Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.216.938
 
Rung cảm bằng nhịp đập thời đại
Nguyên Bình BRVT

Nhà thơ Vũ Thanh Hoa 

Và tác phẩm

LỜI CẦU HÔN ĐÊM QUA

 

 

 

Tôi quen biết nhà thơ kiêm nhà văn Vũ Thanh Hoa (VTH) chưa lâu, tiếp cận văn thơ của nhà thơ cũng chưa nhiều, tuy thế, chân dung văn học của VTH trong mắt tôi là một gương mặt sáng giá, trẻ trung và hiện đại, kiến văn sâu, cùng với quan niệm về văn về người thẳng thắn, bộc trực. 

Là một luật sư, VTH viết văn và làm thơ là nghề tay trái, nhưng sự nghiệp văn chương không hề nhỏ, nhà thơ đã trình làng những tác phẩm của mình cách đây trên dưới mười lăm năm và sở hữu những giải thưởng văn học có giá trị từ khi còn rất trẻ.

        Dòng chảy cuộc sống luôn sắp bày nhiều thách thức mà mỗi cá nhân cần phải vượt qua để khẳng định mình. Tính cách của nhà thơ VTH có cơ hội bộc lộ khi xã hội cuốn chị vào vòng xoáy bụi bặm, vậy mà ở đó, ta chứng kiến nhà thơ vững vàng bước qua ngưỡng cửa số phận, tiếp tục cầm bút và miệt mài sáng tác trong tâm thế tự tin, kiêu hãnh trước sự ngỡ ngàng của bao người.

LỜI CẦU HÔN ĐÊM QUA (NXN HNV 2012) là một trong hai tác phẩm mà VTH gởi tặng tôi vào năm 2020, khi tập thơ xinh xắn này đã được xuất bản khá lâu. Nhưng ấn tượng văn học của một tác phẩm thì bao giờ cũng mới mẻ với người đọc lần đầu tiếp cận nó. Tôi hăm hở bước vào thế giới thơ VTH,  ấn tượng đầu tiên là xuyên suốt tác phẩm, nhân vật trữ tình EM chính là phiên bản của cuộc đời nhà thơ, sôi nổi rộng mở trong quan hệ giao tiếp hàng ngày và những lay động giữa đêm sâu thao thức.

        Không biết có phải là số phận hay không, những người đàn bà làm thơ thường vương mang ít nhiều nỗi niềm chát đắng trong tình yêu. Nhà thơ VTH, hơn ai hết, đã từng lặn lội trong cuộc hôn nhân dang dở, hệ lụy của nó là trong một thời gian khá dài, niềm tin của một phụ nữ yêu đời, có học thức, rộn ràng với tương lai trước mặt như bị tước đoạt, hiện thực trở nên bất định. Giữa đêm sâu tĩnh mịch, trong nỗi cô đơn đằng đẳng (?), nhà thơ nghe có tiếng rì rầm cầu hôn từ thẳm sâu bản ngã:

một người hoàn mỹ

một người tri kỷ

một người bao dung

một nguời thành thật

một người khuyết tật”.

(Lời cầu hôn đêm qua, tr 75)

       Tôi đọc mà se thắt cõi lòng. Phải chăng, các phẩm chất của hình tượng mơ ước ấy mất hút trong cuộc đời nhà thơ đã quá lâu rồi! Có lẽ người đàn ông từng là một nửa của nhà thơ không hề có và một số người đàn ông khác vây quanh cuộc đời nhà thơ cũng thiếu vắng chăng? Trôi dạt giữa đục trong của dòng sông đệnh mệnh, sau bao nhiêu năm, người thiếu phụ mỹ miều ấy vẫn khó tìm lại được sự cân bằng với những đớn đau, nghi hoặc cuộc đời, với bao nỗi ám ảnh khôn nguôi. Đêm nay hoặc trong nhiều đêm như thế, nhà thơ chỉ biết:

chui vào chăn yên tĩnh

nằm xuống chiếc gối mặc định

…độc diễn hành trình thế thân.

