Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.218.218
 
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 10)
Lê Ký Thương

 


Lê Ký Thương dịch từ bản tiếng Anh:
A PERSONAL MATTER  của John Nathan
NXB CHARLESE - TUTTLE COMPANY JAPAN -1994  

 

10

Họ đang xem tin tức truyền hình nửa đêm, Điểu nằm sấp trên giường, chỉ ngẩng cái đầu trông giống như một con nhím biển bé bỏng, còn Himiko thì ngồi bó gối trên sàn. Cái nóng ban ngày đã dịu đi, và họ, giống như những người sống trong hang thời tiền sử, thưởng thức không khí mát lành trên cơ thể trần truồng. Vì trí óc mãi chờ nghe tiếng chuông điện thoại, họ vặn nút điều chỉnh âm thanh tivi nhỏ xuống, tiếng động duy nhất trong phòng lúc này là thứ tiếng nói yếu ớt tuồng như tiếng vỗ cánh của con ong. Nhưng cái mà Điểu nghe được không phải là tiếng nói mang ý nghĩa và tâm trạng của con người, anh cũng chẳng nhận ra được những hình thù lung linh trong bóng tối trên màn ảnh. Không có hình ảnh nào từ thế giới bên ngoài lọt vào ý thức anh. Đơn giản là anh đang chờ đợi, giống như một chiếc radio chỉ trang bị bộ phận tiếp nhận, một tín hiệu từ xa mà anh không biết chắc có truyền đến hay không. Cho tới lúc này, tín hiệu ấy chưa đến và bộ phận tiếp nhận là Điểu đang hỏng hóc trong chốc lát. Himiko đột ngột đặt quyển truyện My Life in the Bush of Ghost của nhà văn châu Phi Amos Tutuola lên đùi nàng, rướm người tới tắt nút điều chỉnh âm thanh. Từ lúc ấy, Điểu tiếp nhận một cảm giác không rõ ràng từ những hình ảnh mà mắt anh đang nhìn hay tiếng động mà tai anh nghe được. Anh chỉ đơn thuần tiếp tục chờ đợi, nhìn một cách thất thần lên màn ảnh. Một phút sau, Himiko chống gối lên sàn nhà, vươn tay ra tivi. Đóm thủy ngân lóe sáng rồi vụt tắt như hình ảnh của cái chết được trừu tượng hóa. Điểu thở hổn hển, có thể lúc này con tôi đã chết rồi! Anh cảm thấy điều đó. Từ sáng cho tới giờ phút khuya khoắt này, anh chờ đợi một cú điện thoại, ngoài việc ăn trưa với ít bánh mì thịt nguội và bia, và làm tình với Himiko nhiều lần, anh đã chẳng làm gì, ngay cả chuyện nhìn tấm bản đồ hay đọc quyển tiểu thuyết châu Phi của mình (trong khi Himiko, dường như bị cơn sốt châu Phi của Điểu lây sang, lại bị tấm bản đồ và quyển sách mê hoặc), anh không nghĩ gì ngoài cái chết của đứa bé. Rõ ràng là Điểu đang ở trong tâm trạng bế tắc.
Himiko xoay người trên sàn nhà và nói với Điểu, ánh mắt nàng sục sôi.
“Gì thế em?” Điểu nhướng mày hỏi, không thể nào hiểu được ý nghĩa câu nói của nàng.
“Em nói có thể sự bắt đầu cuộc chiến tranh hạt nhân có nghĩa là phút tận cùng của thế giới!”.
“Cái gì khiến em nói thế?” Điểu ngạc nhiên hỏi. “Thỉnh thoảng em lại có kiểu nói những điều hoàn toàn bất ngờ”.
“Hoàn toàn bất ngờ à?” Đến lượt Himiko ngạc nhiên. “Chứ không phải tin tức này cũng làm anh bị sốc ư?”.
“Tin nào? Anh không để ý, anh đang lo lắng chuyện khác”. Himiko nhìn Điểu trách móc, nhưng dường như nàng nhận ra ngay anh không có ý đùa cợt với nàng và cũng chẳng tỏ vẻ ngạc nhiên về những gì đã nghe. Ánh mắt khích động của nàng dịu xuống.
“Hoàn hồn lại đi anh Điểu!”.
“Tin gì thế em?”
“Khruschev lại tiếp tục thử nghiệm hạt nhân. Rõ ràng  ngày nay họ xem việc cho nổ bom nguyên tử giống như việc phóng tên lửa vậy”.
“Ờ, đúng vậy”. Điểu nói:
“Hình như anh chẳng có ấn tượng gì cà”.
“Anh nghĩ rằng anh không…”.
“Lạ thật!”.
Quả là lạ. Lúc này, lần đầu tiên Điểu cảm thấy rằng việc tiếp tục thử nghiệm hạt nhân của Xô- viết đã không gây một chút ấn tượng nào đối với anh. Ngay cả việc nếu chiến tranh thế giới thứ ba xảy ra với vụ nổ hạt nhân thì cũng không gây ngạc nhiên cho anh được…
“Anh không biết tại sao, nhưng thật tình anh không cảm thấy gì cả”, Điểu nói.
