Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.207.725
|
|
|
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 6)
Lê Ký Thương
|
|
Lê Ký Thương dịch từ bản tiếng Anh:
A PERSONAL MATTER của John Nathan
NXB CHARLESE - TUTTLE COMPANY JAPAN -1994
Điểu do dự đứng lại giữa ngã tư hành lang dẫn đến văn phòng khoa nhi và khu chăm sóc đặc biệt. Một bệnh nhân trẻ ngồi trên chiếc xe lăn chuệnh choạng tiến về phía anh, trừng mắt nhìn anh như muốn nói hãy tránh ra cho anh ta đi qua. Trên hai chân anh là chiếc radio lớn và cổ lỗ sĩ. Đôi chân này chẳng được thấy ở bất cứ nơi nào khác, Điểu lúng túng ép sát người vào tường. Lại một lần nữa, anh chàng bệnh nhân nhìn Điểu bằng ánh mắt đe dọa, cứ như anh là đại diện cánh đàn ông trút cả nỗi bất hạnh của cuộc đời lên đôi chân anh ta, và rồi anh ta lăn xe phóng như bay trên hành lang. Nhìn chàng thanh niên, Điểu thở dài, Điểu nghĩ con mình vẫn còn sống, anh bước thẳng đến khu chăm sóc đặc biệt. Nhưng nếu đứa bé chết, anh phải có mặt ở văn phòng khoa nhi để làm giấy tờ đồng ý mổ và thiêu xác cháu. Đây là một ván bài. Điểu bắt đầu tiến đến văn phòng. Anh đã đặt tiền cá cược vào cái chết của đứa bé, vì trong tận cùng tâm tưởng anh tin chắc con mình đã chết. Lúc này, anh là kẻ thù đích thực của đứa bé, kẻ thù đầu tiên trong cuộc đời của nó, kẻ thù xấu xa nhất, Điểu nghĩ, nếu cuộc sống vĩnh hằng và nếu có một thượng đế phán xét, thì anh không thể giấu được tội lỗi của mình. Nhưng tội lỗi của anh lúc này, giống như nỗi đau khổ đã dồn dập tấn công anh trong xe cứu thương khi anh so sánh đứa bé với nhà thơ Apollinaire có cái đầu quấn băng, trước tiên lại có vị ngọt ngào.
Điểu bước nhanh và tự tin, như thể đến chỗ hẹn với người yêu. Anh nôn nóng đi tìm một lời thong báo về cái chết của đứa bé. Khi nhận được những tin tức này, anh sẽ làm những thủ tục cần thiết (thu xếp cho việc mổ tử thi thì dễ vì bệnh viện sẵn sàng hợp tác, còn việc thiêu xác có lẽ sẽ phiền toái). Hôm nay, một mình tôi sẽ thương khóc đứa bé, ngày mai tôi sẽ cho vợ tôi biết điều bất hạnh này. Đứa bé chết vì một vết thương trên đầu và bây giờ nó trở thành mối dây liên kết máu thịt giữa chúng tôi – tôi sẽ nói đại khái như thế. Chúng tôi sẽ thu xếp để ổn định lại cuộc sống gia đình. Và rồi, lại vượt lên trên tất cả mọi chuyện, những điều không vừa lòng trước đó, những ước muốn chưa thực hiện được, một châu Phi xa vời vợi…
Điểu nghiêng đầu, nhìn vào ô cửa phòng tiếp tân, giới thiệu tên mình với cô y tá từ sau khung kính đang chăm chú nhìn lại anh, và giải thích rằng con của anh được đưa đến đây vào ngày hôm qua.
“Ồ, anh muốn thăm đứa bé bị chứng thoát vị não phải không?” Cô y tá nở nụ cười vui vẻ. Cô ta là một phụ nữ ở độ tuổi bốn mươi, quanh môi lưa thưa vài sợi râu. “Anh cứ đến thẳng khu chăm sóc đặc biệt. Anh biết nó chứ?”.
“Dạ, tôi biết”, Điểu trả lời bằng giọng khàn khàn, buồn tẻ, “Thế có nghĩa là đứa bé vẫn còn sống sao?”.
“Dĩ nhiên là cháu còn sống! Cháu bú sữa rất tốt và tay chân cháu rất khỏe mạnh. Xin chúc mừng anh!”
“Nhưng cháu bị thoát vị não mà”.
“Đúng rồi, chứng thoát vị não,“ cô mỉm cười, không hề hay biết về sự do dự của Điểu. “Cháu là con đầu lòng của anh phải không?”.
