Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.195
123.209.953
 
VIỆT NAM trong tim
Dương Ðình Hùng

Viết riêng cho con người nhân ái đó - G.S Hollows

 

Nhớ hôm nào, cả thế giới đang hướng về Olympic, người dân Úc từng giờ nhìn về Barcelona, lá cờ Úc Châu bay phất phới cuộn tròn con số 2000. Thế vận hội Sydney năm 2000.

 

Số huy chương vàng có được, quốc kỳ được kéo lên tung bay trong nắng ấm, quốc ca ngân lên, niềm hân hoan, giọt nước mắt đọng lại, nỗi đắng cay đâu đó... tất cả là bản tin hàng đầu mỗi buổi sáng mùa đông nơi đây.

 

Ngày hôm đó, thứ hai ngày 3 tháng 8 năm 1992 , thay vào bản tin đầu giờ về diễn tiến thế vận, người xướng ngôn viên thông báo về sức khỏe giáo sư Hollows. Giọng vui mừng hân hoan "Sức khỏe giáo sư đang tốt hơn. Lạy Chúa, xin chúc mừng... một huy chương vàng khác tới với chúng ta...". Thời gian  này Úc đang có được sáu huy chương vàng thế vận Barcelona. Hai tuần qua, lần đầu tiên ông xuất hiện trước màn hình, trong bộ đồ bệnh nhân xanh nhạt ngay trong bệnh viện Westley, Brisban. Trước cổ ông có miếng gạc trắng phủ cái lỗ . Từ cái lỗ khoét sâu đó người ta cố cắt bỏ cái khối di căn ung thư trong phổi giáo sư . Đây là lần mổ thứ ba, hai lần trước chịu mổ khối ung thư thận, sau đó giáo sư mang theo khối thận cồm cộm bên người từ hai năm nay. Giọng nói yếu khàn khàn làm miếng gạc trước cổ giáo sư lay động :

- Tôi đang cảm thấy khỏe hơn, cuối tuần tới tôi sẽ trình bày với báo chí hai hãng chế tạo kính trong mắt (lenses inter - ocular factory) đã làm cho nước Eritria và Nepal. Tôi đã và đang hy vọng một hãng chế tạo kính khác cho quốc gia Việt Nam... cuối năm tới ba quốc gia trên sẽ làm chủ công nghệ sản xuất kính trong mắt...

 

Hai chữ Việt Nam vang lên trong không gian xa lạ nầy, từ con người vĩ đại có đôi mắt nhân ái chân thành, dưới mái đầu bạc óng màu bạch kim.

*

*     *

 

Sáu tháng trước, ngày đầu tiên khi được gặp giáo sư. Buổi sáng trong phòng khám đông người chờ đợi. Đôi tay Người mở rộng đón chào một người từ xa tới. Cái giọng nặng hơi khó nghe của gốc Wales, đặc biệt Úc :

- Việt Nam giờ ra sao ? Dr. Hung .

 

Tôi miên man kể chuyện, thành phố Sài Gòn nơi tôi ở lắm xe cộ inh ỏi, chiếc xích lô ọp ẹp ở phố cổ Hà Nội, những người mù lòa trên vùng núi xa xôi, có đứa bé dắt ông bà nội ra chợ vùng quê, đôi tay già ốm tựa trên vai trần non trẻ... Tôi vẽ luôn cái bản đồ chữ S lên mặt sau tờ giấy, mặt trước là toa thuốc của bệnh viện P.O .W .

 

Ông trầm ngâm, rồi xoa tay cười, với tay cầm cây viết cắm ở đầu bàn, Giáo sư Hollows chấm điểm đỏ trên cái đỉnh tam giác Bắc bộ tôi vừa vẽ, rồi nói :

- Tôi biết được đất nước của anh từ năm 1941, từ chiến trận Điện Biên ở đây, từ ông tướng họ Võ. Ông Giáp còn khỏe không ? Con người mà tôi kính phục nhất lúc còn trai trẻ...

 

Trong bệnh viện Princes of Wales này có hai ông giáo sư quái lạ. Một ông làm việc trên cái lầu cao tít của cái building khổng lồ. Phòng làm việc của ông có một bản đồ Việt Nam lớn che phủ hết bức tường trắng sau lưng. Ông nghiêm nghị lạnh lùng với tất cả mọi người, ông ngồi nhìn cái bản đồ suy nghĩ im lặng suốt ngày.