“Có phải thời gian này anh hoàn toàn lơ là về chính trị không?”
Điểu im lặng ngẫm nghĩ trong giây phút.
“Anh không nhạy cảm với tình hình thế giới như thời sinh viên. Em còn nhớ anh thường cùng em và chồng em tham gia những cuộc mít-tinh phản đối chiến tranh không? Nhưng điều mà anh quan tâm suốt trong thời gian đó là vũ khí hạt nhân. Cũng giống như hoạt động chính trị duy nhất mà nhóm nghiên cứu chúng ta tham gia là biểu tình chống chiến tranh hạt nhân. Vậy thì đáng lẽ anh bị sốc vì tin tức về Khruschev, nhưng lúc này anh xem tivi mà chẳng cảm thấy gì cả”.
“Anh Điểu…”, Himiko ngập ngừng nói.
Một nỗi âu lo mơ hồ buộc Điểu lên tiếng, “Dường như thần kinh anh lúc này chỉ nhạy cảm với vấn đề của con anh và chẳng hề bị kích động bởi bất cứ điều gì khác”.
“Đúng thế anh Điểu ạ. Suốt 15 tiếng đồng hồ của ngày hôm nay, anh chẳng nói chuyện gì trừ chuyện thằng bé chết hay chưa”.
“Quả thật hình bóng của nó chiếm hết đầu óc anh, giống như anh đang chìm trong bể bơi ngập tràn hình ảnh của thằng bé”.
“Anh Điểu ạ, điều đó chẳng bình thường tí nào. Nếu như thằng bé cứ yếu đi trong một thời gian dài và tiếp tục như thế hàng trăm ngày, có lẽ anh sẽ điên mất. Điên mất Điểu ạ!”.
Điểu trừng mắt nhìn Himiko. Tựa như âm vang nhưng lời nói của nàng có thể ban tặng cho đứa bé đang yếu dần vì nước đường và sữa loãng nguồn sinh lực như nguồn sinh lực mà Popeye tìm thấy trong hộp rau bi-na. Ôi, một trăm ngày! Hai ngàn bốn trăm tiếng đồng hồ!
“Anh Điểu, nếu anh cứ để hình ảnh thằng bé ám ảnh anh như thế này thì em nghĩ ngay cả khi nó mất rồi, anh cũng không thoát được nó”, Himiko đọc một câu tiếng Anh trong vở kịch Macheth của Shakepcare: “Những hành vi này không thể được nghĩ theo cách này, anh Điểu này, nếu cứ như thế nó sẽ làm chúng ta điên mất”.
“Những lúc này anh không thể nào không nghĩ đến thằng bé, và có lẽ cả khi nó chết rồi cũng vậy. Anh chẳng biết làm gì được. Có thể là em có lý, vì tất cả những gì anh biết là điều xấu nhất sẽ đến sau khi thằng bé mất”.
“Nhưng cũng không quá trễ để anh điện thoại đến bệnh viện dàn xếp cho nó được uống toàn sữa mà…”.
“Làm thế không tốt đâu”. Điểu cắt ngang bằng giọng nói rầu rĩ và bối rối nghe như một tiếng than. “Và em biết chẳng hay ho gì nếu em nhìn thấy cái bướu trên đầu nó!”.
Himiko chăm chú nhìn Điểu rồi lắc đầu một cách buồn bã khi nhìn thấy vẻ mặt của anh. Họ tránh nhìn vào mắt nhau. Ngay sau đó, Himiko tắt đèn rồi vùi mình xuống giường bên cạnh Điểu. Lúc này trời mát đủ cho hai người cùng nằm trên chiếc giường chật hẹp mà không phải lấn nhau. Nhiều phút trôi qua. Cả hai cùng biết họ đều thức, nhưng lại giả vờ như không biết. Cuối cùng thì Himiko đột ngột lên tiếng giống như một con chồn không thể chịu đựng sự giả chết lâu hơn. “Tối hôm qua anh đã mơ thấy đứa bé phải không?” Giọng nàng run lên một cách kỳ lạ.
“Ừ, mà sao?”
“Anh mơ thấy gì vậy?”
“Anh thấy một quả tên lửa đặt trên mặt trăng và chiếc nôi của thằng bé nằm một mình trên những tảng đá cô đơn một cách khủng khiếp kia. Chỉ có thế thôi. Một giấc mơ đơn giản”.
“Còn em thì thấy anh nằm co ro như một đứa trẻ, hai bàn tay nắm chặt và khóc oa oa. Miệng anh rộng toác”.
“Thật là chuyện khủng khiếp, không bình thường chút nào!” Điểu giận dữ nói rồi chìm mình trong nỗi xấu hổ.
“Em sợ quá. Em đã nghĩ anh cứ thế mãi và không bình thường trở lại”.
Điểu im lặng, hai gò má nóng bừng lên trong bóng tối. Còn Himiko thì nằm yên như đá.
“Anh Điểu này, nếu đây không phải là chuyện riêng của anh, em muốn nói nó còn liên quan tới cả em nữa, thì em có thể chia sẻ với anh, và em có thể động viên anh được nhiều hơn…”. Giọng Himiko dịu đi như hối tiếc đã để ý đến tiếng gào của Điểu trong giấc ngủ.
