Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.216.353
 
Ba tác phẩm vừa được tái bản của NHÀ VĂN TRIỆU XUÂN
Ngô Thanh Hương

Tháng 11-2005, Nhà xuất bản Hội nhà văn cho phát hành hai cuốn tiểu thuyết đều in lần thứ hai: Cõi mê và Nổi chìm trong dòng xoáy; Nhà xuất bản Văn học phát hành tác phẩm Những người mở đất, in lần thứ hai, của nhà văn Triệu Xuân.(là tác giả quen thuộc của SCL-Chú thích-SCL,)

 

CÕI MÊ

 

Cõi mê là tiểu thuyết được viết đi viết lại trong chín năm trời, NXB Hội Nhà văn xuất bản lần đầu tháng 11-2004, in hai ngàn bản, sau ba tháng bán hết sách. Đây là tiểu thuyết viết về sự tha hóa của con người. Gia đình cụ Nguyễn, một gia đình có truyền thống yêu nước thương nòi: Cha cụ Nguyễn từng chiến đấu chống Pháp dưới cờ Nguyễn Tri Phương. Một trong ba người con cụ Nguyễn hy sinh anh dũng trong Khởi nghĩa Nam Kỳ. Con trai cụ, ông Kỳ Hòa là sỹ quan quân đội, lập nhiều công trong chống Pháp và chống Mỹ. Hai con ông Hòa là liệt sỹ thời chống Mỹ. Vợ ông Hòa là Mẹ Việt Nam anh hùng. Gia đình cụ Nguyễn có nền tảng văn hóa, đạo lý vững chắc.

Gia đình ông Hoàng, thứ trưởng kiêm Tổng Giám đốc cũng thế. Ông Hoàng là người tiên phong Đổi mới, có công lớn trong việc vực dậy nền kinh tế thủy sản. Hai con trai ông là những giám đốc doanh nghiệp tài ba, tâm huyết.

Thế nhưng… kinh tế thị trường với những quy luật vô cùng hà khắc đã thử thách con người. Trong chiến tranh ác liệt, người ta giữ vững phẩm cách. Nhưng khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, đồng tiền tác yêu tác quái, khát vọng làm giàu khiến cho không ít người kiến tài ám nhãn!

Con người bị tha hóa. Ngay thẳng và dối lừa, tình yêu và tình dục, cao thượng và thấp hèn, lý tưởng cao đẹp và lối sống thực dụng, hưởng lạc, trụy lạc… là những mặt trái của tính cách con người, xung khắc vô cùng dữ dội. Những người lừng lẫy một thời trong chiến tranh nay gục ngã trước bả cám dỗ của tiền tài, danh vọng và gái. Có kẻ nhân danh chống tiêu cực, chống tham nhũng, nhân danh Đổi mới, trung thành với chủ nghĩa Mác… nhưng kỳ thực lại là kẻ ích kỷ, xấu xa, sâu dân mọt nước. Con ông cháu cha, như thằng Thăng, cháu đích tôn ông Hòa, chắt đích tôn cụ Nguyễn thì trở thành nghịch tặc, ăn chơi trụy lạc, đua xe cán chết người, sa vào vòng của xã hội đen…

Thế nhưng, trong hai gia đình ấy, nổi bật, chói sáng lên những gương mặt sinh ra trong xã hội mới, lớp trí thức trẻ, lớp doanh nhân mới tài năng, giàu tâm huyết. Họ tha thiết làm giàu cho mình và cho xã hội, luôn sống lành mạnh, lương thiện, biết yêu cái đẹp, yêu lý tưởng. Họ thức thời, biết hội nhập với thế giới hiện đại nhưng giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn kính tổ tiên… Đó là Phương Nam con gái rượu ông Hòa, Ngọc Bắc, con trai ông Hòa - mãi sau gần ba chục năm mới tìm thấy cha! Đó là Minh Thảo, cháu ruột ông Hoàng, một trí thức suất sắc, đi học ở nước ngoài, được giữ lại làm việc, nhưng quyết đem tài trí về dựng xây quê hương.