 

Giáo sư Hollows ngược lại, phòng làm việc dưới tầng trệt, không có bản đồ nhưng thích nói hai chữ Việt Nam miên man, mỗi ngày vài chục lần. Xuống xe, ông bước ngay vào phòng có cô thư ký phụ trách "Quỹ nhân đạo Hollows" xem những gì đang làm cho Phi châu xa xôi, cho vùng Ấn Độ nóng bức, xem số tiền hôm qua thu được... Khả năng giúp phần nào cho người mù lòa vùng đất Việt Nam mà ông chưa một lần ghé đến. Trên lối đi vào phòng khám bệnh, trước bất cứ bệnh nhân nào. Ông nói thẳng thắn với người nhà bệnh nhân sau một ca mổ, ông đang xin, xin tiền cho những con người khốn khổ. Ký nhận 10, 20, 100 đôla Úc trên ngân phiếu, sau đó giáo sư đọc vài câu thơ mình vừa sáng tác, sung sướng nói hai chữ cám ơn.

 

*

*   *

 

Giáo sư Fred Hollows sinh trưởng tại New Zealand trong một gia đình mộ đạo, lúc nhỏ ông quyết định cắt ngang việc học thành giáo sĩ để đi học y khoa. Trước khi thành bác sĩ nhãn khoa, ông làm nhiều nghề khác nhau : hướng dẫn leo núi, nhân viên trong bệnh viện tâm thần, lái xe ủi... Tốt nghiệp y khoa tại Đại học Sydney, tu nghiệp thêm nhãn khoa tại Anh và trở lại làm việc tại bệnh viện nầy. Hơn hai mươi năm   trước, năm 1970 ông là người dẫn đầu trong phong trào phòng chống mù lòa và bệnh mắt hột tại Úc. Từ năm 1973 ông đến làm việc và nghiên cứu bệnh mắt vùng người da đỏ Tarahumaras, cực bắc Mehico.

 

*

*    *

 

Hai năm sau ông về nước, ông đắm mình trong những cánh rừng bao la cùng với thổ dân Aborini. Đây là những bộ lạc có trình độ văn minh thấp kém. Ông giận dữ tuyên bố trước báo chí truyền thông :

-  Một xã hội kém phát triển... thế kỷ thứ 19 còn tồn tại... một sự xấu hổ cho nước Úc hôm nay .

 

Bằng tiền bạc quyên góp được, giáo sư đã thành lập đội phẫu thuật lưu động năm 1970. Chỉ tính riêng trong hai năm đó, đoàn phẫu thuật của ông đã di chuyển trong cánh rừng đồi núi với đường dài 250.000 km, mổ và điều trị hơn 100.000 thổ dân.

*

*     *

Từ năm 1985 ông lại  xuất hiện trong những vùng nghèo tại Nepal, Miến Điện, Bangladesh với những chương trình chống mù lòa. Vài chục ngàn đôla đủ mua chiếc kính hiển vi dùng trong phẫu thuật mắt, khởi đầu xây dựng nhà máy sản xuất kính tại Nepal. Nơi đây ba chục ngàn người cần phải mổ một năm để thấy ánh sáng cuộc đời.

Hai năm sau ông lại len lỏi trong những cánh rừng của vùng sừng lớn Phi châu : Kenia, Sudan, Eritria, Ethiopia... chia sẻ cùng người da đen, mặc tiếng đạn réo trên đầu, cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn nơi đây. Giáo sư khám và làm việc đêm ngày với cô vợ trẻ Gali Hollows, với đoàn cộng sự giữa những con người cùng khổ da màu, mong muốn hàn gắn một phần đớn đau của họ.

