Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.147
123.225.594
 
Thơ như giọt máu ứa
Nguyễn Hoàn

 

Tác giả: Nguyễn Thị Hoàng

 

Nguyễn Thị Hoàng là nhà văn nữ nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975, sinh năm 1939 tại Huế, quê ở làng Quảng Điền, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Nhắc đến Nguyễn Thị Hoàng là nhắc đến một tác giả văn xuôi tài năng, bút lực sung mãn, văn chương đậm chất hiện sinh, lối viết sang trọng, “quý phái”, với gần 30 tiểu thuyết và nhiều tập truyện ngắn, trong đó có tiểu thuyết “Vòng tay học trò” từng gây “chấn động”, xôn xao văn đàn miền Nam một thời. Nguyễn Thị Hoàng còn làm thơ và là một nhà thơ thứ thiệt từ trong máu huyết, theo đúng nghĩa của từ “nhà thơ”.

            Sau năm 1975, Nguyễn Thị Hoàng vắng bặt trên văn đàn. Mãi đến năm 1990, tức là sau 15 năm, Nguyễn Thị Hoàng mới xuất hiện trở lại với “Nhật ký của im lặng” và năm 2007, với bài viết “Nghĩ từ thơ Thái Kim Lan” đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo số Xuân Mậu Tý, tháng 12/2007. Đáng chú ý, đầu năm 2020, có hai tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng được xuất bản, đó là tập thơ “Mây bay qua trời xưa” và tập truyện ngắn “Trên thiên đường ký ức”, đầu năm 2021, có năm tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng được xuất bản, đó là các tiểu thuyết, truyện dài “Vòng tay học trò”, “Một ngày rồi thôi”, “Tiếng chuông gọi người tình trở về”, “Tuần trăng mật màu xanh” và “Cuộc tình trong ngục thất”, thông qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Đây là lần xuất hiện trở lại của Nguyễn Thị Hoàng sau năm 1975 có vẻ như được chuẩn bị kỹ hơn, nhiều tâm sức hơn, khi hiện nay bà “vẫn sống và viết ở Saigon, trong “cõi riêng” biệt lập bình an” như lời ghi trên các bìa sách của bà vừa xuất bản.

            Qua lời tựa “Nói với… ” của Nguyễn Thị Hoàng viết cho tập thơ “Mây bay qua trời xưa”, người đọc được biết năng khiếu làm thơ của Nguyễn Thị Hoàng phát lộ rất sớm, từ lúc còn học lớp 5, lớp 7. Tập thơ “Mây bay qua trời xưa”, tập hợp, tuyển chọn những bài thơ Nguyễn Thị Hoàng đã viết từ 1960 đến 2018. Nhận xét tổng quan về thơ Nguyễn Thị Hoàng, nhà thơ quái kiệt Bùi Giáng đã dành “lời lời châu ngọc” để ngợi khen: “Thơ Nguyễn Thị Hoàng trang nhã như thơ Bà huyện Thanh Quan, mà lại cũng cay đắng như thơ Hồ Xuân Hương, nhiều lúc nghe thống thiết như thơ bà Đoàn Thị Điểm” (1).

            Bùi Giáng dùng từ “như”, tức là đã làm “văn học so sánh” khi đọc thơ Nguyễn Thị Hoàng trong mối liên tưởng đến các nhà thơ cổ điển nổi tiếng. Có “như” thì cũng phải có “khác” chứ! Ta hãy tạm gác từ “như” qua một bên để đọc “Mây bay qua trời xưa” với một tâm thế khác, để đi tìm nét mới, nét riêng, nét khác của thơ Nguyễn Thị Hoàng.

            Thơ Nguyễn Thị Hoàng đề cập nhiều cung bậc nhân sinh, nhưng cũng như bao nhiêu nhà thơ khác, Nguyễn Thị Hoàng viết nhiều thơ tình và phải nói suối nguồn cảm hứng này ở bà tuôn trào dạt dào, lai láng.

