắt tôi. Đây là màu những tấm khăn mà Như Cơ gắn vào những cái đích vẽ trên gỗ để tôi luyện phóng dao. Nàng đã đùa, bảo tôi “giết” những tấm khăn màu hồng kia để trả thù. Mặc dù tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi những lời nhạo báng của lũ bạn thời học trò, tôi đã quên đi chuyện thù hận. Hoặc ít ra tôi cũng đã không còn màng đến chuyện đó. Nhưng tôi phải công nhận là cái màu hồng của những tấm khăn kia đã đốc thúc tôi phải chú tâm vào đích phóng dao của tôi, và chính nhờ cái màu hồng kia tôi đã trở thành Thập Bộ Phi Đao. Tôi chưa hề trật đích trong vòng mười bước chân người!

 

Tuần trước, khi Như Cơ ngã bệnh, nàng lại dùng những tấm khăn màu hồng. Nàng nhờ bạn nàng thay thế nàng đứng trước vách gỗ để làm “đích” cho tôi phóng dao. Vì tò mò, cô bạn nàng chấp nhận đón những lưỡi dao do tôi phóng. Nhưng cô bạn kia đã ngất xỉu khi một lưỡi dao tôi đâm vào chiếc khăn sát cổ của cô. “Em thấy màu hồng của tấm khăn kia trong mắt em, em thấy em đã chết, em sợ đến ngất xỉu, nhưng bây giờ em có cảm giác thật tuyệt diệu!” Trong vòng tay của Như Cơ, cô bạn kia nói thế. Và cả hai đã cùng khóc lên vì sung sướng.

Tôi cũng sắp sửa ngất đi vì màu hồng kia. Có thể tôi sẽ chết đi vì màu hồng kia. Tôi chỉ nhớ láng máng là tôi cảm thấy đời tôi thiếu sót. Thiếu sót cái tuyệt diệu mà cô bạn của Như Cơ đã cảm được. Ừ, tôi đã từng phóng dao, đã từng tự hào mình không bao giờ sai trật, nhưng vì thế tôi không hiểu được, cảm được nỗi niềm của người đứng đón nhận những lưỡi dao của tôi. Từ trước đến nay tôi không để ý vì Như Cơ đặt niềm tin tuyệt đối vào tôi. Tôi tin tưởng là nàng không bao giờ sợ hãi khi tôi ném những con dao về phía nàng. Nàng không sợ hãi nên tôi không bao giờ đặt vấn đề. Tôi chỉ coi nàng như một cái đích vô tri vô giác khi ném những mũi dao bén nhọn về phía nàng!

Tôi đã không thấy màu hồng khi Như Cơ đứng làm đích cho tôi phóng dao. Hoặc là tôi đã quên. Tôi đã quên đi sự hổ thẹn, tôi đã quên đi sự tức giận, tôi đã quên đi những tấm khăn hồng, tôi đã quên đi bộ quần áo bằng nỉ hồng tôi mặc suốt một năm trung học. Tôi chỉ nhớ đến nó khi cô bạn của Như Cơ nhắc nhở. Sự sợ hãi của cô nhắc tôi nhớ đến sự hổ thẹn của tôi do lũ bạn học ngày trước gây ra. Tôi đã không giận cô, ngược lại tôi còn cảm ơn cô vì cô đã làm tôi sống lại. Nhưng cô lại có cái cảm giác “tuyệt diệu” mà tôi chưa từng có. Cô đã ăn gian tôi, cô đã sống trọn vẹn một chu kỳ cảm giác, từ sợ hãi đến tuyệt diệu, mà tôi chưa từng được trải qua! Mà tôi muốn được trải qua! Mà tôi cần được trải qua!

Tôi cần trải qua hành trình của nghệ thuật phi đao. Từ đầu đến cuối.

Màu hồng trước mắt tôi đang nhạt dần. Chẳng mấy chốc tôi chỉ còn thấy màu trắng. Màu vô nghĩa. Tôi nhớ tôi đã thuyết phục Như Cơ bằng hai chữ ấy. Vô nghĩa. “Đời anh, đời của một nghệ sĩ chuyên phóng dao, sẽ trở thành vô nghĩa nếu anh không biết được cảm giác sợ hãi và tuyệt diệu của người bị dao ném về phía mình. Anh cần phải đi suốt cuộc hành trình này. Anh cần phải cảm được sự sợ hãi kia. Để cảm được cái tuyệt diệu kia!”