 

Ba năm trước ông trở lại quê nhà, chịu cuộc phẫu thuật cắt bỏ ung thư thận. Một tháng sau ông trở lại Phi châu. Với số tiền quyên góp 200.000 đôla, ông cho xúc tiến làm nhà máy chế tạo kính thay thủy tinh thể tại Eritria. Công việc tiến hành trên một năm, ông bay lại Phi châu nhiều lần, bay tới nhiều khu giáo đường có lắm người giàu có, xin một chút tình, một chút tiền cho người da đen khốn khổ. Căn bệnh ung thư quái ác di căn lên phổi, mổ lần thứ hai tại Queensland. Xuất viện, vẫn cái pipe luôn trên miệng, ông đi bất cứ đâu có tiền, để xin tiền cho thế giới thứ ba nhiều đắng cay. Lần này ông quyên được trên một triệu đô và chính phủ giúp thêm 450.000 đô. Giấc mộng của ông đến gần, nhà máy cho Nepal, Eritria và Việt Nam.

 

*

*     *

 

Ông vẫn hát, đọc thơ, huýt sáo nhiều lần trong ngày, khi mổ, khi khám, khi đi lại trong viện. Một hôm trong ca mổ cườm. Ông hỏi tôi kỹ thuật mổ hiện nay trên bệnh nhân bị cườm già ở nước tôi ra sao? Tôi trả lời :

-  Gần giống như ba mươi năm trước, giống cái thời Tây cai trị, cũng cái đường vòng trên giác mạc, kéo cục cườm ra một cách khốn khổ, khâu lại, hai đến ba tuần cắt chỉ, rồi mấy tháng sau kiếm cái kính nặng chình chịch phủ lên. Xưa và quá xưa, cái xưa cũ thường bà con với người nghèo khổ, cái xưa cũ nhiều tai biến, nhiều rủi ro...

Giáo sư cười thông cảm. Ông hát, ngâm nga hai câu thơ:

                        That I received my sight.

                        And now I am happy all the day.

 

Ông giải thích cho tôi :

-  Con người và con vật khác nhau ở bộ óc. Bộ óc con người phát triển cao cấp hơn, do đó con người biết thương và lo lắng cho người khác. Sáng ngày mai tôi sẽ đi Việt Nam. Tôi muốn xây dựng một nhà máy sản xuất kính thay thủy tinh thể tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất Việt Nam .

 

*

*     *

 

Đầu tháng tư năm 1992, một con người bình dị bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất, có thêm người bạn phóng viên Peter Corris - làm cho tờ báo Australia Post đi cùng.

 

Giáo sư Hollows, con người được phong tặng danh hiệu "Người tiêu biểu Úc châu 1990", "Con người nhân ái nhất Úc châu", và hàng chục giải thưởng cao quí khác mà thế giới trao tặng trong hai thập niên qua.

Họ âm thầm đến thành phố chìm đắm trong tiếng  còi xe inh ỏi, trong cái hanh nắng miền Nam. Rồi lặng lẽ bay ra Thủ đô.

 

Buổi sáng, Viện trưởng viện Mắt tiếp giáo sư Hollows. Câu đầu tiên Fred Hollows hỏi ông Viện trưởng :

- Khi nào tôi có thể gặp Tướng Giáp ?.

 

Ông Viện trưởng mở lớn đôi mắt kinh ngạc, câu hỏi quá bất ngờ ...

 

*

*    *

 

Buổi sáng mùa đông Úc châu, sương lạnh phủ kín bệnh viện. Hàng  chục bệnh nhân ngồi từ sáng sớm đợi giáo sư. Có tiếng huýt gió lớn hơn mọi hôm vọng lại. Ông mới từ Việt Nam trở về sau một tuần lãng du. Cũng cái áo blouson đen, mái tóc trắng, ống pipe ngậm chặt giữa hai môi. Hôm nay có khác, có thêm quyển sách ôm trước ngực.

 

Bước vào phòng khám , đầu tiên ông mở lớn cho cô bác sĩ trẻ Stephen Young xem quyển sách, rồi chuyển cho mọi người chung quanh xem, luôn cả mấy ông bà già mù lòa đang ngồi đợi tới phiên mình được khám bệnh .  Cuốn sách tiếng Việt nói về chiến trận Điện Biên Phủ năm xưa, trang đầu có chữ ký của Đại tướng Giáp.

 

Khuôn mặt rạng rỡ, ông gọi điện thoại cho nhiều người tới xem, khoe luôn với ông Giáo sư đang ở lầu cao. Chắc chắn ông giáo sư kia có bản đồ hình chữ S, nhưng không thể có chữ ký của Đại tướng Giáp như ông Hollows.

