Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.218.493
 
Vòng tay hư ảo (phần 1)
Đỗ Nguyễn

   Phần 1

                                                                  

      Đêm trở mình rất chậm, thành phố tĩnh lặng giữa núi rừng xanh ngát còn chìm trong cơn mê ngủ vật vờ nhưng ngày sắp mở ra trên cao nguyên với buổi sáng huyền thoại mù sương để sẽ khép lại bởi hoàng hôn chập chùng mây khói.

     Và đời còn mở ra lối đi thẳng tắp đầy nắng gió, tình yêu và ước mộng.

     Tâm Giao rời nhà, khu phố còn lặng yên, chỉ có vài chú chim vừa thức giấc sớm đang sột soạt trong bụi lá. Trong chiếc áo manteau dài màu đen bên ngoài tà áo lụa cũng màu đen và chiếc khăn quàng trắng, mái tóc ôm ấp bờ vai. Dáng dấp người thiếu nữ thanh thoát, diễm ảo, thấp thoáng với bước chân êm nhẹ trong khoảng sương mù dày đặc. Hồn nàng lâng lâng với cảm giác thú vị mình là loài ma cô đơn khi ẩn khi hiện giữa tấm màn đục trắng và tinh  khiết đến nỗi nàng vẫn thường có ước muốn dùng con dao cắt nó ra thành từng khối, cầm trong tay để cắn đếp ngập răng, nhai nuốt như những tảng bánh thạch ngọt ngào mát lạnh … Nàng đi mãi rồi ngang qua một thung lũng nhỏ đầy những hoa vàng còn yên giấc trong sương, và còn đi mãi rất lâu cho đến lúc màn sương loãng dần trên mặt hồ im sóng, bóng ngày quang đãng hẳn và nàng rẽ vào con đường dốc thanh vắng dắt đến trường Đại Học thân quen, tọa lạc trên một ngọn đồi, ngôi trường đẹp tuyệt vời với kiến trúc kiểu Pháp lạ lùng như một khu làng biệt thự với những tòa nhà nằm rải rác giữa bối cảnh thiên nhiên trong lành là rừng thông, ngôi trường đẹp nhất vùng Đông Nam Á mà nàng cùng bè bạn hãnh diện và yêu quý. Nàng bước chậm lại, xiết tập sách vở vào ngực, miên man nghĩ đến người yêu, cười một mình, nghe một cung đàn êm ái rung lên trong hồn.

     Mặt trời sáng tươi lúc nàng ngước lên và nhìn thấy cổng trường, những phiến nắng nồng nàn đang tỏa xuống, choàng lên khuôn viên yên bình trầm mặc, len vào ngàn cây lá xanh màu hồn nhiên. Lại nghĩ đến lúc được gặp Đăng, nàng hát nhỏ trong miệng, vẻ vô tư yêu đời.

      Đăng là mẫu đàn ông trẻ mà các cô gái mơ tưởng, chàng có gương mặt với đường nét rắn rỏi với chiếc cằm vuông nhưng ánh mắt nồng dịu có lúc sáng và linh động dưới làn kính pha lê , vóc dáng lãng đãng phong trần, mái tóc phiêu bồng, nụ cười duyên độc đáo, cách nói chuyện lôi cuốn với đám đông và đặc biệt với con gái ; chàng học rất giỏi, có tâm hồn nghệ sĩ, biết đàn và giọng hát ấm cúng truyền cảm. Đám sinh viên nữ thường thì thầm nói với nhau về chàng với vẻ ngưỡng mộ và đầy cảm tình ; khối cô thầm yêu chàng, nhưng Đăng yêu mình và là của mình. Tâm Giao chớp nhẹ mắt, lại mỉm cười trong lúc trái tim rộn rã.

 

      Đăng thật sự chú ý đến Tâm Giao lúc chàng là chủ bút của tờ báo sinh viên và nhận đọc những bài viết để chọn đăng cho báo. Chàng đã đọc đi đọc lại một đoản văn đầu tiên của cô bé nào vừa vào học năm Dự Bị gửi đến. Tuy bài viết của cô nàng chưa vững về bố cục nhưng ý tưởng ngộ nghĩnh và lời văn nhẹ nhàng thơ mộng khiến người  đọc như được lạc vào một khu vườn xanh tươi dưới khung trời êm ả. Vì nàng dùng bút hiệu nên chàng không biết đó chính là cô bạn thân nhất của Minh Phượng, em gái của Sĩ, bạn rất thân, mà chàng đã có gặp từ ngày đến nhà Sĩ lúc cả hai vừa vào đại học và các cô này khoảng tuổi mười lăm. Cho đến một buổi đi picnic  cùng nhau, trong  lúc trò chuyện, nàng đã rụt rè hỏi ông chủ bút ý kiến chàng về những bài viết của mình. Đăng ngỡ ngàng. Những tư tưởng đáng yêu đó hình thành và thoát ra từ cái đầu xinh xắn của cô gái này thật ư? Chàng đã luôn nghĩ rằng những cô gái đẹp, nhất là dạng tiểu thư như nàng, thường chỉ thích trau chuốt bên ngoài và không có một đời sống tâm linh sâu sắc. Chàng đã nhầm lẫn và tự trách mình nông cạn. Cho đến lúc này, chàng chưa hề thật  sự rung động một cách chân thật và sâu xa trước một cô gái nào. Các cô chàng quen cho đến em gái của Sĩ là Minh Phượng, tuy nàng có nét đẹp cổ điển, đài các và trầm lặng nhưng hơi quá khép kín lạnh lùng ; Oải Hương, em gái của Hoàng, xinh xắn thông minh, vui tươi, moderne, nhưng tâm hồn không sâu, và không mấy gợi tình ; Tâm Giao là khung trời thơ và đơn giản hiền hòa như một giòng suối trong trẻo với cõi hồn lung linh trăng mộng, phía sau vẻ nhút nhát ngại ngùng là cả khối đam mê nồng nàn ẩn giấu. Một thoáng Dominique Sanda. Đăng thầm nghĩ. Chàng không sưu  tầm hình ảnh tài tử, cũng không nhiều sách báo ngoại quốc như Sĩ và Hoàng, đã quyết định giữ một tấm hình duy nhất  của cô đào Pháp trẻ này, với mái tóc màu mật ong tơ mềm cột hờ sau lưng, tay ôm bó hoa Marguerite  màu trắng, chàng đã gắn bức ảnh này trên tường, trong phòng mình. Dominique có nét đẹp vừa tinh khiết vừa ngây dại, xa vời nhưng vẫn thu hút quyến rũ mà chàng thích. Đó là một trong những hình ảnh của phim « Une Femme Douce », thực  hiện từ một tác phẩm của  Dostoïevski mà chàng và Sĩ đã  cùng xem gần đây. Sĩ đã lưỡng lự rồi mới đồng ý để  chàng cắt và giữ tấm ảnh này từ Paris Match. « Giữ kỹ nhé! Chừng nào mày không thích nữa thì trả lại cho tao ».