“Em nói đúng đấy. Chuyện này chỉ liên  quan đến anh, nó hoàn toàn là vấn đề cá nhân. Nhưng đó là một thứ kinh nghiệm cá nhân của kẻ đã tự dẫn mình vào hang sâu và phải tìm ra một lối thoát, kinh nghiệm ấy không chỉ liên  quan đến cá nhân anh mà còn liên  quan đến mọi người. Và với loại kinh nghiệm này, ít ra cá nhân đó cũng được nhận phần thưởng vì sự chịu đựng của họ. Cũng giống như cậu bé Tom Sawyer vậy! Cậu ta đã chịu đựng trong cái hang tối đen như mực, nhưng đúng lúc cậu ta tìm ra lối thoát thì đồng thời cũng tìm được cả túi vàng. Còn điều mà anh đang cảm thấy lúc này là cái cảm giác anh đang đào một mỏ sâu thẳng đứng trong một nơi hoàn toàn cách biệt, nó thẳng đuột đến một chiều sâu vô vọng và không bao giờ mở ra một thế giới khác. Vì vậy anh đã trào mồ hôi và chịu đựng trong cái hang động tối tăm đó, và kinh nghiệm bản thân anh chẳng giúp được gì cho kẻ khác. Lúc này anh chỉ biết có việc đào, và đào, vô ích, tủi nhục. Cái thằng bé Tom Sawyer trong người anh đang tận cùng tuyệt vọng dưới đáy hầm sâu và anh chẳng ngạc nhiên nếu cậu ta hóa điên!”.
“Em chưa hề có kinh nghiệm chịu đựng quá sức vô ích như vậy. Anh Điểu ạ, ngay sau khi chồng em tự tử, em leo lên giường, chẳng một phương tiện bảo vệ, với một thằng đàn ông có thể đang mắc bệnh, và em thấy mình có dấu hiệu nhiễm bệnh giang mai. Em chịu đựng nỗi sợ hãi đó trong một thời gian rất lâu, trong lúc ấy em có cảm tưởng như không có căn bệnh thần kinh nào giống như căn bệnh hiếm muộn của em. Nhưng anh biết đấy, sau đó em đã bình phục, cuối cùng em cũng đạt được một điều gì đó. Kể từ ngày ấy, em có thể thích nghi với mọi thứ dù nó có nguy hiểm đến thế nào chăng nữa, và trong thời gian rất lâu em không còn lo lắng về bệnh giang mai nữa”.
Himiko kể lại câu chuyện của nàng như là một lời tự thú đùa cợt, nàng còn kết thúc bằng một tràng cười khúc khích. Nhưng cái cách vui vẻ của nàng chỉ giả tạo, Điểu cảm thấy cô bạn chỉ cố làm anh vui lên. Ấy thế mà anh vẫn còn tự cho phép diễn đạt những lời hoa mỹ với vẻ hoài nghi: “Nói cách khác, lần sau nếu vợ anh sinh ra một đứa con bất bình thường, anh sẽ không còn đau khổ lâu nữa chứ gì?”.
“Em đâu có muốn nói như thế”, Himiko chán nản nói, “anh Điểu này, nếu như anh có thể chuyển hóa cái kinh nghiệm từ một cái hang thẳng đứng bít bùng thành một đường hầm có lối thoát thì…”.
“Anh không nghĩ điều đó có thể xảy ra”.
Cuộc đối thoại kết thúc. “Em đi lấy một ly bia với vài viên thuốc ngủ đây”, cuối cùng Himiko nói: “Anh cũng nên uống vài viên chứ?”.
Tất nhiên Điểu cũng muốn uống vài viên, nhưng như thế thì anh sẽ không nghe được tiếng chuông điện thoại reo. “Anh không uống đâu”. Anh nói, giọng đanh lại với sự mong chờ cao độ. “Anh ghét sáng thức dậy mà có vị thuốc ngủ trong miệng”. Chỉ cần nói anh không uống là đủ. Nhưng những lời chua thêm là cần thiết để dập tắt nhu cầu bia và thuốc ngủ đang cháy bỏng trong cổ họng anh.
“Thật không đấy?”. Himiko hỏi gặng lại khi nuốt mấy viên thuốc xuống cùng với nửa ly bia. “Bây giờ mà anh để ý đến nó thì nó có mùi vị giống như một chiếc răng gãy ấy”.
Sau khi Himiko chìm vào giấc ngủ khá lâu, Điểu vẫn còn nằm thao thức bên cạnh nàng, cơ thể cứng đờ từ vai đến bụng như người bị mắc chứng phù thủng hành hạ.