Mối tình của Ngọc Bắc, Minh Thảo là tình yêu tuyệt đẹp, hiện đại mà vẫn gắn bó với truyền thống, bản sắc dân tộc. Việc Ngọc Bắc từ một đứa trẻ côi cút, cha dượng và mẹ hy sinh vì cứu dân, khắc phục hậu quả chiến tranh, Bắc bị bỏ rơi, từng lăn lóc dưới đáy xã hội, từng buông thả, hư đốn… Vậy mà Ngọc Bắc đã quyết chí vươn lên làm lại cuộc đời. Chính là giòng máu gia đình, ý chí của tuổi trẻ và vận may của đất nước đã giúp cho Ngọc Bắc trở thành một doanh nhân tài giỏi, tiêu biểu cho lớp doanh nhân trẻ của Việt Nam hôm nay. Việc Ngọc Bắc tìm ra cha, nhận cha, chứng tỏ tình nghĩa con người Việt Nam vẫn là lớn nhất, sâu nặng nhất, tiền bạc, danh vọng không thể lung lạc, thay thế!

Quan hệ giữa hai gia đình ông Hoàng, cụ Nguyễn: xóa bỏ hận thù, gác lại những chuyện buồn, tồi tệ, vượt lên tất cả để trở thành thông gia với nhau, tác thành đôi lứa cho cặp trai tài gái sắc Ngọc Bắc Minh Thảo, là một bài ca tuyệt vời về tình nghĩa, tình yêu; và cao hơn là tình cảm Bắc Nam một nhà, thống nhất, Bắc Nam không thể nào bị chia rẽ!

Tiết tấu nhanh, lối viết hiện đại, chất sống tươi rói và ngồn ngộn; tư liệu được dùng công phu, chính xác; tình yêu tình dục được xử lý hợp logic với từng loại nhân vật, văn chương trong sáng… đã thể hiện tấm lòng tác giả tha thiết với đời, hết lòng với sự nghiệp Đổi mới vì dân giàu nước mạnh, công bằng dân chủ văn minh. Tôi tán thành ý kiến của nhà văn Nguyễn Sỹ Đại khi viết về Cõi mê trên Nhân Dân cuối tuần số 24 ra ngày 12-6-2005: "Văn học Việt Nam đang tìm đường để tự đổi mới mình, đang hướng tới những tác phẩm làm tròn thiên chức cao cả của mình là góp phần cải biến xã hội. Có những nhà văn viết về lịch sử, viết về một cuộc sống nào đó trong tư duy chủ quan của mình, nhưng tôi coi trọng hơn những nhà văn viết về cái hôm nay. Triệu Xuân là một nhà văn như vậy. Anh có hiểu biết am tường về lịch sử lẫn mọi ngóc ngách của cuộc sống hôm nay, biết đặt vấn đề hôm nay trong một tiến trình để các sự kiện, vấn đề được soi sáng hơn, có ý nghĩa hơn. Tác phẩm Cõi mê ngồn ngộn chất liệu đời thực, với những chi tiết chính xác, các sự kiện và nhân vật như vừa gặp đâu đó, như đang sống, đang vây lấy người đọc, đòi hỏi ta phải bộc lộ thái độ chứ không chỉ thưởng thức… Cõi mê thật sự thành công khi nói về sự tha hóa, sự phân rã trong một số cơ tầng xã hội, đưa ra những vấn đề bức xúc về lối sống, về giáo dục gia đình, quản lý xã hội, về chíh sách sử dụng con người". 

 

NỔI CHÌM TRONG DÒNG XOÁY

 