      Từ ngày còn học trung học cho đến sau này, thỉnh thoảng Đăng lại nhận được một lá thư đến từ những cô gái bạo dạn có cảm tình liều viết cho mình, chàng luôn trả lời, thoái thác một cách tế nhị, mỗi lần đều hơi cảm thấy nuối tiếc nhưng thầm biết một ngày nào đó, mình sẽ tự quyết định tỏ tình khi trái tim mình thật sự bị đốn ngã.

      Đăng sắp hoàn tất một số chứng chỉ Sử Địa thế giới và Anh văn thực hành, sau những chứng chỉ bên Khoa Học, trình độ tiếng Anh của chàng xuất sắc vì chàng đã được theo chương trình AFS cùng một số bạn và học năm cuối Trung học ở Mỹ. Tâm Giao đang tiếp tục năm học thứ ba, ban văn chương Pháp với hai cô bạn thân từ thời trung học là Minh Phượng và Oải Hương.

       

       Nhưng suốt buổi Đăng không qua trường tìm nàng, Tâm Giao bứt rứt khổ sở với ý nghĩ chàng bận đến nỗi quên  hẹn và chuyện này đã từng xảy ra, vì những hoạt động của Đăng quá nhiều, ngoài việc học bù đầu, dạy kèm thêm ở trung tâm luyện thi tú tài và viết lách, là những buổi hội họp tập dợt giúp chương trình văn nghệ và tờ báo trường, giúp mẹ chàng tổ chức mọi việc của đời sống gia đình, thay bố mình đã mất, hò hét dạy học ba đứa em … lấp kín Agenda của chàng suốt tuần, suốt tháng. Chàng ngủ tối đa năm tiếng đồng hồ mỗi đêm. Tuy hiểu Đăng nhưng nàng không khỏi buồn tủi với cảm giác không được chàng dành cho nhiều thời gian như nàng muốn. Dù chàng không  tỏ ra hững hờ  xa cách, nhưng sau này, mỗi lần gặp nhau, Tâm Giao lại có một cảm giác bất an nào đe dọa. Lúc ôm  nàng trong tay, nói chuyện, Đăng có vẻ ưu tư, xa vời như có một dự định nào quan trọng  đang hình thành trong đầu. Ánh mắt chàng sáng và linh động dưới làn kính cận, gần đây thường buồn. Mỗi  lần nàng thắc mắc, Đăng hôn tóc nàng và trả lời không có gì quan trọng.

       Tâm Giao may mắn lớn lên trong môi trường sống là gia đình và xã hội có nhiều điều kiện tốt, dù hoàn cảnh đất  nước chiến tranh ; với  tâm hồn mơ mộng đầy tin yêu, nàng chưa hề mường tượng những gì tiêu cực có thể xảy  đến cho cuộc đời mình. Từ lúc có tình yêu, nàng hoàn toàn tin  tưởng vào đó để nghĩ đến tương lai nên mỗi sáng thức giấc, nàng lại sống hồn nhiên một ngày hạnh phúc.

       Buổi trưa, giờ nghỉ, Tâm Giao muốn gặp riêng Minh Phượng nhưng cô bạn thân cũng vắng mặt hôm nay. Nàng  thở nhẹ ra. Minh Phượng càng lúc càng bỏ nhiều thời giờ cho việc tập đàn ở nhà, không ngần ngại lấn sang  giờ học. Tình yêu cho âm nhạc đã trở thành một loại ma túy với mày rồi Phượng ơi ! Rồi mày sẽ khổ! Tâm Giao lẩm bẩm nhưng không khỏi nghĩ đến niềm đam mê của đời mình là văn chương ; nhất là từ lúc được Đăng khen  ngợi và khuyến khích trong lĩnh vực này, nàng càng cố gắng và say mê hơn nữa một nghệ thuật mà mình sẽ theo đuổi và yêu quý mãi mãi, như tình yêu của nàng với Đăng.

       Rồi tránh lũ bạn ồn ào, cần được một mình, nàng đi đi lại lại trên những con đường quanh co giữa khuôn viên trường vương đầy cây lá, cuối cùng ngồi dưới một gốc thông ăn khúc bánh mì kẹp chả chiên mang theo, vẫn không nguôi nghĩ đến Đăng, nhớ đến lần trước đã cùng ăn trưa với chàng như thế … Rồi không thể ăn hết, nàng xé bánh thành vụn nhỏ rải chung quanh cho lũ chim sẻ vừa tìm đến quanh chỗ ngồi. Tiếng ríu rít giành nhau những mẩu bánh nhỏ khiến  nàng mỉm cười. Không có giờ học chiều nay, nàng định tâm vào thư viện trường  để làm bài và viết nốt một truyện ngắn cho tờ báo trường. Có thể Đăng xong việc sẽ ghé qua đó tìm nàng.

      Thư viện trường lúc này vắng người. Ngồi yên lặng với tập bản thảo viết dở dang, nàng không tập trung được và không có tư tưởng để viết tiếp đoạn  cuối. Nếu có Đăng lúc này, chàng sẽ góp ý như những lần trước thì hay biết mấy. Nàng thở dài, cảm thấy tắc nghẽn, không viết thêm được chút gì, tim óc ngập tràn hình ảnh chàng. Nàng viết tên người yêu vào góc quyển tập rồi tô đi tô lại, Vũ Minh Đăng ; bên góc kia, nàng lại viết tên mình quấn quýt với tên chàng, trong nỗi nhớ da diết xót xa, nàng rơm rớm nước mắt.