Điểu chỉ gật đầu, vội vàng lui bước xuống hành lang tiến về khu chăm sóc đặc biệt. Như thể là anh đã mất tiền cá cược. Anh phải trả bao nhiêu? Điểu lại gặp anh chàng bệnh nhân ngồi trên xe lăn ngay khúc ngoặt của dãy hành lang, nhưng lần này anh đẩy xe chạy thẳng tới một mạch, không thèm để ý đến anh ta và anh chàng tật nguyền phải cố tự điều khiển chiếc xe để tránh va chạm. Ngoài cái nhìn đe dọa của chàng trai, Điểu chẳng biết gì về tai họa của anh ta. Nếu anh ta có mất chân thì Điểu cũng không màng: lòng anh rỗng tuếch như một nhà kho bỏ trống. Dư vị của cơn say vẫn còn ngâm nga bài ca độc hại ở ngay lõm thượng vị và tận cùng sâu thẳm trong đầu anh. Hơi thở loạn xạ, nồng nặc mùi rượu, Điểu bước vội xuống hành lang. Lối đi nối liền với mái hiên nhà chính và khu điều trị cong vòng như một chiếc cầu treo khiến cho cảm giác mất thăng bằng của Điểu càng thêm tồi tệ. Dãy hành lang ngang qua khu điều trị, hai bên được viền bởi những cánh cửa của phòng bệnh, giống như một đường hầm đen ngòm chạy dài về phía ánh sáng lờ mờ, xa tít. Mặt xám nhợt màu tro, Điểu càng lúc càng bước vội cho đến khi gần như chạy.
Cửa vào khu chăm sóc đặc biệt, trông giống như lối vào chiếc máy đông lạnh, được che bằng một tấm thiếc. Điểu giới thiệu tên mình với cô y tá đứng bên trong cánh cửa như đang thì thào một điều gì đó thật đáng xấu hổ. Anh lại cảm thấy ngượng nghịu với chính thân xác của mình như ngày hôm qua, khi lần đầu tiên biết được sự bất bình thường của đứa con. Cô y tá vồn vã đưa Điểu vào trong. Trong khi cô đóng cửa, Điểu liếc nhìn vào cái gương soi mặt hình bầu dục treo trên cột nhà ngay trong phòng và thấy những giọt mồ hôi nhờn lấp lánh từ trán xuống mũi, đôi môi thí mấp máy theo hơi thở bồn chồn, đôi mắt vẩn đục thì mất thần: đúng là khuôn mặt của một kẻ đồi trụy. Bị choáng váng vì nỗi kinh tởm bất ngờ, Điểu nhanh mắt nhìn chỗ khác, nhưng khuôn mặt của anh đã khắc sâu trong tâm khảm. Một linh cảm giống như lời hứa nghiêm trọng lướt qua cái đầu nóng bỏng của anh: từ giờ phút này tôi sẽ luôn luôn đau khổ vì hình ảnh của khuôn mặt này.
“Anh có thể cho tôi biết cháu nào là con anh?” Cô y tá đứng bên cạnh Điểu lên tiếng như cô đang nói chuyện với cha của đứa bé xinh đẹp nhất và mạnh khỏe nhất bệnh viện. Nhưng cô không cười, cô không để lộ một chút tình cảm nào, Điểu cho rằng đây là một cuộc thi vấn đáp theo tiêu chuẩn của khu chăm sóc đặc biệt. Không chỉ người y tá đã hỏi anh mà cả hai người y tá trẻ đang rửa những bình sữa bên dưới lò đun nước nóng to đùng ở mảng tường phía xa, một cô y tá lớn tuổi hơn đang đong sữa bột gần họ, một bác sĩ đang nghiên cứu những tấm thẻ hồ sơ nơi chiếc bàn chật hẹp dựa vào bức tường đầy những tấm quảng cáo lộn xộn và nhem nhuốc, một bác sĩ khác đứng cạnh ông này đang chuyện trò với một người đàn ông vừa lùn, vừa mập có vẻ như là cha - giống như Điểu – của một trong những hạt mầm tai ương đang tập trung ở đây – tất cả mọi người có mặt trong phòng đều ngưng việc và im lặng quay nhìn Điểu như đang theo dõi.
Điểu đưa mắt nhìn về phía vách ngăn bằng kính trong căn phòng rộng lớn để tránh những cặp mắt kia. Ý thức của anh về sự hiện diện của những bác sĩ và y tá trong phòng chẳng mấy chốc biến mất. Giống như con gấu trúc với đôi mắt khô khốc và hung dữ đang tìm con mồi yếu đuối trên đỉnh ụ gò mối, Điểu quan sát những đứa bé nằm sau tấm kính.
Khu chăm sóc tràn ngập ánh sáng chói chang. Ở đây không còn là đầu mùa hạ nữa mà chính là mùa hạ: tia sáng phản chiếu đang thiêu đốt vầng trán của Điểu. Hai mươi chiếc giường trẻ con và năm cái lồng ấp đã tháo những bộ phận điện. Những đứa trẻ nằm trong lồng ấp chỉ hiện lên hình dáng lờ mờ như có một lớp sương bao quanh chúng. Còn những đứa nằm trong giường thì trần truồng và lồ lộ. Ánh sáng gay gắt độc hại đã làm chúng khô héo, chúng giống như một đàn gia súc ngoan ngoãn nhất thế giới. Vài đứa bé đang động đậy tay chân, nhưng ngay cả những đứa bé này, những tấm tã lót và những chiếc áo ngủ bằng vải sợi của chúng trông cũng nặng như những bộ đồ lặn bằng chì. Tất cả bọn chúng đều gây ấn tượng về những người bị xiềng xích. Vài đứa bé bị buộc chặt cườm tay vào giường (cái cách để ngăn chúng khỏi làm xây xát làm da mềm mại) hay mắt cá bị cột bằng sợi băng ga (cái cách để bảo vệ mũi kim trong suốt thời gian truyền máu) và những đứa bé này trông càng giống những tù nhân ốm yếu, nhỏ bé. Bọn chúng đều im lặng như tờ. Phải chăng tấm vách kính ngăn tiếng ồn của chúng? Điểu tự hỏi. Không, giống như những con rùa đau khổ không thèm ăn, tất cả chúng đều ngậm miệng, Điểu đưa mắt nhìn những cái đầu của chúng. Anh đã quên mất khuôn mặt của con mình, nhưng con anh thì không thể nào lẫn với những đứa khác được. Vị giám đốc bệnh viện đã mô tả, “Hình dạng ư? Hình như là hai đầu! Có lần tôi nghe một bản nhạc của Wagner có tên là “Under the Double Eagle” –“. Cái lão già dịch này quả là một nhạc sĩ cổ điển.
