Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.209.109
|
|
|
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 13)
Lê Ký Thương
|
|
|
|
Lê Ký Thương dịch từ bản tiếng Anh:
A PERSONAL MATTER của John Nathan
NXB CHARLESE - TUTTLE COMPANY JAPAN -1994
|
|
|
13
Để chiếc xe thể thao ở gara, họ bắt taxi đến quán rượu đồng tình luyến ái mà Himiko biết. Họ kiệt sức, quá mức thèm một giấc ngủ, nhưng miệng họ khô khốc với một sự kích thích thầm kín làm cho họ không thoái mái khi phải quay về căn nhà u ám đó.
Họ cho taxi dừng trước chiếc đèn lồng mô phỏng vụng về, thắp bằng hơi đốt, mang dòng chữ KIKUHIKO màu xanh da trời được viết trên một quả cầu bằng kính, Điểu đẩy cánh cửa ván ghép đơn giản và bước vào căn phòng vừa thô lậu vừa chật hẹp giống như trại nuôi thú, chỉ có một quầy rượu thấp và dựa vào bức tường đối diện là hai dãy ghế lưng cao trông thật kỳ dị. Quán rượu vắng khách, ngoại trừ một người đàn ông nhỏ con đang đứng trong góc xa phía sau quầy, lúc này đang đối đầu với hai kẻ đột nhập. Đó là một con người thật tròn trịa, có cặp môi giống như môi cô gái trẻ và đôi mắt cừu u ám đang quan sát họ một cách cảnh giác, nhưng không có vẻ gì là chống đối. Điểu đứng ngay bên cánh cửa nhìn trả lại. Dần dần ký ức về người bạn trẻ Kikuhiko hiện về qua nụ cười mơ hồ nở ra trên gương mặt người đàn ông.
“Thật không tin nổi, Himiko đấy à, xem kìa!”. Người đàn ông mím môi nói, mắt vẫn nhìn Điểu. “Tôi biết anh này, lâu lắm rồi, nhưng có phải người ta thường gọi anh ta là Điểu không?”.
“Có lẽ chúng ta hãy ngồi xuống đã”, Himiko nói. Nàng tỏ vẻ như sắp khám phá một trong khí căng thẳng của vở bi kịch tái hợp này. Chẳng phải chuyện Kikuhiko đang gợi nên những cảm xúc sâu sắc nơi Điểu. Anh đã quá đỗi mệt mỏi và buồn ngủ: anh cảm thấy như đinh đóng cột rằng không có điều gì trên cõi đời này lại có thể làm cho anh sinh động được. Điểu nhận ra mình ngồi cách xa Himiko một khoảng ngắn.
“Giờ thì người ta gọi anh này là gì hả Himiko?”.
“Điểu”.
“Cô không định nói thế chứ? Vẫn còn tên Điểu à? Đã bảy năm rồi”, Kikuhiko đi về phía Điểu. “Anh uống gì, anh Điểu?”
“Làm ơn cho whisky. Không pha”.
“Còn Himiko?”
“Tôi cũng thế”.
“Cả hai người trông có vẻ mệt mỏi quá mà đêm vẫn còn quá sớm!”.
“Chẳng có vấn đề tình dục ở đây đâu - chúng tôi mới mất nửa ngày lái xe chạy loanh quanh”.
Điểu với tay cầm lấy ly whisky vừa được rót cho anh và cảm thấy ngực như thắt lại, anh ngần ngừ. Kikuhiko –hắn chưa thể quá 22 tuổi mà trông già hơn mình nhiều, mặt khác, hắn có vẻ như còn giữ lại nhiều nét ở độ tuổi 15 – trông giống như một con vật lưỡng cư ở hai độ tuổi khác nhau.
Kikuhiko cũng uống whisky không pha. Hắn rót thêm một ly cho mình và rót cho Himiko một ly sau khi nàng đã uống một hơi cạn ly rượu đầu tiên. Điểu nhận ra mình đang nhìn Kikuhiko và Kikuhiko liếc nhìn lại anh, những sợi gân trên cơ thể hắn cong như lưng của một con mèo đang hù chuột. Cuối cùng hắn quay thẳng về phía Điểu và nói: “Anh Điểu, anh còn nhớ tôi không?”
“Dĩ nhiên là còn “, Điểu trả lời. Thật lạ lùng, anh cảm thấy như mình đang nói chuyện với ông chủ một quán rượu đồng tính luyến ái (đây là lần đầu tiên của anh) hơn là một người bạn đã lâu ngày không gặp.