      Bốn giờ, Đăng vẫn biệt tăm ; bắt đầu thất vọng, Tâm Giao đứng lên, xếp sách vở quyết định đi về với ý nghĩ  Đăng bận nguyên ngày nhưng thế nào chiều cũng ghé qua chỗ thường hẹn. Nắng chiều nhẹ vương trên tóc, những cụm mây trắng lang thang trong trời rộng. Hồn vừa lao đao vừa hy vọng, nàng cởi áo khoác cầm ở tay, buổi  trưa nơi cao nguyên luôn có một cơn nóng hơi quá rồi nhiệt độ hạ nhanh lúc mặt trời xuống sau dãy núi. Nàng rẽ qua phía bờ hồ để vòng về nhà, tuy xa hơn con đường chính nhưng đường này đẹp hơn, thanh tĩnh êm đềm và có nhiều bóng mát. Chiều thứ Sáu, nàng có thể về trễ mà không sợ mẹ mắng. Cứ đi chậm ra đến café Tùng chắc chàng sẽ đến như mỗi tuần. Quán  café này nằm ở ngay gần trung tâm, vị trí rất tiện cho Đăng vì sau buổi hẹn, chàng có thể đi đến chỗ dạy kèm gần đó hoặc rẽ về nhà chàng ở đường Phan Bội Châu không xa.

      Tiếng xe máy từ đằng sau mà nàng không nghe thấy, người lái xe là một thanh niên bạn thân nhất của Đăng mà nàng rất biết, cũng là anh của Minh Phượng.

     _ Tâm Giao!

     Tâm Giao quay lại, khẽ reo vui mừng, đôi mắt đầy mộng của nàng mở rộng, sáng lên :

     _ Anh Sĩ ! Anh đi đâu thế? Sao anh biết em về đường này?

     Sĩ cười, cho xe chạy thật chậm cạnh nàng :

     _ Em đi đường nào anh cũng biết, em làm gì anh cũng hay bé à, anh là gián điệp của Đăng mà, nó giao cho anh trách nhiệm theo dõi bảo vệ em từng bước. Mùa này nguy hiểm lắm, bọn con trai Sài Gòn lên chơi nhiều, bé đi một mình sẽ bị chúng bắt cóc mất.

      Hai má người thiếu nữ vốn đã ửng hồng tự nhiên mỗi khi trời se lạnh, còn hồng thêm ; quay đi giấu nụ cười thẹn thùng trong làn tóc mây, nàng biết Sĩ không nói quá. Thật vậy, những anh chàng xứ nóng đó luôn choáng váng ngất ngây lúc đi ngược đường, gặp nàng, họ thường bật kêu lên : « Ôi người đẹp Đà Lạt tụi bay ơi! Nhìn cặp mắt kìa! ».

      _ Anh mới gặp Đăng à? Cả ngày em không gặp anh ấy ở trường.

       Tâm Giao nghiêng đầu nhìn Sĩ hỏi, lòng rộn lên. Gặp Sĩ cũng là một cách gặp Đăng, vì Sĩ luôn có tin tức về bạn mình, họ thân nhau và tin tưởng nhau dù hoàn toàn khác nhau về gia cảnh, tư tưởng cũng như cách sống. Giữa họ nhiều khi là ngôn ngữ đầy bí ẩn, đầy mâu thuẫn khó hiểu mà mối thân tình bạn hữu vẫn sâu, vẫn đầy. Họ khác nhau hoàn toàn trong quan điểm sống. Đăng với tâm hồn đầy cảm xúc và đam mê, tin tưởng vào cuộc đời, con người và vũ trụ, với cách suy nghĩ hướng thượng ; Sĩ, trái lại, bi quan, hoài nghi tất cả, vì với chàng, không có gì hiện hữu, tất cả đều là hư không. Nhưng họ luôn nhượng bộ nhau, luôn có một trong hai giữ im lặng lúc người kia diễn tả với mọi cảm xúc, họ lắng nghe nhau tất cả, nhưng mỗi người vẫn giữ ý kiến cho riêng mình.

     _ Đăng nhờ anh nói với em là đừng đợi nó chiều nay.

      Tâm Giao ngẩn người, không giấu nổi nỗi thất vọng trong mắt nhưng cố gượng cười.

     _ Vậy sao? Đăng thì lúc nào cũng bận. Hôm nay lại chuyện gì thế? Anh ấy chẳng nói gì với em cách đây ba ngày.

     _ Đăng đã về Sài Gòn vì có việc gấp.

     _ Ô ! Thế mà …

     _ Em về nhà thẳng à? Anh đưa về rồi anh còn đi công chuyện chút xíu.

       Sĩ hỏi, chàng thấy rõ nét buồn trong đôi mắt mơ màng của người thiếu nữ, và suy nghĩ chưa quyết định được có nên cho nàng biết sự thật về Đăng. Tâm Giao lưỡng lự, ý nghĩ lang thang một vòng rồi trở về nhà một mình với nỗi lòng trĩu nặng khiến nàng cảm thấy chênh vênh. Và nàng đồng ý để lên sau xe Honda của Sĩ ngồi.

       Về đến nhà nàng, trước cổng, họ đứng dưới giàn hoa hồng dại màu trắng, những cánh hoa rơi bay lả tả trong làn gió mênh mang. Tâm Giao nói dịu dàng :

      _ Em mời anh vào uống nước đã nhé rồi anh đi công việc!

       Sĩ gật đầu, tay chàng đang nhẹ gỡ một cánh hồng vừa đậu xuống tóc nàng.

       Sau khi mời Sĩ ngồi ở phòng khách, rót nước mời chàng và Tâm Giao cố không nghĩ đến Đăng dù trái tim vẫn nặng.

      _ Anh sắp ra trường rồi, chắc bận học ngày đêm?

      _ Anh lười lắm nên cứ gần ngày thi mới lo ôn nhiều, nhưng cứ đọc đều mỗi ngày cũng tạm ổn.

      _ Dân học Triết như anh có cái thoải mái chứ. Em cũng học không đều, không tập trung nên tới ngày thi là cuống lên.