Gò má của Như Cơ đã hồng lên trong quan tâm. Nàng hỏi tôi muốn gì và tôi đã trả lời tôi muốn làm cái đích cho nàng ném dao. “Em đã từng học nghề từ bố, em ném được, đừng lo cho anh”, tôi đã nói thế. “Nhưng em phải ném dao vào những tấm khăn hồng anh cài sát người, như em đã từng làm thế với anh.”

Tôi và Như Cơ đã sống trong màu đỏ suốt mấy ngày vì nàng không chấp thuận. Màu hồng chỉ đến vào ngày giỗ bố nàng. Lúc chắp tay trước bàn thờ nàng chợt nhớ lời bố nói ngày trước. “Bố đã lỡ tay giết bạn, đã mất mẹ con, và chỉ tìm được sự bình yên khi thấy con lớn lên, nên người. Nhưng đúng hơn hết là khi thấy con bình yên, bố đã chấp nhận được thế nào là sinh nghề tử nghiệp, thế nào là cái chết của mẹ con đã được đền bù bằng sự trưởng thành, bằng tình thương yêu của con.” Như Cơ đã đồng ý để tôi đứng cho nàng biểu diễn ném dao, nàng đã để lời nói của bố biến thành nước để làm loãng màu đỏ của sợ hãi, cái sợ hãi sẽ làm tôi bị thương tổn.

Tôi đã cẩn thận buộc cán những con dao Như Cơ dùng bằng vải hồng. Tôi không muốn nàng bị màu đỏ của sợ hãi, của tức giận, chi phối. Nhưng tôi muốn cảm được sự sợ hãi nên cố tình buộc vải đỏ vào chuôi của một trong số những con dao tôi đã sử dụng và Như Cơ sẽ sử dụng. Chỉ một con dao chuôi đỏ. Và hôm nay là lần trình diễn thứ ba của Như Cơ. Hai lần trước khán giả đã nhiệt tình tán thưởng.

Và con dao chuôi đỏ hiện đang cắm vào ngực tôi. Hình như là cắm sát vào tim tôi vì tôi thấy tim tôi đang đập một cách rất khó khăn. Không sao cả. Tôi chỉ cảm thấy “tuyệt diệu”. Tôi đã đi trọn hành trình của cuộc đời một nghệ sĩ phóng dao. Lúc màu đỏ của chuôi dao nháng lên trước mắt tôi, tôi đã cảm được sự sợ hãi. Cái sợ hãi mà tôi dám đón nhận. Không giống như sự hổ thẹn mình biết sẽ bị nhạo báng mà chẳng làm gì cả, chỉ đứng im chịu đựng như lúc tôi chịu đựng lũ bạn học. Và tôi cũng cảm được cái “tuyệt diệu” sau một cơn đau bất ngờ. Một mũi dao, một cú đau ngắn hạn. Để đưa đến một hành trình toàn vẹn, một niềm vui bất tận.

Máu tôi đã thôi đỏ. Tôi nghe tiếng khóc của Như Cơ. Nước mắt nàng đang hòa vào máu tôi. Tôi đã thấy.

Màu hồng tôi yêu và chờ đợi.

 

 

 

Đỗ Quý Dân
Số lần đọc: 890
Ngày đăng: 16.01.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Rất may bên tớ còn có cậu - Lê Hứa Huyền Trân
Những đêm trắng - Khuất Đẩu
Bức thư của người mẹ trẻ - Trương Văn Dân
Cô bé có tràng hoa quấn cổ - Nguyễn Anh Tuấn
Nối dõi - Lê Hứa Huyền Trân
Tất Nguyệt Ô - Đỗ Nhựt Thư
“Ông còn có con” - Lê Hứa Huyền Trân
Đứa con - Lê Hứa Huyền Trân
Dòng đời - Tiểu Lục Thần Phong
Về nhà trước Giáng Sinh - Nguyễn Lê Hồng Hưng