Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.123
123.228.453
 
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 44: Rebel, Kẻ quấy rối)
Võ Anh Cương

 

Trời đang mưa dầm, mưa suốt cả ngày lẫn đêm, thỉnh thoảng gió lồng lộng thổi qua khiến hàng cây nghiêng ngả trong màn mưa dày đặc. Bà Thủy Bạc nhìn xuống vườn mà trong lòng lo lắng. Mưa dầm đã mười ngày rồi, vườn la ghim (rau – tiếng Pháp les ghumes) đang quằn quại trong mưa, nếu không nắng kịp có lẽ đám la ghim của bà hư hết. Bà nói với ông Thủy Bạc:

-Mưa quá chắc vườn la ghim nhà mình hư hết ông à!

Ông Thủy Bạc cũng lo lắng không kém bà nhưng là người trụ cột trong gia đình ông làm ra vẻ cứng cỏi:

-Không sao mô, mưa hết nước thì ông trời tự khắc ngừng thôi. Giờ chẳng biết làm gì, bà đúc mấy cái bánh xèo để cả nhà ăn trưa nay thì hay biết mấy!

Ông vui vẻ quay qua K’Breo:

-Cháu ăn bánh xèo bà Thủy làm chưa, bác dám chắc rằng không ai làm ngon bằng bà ấy, đúng điệu bánh xèo miền trung quê bác!

K’Breo chưa ăn bánh xèo lần nào nhưng anh đã nghe nói qua loại bánh này. Bây giờ K’Breo là một chàng thanh niên hiện đại, tất nhiên hiểu theo nghĩa ngay thời điểm mà anh đang sống tại một vùng nông thôn kiểu mới. Nói vùng nông thôn kiểu mới bởi người nông dân không trồng lúa như ở miền xuôi mà họ chỉ trồng rau, rau này do người Tây mang giống qua, đây là một điều lạ. Rau người làm vườn được cung cấp cho các chợ, phục vụ trong các nhà hàng và chở về bán tận miền đồng bằng xa xôi. Hôm đầu tiên thấy chiếc xe đến vườn ông Thủy Bạc chở rau, K’Breo không biết đó là cái gì. Cô Hai thấy vẻ mặt anh nghệt ra, cô giải thích:

-Đây là chiếc xe cam nhông (xe tải – tiếng Pháp camion) chở la ghim đem về Sè Ghềnh bán!

Rồi cô giải thích cặn kẽ theo hiểu biết của mình. Dù sao với vốn kiến thức của một cô gái làm vườn vẫn có thể “làm thầy” một người từ rừng núi trở về với “thế giới văn minh” vỏn vẹn có mấy tháng như K’Breo! Rồi cô Hai tiện thể giải thích tường tận các chuyện khác mà với “anh Beo” của cô cho là lạ lẫm hoặc cô đoán rằng anh Beo không biết điều này. Cô rất vui vì được làm thầy và cô càng vui hơn khi “học trò” nghe lời cô răm rắp. May mắn cho K’Breo bởi ngoài vốn hiểu biết về rừng, anh không biết một chút nào về cuộc sống đương đại ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất. Vì thế anh Beo của cô gái trở thành một học trò ngoan và là một học trò đúng nghĩa bởi cô Hai ngoài kiến thức hơn hẳn học trò cô cũng biết chữ nên cô dạy chữ quốc ngữ cho anh Beo, người học trò yêu thích của mình. Hai tháng sau K’Breo đọc thông viết thạo, anh có thể đọc mấy tờ nhựt trình mà theo cô Hai nói của cậu Út mang về. Ông Thủy Bạc không biết chữ nên tất nhiên không đọc nhựt trình được, mấy tờ nhựt trình đó cậu Út dành cho cô Hai bởi cô Hai được cậu Út dạy chữ. Từ những gì trong mấy tờ nhựt trình và đặc biệt là khoảng mươi cuốn sách của cậu Út đã mở mang đầu óc cho K’Breo, anh hiểu được thế giới đương đại đang diễn ra những điều mà trước kia nếu có ai kể đến anh sẽ cho là…phương thuật!