      _ Anh cứ chậm rãi mà sống, vậy đó, với cuộc đời hay mọi thứ khác, cứ lai rai là được rồi, nhưng không phải cái gì đến mình cũng chấp nhận.

      Tâm Giao cảm thấy nhẹ nhõm, nói chuyện với Sĩ luôn thoải mái cho dù chàng có nói về bất cứ chủ đề gì. Chàng trầm lặng và lúc nào cũng nghĩ đến thời cuộc căng thẳng bất trắc nên tâm tư đầy uẩn khúc. Cách suy tưởng về cuộc đời của chàng càng lúc càng đưa chàng đến tình trạng bi quan. Con trai của một gia đình đàng hoàng khá giả, em gái không ai khác là Minh Phượng, ẻo lả tiểu thư, đàn dương cầm nổi tiếng cũng là bạn thân của Tâm Giao.

      Sĩ học ban Triết, chàng đam mê triết học và hay suy tư đến nặng nề buồn thảm, chàng không nguôi với những dằn vặt về mọi bi đát từ cuộc chiến, nhất là từ ngày người anh lớn của chàng đã xung  phong vào quân đội, lúc chàng ngỏ ý muốn theo khuynh hướng đó thì cha mẹ chàng phản đối kịch liệt. Sĩ tạm gác điều đó qua để tiếp tục học, nhưng đối với chàng, đó cũng không phải là một dự tính vì ý nghĩa thật của đời sống là những gì người ta không biết đến và không nhớ đến, những gì không thuộc về mình hay đều đã trôi xa, những gì không có hình dạng và màu sắc. Và tại sao chàng lại sống như thế? Đời sống của chàng tại sao phải là không một khởi điểm không một dự định, là những đêm rất khuya và những ngày rất muộn, là những chiều mưa sáng nắng thất thường, những  gặp gỡ không chừng hay chia lìa bất chợt?  Sĩ đắm vào khoảng trống của hoài nghi và xa lạ. Tâm Giao không tìm được câu trả lời. Chàng có vẻ không cần ai hiểu mình mà chỉ thích cô đơn với những suy tưởng bi quan triền miên đầy những mâu thuẫn và nghịch lý để loay hoay khổ sở mãi trong cuộc tra khảo va chạm tận cùng với lương tâm về sự phi lý của cõi đời, về cuộc sống này đáng lẽ phải đừng có, và cõi sống đáng lẽ phải có thì lại chẳng hiện hữu. Cái chết cũng là một chọn lựa hợp lý vì nó có thể là khám phá một sự thật nào đó đã không hiện hữu trong cõi sống.Tại sao mỗi con người là một điều gì thiếu sót và không thể toàn vẹn? Hay tất cả đều dư thừa, ngay cả sự tồn tại của con người ? Tại sao mỗi điều ta sống là một lầm lẫn? Hay sự hiện hữu đã là một bản án chung thân?

      Mãi đắm chìm trong cái khổ thức của con người của cuộc hiện sinh không lẽ sống, chàng càng nhận rõ ra khuôn mặt cuộc đời chung quanh chàng đầy bất ổn nhục nhằn, một ngày yên vui ẩn giấu những tàn héo rã rời, đời sống đầy những khúc mắc và huyền bí chỉ là cõi không khi mọi giá trị cao cả của tinh thần đã bị tàn phá.

     Tâm Giao biết Sĩ từ lâu, vì nàng rất thân với Phượng, và nàng quen Đăng thì qua sinh hoạt văn chương của sinh viên ; nhưng ngày đó cả hai chàng đều túi bụi với chuyện vào đại học nên không để ý lắm đến cô bé  tuổi vừa  lớn, nhất là Sĩ luôn xem nàng như trẻ con, thường xuyên mua ô mai, kẹo bánh cho nàng và cô em gái, và gọi nàng là Mèo Con, Mít Ướt. Chàng hay đùa, trêu chọc cho hai cô tức đến phát khóc rồi thản nhiên bỏ đi, miệng huýt sáo … Nhưng khoảng một tuần sau không thấy Tâm Giao đến tìm Phượng, chàng lại mua kẹo và ô mai mang đến cho nàng, cô gái hết giận rồi sau đó đâu lại vào đấy cho đến lần tới. Nhưng rồi người con gái đã lẳng lặng lớn nhanh, trở thành thiếu nữ, cũng vào đại học … Một buổi tối, cách đây hơn một năm, nàng đến nhà Sĩ, lúc về cùng các bạn, Đăng đã đưa riêng nàng về tận nhà và chuyện tình của họ thật sự bắt đầu từ lúc đó.

 

      

        

        Căn biệt thự của gia đình Sĩ và Minh Phượng ngụ trong một khu tĩnh lặng, không xa lắm nhà thờ và thư viện tỉnh, phía đồi cao nhìn xuống hồ Xuân Hương, con đường dốc êm ả nằm gần như song song với con đường vòng quanh hồ, có cổng lớn với lối đi trải sỏi dắt vào sân nhà và khu vườn bọc quanh, một góc thành phố đắm mình trong nét đẹp lặng thầm của thiên nhiên. Phòng khách rộng thoáng với những khung cửa sổ mở ra vườn cây xanh mướt, sương mù thường giăng từ khuya cho đến sáng bạch, một loài chim nào đó cư ngụ trong tổ êm cũng ngủ vùi cho đến lúc mặt trời tỏa xuống những chùm nắng rỡ ràng. Từ nhà, họ có thể nghe thấy tiếng chuông giáo đường ngân vang, thánh thót vọng đến trong sương sớm.

