Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.220.612
 
Một số điều thắc mắc trong hai bài viết về chữ Quốc ngữ
Võ Xuân Quế

 

 

Đó là hai bài viết “Chữ quốc ngữ thời Hội Thừa sai” đăng trên trang mạng Diễn Đàn (DĐ)[1] và “Lịch sử chữ Quốc ngữ từ 1615 đến 1861: Quá trình La-tinh hóa tiếng Việt trong trào lưu ngữ học truyền giáo” đăng trên trang mạng Tạp chí Tia Sáng (TS)[2] của tác giả Phạm Thị Kiều Ly (PTKL). Nội dung chính của hai bài viết này được đăng lại trên một số trang mạng khác cũng như được tác giả trình bày trong các buổi nói chuyện hoặc hội thảo ở một số nơi trong nước và nước ngoài. Bài đăng trên TS được tác giả chú thích là “trích ra từ luận án Tiến sĩ của tác giả”. Để khỏi mất thời gian của bạn đọc, dưới đây xin được trình bày ngay những điều tôi thấy thắc mắc:

1. Trong bài trên TS, tác giả viết: “Nhưng mãi đến năm 1612, khi Nhật Bản cấm đạo và các thừa sai Dòng Tên bị trục xuất về Macao trong lúc chờ nhiệm vụ mới, theo khuyến nghị của nhà buôn Fernandes da Costa, ba thừa sai Dòng Tên được cử tới Đàng Trong, họ cập bến Cửa Hàn ngày 18 tháng 01 năm 1615.” Chắc chắn tác giả phải dựa vào tài liệu nào đó mới đưa ra khẳng định như vậy về một sự kiện trong quá khứ, song lại không dẫn nguồn để thuyết phục người đọc. Về điều này, tôi thấy có hai dẫn liệu khác nhau:

1.1. Trong sách “Mission and Catechesis”, Peter. C Phan có viết: “công cuộc truyền giáo của Dòng Tên ở Việt Nam được bắt đầu như một sự đáp ứng lời đề nghị của Fernandes de Costa, một thuyền trưởng Bồ Đào Nha. De Costa trở về từ Cochinchina và đề nghị các giáo sĩ Dòng Tên thực hiện việc truyền giáo ở đó. Valentim de Carvalho, sau này là trưởng tỉnh dòng Nhật Bản đã đồng ý với đề nghị của Costa và ngày 6 tháng 1 năm 1615, ông đã cử ba giáo sĩ Francesco Buzomi và Diego Carvalho và Antonio Dias tới  Cochinchina.” Nhưng về ngày đến, ông viết: “Ba giáo sĩ đến Cửa Hàn (gần Đà Nẵng) ngày 15 tháng 1 năm 1615.”[3]

1.2. Nhưng, trong “Lời giới thiệu” sách “Views of Seventeenth-Century Vietnam, Christoforo Borri on Cochinchina and Samuel Baron on Tonkin” Olga Dror và K.W. Taylor dẫn lại từ hai nguồn khác và viết như sau: “Chính các tu sĩ Dòng Tên đã thiết lập cơ sở truyền giáo đầu tiên ở Cochinchina vào năm 1615. Sự việc xảy ra được cho là do một thương gia người Bồ Đào Nha, Ferdinando da Costa. Khi trở về Macao từ một chuyến đi đến Cochinchina, ông ta kể lại “điều ông đã thấy và khả năng tuyệt vời để truyền đạo ở vương quốc đó. Ngay lập tức, cha Buzomi đã cúi rạp mình trước bề trên của ông để xin phép được đi đến vùng đất xinh đẹp mà Chúa Trời gọi ông ta đến. Lời cầu xin của ông ta đã sớm được chấp thuận”[4]. Về số lượng thành viên đoàn được cử đi, hai tác giả viết: “Cha Francesco Buzomi là người dẫn đầu phái đoàn đi cùng với một Cha Dòng Tên khác, Jacques Carvalho, và ba trợ lý (Brothers Condjutors): Antonio Diaz, người Bồ Đào Nha, và hai người Nhật, Joseph và Paul”. Như vậy, phái đoàn có năm người, trong đó có hai linh mục/cha (Father). Điều này cũng được nói đến trong “Biên niên sử của Giáo hội Công giáo Việt Nam” của Hội đồng Giám mục Việt Nam:Đoàn truyền giáo đầu tiên của dòng Tên đến cửa Hàn, Đà Nẵng, do Cha Francois Buzomiand dẫn đầu, cùng với Cha Diego Carvalho và 3 trợ sĩ: Antonio Dias, Joseph, và Paulo Saito”[5]. Như vậy, lý do các giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong cũng như số lượng thành viên đến không giống nhau ở các nguồn.