“Nhiều năm rồi phải không anh Điểu. Kể từ ngày chúng ta qua thị trấn kế bên và thấy một anh lính G.I. bị bắt bắn nát nửa khuôn mặt dưới khi đang nhìn ra ngoài cửa sổ xe lửa”.
“Chuyện anh lính G.I. đó như thế?”. Himiko hỏi. Kikuhiko kể cho nàng nghe, mắt trơ tráo nhìn Điểu.
“Lúc ấy thời kỳ chiến tranh Triều Tiên và những tên lính kỳ dị ấy bị thương đầy dẫy trên chiến trường được đưa lên tàu để trở lại các căn cứ trên đất Nhật. Những chiếc xe lửa chất đầy thương binh và một hôm chúng tôi trông thấy họ. Anh Điểu, anh có nghĩ rằng lúc nào họ cũng đi ngang qua khu vực của chúng ta không?”.
“Không phải lúc nào cũng đi”.
“Người ta thường kể chuyện những người buôn bán nô lệ đã bắt nam sinh Nhật Bản và bán họ làm lính chiến, rồi có những lời đồn đại rằng chính phủ sẽ đưa chúng ta xuống tàu qua Triều Tiên – lúc ấy, tôi sợ kinh khủng”.
Dĩ nhiên! Kikuhiko đã sợ khiếp vía. Vào cái đêm họ cãi nhau và chia tay, hắn đã kêu lên: “Anh Điểu ơi, tôi sợ lắm!”. Điểu nghĩ đến đứa con của mình và cho rằng chẳng có gì phải sợ. Anh cảm thấy nguôi ngoai, một sự nguôi ngoai đáng ngờ, dễ tan vỡ. “Chắc chắn những lời đồn đại kia là phi lý”, anh nói, cổ đổi hướng suy nghĩ của mình khỏi đứa bé.
“Anh nói thế, chứ riêng tôi đã làm mọi cách vì những lời đồn đại ấy. Anh Điểu, tôi nhớ lại rồi. Anh có gặp rắc rối nào khi bắt được thằng cha điên khùng mà chúng ta tìm kiếm đó không?”.
“Hắn đã chết khi tôi tìm ra hắn, hắn tự treo cổ trên đồi Castle. Tôi đã vội vàng mà không được gì”. Nỗi ân hận cũ quay về với mùi vị chua chát trên đầu lưỡi Điểu. “Chúng tôi tìm thấy hắn vào lúc hừng đông, lũ chó và tôi. Chúng ta đang nhắc đến một điều vô nghĩa!”.
“Tôi không muốn nói điều đó. Anh tiếp tục săn đuổi cho đến sáng, còn tôi thì bỏ cuộc và chạy trốn giữa đêm. Kể từ hôm đó, cuộc sống của hai chúng ta hoàn toàn khác nhau. Anh không còn giao thiệp với tôi và hạng người như tôi, anh vào đại học ở Tokyo, phải không? Còn tôi thì rớt đài kể từ cái đêm hôm ấy và bây giờ hãy nhìn tôi xem nào – chẳng có tí gì là đẹp đẽ, thoải mái trong cái quán rượu nhỏ như chuồng chim này. Anh Điểu à, nếu như đêm hôm ấy anh không… tiếp tục đi một mình, có lẽ hôm nay tôi đã là người có nếp sống khác hẳn”.
“Nếu anh Điểu không bỏ rơi anh đêm hôm ấy thì anh sẽ không trở thành một kẻ đồng tính luyến ái chứ gì?”. Himiko hỏi một cách cay độc.
Điểu bối rối phải nhìn đi nơi khác.
“Kẻ đồng tính luyến ái là kẻ tự chọn yêu một người cùng giới: và tôi đã tự quyết định như thế. Vì thế trách nhiệm là do chính tôi cả”. Giọng của Kikuhiko thật trầm tĩnh.
“Chắc là anh có đọc thuyết hiện sinh”, Himiko nói.
“Khi điều hành một quán rượu dành cho giới đồng dâm nam, anh cần phải biết mọi chuyện!”. Như đụng phải máu nghề nghiệp, Kikuhiko thuyết một tràng. Sau đó anh ta quay sang Điểu nói với giọng bình thường, “Tôi chắc là trong thời gian tôi vấp ngã thì anh vươn tới đỉnh cao. Bây giờ anh làm gì anh Điểu?”.
“Tôi đang dạy ở một trường luyện thi, nhưng hóa ra là bị sa thải vào kỳ hè này, tôi làm sao mà “vươn tới đỉnh cao” được”. Điểu nói: “Và không phải chỉ có thế, hết chuyện xui xẻo này đến chuyện khác”.
