Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.207.754
 
Tác phẩm điện ảnh đầu tiên về Nguyễn Du: Long thành cầm giả ca
Nguyễn Anh Tuấn

       

 

       Nhân dịp kỷ niệm lễ Tưởng niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du (9/2020), chúng tôi xem lại bộ phim truyện điện ảnh khá hoành tráng: “Long thành cầm giả ca” ( Kịch bản: Văn Lê, Đạo diễn: Đào Bá Sơn - Hãng phim Giải phóng sản xuất). Đây là bộ phim truyện điện ảnh đầu tiên nói về thi hào Nguyễn Du, đáp ứng được mong mỏi của khán giả xem phim Việt Nam trong hàng thập kỷ; và chúng tôi càng có điều kiện để nhận thấy: đây là phim có thể nói là khá hơn cả so với các phim lịch sử & dã sử của ta từ trước tới nay, nhất là về bối cảnh, phục trang, đạo cụ, dàn dựng, tạo ra được phần nào không khí xã hội - lịch sử thời Nguyễn Du sống, đáng để những người làm phim lịch sử Việt Nam nghiên cứu, học tập.

       Nhưng, theo thiển ý của chúng tôi, bộ phim có mấy vấn đề khiến chất lượng nội dung tư tưởng của nó bị hạn chế khá nhiều, và các bộ phim sau này làm về cuộc đời Nguyễn Du có thể rút được bài học nghề nghiệp cần thiết:

 

 1. Dù là phim lấy nhân vật cô Cầm làm nhân vật chính như xác định ở tên phim, nhưng, một nhân vật chính nữa cũng không kém phần quan trọng phải là Nguyễn Du - tác giả của bài thơ nổi tiếng được lấy làm chủ đề và nguồn cảm hứng lớn cho phim. Thế mà bộ phim lại cho ta ấn tượng, đây là phim về cô Cầm- từ tuổi thơ cho tới lúc già nua tàn tạ. Lẽ ra, cô Cầm chỉ là cái cớ để người làm phim nói về cuộc đời Nguyễn Du.

 