2. Trong bài ở TS và ở DĐ, tác giả viết: “Tư liệu từ bản cáo cáo của João Roiz cho chúng ta biết, năm 1619, Pina đã viết xong một bản từ vựng tiếng Việt”, đồng thời dưới ảnh chụp lại chữ viết tay văn bản của João Rodrigues (hình dưới) tác giả có ghi là “Báo cáo của João Rodrigues (1619)[Cha Pina đã viết xong bản từ vựng của ngôn ngữ này thay vì ngữ pháp, tiếng Trung cũng không có ngữ pháp] (trong ngoặc vuông là lời dịch của tác giả PTKL). 

Về nhận định và lời dịch này, cũng có hai điều cần minh xác:

2.1. Trong ảnh chụp đoạn viết tay trên đây không có chữ ghi tên của Pina.

2.2. João Rodrigues không viết “tiếng Trung cũng không có ngữ pháp”.

Cả hai điều này có thể kiểm tra qua bản phiên âm tiếng Bồ Đào Nha và dịch sang tiếng Anh văn bản này từ “Transcription and Translation of a Yearly Letter from 1619 Found in the Japonica Sinica 71 from the Archivum Romanum Societatis Iesu”[6]. Cả trong bản phiên âm lẫn bản dịch ở đây đều không thấy tên Pina. Nội dung của đoạn ảnh chụp trên được Jason Michael Wilber dịch sang tiếng Anh là: “He is just now finalizing a vocabulary instead of a grammar, which is just as incapable of being written for that language as it is for Chinese, which is very similar.” (Ông ấy chỉ đang hoàn thiện một bản từ vựng thay vì ngữ pháp, điều cũng không thể viết cho ngôn ngữ đó được như tiếng Trung Hoa, một ngôn ngữ rất giống). Đoạn này cũng được nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông dịch ra tiếng Việt như sau: “Hiện nay, thầy giảng này vừa soạn xong một cuốn từ vựng thay vì một cuốn ngữ pháp, vì không thể làm được cũng giống trường hợp ngữ pháp tiếng Trung Hoa”[7]. Ngoài ra cũng cần lưu ý thêm là tên của người viết báo cáo năm 1619 này được tác giả viết là João Rodrigues trong bài ở DĐ, song lại vừa viết João Roiz vừa viết João Rodrigues trong bài ở TS (mà không chú thích rằng đấy là hai tên của cùng một người có tên đầy đủ: João Rodriguez Girão (Giram, Girao, Giron. Roiz (1558-1629)

3. Trong bài trên DĐ, PTKL viết “Nhận định trên của Pina là do ảnh hưởng nhận định của Mattéo Ricci rằng tiếng Trung không có ngữ pháp” và dẫn nguồn ở chú thích 7: “Liam Matthew Brockey. 2007. Journey to the East. The Jesuit mission to China 1579-1724, Cambridge, MA & London, The Belknap Press of Harvard University Press, p. 247”. Theo chú thích này tôi tìm đến trang 247 của cuốn sách được dẫn này, nhưng không tìm thấy câu nào có nội dung như tác giả trích. Ở trang này, Liam Matthew Brockey có viết: “Khi Matteo Ricci và Francesco Pasio đến Ma Cao năm 1582 để tham gia việc truyền giáo, họ được thụ hưởng kinh nghiệm của đồng nghiệp; họ đã có người giải thích cho ngữ pháp và từ vựng cơ bản.” Sau đó ông viết tiếp: “Doubtless, Ricci’s initial bewilderment on finding out that Chinese had “neither articles, nor cases, nor numbers, nor genders, nor tenses, nor modes” was allayed through his compatriot’s explanations.” (Không nghi ngờ, sự hoang mang ban đầu của Ricci khi phát hiện ra rằng tiếng Trung Quốc không có “mạo từ, cách, số, giống, thì, cũng như thức” được giảm bớt qua những lời giải thích của người đồng hương của ông)[8]. Phải chăng tác giả muốn ám chỉ đến câu sau này là Matteo Ricci nói “tiếng Trung không có ngữ pháp”?