Không còn phòng nào để dời đi, cơn đau dấy lên trong cơ thể, Điểu nằm thao láo một cách tuyệt vọng. Trước đó khá lâu, cơn nghi ngờ ngột ngạt xâm chiếm lấy anh. Có thể là bác sĩ và các cô y tá kia không cho thằng bé bú đủ số lượng sữa trong một giờ? Điểu có thể nhìn thấy thằng bé háo hức húp sữa, hai cái miệng đỏ hỏn mở ra trên hai cái đầu cùng màu. Cơ thể anh lâm thâm cơn sốt. Nỗi xấu hổ của Điểu nhẹ đi, và sức nặng tăng lên ở dĩa cân bên kia, dĩa cân mang ý nghĩa là vật hy sinh bị một đứa bé kỳ quái hãm hại: cán cân tâm lý đang nâng lệnh hoãn thi hành án của Điểu lên tới tột đỉnh. Điểu toát mồ hôi, quay cuồng vì nỗi âu lo vị kỷ. Anh chẳng còn thấy gì nữa, cả những đồ đạc trong nhà nổi lên trong bóng tối, mà cũng chẳng nghe bất cứ âm thanh nào, kể cả tiếng rì rầm của những chiếc xe tải chạy ngang. Giờ đây anh chỉ còn là một cơ thể sống chỉ ý thức được cảm giác châm chích của cái nóng trên da thịt và mồ hôi đang tuôn ra từ chính cơ thế ấy. Nằm bất động hoàn toàn, thứ chất lỏng có mùi lá xanh tiếp tục rỉ ra trên người Điểu giống như con ốc sên bị đạp bẹp đi trong vườn.
Tôi biết bác sĩ và các cô y tá kia đang cho con tôi bú đủ sữa….
Điểu nghĩ, sáng ra Himiko có thức dậy anh cũng không thể kể cho nàng nghe về chứng hoang tưởng đáng hổ thẹn này: đó chính là chứng hoang tưởng mà cô bạn gái của Himiko đã tiên đoán cốt xem thường anh. Có thể anh không nói với Himiko, nhưng chắc chắn anh sẽ đến khu chăm sóc đặc biệt để thăm dò khi mà nỗi bức xúc chờ đợi cú điện thoại đã đến mức không thể chịu đựng nỗi. Trời hừng sáng, chuông điện thoại vẫn không reo. Rồi bình minh qua đi, ánh sáng ban mai bắt đầu len qua màn cửa, Điểu vẫn còn bị ngập tới tận cổ trong bế tắc hắc ín âu lo, thức trắng, mồ hôi vả ra, không có gì khác ngoài tiếng chuông ma quái đang reo lên trong tai anh.


Trong nỗi yên lặng đến khó chịu, vai họ cọ vào nhau, Điểu cùng viên bác sĩ nhìn chăm  chăm qua vách kính ngăn như đang quan sát một con mực trong bế nước. Con của Điểu được đưa ra khỏi lồng ấp và đang nằm một mình trên giường. Có thể nó vừa được phẫu thuật vá lại môi trên, nhưng hình thù của nó chẳng có gì thay đổi. Đỏ tươi như một con tôm luộc, nó nhìn Điểu không giống như cái nhìn của một sinh vật yếu đuối sắp chết. Thậm chí nó có vẻ lớn hơn trước. Và cục bướu trên đầu nó cũng có vẻ to hơn. “Đầu nó ngả hẳn ra phía sau để tạo sự cân bằng với sức nặng của cục bướu, đứa bé đưa phần dưới của hai ngón tay cái gãi gãi sau tai một cách giận dữ, có lẽ nó cố gắng cào cục bướu với hai bàn tay quắp lại mà không với tới được. Mắt nó nhắm nghiền đến độ khiến cho nửa khuôn mặt nhăn lại.
“Bác sĩ có nghĩ rằng cục bướu gây ngứa không?”
“Cái gì cơ?” viên bác sĩ hỏi lại, và chợt hiểu. “Tôi không chắc lắm. Nhưng phần da dưới cục bướu thì quá đỏ như sắp nứt ra, rất có thể nó bị ngứa. Chúng tôi đã tiêm một liều thuốc kháng sinh vào đó rồi, nhưng giờ thì phải ngưng vì cục bướu có thể bị vỡ ra bất cứ lúc nào. Nếu nó vỡ bung thì thằng bé sẽ càng thêm khó thở”.
Điểu chăm chăm nhìn viên bác sĩ, miệng há ra nhưng rồi lại ngậm câm như hến. Anh muốn xác minh rằng viên bác sĩ đã quên mất là anh, cha của đứa bé, đã ao ước nó chết đi. Mặt khác, lại một lần nữa anh có thể bị chà đạp dưới gót giày nghi ngờ như tối hôm qua. Nhưng tất cả những gì anh có thể làm được là câm miệng.
“Hôm nay hoặc ngày mai nó có thể bị lên cơn co giật”, viên bác sĩ nói. Điểu chăm chăm nhìn thằng bé đang gãi đầu như ban nãy với hai bàn tay lớn, đỏ hỏn giơ lên phía trên tai. Tai nó giống in tai Điểu, vểnh ngược ra. “Ba đang thưởng thức tất cả những gì con đang làm đây”. Điểu thì thầm như sợ thằng bé nghe được. Rồi anh cúi chào viên bác sĩ, đôi gò má đỏ bừng, và vội vã ra khỏi khu chăm sóc đặc biệt.
