Năm 1966, Nhà Xuất Bản An-Tiêm ấn hành ca khúc đầu tiên của Trịnh-Công-Sơn : “ Thần Thoại Quê Hương - Tình Yêu Và Thân Phận “, những ca khúc trong tác phẩm nầy được anh ôm đàn hát ở Viện Đại Học - Huế.
Thủa ấy Nguyễn-Văn-Phương [ Phương Xích Lô ] và tôi đã là đôi bạn sớm có máu lãng đãng trong người. Một hôm Phương rủ tôi :
-
T. tối nay đi nghe Trịnh-Công-Sơn hát ở Viện Đại Học với tao không ?
-
Ừ !
Đêm Trịnh-Công-Sơn một mình ôm đàn hát ở Đại Học Văn-Khoa năm 1967, tôi còn nhớ trong thính phòng có khoảng bảy tám mươi khán thính giả, hầu hết là sinh viên và giáo sư, có lẽ chỉ có Phương và tôi là hai cậu thiếu niên học sinh. Hình ảnh Trịnh-Công-Sơn, phong cách, trang phục giống những người thầy dạy trung học thời ấy.
Sau Mậu-Thân [1968] ba mẹ tôi mua căn nhà 1 - Hồ-Xuân-Hương - Huế để ở, vì quê hương thời loạn không thể sinh sống được. Nhà của Phương nằm trong hẽm kiệt 1 - Chi-Lăng nên chúng tôi thường gặp nhau, hơn nữa hai đứa có chung căn bệnh. Đó là bệnh “ mộng làm thi sĩ “.
Vào một buổi sáng chủ nhật Phương đến nhà tôi rất sớm rủ tôi :
- T. mi đi với tau qua mời anh Trịnh-Công-Sơn uống cà phê không ?
- Tôi chẳng cần hỏi mi quen anh TCS bao giờ ! “, vì tính Phương thế gian mọi sự cứ tự nhiên, nhưng bạn rủ thì tôi cứ đi.
Tuổi trẻ, cố đô Huế, mỗi con đường, hàng cây, cảnh sinh hoạt còn dấu nỗi đau sau tết Mậu Thân oan nghiệt với bài ca “ Chiều Đi Qua Bãi Dâu Hát Trên Những Xác Người “ của Trịnh-Công-Sơn.
Phương và tôi qua cầu Trường Tiền. Ôi ! Chiếc cầu trước 1968 biểu tượng tà áo trắng yêu kiều của nữ sinh Đồng-Khánh và dòng Hương ngày ấy chẳng khác nào mái tóc thề của những người đẹp Huế mộng mơ. Sau Mậu Thân chúng tôi đi qua cầu, hai đứa ngắm nhìn cảnh sinh hoạt của Huế ngày ấy mà ngậm ngùi, chiếc cầu đã gãy hai nhịp chúi xuống nước, tôi và Phương đi qua nhịp cầu bằng gỗ thẳng băng nối lại bốn vài tám nhịp của hai bờ.
Nhạc sĩ Trầm-Tử-Thiêng, một tài năng rất mực của Quảng-Nam - Đà-Nẵng đã thay người Huê` nói lên nỗi đau của cầu Trường Tiền qua ca khúc “ Chuyện Chiếc Cầu Đã Gãy “ :
Một ngày vào thủa xa xưa . . .
trên đất Thần Kinh
người bỏ công lao
xây chiếc cầu xinh.
. . . . . . . . . . . . . . . .
Nước dưới cầu nước vẫn trong xanh
như lòng người dân lành
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Vì sao không thương lấy nhau
còn gây khổ đau
làm gãy nhịp cầu . . . .
Trịnh-Công-Sơn hồi ấy ở trong appartement [ chung cư ] Nguyễn-Trường-Tộ, phòng số 11/3, bây giờ là Cà Phê Gác Trịnh do chủ bút Tạp Chí Tinh Văn là nhà thơ Lê-Huỳnh-Lâm làm chủ để đón mời khách thập phương muốn thăm thấy nơi Trịnh-Công-Sơn và gia đình nhà văn Hoàng-Phủ Ngọc-Tường từng lưu trú dài năm . Tôi theo Phương bước lên cầu thang đến một căn phòng, Phương đưa tay đẩy cửa, hình ảnh đầu tiên tôi thấy là chiếc xe đạp, một cái bàn gỗ, mấy cái ghế mây và phía trong là bức màng phủ xuống, Phương chẳng ngại ngần đi thẳng vào kéo màng đánh thức người đang ngủ :
- Anh Sơn ! Dậy đi uống cà phê với bọn em ?