            Thơ Nguyễn Thị Hoàng có lối xưng tụng tình yêu khác với thơ tình của những người khác. Với Nguyễn Thị Hoàng, tình yêu có vai trò như một sự “sáng thế”, sự khởi nguồn cho tất cả, tình yêu tôn vinh ngôi vị con người trên cả hai trục không gian và thời gian: “đại cuộc” và “tương lai”:

            Sẽ từ em tất cả

            Sau lưng thời hai mươi

            Cùng mặt trời rực rỡ

            Mọc lên một loài người

            ………

            Sẽ là chương thứ nhất

            Huyền sử của muôn loài

            Từ đôi môi ngây ngất

            Một lần em mỉm cười

            ………

            Vì em là tất cả

            Ta sẽ nối tay đời

            Vươn vai qua thế kỷ

            Đưa Con Người lên ngôi

           

            Xin tình yêu diễm phúc

            Nuôi lòng lành trong tôi

            Xin tiêu tan địa ngục

            Để trần gian tuyệt vời

 

            Xin tình yêu diễm phúc

            Ghi lời thề không nguôi

            Một đời cho Đại Cuộc

            Một người cho Tương Lai

                        (Ước nguyện)

            Mãi mãi từ em khởi nguồn tất cả

            Ngàn muôn năm trời đóng mở luân hồi

                        (Vết thương vĩnh cửu)

            Trong tình yêu, con người được giao hòa cùng vũ trụ, được hấp thu sinh lực từ muôn trùng:   

Khi ta nhìn đắm đuối đôi môi em

            Là tin vui hạnh ngộ đã lan truyền

            Hồn tiểu ngã giao thoa cùng đại ngã

            Vượt muôn trùng sức sống trở về tim

                        (Ngộ nhận)  

            Thế giới trong thơ tình Nguyễn Thị Hoàng là một thế giới khác thường, thể hiện trên cả hai trục không gian và thời gian: không gian “rợn ngợp”, còn thời gian “nghiêng thế kỷ”, một thế giới được nhân hóa mạnh mẽ:  

            Có phải bởi nhìn nhau nên đất trời rợn ngợp

            Mấy ngàn năm yêu dấu chỉ một lần

            Buổi em về trên đỉnh ngọn Lạp Sơn

            Anh có thấy trần gian nghiêng thế kỷ

                                    (Tiếc)

            Trong thế giới khác thường đó, những cử chỉ âu yếm của đôi tình nhân dành cho nhau không còn là những cử chỉ thường tình muôn thuở nữa mà đã trở thành những nghĩa cử trân quý, những nghi thức xưng tụng đặc biệt của “tôn giáo ái tình”:

Em sẽ rửa chân anh

            Bằng môi và tóc em

            …......

            Em sẽ rửa chân anh

            Bằng mồ hôi và nước mắt em

            ………

            Em sẽ rửa chân anh

            Bằng hồi sinh ngàn kiếp cho em

            ………

            Em sẽ rửa chân anh

            Bằng vầng sao long lanh

            ………

            Em sẽ rửa chân anh

            Với ngàn hoa hồng xanh

                        (Phục sinh)

            Tình yêu là cùng chung hơi thở, như hơi thở của nhục cảm trong thơ Xuân Diệu: “Hãy khắng khít những cặp môi gắn chặt” (Xa cách) hay hơi thở của sự hòa điệu trong thơ Huy Cận: “Hồn em anh thở ở trong hơi” (Áo trắng). Hơi thở tình yêu trong thơ Nguyễn Thị Hoàng là hơi thở của “tôn giáo ái tình”, thở tha thiết, khẩn khoản như một nguyện cầu, thở nồng nàn khát vọng như lửa cháy:

            Anh có thấy chiều nay em thở

            Bằng lời thiêng thánh kinh

            Chuyện chúng mình

                        (Phương trình hợp nhất)

Bao nhiêu lửa cháy lên trời

            Từ khi hơi thở yêu người long lanh

                                    (Phân thân

            Xưng tụng tình yêu hết mực, vẫn với bút pháp độc đáo dựng cảnh, dựng tình trên hai trục không gian và thời gian gắn kết nhau, thơ Nguyễn Thị Hoàng đã dựng nên hình ảnh người tình mang chiều kích đặc biệt. Trong sinh thể nhỏ nhoi của con người, có chứa sự trường sinh của thời gian và sự mênh mang của vũ trụ, như thể thấy được rằng “trong hạt cải có chứa núi Tu di” vậy:

            Ngọn trường sinh từ hạt bụi nơi chân

            Tòa vũ trụ ẩn trong ngần dưới áo

                                    (Tuyệt tịnh)

            Xưng tụng tình yêu hết mực, Nguyễn Thị Hoàng có nhiều thi tứ hoan ca chất ngất:

            Hãy nhảy trong đời nhau

            Khúc flamenco ngập nắng

            Cát mặt trời và đêm lửa dậm chân

            Trên nền định mệnh chói chang tuyệt phúc

                                    (Thể hiện)

            Bút pháp thơ kết nối khéo léo cõi thực và cõi mộng, cõi hư, cái hữu hình và cái vô hình, cái nắm bắt được và cái không nắm bắt được… trong thế giới vi diệu của tình yêu: gối đầu lên trăng tàn, gối đầu lên hương phai hay sấp mình trên nỗi ăn năn:

            Dáng em khuất nẻo thiên đường

            Tôi về gối chiếc trăng tàn khuya nay

                        (Tiếng gọi)

            Ngồi gối đầu lên hương đã phai

                        (Lung linh)

            Chiều nay xin nằm xuống

            Sấp mình trên ăn năn

                        (Số phận)

            Tình yêu hướng đến cái tuyệt đối, như Xuân Diệu viết: “Anh thèm muốn vô biên và tuyệt đích” (Phải nói). Diễn tả đến tận cùng cái tuyệt đối này, có lúc Nguyễn Thị Hoàng mượn ngôn ngữ toán học, hóa học để triết lý về cái một, cái nhất thể hòa điệu của tình yêu:

            Đâu cần phải là những vòng tròn đồng tâm

            Trong không gian tiền kiếp

            Đâu cần là những vòng tròn tương giao nơi tiếp điểm

            Mà những vòng tròn phải chính là nhau

            Sống chết bằng nhau từng phân tử địa cầu

            ………

            Hai vòng tròn đồng tâm chỉ một

            Một mê hoan và một thương đau

            Buổi nguyện cầu

                        (Phương trình hợp nhất)

Lại có lúc Nguyễn Thị Hoàng mạnh bạo dùng từ “chết”. “Chết” không có nghĩa là mất mát, tiêu vong, hủy diệt. “Chết” ở đây chính là “nỗi chết”, “chết” tức là sống hết mình, sống cùng tận nỗi đời, sống với “cái tuyệt đối”, “chết” là “thú đau thương”, “chết” là để “phục sinh” trong nước mắt, trong khắc khoải của ái tình muôn thuở:

Người đã tới giữa trần gian vắng lặng

            Chân rất êm và lời cũng rất thầm

            Cả tinh cầu rung chuyển nhạc tri ân

            Lòng tử tội ước trăm lần được chết

                                    (Ác mộng)

Hỡi em

            Ta muốn giết chết và chôn em

            Nếu hồn ta là tháp ngọc

            Nếu đời ta là biển xanh

            Nếu tình ta là thuốc độc

            Làm sao nhớ

            Làm sao quên

            Những phút giờ mật ngọt

            Nói và nghe lời không nói được

                        (Mặt trời vĩnh biệt)

            Như niềm yêu là nỗi chết sau cùng

                                    (Ác mộng)

            Khát vọng của tình yêu là tìm kiếm cái tuyệt đối, cái vô cùng, Nguyễn Thị Hoàng đã diễn tả rất đạt điều này nhưng không dừng lại ở sự “lãng mạn” đó. Với cái nhìn xoáy sâu vào bản thể, nhà thơ cật vấn “thần ái tình” về bộ mặt đích thực của tình yêu:

            Linh hồn hay thể xác

            Trong mỗi lần yêu đương

            Thiên thần hay quỷ ác

            Trên những làn môi hương

                        (Giới hạn)

            Nhận chân tình yêu không chỉ có “mê hoan” mà cả “thương đau”, không chỉ có ngọt bùi mà cả cay đắng, thơ Nguyễn Thị Hoàng có những dòng phản tỉnh đầy “cay nghiệt”, bi phẫn, nói như Nguyễn Thị Hoàng, thơ “đôi khi cũng là tiếng gào la thống hận”:

            Ngày tạ thế hạnh phúc tuyệt vời

            Hung thủ là con người

            Mũi tên độc là sự tầm thường

            Cánh cung là lời phán quyết xuẩn ngốc

            Như sức mạnh của chết chóc

            Là lòng vị kỷ u mê

            Của loài gia súc ăn trong máng cám

            Những phế phẩm thừa ô tạp trần gian

            Con mắt phàm chẳng ngó thấy thiên đường

                        (Mặt trời vĩnh biệt)