Vào giây phút cánh cửa đóng lại, Điểu lại hối tiếc đã không nói rõ ao ước của mình với viên bác sĩ lần nữa. Anh đi dọc theo hành lang, đưa hai tay lên sau gáy gãi đầu bằng phần thịt của ngón tay cái. Dần dần anh cảm thấy đau phía sau như có một khối nặng buột chặt vào đầu. Anh dừng lại trong giây phút khi nhận ra mình bắt chước cử chỉ của thằng bé và lo lắng liếc quanh. Ở góc hành lang, ngay trước vòi nước uống, có hai phụ nữ ở khu sản phụ nhìn thẳng về phía anh. Cảm thấy bao tử trì nặng, Điểu quay về phía hiên chính và cất bước chạy.
Khi Điểu cho xe chạy chầm chậm để tìm chỗ đậu thì bạn anh từ nhà hàng trông thấy và anh ta chạy ra đường. Cuối cùng Điểu tìm được chỗ đậu xe, anh nhìn đồng hồ. Trễ mất ba mươi phút. Khi bạn anh tiến lại gần, Điểu thấy gương mặt anh ta bồn chồn nóng nảy.
“Xe của bạn mình đấy”, Điểu bối rối thanh minh về chiếc MG. “Xin lỗi vì đến trễ. Mọi người đều có mặt chứ?”.
“Chỉ có tớ và cậu thôi. Những người kia đến chỗ mít-tinh ở công viên Hibiya phản đối vụ thử hạt nhân hết rồi”.
“À, ra thế”. Điểu nói. Anh nhớ mình biết tin tức về vụ thử hạt nhân của Liên Xô vào lúc ăn sang khi nghe Himiko đọc báo, nhưng anh không hề quan tâm đến một mảy may. Ngay lúc này mối bận tâm đầu tiên của tôi là vấn đề cá nhân, một đứa con quái dị, tôi đã quay lưng với thế giới thực tại. Mọi người khác có quyền tham dự vào số phận toàn cầu với những cuộc mít-tinh chống đối của họ: một thằng bé có cục bướu trên đầu không dính dáng gì đến họ cả.
“Chẳng ai muốn dây dưa với ông Delchef, vì thế mà họ bỏ đi đến công viên hết”. Người bạn nhìn Điểu một cách giận dữ, có vẻ như anh ta không chấp nhận thái độ thờ ơ của Điểu về sự vắng mặt của những người khác. “vài ngàn người biểu tình ở công viên Hibiya cũng chả ăn nhằm gì với cá nhân ông Khruschev cả!”.
Điểu biết rõ từng thành viên của nhóm nghiên cứu. Không thể phủ nhận rằng việc quan hệ sâu đậm với ông Delchef lúc này có thể gây phiền toái cho họ. Nhiều người làm việc trong những công ty xuất khẩu hạng nhất, những người khác làm việc tại Văn phòng Ngoại vụ hoặc đang dạy đại học. Nếu báo chí đem vấn đề Delchef ra làm xì-căng-đan, vị thế của họ chắc chắn sẽ bị rắc rối nếu như cấp trên khám phá ra họ có quan hệ với ông ta. Chẳng ai trong số họ được tự do như Điểu, giảng dạy tại một trường luyện thi và sắp bị sa thải.
“Chúng ta sẽ làm gì?”
“Chúng ta chẳng thể làm gì được. Đối với tôi có lẽ sự chọn lựa duy nhất là từ chối lời đề nghị giúp đỡ của tòa công sứ”.
“Cả cậu cũng không muốn dính đến chuyện ông Delchef à?”. Điểu chỉ hỏi mà không chủ tâm, nhưng đôi mắt bạn anh bỗng đỏ lên và anh ta chòng chọc nhìn Điểu như thể vừa bị nguyền rủa, Điểu ngạc nhiên nhận ra rằng anh bạn đã hy vọng Điểu cũng quay lưng ngay tức thì với lời đề nghị của tòa công sứ.
“Nhưng cậu hãy xem lại quan điểm của ông Delchef, Điểu bình tĩnh phản đối. Người bạn tỏ vẻ giận dỗi im lặng.
“Để cho chúng ta thuyết phục ông ấy quay trở về có thể là cơ hội cuối cùng của ông ấy. Chẳng phải họ đã nói họ cần đến cảnh sát nếu chúng ta không làm gì được sao? Cậu biết rằng mình không thể từ chối lời khẩn cầu ấy mà không áy náy lương tâm!”.
“Nếu chúng ta thuyết phục được ông Delchef thì quá tốt. Nhưng nếu mọi việc không trôi chảy và vụ này trở thành một xì-căng-đan, chúng ta sẽ đứng giữa một biến cố quốc tế đấy!”. Bạn anh lên tiếng tránh nhìn mặt anh, nhìn xuống ghế tài xế của chiếc MG trông như bụng một con cừu bị moi hết ruột. “Tớ nghĩ  dây dưa với ông Delchef trong lúc mọi việc cứ như thế này có vẻ là không khôn ngoan”.
