Một chiều đầu tháng 8 năm 2019, trong khi giao lưu cùng các chiến sỹ thuộc Vùng III Hải quân, nhân kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng trận đầu cuộc chiến tranh leo thang của Mỹ ra miền Bắc. Dưới cái nắng oi ả đầu thu, được “sinh hàn” bởi làn đông nam xanh rì từ biển, vạn vật được dịp hồi sinh, mọi dấu vết rộp phồng bay biến. Từ cao độ ấy, thả tầm mắt về hướng Nam, bao cảm xúc ùa về khiến lòng tôi xốn xang khó tả. Những ngôi làng đa sắc diện bình yên bên chân núi, Cảng Hòn La nhộn nhịp tàu đến, tàu đi. Núi Rồng bên vịnh Vũng Chùa, tự bao giờ khoác cho mình cái tên có vẻ li kỳ, nay được cả nước, thậm chí cả hành tinh biết tới, bởi đó là chốn an nghỉ vĩnh hằng của vị tướng huyền thoại. Làng “Mười chín tháng Năm” trải dài theo bờ vịnh, bên núi Phượng Hoàng vươn cánh, soi bóng xuống dòng Loan. Mãn nhãn hơn khi thu tầm nhìn về gần chân núi, một bức tranh thủy mạc chấm phá tài tình, níu lấy hồn tôi. Bức tranh đó chính là Trung tâm Điện lực Quảng Trạch. Nghe nói, dự án này nằm trong chiến lược “cấp bách” của ngành Điện, khi đi vào vận hành sẽ cung cấp một lượng điện năng tại chỗ, giảm đáng kể tổn thất do truyền tải, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện như “phi mã” ở các tỉnh miền Trung, tạo động lực để Quảng Bình từ chỗ thoát ra khỏi danh sách các tỉnh nghèo, tiếp tục trở thành một tỉnh giàu có. Cảm xúc da diết của cái buổi chiều tháng Tám ấy, đã giúp tôi thành công trong khá nhiều bài viết về vùng đất này. Song tôi chưa thực sự hài lòng, bởi chưa có một tác phẩm về Nhiệt điện Quảng Trạch, nơi toàn ngành Điện cũng như toàn tỉnh đang quan tâm, vì một nguồn điện mang thương hiệu “Made in Quang Binh”…
***
Tôi may mắn, được các nhà biên tập “Văn nghệ Linh Giang” giao cho nhiệm vụ: Số Tết con Trâu này phải đóng góp ít nhất là một “cái” ký! Nhận lời và hăm hở chọn đề tài, tôi bỗng nhớ, hồi đầu tháng 12 năm 2019, ông Hoàng Đăng Quang - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cùng các ban, ngành của tỉnh, nôn nóng đến kiểm tra tình hình thực hiện dự án Nhiệt điện Quảng Trạch, điều này cho thấy tỉnh đang mong muốn đẩy nhanh tiến độ của công trình. Sẵn nguồn cảm xúc, tôi “duyệt” luôn “Điện lực Quảng Trạch” là chủ đề cho bút ký của mình. Ngoảnh lại, thời gian không còn nhiều, tôi quyết tâm tìm đến với những con người, những công việc, những thuận lợi, khó khăn mà họ đang nỗ lực vượt qua, vì dòng điện được sản xuất và hòa kết trên quê hương mình nay mai.
Một chút về lịch sử Dự án, năm 2011, hai Tổng Công ty: Tư vấn thiết kế Dầu khí và Xây lắp Dầu khí là tổng thầu. Sau lễ khởi công ngày 19/7/2011, chủ đầu tư đã triển khai một số hạng mục. Tuy nhiên, do gặp khó khăn nên đầu năm 2017, dự án có tổng diện tích hơn 460 ha ở thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch được chuyển giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư cho đến nay.