 2. Phim đã miêu tả các sự kiện lịch sử gần như một sự chép lại, ở dạng thuộc bài lịch sử, và được minh hoạ bằng hình ảnh. Và cả nhân vật Nguyễn Du cũng vậy, thụ động và nhợt nhạt trước các sự kiện đó - những sự kiện đã tạo ra tấn bi kịch của cô gái tài sắc mà anh thanh niên Tố Như có cảm tình. Người xem chưa thấy được cái nỗi đau thấm thía và sự đồng cảm của Nguyễn Du để nhờ đó ông thấu hiểu nỗi đau của thân phận người phụ nữ tài năng, phẩm hạnh, nhan sắc mà gặp bất hạnh, cái sẽ làm nên sức sống phi thường của hàng loạt tác phẩm thơ chữ Hán và nhất là tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” - tức Truyện Kiều bất hủ của ông! Mà theo tôi, đó mới chính là lý do để bộ phim ra đời! Người xem muốn được thấy rõ hơn về tâm tư, quan niệm, ứng xử của Nguyễn Du thời trẻ trước cái xã hội loạn lạc, trước một Sắc - Tài hiển hiện cụ thể trong một số phận đáng yêu và đáng thương mà ông may mắn được chứng kiến và có tham dự vào đó- bởi chính những điều ấy mới là nền cảm xúc và chất liệu để ông viết nên những dòng “Long thành cầm giả ca” rớm máu sau đó hai chục năm! Hai lần, Nguyễn Du được miêu tả gần gũi với người con gái ông yêu quý, và ông đều từ chối quan hệ thân xác ( trong lần hai thì đúng hơn là ông bị từ chối), tác giả phim có phần lúng túng, gượng gạo, chưa tìm được cách xử lý có sức thuyết phục và chưa cho thấy rõ tâm trạng cùng quan điểm sống của Nguyễn Du! Nhất là, khi tác giả cố gán ghép tình yêu của Nguyễn Du và cô Cầm (và cô Cầm cũng yêu ông), người xem thấy sự áp đặt khá sống sượng của người làm phim. Chắc chắn Nguyễn Du không bao giờ yêu cô Cầm (thực tế Nguyễn Du không biết tên cô, còn cầm chỉ để nói về người gảy đàn cầm)- một cô gái mà ông đã miêu tả trong lời tiểu dẫn của “Long thành cầm giả ca”: “Nàng người thấp, má bầu, trán giô, mặt gẫy, không đẹp lắm, nhưng mước da trắng trẻo, thân hình đẫy đà, khéo trang điểm, lông mày thanh, má đánh phấn, áo màu hồng, quần lụa cánh chả, có vẻ phong nhã. Nàng hay uống rượu, hay nói pha trò, con mắt long lanh, không coi ai ra gì. Khi ở nhà anh tôi mỗi lần uống rượu thì nàng uống say đến nỗi nôn bừa bãi, nằm lăn ra đất, các bạn có chê trách cũng không lấy làm điều.” Ông chỉ quý trọng cái “tài nghệ của nàng nổi tiếng hay nhất một thời” mà thôi! Còn mấy chục năm sau, vào mùa xuân 1813 Nguyễn Du sang sứ Trung Quốc, đi qua Long Thành, ông kể: “Các bạn mở tiệc tiễn tôi ở dinh Tuyên phủ, có gọi tất cả vài chục nữ nhạc, tôi đều không biết mặt biết tên. Chị em thay nhau múa hát. Rồi nghe một khúc đàn Nguyễn trong trẻo nổi lên, khác hẳn những khúc thường nghe, tôi lấy làm lạ, nhìn người gảy đàn thì thấy một chị gầy gò, vẻ tiều tuỵ, sắc mặt đen sạm, xấu như quỷ, áo quần mặc toàn vải thô bạc thếch, vá nhiều mảnh trắng, ngồi im lặng ở cuối chiếu, chẳng hề nói cười, hình dáng thật khó coi. Tôi không biết nàng là ai, nhưng nghe tiếng đàn thì dường như đã quen biết, nên động lòng thương. Tiệc xong, hỏi thì chính là người trước kia đã gặp. Than ôi! Người ấy sao đến nỗi thế! Tôi bồi hồi, không yên, ngửng lên cúi xuống, ngậm ngùi cho cảnh xưa và nay. Người ta trong cõi trăm năm, những sự vinh nhục buồn vui thật không lường được. Sau khi từ biệt trên đường đi, cảm thương vô hạn nên làm bài ca sau, để ghi lại mối cảm hứng.” Tình cảm của Nguyễn Du trước sau đối với cô Cầm chỉ là sự “liên tài” (thương tài, trọng tài) với những người nghệ sĩ tài hoa điêu luyện, sau đó là ngậm ngùi thương cảm - mối “cảm thương vô hạn” như ông bộc bạch trong lời Tiểu dẫn vừa trích, và trong bài thơ:

Ca kỹ trẻ xinh cả một đám

Chỉ có một kẽ tóc hoa râm ngồi cuối phòng

Mặt xấu, sắc khô, người hơi nhỏ

Mày phờ phạc không điểm phấn tô son

Sao mà đoán được người này là đệ nhất danh ca một thời.

Điệu nhạc xưa làm ta thầm nhỏ lệ

Lắng tai nghe lòng càng đau xót

Tự nhiên nhớ lại hai mươi năm trước

Bên hồ Giám trong dạ tiệc ta đã thấy nàng

Thành quách đã chuyển, người cũng đổi thay

Nương dâu trở thành biển cả đã nhiều

Cơ nghiệp Tây sơn cũng đà tiêu tán

Sót lại đây còn người múa ca.

Thấm thoắt trăm năm có là bao

Cảm thương chuyện cũ dùng áo thấm nước mắt

Ta từ Nam trở lại, đầu bạc trắng

Trách làm sao được sắc đẹp cũng suy tàn.

Hai mắt trừng lên tưởng nhớ chuyện xưa

Thương cho đối mặt mà chẳng nhìn nhận ra nhau.