Hôm nay nghe ông Thủy Bạc nói đến bánh xèo, anh cũng muốn thử ăn món ấy xem sao. Anh góp lời:

-Được đấy bác, mà con có thể giúp bác chuyện gì?

Ông Thủy Bạc cười, gương mặt ông bây giờ quen thuộc với K’Breo, anh không còn bị ám ảnh như lần đầu tiên gặp ông nữa. Ông nói:

-Chuyện của đàn bà, mi chỉ chờ bà ấy làm xong là ăn thôi! 

Ông Thủy thân mật nói với K’Breo như thế.

Cô Hai không chịu:

-Không được đâu cha, anh Beo phải giúp con xay bột rồi đi xuống vườn nhổ giúp con mấy cây cải xanh và hái rau diếp cá nữa!

Ông Thủy Bạc nói:

-Làm đàn bà con gái là phải đảm đương chuyện bếp núc, nay con không chịu xay bột là sao?

Cô Hai xụ mặt, cô không đồng ý với cha nhưng cô không dám cãi lời ông, cô thích được cùng anh Beo làm việc. Thấy cô Hai dường như không được vui, K’Breo nói:

-Để tui giúp cô Hai, đằng nào tui cũng đang ngồi không mà!

Đang xụ mặt nghe câu nói của anh cô Hai vui vẻ hẳn lên, ông Thủy Bạc cũng không cấm K’Breo giúp con gái, ông lơ đi chuyện ấy vờ như không thèm để ý chuyện vặt vãnh này! 

Khi ông Thủy Bạc và K’Breo ăn mấy cái bánh đầu tiên bà Thủy dọn cho họ, bọn trẻ đang nô đùa trước hiên nhà la lên:

-A, cậu Út về, cha má ơi cậu Út về kìa!

Một người đàn ông dáng cao cao xuất hiện trước cửa nhà, trên đầu ông đội một cái mũ nỉ rộng vành, ông đang loay hoay cất mủ và cởi cái áo tơi ra khỏi người. Ông càm ràm:

-Mưa chi mà mưa dữ mưa dằn…may cho em gặp được ông Tám xà ích cho mượn cái áo tơi này nó vừa ấm vừa che được mưa, nếu không có nó chắc là ướt hết!

Ông Thủy đứng lên từ lúc người đàn ông mới đến nhà, ông bước đến giơ tay đỡ cái áo tơi lợp bằng cỏ tranh nặng trịch do ngấm nước mưa từ tay cậu Út, miệng nói:

-Cậu Út mau vô nhà kẻo cảm lạnh đó, cậu về đúng lúc quá, má con nhà con Hai đang đúc bánh xèo!

Cậu Út la lên:

-Bánh xèo hả chị Tư, trời…buồn ngủ mà gặp chiếu manh nghen!

Cậu ngừng lại khi phát hiện ra K’Breo, cậu Út hỏi liền:

-Nhà có khách à anh…chào chú em, tôi là Sin, em út của bà chị Tư tôi đây, chú em tên chi?

Cô Hai không để cho K’Breo trả lời, cô nói liền:

-Anh Beo lâu nay giúp ba con làm vườn đó cậu Út….

Cô Hai không để cậu có ý kiến cô nói tiếp:

-Cậu mà nghe ảnh hát là mê liền, ảnh hát Bản Tang gô cho người xa xứ hay lắm luôn!

Mắt cậu Út sáng lên, cậu ngắm nghía khuôn mặt của K’Breo bằng một cái nhìn rất lạ. Ông bà Thủy Bạc đưa mắt nhìn nhau, cả hai không nói nhưng cùng một suy nghĩ “cái con nhỏ này, cậu mày mà đem nó đi thì ai làm vườn đây, chỉ được cái nhanh nhẩu đoản!”. Quả nhiên không ngoài dự đoán của họ, cậu Út nói liền:

-Bánh trái tính sau, chú em đi theo tôi lên nhà trên, chú thử hát cho tôi nghe nhé?