Những ai từng đọc về Matteo Ricci đều biết ông là một nhà truyền giáo có trí nhớ siêu việt, rất tinh thông tiếng phổ thông Trung Quốc (mandarin) và chữ Hán. Ông đến Macao năm 1582 và bắt đầu ngay việc học tiếng Trung Quốc, nhưng chỉ một năm sau đã dịch Tien chi shi lu (Sự thực về Đức chúa trời) sang tiếng Trung và năm 1584 đã nói thành thạo tiếng Trung và đọc, viết tương đối tốt chữ Hán đến mức bắt đầu viết sách Tien chu shu ì (Ý nghĩa đích thực của đức chúa trời), và năm 1595 đã hoàn thành[9]. Như vậy không thể nói “Mattéo Ricci cho rằng tiếng Trung không có ngữ pháp.”

Mặt khác, người đọc cũng không tin Pina nói “tiếng Trung không có ngữ pháp” khi, ngay tiếp sau, PTKL dẫn lại một câu trong thư (không phải “báo cáo” như PTKL viết) mà Roland Jacques cho là của Pina viết năm 1623 gửi Jerónimo Rodrigues, rằng “Về phần mình, con đã soạn một bản chính tả và thanh điệu của ngôn ngữ này, con đang bắt tay vào ngữ pháp”[10].

4. Trong bài viết trên DĐ, PTKL viết: “Khi François Pallu tới thăm Đàng Ngoài, ông hiểu ngay lập tức rằng không thể tổ chức đào tạo linh mục bản xứ giống với quá trình đào tạo tại Châu Âu được.” Tác giả không cho biết lời khẳng định này được dựa vào nguồn nào. Nhưng theo một số nguồn liên quan đến François Pallu có trên mạng cho đến lúc này, tôi đọc được như sau:

- “François Pallu được bổ nhiệm làm đại diện tông tòa cho Đàng Ngoài, Lào và Nam Trung Quốc vào năm 1659 nhưng ông không thể đến Đàng Ngoài sau nhiều biến cố. Sau đó, ông được bổ nhiệm lại làm đại diện tông tòa Phúc Kiến, Trung Quốc vào năm 1680. Ông đến Phúc Kiến năm 1684 và mất ở đây không lâu sau đó.”[11]

- “Trong cuộc đời mình, Pallu không bao giờ đến được Đàng Ngoài và de la Motte đi lại giữa Siam và Đàng Trong. Từ Siam họ điều hành Nhà thờ ở Annam bằng thư từ và đôi lần đến thăm. François Deydier (1634-93) là giáo sĩ Pháp đầu tiên đặt chân đến Đàng Ngoài vào năm 1666.”[12]

- Trong một bài viết về tiểu sử Mgr François Pallu (1626-1684) trên trang mạng của “Missions Etrangeres de Paris” có nói đến những nơi mà vị giám mục đến, song không có Đàng Ngoài. “Vào giữa năm 1674, Giám mục Pallu lên đường sang Trung Quốc; ông gặp bão, phải ghé vào bờ biển Manila và bị những người Tây Ban Nha bắt. Ông bị đưa trở lại châu Âu bằng cách đưa qua Mexico. Tháng 11 năm 1679, Đức Cha Pallu được rút khỏi chức đại diện tông tòa Đàng Ngoài. vào ngày 1 tháng 4 năm 1680, ông được bổ nhiệm làm tổng quản các sứ đoàn của Trung Quốc, và đặc biệt phụ trách các tỉnh Giang Tây, Quảng Đông, Chiết Giang, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Hầu Khẩu, Quý Châu, Vân Nam, và các đảo Đài Loan và Hải Nam. Vào ngày 15 tháng 4, ông cũng được bổ nhiệm làm đại diện tông tòa Phúc Kiến. Giám mục Pallu chết ngày 29 tháng 10 năm 1684, tại Moyang, Phúc Kiến.”[13]

