Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.077
123.233.837
 
12 câu chuyện của những người chăn vịt.(trích chuyện thứ 1)
Vũ Hồng

Thường thì họ dần trở về vào lúc mặt trời vừa chìm xuống sau rặng dừa phía bên kia sông. Tiếng vịt kêu cạp cạp vang động cả vùng đồng bưng. Nước ngập trắng xóa chỉ sau vài trận mưa lớn. Trước đó vài hôm, họ đã kéo nhau đến đây và bắt tay vào việc cắm lều rải rác trên gò đất khô ráo, rộng chừng một công đất, lổm chổm gốc trâm bầu. Và sau hai tháng họ lại cuốn lều để lùa vịt đến một vùng khác, hứa hẹn có nhiều thức ăn cho lũ vịt của họ hơn.

Đống lửa lớn được đốt lên khi màn đêm vừa buông xuống. Tất cả bọn họ, chừng 12 người, ngồi xung quanh đống lửa, vừa nốc rượu tì tì, vừa nghêu ngao ca mấy câu vọng cổ. Đên khi ngấm rượu, cứ thế, họ ôm nhau nhảy nhót, đầu lắc lư, miệng thì rên rỉ không theo một giai điệu nào. Tiếng ghi ta bập bùng, lan lan trên sóng nước trong cái niểng đầu ngơ ngác của lũ vịt hiếu kỳ, lặng lẽ đón xem những chủ nhân của chúng chơi cái trò gì.

Ca hát, nhảy nhót chán, họ xoay qua chia nhóm chơi tú lơ khơ hoặc đô-mi-nô. Sau những ván bài thường kết thúc bằng những trận cãi vã inh ỏi, thậm chí có đôi lần họ xông vào đánh nhau. Khi ấy viên sĩ quan mới đằng hắng, ậm ừ lên tiếng can thiệp. Ở mỗi cuộc vui, ông đều cố giấu mình vào nơi gốc cây nào đó, ngồi dựa ngửa với bình rượu nhỏ trên tay, âm thầm nhìn đám người kia vui đùa. Trông theo tạng người, hình như ông ta lớn tuổi nhất bọn, cho nên không bầu bán gì, đám người kia lúc nào cũng coi ông là thủ lĩnh của họ. Ông chỉ cần lên tiếng một cái là mọi chuyện đâu lại vào đó. Vả lại, họ cũng nể vì biết ông đã từng tham gia đánh Mỹ và cũng anh hùng ra trò ở biên giới Tây Nam. Còn ngoài ra, giữa họ, họ chẳng biết gì về đời tư của nhau ngoài chút thông tin về anh ấy, quê quán ông ấy ở đâu mà thôi. Họp mặt mỗi năm vào mùa lùa vịt đi ăn đồng xa thường thì có thêm vài gương mặt mới, mất đi vài gương mặt cũ. Chỉ riêng viên sĩ quan là kỳ cựu nhất bởi lẽ ông là người đầu tiên cắm cọc lều trên gò đất hoang này.

Đêm ở đồng bưng toàn gió là gió và chỉ có độc mùi lông vịt phảng phất. Viên sĩ quan húng hắng ho, kéo lại vạt áo choàng vừa bị gió giật tung hàng cúc. Đoạn ông đứng dậy và đến bên bếp lửa để sưởi. Ông liếc qua mấy gương mặt đỏ bừng vì men rượu, những cái nhíu mày của mấy con bạc đang sát phạt nhau, những bàn chân đầy bùn và lông lá đang nằm gác chổng kềnh cùng những tiếng ngáy vang như sấm.

- Vậy hoài không phải là cách tốt đâu - Viên sĩ quan vỗ tay bồm bộp để thu hút sự chú ý của mọi người - Đánh bạc để rồi tự gây nợ nần cho nhau ư? Thế thì tội gì phải lặn lội cho khổ cực tấm thân, ở nhà giặt đồ cho vợ có đúng hơn không?

- Buồn quá mà, thiếu tá ! - Một cái chân đang ngủ bỗng cục cựa.

