Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.218.441
 
Nam Kỳ – tờ báo Quốc ngữ cuối thế kỷ 19 còn ít được biết đến
Võ Xuân Quế

 

 

Khi nói đến những tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ ra đời vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, người ta thường nhắc nhiều đến Gia định báo và Thông loại khóa trình. Còn tờ báo có tên là Nam Kỳ ít được biết đến, hoặc mới chỉ được đề cập một cách sơ lược và có những điều thiếu chính xác, đúng như tác giả Trần Nhật Vy đã viết “Nam Kỳ cũng là tờ báo tiếng Việt “bí mật” nhất cho tới nay. Bí mật bởi vì tờ báo này chưa tìm thấy trong nhiều tàng thư trên thế giới và những bản còn lưu lại trong nước cũng rất hiếm.”[1]. Mới đây, nhân đọc được gần đủ các số (123/125 số) trong gần 4 năm tồn tại của Nam Kỳ, chúng tôi xin giới thiệu về tờ báo này và bổ sung thêm một số thông tin đã được viết ra chưa chính xác.

1. Có gì khác giữa Nam Kỳ với Gia Định Báo và Thông loại khóa trình

Nam Kỳ là một tờ tuần báo ra ngày thứ năm hàng tuần, mặc dù phụ đề ngay dưới tên báo, trên măng sét ghi “Nhựt trình mỗi tuần lễ in một lần nhằm ngày thứ năm.” Trừ số duy nhất 69 năm 1899 đăng tin “Đức Giám-quốc nước Langsa Félix thăng hà”[2], phía dưới phụ đề của tất cả các số còn lại đều có một ô chính giữa, ghi tên và địa chỉ của chủ bút (directeur) A. Schreiner, một nhà nghiên cứu lịch sử, địa lý, xuất bản người Pháp[3]. Số Nam Kỳ đầu tiên ra ngày 21/10/1897, vì thế năm 1897 báo chỉ có 11 số (2 số tháng mười; 4 số tháng mười một và 5 số tháng mười hai). Năm 1898 có đủ 50 số (từ số 12-62) và năm 1899 có 50 số (từ số 63-113), còn năm 1900 có 11 số (114-125)[4]. Như vậy, Nam kỳ là tờ báo tư nhân bằng chữ Quốc ngữ thứ hai sau Thông loại khóa trình.

Trong suốt 4 năm tồn tại của mình, tên của báo này chỉ có dòng chữ to in đậm bằng chữ Quốc ngữ – NAM KỲ, chứ không có dòng chữ Hán như trên măng sét của Gia Định Báo những năm đầu (ít nhất từ 1865-1871, theo số báo chúng tôi có được)[5], hay bằng chữ Hán và chữ Pháp (trừ tên của Trương Vĩnh Ký) của Thông loại khóa trình. Số của mỗi tờ báo Nam Kỳ cũng không đánh riêng với từng năm như Gia Định Báo và Thông loại khóa trình, mà được tính liên tục kể từ số đầu tiên, năm thứ nhất (1897) đến số cuối cùng, năm thứ ba (1900). Đáng chú ý, năm thứ nhứt được tính từ số 1 (21 Octobre 1897) đến số 51 (13 Octobre 1898).

Giống như Gia Định Báo, thời gian phát hành của Nam Kỳ cũng được ghi ở ngay trên đầu măng sét theo hai cách: theo âm lịch (bên góc trái) và theo dương lịch (bên góc phải), với số tháng được viết theo tiếng Pháp. Chẳng hạn, thời gian của số đầu tiên được ghi: “Ngày 26 tháng chín năm Đinh-dậu” (góc trái) và “Ngày thứ năm 21 Octobre 1897” (góc phải). Trong khi đó, thời gian trên Thông loại khóa trình chỉ ghi năm dương lịch (số 1 và 2/1888) và từ số thứ 3 trở đi thêm tháng được ghi theo tiếng Pháp (như số thứ 3 ghi: Juillet 1888).

 

Măng sét của Gia Định Báo, Thông Loại Khóa Trình và Nam-Kỳ

Về cách trình bày, mỗi trang của Nam Kỳ cũng chia làm hai cột như Gia Định Báo trong khi Thông loại khóa trình không chia làm hai. Nhưng Nam Kỳ khác với Gia Định Báo và Thông loại khóa trình về cách đánh số trang cũng như số trang của mỗi số. Trong khi mỗi số của Gia Định Báo và Thông loại khóa trình có số trang khác nhau và số trang được đánh riêng theo từng số, thì tất cả các số của Nam Kỳ đều có số lượng trang giống nhau và số trang được đánh liên tục cho các năm. Vì thế, ta biết được kể từ số 1 đến số 125, Nam Kỳ có tất cả 2004 trang.