Điểu cảm thấy bạn anh đang khẩn nài anh đừng tranh luận xa hơn, lời khẩn nài trần trụi đến đáng buồn. Nhưng những từ đáng kinh sợ như xì-căng-đan và biến cố quốc tế hoàn toàn không gây được ấn tượng với anh. Ngay lúc này khi đầu óc anh ngập tràn xì-căng-đan về đứa con quái dị và các sự cố gia đình do thằng bé gây ra chặn đứng cổ họng anh hơn bất kỳ một sự cố quốc tế nào khác, Điểu chẳng sợ gì về tất cả những cạm bẫy mà anh nghĩ nó có thể vây kín cá nhân ông Delchef. Và anh cũng nhận thấy lúc này, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu có rắc rối với đứa con, anh đã cho phép mình hành động vượt qua xa giới hạn cuộc sống bình thường. Cả chuyện bù khú của anh cũng thật mỉa mai.
“Nếu cậu quay lưng với lời kêu gọi của tòa công sứ như anh em trong nhóm, tớ sẽ một mình tìm gặp ông Delchef. Tớ thân với ông ấy, cho dù sự cố lộ ra rành rành trước mắt và tớ bị dính vào xì-căng-đan này thì nó cũng chẳng gây phiền hà gì cho tớ cả”.
Điểu đang tìm kiếm một việc gì có thể lấp đầy thời gian hôm nay và ngày mai, tức là thời gian gia hạn mới của bác sĩ ban cho anh. Ngoài ra, anh thật long muốn xem cuộc sống ẩn dật của ông Delchef như thế nào.

Vào lúc Điểu nhận lời, bạn anh thya đổi vẻ mặt nhanh như chớp đến độ anh phải bối rối đôi chút. “Nếu cậu muốn làm thì cứ làm đi! Tớ không thể nghĩ ra điều gì tốt đẹp hơn thế nữa”, người bạn nói với sự tin tưởng nồng nhiệt. “Nói thật với cậu, tớ đã hy vọng cậu đồng ý làm công việc này. Mấy người kia đã lạnh lùng bỏ đi ngay khi mới nghe nhắc đến tên ông Delchef, nhưng cậu thì lại hết sức bình tĩnh và khách quan, Điểu này, tớ thán phục cậu đấy!”.
Điểu mỉm cười nhẹ nhàng, không muốn làm tổn thương người bạn bỗng nhiên lắm lời của mình. Ngay lúc này, trong thời gian anh không bận tâm đến chuyện thằng bé, khả năng thờ ơ tỉnh táo của anh là bất tận. Nhưng anh cay đắng nghĩ, đó không phải là lý do để cho hàng triệu người Tokyo còn lại không chịu sự trói buộc của một đứa bé quái dị trên cảm thấy them khát được như anh.
“Tớ nói với cậu cái này, tớ sẽ đãi cậu một bữa ăn trưa nhé”, người bạn hăng hái đề nghị. “Chúng ta uống bia trước đã”.
Điểu gật đầu và hai người cùng vào lại nhà hàng. Họ ngồi đối diện nhau ở bàn ăn và khi đã gọi bia, người bạn đang hoan hỉ của Điểu nói: “này Điểu, cậu vẫn còn thói quen dùng ngón cái gãi tai như thời bọn mình cùng học với nhau à?”.


Khi men vào con hẻm hẹp trông giống như một vết rạn giữa một nhà hàng Đại Hàn và một quán rượu, Điểu tự hỏi không biết còn lối ra nào khác ẩn trong mê cung này không. Theo bản đồ người bạn đã vẽ cho anh, anh vừa bước vào một hẻm cụt chỉ có lối vào duy nhất. Cái ruột tượng này có hình thù như bao tử bị tắc nghẽn ở phần tá tràng. Làm thế nào một người dấn thân vào cuộc sống ẩn dật có thể tự chọn mình vào một nơi chật hẹp như thế này mà chẳng cảm thấy lo lắng? Phải chăng ông Delchef cảm thấy bị săn đuổi đến độ không thể tìm một nơi nào khác làm chỗ lánh thân? May ra ông ta không còn trốn trong con hẻm này nữa. Ý nghĩ ấy làm cho Điểu vui lên, và rồi anh bước vào khu tập thể ở cuối con hẻm. Đứng trước lối vào có thể đã từng là con đường mòn bí mật dẫn lên một pháo đài trên núi, Điểu chùi mồ hôi trên mặt. Con hẻm đầy bóng râm, nhưng khi nhìn lên bầu trời, Điểu thấy ánh sáng chói chang của buổi trưa mùa hạ trùm lên con hẻm như một màng lưới bạch kim nóng bỏng. Mặt vẫn ngẩng nhìn bầu trời chói chang, Điểu nhắm mắt, đưa hai ngón tay cái gãi cái đầu đang ngứa của mình. Bỗng nhiên anh buông thõng hai tay như thể chúng rơi xuống, và chợt ngẩng đầu lên. Phía xa có tiếng một cô gái ré lên điên dại.