- Tôi có ý này. Tụi mình xúm lại kể chuyện nghe chơi. Chuyện gì cũng được. Ai kể chuyện gì cũng được, miễn có chữ trong đầu là cứ phun hết ra.

Một cánh tay giơ lên:

- Em xin có ý kiến, thiếu tá !

- Gì ?

- Vừa nghe kể chuyện vừa lai rai được không ?

- Được thôi, nhưng uống cũng phải biết chừa lỗ chui vào mà ngủ.

- Em chưa có vợ, cũng chưa biết đàn bà con gái là sao. Ở đây có anh nào biết rồi thì kể chuyện ở truồng cho em biết với.

Cả bọn cười ầm lên khiến gã trai tơ vừa phát biểu phải sượng đỏ mặt mày. "Cũng được luôn" - Viên sĩ quan cười phụ họa - " Giờ ai xung phong trước? Sáu Bé mở màn cho xôm tụ cái coi! Chưa nghĩ ra chuyện gì à? Hay thằng Út Tía Lia đi, tao thấy mày nói chuyện cũng có duyên đó! Cũng đêm sau à? À, quên. Chuyện của ai được cả chúng ta chọn là đắc địa nhất thì cuối đợt thả vịt, mỗi người còn lại cùng góp tiền tổ chức tiệc để đãi. Giờ ai mở màn đây?

Một bóng người nhỏ con đứng lên. Gương mặt anh ta ẩn trong bóng tối.

*

* *

Chuyện thứ nhất của những người chăn vịt:

"Tôi vừa lợp xong tấm lá cuối cùng trên mái nhà thì trời đổ mưa. Lúc đó vào độ xế chiều, mưa cứ thế rỉ rả suốt mấy ngày liền.

Đó cũng là cái ngày đầu tiên tôi đặt chân đến vùng đồng bằng này lập nghiệp. Trước đó, vợ chồng tôi làm nghề biển ở thị trấn Đất Đỏ. Làm ăn khó quá, vợ chồng tôi gom góp hết vốn liếng rồi nuốt nước mắt từ biệt quê nhà, để ông trời đưa mình tới đâu thì tới."

- Làm ơn nói lớn lên một chút đi, Bảy! - Viên sĩ quan xen vào.

- Vầy mà nhỏ lắm sao? - Bảy húng hắng ho và đưa mắt nhìn xung quanh. Đoạn, anh ta kể tiếp:

"Mấy ngày đầu, những trận mưa dài ở miền Tây khiến tôi buồn thúi ruột. Lúc nào cũng nghe một thứ âm thanh rào rào ấy rơi đều trên mái lá. May mà vợ chồng tôi kịp dựng tạm căn chòi nhỏ để che nắng che mưa chứ nếu không cũng chẳng biết tá túc vào đâu. Xung quanh đó chỉ là một cánh đồng nằm trống lốc, nhìn mút tầm mắt mới thấy thấp thoáng một căn nhà, mà không biết phải nhà thật không hay chỉ là ảo giác do mình sinh ra. Trong cô đơn con người dễ bị ảo giác. Vợ tôi nói: "Kệ, có đất dung thân là sướng rồi. Ai bảo mình nghèo". Rồi cô ấy ra đồng, làm quần quật như một nhà nông thứ thiệt chứ không còn vẻ gì của một người chạy chợ nữa. Năm ấy hả? À, đâu như khoảng 83 hay 84 gì đó.

Tôi sợ nhất những cơn mưa rơi vào lúc xế chiều. Bầu trời ở vào những lúc ấy thường mang vẻ mặt ảm đạm, nặng nề, dường như muốn hút hết không khí đi. Ước mơ duy nhất của vợ chồng tôi ở vào tình cảnh ấy là chỉ cần có gia đình lân cận nào đó để trở thành hàng xóm của nhau. Họ giàu hay nghèo gì mặc kệ, miễn tối lửa tắt đèn có nhau.