5. Trong bài trên DĐ, PTKL viết “Hội thừa sai chính thức được thành lập năm 1663”, song không dẫn nguồn. Thử tìm trên mạng, tôi thấy thời gian ra đời của Hội truyền giáo nước ngoài Paris có những con số khác nhau và cũng khác với năm 1663 của tác giả:

- Theo Trần Văn Toàn “Hội Thừa-sai Nước Ngoài tại Paris được thành-lập năm 1660.”[14]

- Theo Anh Quoc Tran “Société des Mission étrangères de Paris (MEP) được thành lập vào năm 1659 với việc bổ nhiệm Pallu và Lambert de la Motte đến Annam. Tuy nhiên, sự công nhận chính thức đã không đến cho đến năm 1664”. Trong tài liệu này, Anh Quoc Tran dẫn nguồn “See Adrien Launay, Histoire génerale de la Sociéte des Missions Étrangères (Paris, 1894), Vol. 1: Chapters I-III.”[15] Như vậy, lời khẳng định “Hội thừa sai chính thức được thành lập năm 1663” có thật sự chính xác, khi không có nguồn trích dẫn?

Nhân đây cũng cần nói thêm, trong bài đăng trên DĐ, PTKL chú thích: “"Hội thừa sai", cũng thường được gọi là "Hội thừa sai Paris" thực ra có tên chính thức là: Société des Missions Etrangères (không có chữ "de Paris"). Điều này được thể hiện rõ trong "Instructions aux vicaires apostoliques", bản gốc năm 1659 và bản sửa đổi dưới thời giám mục Laneau năm 1682. Trong bài này, chúng tôi lấy lại tên gốc của Hội.” Tôi cũng thấy thắc mắc là nếu đúng như vậy thì vì sao trong các bài sau đó, như bài đăng ở TS và “báo cáo tại Hội thảo hè năm 2019 tại Porto”[16], tác giả lại dùng “Hội thừa sai Paris”. Mặt khác, trên website của “Société des Mission étrangères de Paris” vẫn có chữ Paris (xem chú thích 12)[17].

6. Trong bài viết trên TS, PTKL có đăng một tấm bản đồ và chú “Bản đồ An Nam do Alexandre de Rhodes vẽ năm 1651, trong đó có chữ "Cocincina" (tay trái) and "Tunkin" (tay phải). Nguồn: alamy.” Lời chú này cũng có hai điều cần trao đổi:

6.1. Về nguồn của bản đồ: theo lời chú của tác giả, tôi vào trang alamy.com và tìm được bản đồ mà tác giả đăng trên TS. Dưới bản đồ có ghi bằng tiếng Anh, đúng như tác giả dịch ra tiếng Việt: “Map of "Annam" drafted by Alexandre de Rhodes (1651) showing "Cocincina" (left) and "Tunkin" (right)”. Song, ở dòng dưới cùng trong thông tin của bản đồ này có ghi: “Date taken: 20 April 2011”[18]. Từ đó tôi băn khoăn liệu việc dùng bản đồ và thông tin từ “ngân hàng bản đồ trên mạng” kiểu này có đảm bảo độ tin cậy về mặt học thuật không, trong khi tấm bản đồ này đã được công bố khá lâu trước đó từ nguồn khác?

6.2. Về thời gian vẽ và tác giả: bản đồ này không phải được vẽ năm 1651 như PTKL chú, mà được in trong một cuốn sách của Alexandre de Rhodes xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Ý năm 1650, tiếng Pháp năm 1651 và tiếng Latin năm 1652[19]. Về bản đồ này, vào năm 1996, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã có bài viết “Phải chăng bản đồ Alexandre De Rhodes 1650 vẽ theo bản đồ Hồng Đức 1490?” trong tạp chí Xưa và Nay[20] và được đăng lại trên một vài trang mạng[21]. Tuy nhiên, Alexandre de Rhodes được coi là tác giả của tấm bản đồ này chỉ vì nó được in trong cuốn sách của ông, còn tác giả của nó có thể là một hoặc một số giáo sĩ Dòng Tên, chứ chưa hẳn là de Rhodes, như Alexei Volkov biện luận (xem bài dịch ở chú thích 19). Như vậy, tấm bản đồ này đã có từ năm 1650 (chứ không phải 1651) và tác giả có thể không phải là Alexandre de Rhodes.