K’Breo ngại ngùng nhìn cậu Út của cô Hai, anh đưa mắt cầu cứu ông Thủy Bạc, ông Thủy chưa kịp nói gì cô Hai đã nói:

-Thì anh cứ hát như hôm anh hát cho tôi nghe đó, biết đâu cậu Út tôi vừa ý. Cậu khó tính lắm, tôi hát vậy mà cậu còn chê….

Dường như cô còn muốn nói nữa nhưng ông cậu của cô đã nắm tay kéo K’Breo lên nhà trên, ông không còn để ý đến cô nữa. Không ai trong nhà ông Thủy Bạc đi theo cả, những đứa trẻ đều biết rằng nơi nhà trên có phòng thờ, trẻ con, đàn bà không được bén mãn đến trừ ngày giỗ chạp và ngày tết. Cạnh phòng thờ là phòng cậu Út lại càng cấm trẻ con không được héo lánh đến gần. Tuy cậu Út thỉnh thoảng mới về nhà bà chị nhưng dường như vị trí cậu trong nhà này rất được coi trọng, ngay cả anh rể của cậu là ông Thủy Bạc cũng kiêng nể cậu đấy thôi.

Tiếng hát trên nhà vọng xuống không lớn lắm, tiếng hát lượn lờ bay khắp nhà. Hình như tiếng mưa rơi trên mái cộng với tiếng bếp lửa nổ lép bép làm nhạc đệm cho tiếng hát thêm hay. Cả nhà ông Thủy Bạc lắng nghe K’Breo hát. Đây là lần đâu tiên ông bà Thủy Bạc được nghe giọng hát của chàng thanh niên, họ không ngờ anh hát hay đến thế. Lâu nay ông Thủy Bạc coi K’Breo là người nhà, ông nghĩ rằng chàng trai sẽ ở nhà ông mãi mãi. Trong tâm ý của ông, ông muốn tác hợp con gái lớn của ông với chàng thanh niên hiền lành dễ bảo này và ông sẽ gây dựng nhà cửa, công chuyện mần ăn cho hai đứa. Ông Thủy Bạc vẫn nhớ lời nói của ông Dê A Vê, rằng chàng thanh niên hát hay lắm và nhờ ông giới thiệu K’Breo với cậu Út đặng cậu Út dẫn K’Breo ra mắt ông chủ của cậu. Ông lờ đi chuyện này. Với ông Thủy, chuyện ca hát là một chuyện viễn vông, ông nghĩ ông bà ta nói cấm có sai: ca hát chỉ là “xướng ca vô loài” chả được cái gì là tốt đẹp cả. Ông nghĩ chỉ có nghề nông mới đem cơm áo cho mọi người nên ông chăm chỉ trồng rau, nếu trồng ít thì ông gánh xuống chợ bán; nếu ông trồng nhiều ắt phải qua tay nhà buôn, họ đến cân ký hay buôn vạt rồi tự thu hoạch, đằng nào ông cũng có tiền để mua gạo mắm nuôi bầy con. Ba đứa con gái không cần chi phải học, cuối cùng rồi chúng cũng đi theo chồng, còn ba thằng con trai dứt khoát ông phải cho chúng học hành đàng hoàng. Cuộc đời ông, thất học đi làm cu li (coolie – tiếng Pháp nghĩa là phu) lang bạt giang hồ mãi đến khi có tuổi mới gây dựng được cơ ngơi với nghề trồng rau độ nhật, ông rất thấm chuyện thiếu chữ nghĩa thua thiệt như thế nào. 