Nhưng Điểu không thể tìm ra đứa bé có cái đầu như thế. Anh cáu kỉnh lần lượt nhìn qua, nhìn lại các dãy giường. Đột nhiên, chẳng một tín hiệu nào báo báo trước, những đứa bé đều mở miệng khóc ré lên như những chú bê kêu be be và cựa quậy chân tay. Điểu nao núng. Sau đó anh quay lại chỗ cô y tá như muốn hỏi “có chuyện gì thế?”. Nhưng cô y tá không chú ý đến những đứa bé đang la khóc mà cũng chẳng chú ý đến ai khác trong phòng. Mọi người đang im lặng, chăm chú nhìn Điểu và vẫn chơi trò đánh đố: “Anh đoán xem nào? Cháu nó nằm trong lồng ấp. Giờ thì anh có biết cháu nằm trong lồng ấp nào không?”.
Một cách ngoan ngoãn, Điểu khụy chân xuống và nhìn vào cái lồng ấp gần nhất như thể anh đang dán mắt vào một bể nuôi cá tối tăm đầy bùn loãng và những sinh vật trôi nổi. Anh đã phát hiện ra một đứa bé nhỏ như một chú gà bị vặt lông với làn da nức nẻ, nhớp nhúa một cách kỳ quặc. Đứa bé trần truồng, cái dương vật nhỏ như nhộng của nó được bọc kín bằng bao nhựa tẩm ethelyn và lỗ rún được quấn băng ga. Giống như người tí hon trong những truyện thần tiên bằng tranh, nó nhìn Điểu với vẻ thận trọng trên khuôn mặt như thể nó cũng tham dự vào trò đánh đố của những cô y tá. Rõ ràng đứa bé không phải là con của Điểu, nhưng cái nét già nua, điềm tĩnh và vô hại của nó đã gây cho Điểu một cảm giác thân thuộc như với một người bạn vong niên, Điểu đứng lên, tránh nhìn đôi mắt ướt lệ và hồn nhiên của đứa bé, rồi cương quyết quay lại nhìn những người y tá, như muốn nói rằng anh không tham gia trò chơi này nữa. Những tia sáng lung linh trong phòng chiếu vào các lồng ấp khác có thể nhìn thấy những đứa bé nằm trong đó.
“Anh chưa nhận ra đứa bé à? Tôi sẽ lăn cái lồng ấp phía sau, đối diện với cửa sổ, tới để anh có thể nhận ra cháu nhé”.
Ngay lập tức, Điểu điên tiết lên. Và rồi anh hiểu rằng trò chơi này là màn giáo đầu khi bước vào khu chăm sóc đặc biệt, vì sau đó các bác sĩ và y tá đều trở lại công việc riêng của họ.