7. Một vài thuật ngữ, khái niệm ngôn ngữ học

7.1. Trong bài trên TS, PTKL viết: “Con chữ ghi âm tiếng Việt đầu tiên được ghi nhận là trong một báo cáo năm 1617 (Jap-Sin 114, fol. 144v-145v). Ngoài tên các địa danh như Cochinchina, Tonquin, Faifo, Pullo Cambim, tôi còn ghi nhận con chữ Chuua (Chúa).” Khái niệm hay thuật ngữ “con chữ” được tác giả dùng ở đây để chỉ “từ”/“âm tiết” của tiếng Việt. Theo cách nói thông thường, người Việt có thể nói chữ “chúa” với nghĩa “từ”/“âm tiết” (như lối nói “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, song không với nghĩa “con chữ”. Tuy nhiên, PTKL viết với cách hiểu như vậy ở một số chỗ khác trong bài trên TS:

- “Tuy nhiên, các giáo sĩ chưa tách các con chữ (tiếng Việt đơn âm tiết nhưng các giáo sĩ ghi thành đa âm tiết)”;

- “Sau đó, các báo cáo thời kỳ từ 1630 đến 1634 chỉ ra đây là thời kỳ bản lề cho việc ghi tiếng Việt bằng ký tự La-tinh: các con chữ được tách riêng biệt…”

- “Khi nghiên cứu bản Kinh lạy cha này, Giáo sư Roland Jacques cho rằng phần con chữ La-tinh do Alexandre de Rhodes viết và de Rhodes là thư ký của nhóm có nhiệm vụ sao chép văn bản (Jacques 2004: 190 - 191).”  

Nhưng, ở nhiều chỗ khác trong bài, tác giả dùng “con chữ” đúng với nghĩa “chữ cái”, chẳng hạn:

- “Nghiên cứu các báo cáo thời kỳ này ghi nhận có 6 con chữ a, e, i, o, ô, u để ghi âm các nguyên âm.”

- “Ở trong văn bản này, tôi còn ghi nhận sự xuất hiện của chữ cái ôâ. Hai con chữ này đã xuất hiện ở trong báo cáo của Fontes năm 1626, nhưng không ghi rõ ràng. Hơn nữa, văn bản này cũng ghi nhận có sự xuất hiện lần đầu của hai chữ cái ơ ư.”

- “Hệ thống âm chính tiếng Việt được đảm nhiệm bởi 11 nguyên âm đơn (được ghi bởi 12 con chữ) và 3 nguyên âm đôi (được ghi bởi 6 con chữ).” (chú thích 3)

Như vậy là ở đây tác giả đã lẫn lộn giữa “chữ” theo cách nói thông thường (như kiểu “chữ tài, chữ mệnh”) với “con chữ” và “chữ cái” trong ngôn ngữ, chữ viết.

7.2. Đáng chú ý, trong câu dưới đây, tác giả đã có một nhận xét thiếu chính xác (phần gạch dưới): “Văn bản này (Jap-Sin 85, fol. 89r-123r) có ba điểm lý thú cần lưu ý: - Mỗi con chữ ghi một âm tiết - Fontes ghi nhận chắc chắn tính đơn âm tiết của tiếng Việt.”: 

Âm tiết là đơn vị phát âm nhỏ nhất và trong tiếng Việt âm tiết cũng là “từ/tiếng” nên trong chữ viết đa phần gồm các con chữ ghép với nhau kèm theo dấu ghi thanh điệu. Số âm tiết được ghi bằng một con chữ ghi nguyên âm, ví dụ: u, ừ, à…, chiếm không nhiều. Vì thế, không thể nói “Mỗi con chữ ghi một âm tiết”. Trong mấy chữ viết tay mà tác giả dẫn ra làm ví dụ, ta thấy: âm tiết “đến” gồm 3 “con chữ”, âm tiết “huyện” gồm 5 “con chữ”. PTKL đã lẫn lộn khái niệm “con chữ” và “âm tiết”. Cũng vì thế nên thay vì “âm tiết”, tác giả đã viết “con chữ” ở đây nữa “Sau đó, các báo cáo thời kỳ từ 1630 đến 1634 chỉ ra đây là thời kỳ bản lề cho việc ghi tiếng Việt bằng ký tự La-tinh: các con chữ được tách riêng biệt…”.