Tại Văn phòng Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên là người con Quảng Bình: Tiến sỹ Dương Quang Thành, đại biểu Quốc hội Khóa XIV - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vui vẻ chia sẻ: “Theo quy hoạch của ngành, năm 2020 này, tổng công suất cả nước phải đạt 60.000MW và đến năm 2030 phải tăng gấp đôi, tức là khoảng 120.000MW. Vì thế, việc đầu tư các dự án phát triển nguồn điện phạm vi quốc gia rất chi là cấp bách, Quảng Bình chúng ta cũng không ngoại lệ. Trung tâm Điện lực Quảng Trạch gồm 3 dự án: Đó là Dự án cơ sở hạ tầng, Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II, sử dụng công nghệ lò hơi đốt than phun, mức hiện đại đạt “trên siêu tới hạn”, tức là hiện đại nhất của quốc tế ở thời điểm hiện nay. Tổng công suất 2.400MW, điện năng sản xuất hàng năm dự kiến 17 tỷ KWh, tổng mức đầu tư sau thuế hơn 42.022 tỷ đồng. Điều đặc biệt nhất, đây là dự án đầu tiên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, với hơn 30% vốn tự có và gần 70% vốn vay các tổ chức tín dụng trong nước, không có bảo lãnh của Chính phủ. Để thể hiện sự quan tâm, sẵn sàng đồng hành cùng Nhiệt điện Quảng Trạch, Vietcombank đã thu xếp 27.100 tỷ đồng theo yêu cầu của Dự án. Vẫn chất giọng Quảng Ninh, đặc sệt vùng lúa Quảng Bình, ông Thành bộc bạch: “Nhiệt điện Quảng Trạch là tâm huyết và tình cảm của những đứa con xa quê trong ngành Điện… Chỉ mong người dân quê mình hiểu cho tấm lòng của chúng tôi, chưa làm được gì bù đắp cho quê hương, thì ai mang “thứ bỏ đi” về làm hại cuộc sống của bà con”. Nghe ông tâm sự, tôi càng cảm kích trước tình cảm chân thành của người con đúng nghĩa…
***
Năm 2010, xã Quảng Đông được giao tuyên truyền, thông báo thu hồi hơn 200 ha đất nông nghiệp và đất ở của 80 hộ dân thôn Vĩnh Sơn để khởi động dự án. Đây quả là một việc không dễ chút nào!
Nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, ba bề núi đồi bao bọc. Từ địa thế vừa “tụ khí, tụ linh, tụ sơn, tụ thủy” ấy, ngày trước Vĩnh Sơn được coi là chốn “rừng thiêng nước độc”. Đã là người dân Vĩnh Sơn, Thọ Sơn ngày đó, không ai không xót xa bởi câu truyền khẩu: “Bãi Vịnh, Bãi Hang/ Cái bụng bằng ang/ Nước da đồng điếu”. Tật bệnh triền miên, chứng sốt rét lưu cữu, mỗi người khoác một màu da vàng ệch; trẻ em gân xanh, bụng ỏng, đít beo... Nhắc buổi cam go ấy (không riêng Vĩnh Sơn nhưng trong đó có Vĩnh Sơn), nhiều người chưa quên cái cảnh trẻ em (thậm chí có cả người lớn) lang thang kiếm sống dọc Quốc lộ 1A. Những gương mặt thất thần cùng cái mê nón ngửa ra, vái lạy lia lịa xin bố thí, đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều hành khách trên những chuyến xe “tốc hành” ì ạch qua Đèo Ngang. Dẫu sao, đó chỉ là ký ức cồn cào một thời, bởi cuộc sống luôn vận hành đi tới, nhất là từ 30-35 năm lại đây, các chính sách hưởng lợi từ Dự án Khu Công nghiệp Hòn La, chính sách ưu tiên vùng bãi ngang, vùng khó khăn… đã giúp người dân Quảng Đông nói chung, Vĩnh Sơn nói riêng từng bước đổi đời. Song, điều bà con không thể ngờ, ngay trên quê hương mình có thể trở thành một đại công trình, để trong tương lai, mọc lên ở đây hai nhà máy nhiệt điện. Thoạt đầu, ai cũng vui mừng khi hưởng lợi các ưu ái do dự án mang lại, nhưng khi “cắt lớp” các vấn đề, đã hình thành trong họ nỗi lo trầm trọng về ô nhiễm môi trường. Nhất là kể từ sau sự việc Formosa Hà Tĩnh xả thải, chưa bao giờ vấn đề môi trường được người dân quan tâm như lúc này. Và, sự băn khoăn, cảnh giác với nhiệt điện Quảng Trạch bắt đầu nhen lên trong ý thức mỗi người…