      Cuộc sống của gia đình này không như những gia đình bình thường. Cha mẹ họ có điều kiện và thật sự phóng  khoáng, hai người thường vì công việc ở Sài Gòn, điều khiển một công ty xuất nhập len đan nên vắng mặt  thường xuyên. Từ lúc con cái lớn lên, họ càng vắng mặt nhiều, có khi đến vài tuần ở ngoại quốc. Sơn, người  con trai lớn đam mê cuộc đời phiêu lãng, đã tình nguyện vào Hải quân, Sĩ và Minh Phượng được tự do lựa  ngành học và cũng như chọn bè bạn, nhưng hai anh em không có nhiều bạn vì tính tình cả hai cũng đều khác biệt, yên lặng và không ưa thích đám đông. Sinh hoạt của họ với những bạn thân nhất thường là những buổi họp mặt để đàn hát, nghe nhạc, ăn uống, chuyện trò, hoặc rủ nhau đi picnic trong rừng, trên đồi vắng. Ngoài Minh Phượng đàn dương cầm rất giỏi vì đã bắt đầu học từ thời thơ ấu, sở trường giòng nhạc cổ điển Tây phương ; ba người bạn Sĩ, Đăng và Hoàng đều biết đàn guitare, riêng Đăng với giọng hát trầm ấm, chàng thường được bạn bè yêu cầu hát và chàng có hát được nhiều thể loại, từ nhạc Việt, tiền chiến, đương đại đến nhạc ngoại quốc nhưng lúc trình bày một bản nhạc buồn, dường như tiếng hát có hồn và quyến rũ của chàng làm người nghe vô cùng xúc động, đến  đau đớn  xé lòng, đôi mắt chàng vẫn thường sáng và linh động, lúc này như hai vực tối trong những lời nhạc bi thảm.

      Một  buổi tối cuối tuần, đám trẻ họp nhau tại nhà Sĩ. Chị giúp việc đã dọn sẵn những món ăn nhẹ mặn ngọt và  chính Sĩ tự tay pha chế một bình cocktail nước chanh Rhum cho lũ con gái cùng rượu mạnh và các nước uống khác  để sẵn trên một bàn trong góc cho họ tự dùng, vừa ăn vừa trò chuyện đàn hát tùy ý. Tửu lượng của chàng  rất khá nên mỗi lần chàng pha  theo gu của mình, không ngần ngại cho phần rượu Rhum nhiều hơn so với công thức nên lũ con gái thường kêu oai oái là nặng quá, nhưng dần dà các nàng cũng quen và thấy rất ngon.

      « Ngồi một mình nghe hơi mưa mặc lệ tràn câu thiên thu … Chủ Nhật nào tôi im hơi vì đợi chờ không nguôi ngoai, bước chân người nhớ thương tôi đến với tôi thì muộn rồi … Dẫu qua đời mắt tôi cười vẫn đăm đăm nhìn về người … Nhắn cho ai biết cuối đời có một người yêu không nguôi … ». Tiếng hát dứt, những ngón tay dài nghệ sĩ của Đăng còn dạo một lúc lâu trên những dây đàn. Dư âm bản nhạc bi thiết còn rung trong hồn người cơn buồn tuyệt vọng, nốt nhạc cuối cùng ngân nhẹ rồi rơi vào im lắng, tắt dần. Lúc ngẩng lên, chàng bàng hoàng thấy gương mặt Tâm Giao ràn rụa nước mắt. Nàng cũng không biết mình đang khóc, có cảm giác như tâm tư của Đăng ẩn chứa rất nhiều sầu đắng thầm lặng nhưng chàng chỉ diễn tả qua tiếng đàn và những lời nhạc buồn nhất vì bình thường, Đăng không để lộ đời sống nội tâm, dù trầm ẩn xa vời, người ta luôn thấy chàng lãng mạn sôi nổi, hoạt bát, tươi cười, hoạt động và giao tiếp nhiều ; trong trường, từ các thầy giáo cho đến giới sinh viên, ban giám hiệu, nhân viên … đều biết chàng như một nhân vật nổi bật về nhiều phương diện.

     _Tâm Giao dễ xúc động quá hở ?

      Đăng đến bên nàng mỉm cười hỏi trong lúc Minh Phượng bắt đầu dạo khúc Fantaisie Impromptu của Chopin, một khúc nhạc tuyệt vời bất tử, rất khó và phong phú, đòi hỏi một trình độ khá cao. Hoàng đứng tựa vào cạnh chiếc dương cầm, ánh mắt dịu dàng tình tứ nhìn Phượng. Nàng tập trung vào công việc của mình, hoàn toàn buông hồn theo những nốt nhạc lênh đênh, làn tóc mướt đen buông che nửa khuôn mặt gầy, trắng xanh, hai mắt nhắm hờ, làn mi dài cong như hai cánh bướm, sóng mũi thanh tú, những ngón tay nhỏ nhắn thon dài rộn ràng bay nhảy, bấm rất nhanh rồi lướt thoăn thoắt trên phím ngà. Có một lúc nào mặc cho mình như trôi lạc vào cõi mộng, thân thể mong manh của nàng lả đi trên dãy phím, chìm vào vùng ánh sáng mờ ảo để những nốt nhạc mê hoặc rơi xuống như những hạt mưa tí tách rồi rạt rào trong đêm vắng, có lúc chùng thấp, rã rời tê mỏi rồi lại bay bổng vút lên như ngàn chim vỗ cánh trong khung trời bao la …

      Sĩ ngồi yên lặng trong một góc với một ly rượu mạnh, chàng uống và hút thuốc rất nhiều trong khi Đăng và Hoàng chừng mực hơn. Oải Hương ngồi cạnh Tâm Giao, đứng lên ra bàn rót nước, nàng rất hay cười, đôi mắt đen thông minh lấp lánh, nhanh nhẹn mang nước uống cho mọi người. Tâm Giao đã lau nước mắt, nhấp ngụm nước chanh với rượu Rhum, cười thẹn thùng, bối rối trả lời, không dám nhìn Đăng.

    _ Em mít ướt lắm, có chút gì cũng khóc nhưng cũng hay cười, dễ vui mà. Anh đừng để ý.

     Đăng ngồi xuống ghế trống cạnh Tâm Giao, đốt một điếu thuốc, nói rất nhỏ :

    _ Anh xin lỗi đã hát một bài quá buồn hôm nay. Không hiểu tại sao … tự nhiên một kỷ niệm sống lại.

      Mãi đến sau này chàng mới nói cho Tâm Giao biết bản nhạc đó chàng đã bắt đầu yêu thích từ lúc bố chàng nằm xuống, và cảm nhận nỗi đau của mẹ chàng lúc đứng trước quan tài …

      Lúc này, tiếng đàn của Minh Phượng như trầm hẳn xuống một lúc rồi lại réo rắt bay cao, lả lướt trong không gian mây khói. Tâm Giao thì thào :

    _ Không sao đâu anh, em vẫn thích những khúc nhạc buồn đến tuyệt vọng như thế.