            Khi đánh mất lòng tin

            Ta chỉ còn đống rác

            Khi bỏ quên trái tim

            Ta chỉ còn trái nát

                        (Đổ vỡ)

            Nhưng không thể sống mà không có tình yêu. Lời thơ nặng nỗi dỗi người, dỗi đời: “từ chối cõi sống thừa”, “trần gian xin trả lại”, khi tình yêu đã mất:

            Ta sẽ làm con giun trở về với đất

            Từ chối cả cuộc đời

            Từ chối cõi sống thừa

            Khuất dấu em

                        (Mặt trời vĩnh biệt)

Ngày mai ta bỏ đi

            Trần gian xin trả lại

            Đá tảng nào vô tri

            Chết một đời rêu ai

                        (Lời rêu)

            Diễn tả tình yêu với muôn vàn sắc thái, cung bậc của nó trong đời, có hoan ca, bi ca, đắng cay, đổ vỡ…, nhưng rồi thơ Nguyễn Thị Hoàng hướng đến tiếng nói sau cùng, tiếng nói của trải nghiệm, của “dấn thân”, vượt thoát, tiếng nói của trái tim thương tích nhưng từ tâm, nhân bản, đôn hậu, bao dung. Như Nguyễn Thị Hoàng đã viết trong lời tựa của tập thơ này: “Thơ là tiếng im thoát ra từ niềm đau, như giọt máu ứa từ vết thương lặng lẽ”:

            Ta chép lại tên em bằng nước mắt

            Xin thời gian làm nhớ cũng làm quên

                        (Ảo cảm)

Ta sẽ viết tên em bằng nước mắt

                        (Ngộ nhận)

            Người ơi người ta khóc ra dòng máu

                                    (Ác mộng)

Suốt đêm dài ta cắn vỡ trăng mê

            Trong tim ấy tình yêu ta chảy máu

                                    (Mơ mòng)

            Giữ lấy vết thương mà bay lên

                        (Vết thương vĩnh cửu)

            Trải nghiệm vết thương giúp con trai hóa ngọc. Những viên ngọc thơ cũng vậy, là kết tinh từ những trải nghiệm nhân sinh, nỗi đời sâu sắc, ý vị. Tuy nhiên, việc “hóa ngọc”, “hóa thơ” nào đâu có dễ, vì nó là sự sinh thành từ cơn đau sáng tạo. Để trải nghiệm được mà không bị “nhấn chìm”, không bị đánh mất mình, chủ thể trải nghiệm phải có ý thức cao về bản thể của mình. Chịu ảnh hưởng của triết học hiện sinh, thơ Nguyễn Thị Hoàng đầy trở trăn về việc tìm kiếm, tạo nên cái tôi, “tôi làm ra tôi”, giữ gìn, khẳng định cái tôi bản thể, tránh nguy cơ vong thân, tha hóa, đánh mất mình:

            Ta hiểu rồi, ta sẩy mất đời ta

                                    (Mơ mòng)

            Tôi trở về tôi cũng biến mất tôi

                        (Cuối cùng)

            Tôi ơi tôi lạ tôi rồi

            Ngàn năm biệt xứ mỗi đời vong thân

                        (Kinh định mệnh)  

            Bỗng một ngày ta trở lại tiền thân

                        (Trở lại)

            Chiều rồi chiều ta đi tìm kiếm ta

                        (Mùa đông thứ mười bảy)

            Hỡi ta

            Phải trở về nguyên sơ bản thể

                        (Thể hiện)

            Và đây là cái tôi phong phú, giàu có về mặt tâm hồn, cái tôi an nhiên tự tại với chân tâm của mình, qua trải nghiệm nhân thế, cái tôi của con trai hóa ngọc:

            Một thân qua khổ nạn

            Thân ấy trải muôn ngàn

            Một tâm qua bão loạn

            Chân tính hoài vô can

                        (Thể nghiệm)

            Thơ Nguyễn Thị Hoàng có một nẻo vào cõi Phật, vào Thiền như một lẽ thường tình, trên hành trình hóa giải “khổ nạn” và vượt thoát, thăng hoa về mặt tâm hồn, tâm linh trong cõi nhân sinh. Nhận ra sự vô thường của tạo hóa, sự hữu hạn của đời người trong cõi tạm:

            Dưới bàn chân đại nguyện dẫm hư không

            Trên cỏ biếc giọt sương hồng ảo hóa

                        (Vết thương vĩnh cửu)

