Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.213.868
 
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 9)
Lê Ký Thương

 

Lê Ký Thương dịch từ bản tiếng Anh:
A PERSONAL MATTER  của John Nathan
NXB CHARLESE - TUTTLE COMPANY JAPAN -1994

 

9

Sáng hôm sau, Điểu lái xe của Himiko đến trường. Đậu trong sân trường đầy sinh viên, chiếc MG màu đỏ đập vào mắt mọi người, điều đó chẳng làm cho Điểu quan tâm cho đến khi anh bỏ chìa khóa xe vào túi. Từ khi găp chuyện rắc rối về đứa con, Điểu cảm thấy đầu óc mình trống rỗng.
Với nét mặt cau có, Điểu lách qua nhóm sinh viên đang dạo quanh chiếc xe. Trong phòng giáo viên, ông khoa trưởng của anh, một người nhỏ con mặc chiếc áo khoác sặc sỡ lệch sang một bên theo cách của người Mỹ gốc Nhật, thông báo cho anh biết rằng vị hiệu trưởng muốn gặp anh. Nhưng rõ ràng   lời thông báo ấy cũng chẳng làm cho Điểu quan tâm.
“Anh Điểu, anh thật sự là một vị…”, ông khoa trưởng nói một cách vui vẻ, như thể bông đùa, trong khi đó ông dò xét Điểu bằng đôi mắt tinh tế, “Tôi chẳng biết anh có phải là người can đảm hay chỉ trơ tráo, nhưng chắc chắn anh rất dũng cảm!”.
Tự nhiên, Điểu không thể nào không co rúm người lại khi anh bước vào giảng đường rộng lớn, ở đó đám sinh viên đang đợi anh. Nhưng đây là nhóm ở lớp khác, hầu hết họ không hay biết gì chuyện mất mặt ngày hôm qua của anh. Điểu tự động viên bằng ý nghĩ như thế. Trong suốt thời gian giảng bài, anh để ý đến vài sinh viên biết rõ sự việc, nhưng họ lại là dân thành phố, sống buông thả. Đối với họ, sự cố của Điểu chỉ lố bịch và pha một chút quả cảm. Thậm chí, họ còn nháy mắt cười với anh một cách lém lỉnh, đầy thiện cảm. Dĩ nhiên Điểu lờ đi.
Khi Điểu rời lớp học, một chàng sinh viên đang chờ anh trên đầu cầu thang xoắn ốc. Đó là người đã bảo vệ anh thoát khỏi cơn thịnh nộ của lớp học ngày hôm trước. Không những sinh viên đó đã bỏ giờ học trong lớp mà cậu ta còn đứng dưới nắng chờ Điểu. Những giọt mồ hôi lấp lánh trên hai cánh mũi và chiếc áo vải bông chéo màu xanh của cậu ta lấm tấm bùn nơi bậc thang cậu ta đang ngồi.
“Chào thấy!”
“Chào em!”. Điểu đáp lại.
“Em đánh cuộc là thầy hiệu trưởng gọi thầy. Rõ ràng thằng ngốc đó đã đi mách lẻo với thầy hiệu trưởng về câu chuyện của thầy hắn, hắn có cả bức hình thầy hắn nôn mửa được chụp bằng một máy ảnh bỏ túi!”. Chàng sinh viên cười điệu, lộ cả hai hàm răng lớn, trắng muốt.
Điểu cũng cười. Có thể nào kẻ tố cáo anh lúc nào cũng mang theo máy ảnh bỏ túi, rình rập với hy vọng chộp đúng cái giây phút mềm yếu của anh để làm bằng chứng buộc tội?
“Hắn nói với thầy hiệu trưởng thầy đến lớp vẫn còn say, nhưng năm sáu đứa bọn em muốn làm chứng rằng thầy đã bị ngộ độc thức ăn. Tụi em nghĩ tốt nhất là nên gặp thầy trước để bàn chuyện”. Chàng trai nói một cách láu lỉnh, ra vẻ một kẻ thấy trời không thấy trán nhưng rất tự mãn..
“Em và các bạn lầm rồi. Tôi có say. Tôi có lỗi như lời tố cáo của con người trong sạch đó”. Điểu vượt qua mặt chàng sinh viên và bước xuống cầu thang.
“Nhưng thưa thầy!” chàng trai vẫn kiên trì bám theo Điểu, “thầy sẽ bị sa thải nếu thú nhận điều đó. Thầy hiệu trưởng là người đứng đầu chi hội Cấm Rượu địa phương, nhân danh Chúa!”.
“Em đang đùa!”
“Thì tại sao ta không cho là bị ngộ độc thức ăn? Mùa này thường xảy ra như thế mà – thầy có thể nói rằng tiền lương ở đây quá thấp nên thầy đã ăn nhằm đồ thiu”.
“Tôi nghĩ rằng chuyện say sưa chẳng có gì phải lừa dối cả. Và tôi không muốn em nói dối cho tôi”.
“Hừm...!” chàng trai buộc miệng lên tiếng.