 7.2. Trong bài trên DĐ, PTKL viết: “Như chúng ta đã biết, khởi nguồn của lối phiên âm theo ngữ hệ La-tinh chỉ là một công cụ học tiếng của các linh mục người nước ngoài.” Từ điển tiếng Việt năm 2005 của Viện Ngôn ngữ học, định nghĩa: “Ngữ hệ” hay còn gọi “họ ngôn ngữ” được hiểu là “Tập hợp những ngôn ngữ có cùng nguồn gốc”. Trong ngôn ngữ học, tôi chưa từng nghe nói đến “ngữ hệ La-tinh” mà chỉ có họ/ngữ hệ Ấn-Âu, ngữ hệ Nam Á…

 

Ngoài ra, trong hai bài viết này, PTKL còn dùng từ con chữ/chữ La-tinh rất nhiều lần, song không phải tất cả đều có nghĩa như nhau, mà không chú giải. Phần lớn các trường hợp con chữ/ký tự “La-tinh” (12 lần) và “Latinh” (2 lần) được tác giả dùng để chỉ chữ Roman hay alphabet và người đọc cũng hiểu như vậy. Nhưng trong câu này “Để phục dựng lại quá trình các giáo sĩ lựa chọn các con chữ để ghi tiếng Việt, tôi đã dựa vào các văn bản viết tay bằng chữ Bồ Đào Nha, La-tinh hiện được lưu trữ tại Lisbonne và Rome có điểm xuyết những âm tiếng Việt được ghi lại bằng con chữ Latinh” hai từ “La-tinh” và “Latinh” không mang nghĩa giống nhau. Từ “La-tinh” thứ nhất chỉ chữ viết ghi tiếng Latin, còn từ “Latinh” cuối câu chỉ các con chữ Roman hay alphabet của các chữ viết Roman giống chữ viết tiếng Latin như chữ Anh, chữ Pháp, chữ Bồ Đào Nha, chữ Ý, chữ Tây Ban Nha. Vì vậy, chữ “Latinh” thứ hai này nên thay bằng Roman hoặc phải chú thích để tránh nhầm lẫn.

Cũng vì để tránh sự nhầm lẫn này, tôi nghĩ chữ Quốc ngữ nên gọi là chữ viết thuộc loại hình chữ viết Roman mà không nên gọi là chữ viết Latin. Bởi lẽ, trong hệ thống chữ Quốc ngữ không phải tất cả các chữ cái đều bắt nguồn từ chữ viết Latin mà có một số chữ có nguồn gốc từ tiếng Bồ Đào Nha, Ý và Pháp như học giả André-Georges Haudricourt đã chỉ ra trong một bài viết[22]. Cũng vì thế mà việc dùng các con chữ Roman để ghi âm tiếng Nhật trước đây được gọi là romaji.

 

Võ Xuân Quế (15/3/2021)

 

 

 



[1] https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/chu-quoc-ngu-thoi-hoi-thua-sai-paris

[2] https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Lich-su-chu-Quoc-ngu-tu-1615-den-1861-Qua-trinh-Latinh-hoa-tieng-Viet-trong-trao-luu-ngu-hoc-truyen-giao-20834?fbclid=IwAR2MNoOuz1GZf1SQohtQMV-NVE8LNmaEjxYXl-IBuwv29aNiySAGFuZKj9o#

[3] Peter C. Phan, Mission and Catechesis: Alexandre de Rhodes and Inculturation in Seventeenth-century Vietnam, Orbis Books, 2006, tr.10.

[4] Olgar Dror và K.W. Taylor, Views of Seventeenth-Century Vietnam, Christoforo Borri on Cochinchina and Samuel Baron on Tonkin, Cornell University, Ithaca, New York 2006, tr.31-32

[5] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bien-nien-su-cua-giao-hoi-cong-giao-viet-nam-25943

[6] Có thể xem tại đây toàn văn tại đây (https://scholarsarchive.byu.edu/etd/4350/)

[7] http://conggiao.info/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes---ban-tuong-trinh-nam-1619-viet-boi-lm-joao-rodrigues-girao-phan-24-d-56508

[8] Liam Matthew Brockey. 2007. Journey to the East. The Jesuit mission to China 1579-1724, Cambridge, MA & London, The Belknap Press of Harvard University Press, tr. 249.