Điểu kiên nhẫn nhìn vào lồng ấp mà cô y tá đã chỉ. Từ khi bước vào khu vực này, Điểu đã bị cô y tá “xỏ mũi”, dần dần anh mất hết khả năng oán giận và nhu cầu kháng cự. Anh bây giờ như một người yếu đuối, không tự vệ được, anh đã bị trói buộc bằng những sợi băng ga giống như những đứa trẻ kia phải cam chịu số phận, chỉ biết cất lên tiếng khóc vô vọng. Điểu thở hắt ra, hơi thở nóng ran. Anh quẹt đôi bàn tay ướt vào đủng quần và rồi lấy tay chùi những giọt mồ hôi đọng trên lông mày, mắt và gò má. Anh dụi mắt và nhìn thấy những tia đôm đốm nhảy múa, khiến anh có cảm giác mình đang đâm đầu xuống vực thẳm quay mồng mồng…
Khi Điểu mở mắt, cô y tá, giống như một ai đó đang bước vào tấm kính, đã ở phía bên kia vách kính và đang đẩy cái lồng ấp tiến về phía anh. Điểu tự trấn an, củng cố tinh thần và nắm chặt bàn tay. Và rồi anh nhìn thấy con anh. Cái đầu của nó không còn quấn băng như cái đầu bị thương của nhà thơ Apollinaire nữa. Không giống như bất cứ đứa trẻ nào trong khu này, nước da của thằng bé đỏ như tôm luộc và bóng láng một cách bất bình thường, khuôn mặt ửng đỏ như phủ bởi một mô sợi phỏng sau khi chữa trị. Nhìn cách nhắm mắt của nó, Điểu nghĩ thằng bé có vẻ đang chịu đựng một sự bực bội khủng khiếp. Và chắc chắn sự bực bội đó là vì cái khối u nhô ra, không thể dứt bỏ được, giống như một cái đầu đỏ gấc mọc sau sọ của nó. Có lẽ nó nặng trịch và phiền toái như mỏ neo buộc vào đầu đứa bé. Cái đầu dài và nhọn như đầu cá trê! Chính nó đã gây cho Điểu một cơn chấn động tàn bạo như búa đập vào đe hơn là khối u, đồng thời làm cho anh muốn nôn mửa nhưng khác với cơn buồn nôn của cơn say, một cơn buồn nôn khủng khiếp đã tác động đến tận gốc rễ sự hiện hữu của Điểu. Nhìn cô y tá đang quan sát những phản ứng của mình từ phía sau lồng ấp, Điểu gật đầu, như anh muốn nói “thôi đủ rồi!” hay đồng ý phục tùng một điều mà anh chẳng hiểu mô tê gì. Đứa bé sẽ không phát triển cái khối u của nó hay tiếp tục phát triển? Đứa bé không còn đứng trên bờ cõi chết nữa, không còn những giọt nước mắt đưa đám ngọt ngào, thanh thản làm cho nó chảy tan như một món nước quả đông lạnh xoàng. Đứa bé tiếp tục sống và bắt đầu trở thành gánh nặng trên vai anh. Lớp da đỏ như tôm luộc sáng rực lên với cái mô sẹo bóng lưởng được bọc trong tã lót, đứa bé khởi đầu cuộc sống một cách tàn bạo, kéo rê khối u nặng trịch như chiếc neo của nó. Một đời sống thực vật? Có lẽ thế, một cây xương rồng coi như đã chết.
Cô y tá gật đầu như đã thỏa mãn khi nhìn thấy nét biểu hiện trên khuôn mặt Điểu và đẩy chiếc lồng ấp trở lại cửa sổ. Tiếng khóc náo loạn của bọn trẻ lại nổi lên, lay động căn phòng phía bên kia vách gương nơi ánh đèn sáng rực như trong một lò nung. Điểu ngồi rủ xuống. Tiếng kêu la nhồi nhét vào cái đầu ủ rũ của anh như thuốc súng nhồi vào khẩu thần công đại bác. Anh ước gì có một cái giường bé xíu hay một cái lồng ấp cho chính mình: cái lồng ấp đầy hơi nước bay lơ lửng như sương mù là tốt nhất. Điểu sẽ nằm trong đó và thở bằng mang như một loài lưỡng cư yếu đuối.
“Anh cẩn thận phải hoàn tất thủ tục bệnh viện ngay bây giờ”, cô y tá quay sang Điểu và nói”. Chúng tôi yêu cầu anh đóng 30 ngàn đồng yên tiền viện phí”.
Điểu gật đầu.
“Đứa bé chịu uống sữa và tay chân cháu hoạt động dữ lắm”.
Tại sao nó uống sữa và tại sao nó hoạt động hở Trời? Điểu tự tra vấn và hầu như quở trách. Cái tính càu nhàu đang trở thành một thói quen mới làm cho anh kinh tởm.
“Nếu anh chờ ở đây tôi sẽ mời bác sĩ trực”.
Điểu đứng lại một mình như ông phỗng đá. Các cô y tá mang tã lót và khay sữa cho bọn trẻ khuỳnh tay đụng vào người anh nhưng không một ai để mắt đến gương mặt của anh. Và người mở miệng nói lời xin lỗi chính là Điểu. Ngay lúc này, khu vực phía bên này vách kính nổi lên tiếng la ó của một người đàn ông nhỏ con, hình như ông ta đang thách thức với một trong những vị bác sĩ.
“Làm sao ông biết chắc là không có gan? Làm sao có chuyện như thế được? Tôi đã nghe giải thích hàng trăm lần nhưng vẫn không thể nào hình dung được. Tôi muốn nói có phải một đứa bé không có lá gan nào đúng là chuyện vớ vẩn phải không? Có đúng vậy không, thưa bác sĩ?”.