“Giờ tôi mới nghe anh nói như thế. Một anh chàng Điểu ở tuổi 20 mà tôi biết không bao giờ là một kẻ bi quan ủ rũ như thế này. Dường như có điều gì đó làm anh khiếp sợ và anh đang cố chạy trốn nó”. Trước mắt Điểu là một Kikuhiko sắc sảo, tinh tế, không phải là một chàng trai chân chất như Điểu từng biết: cuộc đời tréo ngoe và sa sút của bạn anh hẳn không dễ dàng hay bằng phẳng.
“Cậu nói đúng đấy”, Điểu thú nhận: “Tôi đã kiệt sức rồi. Tôi sợ. Tôi đang chạy trốn”.
“Khi anh ấy ở tuổi 20, anh ấy không biết sợ là gì, tôi chưa hề thấy anh ấy sợ bất cứ điều gì”, Kikuhiko nói với Himiko. Rồi anh ta quay sang Điểu tấn công tiếp: “Nhưng tối nay trông anh có vẻ hoảng hốt quá mức, giống như anh sợ đến nỗi không còn biết đầu mình nằm ở đâu nữa!”.
“Tôi không còn ở tuổi 20 nữa”, Điểu nói.
Gương mặt Kikuhiko đanh lại với vẻ xa lạ lạnh lùng. “Một con ngựa cái già nua không còn biết mình dùng để làm gì”, anh ta lên tiếng rồi đột ngột nhìn về phía Himiko.
Một phút sau, cả hai người chơi trò súc sắc để cho Điểu được yên thân. Đã nguôi ngoai, anh nâng ly rượu lên. Sau một khoảng cách 7 năm không gặp, chỉ cần 7 phút trò chuyện để anh và bạn anh hiểu rõ nhau. Tôi không còn 20 tuổi nữa. Và tất cả những gì tôi có được ở tuổi 20 chỉ còn lại điều duy nhất mà tôi không đánh mất là cái tên cúng cơm thời thơ ấu - Điểu nốc cạn ly whisky đầu tiên sau một ngày dài dằng dặc. Trong giây lát, một cái gì đó giống như cơn bão ngầm chầm chậm dấy lên trong lòng anh. Ly whisky mà anh vừa nốc cạn đã nôn hết ra ngoài mà không kềm chế được. Kikuhiko nhanh tay chùi sạch quầy rượu và mang ra một ly nước, Điểu chỉ nhìn xa vắng vào khoảng không. Anh cố chống chọi khỏi bóng ma thằng bé làm gì để đến nỗi phải bỏ chạy thục mạng và vô liêm sỉ đến thế? Có cái gì trong anh mà anh phải điên cuồng tự vệ đến thế? Câu trả lời là sự khiếp sợ - chẳng có gì cả! Một con số 0!
Điểu trượt khỏi chiếc ghế cũ kỹ và từ từ thả chân xuống sàn. Anh nói với Himiko đang nhìn mình với đôi mắt lờ đờ, uể oải vì mệt nhọc và hơi men: “Anh đã quyết định mang thằng bé về lại bệnh viện trường Đại học để cho họ mổ. Anh không còn muốn tìm bất cứ lối thoát nào nữa”.
“Anh đang nói gì thế?” Himiko ngờ vực hỏi.
“Anh Điểu, chuyện gì xảy ra với anh thế! Giờ đây anh lại nói đến chuyện mổ ư?”.
“Từ cái buổi sáng con anh ra đời, anh chỉ có chạy trốn”, Điểu nói rành mạch.
“Nhưng ngay giờ phút này có khi con anh đã chết rồi, chết vì bàn tay của anh và của em. Anh gọi cuôc trốn chạy đó thế nào? Ngoài ra chúng ta sẽ đi châu Phi với nhau!”.
“Anh đã bỏ đứa bé lại cho viên bác sĩ phá thai và trốn chạy đến đây”, Điểu khăng khăng nói: “Lúc nào anh cũng chạy, chạy và chạy miết. Anh hình dung ra châu Phi như vùng đất cuối cùng của cuộc chạy trốn, điểm cuối cùng, nơi tận cùng – Em biết đấy, em cũng đang trốn chạy. Em chỉ là một cô gái mua vui khác đang bỏ trốn với một tên biển thủ”.
“Không, anh Điểu. Em đang tham gia vào, nhúng bẩn tay em cùng với tay anh. Anh không nói em đang chạy trốn đó sao!” Himiko điên cuồng la toáng lên:
“Em còn nhớ hôm nay em thà lái chiếc xe vào ổ gà còn hơn là cán lên xác con chim sẻ không? Có phải đó là điều người ta làm ngay trước lúc cắt cổ một đứa bé không?’.