Mưa ở vùng đồng hoang dường như có sự rên rỉ của ma quỷ. Nó cứ rên rĩ, rên rĩ như oán than ai đó, khiến đất cũng dần bốc mùi hôi thối, còn đám cỏ năn bị đè bẹp cả xuống nước. Trò chơi của vợ chồng tôi khi đó là bó gối ngồi nhìn đám bong bóng mưa nhảy nhót. Sao hả? Đầu óc thằng em mầy toàn nghĩ chuyện bậy bạ. "Mẹ họ, phương Nam cây trái ngọt lành, đầy tôm cá là vầy đây sao !" - Tôi cằn nhằn trống không, lòng thầm nhớ về quê biển Vũng Tàu. "Đâu phải chỗ nào đất cũng tốt hết đâu, mình phải ráng làm đất mới trả công cho mình chứ. Anh cứ ngồi đó mà than dài thở vắn" - Vợ tôi nói cứng, y như tính khí của cô ấy hồi còn làm quân y ở R.

Cuộc sống bình lặng của vợ chồng tôi cứ thế trôi đi, hết nắng, đến mưa, ra đồng, về nhà, sẫm tối nằm vắt chân nhau nghe thời sự để khỏi lạc hậu tình hình. Nước Mỹ thì ở xa nhưng chất độc màu da cam thì ở rất gần với chúng tôi. Thi thoảng chừng mươi mười ngày, vợ tôi mới cuốc bộ đến chợ xã, cách đó chừng năm cây số, để mua sắm vài thứ dành cho nghề nông hoặc cây kim, sợi chỉ, xoang nồi… Đồng phèn lúa chưa sống nổi nhưng thức ăn thì đầy dưới mặt nước. Đó là hàng đàn cá rô, cá sặt, lia thia, bãi trầu… nhưng là những con cá có bộ dạng quái dị, trông vẫn sợ nhưng rồi thịt cá vẫn là thịt cá, vẫn ngon không làm chết chóc ai.

Nếu không có chuyện tiếng gà cất lên đột ngột vào một buổi trưa cách đây đúng 13 năm thì có lẽ bây giờ tôi vẫn ở chỗ cũ, vui thú chuyện đồng áng chứ không phải sống kiếp theo chân lũ vịt rày đây mai đó như bây giờ.

Mấy anh em đã nghe tôi kể ở đầu câu chuyện rồi đó, nhà tôi ở cheo leo giữa đồng năn, đi bộ chừng hơn một giờ đồng hồ mới gặp một căn nhà khác. Trời ơi, nó hoang vu đến rợn người, thậm chí thèm nghe một tiếng chim, một tiếng chó sủa vu vơ cũng không có mà nghe.

Trở lai chuyện mà tôi muốn kể cách đây 13 năm, thú thật, nhắc lại chuyện này tôi hãy còn rùng mình, rởn óc.

Thoạt đầu, đang nằm trên bộ vạc tre chờ tạnh mưa để ra xem lại đám lúa nếp, bất chợt tôi nghe từ xa vọng lại tiếng gà. Tiếng cục ta, cục tác văng vẳng trên cánh đồng năn nghe thật eo óc. Tôi mừng rỡ ngồi dậy, thầm nghĩ có gia đình nào mới dọn đến ở gần mà tôi không hay. Trong đơn độc, con người thường có nhu cầu tìm đến đồng loại là như vậy đó. Tôi định bụng báo tin vui ấy với vợ nhưng thấy cổ còn ngủ say, nên thôi.

Khoác tấm vải mủ, tôi băng qua khoảng sân váng phèn lần theo hướng tiếng gà phát ra. Đồng hoang phủ màu xám xịt. Đất dưới chân nhơm nhớp sình. Tôi men theo bờ mẫu mọc đầy cây cứt mèo và hoa chùm hôi. Tiếng gà vẫn cục tác, cục tác trôi trong buổi chiều mưa ẩm ướt và lạnh. Tôi căng mắt ra nhìn, nhưng qua màn mưa trắng đục, tiếng gà như còn xa lắm. Đã đi đến đây chẵng lẽ quay về nên tôi liền hăm hở đi tiếp.