Điểu tìm cách chen vào chỗ các cô y tá đang lăng xăng với công việc và anh đứng đó rũ rượi như cây liễu, nhìn xuống đôi tay đẫm mồ hôi của mình. Chúng giống như đôi găng da thấm nước. Điểu nhớ đến đôi bàn tay của đứa con đưa lên sau hai tai của nó. Đó là đôi bàn tay rộng giống như tay anh, với những ngón dài, Điểu giấu đôi tay của mình vào túi quần, rồi nhìn người đàn ông nhỏ con tuổi trên 50 đang rán gân cổ bảo vệ lập luận cố chấp của mình với vị bác sĩ. Ông ta mặc một chiếc quần chẽn nâu và chiếc áo thể thao bạch ngực. Chiếc áo quá rộng so với tấm than gầy nhom của ông, trông giống như một miếng vải tạm bọc xác chết khô. Đôi cánh tay trần và cổ ông ta cháy đen như một miếng da trâu, càng tăng thêm vẻ gân guốc. Làn da và thớ thịt này chỉ thấy ở những người lao động tay chân dãi gió dầm sương quanh năm suốt tháng. Mái tóc xoắn của ông bám vào đỉnh đầu giống cái đĩa sâu úp ngược trông thật thô bỉ, vầng trán quá rộng, đôi mắt lờ đờ, đôi môi nhỏ và cái quai hàm đã phá hỏng nét cân đối trên khuôn mặt ông ta. Rõ ràng ông ta làm việc bằng đôi tay, nhưng không phải là người lao động thuần túy. Có thể ông vừa phải nai lưng làm những công việc nặng nhọc lại vừa vắt óc vì trách nhiệm với một công việc kinh doanh tầm tầm. Chiếc thắt lưng bằng da của ông to bản như một obi, nhưng nó đối trọng với sợi dây đồng hồ quá cỡ bằng da cá sấu mà ông đang đeo trên cổ tay vung vẩy trước mặt vị bác sĩ cao hơn ông ta cả cái đầu. Cách ứng xử của viên bác sĩ rõ ràng là cách của một viên chức nhỏ trong bệnh viện, còn người đàn ông thì điên tiết cố giành phần thắng về mình bằng cách cả vú lấp miệng em. Nhưng thỉnh thoảng ông quay lại nhìn các cô y tá và Điểu, và đôi mắt của ông hàm chứa nét vô vọng của người theo chủ nghĩa thất bại, như thể biết mình chẳng còn cách nào tìm lại được những gì đã mất. Một con người nhỏ bé kỳ quặc.
“Chúng tôi không biết nó xảy ra thế nào, tôi nghĩ anh phải xem đó là một tai nạn. Nhưng thực tế là con anh không có lá gan. Phân trắng, thế đó! Trắng tinh! Anh có bao giờ thấy một đứa trẻ có phân như thế chưa?” Viên bác sĩ nói một cách trịch thượng, cố trấn áp ý tưởng ngoan cố của người đàn ông.
“Tôi đã thấy những chú gà con ỉa cứt trắng. Và hầu hết gà đều có gan, đúng không? Như món gan gà chiên và trứng chiên đúng không? Hầu hết gà đều có gan nhưng thỉnh thoảng những chú gà con vẫn ỉa cứt trắng!”.
“Tôi biết điều đó, nhưng chúng ta không nói về gà con – đây là một bé con”.
“Nhưng một đứa bé ỉa cứt trắng thật sự là không bình thường phải không?”.
“Cứt trắng hả?” Viên bác sĩ giận dữ cắt ngang. “Một đứa bé ỉa cứt trắng là không bình thường cho lắm, đúng thế. Có phải anh muốn nói đến cứt trắng phải không?”.
“Phải rồi, một cục cứt trắng. Tất cả những đứa bé không gan đều có phân trắng, tôi biết thế, nhưng thưa bác sĩ, phải chăng tất cả những đứa bé ỉa cứt trắng đều không có gan?”.
“Tôi đã giải thích điều này ít nhất là cả trăm lần rồi!” Giọng nói hằn học của viên bác sĩ nghe như một tiếng kêu than. Ông có ý cười người đàn ông, nhưng khuôn mặt rộng nằm sau đôi kính dày gọng sừng của ông lại méo xẹo, còn đôi môi thì đang rung lên.
“Tôi có thể nghe lại một lần nữa thôi được không, thưa bác sĩ?” Lúc này giọng nói của người đàn ông bình tĩnh và dịu dàng lại. “Thằng bé không có gan chẳng phải là chuyện đáng buồn cười cho nó hay cho tôi. Tôi muốn nói đây là một vấn đề nghiêm trọng, đúng thế không thưa bác sĩ?”.
Cuối cùng viên bác sĩ nhượng bộ, rút tấm thẻ y tế ra và giải thích cho người đàn ông đang ngồi cạnh bàn. Hai người trò chuyện thì thầm với nhau cốt không cho Điểu nghe.Trong khi anh đang cố vểnh tai nghe lén thì một viên bác sĩ trạc bằng tuổi anh nhảy xổ vào phòng và tiến thẳng tới sau lưng anh.
“Anh là than nhân của đứa bé bị chứng thoát vị não phải không?” Với giọng lanh lảnh như tiếng sáo tây, viên bác sĩ thốt lên.
“Dạ phải”, Điểu quay lại. “Tôi là cha….”.
Viên bác sĩ dò xét Điểu bằng đôi mắt khiến anh nghĩ đến một con rùa. Và con rùa mở thao láo đôi mắt. Cái cằm lẹm và cổ họng nhăn nheo lệch sang một bên của anh ta càng khiến cho người ta nghĩ đến một con rùa – một con rùa háu ăn. Nhưng trong đôi mắt kia có màu trắng dã, bởi vì hai con ngươi có vẻ nghiêm khắc hơn là vẻ diễn cảm, cũng có một chút gì xuề xòa và nhân hậu.
“Cháu là con đầu lòng của anh phải không?” Viên bác sĩ lên tiếng và cứ nghi ngờ tra hỏi Điểu. “Anh hẳn sống phóng túng lắm”.