Điểu tháo giày cầm tay, trèo lên vài bậc thang đầy bụi và bước vào tòa nhà. Phía trái hành lang là một dãy cửa lớn thẳng hàng như cửa nhà tù, bên phải là bức tường trống đầy những chữ viết nguệch ngoặc. Điểu đi lần ra phía sau, tìm số nhà trên cửa. Anh có cảm tưởng sau mỗi cánh cửa đều có người đứng, mặc dù tất cả đều đóng. Những người sống ở đây làm sao trốn thoát cái nóng nhỉ? Himiko có phải là kẻ dẫn đầu trong đám tự nhốt mình trong những căn phòng đóng kín cửa ngay giữa ban ngày không? Điểu đi đến cuối dãy phòng và tìm thấy một cầu thang hẹp, dốc nằm khuất phía sau. Anh bất chợt nhìn ra sau: một phụ nữ mập mạp đứng như trời trồng giữa lối đi đang chăm bẵm nhìn về phía anh. Bà ta và cả dãy hành lang chìm trong bóng tối, vì lưng bà che khuất ánh sang từ ngoài đường.
“Anh cần gì ở đó?”. Bà ta vừa nói vừa cử động như muốn xua đuổi một con chó.
“Tôi đến thăm một người bạn nước ngoài”, Điểu trả lời với giọng khàn khàn.
“Một người Mỹ phải không?”
“Ông ấy đang sống chung với một cô gái Nhật”.
“A, sao anh không nói sớm! Ông Mỹ ấy ở căn phòng đầu tiên trên tầng hai”. Nói xong người đàn bà mậ mạp ấy biến đi nhanh. Đoán ra “ông Mỹ” chính là Delchef, Điểu thấy rõ là ông ta đã chinh phục được cảm tình của người phụ nữ khổng lồ kia. Điểu vẫn còn nghi ngờ khi trèo lên những bậc thang gỗ ọp ẹp. Nhưng khi anh rẽ sang đầu cầu thang hết sức chật hẹp thì thấy ông Delchef đang đứng trước mặt anh, dang rộng đôi tay chào đón, mặc dù đôi mắt ông có vẻ bối rối. Lòng Điểu trào lên niềm vui sướng: ông Delchef  là người duy nhất trong tòa nhà này đã biết để cửa mở chống lại cái nóng.
Điểu dựng đôi giày vào chân bờ tường hành lang rồi bắt tay ông  Delchef đang vui mừng đón anh từ trong cửa. Giống như một vận động viên chạy việt dã, ông chỉ mặc chiếc quấn soọc xanh và áo may-ô, mái tóc đỏ hung đã được hớt ngắn nhưng trông ông khác đi với chòm râu rậm rạp cùng màu, Điểu không tìm thấy điều gì chứng tỏ rằng kẻ đứng trước mặt anh là một người lánh nạn, ngoại trừ cái cơ thể nặng mùi của một con gấu to lớn vụng về mặc dù thân hình ông mảnh khảnh. Có thể ông ta không có dịp tắm rửa từ ngày ẩn thân ở đây.
Khi hai người trao đổi với nhau những lời thăm hỏi bằng thứ tiếng Anh pha trộn xuểnh xoàng, ông Delchef cho biết cô bồ của ông vừa ra ngoài để làm tóc. Ông mời Điểu vào nhà, nhưng Điểu chỉ vào sàn nhà trải thảm tatami và xin lỗi không thể vào được vì chân bẩn. Ý anh muốn đứng ngoài hành lang nói chuyện cũng được. Anh sợ bị bó rọ trong căn phòng của ông Delchef.
Điểu nhìn thấy căn hộ chẳng có đồ đạc gì. Một cánh cửa sổ duy nhất ở phía sau đang mở, nhưng nó lại bị một hàng rào gỗ dày đặc cách đó vài phân chắn ngang. Có thể là do những kẻ sống ở các căn hộ bên kia hàng rào không muốn bị dòm ngó từ cửa sổ của ông Delchef.
“Ông Delchef, tòa công sứ muốn ông mau quay về”, Điểu đi thẳng vào sứ mệnh của mình.
“Tôi chẳng về đâu, cô bạn gái của tôi muốn tôi sống với cô ấy ở đây”, ông Delchef mỉm cười. Vốn tiếng Anh nghèo nàn thô thiển của họ làm cho cuộc đối thoại giống như một trò chơi. Nó cũng buộc họ bộc trực.
“Tôi sẽ là người mang thông điệp cuối cùng đấy. Sau tôi sẽ có người từ tòa công sứ đến đây hoặc có thể là một cảnh sát Nhật”.
“Tôi nghĩ cảnh sát sẽ không làm gì được đâu. Xin nhớ tôi vẫn còn là một nhà ngoại giao mà”.
“Có lẽ là vậy. Nhưng nếu người của tòa công sứ đến đưa ông đi, ông sẽ bị gởi trả về nước đấy”.
“Vâng, tôi đã chuẩn bị rồi. Vì đã gây chuyện rắc rối, tôi có thể bị thuyên chuyển đến một chức vụ ít quan trọng hơn hoặc bị mất việc như một nhà ngoại giao”.
“Bởi vậy, ông Delchef ạ, tốt nhất là ông nên quay về tòa công sứ trước khi sự việc trở thành một xì-căng-đan”.