Trong lúc ông Thủy Bạc đang lan man nghĩ ngợi, K’Breo hát bài Bản Tăng gô cho người xa xứ cho ông cậu của cô Hai nghe. Anh để tất cả tâm hồn vào giọng hát, nói cho cùng tâm sự của một người xa xứ khi nhớ về người mình yêu gần gũi với sự xa cách của anh và Liêng Hót Niêng. Bây giờ anh và nàng đã cách xa, nàng sống chết thế nào anh cũng không biết nên sự cay đắng trong lòng anh dường như cũng phổ vào lời hát Bản Tăng gô…giống y như con chim họa mi hót khi gọi bạn tình, có điều bạn tình của con chim nghe giọng hót bay về với nó, còn bạn tình của anh giờ đây nghìn trùng xa cách có khi là vĩnh viễn không được gặp nhau!

K’Breo say sưa hát, anh không còn để ý đến bất cứ chuyện gì xảy ra chung quanh. Ông cậu Út nhìn anh chăm chú, ông nghe như nuốt từng lời của chàng thanh niên lạ mặt, ông gõ tay trên mặt bàn theo điệu tango thay cho cây ghi ta mà ông không có. Chát chát… chát chình chinh/ chát chát… chát chình chinh, “ở bên này anh hát bài ca thiết tha/ nhớ về em lòng anh nghe xót xa/ mấy thu rồi anh không gặp em vắng xa/ ơi người em yêu dấu trong lòng ta…”. 

Cậu Út với đôi mắt long lanh, dường như ông rơi lệ khi nghe những ca từ đầy xúc cảm của chàng thanh niên lạ mặt. Kỹ thuật hát của chàng tốt quá, tròn vành rõ chữ. Tiếng hát của chàng thanh niên một mặt nó rất tự nhiên, mặt khác chàng hát đầy xúc cảm, dường như ca khúc vang lên từ chính trái tim chàng. Ông cậu để hết tâm hồn của mình vào lời ca của K’Breo, không riêng gì ông cả nhà ông Thủy Bạc cũng bị “hớt hồn” vì bài hát, kể cả bọn trẻ con. Trẻ con với tâm hồn non trẻ chưa bị những vết hằn năm tháng rất dễ tiếp nhận những tình cảm do tiếng hát mang lại, chúng im lặng nghe K’Breo hát bằng chính tâm hồn thơ trẻ của chúng.

Ba người con gái của ông Thuỷ Bạc là những người con gái vừa đang tuổi mới lớn, nghe bản tình ca đầy xúc cảm khiến trái tim các cô nàng trở nên mềm nhũn. Âm nhạc với khả năng mê hoặc của mình, nó chinh phục tất cả mọi tâm hồn nên không có gì lạ khi mắt các cô nàng trở nên lúng liếng, môi các cô nàng dường như hồng hơn y như đóa hoa xuân đang mỉm cười mời gọi bướm xuân đang vờn quanh với khúc nhạc tình….

Cuối cùng ca khúc cũng hết, dư âm đọng lại như ngân mãi trong lòng mọi người. Cậu Út là người lên tiếng trước tiên, cậu nói với giọng phấn khích thất rõ trên gương mặt đầy nước mắt vì xúc động:

-Ơn Chúa…cuối cùng Người cũng mang đến cho thế gian một giọng ca tuyệt vời, tạ ơn Người. A men!

Một khoảng không xuất hiện sau câu nói của cậu Út, cô Hai buột miệng:

-Anh Beo hát quá hay!

Cậu Út la lên:

-Con nói cái gì…anh Beo à, hay quá thế giới sẽ có một ca sĩ Rebel, đúng vậy. Rebel! (kẻ quấy rối – tiếng Anh). Ông Carlos Gardel cuối cùng cũng có truyền nhân…

 

CHƯƠNG 45

HAI NỬA CON NGƯỜI

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 663
Ngày đăng: 19.02.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 43: Dẫu có lỗi lầm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 42: Tình yêu là gì?) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 7) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 41:Bản tango cho người xa xứ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm:Tiểu thuyết (Chương 40: Nụ cười tuyệt đẹp) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 39: Gương mặt thủy thần) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 38:Thoát chết) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 6) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 37: Kẻ bị thần núi bắt mất linh hồn) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 36: Đêm định mệnh) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)