“Dạ…”.
“Hôm nay cũng chưa có gì tiến triển để đề cập. Trong bốn hay năm ngày nữa, chúng tôi mới có người từ khoa phẫu thuật não khám xét đứa bé. Viên bác sĩ phụ tá giám đốc của chúng tôi là một trong những người đứng hàng đầu trong lãnh vực này. Dĩ nhiên là đứa bẻ sẽ khỏe mạnh hơn nhiều trước khi chúng ta có thể giải phẫu hoặc là không có ý kiến gì. Khoa giải phẫu nào ở đây đông bệnh nhân khủng khiếp đến nỗi các bác sĩ cố tránh để khỏi phí thời gian”.
“Vậy thì… sẽ giải phẫu chứ?” “Vâng, nếu đứa bé đủ sức chịu đựng”. Viên bác sĩ trả lời nhưng hiểu sai ý của Điểu.
“Đứa bé có khả năng phát triển bình thường nếu được giải phẫu không? Ở bệnh viện nơi cháu sinh ngày hôm qua họ quả quyết bảo nếu giải phẫu được thì cháu cũng chỉ là một sinh vật có đời sống thực vật”.
“Một đời sống thực vật – Tôi không…” Viên bác sĩ không trả lời thẳng câu hỏi của Điểu, im lặng Điểu nhìn vào khuôn mặt anh ta, chờ đợi. Và bất ngờ anh cảm thấy một ước muốn nhục nhã trói buộc mình. Nó nổi lên trong sâu thẳm của tâm trí giống như một viên đạn đen mà anh đã cảm nhận được ở ô cửa phòng tiếp tân, khi biết rằng đứa bé vẫn còn sống, và dần dần nó càng hiện rõ ý nghĩa với một sức mạnh khủng khiếp như một cơn lũ. Điểu lại cố vớt vát một câu hỏi nổi lên trên bề mặt ý thức: làm sao chúng tôi, vợ tôi và tôi, có thể sống chuỗi đời còn lại với một quái thai cỡi trên lưng? Bằng cách này hay cách khác, tôi cũng phải trốn thoát đứa con quái dị. Nếu tôi không trốn thoát, trời ơi, cuộc du hành của tôi đến châu Phi rồi sẽ ra sao? Bằng mọi giá để bảo vệ lấy bản thân, như thể anh đang bị con quái vật trong lồng ấp đuổi theo qua vách kính ngăn, Điểu gắng hết sức mình cho cuộc chiến đấu. Cùng lúc này, anh thẹn đỏ mặt và bắt đầu toát mồ hôi, xấu hổ vì cái vòng kim cô của tính đê hèn đã dính chặt vào mình. Một lỗ tai của anh bị ù vì tiếng gầm réo của dòng máu chạy ngang qua và đôi mắt anh từ từ đỏ lên như vừa bị ăn một nắm đắm thôi sơn, vô hình. Cái cảm giác xấu hổ thêm dầu vào ngọn lửa đỏ trên khuôn mặt anh và những giọt nước mắt thắm qua đôi mắt – trời ơi, Điểu mong ước, giá mà tôi có thể tự san sẻ được gánh nặng của một đứa con quái dị sống đời sống thực vật. Nhưng lời khẩn cầu trong thâm tâm anh với viên bác sĩ không thể thốt lên được, bởi vì gánh nặng của sự xấu hổ quá lớn. Thất vọng, mặt anh đỏ như quả gấc, anh gục đầu.
“Anh không muốn đứa bé được giải phẫu và bình phục, bình phục được chừng nào hay chừng đó à?”
Điểu rùng mình anh cảm thấy như có một ngón tay ranh mãnh vừa thọc vào bộ phận xấu xa nhất trên cơ thể mình và tạo ra cảm giác sung sướng đến rợn tóc gáy. Điểu bật ra lời khẩn cầu như muốn chứng tỏ rằng anh không thể tự mình cưu mang nó được.
“Thì cứ cho là giải phẫu đi, nếu có những cơ hội rất mỏng manh, mà đứa bé sẽ phát triển một cách bình thường…”.
Điểu cảm thấy mình đã đặt bước chân đầu tiên xuống con dốc của tính đê tiện. Có khả năng là anh khi đâm đầu xuống dốc hết tốc lực, thì tính đê tiện của anh sẽ bật ra ngay trước mũi anh. Điểu lại rung mình, nhận biết tính chất chạy trời không khỏi nắng của nó. Và ngay lúc này, như trước đó, đôi mắt đẫm lệ, đỏ ngầu như hai đốm lửa của anh đang cầu khẩn viên bác sĩ.
“Tôi thiết nghĩ anh cũng nhận ra rằng tôi không thể trực tiếp bước theo đứa bé đến tận cuối đời nó!” Viên bác sĩ ngạo mạn quay lại nhìn đôi mắt chứa đầy nỗi thống khổ của Điểu.
Dĩ nhiên là không…” Điểu vội vàng trả lời, như thể anh vừa nghe một điều gì đó hết sức bất thường. Sau đó, anh nhận ra rằng viên bác sĩ không bị mắc lừa cái tính loanh quanh của anh. Điều đó càng làm cho anh bẽ mặt, và trong cơn oán giận Điểu không cố bào chữa cho mình.