“Tôi không trở lại đâu. Cô bạn tôi muốn tôi ở lại đây”, ông Delchef nói với nụ cười bao dung.
“Không phải vì lý do chính trị chứ? Ông đang ẩn náu ở đây đơn giản chỉ vì sự ràng buộc tình cảm với cô bạn gái ư?”.
“Vâng, chính xác là như thế”.
“Ông Delchef, ông thật là một con người kỳ lạ”.
“Kỳ lạ à? Tại sao?”
“Nhưng cô bạn ông không nói được tiếng Anh, phải không?”.
“Chúng tôi luôn luôn hiểu nhau trong im lặng”.
Một nỗi buồn khủng khiếp dâng trào trong lòng Điểu.
“Thôi được, tôi sẽ tường trình lại mọi việc và những người ở tòa công sứ sẽ đến đây ngay để bắt ông về”.
“Nếu tôi sẽ bị bắt ngược với ý muốn của mình thì tôi cũng đành chịu thôi. Tôi nghĩ rằng cô bạn tôi sẽ hiểu”.
Điểu lắc đầu yếu ớt, chấp nhận sự thất bại. Mồ hôi lấp lánh trên chòm râu đỏ hung của ông Delchef. Điểu để ý thấy những giọt mồ hôi đang từ từ rịn ra trên khắp cơ thể ông ta.
“Tôi sẽ nói cho họ biết tâm trạng của ông”. Điểu nói rồi cúi xuống nhặt giày lên.
“Anh Điểu, con anh sinh rồi phải không?”.
“Vâng, nhưng cháu nó không bình thường và tôi đang chờ nó chết”. Điểu không thể nào giải thích cái động cơ khiến cho anh thú tội. “Thằng bé bị chứng thoát vị não, điều khủng khiếp là nó có tới hai cái đầu”.
“Tại sao anh lại chờ đứa bé chết khi nó cần một cuộc giải phẫu?”. Nụ cười của ông Delchef biến mất và cái vẻ can đảm đầy nam tính khiến cho khuôn mặt ông trông dữ dội.
“Chẳng có lấy một phần trăm cơ may là thằng bé sẽ lớn lên bình thường ngay cả sau khi giải phẫu”, Điểu trả lời trong nỗi kinh hoàng.
“Anh biết đó, nhà văn Kafka đã viết trong một lá thư gởi cho cha ông rằng điều duy nhất mà người cha có thể làm được cho đứa con là chào mừng sự ra đời của nó. Còn anh thì làm ngược lại phải không? Chúng ta có thể nào tha thứ cho tính vị kỷ khi chối bỏ một đời sống khác khi người đó là một người cha không?”.
Điểu im lặng, đôi má và cặp mắt anh nóng ran lên và đỏ bừng, điều này đã trở thành một thói quen mới của anh. Ông Delchef  không còn là một người nước ngoài lập dị với bộ râu hung đỏ, đầy óc khôi hài mặc dù đang gặp tình cảnh gay go nghiêm trọng. Điểu cảm thấy mình như bị một viện đạn phê bình của tay bắn tỉa hạ gục. Anh tập trung sức lực để chống cự với bất cứ giá nào và bỗng nhiên gục đầu, cảm thấy không có gì để nói với ông Delchef nữa.
“A, con người nhỏ bé đáng thương!”. Ông Delchef thì thầm. Điểu nhìn lên, rùng mình, nhận ra người ngoại quốc này đang nói về anh chứ không phải về đứa bé. Anh im lặng chờ cho đến lúc ông Delchef chịu buông tha anh.
Cuối cùng, khi Điểu có thể nói lời tạm biệt, ông Delchef tặng anh một quyển tự điển Anh văn bằng tiếng nước ông, Điểu đề nghị ông ký tên vào. Ông chỉ viết một chữ duy nhất bằng tiếng Balkan, ký tên mình bên dưới và giải thích: “Ở nước tôi, từ này có nghĩa là hy vọng”.
Ngay chỗ hẹp nhất của con hẻm, Điểu lúng túng băng ngang qua cô gái người Nhật nhỏ bé. Ngửi thấy mùi tóc mới làm và nhìn thấy cái cổ không được sạch cho lắm khi cô gái cúi đầu lấn qua mặt anh, Điểu cố kềm ý muốn bắt chuyện với cô ta. Điểu ngập mình trong ánh sáng chói chang và chạy tìm một chiếc xe như một kẻ trốn chạy, mồ hôi đổ như thác trên cơ thể anh. Vào thời điểm nóng nhất trong ngày, anh là kẻ duy nhất đang chạy trong thành phố.













 

 

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 841
Ngày đăng: 29.03.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 9) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 46: Đi tìm ca sĩ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : tiểu thuyết ( Chương 45: Hai nửa con người) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 8) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 44: Rebel, Kẻ quấy rối) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 43: Dẫu có lỗi lầm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 42: Tình yêu là gì?) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 7) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 41:Bản tango cho người xa xứ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm:Tiểu thuyết (Chương 40: Nụ cười tuyệt đẹp) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)