     Đăng cũng hạ giọng thật thấp :

    _ Có lẽ đây là một bản buồn thảm nhất của tân nhạc em hở ?

     Tâm Giao gật đầu, mắt long lanh :

    _ Em đã nghe nhiều ca sĩ trình bày ca khúc này nhưng đặc biệt anh hát nghe xúc động quá!

     Ánh mắt Đăng chợt xa vời sau làn kính pha lê trong vắt, nụ cười của chàng thoáng nét bâng khuâng.

      _ Lúc mình chợt yêu thích và muốn hát một bản nào là do tâm trạng lúc đó mà thôi, nhưng có khi anh cũng sợ phải nghe giọng của mình lúc hát nhạc buồn.

      Tâm Giao ngạc nhiên :

     _ Tại sao thế anh?

     _ Vì đó là lúc phải đối diện với con người thật của mình, cũng như có lúc loài chim hót hay biết sợ hãi tiếng hót của nó và cảm thấy xa lạ với chính nó.

      Tâm Giao ngơ ngẩn gật nhẹ đầu, nàng đã biết Đăng phức tạp và sâu kín qua những gì chàng viết, khác hẳn với vẻ bên ngoài. Chàng lại cười, ánh mắt sáng lên, vành môi trên hơi nhếch tạo nét duyên pha lẫn một chút kiêu bạc :

      _ Nhưng dù lạc quan, đôi khi người ta cũng nên tìm đến nỗi buồn để con người mình được quân bình, phải không Tâm Giao?

      Nàng « Dạ » một cách ngu ngơ, Đăng phà khói thuốc, nhìn nàng.

     _ Thôi mình nói chuyện khác đi. Chuyện của em nhé!  Bài đăng trong số báo vừa rồi em đã viết rất hay, nhiều cảm xúc. Em tiếp tục viết đấy chứ?

     Tâm Giao mỉm cười, vừa thẹn vừa sung sướng.

     _ Em cám ơn anh. Nhưng cho đến bây giờ, em chỉ viết được những đoản văn. Em đang cố gắng viết truyện ngắn nhưng rất khó, em mới tìm ra cốt truyện thôi. Chắc phải vài tuần mới xong, xong là em gửi anh ngay.

     _ Em đừng vội!  Anh biết là sáng tác phải cần thời gian và nhiều yếu tố  khác nên anh không hối thúc em đâu. Anh còn giữ một bài thơ của em mà, nếu em chưa xong truyện ngắn cho số tới thì anh sẽ lấp vào bài thơ đó cũng được.

      Tâm  Giao nghe hồn say đi vì niềm vui chàng vừa mang đến. Thật may mắn cho mình được quen biết ông chủ  bút và ông thật dễ thương!  Ông tổ chức giỏi như thế là mỗi tháng báo trường đều có bài của mình, cứ cái đà này, chẳng bao lâu mình sẽ khá, rồi cứ cố gắng sáng tác, mình sẽ giỏi, sẽ viết rồi xuất bản một quyển như Đỉnh Gió Hú của Emily Brontë. Nàng mơ màng.

      Đăng như cảm nhận được hạnh phúc của cô gái, chàng mỉm cười, nhìn vào mắt nàng, đề nghị :

    _ Lát  nữa đến phiên em hát một bản nhé, anh đệm cho.

     Tâm Giao ngượng ngùng, đỏ mặt bối rối :

     _ Úi ! Em … em rất dở về môn này, em chỉ líu lo cho mình em nghe thôi, em chưa từng hát cho ai khác nghe.

     Thật vậy! Tâm Giao tuy thích nhạc nhưng ngoài việc học, nàng dồn tất cả thời giờ cho việc đọc và viết. Cho đến hôm nay, mỗi lần họp mặt, nàng là người duy nhất chưa bao giờ hát cho tất cả được nghe.

      Đăng dụi tắt điếu thuốc chưa hết phân nửa, nhíu mày nhìn nàng, tay chống cằm, cắn môi nghĩ ngợi, Tâm Giao thấy cử chỉ đó của chàng thật đáng yêu, nàng xúc động, nhưng cùng lúc biết chàng đang nghĩ cách để nàng phải đồng ý hát, nàng cúi xuống không dám nhìn chàng nữa. Đăng rất độc lập và tự tin, đến có thể tạo sự tự nhiên  thoải mái cho người đối diện, khác với nàng nhút nhát và sợ sệt mông lung, nơi ẩn náu an toàn của nàng là ở trong nhà và đọc hay viết. Nàng thầm giận mình tại sao lại vụng về khổ sở đến thế? Và tại sao hôm nay Đăng lại tỏ ra đặc biệt chú ý đến mình? Chàng có rất  nhiều bạn trai cũng như bạn gái và luôn có cách cư xử tốt đẹp hoà nhã với tất cả, không tỏ ra có cảm tình riêng biệt với một ai.

      _ Vậy anh phải là người đầu tiên được nghe giọng em. Anh tự cho mình đặc quyền này, được chứ? Anh biết là em sẽ không từ chối đâu, phải không bé?

       Giọng Đăng nồng ấm như dỗ dành, nụ cười của chàng vô cùng quyến rũ và ngộ nghĩnh với chiếc răng khểnh bên khoé miệng. Tâm Giao chới với, tim đập mạnh, càng luống cuống, nàng ấp úng thoái thác :

      _ Em … không hát đâu! Anh đừng bắt … em! Em bị đau họng mà!

       Đăng vờ không nghe, chàng với tay lấy tập nhạc của Lê Uyên Phương trên bàn, đặt trên đầu gối, lật ra và hỏi Tâm Giao :

      _ Em muốn bài gì nào?

       Tâm Giao sợ hãi lắc đầu, Đăng  nhìn lên, cười tủm tỉm :

      _ Anh  tình nguyện hát chung với em đây! Bước  đầu như thế dễ hơn cho em.

       Tâm Giao thẹn và sợ đến nỗi chỉ mong được tan biến đi lúc này. Nàng rên rỉ :

      _ Giọng anh ấm bao nhiêu thì giọng em chua lè bấy nhiêu, làm sao hát chung được? Trời ơi !