 

*

*         *

 

Từ ngày trở lại từ Việt Nam, giáo sư làm việc nhiều hơn. Bên cạnh ông hai chữ Việt Nam được nói biết bao nhiêu lần trong mỗi ngày. Khi giáo sư đang khám bệnh, lúc mổ, trên bục giảng đường, trên lối đi của Người, trong nhiều nhà thờ ngày chủ nhật, trên báo chí, radio, truyền hình mỗi ngày đêm, đến bất cứ người Úc nào ông gặp.

 

Người ta không thể đếm được bao nhiêu nhà thờ mà giáo sư đã ghé cuối tuần, trong hai mươi năm qua.

Nhiều buổi sáng chủ nhật, gia đình Hollows với đàn con nhỏ đến nhà thờ, họ quỳ gối bên những người không quen thân. Tạ ơn Chúa xong, người mục sư nói đôi điều cần thiết. Giáo sư bước lên bục giảng đường đứng cạnh mục sư. Cũng như mọi lần, áo blouson đen, đôi mắt van lơn, Người lại xin :

- Một ít năng lực, ít tiền bạc, ít chuyên môn, một nhà máy chế tạo kính thay thủy tinh thể cho Việt Nam, đất nước còn nhiều người nghèo khổ ...

 

Nhiều người bước lại gần hôn ông. Giáo sư ký nhận những tờ ngân phiếu 5, 10, 20 đôla... Nếu ngày hôm đó không có sự hiện diện của giáo sư, những đồng tiền kia có thể sẽ được cho vào chiếc thùng nâu đen đặt  giữa nhà thờ như họ vẫn thường làm hàng bao nhiêu năm nay.

 

Những con người vô danh trong nhà thờ này, có thể đang có nhiều khổ nạn, họ đến đây để cầu xin một  phép lạ hiếm hoi hoặc một chút bình an cho tâm hồn. Nghĩa cử nhỏ bé họ vừa làm chắc sẽ trở thành phép lạ nơi chân trời xa xôi : đất nước Việt Nam của tôi. Những người tưởng vĩnh viễn sống trong mù lòa, phút chốc được nhìn thấy ánh sáng cuộc đời. Nhờ họ !

Tôi ngước nhìn bà Gabi Hollows, vợ ông, đang đứng cạnh mỉm cười cảm ơn họ. Mái tóc bà cắt ngắn, nước da trắng, khuôn mặt thánh thiện xinh đẹp, đôi mắt long lanh như dòng suối trong... Có một phép màu, có một Thiên sứ bên cạnh giáo sư. Cảm ơn ! Cảm ơn tất cả !

 

*

*     *

 

Chiều tối thứ bảy trời se lạnh, trong nhà hàng người Hoa ngay đường phố John, khu Cabra-mata nổi tiếng có lắm người Việt nhất tại Úc châu, Giáo sư lần đầu tiên đến, lần đầu tiên xuất hiện trước  cộng đồng Việt Nam. Ông đến chỉ xin một ít tiền cho những con người mù lòa.

 

Đám đông gần hai trăm người ăn mặc sang trọng. Họ là những con người nổi tiếng vùng này. Thương gia, bác sĩ, kỹ sư, đại diện cộng đồng và có luôn một số sinh viên y khoa, học trò của giáo sư.

 

Vẫn cái áo blouson đen phủ cái áo sơ mi vàng úa, phủ luôn chiếc quần kaki dài vàng nhạt lắm bụi trần. Giáo sư ngồi đó, không cà vạt, chỉ có nụ cười đôn hậu. Cái đơn giản của Người nổi bật giữa cao sang lụa là. Giáo sư cáo từ về sớm, không quên nói câu : "Cám ơn những tấm lòng vàng".

 

Đường phố Cabramata đêm đó vắng lặng, có mấy chiếc xe cảnh sát chạy lui tới để bảo vệ ông già tóc bạc kia, vài cơn gió buồn lành lạnh. Đôi mắt giáo sư khép kín. Người, có thể sợ cái ồn ào không chịu nổi của ban nhạc Tàu, cảnh nhảy múa của đám người bên trong, sợ những cái liếc nhìn nhiều nghi kỵ... Đôi khi phải lẩn tránh !