“Thưa thầy! Thầy sẽ đi đâu khi thầy rời khỏi nơi này?”.
Điểu cố phớt lờ câu hỏi chàng sinh viên. Anh không đủ sức để hết tâm trí vào bất kỳ một ý đồ mới nào. Anh khám phá ra rằng mình đã thiếu tự tin một cách lạ thường, mặc dù trong ý thức anh nghĩ rằng mình cần phải làm một điều gì đó với những lỗi lầm kia.
“Dù sao, có lẽ thầy không cần một chỗ làm tại trường luyện thi. Thầy hiệu trưởng sẽ cảm thấy hết sức ngớ ngẩn khi phải sa thải một giáo viên lái chiếc MG đỏ. Thầy hả!”.
Điểu bỏ đi để tránh tiếng cười sảng khoái của chàng sinh viên và bước vào phòng giáo viên. Anh đang bỏ hộp phấn cũ và tập văn tuyển vào hộc tủ của anh thì thấy một phong thư gởi cho anh. Đó là lá thư ngắn của người bạn bảo trợ nhóm sinh viên nghiên cứu cho biết trong một cuộc họp đặc biệt của họ, những người khác phải quyết định về chuyện cần làm gì cho ông Delchef. Điểu đã xé phong thư và sắp sửa đọc thì anh nhớ lại chuyện mê tín đáng buồn cười thời kỳ sinh viên của mình về khả năng có thể xảy ra – khi phải đối mặt với hai chuyện vặt cùng một lúc và chẳng biết điều gì sẽ xảy ra, nếu chuyện này mang đến may mắn thì chuyện kia sẽ gây ra tai họa – rồi nhét lá thư vào túi quần mà không đọc. Nếu cuộc gặp gỡ với vị hiệu trưởng quá tồi tệ, anh sẽ có lý do vững chắc để hy vọng rằng lá thư trong túi của anh mang lại điều tốt lành nhất.

Vẻ mặt của vị hiệu trưởng khi ngồi ở bàn làm việc nhìn lên báo cho Điểu biết rằng cuộc gặp này hàm chứa một tai họa. Anh phó mặc cho số phận, ít nhất anh cũng cố vui bất cứ lúc nào có thể được trong cuộc gặp gỡ này.
“Anh Điểu, chúng tôi đã có trong tay vài tin tức mâu thuẫn nhau về anh. Nói thực với anh cũng khó xử cho tôi đấy”. Vị hiệu trưởng nói với giọng của một nhà tư bản sắc sảo trong một bộ phim nói về một tập đoàn kinh doanh, vừa giáo điều vừa khắt khe. Còn ở độ tuổi giữa ba mươi, con người này đã chuyển một cơ sở giáo dục bình thường thành một trường dự bị đại học đang phát triển và bây giờ đang có ý định thành lập một đại học cấp thấp. Cái đầu vồ của anh ta được hớt nhẵn bóng và mang đôi kính đặt riêng – hai tròng kính hình bầu dục gắn với cái gọng dày và thẳng – làm nổi bật khuôn mặt không cân xứng của hắn. Tuy nhiên, trong đôi mắt tội lỗi ẩn sau cặp kính phô trương kia có một điều gì đó luôn luôn gây cho Điểu một tình cảm êm dịu đối với hắn.
“Tôi biết thầy đang nhắc đến điều gì. Và tôi có lỗi”.
“Sinh viên phàn nàn anh là một cộng tác viên thường xuyên cho tờ báo của trường – một anh chàng khó tính. Có thể sự việc sẽ rắc rối nếu anh ta làm to chuyện đấy…”.
“Vâng, dĩ nhiên. Tốt hơn là tôi xin nghỉ dạy ngay”, Điểu nhanh miệng nói, chủ động giải quyết để làm nhẹ gánh nặng cho vị hiệu trưởng. Vị hiệu trưởng khịt mũi một cách quá đáng rồi làm ra vẻ thảm hại.
“Tất nhiên, giáo sư sẽ khó chịu…” ông ta lên tiếng như muốn yêu cầu Điểu tự giải thích hoàn cảnh của mình với cha vợ.
Điểu gật đầu. Anh có cảm giác rằng mình sẽ điên tiết nếu không rời khỏi văn phòng ngay tức thì.
“Anh Điểu, còn một điều nữa. Dường như có một số sinh viên cứ khăng khăng rằng anh bị ngộ độ thức ăn và đang bàn tán về chuyện này. Họ khai là anh cho họ biết như vậy. Điều này không đúng phải không anh Điểu?”.
Điểu đánh mất nụ cười và lắc đầu. “Thôi, tôi không muốn làm mất thì giờ của thầy nữa”, anh lên tiếng.
“Anh Điểu, tôi rất buồn về tất cả chuyện này”, vị hiệu trưởng nói với giọng đầy chân thành. Đôi mắt to sau cặp kính hình bầu dục tối sầm lại với vẻ xúc động. “Tôi luôn luôn mến anh, anh là người có cá tính! Thật sự anh đã say phải không?”.