       Đăng gật gật đầu, chàng vừa tìm được nhạc phẩm đắc ý. Cái nhìn của chàng giờ đây đầy vẻ thông cảm và che  chở nhưng Tâm Giao càng hốt hoảng.

      _ « Đá Xanh » vậy nhé! Bài này tương đối dễ thôi. Nào! Em cố lên! Cứ hát theo anh, chậm thôi, hay dở đâu phải là vấn đề.

       Những nốt nhạc cuối của Minh Phượng như lay lắt yếu đi, nhỏ dần rồi âm thầm dứt hẳn … Nàng ngước mắt, hít vào một hơi thật sâu rồi từ từ thở nhẹ ra, cầm lấy ly nước chanh pha Rhum do Hoàng mang đến, mỉm cười nói cám ơn chàng. Lúc này, Đăng càng có vẻ cương quyết, đứng lên định đi về phía chàng đã dựng cây đàn lúc nãy. Tâm Giao lo lắng nhìn quanh quất, rồi chợt nghĩ ra, nàng quay sang Sĩ cầu cứu :

      _ Anh Sĩ ! Cứu em với !

       Sĩ đã quan sát từ nãy tình hình có vẻ gay cấn này, chàng nốc cạn ly rượu, nhíu mày nhìn nàng, Tâm Giao nói như van nài :

      _ Anh  Đăng cứ bắt em hát nè, anh làm ơn thay thế em được không? Hôm nay em đau  họng quá! Em hứa lần sau …

       Sĩ cười nhẹ, giọng chàng từ tốn :

      _ Anh có bao giờ từ chối Mèo Con điều gì không?

       Hướng về  Đăng, Sĩ vờ nghiêm nét mặt, trừng mắt, quát :

      _ Mày giỏi thật! Bắt nạt bé phải không? Ăn đòn bây giờ! Đưa tập nhạc đây cho tao!

       Chàng chụp bắt lấy tập nhạc do Đăng thẩy tới rồi cầm đàn lên. Đăng chịu thua, ngồi xuống cạnh Tâm Giao, đốt thuốc, nàng vui mừng thở ra và thầm cám ơn Sĩ, chàng luôn xuất hiện đúng lúc. Nhưng lúc quay lại, nàng gặp ánh mắt Đăng rất gần, nồng dịu sau làn khói vương mờ, trái tim nàng lại đập hụt một nhịp.

      Sĩ lật tập nhạc xem nhưng bỗng lắc đầu rồi gấp lại và bắt đầu dạo đàn rồi hát một bản mà chàng đã quá thuộc, Nỗi Buồn Dâng Hiến, bản duy nhất mỗi lần, không ai hiểu vì lý do nào chàng chỉ hát từ nhiều năm nay, trong bất cứ dịp nào, nhưng đó là một tác phẩm tuyệt vời sâu sắc mà Tâm Giao cũng rất thích, nghe bao nhiêu lần mà nàng vẫn muốn nghe, không bao giờ chán. Lòng nàng chùng xuống trong những cung bậc rất buồn dù lặng  thầm hay cao vút. Tiếng hát của chàng không trầm như Đăng nhưng thoảng nhẹ xa vời và rất chậm, rất êm ả ngọt ngào …

      Lúc dứt, Sĩ vẫn nhìn vào khoảng không, một lúc lâu sau, ngẩng lên nhìn Tâm Giao, gương mặt nàng còn vương cảm xúc nhưng ánh mắt nhìn lại chàng đầy vẻ biết ơn. Chàng gác cây đàn, cười hỏi :

     _ Anh hát cũng buồn sao em không khóc? Vậy mà anh đã hy vọng …

      Cả bọn cười ồ khiến Tâm Giao ngượng nghịu đỏ mặt, nàng than thầm sao tối nay mình cứ bị mọi người chiếu cố đến?

      Sĩ đặt cây đàn xuống, với tay lấy chai Whisky Ballantine’s, nhưng Hoàng đã nhanh tay hơn, chàng chụp lấy chai rượu, mở nút, rót vào một cốc mới, qua làn thủy tinh trong vắt, tiếng chảy róc rách và màu rượu sóng sánh một điệu buồn bâng khuâng. Hoàng mang cốc rượu đầy đến cho Tâm Giao, làm ra vẻ nghiêm trang, nói :

     _ Tâm Giao nhất định không hát thì bị phạt đây, em phải uống hết cốc này!

     _ Trời ơi ! Em đâu biết uống Whisky? Em sẽ quay cu lơ ra sàn nhà ngay! Hôm trước chỉ thử một ngụm mà em đã choáng váng, nói chi chừng đây lận? Chịu thôi. Em xin anh tha cho!

      Tâm Giao kêu lên thảng thốt, mọi người lại quay sang nhìn nàng. Hoàng khăng khăng ép.

     _ Em sẽ có chỗ nằm nghỉ rồi tụi anh khiêng về nhà, đừng lo!

      Đăng nhìn Hoàng đăm đăm, lắc đầu :

     _ Hoàng mày hơi ác quá không? Tâm Giao đang uống chanh Rhum mà.

      Hoàng vờ trừng mắt, gắt :

     _ Mày lo cho cái thân chưa xong thì biết gì mà nói vào? Để tao tập cho các cô uống cái khác ngoài chanh Rhum chứ! Nào Tâm Giao! Ngon lắm! Uống đi em! Giỏi anh thương!

     _ Thôi để cho các anh nữa chứ! Em không biết thưởng thức làm phí rượu ngon.

      Tâm Giao khổ sở ấp úng, hai má nóng bừng, Hoàng cười :

     _ Anh còn một chai khác. Em đừng lo!

      Tâm Giao sợ hãi, những ngón tay xoắn vào nhau. Minh Phượng nhìn Oải Hương, lo lắng, và moi óc nghĩ một bản đã thuộc lòng để hát. Hoàng nhìn đăm đăm vào mắt Tâm Giao như đe dọa, tay vẫn chìa cốc rượu và Tâm Giao phải cầm nhưng bỗng một bàn tay từ phía sau Hoàng với đến, giằng lấy; Hoàng quay lại, bất mãn :

     _ Lại mày! Uống bao nhiêu cũng không đủ lại còn chuyên môn nhăng nhít ưa xía vô chuyện người khác.