Cho đến lúc tôi không còn nghe tiếng gà kêu phía trước mặt mà hình như bây giờ nó lại phát ra phía bên phải tôi. Tôi nghĩ rằng mình đã đi trật hướng do phải bám theo bờ mẫu cho nên tôi quyết định băng qua cánh đồng cỏ. Sự lười biếng cố hữu trong tôi chợt như tan biến khi tôi cho rằng tiếng gà kia như cố tình thách thức tôi. Tôi nhất quyết phải tìm cho ra gia đình có nuôi con gà mái đẻ ấy.

Cái xám xịt của mưa và cái sẫm tối của một ngày chúng hòa quyện nhau tự bao giờ tôi cũng không hay, cho đến khi tôi chợt nảy ra ý nghĩ là mình phải quay về nhà. Màn đêm rắn rết sẽ bắt đầu cho công việc kiếm ăn của chúng. Lúc đó hầu như tôi cũng quên bẵng mục đích của mình là đi tìm ra nơi phát ra tiếng gà. Tôi quay lưng đi, à mà không, tôi chạy thì đúng hơn. Chạy theo thói quen của người đã sống hai, ba năm trên vùng đất quen thuộc, thậm chí nhắm mắt lại tôi chạy cũng không chệch hướng.

Vợ tôi đứng chờ nơi cửa. Gương mặt cô ấy tái nhợt dưới ánh đèn dầu:

"Mưa gió mà anh đi đâu vậy?".

"Gặp người quen ở đằng kia, ông ấy kéo về nhà uống trà chơi. Tuốt bên khu vườn mía phía đồng tranh" - Tôi nói dối, giả vờ giũ giũ tấm vải mũ cho ráo nước.

"Em không thể tưởng tượng là anh có bạn quen ở đây chứ?" - Vợ tôi nheo mắt - "Mà thôi. Ở nhà có chuyện lạ lắm".

"Gì?".

"Em lượm đựơc một cái trứng gà dưới chỗ mình ngủ, dưới bộ vạc ấy".

"Tưởng gì. Chắc là em làm rớt rồi quên chứ gì. Chiều nay cho anh ăn món gì đây?".

"Hơn một năm rồi em đâu có mua trứng gà. Mình chỉ lượm trứng cút về ăn thôi".

"Mấy con cá trê rộng hôm qua em tính chiên hay nướng? Anh nghĩ chiên thì ngon hơn. Hong gió tấm vải mũ giùm anh cái!".

"Chiên? Nhưng cả năm rồi em không mua trứng gà?".

"Rau muống anh lặt sẵn hồi trưa, ngâm trong thau, em luộc chưa?".

"Rồi" - Cô ấy nhăn nhó - "Em không hề mua một cái trứng nào".

"Anh biết…".

Tôi vòng qua chái nhà, dội nước mưa ào ào. Vợ tôi vẫn dai dẳng bám theo, trên tay cầm chiếc khăn lau màu cháo lòng: "Nó toàn là đất, anh à!" - Cô ấy nói nhưng tôi vẫn nghĩ cô ấy nói về cái khăn - "Em đi chợ mà không chịu mua cái khăn khác cho sạch một chút. Em thiệt là…" - Tôi cằn nhằn, đầu lắc qua lắc lại để giũ những giọt nước mưa đọng trên tóc. Cô ấy nhìn tôi lạ lẫm. Hết nhìn tôi cô ấy lại nhìn đến cái khăn, rồi như chợt hiểu cô ấy bật cười: "Em không nói cái khăn. Là em nói về cái trứng gà lượm được dưới bộ vạc kia. Em đập thử, bên trong nó toàn là đất. Thêm cái lạ nữa là hồi trưa em nằm chiêm bao. Em thấy tụi mình về nhà ba má em ở Xuyên Mộc. Ba má mừng lắm, lâu quá rồi tụi mình không về còn gì. Ba má sai thành Út làm thịt con gà mái đẻ. Con gà bỏ chạy vào rừng, thằng Biển rượt theo. Con gà vừa chạy vừa kêu cục tác, cục cục tác thật tức cười…".

Tự nhiên người tôi như nổi gai ốc. Lúc đó, tôi mới nhớ lại những gì xảy ra lúc ban chiều. Theo bản năng, tôi ngó dáo dác ra sau lưng trước khi bước vội vào nhà. Lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là từ xương sống lạnh ra.