       Có người sẽ cho rằng nhà thơ đang trốn chạy thực tại phủ phàng. Tôi hoàn toàn không tin điều đó, không tin nhà thơ bị rơi tự do vào mông lung, mà là dấn thân vào hành trình đi tìm. Cuộc hành trình tìm về bản ngã không phải là điều dễ dàng, nhưng cuối cùng nhà thơ đã bắt gặp thiện căn:

trong giấc mơ đêm qua

tôi cầu hôn tôi

tôi kết một chiếc nhẫn

đeo vào ngón tay mình

tôi nói: đồng ý.

tôi biết

cuộc hôn nhân này không bao giờ li dị…

 (Lời câu hôn đêm qua, tr 72)

        Phải chăng từ trong cay đắng, bóng tối đã hóa thân thành vầng sáng vĩnh hằng.

        Quá trình sáng tạo của nhà thơ trong tác phẩm LCHĐQ là một cuộc tự giải phẩu tâm linh triền miên, ở đó, năng lượng thơ được giải phóng bất tận không hề cạn kiệt, như phản ứng nhiệt hạch ở tâm mặt trời. Sở hữu vốn liếng học thuật dày dặn, với bút pháp hiện đại hoàn toàn tự do, nhà thơ dễ dàng bắt gặp ngôn từ cho ý nghĩ, để thơ có không gian rộng lớn thăng hoa, bay vút lên theo nguồn cảm hứng dâng trào. Vì vậy, mỗi bài thơ trong LCHĐQ chất chứa ngồn ngộn thi chất, luôn có sự khác biệt với dòng suy tưởng đậm đặc, gây ấn tượng đậm sâu trong lòng độc giả. 

        Nghiền ngẫm tập thơ khá nhiều lần, tôi vẫn không phát hiện ý tưởng chủ đạo được tác giả gởi gắm trong LCHĐQ. Cảm xúc mênh mông bùng vỡ trong tâm thức nhà thơ, mỗi lần viết là một lần phun trào như dung nham đã từ lâu kìm nén. Robert Frost (một nhà thơ Mỹ) nói “Thơ ra đời khi cảm xúc đã tìm thấy suy nghĩ của mình và suy nghĩ thì đã tìm ra lời để diễn đạt chúng”. Có lẽ cứ như thế VTH cho ra đời những bài thơ thoát thai từ chiều sâu tâm cảm, dựng nên tác phẩm đậm chất suy tưởng.

        Mỗi ngày sống là một ngày buồn đi qua trong hụt hẫng để khi vào “đêm thức” nhà thơ ngắm nhìn đôi tay đời mình trống không, chưa kịp sở hữu chút gì thì mọi thứ đã bị tước đoạt:

niềm vui phong phanh chưa kịp nhớ

đã mong manh đốt sợi khói buồn

ngày qua chưa kịp nhớ

đã niêm phong bất tận chiêm bao”.

(Đêm thức”, tr 17).

      Tại sao lại như vậy? Người ta giành giật hết cả rồi, trái đất rộng lớn. vũ trụ bao la không còn chổ nào cho EM dừng chân cả. Tất thảy đã được chia phần, chia hết cho cả thánh thần, ma quỷ và cái tôi thiện lương chân yếu tay mềm của thiếu phụ bên hiên đời chỉ biết đứng nhìn quanh qua đôi vai hao gầy, họa chăng  “đến khi thức dậy, tôi tìm thấy tôi”:

còn chổ nào cho tôi không

thiên đường chật thánh thần

địa ngục chật ma

mặt đất hằng hà người sống

những hình hài quẩn quanh ngõ cụt

va nhau tóe những mảnh hồn…

(còn chổ nào cho tôi không. Tr 18)

        Con người trong thế giới ma quỷ này luôn bị chèn ép, xô đẩy để dạt trôi về vực thẳm đớn đau. Nhà thơ bỗng chốc trở nên cô đơn, hoặc cô đơn truyền kiếp từ trong nỗi nhớ đã chìm sâu, lăn lóc trong guồng quay số phận nghiệt ngả:

treo lên gió một cái tên

nỗi nhớ từ đây góa bụa

vòng xe quay

vòng xe quay

vô tận

leng keng chạm cốc độc hành.