Nổi chìm trong dòng xoáy là cuốn tiểu thuyết thứ tư của Triệu Xuân, xuất bản lần đầu năm 1987 với số lượng 40.000 (bốn vạn) bản in. Thế giới giang hồ, thế giới của những thủy thủ tàu sông tàu biển những năm đầu sau ngày giải phóng được tái hiện rất sinh động. Tác giả vốn là nhà báo, đã bỏ ra nhiều năm thâm nhập thực tế, am tường sâu rộng lĩnh vực này cho nên đọc đến dòng cuối cùng của tác phẩm, người đọc vẫn cảm nhận ra nhà văn rất trường vốn sống. Tư tưởng lớn nhất của Nổi chìm trong dòng xoáy là tôn vinh giá trị nhân bản của con người. Trong sự tác động, chi phối khủng khiếp của hoàn cảnh, từ dưới đáy xã hội, người ta vẫn có thể rũ sạch bùn nhơ để trở lại làm người! Nổi chìm trong dòng xoáy mượn bối cảnh ở một công ty vận tải sông biển, với những thủy thủ và thuyền trưởng chuyên nghề buôn lậu, ăn cắp hàng hóa và chơi bời trụy lạc. Giải phóng, những cán bộ cách mạng về tiếp quản công ty đã không những bất lực trước thực trạng tồi tệ này mà còn buông thả, để bị cuốn theo dòng xoáy tiền và gái, vô hình chung tiếp tay cho tội ác! Kỹ sư Thắng được điều về công ty khi mà mọi sự nát như tương bần. Anh vô cùng phẫn nộ khi chứng kiến sự ngang nhiên lộng hành của cái xấu, cái ác. Anh vô cùng đau xót khi chứng kiến sự tha hóa, sự xuống dốc thê thảm của nhân cách con người không chỉ hiển hiện tại công ty mà nhiễm sâu vào từng gia đình, hủy hoại tế bào của xã hội. Anh bắt đầu vực công ty dậy bằng cách cứu lấy từng thủy thủ, không cho họ sa đọa nữa! Ngay lập tức, anh bị cái đám đông đồng lõa với cái ác kia, trong đó có cả những người là đồng chí, là cấp trên của anh ngăn cản, chống phá. Rồi anh bị khủng bố! Thế nhưng, giữa muôn trùng vây của âm mưu đen tối và tội ác, vẫn lóe sáng lên nhân cách và niềm tin yêu của con người. Biết trân trọng những điều ấy, Thắng đã thành công. Anh bị trọng thương, đồng đội của anh hy sinh, nhưng những thủy thủ phạm tội giết người, cướp tàu vượt biên bị bắt. Những thủy thủ ngộ ra sai lầm của mình, vừa toan gượng dậy làm lại cuộc đời thì bị bọn xấu thủ tiêu. Thế nhưng con người đã chiến thắng! Đọc 260 trang tiểu thuyết Nổi chìm trong dòng xoáy đầy kịch tính, hấp dẫn từ đầu chí cuối, tình yêu ở đây thật lãng mạn, nhưng chân thực và dữ dội. Khép lại cuốn sách mà lòng ta còn xốn xang, day dứt mãi về những số phận con người trong buổi giao thời, khi mà trắng đen còn lẫn lộn và tốt xấu chưa ngã ngũ. Nổi chìm trong dòng xoáy một lần nữa chứng tỏ nội lực, vốn sống của tác giả rất dồi dào, nhiều trang văn miêu tả cảnh sông nước, biển trời thật hoành tráng; những đoạn phân tích, khắc họa mối mâu thuẫn, xung đột sống còn giữa các hạng người rất chi tiết, hợp lý. Tác giả có năng lực quan sát tinh tế, sự nhạy cảm cao và nhất là tấm lòng nhìn người, nhìn đời vô cùng ấm áp, nguồn tư liệu trực tiếp cũng như gián tiếp phong phú. Tác giả chủ trương "phải biết mười để chỉ viết ra một", nhờ thế tạo được hiệu quả nghệ thuật, sức thuyết phục cao. 

 