Bấy lâu, thiếu thốn, khó khăn đã tạo cho con người Vĩnh Sơn bản chất chịu thương, chịu khó. Càng ngày, nhờ biết cách khai thác các tiềm năng thiên nhiên phú cho, người dân Vĩnh Sơn không còn lo “nhạt mắm đói cơm”. Với hàng trăm ha đất canh tác màu mỡ, từ hồ thủy lợi Đèo Ngang về tới đầu làng, cánh đồng Vĩnh Sơn như ai đặt vào thung lũng. Ngày hè có núi Mũi Trung trấn chắn gió lào, tháng đông có dãy Hoành Sơn hứng hớt heo may, chẳng mấy khi thất bát. Biển Vĩnh Sơn cũng rất giàu sản vật, đi giữa rừng trâm bầu và cây tràm tự nhiên mấy trăm năm tuổi, ta đã nghe tiếng sóng biển rì rầm quen thuộc. Buông cày bừa, các trai làng tay chèo, tay lưới, nửa đêm thuyền về, ruốc, cá, mực, tôm… rộn ràng thôn xóm. Người Vĩnh Sơn làm biển còn táo tợn hơn nhiều làng cá thực thụ. Chẳng thế, muốn ăn mực nháy ra ngay Vĩnh Sơn, tôm hùm, cửu khổng, hải sâm… ở đâu chứ Vĩnh Sơn thì…không hiếm. Cơm làm ruộng, cá làm nghề, nơi từng ăn ở bao đời thân thuộc, nơi được ban phú đời sống vật chất, tinh thần yên ấm vậy, thử hỏi, ai có thể dứt chí ra đi một cách bình thản!
Cái tên Vĩnh Sơn còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử của xã Quảng Đông. Sau Cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp mở cuộc càn quét, hòng chọc thủng lá chắn cuối cùng của Quảng Bình, làm bàn đạp tiến ra vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Nơi đây trở thành thao trường luyện tập của dân quân du kích, kêu gọi nhân dân đánh giặc giữ làng. Trong chiến dịch Hòn La năm 1972, dân quân Vĩnh Sơn dưới sự chỉ huy của C trưởng Phan Thanh Cứ, vận chuyển hàng trăm tấn gạo từ tàu Hồng Kỳ, cất giấu vào nhà dân để chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Trong khói lửa chiến tranh, Vĩnh Sơn là chiếc nôi ươm mầm cách mạng, nuôi dưỡng nhiều thế hệ “rường cột” của xã, như các ông bà: Võ Khiên, Nguyễn Thỉ, Võ Hưng, Trần Đuề, Phan Thị Sửa, Đặng Hữu Lạng, Phan Thanh Khầm, Phan Thị Thẩn, Võ Viết Vầy..vv. Chỉ vậy thôi, Vĩnh Sơn đã trở thành quá sâu sắc trong lòng cư dân bản xứ. Thêm vào đó, nhiều công trình vừa có giá trị văn hóa, giá trị kiến trúc và mỹ thuật, do chính bàn tay các thế hệ người dân nơi đây xây dựng: Đình - Chùa Vĩnh Sơn, Đền Thánh, Miếu Việc Làng, Miếu Cửa Ông, Miếu Tạ Phủ… Cùng với Đền thờ Công chúa Liễu Hạnh (Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật - Tôn giáo cấp tỉnh) và Chùa Thọ Sơn bên núi Mũi Ông… kết thành một hệ thống di tích lịch sử văn hóa rất đa dạng, gửi gắm mong ước tâm linh của người dân địa phương, cầu “dân yên, nước thịnh”. Với tình yêu nguồn cội của con người Việt Nam, quyến luyến biết bao “cây đa, bến nước, sân đình” thì ai mà chẳng luyến lưu…
Thế nhưng, điều chủ yếu khiến bà con chưa tỏ ra tha thiết, chưa phấn khởi dời cư không phải từ đó, mà chính từ nỗi lo ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống khi nhà máy đi vào hoạt động. Nên khi phải đến nơi ở mới, nhiều gia đình vẫn nấn ná, chần chừ, thậm chí đã nhận tiền đền bù nhưng chưa bàn giao mặt bằng, có hộ còn lấn chiếm đất dự án để canh tác, gây khó khăn cho tiến độ khởi công. Những người trong cuộc, dù có giải thích nhưng chưa thể lấy gì để chứng minh cho bà con mắt thấy, tai nghe. Tóm lại, khi chưa thông suốt, người dân vẫn có quyền, đó là cái quyền yêu cầu môi trường sống được đảm bảo. Trong vô vàn nan giải, chính quyền và chủ đầu tư chỉ còn cách “mưa dầm thấm lâu”, làm cho dân thấu hiểu, mới có thể chuyển biến ý thức của họ.