[9] Yang, Paul Fu-mien, S.J., The Portuguese Chinese Dictionary of Michele Ruggieri and Matteo Ricci: A Historical and Linguistic Introduction, in trong sách “Dictionário Português-Chinês, Michele Ruggieri & Matteo Ricci” John W. Witek, S.J. biên tập, Biblioteca National Portugal and Instituto Português do Oriente 2001, tr.171-209, (xem tr.176)

[10] Roland Jacques, Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics prior to 1650, Orchid Press, Bangkok 2002, được Viện Ngôn ngữ học dịch sang tiếng Việt với tên sách “Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học”, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 2007. Câu này dược dịch trong bản tiếng Việt  là: “Về phần con, con đã soạn xong một tiểu luận về chính tả, về thanh điệu của ngôn ngữ này và con đang lao vào ngữ pháp.” (tr.44)

[12] Anh Quốc Tran, S.J., S.T.L., M.A. “Tam giáo chư vọng”, Washington, DC, April 7, 2011, tr. 56 (https://repository.library.georgetown.edu/bitstream/handle/10822/558188/Tran_georgetown_0076D_11063.pdf?sequence=1).

[13] https://missionsetrangeres.com/mgr-francois-pallu-1626-1684/

[14] http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=97&ia=10136

[15] Anh Quốc Tran, S.J., S.T.L., M.A. “Tam giáo chư vọng”, Washington, DC, April 7, 2011, tr.55 (xem chú thích 13)

[16] http://hoithao.viet-studies.net/PTKieuLy_Porto.pdf

[17] Trao đổi qua email, Gs. Anh Quốc Tran cho tôi biết thêm về điều này: “Trong các văn bản gửi toà thánh, cụm từ "Societas pro missionibus exteris" (hội truyền giáo ở nưoc ngoài) khá phổ biển. Khi thành lập hội truyền giáo hải ngoai ở Canada, ở Hoa kỳ cũng dùng danh từ, Societas pro missionibus exteris provinciae Quebecensis, Societas de Maryknoll pro missionibus exteris. Có lẽ ở trong nước Pháp thì nói tắt là Missions Etrangères (như trong chữ Seminaire des missions etrangeres) nhưng ra nước ngoài thì phải thêm chữ Parisensis (de Paris) vào chăng? Dù sao, tên của Hội được sử dụng luôn có chữ "de Paris" từ khi đến Viêt Nam đến giờ.

[18] https://tinyurl.com/yhcbsc5v (Link được rút ngắn)

[19] https://vietvafin.wordpress.com/2021/03/07/ve-hai-ban-do-viet-nam-trong-sach-cua-alexandre-de-rhodes/

[20] Nguyễn Đình Đầu, Phải chăng Bản đồ Alexandre de Rhodes 1650 vẽ theo Bản đồ Hồng Đức 1490?, Xưa và Nay, số 33, (1996), tr.34-35

[21] https://dongten.net/2011/07/31/phai-chang-ban-do-alexandre-de-rhodes-1650-ve-theo-ban-do-hong-duc-1490/

[22] http://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/nhung/12584-nguon-goc-nhung-diem-da-c-biet-trong-bang-chu-cai-chu-quo-c-ngu

 

Võ Xuân Quế
Số lần đọc: 939
Ngày đăng: 24.03.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc thơ Nguyễn Lương Vỵ(*) - Phan Văn Thạnh
Bóng con, bóng mẹ - Nguyễn Anh Tuấn
Một chút tản mạn cùng tập ”Thơ ngắn Đỗ Nghê” - Nguyễn An Bình
Thao thức với “Nỗi niềm với Huế” của nhà thơ Hoàng Trọng Bường - Hoàng Thị Bích Hà
Về câu kết 2 bài thơ “Thăm bạn” và “Đồng vọng” của nhà thơ Đồng Thị Chúc - Đặng Xuân Xuyến
Thơ như giọt máu ứa - Nguyễn Hoàn
Thi ca đương đại(III) của thế giới thơ hôm nay - Võ Công Liêm
Thơ tình Trần Hạ Vi - Nguyễn Đức Tùng
Về tập “64 Bài thơ hay” và những tinh hoa - Nguyễn Thị Xuân
Thế giới của những thiên thần - Nguyễn Thọ