“Vâng, tôi say”, Điểu trả lời và anh rời khỏi phòng. Thay vì trở lại phòng giáo viên, anh quyết định đi tắt qua phòng bảo vệ, ngang qua sân chơi đến chỗ đậu xe. Lúc này anh muốn phó mặc mọi chuyện, và cảm thấy mình bị bẽ mặt một cách bất công.
“Thưa thầy, thầy bỏ chúng tôi sao? Thật là đáng tiếc khi thấy thầy phải đi”, người gác cổng buộc miệng lên tiếng. Như vậy là những tin tức về sự cố đã lan truyền, Điểu là người được lòng phòng bảo vệ.
“Nếu ở lại thì tôi chỉ làm phiền thêm cho nhà trường thôi”, anh trả lời, buồn bã nghĩ rằng mình không xứng đáng với tình cảm biểu lộ trên khuôn mặt nhăn nheo của ông già gác cổng.
Anh chàng sinh viên tự nguyện ủng hộ Điểu đang ngồi trên cửa xe MG, mặt cau có như một ông già dưới ánh nắng chói chang, thiêu đốt của mặt trời. Lối ra bất ngờ của Điểu từ cửa sau phòng bảo vệ làm cho anh chàng ngạc nhiên và nhảy bổ xuống đất, Điểu leo vào xe.
“Thế nào rồi? Thầy có nói với ông ta là ngộ độc thức ăn và bảo vệ quyền lợi của thầy không?”.
“Tôi đã nói với em rồi. Tôi say”.
“Vĩ đại! Thật là vĩ đại!” chàng trai lên tiếng giễu cợt một cách tức tối. “Thầy biết là thầy bị sa thải mà!”.
Điểu tra chìa khóa vào công tắc xe và mở máy. Ngay lúc ấy, đôi chân anh ướt đẫm mồ hôi, chẳng khác nào bước vào phòng tắm hơi. Ngay cả tay lái cũng nóng đến nỗi những ngón tay của Điểu giật nẩy lên.
“Chó má thật!” anh nguyền rủa.
Chàng sinh viên cười, vui thích. “Thưa thầy, thầy sẽ làm gì khi họ sa thải thầy?”.
Tôi định làm gì khi họ sa thải tôi ư? Và còn tiền để trả cho hai bệnh viện nữa! Điểu nghĩ. Nhưng đầu óc anh đang khô khốc dưới ánh mặt trời và không thể nghĩ ra được một dự tính nào cho ra hồn, chỉ có những giọt mồ hôi tuôn ra như suối. Với trạng thái bực bội một cách mơ hồ, Điểu phát hiện ra mình lại thiếu tự tin.
“Tại sao thầy không trở thành một hướng dẫn viên  du lịch? Khi ấy thầy sẽ không còn lo đến chuyện kiếm vài đồng yên bần tiện ở cái trường sa thải thấy, thầy có thể bòn mót những đồng đô- la từ những khách du lịch nước ngoài kia mà!”
“Em biết dịch vụ du lịch ở đâu không?” Điểu quan tâm hỏi:
“Em sẽ tìm… em có thể gặp thầy ở đâu?”.
“Có thể chúng ta sẽ gặp nhau sau giờ học tuần tới”.
“Để em lo!” chàng sinh viên reo lên với niềm hưng phấn.
Điểu cẩn thận lái chiếc xe thể thao ra đường. Anh đã muốn tống khứ chàng sinh viên để đọc lá thư trong túi áo. Nhưng khi tăng tốc độ, anh nhận ra rằng mình đang có cảm giác biết ơn cậu ta. Nếu chàng sinh viên đó không đặt anh vào một tình cảnh vui vẻ khi anh lái chiếc xe thể thao đầy bụi rời khỏi công việc mà anh đã mất – anh sẽ cảm thấy bất hạnh làm sao! Chắc chắn anh sẽ nhận được sự giúp đỡ của nhóm bạn trẻ để vượt qua những tình huống khó khăn. Điểu nhớ là mình cần xăng và anh lái xe đến trạm xăng. Sau một phút suy nghĩ, anh yêu cầu kiểm tra xăng nhớt, sau đó rút trong túi áo ra lá thư mà theo sự mê tín của thời sinh viên thì nó sẽ toàn những tin hấp dẫn.