Đứng trước bao ngờ vực, hễ nói đến Nhiệt điện Quảng Trạch, không ít người dửng dưng, thậm chí không đồng tình. Nhưng sau khi được tiếp cận các kênh thông tin về Dự án, được các chuyên gia trong ngành dẫn chứng, phân tích, bà con đã hiểu được chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, quyết tâm đưa công nghệ phát điện sạch vào nhà máy, người dân Vĩnh Sơn, người dân Quảng Đông và các xã lân cận đều đồng tình cao. Đến Vĩnh Sơn hôm nay, tất cả như hoàn toàn thay đổi, Ban quản lý dự án Điện 2 đã bồi thường, hỗ trợ hơn 10 đợt, cho 427/434 hộ, trị giá trên 200 tỷ đồng. Đưa gần 150 hộ lên khu vực Đồng Mười, hơn 150 hộ đến khu tái định cư phía bắc thôn 19 tháng 5, hiện đang thi công giai đoạn 3 đối với các hộ còn lại và hoàn tất hạ tầng mặt bằng để đưa toàn bộ lăng mộ của các gia đình, dòng họ lên khu nghĩa địa tại Cồn Chỗ Cữ, dưới chân Đèo Ngang. Đơn vị cũng đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng, xây mới điểm trường Tiểu học, điểm trường Mầm non và một Nhà văn hóa thôn tại nơi ở mới, để con em học tập và bà con sinh hoạt.
***
Đang lúc cần có thật nhiều chi tiết và số liệu cho bài viết, một ngày đầu tháng 11 năm 2020 chúng tôi có dịp đến thăm Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn - Thanh Hóa. Dưới nắng nhạt đầu đông, khung cảnh nhà máy vươn mình trên cánh đồng các xã Hải Hà, Hải Thượng thuộc huyện Tĩnh Gia. Đây là nhà máy nhiệt điện, công nghệ đạt “dưới tới hạn”, thấp hơn Nhiệt điện Quảng Trạch 1 hai bậc, sử dụng nguyên liệu than nội địa. Một cơ ngơi khang trang, cái đẹp ở đây luôn đi cùng cái sạch, sạch từ đường sá, văn phòng, xưởng máy, công viên, cho đến từng lá cây, ngọn cỏ… Đi bên nhà máy đang vận hành nhưng ta không có cảm giác thiết bị đang hoạt động, nếu như không để ý tới chút hơi nước màu trắng xanh thong thả hòa vào mây trời và phơn phớt mấy làn khói mỏng lất phất trên miệng ống sắp-măng. Chúng tôi còn được hướng dẫn tham quan bãi thải, điều khiến tôi thắc mắc, sau hơn 6 năm hoạt động nhưng lượng xỉ thải quá ít? Thì ra, một mặt do công nghệ hạn chế cháy sót nên lượng thải không đáng kể, mặt khác, từ ngày đi vào vận hành, nhiều đơn vị đã ký kết mua tro xỉ của nhà máy làm chất phụ gia sản xuất xi-măng và vật liệu xây dựng. Quanh bãi thải, một đàn trâu bò cắm cúi bên vạt cỏ xanh um, mấy chú cò trắng lò dò kiếm mồi, thỉnh thoảng đập cánh bay lên, gợi cảnh đồng quê những ngày sau vụ gặt…