Khuôn mặt to lớn của Himiko đỏ bừng lên rồi sạm lại vì giận dữ và mang một linh cảm thất vọng. Nàng trừng trừng nhìn Điểu, run lên vì bực tức: nàng đang cố tìm lời trách móc Điểu nhưng vô vọng.
“Nếu anh muốn đối đầu với đứa con kỳ dị này một cách trung thực thay vì chạy trốn, anh chỉ có hai điều để lựa chọn: anh có thể bóp cổ thằng bé đến chết hoặc anh có thể chấp nhận và nuôi dưỡng nó. Ngay từ lúc ban đầu anh đã hiểu như thế, nhưng anh không đủ can đảm để chấp nhận…”.
“Nhưng anh Điểu”, Himiko cắt ngang, vung vẫy các ngón tay một cách đe dọa, “thằng bé đang yếu vì viêm phổi mà! Nếu giờ này anh cố mang nó về lại bệnh viện, nó sẽ chết trên xe đấy. Rồi thì anh sẽ ở đâu? Họ bắt anh vào tù là cái chắc!”.
“Nếu điều ấy xảy ra có nghĩa là chính tay anh đã giết nó. Và anh chấp nhận bất cứ điều gì anh làm. Anh nghĩ là anh có thể nhận trách nhiệm”.
Điểu nói một cách bình tĩnh. Anh có cảm tưởng như giờ đây mình đang tránh khỏi cái bẫy sập cuối cùng của sự tự lừa dối và đang phục hồi lại lòng tự tin.
Himiko nghẹn ngào trước mắt, trân trân nhìn Điểu. Dường như nàng đang tìm một lối tấn công tâm lý mới và cuối cùng khi tìm ra chiến lược, nàng vội nhảy vào: “Cứ cho rằng để cho họ mổ và cứu sống thằng bé, nhưng rồi sau đó thì sao anh Điểu? Chính anh nói với em rằng con anh sẽ không bao giờ thoát khỏi đời sống thực vật mà! Anh không thấy sao, điều đó không phải chỉ tạo ra sự đáng thương cho chính bản thân anh, mà anh còn phải nuôi dưỡng một đời sống hoàn toàn không có nghĩa gì với thế giới này! Anh có nghĩ đó chính là lợi ích của thằng bé không, anh Điểu?”.
“Đó là vì lợi ích của chính anh. Vì như thế anh mới có thể không còn là một kẻ luôn luôn chạy trốn”. Điểu nói.
Nhưng Himiko vẫn không chịu hiểu. Nàng nhìn Điểu một cách nghi ngờ, vẫn đầy vẻ thách thức, nàng cố mỉm cười dù nước mắt dâng trào và nói với vẻ chế giễu: “Vậy là anh sắp nuôi sống một đứa bé chỉ có đời sống thực vật – Anh Điểu này! Có phải đó là một phần chủ nghĩa nhân đạo mới của anh đó không?”.
“Tất cả điều anh muốn là thôi không làm kẻ tiếp tục chạy trốn trách nhiệm”.
“Nhưng… anh Điểu…” Himiko nức nở, “còn lời hứa chúng ta cùng đi châu Phi thì sao? Lời hứa của chúng ta thì sao?”
“Lạy Chúa, Himiko, bình tĩnh lại đi! Một khi Điểu đã bắt đầu tự vấn, anh ấy sẽ không nghe cô nói dù cô có khóc to cách mấy đi nữa”.
Điểu thấy có cái vẻ gì giống như ánh sáng của lòng căm thù trong đôi mắt mờ đục của Kikuhiko. Nhưng mệnh lệnh của người bạn cũ của anh đối với Himiko là tín hiệu mà nàng đang chờ đợi: một lần nữa nàng lại trở thành một Himiko đã từng chào đón Điểu nhiều ngày trước, khi anh rủ rục trước cửa nhà nàng với chai Johnny Walker, một cô gái không còn trẻ, vô cùng nhân hậu: một Himiko dịu dàng, điềm tĩnh.
“Thôi được, anh Điểu. Anh không cần phải nói nữa. Dù sao em cũng sẽ bán nhà và tài sản để đi châu Phi. Em sẽ mang theo chàng trai đã ăn cắp bánh xe làm bạn đồng hành. Bây giờ nghĩ lại, em thấy mình cũng có phần quá quắt đối với hắn”. Mặt vẫn đầm đìa nước mắt, nhưng rõ ràng là Himiko đã vượt qua được cơn kích động.