Ông Delchef đã phớt lờ lời kêu gọi từ tòa công sứ và vẫn sống ở Shinjuku với cô gái giang hồ trẻ tuổi. Không phải ông ta bị vỡ mộng về mặt chính trị với tổ quốc mình, cũng không có ý định hoạt động gián điệp hay đào ngũ. Đơn giản là ông ta không thể rời cô tình nhân người Nhật đặc biệt này. Đương nhiên tòa công sứ sợ nhất là vụ của Delchef được lợi dụng về mặt chính trị. Nếu có một chính phủ phương Tây nào dung ảnh hưởng của họ để phát động một mặt trận tuyên truyền, dựa trên cơ sở cuộc sống của Delchef như một người chống đối chế độ, thì hậu quả chắc chắn sẽ không lường được. Theo đó, chính phủ của ông Delchef nôn nóng đưa ông về lại tòa công sứ càng nhanh càng tốt để trả ông về nước, nhưng sự phối hợp tìm kiếm của cảnh sát Nhật chỉ công khai hóa sự kiện mà thôi. Nói một cách khác, nếu chính tòa công sứ định sử dụng lực lượng cảnh sát, thì ông Delchef, người đã tham gia kháng chiến trong suốt thời kỳ chiến tranh, chắc chắn sẽ kháng cự mãnh liệt và cuối cùng cảnh sát sẽ lúng túng. Không còn cách nào khác, cuối cùng tòa công sứ yêu cầu những thành viên trong nhóm nghiên cứu ngôn ngữ Slave cố gắng càng âm thầm càng tốt thuyết phục ông Delchef từ bỏ sự điên rồ đó. Vào lúc một giờ trưa thứ bảy, sẽ có một cuộc họp nữa tại một nhà hàng đối diện với con đường có trường đại học mà Điểu và những người bạn trong nhóm đã tốt nghiệp. Bạn anh viết, vì Điểu là người than thiết nhất với ông Delchef nên mọi người đều hết sức mong muốn anh có mặt.

Thứ bảy là ngày mốt: vâng, anh sẽ đến! Người bơm xăng, giống như một con ong đầy mùi mật quanh cơ thể, bị bao phủ bởi một làn hơi xăng độc, Điểu trả tiền và rú ga cho xe chạy. Đoán chừng là ngày hôm nay, ngày mai hay cả ngày kia, điện thoại sẽ không gọi đến báo tin về cái chết của con, có việc vặt để lấp đầy những giờ phút nhức nhối của thời gian hoãn thi hành bản án đối với anh chắc chắn là một điều may mắn. Rốt cuộc, nó là một lá thư tốt.
Điểu dừng lại một cửa hàng thực phẩm trên đường về nhà, mua ít bia và cá hồi đóng hộp. Đậu xe trước nhà, anh bước lên cửa chính và thấy khóa. Có thể Himiko ra ngoài chăng? Điểu bất chợt nổi giận, hình như anh nghe tiếng điện thoại đang réo ầm lên rất lâu mà không ai trả lời. Nhưng khi anh rảo quanh nhà và gọi thử vào cánh cửa sổ phòng ngủ thì thấy đôi mắt của Himiko hé nhìn qua giữa bức màn cửa. Điểu thở dài, mồ hôi vả ra, và anh quay lại cửa trước.
“Có tin gì từ bệnh viện không?” anh hỏi, nét mặt còn căng thẳng.
“Chẳng có gì anh Điểu à”.
Điểu cảm thấy mình như đã phung phí quá nhiều năng lượng khi leo lên chiếc xe hơi thể thao màu đỏ và chạy vòng quanh Tokyo vào một ngày hè. Anh nhận ra mình đã quá sức mệt mỏi khi dồn hết tâm lực vào tin tức về cái chết của thằng bé, Điểu nói cộc lốc: “Sao ban ngày mà em khóa chặt cửa vậy?”.
“Em cảm thấy sợ. Em có cảm tưởng một con yêu quái mang điều bất hạnh khủng khiếp đang chờ em bên ngoài”.
“Một con yêu quái đeo đuổi em à?” Điểu bối rối nói: “Theo anh thì chẳng có gì nguy hiểm đối với em trong lúc này cả”.
“Lâu rồi kể từ khi chồng em tự tử, em chưa hề có cảm giác đó. Anh Điểu, chẳng phải anh đã nói với giọng ngạo mạn đáng kinh ngạc rằng anh là người duy nhất phải canh chừng những con yêu tinh của sự bất hạnh sao?”.
Đó là một cú đòn trời giáng. Và Điểu khỏi bị đo ván chỉ vì Himiko quay lưng bỏ đi về phòng ngủ mà không thêm bồi thêm cú thứ hai.
Nhìn vào đôi vai trần đẫy đà của Himiko, Điểu len qua cái không khí nặng nề, âm ấm của phòng khách tối tăm và bước vào phòng ngủ lúc anh đã bình tâm. Một cô gái bự con trạc tuổi Himiko, không còn trẻ nữa, đang nằm ườn người trên giường dưới làn khói thuốc bay lơ lửng trong phòng giống như đám mây khí lỏng, tay và vai nàng lộ trần ra.
“Anh Điểu, lâu lắm mới gặp”, cô gái chào anh bằng giọng khàn đục.
“Chào cô!” Điểu lên tiếng, chưa hết bối rối.
“Em không muốn một mình chờ điện thoại gọi đến, vì vậy em nhờ nó đến”.
“Hôm nay cô không đi làm à?” Điểu hỏi. Cô gái này cũng là một bạn học của Điểu ở khoa Anh ngữ. Hai năm sau khi tốt nghiệp, cô ta chẳng làm gì ngoài chuyện vui chơi. Như hầu hết những cô gái cùng trường đại học với Điểu, cô đã từ khước mọi việc làm bởi vì cô cho rằng chúng không xứng với tài năng của mình. Cuối cùng, sau hai năm ăn không ngồi rồi, cô đã trở thành người thực hiện chương trình cho một đài phát thanh hạng ba chỉ phát song trong khu vực địa phương.