“Quả thực anh là một người cha trẻ - à, cỡ bằng tuổi tôi không?” Viên bác sĩ quay cái đầu rùa của anh ta nhìn những đồng sự ở bên này vách kính. Điểu ngỡ rằng anh ta có ý muốn chế nhạo anh, và anh bị một cú đòn trời giáng. Nếu anh ta muốn bày trò chơi tôi, anh mất bình tĩnh lấy hơi thở, tôi sẽ giết anh ta! Nhưng viên bác sĩ có ý định hùa vào cái mưu đồ ô nhục của Điểu, anh ta nói thì thầm với Điểu cốt không cho những người trong phòng nghe:
“Chúng tôi đang cố gắng điều chỉnh sữa của đứa bé. Chúng tôi có thể cho cháu uống cả nước đường. Trong giây lát chúng ta sẽ biết cháu có chịu được hay không, nhưng nếu cháu vẫn không có vẻ gì yếu, chúng tôi sẽ không có cách chọn lựa nào ngoài việc giải phẫu.”
“Cảm ơn bác sĩ.” Điểu nói qua hơi thở mơ hồ.
“Không có gì.” Giọng nói của viên bác sĩ khiến Điểu lại tự hỏi chẳng biết mình có bị chế nhạo không. Sau đó, anh ta lại xuống giọng như để xoa dịu, “Phải mất bốn hay năm ngày. Anh không thể hy vọng có một sự thay đổi quan trọng ngay được và chẳng có cơ sở nào để xác định sự việc tốt hay xấu.” Nói xong, anh ta ngậm miệng như thóc.
Điểu ngoảnh mặt tránh viên bác sĩ, cúi đầu và đi thẳng ra cửa. Giọng nói của cô y tá đuổi theo chân Điểu trước khi anh bước ra ngoài:
“Làm ơn làm thủ tục bệnh viện càng sớm càng tốt!”.
Điểu vội vã bước xuống hành lang tối tăm như đang trốn chạy khỏi cảnh tội lỗi. Trời nóng. Lúc này lần đầu tiên, anh nhận ra rằng khu chăm sóc có máy điều hòa không khí, sự điều hòa không khí mùa hè đầu tiên của anh, Điểu xấu hổ lén chùi những giọt nước mắt nóng hổi. Nhưng lòng Điểu nóng hơn không khí xung quanh và càng nóng hơn những giọt nước mắt của anh. Run rẩy, anh di chuyển xuống hành lang bằng bước chân bấp bênh của người bệnh mới hồi phục. Khi anh đi qua vuông cửa sổ mở của phòng bệnh, vẫn còn tiếng khóc, những bệnh nhân như những con vật nhớp nhúa đang nằm ngửa hay ngồi trên giường nhìn anh bằng đôi mắt lạnh như tiền. Những giọt nước mắt đã chìm xuống khi anh buớc tới dãy hành lang nối liền với những phòng riêng, nhưng cảm giác xấu hổ đã trở thành một hạt cườm nằm sâu trong đôi mắt anh giống như người mắc bệnh tăng nhãn áp. Và không chỉ nằm sâu đôi mắt, nó đang làm chai cứng nhiều phần sâu thẳm trong thân thể anh. Cái cảm giác xấu hổ: một căn bệnh ung thư. Điểu nhận ra một thân thể xa lạ, nhưng anh không ý thức được nó. Đầu óc anh cháy bùng lên, rồi tắt.
Khi Điểu tới được lối đi dẫn đến dãy nhà chính của bệnh viện thì nhà logic học nhỏ con có sợi dây nịt bằng da và sợi dây đồng hồ cá sấu đuổi theo kịp anh. Anh ta đi sóng đôi bên Điểu, vẫn còn mang vẻ cố chấp y như đã có trong khu chăm sóc đặc biệt, nhún nha nhún nhẩy đôi chân cốt để khỏa lấp sự chênh lệch chiều cao giữa hai người. Anh ta nhìn thẳng vào mặt Điểu và bắt đầu mở miệng, giọng nói oang oang của một người đã có sẵn những quyết định trong đầu. Điểu im lặng lắng nghe.
“Anh phải cho họ một trận, anh biết đó, phải đấu tranh! Đấu tranh! Đấu tranh!” anh ta nói. “Đó là một cuộc đấu tranh với bệnh viện, đặc biệt với các bác sĩ! Quả là hôm nay, tôi thật sự cho họ một trận, anh phải nghe tôi mới được”.
Điểu gật đầu, nhớ lại chuyện “phân trắng” của anh chàng. Tháu cáy một cách điên cuồng để đạt được thuận lợi trong cuộc đấu tranh của anh ta với bệnh viện, anh ta phải mất nhiều công sức.