( Giao cảm. tr 27)

        Những trăn trở bí ẩn nội cảm hiện diện chồng chéo trong quá trình sáng tạo, xuyên suốt tập thơ LCHĐQ, khi thì “cạn một ngày/ly rỗng/ngước lên trời/ giọt nắng cũng phù du”, lắm lúc nhà thơ sỡ hữu một “giấc mơ rạn vỡ trở mình/nỗi nhớ phôi sinh từ khói/mưa thôi kẻ buồn mắt tượng/mỏng manh mây áo ngủ mờ thu”, và sáng mở mắt là chạm phải hoài nghi: “mở cánh cửa ngày/hoài nghi trật tự bình yên/không thể sắp xếp những mặt người qua 24 tiếng/ lạc em”…Chất triết luận trong thơ VTH hiển hiện ở thi ngôn, vắng bóng lời lẽ giáo điều, không cần tuyên bố. Theo tôi, đây là một trong những nét đặc sắc tạo nên phong cách thơ VTH.

        Xuất hiện với tuần suất cao là TÌNH YÊU với  hình tượng cặp đôi nhân vật trữ tình EM – ANH, nhiều lúc tưởng chừng chỉ như là hồi ức mật thoại trong tâm linh nhà thơ. Quan hệ tình yêu trong LCHĐQ sao mà mong manh, nghe như tiếng thở dài nhè nhẹ, hạnh phúc cũng quá mơ hồ trong tầm tay thiếu phụ, dù tình yêu đó là tia sáng sưởi ấm tâm hồn nhà thơ, là chổ dựa hư ảo mà êm đềm của góc khuất bơ vơ. Nói thì nói vậy, mà dẫu sao, chính tình yêu đã mang về cho VTH cảm xúc bát ngát, hình như bên nhà thơ vẫn ẩn hiện bóng núi cao vời của một đấng trượng phu, một nét chấm phá lãng mạn của một văn nhân tài hoa nào đó:

anh thả đàn ngựa hoang về phía miền em mạch nguyên thủy khát

ngậm núm đồi xanh mơ bầu vú mẹ

cheo leo eo thon chếnh choáng men mùa..

(Phía miền em, tr19)

        Càng đọc sâu, tôi chợt khám phá ra rằng, ANH và EM trong LCHĐQ là một đôi nhân tình tri kỷ, họ yêu nhau như trong chuyện cổ tích, gần thì rất gần mà xa lại quá là xa:

cổ tích cuối cùng là sa mạc

con lạc đà thong thả đi

trong giấc ngủ em

anh vẫn thức

chẳng thể nhốt mây vào một chiếc bình.

(Cổ tích cuối cùng, tr 21).

     Tôi liên tưởng đến hai câu thơ của văn hào Tagore: “Trái tim anh ở gần em như chính cuộc đời em đó /Nhưng em có bao giờ hiểu được rõ cả nó đâu”. Dù có yêu thương đến tận cùng trái tim, thì giữa hai con người vẫn luôn tồn tại sự khác biệt. Nhà thơ VTH đã ý thức được điều đó, khi viết “chẳng thể nhốt mây vào một cái bình”. Nhưng dẫu sao, chiêm ngưỡng vườn mơ của EM và ANH, tôi cảm nhận được câu chuyện diễm tình, diễm lệ, “đẹp như thơ” ấy chính là nguồn cảm hứng sáng tác dạt dào. 

      Hình tượng CHÀNG kiêu bạc phong sương cổ điển được VTH hiện đại hóa không kém phần thi vị. Có một nhà phê bình đã nói, khi hoàn cảnh sáng tác thay đổi thì ngôn ngữ thơ tự nó cũng chuyển biến cho phù hợp với thời đại. Theo tôi,  thơ VTH trong LCHĐQ cũng chịu tác động của hiệu ứng này. Có thể khẳng định, phong cách thơ VTH mang tính hiện đại, với dòng ý thức tự do, không bận bịu với vần điệu truyền thống, hình thành thi pháp cá nhân đặc thù.