2. Nội dung, mục đích và vấn đề ngôn ngữ trong Nam Kỳ

Mỗi số Nam Kỳ đều nhất loạt gồm 16 trang, trong đó từ trang 1 đến trang 8 là phần nội dung, từ trang 9 đến trang 16 dành cho quảng cáo. Phần nội dung trong các số đầu gồm các mục: Công vụ, Ngoại quốc tân văn, Cõi nội tân văn, Nông vụ. Các số sau (từ năm 1898 trở đi) có thêm: Tạp vụ, Điển Báo, Tiếu đàm truyện. Thỉnh thoảng còn có thêm Lời Rao, Cáo Bạch, Tiểu tự (trả lời bạn đọc)[6].

Đáng chú ý, từ số 34 (16/6/1898) có thêm mục “Thi niêm bình trắc” và các số tiếp theo thay bằng “Thi pháp nhập môn” đăng nhiều thơ từ tháng 6/1898 đến tháng 9/1898 (13 số) của Mai Nham. Về truyện, Nam Kỳ đăng một số truyện nhiều kỳ, như: “Bảy cuộc hành lý phi thường của ông Sindbad” trong 19 số; “Chuyện người cạo râu vô duyên bạc phận” trong 11 số và “Chuyện Ali-Baba hay là Chuyện Bốn Mươi Ăn-Cướp” trong 15 số (từ số 30 đến số 44 năm 1898). Dựa vào việc cuối mỗi kỳ đăng cũng như kết thúc truyện (ở số 44) đều không ghi tên người dịch và “Lời Rao” in (ở số 29) và bán truyện này (ở số 45) năm 1898, có thể nghĩ rằng người dịch là A. Schreiner chứ không phải là Trương Minh Ký, như Trần Nhật Vy khẳng định[7]. Nam Kỳ còn đăng tin về cái chết và đám tang của Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký, với các thơ phúng viếng ông của chủ bút báo Nam Kỳ và các môn sinh của Trương Vĩnh Ký trong 3 số liền từ số 46 đến số 48 năm 1898.

 

Lời Rao in ở số 29/1898 (trên) và bán ở số 45/1898 (dưới) truyện Ali-baba

Như vậy, có thể thấy Nam Kỳ là tờ báo có nội dung phong phú hơn và có nhiều bài thiên về văn học hơn so với Gia Định Báo. Còn so với Thông loại khóa trình thì Nam Kỳ lại khác ở chỗ có nhiều thông tin hành chính, thời sự và quảng cáo hơn.

Bài đầu tiên trên trang nhất, số đầu tiên của Nam Kỳ là “Lời cùng các người coi nhựt trình ta” của chủ báo A. Schreiner được Đốc phủ sứ Huỳnh Tịnh Paulus Của dịch ra quốc-ngữ. Đoạn mở đầu, chủ báo nói mục đích ra báo Nam Kỳ, như sau (lược trích nguyên theo cách viết của báo):

Làm nhựt trình hôm nay gọi là nhựt trình Nam Kỳ, để cho ai nấy coi chung; ấy là điều chúng ta muốn làm cho người Annam rõ biết sự Nhà nước cùng các quan trên nghị định nhiều việc là vì lẽ gì; nếu cắt nghĩa không rõ thì sẽ sinh ra điều lầm lạc, khó hiểu. Chúng ta cũng có ý muốn làm cho người Annam hiểu biết các nước ở chung quanh mình, cho biết chánh sự, phong tục cùng sự các nước ấy giao thông cùng nước Langsa thể nào, chúng ta cũng có ý binh vực các đều lợi ích cho dân bổn-quấc, làm cho người bổn-quấc hiểu biết sự thể mình ra làm sao, làm cho người bổn-quấc hiểu biết về sự ích lợi riêng ngoài, làm cho các kẻ ấy đặng nhớ.

Về việc chữ nghĩa thì dùng những tiếng tầm thường, không dùng những tiếng cao kỳ, dân sự ít hiểu. Chúng ta có ý nói về đều này, là vì nhựt trình Nam Kỳ thì là để mà rao báo những chuyện có ích cho mọi người đều hiểu, không phải là chuyện cao xa đễ cho một ít người thông minh hiểu biết mà thôi. Những người Annam hay chữ nghĩa đã thông hiểu ý tứ chúng ta, thì biết việc rõ ràng, chẳng câu chấp sự chúng ta dùng những tiếng tầm thường, vì các người ấy đã biết là việc làm ích chung cho mỗi một người...