“Con tôi không có gan, anh biết đó, vì vậy tôi phải chiến đấu, và tiếp tục đấu tranh còn không thì họ cướp mất sự sống của cháu. Không, đó là chân lý của Thượng đế! Anh muốn mọi việc đều đi đến lẽ phải trong một bệnh viện lớn, điều trước tiên là anh phải biết được cách đấu tranh! Chẳng hay ho gì với cách xử sự dễ thương, im lặng và cố làm cho họ thương mến anh. Tôi lấy thí dụ có một bệnh nhân sắp chết, anh ta nằm yên lặng. Nhưng chúng ta, những người than của bệnh nhân thì không thể nào chịu im lặng được. Đấu tranh! Tôi xin nói với anh, đó là một cuộc đấu tranh. Giống như mấy hôm trước, tôi đã nói với họ y như vậy, nếu đứa bé không có lá gan thì anh cứ đấu tranh để cho nó có một lá gan chứ! Anh phải biết một vài sách lược nếu anh muốn đấu tranh, vì vậy tôi đang nghiên cứu kỹ lưỡng. Và tôi nói với họ, tôi nói những đứa trẻ không có ruột thì được lắp ruột nhân tạo vì vậy mấy ông cũng có thể tính đến chuyện lắp một lá gan nhân tạo chứ!”.
Hai người đứng trên con đường chính vào bệnh viện. Điểu có cảm giác rằng anh chàng này đang cố làm cho anh bật cười, nhưng dĩ nhiên là anh ta không có vẻ gì đáng cười. “Đến mùa thu cháu hồi phục được không?” Anh hỏi thay cho lời xin lỗi vì bộ mặt chế giễu của mình.
Hồi phục ư? Con tôi không có gan, thật là xui tận mạng! Tôi đang đấu tranh với tất cả hai ngàn công nhân viên trong cái bệnh viện vô cùng lớn lao này”.
Một chút đau buồn kỳ lạ và một chút phẩm chất mềm yếu trong câu trả lời của con người nhỏ bé này đủ làm cho Điểu kích động. Từ chối lời mời đến ga bằng chiếc xe tải ba bánh của anh ta, Điểu đi bộ đến trạm xe buýt một mình. Anh nghĩ đến món tiền ba mươi ngàn yên mà anh phải trả cho bệnh viện. Anh đã quyết định kiếm được món tiền đó ở chỗ nào rồi, và đúng vào lúc cần phải quyết định thì cảm giác xấu hổ được thay thế bằng một cơn giận dữ tuyệt vọng mà không có nguyên do cụ thể làm cho Điểu run bắn người. Anh có hơn ba mươi ngàn yên trong nhà băng, nhưng đây là số tiền mà ngay từ đầu anh đã ký gởi vào quỹ tiết kiệm cho việc du lịch sang châu Phi. Hiện tại ba mươi ngàn yên thừa đó phải dung vào việc chữa trị não bộ cho con anh. Bây giờ, ngoài hai tấm bản đồ chỉ đường, Điểu chẳng còn thứ gì có quan hệ trực tiếp đến một chuyến du hành sang châu Phi. Khắp người anh toát mồ hôi, Điểu cảm thấy ẩm ướt, ớn lạnh một cách khó chịu trên đôi môi, tai và những đầu ngón tay. Anh đứng cuối hàng ở trạm xe buýt, và bằng giọng nói như tiếng kêu vo ve của muỗi anh thốt lên lời nguyền rủa: “Châu Phi hả? Đáng nực cười thay!” Cụ già đứng ngay trước mặt Điểu đưa mắt nhìn quanh, ngạc nhiên, chầm chậm ngẩng cao cái đầu to, hói của ông ta lên. Cái nóng mùa hè đang vội vã thiêu đốt thành phố làm cho mọi người muốn ngất xỉu.
Điểu cũng vậy, nhắm mắt một cách yếu ớt và run rẩy vì ớn lạnh, mồ hôi toát ra. Chẳng bao lâu, anh nghe da thịt của mình tứa ra một mùi hôi khó chịu. Xe buýt không đến; trời nóng. Ôm trong lòng nỗi sợ hãi và tất cả cơn thịnh nộ xoáy lên trong đầu Điểu, một cái bóng đen lờ mờ nổi gân đỏ căng ra. Và rồi cái mầm khát khao tình dục đã nhú lên xuyên qua đêm tối và lớn lên trước đôi mắt của Điểu như cây cao su non. Đôi mắt vẫn nhắm, Điểu mò mẩm xuống quần và cảm thấy dương vật của mình dựng đứng qua lớp vải. Anh thấy đáng ghét, sai lầm, tội nghiệp. Anh hết lòng ao ước một thứ tình dục chống lại xã hội. Một cách giao cấu mà nó phơi bày hết ra ánh sáng nỗi sợ hãi đang chui vào người anh. Điểu tách ra khỏi hàng và tìm chiếc taxi bằng đôi mắt đỏ ngầu, nhìn thấy quảng trường như một tấm phim âm bản, màu đen và màu trắng tương phản nhau. Anh định trở lại phòng của Himiko, ở đó ánh sáng ban ngày không lọt vào. Nếu nàng đè tôi xuống, anh cáu kỉnh nghĩ, như thử tự quất mình, tôi sẽ đánh nàng bất tỉnh rồi giao cấu với nàng.
|
Lê Ký Thương
|
Số lần đọc: 1092
Ngày đăng: 20.01.2021
[ Trở lại ]
[ Tiếp ]
|
|
|
|
|
|