        Chúng ta tiếp tục cuộc hành trình khám phá LCHĐQ. Chắc hẳn tình yêu của EM và ANH không kéo dài được lâu, tôi hình dung một cuộc chia tay trong một không gian thời gian nào đó rất mơ hồ và để lại trong tim nhà thơ nỗi nhớ, đẹp lạ lùng:

em nhặt những mảnh nhớ cũ

ghép lành một bức tranh

nhờ nhờ những hình nhân ẩn hiện

lạ lạ

quen quen

…(nhặt mảnh nhớ, tr 23)

      Nỗi nhớ ứ nghẹn, không kêu gào, bởi anh là bóng mây mùa hạ, là làn gió heo may mùa thu, tất cả chỉ là kỉ niệm hư ảo , anh đi rồi và “Em tập quên” :

em gấp lại

mây mùa cũ

nhưng hạt mưa nức nở thu

sợi khói trắng từ que diêm cháy vội

từng kí tự quen trên bàn phím

tập quên…

( Em tập quên, tr 25)

    Tập quên mà phải nhớ, có lẽ từng đêm nhà thơ thao thức, thao thức nhớ quên, thao thức cho những vần thơ nhảy múa hiện hình trên bàn phím vô cảm:

Em gõ những kí tự vô hồn

Bay lên thượng tầng khí quyển

Đám mây co ro bạc thếch

Ngón tay rủ buồn lang thang…

(Giấc hồ nghi, tr 32)

      Và nhà thơ chỉ còn biết ru mình, ru hời kỉ niệm mù xa, thả chút bâng khuâng nhung nhớ vào nơi nào xa thẳm:

ngủ yên nhé những xa xăm xưa cũ

cháy mong manh tơ kí ức dịu dàng

thả nỗi nhớ cho mây chiều phiêu dạt

em ru mình trong một nửa lời ru…

(Một nửa lời ru, tr 39)

       Thơ của VTH cũng gây nhiều ấn tượng trong tôi với phong cách sáng tác mới. Ranh giới giữa hiện thực và siêu thực khá mong manh, giữa hiện đại và hậu hiện đại cũng thật mơ hồ, hình như nhà thơ đứng ở điểm trung gian, khi bước những bước lạ lẫm trong lập trình ngôn ngữ thơ:

vọng tiếng cười lập thể

khói loang từ giấc mơ khét cháy

trắng vô chiều kiên định

mây lặng lẽ

bay…

 (Khúc lặng lẽ, tr 37)

       Cho đến khi viết những dòng cảm nhận từ trái tim mình, chưa có cơ hội gặp gỡ nhà thơ nên tôi cũng không có tham vọng giới thiệu chân dung một nhà thơ nhà văn đã có tiếng tăm vang xa này. Rất nhiều bài báo, bài viết của anh chị em văn nghệ sĩ BR –VT và trong cả nước gần gủi nhà thơ được đăng tải thường xuyên. Tập thơ LCHĐQ, một tặng phẩm quý giá cho một người yêu thơ, với những vần thơ hiện đại khiến trái tim tôi rung cảm, cũng như VTH rung cảm khi viết nên tác phẩm.

       Chúc VTH vững vàng trên hành trình văn chương của mình. Tôi tin nhà thơ sẽ có những bước tiến dài trong tương lai.

 

            Bà Rịa, ngày 22/10/2020

              

 

 

 

Nguyên Bình BRVT
Số lần đọc: 735
Ngày đăng: 12.05.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Tình khúc” của Nguyễn Đức Tùng: một cánh cửa mở? - Trần Hạ Vi
Tô Thùy Yên, ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới - Nguyễn Đức Tùng
Gợi mở một triết học phồn sinh - Hồ Bá Thâm
Tái sinh – Biển vẫn hát cùng anh - Hoàng Thị Thu Thủy
Nén Tâm Hương Cảm Cựu, thương tiếc nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Hoàng Thị Bích Hà
Nguyễn Xuân Sanh – một trong những nhà thơ tượng trưng tiêu biểu của phong trào thơ mới - Chế Diễm Trâm
Trần Mộng Tú, mình em một ngôn ngữ - Nguyễn Đức Tùng
Cảm nhận bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” - Yến Nhi
Nguyễn An Bình – một đời nặng nợ với văn chương - Hoàng Thị Bích Hà
Ấn tượng với bộ phim “Bố già” của Trấn Thành - Hoàng Thị Bích Hà