“Tất cả chương trình của em đều phát sau nửa đêm. Anh nên nghe những giọng nói như rót mật vào tai mà các cô phát thanh viên muốn ru ngủ khán giả bằng giọng cổ của họ”, cô gái nói với giọng ngọt như đường. Điểu nhớ lại những vụ lăng nhăng tai tiếng của cô làm liên lụy đến đài phát thanh, nó đã thu nạp cô một cách quá hào hiệp. Và anh cũng nhớ như in nỗi kinh tởm của anh đối với cô ta trong thời kỳ sinh viên khi cô không những chỉ bự con mà còn mập ú, có một cái gì đó khiến cho anh không bao giờ có thể đặt tay lên đôi mắt và cái mũi gợi cho anh nhớ đến người bán hàng rong. “Chúng ta có thể làm gì được với đám khói này?” Điểu nói một cách dè dặt rồi đặt bia và hộp cá hồi lên chiếc tivi.
Himiko xuống nhà bếp mở cửa thông gió. Nhưng bạn nàng không quan tâm đến đôi mắt xoi mói của Điểu, đốt điếu thuốc mới kẹp giữa những ngón tay thô ráp với móng tay sơn bạc. Trong ánh sáng của đốm lửa vàng cam trên điếu thuốc Dunhill bạc, Điểu nhìn thấy những nếp nhăn trên chân mày và những đường gợn sóng trên mí mắt có quầng thâm của cô ta, mặc dù mái tóc xỏa lửng trên khuôn mặt. Một cái gì đó đang gặm nhắm cô gái: Điểu trở nên cảnh giác.
“Các cô không thấy nóng à?”.
“Lạy Chúa, em nóng đến sắp lả người đây”. Bạn của Himiko nói một cách u sầu. “Mà không khí trong phòng tù túng khi anh đang chuyện trò vui vẻ với thân thì cũng thấy khó chịu thật”.
Trong khi Himiko đang lăng xăng dưới bếp, xếp bia vào ngăn đá, quét bụi những hộp thực phẩm và xem xét nhãn hiệu thì cô bạn của nàng nằm trên giường nhìn với vẻ chê bai. Điểu nghĩ, con khỉ gió này có lẽ sẽ hết sức thích thú khi tung ra những tin tức nóng hổi về chúng tôi. Tôi chẳng ngạc nhiên nếu như cô ả đưa chuyện lên đài vào một đêm nào đó.
Himiko đã treo tấm bản đồ của Điểu lên tường phòng ngủ. Ngay cả quyển tiểu thuyết châu Phi mà anh đã giấu trong sắc cũng nằm vãi trên sàn nhà giống như con chuột chết. Hẳn là Himiko đang đọc sách trên giường khi bạn nàng đến. Vì thế nàng ném nó xuống sàn, đi mở cửa rồi sau đó không nhặt lên. Điểu nổi cáu: tài sản châu Phi của anh bị đối xử quá bất cẩn, điều này chắc là một dấu hiệu không hay. Tôi cho rằng từ nay mình không còn cơ hội nhìn thấy bầu trời châu Phi nữa. Và không còn tính chuyện dành dụm tiền bạc cho chuyến du hành đó nữa, tôi vừa mất công việc mà tôi cần có để kiếm sống qua ngày.
“Hôm nay anh bị sa thải”, Điểu nói với Himiko. “Cả chương trình mùa hè và mọi thứ cũng tiêu luôn”.
“Ồ! Chuyện gì xảy ra vậy anh Điểu?”.
Điểu buộc lòng phải nói đến chuyện say rượu, chuyện nôn mửa, chuyện tấn công không mệt mỏi của con người đạo đức kia, và dần dần câu chuyện trở nên nặng nề, khó chịu, Điểu mệt mỏi, cắt ngang.
“Và trước mặt ông hiệu trưởng, anh phải bảo vệ mình mới được chứ! Nếu vài sinh viên cho rằng vì ngộc độc thức ăn thì chẳng có gì sai để mà họ phát cáu với anh! Anh Điểu, sao anh dễ dàng chấp nhận việc bị sa thải đến thế!”.
Đó là vấn đề. Tại sao tôi chấp nhận chuyện sa thải một cách dễ dàng như vậy? Lần đầu tiên Điểu cảm thấy quyến luyến cái ghế giảng viên mà anh đã mất. Đó không phải là một thứ công việc mà anh vừa vứt bỏ một cách đùa bỡn được. Và anh biết ăn nói làm sao với cha vợ anh? Liệu anh có thể thú nhận rằng anh đã say sưa vô ý thức hôm đứa con bất bình thường của anh chào đời, và rồi sang hôm sau dư vị của cơn say đã khiến anh xử sự một cách tồi tệ đến nỗi làm cho anh mất việc? Và về chai Johnny Walker mà vị giáo sư đã tặng anh…
“Anh có cảm giác rằng anh chẳng còn lý do gì để đòi hỏi quyền lợi mình một cách chính đáng. Ngoài ra, anh quá nôn nóng cắt ngang cuộc nói chuyện với thầy hiệu trưởng, anh hoàn toàn đồng ý mọi chuyện, thật thiếu thận trọng vô cùng”.