 

*

*     *

 

Ngay buổi sáng chủ nhật ngày mai hôm đó, người ta lại thấy giáo sư dẫn đầu đoàn biểu tình trong thành phố. Căn bệnh Sida khốn nạn đó ! Buổi chiều ông diễn thuyết về chương trình phòng chống Sida tại nhà hát Ôpêra "Con Sò".

 

*

*     *

 

Khói thuốc từ cái ống pipe của giáo sư lơ lửng trong căn phòng nghỉ nhìn ra mảnh vườn nhỏ bệnh viện. Căn phòng chia đôi khu phòng mổ và khu hậu phẫu. Đề tài bàn tới vẫn là nhà máy chế tạo kính, thiết bị mổ cho các phòng mổ Việt Nam tương lai và sự nguy hiểm mà Sida gây nên...

 

Bệnh viện khổng lồ này chỉ có hai cái gạt tàn thuốc được đề tên giáo sư Fred Hollows. Một cái ở đây, cái kia trong phòng nghỉ cạnh phòng khám. Ngoại lệ được phép hút thuốc dành riêng cho con người vĩ đại đó.

 

Ông nhìn tôi chăm chú và nói :

- Giấc mơ của tôi là được thấy ba nước Eritria, Nepal và Việt Nam có nhà máy chế tạo kính thay thủy tinh thể. Dùng kính này giải quyết nạn mù lòa trên đất nước họ - và sau đó có thể xuất khẩu như là lợi nhuận (profit). Phần lợi nhuận như là thặng dư (surplus) phải được tái đầu tư, trồng nhiều cây trái hơn, ít người mù hơn... Tất cả đi đến mục đích cuối cùng - là giảm lệ thuộc vào các quốc gia tư bản phát triển .

 

*

*     *

 

Trong phòng mổ buổi sáng thứ năm ngày 18 tháng 7 năm 1992 tôi nghe vài cơn ho nhẹ từ con người đó và  thầm nghĩ có lẽ hơi đông lạnh mang về sáng nay. Sau khi mổ xong ba ca cườm già, giáo sư  Hollows vội vã đi ra ngoài .

 

Buổi tối tin tức trên hệ thống truyền hình cho biết giáo sư Hollows đã được chuyển đến bệnh viện Westley tiểu bang Queesland để mổ lấy tám khối u phổi.

 

Chỉ hai ngày sau văn phòng của Foundation Hollows nhận được thư mời giáo sư Hollows viếng thăm thành phố Hồ Chí Minh của ông khoa trưởng Đại học Y khoa, về "Chương trình phòng chống Sida tại thành phố", và về vấn đề...

 

Tôi nhớ lại nhiều lần giáo sư đã nói :

Việt Nam hãy nhìn nguy cơ của Sida tại Phi châu và Thái Lan....

 

*

*     *

 

Giáo sư chịu thêm tám lần cuộc phẫu thuật khác vì khối ung thư ma quái đó. Buổi sáng đầu tuần tháng 8 năm 1992 trong bệnh viện Princes of Wales, sau khi xuất viện, giáo sư cùng người vợ Gali ghé thăm khoa mắt. Người đàn bà đẩy chiếc xe có hai đứa con sinh đôi theo cùng. Nhiều vòng tay ôm kín Người. Nhiều giọt nước lăn dài trên má của những bệnh nhân. Họ mỗi ngày lo lắng theo dõi bệnh tình của Người. Không gian yên lặng. Giáo sư  cố nói, giọng khàn khàn , khó khăn :

- Ngày mai tôi đi Việt Nam.

 

Nhiều tiếng lao xao cản ngăn Người vì sức khỏe Người đang tồi tệ. Ông nói tiếp, giọng nói yếu lắm làm lung lay cái gạc trắng trước cổ :

 - Nhiều người mù đang cần tôi .

 

Người đàn bà trẻ, Gabi Hollows, vợ ông yên lặng lắng nghe, bà đã quá hiểu tính ông, bà là người cộng sự đắc lực với chồng hơn hai mươi năm rồi. Bà đã đi theo ông khắp bốn phương trời.