Tiếp theo “Lời cùng độc giả”, có bài “Trái đất” của Sĩ-Tải Trương-Vĩnh-Ký, dịch ra quốc-ngữ (tr.2-3). Tiếp đến là mục “Công vụ” với hai Nghị định của Quan Tổng-Thống Đông-Dương Toàn-Quyền Đại-Thần Paul Doumer và ba Nghị định của Quan quyền Thống-đốc Nam-Kỳ, Nicolai (tr.3-4). Mục “Ngoại quốc tân văn” giới thiệu các nước: Indes (Xứ Thiên-Trước); Bombay, Singapour (Phố-Mới), Philippines (nước Lữ-Tống), Hongkong (Hương-Cảng), Japon (Nước Nhựt-Bổn) (tr.5-6). Sau đó là các mục “Cõi Nội Tân văn” (tr.6-7) đăng tin vắn trong nước; mục “Chuyện giải buồn” (tr.7-8) với hai mẩu chuyện vui; mục “Nông vụ” (tr.8) có bài nói về nông-vụ xứ Nam-Kỳ do Diệp Văn Cương dịch ra quốc-ngữ.

Từ trang 9-16 là 17 mẩu quảng cáo bằng chữ Quốc ngữ và có cả quảng cáo bằng chữ Pháp. Ở cuối trang cuối cùng này của tất cả các số đều có dòng chữ “Saigon.-Imprimerie Commerciale Rey. Le propriétaire-gérant, A. Schreiner.” Dưới dòng chữ Pháp này ở phần lớn số báo mà chúng tôi đọc được có thêm chữ ký bằng tay của chủ báo. Có những “Lời Rao” rất dân giã, rất độc đáo, như ở số 70 “Có người hỏi mướn một người để đi đòi bạc, biết nói tiếng langsa và biết cách đến trong các phòng-việc cùng nhà người langsa. Ai muốn phải tới tại sở nhựt-trình mà xin.”

A. Schreiner là người rất chú ý đến ngôn ngữ, nhất là vấn đề tên riêng trong tờ báo của mình. Ông đã nêu quan điểm của tờ báo về vấn đề này trong “Cáo Bạch” ở số 31 năm 1898 như sau: “Kính các Quới Viên đặng rõ, từ nầy sấp lên, khi chỉ các nước các xứ, ta sẽ dùng tiếng Phangsa, là tiếng các nước bên Phương-Tây hay thường dùng trong cuộc địa-dư. Bởi vì ta thấy những tên dùng xưa rày, là cách nói dựa theo tiếng Thanh-Khánh, diễn ra mà đọc theo chữ An-nam, thì không có nghĩa gì, là tiếng bày đặt mà thôi. Vả chăng có luật mẹo dạy chẳng nên đổi những tên riêng, dầu nói tiếng nước nào cũng vậy. Vì tên riêng là để mà chỉ một người hay là một xứ riêng, mà nếu đổi ra khác đi, thì không chỉ được người đó hay lá xứ đó nữa.”

Sau đó ông lại tiếp tục trao đổi và bảo vệ quan điểm của mình với 3 bài viết in trong ba số khác (56, 63 và 72). Trong bài “Về tên các xứ Địa-dư” (số 56), ông viết: “tên các xứ, tên núi non, sông biển, thành thị, v.v., cũng đồng như tên người, hết thảy đều là tên riêng, không được phép đổi ra khác. Thí-dụ như tên tôi là Schreiner, mà nếu có ít người annam kêu tôi là Séné, thì là quấy lắm, bởi vì mấy người đó đặt cho tôi một tên khác, không phải chánh tên tôi; cũng giác thể như ông Nguyễn-Vọng-Bửu, mà tôi không kêu vậy, lại kêu là Nguyễn-Văn-Bủ, thì là khác xa lắm, và sái quá chừng…”

Sau khi dẫn các ví dụ về cách viết và đọc tên các địa danh không thống nhất (ví dụ: Châu Á) trong các thứ tiếng (langsa-Asie, alleman-Asien, latin-Asia, anglais-Asia, italien-Asia, chệc-Á-tế-Á), ông cho rằng nên dựa theo cách viết tiếng Pháp “bởi bên Đông-Dương nầy, tiếng langsa là tiếng dùng trong việc công-văn, và là tiếng trẻ nhỏ học trong nhà trường, lại người ta dạy chúng nó học tên các xứ địa-dư, thì cũng dùng tiếng langsa mà dạy; nên không lẽ ta dùng tiếng nào khác hơn là tiếng Asie, vì nó là tiếng nhà nước dùng và là tiếng phần nhiều trong nhơn dân hiểu được.”