           ( Nguồn: thivien.net)

       Tác giả đã hư cấu nên tình yêu nam nữ giữa Nguyễn Du và cô Cầm, song điều đó chỉ là cách thức câu khách thông thường, làm sai sự thật lịch sử (do chính Nguyễn Du miêu tả & xác nhận đã dẫn ở trên); hơn thế, đã vô hình trung hạ thấp nhân vật Nguyễn Du- người có mối cảm thông sâu sắc với tất cả những người phụ nữ “nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”… Nỗi buồn mênh mông của ông trước sự tàn tạ của thể chất và tài năng của một cô ca kỹ ông từng quen biết, một “báu vật vô giá” của Tràng An, lại tìm thấy hình bóng bản thân mình trong đó, giữa cõi đời dâu bể - nỗi buồn thân thế đậm chất Nguyễn Du đó không được thể hiện trong phim! Một nhà nghiên cứu khi phân tích tính chất “hưởng lạc” trong thơ ca Nguyễn Du có viết chí lý: “…đối với những đối tượng, “phương tiện” đem lại lạc thú (chẳng hạn người ca kỹ), Nguyễn Du nhìn bằng hai đôi mắt: đôi mắt si mê và đôi mắt cảm thương; trong đó, nhiều khi con mắt cảm thương lấn át đôi mắt kia”(1) Cô Cầm trong cảm nhận của Nguyễn Du lại càng như vậy, không thể là si mê dẫn tới tình yêu thể xác! Nhân vật này, tuy có khá hơn nhân vật Tố Như, nhưng tác giả phim đã bỏ qua sự khai thác tâm trạng chiều sâu của cô ta, mới chỉ thấy cô ta là nạn nhân của thời cuộc ly loạn, chưa khai thác được một cách tương xứng và cần thiết tấn bi kịch quan trọng này: cái sức mạnh của tâm hồn tài năng đó nếu chưa bị vùi dập phũ phàng thì cũng là một phương tiện mua vui của những người quyền quý!

 

 3. Trong phim, những cảnh Nguyễn Du sống lê la vất vưởng, đói khát... được miêu tả một cách khá thô thiển, cẩu thả, minh hoạ, nặng về thể chất, mà lẽ ra phải khai thác sâu nghiêng về bi kịch tinh thần của ông. Nhiều câu thơ chữ Hán của Nguyễn Du thời kỳ này cần được mô tả không chỉ bằng cách cho chữ hiện màn ảnh, mà còn cần phụ trợ hiệu quả bằng bối cảnh, đạo cụ, ánh sáng, âm nhạc phù hợp...

 

 4. Những lời thoại của nhân vật tuy đạt được ít nhiều sự giản dị, chân thực, song nhiều lời thoại hơi tầm thường và thiếu đi sự bay bổng của tâm hồn, sức nổ của tâm lý để góp phần tạo ra cá tính, xung đột kịch, sự phát triển tất yếu của đường dây truyện phim.

 

5. Diễn viên đóng Nguyễn Du được hình thể sáng sủa, điển trai, nhưng lại thiếu đi cái khắc khổ, sự khắc khoải tinh thần dữ dội cần có; vai cô Cầm thời người lớn có khá hơn vai Nguyễn Du, song chưa đạt tới tầm cần thiết trong việc thể hiện nội tâm... (Điều này, tôi nghĩ do đạo diễn nhiều hơn là do diễn viên!) Còn các vai khác, dường như đều có cái gì hơi gia giả, khiên cưỡng khi diễn xuất- nhiều chỗ người xem có cảm tưởng diễn viên vừa thoại vừa nhớ lời, hay tệ hơn, là diễn viên người nước ngoài đang đóng vai người Việt Nam. Đặc biệt là việc lồng tiếng không đạt, gây nhiều phản cảm!