 

Hai đứa con trai sinh đôi, Rosa và Ruth nằm trong xe khóc òa. Có lẽ chúng đói sữa.

 

*

*     *

 

Ông nhìn tôi nói :

 - Dr. Hung, quốc gia của anh có một lịch sử gắn liền với những cuộc chiến đấu vĩ đại không ngừng nghỉ. Cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thuộc địa.

 

*

*     *

 

Người dân Úc bàng hoàng khi nghe tin giáo sư Hollows cùng đoàn phẫu thuật tới Việt Nam sau khi Người ra viện mấy ngày. Trong đoàn có bác sĩ John, Peter Corris... mang thêm nhiều kính mổ hiển vi tặng các khoa Mắt, và nhiều dụng cụ khác. Nhưng quan trọng nhất là việc chuyển giao kỹ thuật mổ cườm tiên tiến thay kiểu mổ cũ kỹ già nua hiện nay tại Việt Nam.

 

Họ làm việc ở Viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Lê Lợi... họ chuẩn bị chương trình hướng dẫn cho gần sáu trăm bác sĩ mắt trong nước, một dàn máy mổ hiển vi hàng loạt cho tất cả phòng mổ mắt khắp nơi tại nước Việt. Dự định phải có một nhà máy chế tạo kính để lưu giữ ánh sáng trong mắt, hoàn thành tháng 4 năm 1993. Con người vĩ đại đó đến quê tôi, bên trái Người còn mang kè kè trái thận nhân tạo lớn bằng trái sầu riêng, mang luôn miếng gạc trắng trước cổ che cái lỗ mới mổ hôm nào, giáo sư Hollows tuyên bố :

- Dù tôi sống hay chết, những chương trình này vẫn tiếp tục tại Việt Nam, vì cạnh tôi còn có những con người cộng sự tuyệt vời, họ sẽ tiến hành đến cùng .

 

*

*     *

 

Trở về châu Úc, trong ba tháng cuối năm 1992 ông làm việc không ngừng nghỉ cho Việt Nam. Khuôn viên đại học, nhà thờ, tivi... ông đã quyên được hai triệu đôla. Chính phủ hứa, nếu giáo sư quyên được một thì chính phủ giúp một. Chính phủ cho thêm hai triệu. Giờ ông có đủ tiền cho ước mơ của mình.

 

Năm mới 1993, thân người ông ốm dần, ít xuất hiện hơn trong khi khám bệnh, mỗi tuần còn một buổi khám. Người ta tiếp tục bắt ông điều trị ung thư lại trong bệnh viện tối tân hiện đại nhất nước. Điều trị bằng Pioneer. Hàng ngàn lá thư thăm hỏi, vô số bông hoa phủ kín giường, nhiều chai rượu có kèm nhiều vần thơ lạ... Có hôm ông tuyên bố trước báo chí :

- Tôi đang được may mắn điều trị nơi đây. Còn những người khác... có được may mắn này không ?

 

*

*    *

 

Cô con gái đầu lên 10,  Cam Hollows đang mải mê chơi đàn piano, mấy cậu con trai đùa chơi cạnh cửa, người vợ trẻ Gabi đang pha sữa cho đôi bé song sinh. Một thân người ốm o trên chiếc xe lăn ngồi đọc sách cạnh cửa sổ. Những cánh cửa mở tung, rộng mở nghênh đón ngọn gió biển Thái Bình Dương, vùng biển Randwich. Vùng biển có bệnh viện ông làm việc thấm thoát trên hai mươi năm, có mái nhà của con người nhân ái. Gió biển làm hất tung sách vở bề bộn trên cái giường nhỏ kê sát ông. Giáo sư nhìn đám con tâm sự :

- Giờ tôi đang đau đớn, không thở nổi, nhưng cái thèm khát nhất của tôi vẫn là thông tin từ bên ngoài, thông tin về những con người mù lòa ở nơi xa xôi kia, những quyển sách vì đau không đọc được..., tôi đang sắp chết, cái buồn phiền nhất là phải xa những đứa nhỏ con tôi... nhưng dù sao chúng nó còn có một người mẹ Gabi vĩ đại bên cạnh….