Tôi thấy Trịnh-Công-Sơn nằm trên ghế bố đắp chăn, đầu hướng lên phía nhà thờ Phủ Cam, giọng anh Sơn còn ngái ngủ đáp
- Hôm qua anh say quá, hai em đi đi . . . :
Trên đường đến quán cà phê ở Bến Ngự, Phương hỏi tôi :
- Mi có muốn làm với bác Trần-Như-Hy kiếm tiền tiêu không ?
- Làm chi ?
- In lụa, đúc mấy mẫu hàng mỹ thuật, tau đang làm nhưng tay chân tau không chú tâm nên hàng hay bị hỏng.
Thời điểm ấy là ba tháng hè nên tôi đồng ý.
Gia tộc bác Trần-Như-Hy ở đường Phan-Đình-Phùng, bên cạnh là nhà in Thánh-Tâm, cách chợ Bến Ngự khoảng năm trăm mét. Đó là một gia tộc lớn với căn nhà rường, sân trước vườn sau rộng thênh thang. Hồi ấy bác Hy làm thư ký ở Viện Đại Học - Huế, ngoài công việc của ngành giáo dục, bác còn năng khiếu về nghệ thuật nên bác mở xưởng in lụa, làm những mẫu hàng mỹ thuật cung cấp cho thị trường. Khi Phương giới thiệu tôi, qua một vài hôm thử việc, bác bằng lòng nhận tôi làm chính thức.
Ngày ấy bác sĩ Bửu-Châu và Bửu-Tôn, em vợ bác Hy đều ở trong căn nhà rường quý tộc ấy. Tôi làm công với bác Hy trong ba tháng hè, đến kỳ đi học buổi nào rảnh tôi có thể lên phụ việc với bác. Kỷ niệm ngày xưa, mỗi lần nhớ lại thì lòng xao xuyến như mây trời tụ tán. Làm sao quên được anh Trần-Như-Hùng, con trai trưởng, là bạn học chung lớp với anh tôi ở trường Nguyễn-Tri-Phương, anh thay bác Hy điều hành mọi việc, thường chở tôi lên Long-Thọ để đổ đồng những mẫu hàng tôi đúc. Trai gái của vợ chồng bác Hy đều là tài sắc của Huế. Làm sao tôi quên được năm tháng tôi in lụa ở Bến Ngự. Khánh-Trang, em gái của anh Hùng, ngày ấy nàng học trường Đồng-Khánh, đôi má ửng hồng như hoa đào Đà-Lạt, những chiều nghỉ học nàng hay nấu chè bắp, khi tôi đang siêng năng làm hàng ở phòng sau ngó ra vườn, nàng thắm tươi bưng chén chè bắp vào phòng cho tôi nhẹ nhàng nói :
-
Anh, anh nghỉ tay ăn chè em nấu đó.
Trời ạ ! Làm sao tôi không cảm xúc cho được.
Có một buổi trưa tôi đang cặm cụi đổ khuôn đúc, nàng đi học về vô phòng tôi, giọng nàng hớt hãi nói :
-
Anh T. biết không, Trang đi học về, chút nữa thì Trang té xuống bến sông mà anh hay rửa tay chân đó.
Trước mặt nhà nàng có một bến sông, thường buổi chiều khi xong công việc, tôi xuống đó rửa tay chân. Dòng sông Bến Ngự, cỏ cây, hoa lá đẹp như một ca khúc và ca khúc bội phần hay hơn khi trong tim thầm yêu một bóng hình.
Những lời nàng nói đến bây giờ tôi vẫn mãi nhớ như niệm khúc đẹp nhất trong đời người, có hôm nàng đi học về chưa thay áo quần nữ sinh, vô phòng tôi làm việc, nàng nói :
- Hồi sáng Trang đi học đang đứng trong sân trương thì Trang thấy anh đi ngang cổng trường đó.
Khánh-Trang đã để lại trong lòng tôi nhiều thanh sắc mơ ước và tôi làm thơ . . . đến nay chỉ còn nhớ lại bốn câu :
Khánh-Trang ! Khánh-Trang
tim ta gọi nàng
khắp trời Bến Ngự
gió chiều mêng mang.
. . . . . . . . . . . . . . . . . .