“Anh Điểu”, cô bạn gái cắt ngang, “anh vừa nói anh cảm thấy mình như bị mất tất cả quyền lợi trong thế giới này vì chỉ ngồi chờ con mình chết phải không?”.
Như thế là Himiko đã kể cho cô bạn của nàng tất cả câu chuyện kinh tởm đó!
“Có thể là như thế”, Điểu trả lời, bực mình vì sự vô ý của Himiko và cả sự xấc xược của cô gái. Ngay lúc này thật dễ hình dung ra chính anh trong một vụ tai tiếng mà nhiều người biết.
“Chính những kẻ nghĩ rằng họ không còn quyền gì nữa trong thế giới thực tại này thì họ sẽ tự tử. Anh Điểu, xin anh đừng tự tử”, Himiko nói:
“Có chuyện gì mà phải tự tử!” Điểu nói với trái tim run sợ.
“Chính ngay sau khi chồng em cảm thấy như vậy, anh ấy đã tự kết liễu đời mình. Anh Điểu, nếu anh cũng treo cổ trong chính phòng ngủ này, thì e rằng em đúng là bị quỷ ám”.
“Anh không bao giờ nghĩ đến chuyện tự tử”, Điểu tuyên bố.
“Nhưng cha anh đã tự tử, không phải thế sao?”
“Sao em biết?”.
“Anh đã nói với em trong đêm chồng em tự tử để an ủi em. Anh muốn em tin rằng tự tử là chuyện bình thường xảy ra hàng ngày”.
“Anh hẳn bị bấn loạn”, Điểu nói một cách ủ rũ.
“Anh còn kể cho em chuyện cha anh đánh anh trước khi cụ tự tử”.
“Chuyện đó như thế nào?” Cô bạn gái nổi tính tò mò hỏi:
Nhưng Điểu buồn rầu im lặng, vì vậy Himiko kể lại chuyện mà nàng đã nghe.
Khi lên sáu, một hôm Điểu đến bên cha anh hỏi: Ba ơi, một trăm năm trước khi sinh ra, con ở đâu? Con sẽ ở đâu một trăm năm sau khi con chết? Ba ơi, điều gì sẽ xảy ra cho con khi con chết? Chẳng nói chẳng rằng, người cha trẻ đã đấm vào miệng anh, làm anh gãy hai cái răng, mặt đầy máu, và Điểu quên nỗi sợ chết. Ba tháng sau, cha anh đã dùng khẩu súng lục của Đức từ thời đệ nhứt thế chiến bắn một viên đạn xuyên qua đầu.
“Nếu con anh chết vì thiếu chăm sóc”, Điểu lên tiếng, nhớ lại cha mình, “ít ra anh cũng bớt sợ được một điều. Vì anh sẽ không biết làm gì nếu con anh hỏi cùng câu hỏi khi nó lên sáu. Anh không thể đấm thẳng tay vào miệng con mình để làm cho nó quên đi nỗi sợ chết. Dù là tạm thời”.
“Thôi đừng tự tử, anh Điểu, đồng ý chứ?”
“Đừng quan tâm đến chuyện đó nữa”, Điểu đáp lại, đôi mắt dường như bắt đầu lộ vẻ hoảng loạn của anh quay đi chỗ khác tránh cái nhìn từ đôi mắt đỏ ngầu của Himiko.
Cô bạn gái quay qua Điểu như nàng đang chờ đợi sự im lặng của Himiko. “Anh Điểu, không lẽ anh chỉ biết ngồi đó chờ con anh yếu dần vì uống nước đường trong bệnh viện kia sao? Với một tâm trạng tự lừa dối mình, bất định, đầy lo âu như thế ư! Và đó không phải là lý do để anh suy sụp đến thế chứ? Nếu thế thì không phải chỉ có anh mà cả Himiko cũng sút ký đấy”.
“Nhưng tôi không thể giật lấy nó mang về nhà và giết nó được”. Điểu chống chế.
“Ít ra bằng cách đó anh mới không tự lừa dối mình, anh phải thú nhận rằng tay anh đang vấy chàm. Anh Điểu này, bây giờ muốn thoát khỏi tên vô lại trong người anh thì quá muộn rồi, anh phải trở thành một tên vô lại vì anh muốn đứa bé bất bình thường kia không xâm nhập được vào ngôi nhà nhỏ bé của anh, vì có cả một thứ logic vị kỷ liên quan đến nó. Nhưng điều anh đang làm là bỏ mặc công việc tàn bạo ấy cho một vị bác sĩ nào đó trong bệnh viện, trong khi anh thẩn thờ lượn quanh, đóng vai một nạn nhân hiền lành của nỗi bất hạnh từ trên trời giáng xuống, cứ như anh thật sự là một kẻ lương thiện, và điều này quả thật là tồi tệ cho tinh thần của anh! Anh hẳn cũng biết rõ như tôi là anh đang tự dối mình, anh Điểu ạ!”.