      Sĩ hất hàm, làm ra vẻ lạnh lùng, nói giọng khiêu khích :

     _ Ừ tao đây! Tụi bay chỉ giỏi bắt nạt đàn bà trẻ con thôi, không thể khá được. Đáng lẽ cốc này là để thưởng công tao đã hát thay Tâm Giao chứ hả? Mày tổ sư gây chuyện nghe  Hoàng, sắp đến phiên mình hát mà không lo. Mày hát dở tao sẽ phạt cho uống nhừ người đấy! Uống thi với tao xem thằng nào gục trước. Dám hả?

      Hoàng đành im lặng rút lui, chàng có thể đàn Classique khá nhưng biết mình không có giọng mấy và tửu lượng của chàng cũng như Đăng, kém xa Sĩ. Mọi người đều cười, bỏ qua. Tâm Giao nhẹ nhõm, lại nhìn Sĩ, mắt đầy vẻ biết ơn. Chợt cảm thấy rất khát, nàng đứng lên đi về phía bàn, rót một cốc nước lọc. Sĩ ngồi xuống bắt đầu  thản nhiên tiếp tục uống. Oải Hương nói với Đăng tên bản nhạc mà nàng sắp trình bày. Hoàng nháy mắt với Sĩ, vẻ ranh mãnh :

     _ Ê Sĩ ! Lại tì tì nữa hả mày? Dở chứng hả?

     _ Chán đời rồi, say tí cho quên. Đừng kiếm chuyện nữa Hoàng! Kệ tao!

     _ Để cho nó uống! Cứ tha hồ say tít mù đi Sĩ ! Tao khuyến khích đấy!

      Đăng cười nói thêm vào trong khi Minh Phượng nhăn nhó :

     _ Dạo này anh Sĩ hư lắm! Mỗi ngày hai gói, hai ngày một chai, đó là châm ngôn của anh. Anh cứ lạm dụng thế nên cậu mợ về lại mắng em sao không nhắc nhở anh phải bớt mọi thứ đi?

      Sĩ  không buồn trả lời, chàng nhìn Đăng bằng ánh mắt khó hiểu, hoặc có thể chỉ riêng Đăng hiểu được và Sĩ cũng  không thấy cái nhìn trách móc nhẹ nhàng của Oải Hương vừa bắt đầu hát một bản do Đăng đệm. Tiếng hát của  nàng trong trẻo cao vút với một bản thành công của France Gall, Poupée de Son Poupée de Cire. Không khí vui nhộn hẳn lên với bản nhạc tươi trẻ này. Trời bên ngoài càng thêm lạnh khi đêm bắt đầu sâu lắng. Chai Johnnie Walker  của Hoàng mang đến đã được Minh Phượng giấu vào một góc tủ, cuối cùng Sĩ cũng tìm thấy, lôi ra; cả bọn lại tiếp tục ăn uống trong tiếng nói chuyện ồn ào vui vẻ. Đăng luôn hỏi Tâm Giao muốn gì và chăm sóc  nàng suốt cho đến lúc về. Chị giúp việc rút lui, đi ngủ sau khi bưng lên một nồi súp măng cua nóng hổi … Bọn này ăn ít uống nhiều, nếu trưa mai còn thức ăn thì mình càng đỡ phải làm bếp. Chị nghĩ.

 

 

       Những bóng cây rung động bâng khuâng trên mặt đường khuya đắm trong ánh trăng huyền hoặc đang nghiêng qua một phía trời. Sĩ và Minh Phượng tiễn đám bạn ra cổng. Trời đêm hút sâu tuyệt vời với ngàn sao trên  tấm thảm nhung đen thẫm, hương đêm kỳ diệu  âm thầm buông phủ xuống núi rừng trầm mặc, mặt nước hồ đen thẳm lấp lánh dưới ánh đèn phía xa … Mỗi người thu mình trong áo khoác ấm áp, găng tay, mũ len và khăng quàng. Họ luôn thích rủ nhau đi bộ vào những đêm lạnh có trăng sao. Cả bọn vừa nói cười vừa đổ chậm xuống con dốc, quay lại vẫy vẫy tay và gửi lại những nụ hôn gió. Bonne nuit, bonne nuit!

       Gió đêm bỗng thốc về từ đồi cao, tiếng cành lá rào rạt trong vườn cây đồng điệu với tiếng côn trùng như một hoà tấu thiên nhiên xôn xao tha thiết.

       Minh Phượng rùng mình kêu lạnh quá, nàng chéo hai cánh tay lên hai vai, vội quay vào nhà. Sĩ kéo cao cổ áo len dày, đứng lại, lơ ngơ với điếu thuốc còn cháy đỏ trên môi, đầu óc váng vất chao chọng vì men rượu, có cảm giác như đang bước những bước chân lạng quạng hụt hẫng trên sóng nước dập dềnh rồi đạp vào tảng bóng tối mịt mùng òa vỡ, hắt lên những tia sáng ảo ảnh mơ hồ. Chàng lảo đảo tựa vào cột trụ cổng cố mở lớn mắt nhìn theo họ … Dưới ánh sáng mờ trong sương của những ngọn đèn đường chênh vênh, Đăng bước sát cạnh Tâm Giao, như cặp tình nhân đẹp đôi, và cả hai có vẻ rất hợp chuyện. Cô gái đã cao thêm nhiều, trong chiếc áo manteau  dài màu đen, dáng dấp nàng nhàn nhã, thanh tao. Nàng thật sự là thiếu nữ. Họ như sắp được sống trọn vẹn một mùa yêu thương.

                                                      ( Còn tiếp )

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 1447
Ngày đăng: 22.04.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 11) - Lê Ký Thương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 10) - Lê Ký Thương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 9) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 46: Đi tìm ca sĩ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : tiểu thuyết ( Chương 45: Hai nửa con người) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 8) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 44: Rebel, Kẻ quấy rối) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 43: Dẫu có lỗi lầm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 42: Tình yêu là gì?) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 7) - Lê Ký Thương
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)