*

* *

Tiếng gà cục ta, cục tác lại văng vẳng cất lên trong một ngày mưa sau đó chừng nửa tháng. Lần này thì tôi ở nhà một mình còn vợ tôi thì đi đám tang ông chủ nhiệm hợp tác xã làng bên. Nó cất lên đồng lúc với tiếng mưa rơi, tiếng sấm rền vang tận chân trời và tôi thì ngồi rung đùi hô điệu bài chòi Bình Thuận.

Tiếng gà eo óc, trầm buồn như một lời nỉ non, ai oán. Tôi vội hát lớn lên để át đi tiếng gà ma quái kia nhưng từ đâu đó trong tiềm thức, tiếng gà vẫn đều đều chỏi vào tai tôi. "Mẹ họ, tao không giỡn với mày" - Tôi lầm bầm rủa. Tiếng gà bất chợt im bặt chừng mười phút rồi sau đó lại tiếp tục. "Đã nói là tao không giỡn!" - Tôi hét thật to và phóng xuống đất. Tiếng gà vẫn vọng tới nhưng giờ thì như lùi xa hơn một chút. Tôi nghĩ hay là hồi trưa đi làm đồng không đội nón nên cảm nắng, làm đầu óc như tê dại đi. Đứng dựa cửa một chút, tôi mới quay vào buồng tìm chai dầu gió để xoa vào ót, vào thái dương. "Chờ bả về nấu cho nồi xông và nồi cháo cá là khỏe lại ngay thôi". - Vừa lẩm bẩm tôi vừa đi đến bộ vạc. Bất giác, tôi đúng sững như trời trồng, có cảm giác chân tay đã hóa đá.

Một cái trứng gà nằm đó, xám xịt, dưới gầm vạc, hay nói cho đúng hơn là một viên đất con, hình bầu dục như mới trồi lên từ dưới đất. "Đứa nào muốn phá vợ chồng tao đây?" - Tôi phóng vội ra sân, nhìn quanh quất. Trong tầm mắt tôi, cánh đồng năn chỉ toàn mưa và gió, tịnh không một bóng người. Nhưng quái lạ là lúc ấy tôi có cảm giác như có rất nhiều đang đứng quanh tôi cười nói. "Mẹ họ, chưa qua ba mươi tuổi mà đầu óc mình như bị ma ám mất rồi!".

Tôi cố trầm tĩnh, quay vào nhà đốt lên mấy nén nhang, vừa đỡ sợ cũng như xua đi không khí lạnh lẽo. Xong tôi cứ ngồi ở ngạch cửa mà nhìn trân trân quả trứng gà năm lăn lóc trên đất.

"Toàn đất là đất, anh à!" - Vợ tôi dạn dĩ bóp quả trứng gà cho vỡ vụn ra - "Thì ra anh muốn nhát ma em phải không?".

"Em giỡn với anh thì có!" - Tôi bực mình thực sự.

"Giỡn? Em giỡn với anh làm chi hả?".

Tháng bảy âm lịch. Mưa giăng kín trời kín đất suốt một tuần lễ liền. May là những ngày trước đó, chúng tôi đã mua rất nhiều gạo, khô và mắm để dự trữ. Vợ chồng chúng tôi không biết làm chuyện gì khác hơn là ngủ hoặc ngồi bó gối nhìn nhau qua đống lửa sưởi ấm. Tôi thì muốn có một đứa con cho vui nhà vui cửa nhưng cô ấy lại bảo rằng nhà nghèo rớt mồng tơi, sinh con ra chỉ làm khổ chúng, nên thôi. Tôi buồn rầu nhìn mạng nhện giăng đầy trên mái nhà.

Vào lúc ấy tôi lại nghe văng vẳng tiếng gà cục tác. Lần này có phát ra ngay chính căn nhà, dưới bộ vạc tre. "Gà của ai đi lạc vào nhà mình vậy anh?" - Vợ tôi ngơ ngác nhìn ra phía sau bếp. Tôi nhìn bốn góc nhà vẫn chẳng thấy bóng dáng một con gà nào, nhưng tiếng cục tác thì vẫn đều đều cất lên. Vợ tôi hơi sợ, mặt tái xanh: "Không phải em đang nằm chiêm bao, là thật phải không?". Tôi bắt đầu tươm từng dòng mồ hôi như khi tôi đi qua nghĩa địa vô gia cư một mình trong đêm vắng.