            Bởi vì ta là phóng ảnh phù du

            Không mà có có mà không lở dở

                        (Trầm ca của gió)

            Lạ lùng cơn mộng huyễn

            Trẻ thơ thoắt bạc đầu

                        (Trời đi đâu)

thơ Nguyễn Thị Hoàng tập trung “thiền quán”, quán tưởng về lẽ “sắc không” theo cái nhìn của nhà Phật: “Bởi tất cả đâu phải là sự thật, Có rồi không không vẫn có vô cùng” (Vết thương vĩnh cửu). Chữ “không” của nhà Phật không phải dùng để nói về cái không có, mà dùng để nói rằng sự vật có đó, nhưng không có tự tính độc lập, tất cả do duyên hợp mà thành. Theo đó, nhà Phật bảo có mà không, không mà có (sắc tức thị không, không tức thị sắc). Ví như thân xác con người hình thành bởi tứ đại: đất, nước, gió, lửa, những thứ đó con người không tự có mà phải vay mượn của tạo hóa và trả lại tạo hóa khi lìa đời. Thơ Nguyễn Thị Hoàng đã diễn tả chữ “Không” trừu tượng đó của nhà Phật một cách dễ hiểu, rằng con người không nên nhầm tưởng ở cái có giả hợp, mà phải vượt qua cái giả hợp, vượt qua tham sân si để vào “Không”, tức là vào tận thể tính của sự vật: “không vẫn có vô cùng”, “chỉ hư không là của cải” (xin mở ngoặc, hư không ở đây không hiểu theo nghĩa: không có gì):

            Đã tưởng đất này là của tôi

            Đã tưởng nhà này là của tôi

            Nhưng rồi chẳng phải

            Không của tôi và không của ai

            Chỉ hư không là của cải

            Như gió trong cây xanh mãi bên đời

            Mây trôi theo vô cùng tận qua trời

                        (Khoảng không đầy)

            Đời như đá nén trong tim

            Thoát thân khoảnh khắc qua Thiền vào Không

                                    (Nhẫn)

            Có thể nói, “Mây bay qua trời xưa” là tập thơ tinh tuyển một đời của Nguyễn Thị Hoàng, một cây bút văn xuôi nổi tiếng vẫn dành bao tinh lực, tâm huyết cho thơ. Thơ tình, thơ đời, dò thấu những miền thẳm sâu của tâm lý, đậm chất triết lý. Thơ có vần, thơ tự do, có những bài thơ dài, cảm xúc như lớp lớp sóng xô dào dạt, chan chứa. Chất thơ và bút pháp thể hiện có những nét mới, hiện đại. Đạt được kết quả đó là do Nguyễn Thị Hoàng ý thức sâu sắc về sự thai nghén, sinh thành tác phẩm:       

            Trời đứng nghiêng mình trên đỉnh non

            Hai chân run rẩy mím môi hờn

            Một dòng suối thắm trào trong đất

            Vũ trụ tan tành sấm chớp tuôn

                                    (Tác phẩm)

            Đó chính là cơn đau sáng tạo: trải nghiệm, chất chứa, “bùng nổ”, thăng hoa!

…………………………………………………...

            (1) Bùi Giáng đười ươi chân kinh, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012, tr. 305.

           

 

 

Nguyễn Hoàn
Số lần đọc: 1299
Ngày đăng: 07.03.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thi ca đương đại(III) của thế giới thơ hôm nay - Võ Công Liêm
Thơ tình Trần Hạ Vi - Nguyễn Đức Tùng
Về tập “64 Bài thơ hay” và những tinh hoa - Nguyễn Thị Xuân
Thế giới của những thiên thần - Nguyễn Thọ
Cơ Duyên nào đưa Anh đến với thơ? - Hoàng Thị Bích Hà
Chân dung văn học với Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Võ Phiến, Nguyễn Tuân... - Đỗ Quyên
Thần tượng thơ ca và chiếc “bánh vẽ” - Nguyễn Anh Tuấn
Tản mạn về cái tôi Phạm Thiên Thư trong thi phẩm “ Trại hoa đỉnh đồi” - Phan Trang Hy
Vũ Thành Sơn, Kẻ khác bên trong chúng ta - Nguyễn Đức Tùng
Liên hệ thi pháp bài” Người đàn bà trắng” của Phạm Ngọc Thái - Nguyễn Thị Hoàng
Cùng một tác giả