“Tự dối à? Nếu như tôi cố thuyết phục mình rằng tay mình sạch trong lúc nôn nóng chờ con mình chết khi không có mặt mình, chắc chắn như thế là không thành thật”. Điểu phủ nhận: “Nhưng đàng này tôi hoàn toàn biết rằng mình sẽ chịu trách nhiệm về cái chết của nó”.
“Tôi lấy làm lạ đấy, anh Điểu ạ”. Cô bạn nói với vẻ không tin tưởng tí nào. “Tôi e rằng anh sẽ gặp đủ thứ rắc rối vào giờ phút thằng bé chết, đó là hình phạt anh phải nhận cho tội lừa dối chính mình. Và rồi Himiko phải để mắt tới anh để xem anh có tự tử không. Dĩ nhiên lúc ấy có thể anh sẽ quay về với người vợ đang chịu đựng quá nhiều đau khổ của mình”.
“Vợ tôi nói cô ấy muốn ly dị nếu tôi chối bỏ thằng bé và để cho nó chết”.
“Một khi người ta đã bị đầu độc bằng sự tự dối mình, người ta không hể nào tự quyết định việc gì cho rõ ràng được”, Himiko nói như minh họa thêm cho lời tiên tri khủng khiếp của bạn nàng. “Anh sẽ không ly dị đâu, anh Điểu ạ. Anh sẽ tìm đủ mọi cách để bào chữa cho mình, và sẽ cứu vớt cuộc hôn nhân của mình bằng cách tung hỏa mù những vấn đề có thực. Bây giờ thì một quyết định như ly dị đối với anh còn xa lắm, anh Điểu ạ, chất độc bắt đầu ngấm rồi. Và anh có biết câu chuyện kết thúc như thế nào không? Không những vợ anh sẽ tin tưởng anh một cách tuyệt đối, mà một ngày nào đó, anh sẽ tự khám phá ra rằng toàn bộ cuộc sống riêng tư của anh ẩn trong cái bóng của sự dối trá và cuối cùng anh sẽ tự hủy hoại mình. Anh Điểu này, những dấu hiệu đầu tiên của sự tự hủy đã xuất hiện rồi đó!”.
“Nhưng đó là một ngõ cụt! Xin nhường lại cho em để em tô vẽ cái tương lai vô vọng nhất mà em có thể nghĩ đến”. Điểu tấn công lại với vẻ hài hước, nhưng cô bạn học to béo, nặng nề vẫn khư khư gạt phắt anh: “Ngay lúc này cũng đã thấy quá rõ là anh đang đi vào ngõ cụt đấy anh Điểu ạ”.
“Nhưng việc vợ tôi sinh ra một đứa con bất bình thường là một tai nạn ngoài ý muốn, chả có ai trong chúng tôi chịu trách nhiệm về chuyện này cả. Và tôi chẳng phải là một tên côn đồ thô bạo đủ để vặn cổ thằng bé cho chết, cũng chẳng phải một vị thánh đủ quyền năng để huy động tất cả bác sĩ cố cứu chữa cho nó sống bất kể nó có thể trở thành một đứa bé khuyết tật như thế nào. Vì vậy tất cả những gì tôi có thể làm được là cứ để yên nó ở bệnh viện chờ cho nó yếu dần đi và chết một cách tự nhiên. Khi tất cả mọi chuyện qua đi, nếu tôi lo âu về chuyện tự dối mình giống như con chuột cống chui lọt vào ngõ cụt sau khi nuốt phải bả, thì tôi cũng không thể làm gì hơn”.
“Đó chính là điểm sai lầm của anh đấy anh Điểu ạ. Đáng lẽ anh phải là một tên côn đồ vô lại hoặc là một vị thánh cương ngạnh mới phải”.
Điểu chợt bắt gặp mùi rượu thoảng trong bầu không khí có vị chua. Anh nhìn khuôn mặt to béo của cô gái và ngay trong ánh sang lờ mờ, anh cũng thấy nó đỏ bừng và co rúm lại giống như người bị viêm thần kinh mặt.
“Cô say rồi phải không, tôi vừa nhận ra…”.
“Điều đó không có nghĩa là anh thoát được mọi chuyện đâu, tôi đã nói rồi mà”. Cô gái đắc thắng lên tiếng và chẳng giấu diếm gì khi thở hắt ra một hơi nồng nặc mùi rượu, “tuy nhiên anh có thể chối bỏ nó đấy anh Điểu ạ. Chút gì còn sót lại của sự tự lừa dối mình sau cái chết của thằng bé đối với anh lúc này chưa rõ ràng lắm đâu. Anh có dám phủ nhận rằng nỗi âu lo lớn nhất của anh bây giờ là thằng con yếu đuối của anh sẽ không chết mà lớn lên như một hạt giống không?”.