Rồi khói lửa chiến chinh cuốn đời tôi đi qua chín khúc đoạn trường, tôi không còn gặp lại Khánh-Trang nữa. Năm 1985 tôi về Huế tìm Phương, anh chàng tự nhiên như nhiên ấy bây giờ là bác xích lô thứ thiệt, Phương có nói với tôi :
-
Bữa nớ tau chở Khánh-Trang và bác gái từ ga về nhà, tau có nói thằng T. ngày ấy thầm yêu nhớ trộm Khánh-Trang.
Ừ ! Thằng bạn mình thay mình chuyển lời yêu đến với Khánh-Trang như vậy là tốt rồi, bởi lẽ tuổi trẻ thời học sinh yêu ai chẳng bao giờ dám hé nửa lời.
Sau nầy Phương còn thông tin cho tôi nhiều diễn biến trong gia đình bác Trần-Như-Hy nữa.
-
Trần-Như-Hiển lấy em ruột Trịnh-Công-Sơn !!!
-
Khánh-Trang có người yêu du học ở Nhật, nàng ở vậy chờ mong !!!
Năm 1992 tôi đang điều hành văn phòng du lịch VYC 8 tại 183 - Võ-Văn-Tần - Q.3 - Sài-Gòn, có lẽ văn phòng tôi là một trong những đường dây đầu tiên đón khách Tây, khách Mỹ đến Việt-Nam. Thời ấy Cao-Hữu-Điền là Trưởng Phòng hướng dẫn, Điền bậc thầy đàm thoại cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Khi tôi đón đoàn khách Pháp tại phi trường Tân-Sơn-Nhất, Điền nói với tôi :
- Ngày mai mi nên đặt tiệc tại nhà hàng “ Quán Trịnh !!!” ở đường Hai-Bà-Trưng, đó là nhà hàng của anh em Trịnh-Công-Sơn.
Trưa hôm sau tôi đưa đoàn khách Tây đến nhà hàng ấy. Sau bữa tiệc đãi khách, tôi ra quầy thanh toán. Trời ạ ! Lạ lùng thay, caissière [thủ quỷ] là Khánh-Trang, tôi ngỡ ngàng không tin vào mắt mình nữa, chưa dám mở lời, chỉ nhìn nàng với trang phục màu đen, nàng ngước mắt lên rồi cúi mặt xuống, tôi nói :
-
Trang ! Trang ! Nhớ anh không ?
-
Nhớ ! Anh T.
-
Sao Trang mặc áo quần màu đen buồn vậy ?
Tôi nhớ mãi ngấn lệ rưng rưng trong mắt nàng trưa hôm ấy.
Tết Canh Tý [2020] tôi về Huế, một buổi sáng dừng chân ở Bến-Ngự đi tới căn nhà rường của gia đình Khánh-Trang, cửa cổng vòng cung đóng kín, một tấm bảng nhũ vàng có hàng chữ “ Phủ . . .” tôi nhìn vào, bên trong không một bóng người, chỉ có những bông hoa hải đường ngày trước vẫn thắm tươi trước sân nhà quý tộc.
Năm 1984 sau một thời gian về sống với ba mẹ, anh em ở quê nhà không được bao lâu thì máu lang thang nổi dậy, tôi lại tìm về xứ anh đào tạm cư trong nhà vợ chồng nhạc sĩ Phan-Bá-Chức, làm đủ ngón nghề kiếm sống, quấn thuốc lá, in lụa, phụ thợ hồ . . .1985 thì về Sài-Gòn sống lây lất nơi nầy nơi kia. Nơi tôi trú ngụ thường xuyên là kho tăm nhang của chị Sáu Phương, chị người Bến-Tre, nhan sắc mặn mà, lòng chị như mùa xuân, bốn mùa tươi tốt rộng mở. Ngày ấy Đoàn-Đại-Oanh là cán bộ to của thành ủy Hồ-Chí-Minh, anh Oanh sinh trưởng ở Bãi-Dâu - Huế, tốt nghiệp sư phạm Qui-Nhơn sau anh Trịnh-Công-Sơn, ra trường anh dạy ở Tuy-Hòa rồi đổi lên Đà-Lạt. Năm tháng kỳ hồ ở Sài-Gòn thỉnh thoảng tôi ngủ lại ở nhà anh tại 40 - Cư Xá Tự-Do - Tân-Bình, chị Tâm, vợ anh người Huế có bàn tay nấu bún bò và làm nem ché, thỉnh thoảng tôi phụ giúp chị giã thịt làm ché, chị thường nói :
-
Trịnh-Công-Sơn thích ăn ché chị làm.