NHỮNG NGƯỜI MỞ ĐẤT  

Những người mở đất là truyện dài đầu tay của nhà văn Triệu Xuân, viết từ năm 1978, hoàn thành năm 1979. Tác phẩm được Nhà xuất bản  Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1983, với số lượng 20.000 (hai vạn) bản, vừa được Nhà xuất bản Văn học tái bản. Tuổi trẻ là gương mặt của đất nước. Tác giả lấy câu ấy làm đề từ của tác phẩm viết về những người trẻ tuổi từ thành phố Sài Gòn vừa giải phóng, hăng hái xung phong lên khai phá rừng hoang, xây dựng một khu kinh tế công nông nghiệp hiện đại ở miền Đông Nam Bộ. Đó là những thanh niên gồm học sinh, sinh viên, và không ít những người đã ngập ngụa trong cảnh sống thừa, không lý tưởng, không tương lai, gia nhập giới bụi đời, ăn chơi phá phách như Ánh, Hùng, Toan, Liên … Theo tiếng gọi của cách mạng, họ hăng hái rời bỏ thành phố đến với rừng hoang với tất cả sự hồn nhiên, trinh trắng. Họ mang theo bao nhiêu hoài bão, ước mơ, nhiệt huyết. Thế mà, ngay lập tức, họ bị rớt tòm xuống vực thẳm chán chường, thất vọng! Đó là sự va chạm giữa họ - những thanh niên đô thị - với thực tế khắc nghiệt là cuộc sống vô cùng gian khổ thiếu thốn. Nhưng khủng khiếp nhất với họ là cách nhìn con người theo chủ nghĩa lý lịch vô cùng thiển cận, độc đoán, kỳ thị, và sự ấu trĩ trong phương thức quản lý, điều hành sản xuất, đời sống… Họ phẫn nộ, bi quan, tuyệt vọng! Nhiều người bỏ cuộc. Nhưng không ít người đã trụ lại, sống trong trăn trở, day dứt. Rất may là họ đã gặp Trung, một thủ trưởng trẻ tuổi, tài năng, giàu nhiệt tâm với cuộc đời, có tầm nhìn xa và khoa học về con người. Trên chặng đường đau khổ, họ nhận ra ở Trung vẻ đẹp lung linh của tri thức và phẩm chất cao đẹp của con người, coi Trung là hình mẫu lý tưởng. Họ sát cánh bên Trung trong cuộc đấu tranh chống những kẻ thủ cựu, kém hiểu biết, độc đoán, chuyên quyền, phi nhân. Từ đây, số phận của họ gắn bó chặt chẽ với nhau, trong hoạn nạn, trong khổ đau, trong đói rét và bệnh tật… Trong tình thương yêu chân thật, nhân ái, họ giúp nhau vượt qua tất cả, rũ sạch quá khứ nặng nề để làm lại từ đầu, tìm được tình yêu, xây dựng một cuộc đời mới. Khi bọn diệt chủng Polpot xâm lấn biên giới Tây Nam, họ dũng cảm xung phong ra trận, nhiều người hy sinh anh dũng vì Tổ quốc. Những người mở đất có cách kể chuyện hấp dẫn, sinh động, tiết tấu rất nhanh, nhiều trang miêu tả rừng núi, thiên nhiên hoang dã, nhiều đoạn tả tình lãng mạn, đẹp và ấn tượng. Tác giả sử dụng thủ pháp của điện ảnh giúp cho người đọc cùng lúc chứng kiến từng quãng đời đầy bi kịch, nước mắt cũng như niềm vui, niềm hạnh phúc của những thanh niên trí thức, thanh niên đô thị khi đã tìm ra được con đường đi của mình. Thật đáng nể con mắt tinh đời, nhà văn Hoài Anh, ngay từ năm 1979, khi đọc bản thảo Những người mở đất đã nhận xét: "Ngay từ tác phẩm đầu tay này, đã báo hiệu với  làng văn một nhà văn có nội lực lớn, một ngòi bút sắc sảo, giàu tâm huyết và có dũng khí phê phán…". Quả nhiên, từ tác phẩm đầu tay Những người mở đất đến tiểu thuyết Cõi mê mới đây, chứng tỏ nhà văn Triệu Xuân đã không ngừng thành công trong việc chinh phục độc giả.

 

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 11-2005

Ngô Thanh Hương
Số lần đọc: 2826
Ngày đăng: 26.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự lệch chuẩn của ngôn ngữ thi ca - Võ Tấn Cường
Cách nói - Nguyễn Hữu Hiệp
Cách diễn đạt, sự chạm khắc và phong cách viết - Trúc Thông
Đền thờ quốc mẫu âu cơ - Phạm Anh Hoan
Đi chợ ma mua chiếu - Gia Bảo
Rạt rào thương mến chị đồng quê - Bình Tam Lê
Hồ Biểu Chánh (1.10.1885-4.11.1958), người mở đường cho tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, vừa đúng 120 tuổi - Trang Quang Sen
ARAGON, Một thế kỷ trong một con người - Trần Mạnh Hảo
Du lịch trang trại - Phương Kiều
Đọc tạp văn "TRỞ GIÓ" của NGUYỄN NGỌC TƯ - Lê Phú Cường