Bất giác, vợ tôi hét lên một tiếng thật kinh hoàng:

"Nó kìa!".

Dưới bộ vạc tre, trên nền nhà đầy phèn đùn lên một cái trứng bằng đất xám xịt, ngạo nghễ nằm đó tự lúc nào.

*

* *

Chắc mấy anh cũng dần dần đoán ra chuyện gì rồi phải không. Thú thật, lúc đó tôi cũng không hiểu điều gì đang xảy ra ngay trong chính căn nhà của tôi nữa. Mấy tháng trời sau đó, tiếng gà cứ ám ảnh chúng tôi, kể cả trong giấc ngủ. Vợ tôi bị suy nhược thần kinh rất nhanh mặc dù cô ấy nổi tiếng là người gan dạ hồi ở R.

Tôi bèn quyết định bỏ lại tất cả và đăng ký đi kinh tế mới ở Đồng Tháp. Bẵng đi vài năm trời, tôi mới có dịp trở lại vùng đồng năn đó. Mấy anh biết sao không? Giờ thì xã cho xẻ kênh băng qua cánh đồng để rửa phèn và đưa nước ngọt vào. Con kênh đi ngay chóc nền nhà tôi khi xưa. Chuyện đó cũng bình thường thôi. Nhưng có một chuyện khiến còn ớn da gà. Ông Tư hớt tóc ở xóm Chợ nói khi tình cờ gặp tôi: "Hồi đó, mày ở mà không bị nhát là hên đó, Bảy!". "Ma à? Làm gì có!" - Tôi đáp. "Tại gọi là ma chứ cũng là anh em đằng mình cả thôi". - Ông Tư giải thích - "Họ phóng con kênh qua đất nhà mày, khi đào bắt gặp vô số xương cốt nằm lẫn lộn, không biết của ai là của ai. Vợ chồng mày ở những chỗ đó không bị khí âm vật chết là may lắm. Còn chuyện này nữa. Họ còn đào được nguyên một bộ xương gà nằm trong cái nồi. Tội nghiệp, chắc là họ đang nấu cháo…".

Tôi gật đầu lia lịa và bỏ đi một nước. Trong tôi bất ngờ có tiếng gà cục tác cất lên, eo óc và đầy khắc khoải trong những ngày mưa miền Tây, rả rích".

*

* *

CHUYỂN TRUYỆN: Viên sĩ quan có vẻ tư lự sau câu chuyện của người chăn vịt tên Bảy. Cả nhóm người không ai bảo ai đều im lặng như tờ. Một hồi sau, viên sĩ quan mới vỗ tay bồm bộp và hỏi: "Ai xung phong kể chuyện đêm sau thì đăng ký trước?". Một người có vóc dáng vạm vỡ giơ tay. "Năm Sửu hả?" - Viên sĩ quan nheo nheo mắt vì chói ánh lửa - "Thôi, được rồi, giờ giải tán ai về lều nấy. Mẹ họ, câu chuyện của thằng Bảy chắc không còn có cửa cho tao dám đi "xả bầu tâm sự" khuya nay.

 

Vũ Hồng
Số lần đọc: 3042
Ngày đăng: 26.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tân kỳ đồ tể truyện - Nguyễn Đức Thiện
Bài tập về nhà - Phạm Khánh Liêm
Tửu địa - Phạm Lưu Vũ
Trả lại tôi mùa đông - Trần Kim Trắc
Ước mơ trong mỗi cuộc đời - Thảo Bích
Kẻ lạ ở trong nhà - Vũ Đình Giang
Lưới tình - Trương Hoàng Minh
Cái nhìn khắc khoải - Nguyễn Ngọc Tư
Những giọt nước mắt - Ngô Khắc Tài
Kiều Nương - Ngô Khắc Tài