 

Ngoài kia nắng lên cao. Chỉ vài ngày sau, Người không còn ngồi đọc, nằm lắng nghe radio, nghe người ta đề cử, chuẩn bị hồ sơ cho giáo sư Fred Hollows giải Nobel Hòa bình 1993.  Người ta vừa tặng thêm Người huy chương cao quý "Rotary International Award  For Human Outstanding" vì những cống hiến của ông cho các quốc gia kém phát triển, kèm theo 150.000 đôla... Giáo sư  ráng viết trên tờ giấy trắng :

-  Tiền thưởng 150.000 đôla này sẽ dành giúp đỡ cho Việt Nam, đất nước đang có hơn 1 triệu người mù do cườm mắt, giúp đỡ xây dựng một nhà máy chế tạo kính thay thủy tinh thể mắt, giúp đỡ dụng cụ cho các bác sĩ Việt Nam có thể tiến hành mổ 180.000 trường hợp trong một năm, giải quyết sự thống khổ này".

 

*

*     *

 

Ngày 15-1-1993 cả nước Úc ngậm ngùi đưa tiễn giáo sư Hollows, có ngài Thủ tướng Úc theo sau linh cữu.

 

Thủ tướng thay mặt chính phủ truy tặng danh hiệu "NGƯỜI CHA GIÀ ÚC CHÂU" cho Người.

Mấy ngày trước, Giáo sư vẫn ước muốn được chôn cất trong vùng Burke, nằm ở phía Tây Bắc thành phố Sydney, cách 60 km từ thành phố. Vùng đất Burke là vùng tự do, những ngôi nhà ở đây không có hàng rào chia cắt, có nhiều ánh sáng...

 

*

*     *

 

Sau sự ra đi của Người, vợ ông, bà Gabi Hollows, cùng đoàn cộng tác trong đó có ông Myke Lynskey, bạn thân của giáo sư, là giám đốc Foundation Hollows, cùng nhiều bác sĩ khác... tiếp tục trở về Việt Nam nhiều lần. Lần này họ đi xa hơn, từ vùng cao Bắc bộ đến châu thổ sông Cửu Long, cao nguyên đất đỏ miền Trung. Hàng trăm kính hiển vi phẫu thuật trang bị cho tất cả khoa Mắt trong nước, truyền đạt kiến thức y khoa cho các bác sĩ nhãn khoa mọi nơi, hàng tấn dụng cụ y khoa… đem tới từ Foundation Hollows, chưa kể nhà máy chế tạo kính thay thủy tinh thể mắt dự định được xây dựng từ năm 1995 tại Hà Nội.

 

Mỗi ngày qua, hàng ngàn bệnh nhân được cứu chữa để họ lại thấy ánh sáng cuộc đời. Từ tất cả công việc của lòng nhân ái cao cả đó, nỗi thống khổ vơi dần ở quê hương tôi. Làm sao quên được những con người vô danh trong những nhà thờ một sáng chủ nhật nào, cũng như những nơi khác ở Úc châu. Họ là những con người nhân ái đã cùng góp sức với Người - Giáo sư Fred Hollows - làm nên hàng triệu phép lạ.

 

Người, một cây hoa lạ bên bông, một con chim mang đầy thương tích luôn luôn khát khao mang tin vui đến những vùng đất thống khổ. Con thần điểu nhân ái đó đã dành những năm tháng quý báu cuối cùng cho Việt Nam, quê hương tôi.

                                   
Dương Ðình Hùng
Số lần đọc: 2646
Ngày đăng: 27.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quán nhớ - Nguyễn Ngọc Tư
Sành điệu hay đua đòi - Tâm Việt
Hiên trước nhà một bà già tốt bụng - Nguyễn Ngọc Tư
Lưu lạc một vần thơ - Dương Ðình Hùng
Những đôi mắt ngóng trông - Dương Ðình Hùng
Mật ngọt của rừng - Tạ văn Sĩ
Nơi ấy, biển ở phía Tây… - Nguyễn Thanh Xuân
Làng ngựa Đức Hoà - Lê Phú Khải
Đất phèn - Lê Phú Khải
Về xứ nhãn tiêu hồng - Trần Đổ Liêm