Theo quan điểm đó, trong Nam Kỳ, về cơ bản tất cả các chữ cái đầu trong tên người được viết hoa, ví dụ: Trương-Minh-Ký, Diệp-Văn-Cương… Còn tên địa dư, về cơ bản được viết theo chữ Pháp và phiên âm trong ngoặc đơn, ví dụ: Japon (Nước Nhựt-Bổn), Siam (Xiêm-La Quốc), Indes (Xứ Ấn-Độ, tục kêu là Thiên-Trước)… Điều này khác với Gia Định Báo, chỉ viết hoa chữ cái đầu của họ trong tên người (như: Lý-bôn, Triệu-quang-phục...) và thường viết hoa chỉ chữ cái đầu của âm tiết đầu trong tên địa danh (như: Chợ-lớn, Giao-châu...). Thông loại khóa trình cũng chỉ viết hoa chữ cái đầu của họ và tên riêng, còn chữ cái đầu tên đệm chỉ viết thường (như: Hồ-quí-Ly, Hồ-hán-Thương…) hoặc có khi chỉ viết hoa mỗi chữ cái đầu tên họ (như: Giả-tử-thôi, Tấn-văn-công…)

Như vậy, có thể nói, với Nam Kỳ nhựt báo, A. Schreiner là người đầu tiên quan tâm đến việc viết tên riêng (tên người và địa dư) trong chữ Quốc ngữ. Mặc dù quan điểm giữ nguyên cách viết địa dư theo tiếng Pháp không được phổ biến rộng rãi và ngày nay không được áp dụng, song với bối cảnh tiếng Pháp và chữ Pháp được dùng trong hành chính và giáo dục lúc bấy giờ điều đó cũng dễ hiểu được. Và điều đáng chú ý là cách viết tên người trong báo Nam Kỳ về cơ bản giống với cách viết ngày nay, trừ dấu gạch ngang giữa các âm tiết không còn dùng nữa.

 

 

 



[1] Trần Nhật Vy, Trương Minh Ký-Nhà văn, nhà báo Quốc ngữ chưa được vinh danh, Xưa và Nay, số 502, tháng 12 năm 2018 (https://elearning.tdmu.edu.vn/elearning-ebook/T%E1%BA%A1p%20Ch%C3%AD%20S%E1%BB%91%20Ho%C3%A1/TranNhatVy502.pdf).

[2] Félix François Faure (1841-1899), Tổng thống Pháp từ 1895-1899, mất ngày 16/2/1899.

[3] Trần Nhật Vy cho rằng chủ bút của Nam Kỳ là Trương Minh Ký (xem bài ở chú thích 1); còn Nguyễn Vy Khanh nói A. Schreiner là “Giám đốc (directeur)” (http://www.namkyluctinh.com/a-tgtpham/nvkhanh/nvkhanh-LichSuBaoChiThoiDau.pdf)

[4] Năm 1899 và năm 1900 có hai số ngày phát hành nhằm đúng dịp Tết nên báo không in.

[5] Với các số có được, chúng tôi thấy Gia Định Báo có 3 măng sét khác nhau. Còn theo Lê Minh Quốc: “manchette của Gia Định Báo thay đổi 4 lần” (http://leminhquoc.vn/hoi-hoa/tu-lieu-le-minh-quoc/1628-vai-thong-tin-ve-gia-dinh-bao-to-bao-quoc-ngu-dau-tien-cua-viet-nam.html?start=3).

[6] Các mục và nội dung ở các mục của trang 3-5 của các số không giống nhau, song số nào cũng có mục “Công vụ”, chứ không như phải như Trần Nhật Vy nói là “Các trang 2-4-5 là tin tức Đông Dương (gồm miền Bắc Việt Nam, miền Trung, Lào và Campuchia), tin tức thế giới, tin ngắn ở Sài-Gòn-Chợ Lớn.” (Xem bài ở chú thích 1)

[7] Trần Nhật Vy khẳng định thiếu cơ sở rằng: Alibaba và bốn mươi tên cướp do Trương Minh Ký dịch và nhầm khi nói truyện nhiều kỳ này được in trong Nam Kỳ năm 1897 (https://tuoitre.vn/truong-minh-ky-nha-van-viet-chu-quoc-ngu-dau-tien-20190429123903436.htm)

 

Võ Xuân Quế
Số lần đọc: 670
Ngày đăng: 03.05.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trò chuyện với thiên thần: tác phẩm dành cho ai yêu quá đỗi đời này - Đặng Châu Long
Khi nhà thơ làm hề kiếm sống - Nguyễn Anh Tuấn
Tác phẩm điện ảnh đầu tiên về Nguyễn Du: Long thành cầm giả ca - Nguyễn Anh Tuấn
Biểu tượng Đất và Nước trong trường ca Phồn Sinh - Nhiều Tác Giả
Phản chiến hay phản kháng - Võ Công Liêm
Đọc “ Bàn tay nhỏ dưới mưa” - Phạm Xuân Nguyên
Hà Nội - lắng “hồn thu thảo” hoài “bóng tịch dương”. - Bùi Hoàng Linh
“Tình nghĩa mẹ cha” – suối nguồn hiếu hạnh - Trang Thùy
Nghề văn không sang trọng, nhưng Văn chương lại cần cao quý sang trọng. - Nguyễn Anh Tuấn
Nhật Chiêu và niềm đam mê văn học. - Elena Pucillo Truong