 

 6. Một số hạt sạn khác đáng kể của phim, lẽ ra những người làm phim tránh được; ví dụ: viên quan Thuỳ Trung Hầu đâm lưỡi gươm vào bụng tự tử, sau khi Nguyễn Du và người hầu đi khá xa. Thế mà họ nghe được ( tiếng kêu của người tự sát chăng?) để quay trở lại thấy ông ta vẫn cắm lưỡi gươm ở bụng, bất động hồi lâu. Cảnh phim đó, người xem mong hai người, sau khi đau xót chứng kiến cái chết đau thương, sẽ đào đắp cho ông ta một nấm mồ, như đạo lý và phong tục người Việt đòi hỏi, và cũng phù hợp với bản tính u uất buồn thương và chiều sâu suy tưởng của Nguyễn Du bên những nấm mồ mà trong thơ của ông nhiều lần nói tới một cách đầy rung động có sức khái quát triết lý cao...

      Một nhà nghiên cứu trong bài viết công phu: “Trung tâm và ngoại vi trong bộ phim Long thành cầm giả ca từ góc nhìn nhân học văn hóa” đã phát hiện ra “những ý nghĩa văn hóa sâu xa” đằng sau những cuộc gặp gỡ, những mối duyên tình được thể hiện; và nhận ra hai xu hướng làm phim lịch sử được kết nối trong bộ phim: “tái hiện toàn cảnh đời sống dân tộc trong quá khứ” và “từ một góc nhỏ quá khứ làm chất liệu gợi hứng giúp công chúng “phản tỉnh” về chính đời sống thực tại”(2). Tuy nhiên, sự thành công của những cố gắng về tư duy lịch sử - nghệ thuật nói trên vẫn là cái đích cần hướng tới của những nhà làm phim lịch sử nước ta.

 

       Nhưng mặc dù có những điều đáng tiếc nói trên, bộ phim cũng đã tạo được một ấn tượng khá tốt cho người xem nhiều lứa tuổi về cuộc đời của thi hào Nguyễn Du, và nhất là đã đặt được một viên gạch đầu tiên có ý nghĩa trong nghệ thuật điện ảnh lấy thi hào dân tộc Nguyễn Du làm nhân vật trung tâm.

 

____________________

1. Nguyễn Thanh Tùng (2015) “Nguyễn Du trong dòng thơ ca hưởng lạc VN thời trung đại” (Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Du. Kỷ yếu hội thảo khoa học kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du. Nxb Đại học Quốc gia Tph. HCM, Tr.174)

2. Hoàng Cẩm Giang (2014) “Trung tâm và ngoại vi trong bộ phim Long thành cầm giả ca từ góc nhìn nhân học văn hóa” (Nguyễn Du tiếp cận từ góc độ văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.445, 438)

 

 [Tham luận tại Hội thảo “Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền với Thăng Long Hà Nội” ( Do Chi Hội Kiều học Hà Nội - Hội Kiều học VN) Tưởng niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du, tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử giám ngày 25/11/2020. Đã in trong “Kỷ yếu Hội thảo KH: Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền với Thăng Long Hà Nội”, Nxb Hội nhà văn, 2020]

 

 

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 1130
Ngày đăng: 21.04.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Biểu tượng Đất và Nước trong trường ca Phồn Sinh - Nhiều Tác Giả
Phản chiến hay phản kháng - Võ Công Liêm
Đọc “ Bàn tay nhỏ dưới mưa” - Phạm Xuân Nguyên
Hà Nội - lắng “hồn thu thảo” hoài “bóng tịch dương”. - Bùi Hoàng Linh
“Tình nghĩa mẹ cha” – suối nguồn hiếu hạnh - Trang Thùy
Nghề văn không sang trọng, nhưng Văn chương lại cần cao quý sang trọng. - Nguyễn Anh Tuấn
Nhật Chiêu và niềm đam mê văn học. - Elena Pucillo Truong
Từ nhạc sĩ Dzũng Chinh hiểu thêm nỗi lòng thi sĩ Hữu Loan - Phan Văn Thạnh
Chuyện Người Làm Mõ Tụng Kinh. - Ngu Yên
Xuân trong thơ Hàn Mặc Tử - Trần Hoài Anh
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)