Tim Điểu thắt lại, mồ hôi bắt đầu tuôn ra. Anh ngồi im lặng thật lâu, giống như con chó bị ăn đòn. Rồi không nói lời nào, anh đứng lên đi đến tủ lạnh lấy vài chai bia. Phần chai dìm trong khay đá thì lạnh nhưng phần còn lại thì ấm – đột nhiên Điểu mất cảm giác thèm bia. Tuy thế, anh vẫn cầm ba chai bia và ba cái ly về phòng ngủ. Cô bạn của Himiko trong phòng khách bật đèn sáng, sửa lại tóc tai, trang điểm lại và đang mặc áo, Điểu quay lưng lại phòng khách rót đầy ly thứ bia nâu đục một cho anh và một cho Himiko.
“Tụi này đang uống bia đây”, Himiko gọi bạn.
“Đừng rót cho tớ. Tớ phải đi đến đài đây”.
“Nhưng còn sớm quá mà”. Himiko nói một cách xã giao.
“Tớ chắc là khi có anh chàng Điểu ở đây thì cậu chẳng cần đến tớ đâu”. Cô bạn gái nói như muốn đưa Điểu vào cái bẫy gợi ý. Rồi cô nói với Điểu: “Em là bà mẹ nuôi xinh đẹp của đám con gái tốt nghiệp cùng lứa đấy. Tất cả bọn chúng đều cần một bà mẹ nuôi xinh đẹp, có nghĩa là cần em, bởi vì chúng chẳng biết mình muốn gì. Bất cứ khi nào có đứa gặp vấn đề khó khăn, em đều xoắn tay áo lên dây cót cho nó. Này anh Điểu, gắng đừng có kéo Himiko đi quá sâu vào những vấn đề riêng tư của gia đình anh đấy nhé.
Khi Himiko cùng đi với bạn ra ngoài kiếm taxi, Điểu đổ chỗ bia nhạt nhẽo còn lại trong chậu rồi đi tắm nước lạnh. Trong lúc nước mát bắn tung tóe lên người, Điểu nhớ lại một cuộc đi thám hiểm thời tiểu học. Lúc ấy anh bị bỏ lại phía sau, lạc đường và đã lãnh đủ một trận mưa như trút, lạnh ngắt. Một sự cô đơn khủng khiếp và cảm giác tủi nhục của tuyệt vọng xâm chiếm lấy anh. Lúc ấy giống như một con cua vừa lột vỏ, anh chịu thua ngay trước cuộc tấn công của kẻ thù bé nhỏ nhất. Anh nghĩ mình đang ở trong một tình trạng tồi tệ hơn bao giờ hết. Điều mà anh làm để chứng tỏ khả năng phản kháng đáng nể trong cuộc chiến đấu chống bọn thiếu niên đêm đó, giờ đây có vẻ như một phép lạ không thể tin được mà anh sợ không gặp lại.
Cảm thấy tỉnh táo sau khi tắm, Điểu nằm trần truồng trên giường. Mùi vị của kẻ ngoài cuộc đã biến mất, chỉ còn lại mùi vị đặc biệt của ngôi nhà cũ kỹ. Đó là cái hang của Himiko. Hẳn nàng đã chà xát mùi của cơ thể mình lên mọi xó xỉnh để làm bằng chứng đây là lãnh địa của mình, hoặc nàng không thể thoát khỏi sự khắc khoải, giống như một con vật bé nhỏ, mềm yếu. Điểu đã quá quen với mùi vị của ngôi nhà đến nỗi đôi khi anh nhầm nó là mùi vị của chính cơ thể mình. Điều gì có thể giữ được Himiko? Điểu đã tắm sạch mồ hôi và bây giờ mồ hôi lại toát ra lấm tấm. Anh uể oải vào nhà bếp kiếm một chai bia ướp lạnh khác.
Một giờ sau Himiko quay về, nàng thấy Điểu lộ vẻ bực tức:
“Nó ghen đấy”, nàng nói để biện minh cho bạn.
“Ghen à?”
“Anh có tin được không? Nó là người dễ mủi lòng nhất trong bọn em. Thường khi bọn em phải ngủ với nó cho nó đỡ tủi thân. Và chính điều này làm cho nó tin rằng nó là bà mẹ nuôi xinh đẹp của bọn em đấy”.
Động cơ đạo đức của Điểu đã tiêu tan từ khi anh bỏ rơi đứa con trai tại bệnh viện. Mối quan hệ của Himiko với cô bạn gái của nàng không gây cho anh một ấn tượng đặc biệt nào.
“Có lẽ cô ấy nói vì ghen”, anh lên tiếng, “nhưng không có nghĩa là những điều cô ta nói không làm cho anh bị tổn thương”.

 

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 1042
Ngày đăng: 12.03.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 46: Đi tìm ca sĩ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : tiểu thuyết ( Chương 45: Hai nửa con người) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 8) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 44: Rebel, Kẻ quấy rối) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 43: Dẫu có lỗi lầm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 42: Tình yêu là gì?) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 7) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 41:Bản tango cho người xa xứ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm:Tiểu thuyết (Chương 40: Nụ cười tuyệt đẹp) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 39: Gương mặt thủy thần) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)