Chúng tôi còn được gặp ông Nguyên Xô Viết, nguyên Trưởng Ban Quản lý Điện 2, nguyên Giám đốc Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn, người con của thị xã Ba Đồn. Đau đáu với quê hương, anh trở trăn cùng với tỉnh, xắn tay chăm lo cho Điện lực Quảng Trạch từ những ngày đầu. Gặp chúng tôi, anh thân mật tâm sự: “Trong quá trình lựa chọn thiết bị cho nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, chúng tôi hết sức cân nhắc và ưu tiên nhất là công nghệ phải thích ứng với môi trường. Chính vì vậy, chúng tôi quyết tâm tham mưu cho Tập đoàn và cho tỉnh, sử dụng công nghệ “trên siêu tới hạn”. Và đáng mừng, lần đầu tiên một nhà máy nhiệt điện-than hiện đại nhất có mặt ở Việt Nam. Công nghệ này không cho phép sử dụng than trong nước, nhà máy nhập khẩu 100% than từ Úc, có đủ khả năng giảm ở mức thấp nhất tác động tới môi trường”. Kỹ sư trẻ Bùi Tiến Dũng, quê Bố Trạch, người có 6 năm làm việc tại Phòng Điều hành của Công ty Nghi Sơn, nay là Tổ phó Tổ Công nghệ Ban điều hành Trung tâm Điện lực Quảng Trạch phân tích thêm: “Để phun than trực tiếp vào lò hơi, than nguyên liệu được nghiền mịn, giúp cháy triệt để, hạn chế thấp nhất lượng tro xỉ ra ngoài. Đơn vị còn lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện, dựa trên nguyên lý i-on hóa, hiệu quả tới 99,8%”. Từ cơ sở trên, Ban Quản lý Điện 2 đã đưa ra “Báo cáo đánh giá tác động môi trường”, được Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt và cam kết đảm bảo sẽ không gây tác động xấu đến môi trường. Tai đã nghe, mắt đã được thấy. Tôi chợt nghĩ, giá như được một vài bà con Vĩnh Sơn chứng kiến nữa thì…quá chắc ăn!
***
Sau chuyến “vi hành” tôi lại về cùng Vĩnh Sơn, nơi những người thợ của Điện lực Việt Nam ngày đêm đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn tất hạ tầng, chuẩn bị mặt bằng cho dự án nhà máy chính. Tại ngã rẽ từ Quốc lộ 1A về nhà máy, Trạm truyền tải điện cũng đang nhộn nhịp thi công, để đón dòng điện dự kiến hòa vào mạng lưới quốc gia giữa năm 2024. Trên vùng biển đông nam Mũi Đọc, cảng nhập than và đê chắn sóng, những hạng mục chính của Dự án Cơ sở hạ tầng, do Công ty Phú Xuân, Công ty Công trình thủy và Tập đoàn Thái Bình Dương xây dựng. Chọn một cao điểm, ngắm toàn cảnh công trường, tôi bỗng nhớ tới bài “Nhật trình ven biển” của ông cha ta ngày trước: Chạy kênh trong vừa qua Xó Trác/ Gió Nam Lào bụi cát cuốn tung/ Đọc thò dưới bãi Nam Sơn/ Núi cao eo thắt từng cơn gió lò/ Bạn với lái hẹn hò y ước/ Thành Ông Ninh xây trước Mũi Đao/ Voi Ông ngoảnh mặt nhìn vào/ Lùm Xanh bên bãi Thầu Dầu cát bay/ Hòn Sơn Dương tháng ngày xanh biếc/ Rạn chân Đông nối tiếp không rời… Người xưa từng trải biết bao gian nan trên mỗi chặng hải hành, không hải đồ, la bàn… họ chỉ dựa vào thực tế, đúc rút thành một bài truyền khẩu với các địa danh, vùng biển từ Bắc vào Nam. Tôi bâng khuâng bởi nơi đây đã được “Nhật trình” nhắc tới: Đọc thò dưới bãi Nam Sơn/ Núi cao eo thắt từng cơn gió lò… Nghĩ về một ngày mai, khi 210 ha mặt biển được nạo vét, trở thành cảng nước sâu đón tàu hàng vạn tấn, mang than sạch nhập từ Úc về làm nguyên liệu, sản sinh dòng điện “Made in Quang Binh”, ai bảo không vui mới lạ!
Quảng Bình, tháng 11-2020