Mỗi một hai tuần Trịnh-Công-Sơn đến nhà chơi và lấy ché, nhưng thường là anh Oanh đem ché cho Trịnh-Công-Sơn.
Năm 1986 tôi làm thủ kho cho cơ sở tăm nhang của chị Sáu Phượng. Tôi đã lăn lóc qua mười một quận Đô Thành nhưng chưa có nơi nào cây cao bóng cả như rừng lục ở kho tăm nhang của chị Sáu. Trước 1975 đó là doanh trại của tiểu đoàn lính nhảy dù Trần-Trung-Hiếu thuộc QLVNCH, chị Sáu Phượng thuê mặt bằng lớn rộng kinh doanh tăm nhang xuất khẩu qua Singapore và Hồng-Kông. Những năm tháng tôi làm thủ kho, có lẽ là quảng thời gian yên vui, cảm xúc nhất giữa thời áo cơm là nỗi khổ của con người.
Chị Sáu Phượng đẹp, tấm lòng rộng lượng, hơn nữa cơ sở ấy còn có vợ chồng Tập – Kiều-Huệ sẵn lòng đón gió bạn bè khắp nơi, bạn bè tôi từ Huế vào đến kho tăm nhang tìm tôi, có bạn xin lưu trú dài hạn như Hoàng-Công-Song, Nguyễn-Kiên-Định, Thu tóc bạc ở Bãi Dâu . . .hằng tháng chị Sáu chở cho tôi một tạ gạo để công nhân nam nữ nấu ăn trong những buổi làm tăng ca, tôi lấy gạo của chị nuôi bạn bè tá túc, chị biết nhưng không hề có lời nặng nhẹ.
Vào một buổi trưa tháng 6/1986 tôi đang coi sóc công nhân chẻ nhang thì anh Đoàn-Đại-Oanh đi vào, theo sau là nhạc sĩ Ưng-Lang, tác giả “ Mưa Rơi “, nhà văn Lữ-Quỳnh và anh Trịnh-Công-Sơn. Tôi ngạc nhiên vội vã trải chiếu mời các anh ngồi, rồi vội vã đạp xe ra ngã ba Ông Tạ mua thịt chó, đậu phụng và mấy lít rượu Gò Đen. Tôi bày biện ly cốc, mồi nhắm. Trịnh-Công-Sơn nhìn xuộng dĩa thịt chó nhẹ nhàng nói :
-
Moi không ăn được thịt chó.
Đoàn-Đại-Oanh nói :
Chúng tôi đang cụng ly nâng cốc trò chuyện thì có công nhân vào gặp tôi nói :
- Anh T. chị Sáu gọi anh.
Tôi đi ra gặp chị, chị nói :
- Chú ! Chú quen anh Trinh-Công-Sơn à ! Chị mê nhạc của anh lắm nhưng sao chú đãi anh Sơn tội nghiệp vậy, chú mời anh Sơn tối nay lên nhà chị, chị có rượu Ararat . . .
Tôi nói :
- Chị vào với em mời anh.
Chiều tối hôm ấy Đoàn-Đại-Oanh dẫn Trịnh-Công-Sơn và nhà thơ Lê-Nhược-Thủy đến nhà chị Sáu ở đường Cao-Thắng. Chưa bao giờ tôi thấy chị Phượng hân hoan đến thế, rượu Ararat và mồi nhắm chẳng khác nào một bữa tiệc sang trọng. Rượu uống một vài chung, Trịnh-Công-Sơn hỏi chị Sáu :
-
Cô Phượng có cây đàn không ?
-
Dạ ! Có ạ !
Rồi chị lên lầu trên lấy cây đàn.
Trịnh-Công-Sơn so giây rồi nói :
-
Bài nầy moi mới làm cách đây ba hôm.
Anh cất tiếng hát : “ Đêm chong đèn ngồi nhớ mẹ và câu chuyện ngày xưa, mẹ về đứng dưới mưa che đàn con không ngủ . . . “
Những ca khúc trước năm 1975 đã tạo nên thiên tài Trịnh-Công-Sơn, những ca khúc ấy cảm xúc từ “ Một Tâm Thức Sáng Tạo “ nên đi rất mau vào lòng người của mọi tầng lớp, còn những bản nhạc sau 1975, Trịnh-Công-Sơn cho ra đời từ “ Một Ý Thức Sáng Tác “ nên hai phương trời thật khác nhau .
{ Trích từ hồi ký “ Chuyện Đời Tôi “ }