“Cô Himiko sẽ ổn ngay thôi”. Kikuhiko nhắc khéo.
“Cám ơn”, Điểu nói ngắn gọn, không phải với một mà với cả hai người.
“Anh Điểu, anh sẽ phải chịu nhiều đau khổ đấy”, Himiko nói như để động viên. “Tạm biệt anh, anh Điểu. Hãy bảo trọng!”.
Điểu gật đầu rời khỏi quán rượu.
Chiếc taxi lao xuống những con đường ướt át với một tốc độ khủng khiếp. Nếu lúc này tôi chết vì tai nạn trước khi cứu kịp đứa con, toàn bộ 27 năm trong cuộc đời tôi sẽ hoàn toàn trở thành vô nghĩa. Một cảm giác sợ hãi sâu xa hơn bất cứ nỗi sợ hãi nào mà Điểu từng có bỗng xâm chiếm trọn người anh.
Trời cuối thu. Lúc Điểu bước bước cầu thang sau khi chào tạm biệt viên bác sĩ phẫu thuật, cha mẹ vợ mỉm cười đón anh trước khu chăm sóc đặc biệt, vợ anh đứng giữa tay bồng con.
“Chúc mừng anh, Điểu”, cha vợ anh nói. “Anh trông kìa, nó giống anh đó chứ”.
“Dạ, có vẻ thế”. Điểu dè dặt nói. Một tuần sau khi mổ, đứa bé có vẻ gần như bình thường, tuần tiếp theo nó bắt đầu trông giống Điểu. “Vết mổ trong sọ thằng bé chỉ ngắn vài milimét và bây giờ nó đang liền lại. Con sẽ chỉ cho ba xem khi về đến nhà, con đã mượn phim X quang. May là não không thò ra ngoài hộp sọ, vì thế đó không phải là chứng thoát vị não mà chỉ là một khối u lành tính. Có hai cục bướu cứng, trắng như quả bong bàn nằm trong khối u được cắt bỏ”.
“Gia đình anh thế là may mắn lắm”. Vị giáo sư nói chen vào những lời nói thao tháo bất tuyệt của Điểu.
“Anh Điểu đã cho quá nhiều máu để truyền cho cháu trong suốt thời gian giải phẫu, trông anh xanh xao như một công chúa sau khi hò hẹn với Dracula”. Bà mẹ vợ đang phấn khởi của Điểu nói với giọng khôi hài hiếm thấy: “Nghiêm túc mà nói, Điểu ạ, con đã can đảm và dai sức như một con sư tử trẻ đấy”.
Sợ hãi vì sự thay đổi môi trường đột ngột, đứa bé nằm co quắp không động đậy, dò xét những người lớn bằng cặp mắt hầu như vẫn chưa biết nhìn. Vì hai người đàn bà cứ dừng bước để âu yếm thằng bé, Điểu và vị giáo sư vừa đi vừa trò chuyện đã dần dần bỏ xa họ.
“Lần này anh mới thực sự đối đầu với vấn đề của anh đấy nhé”. Vị giáo sư nói.
“Thực ra, con đã cố trốn chạy. Và hầu như con sắp thoát. Nhưng hình như thực tại buộc người ta phải sống cho đúng mực khi ở trong một thế giới thực. Con muốn nói, dù người ta có bị mắc vào cái bẫy tự lừa dối mình, thì ở đâu đó người ta vẫn tìm thấy rằng sự chọn lựa duy nhất là tránh nó”. Điểu ngạc nhiên về sự hằn học câm lặng trong giọng nói của anh. “Dù sao, đó cũng là điều con đã tìm thấy”.
“Nhưng cũng có thể sống trong cuộc đời thực bằng cách hoàn toàn khác hẳn. Có những kẻ nhảy cóc từ sự lừa dối này qua sự lừa dối khác cho đến khi nhắm mắt lìa đời”.
Qua cặp mắt nửa nhắm nửa mở, Điểu hình dung lại chiếc tàu hàng nhổ neo đi Zanzibar cách đây vài hôm mang theo Himiko. Anh tưởng tượng mình đã giết chết thằng bé, đứng vào chỗ chàng thanh niên kia bên cạnh nàng. Một viễn cảnh đầy cám dỗ của quỉ sứ. Và có lẽ một thực tại như thế đang xuất hiện trong một thế giới khác của Himiko. Điểu mở mắt, quay về với những vấn đề của thế giới mà anh đã lựa chọn ở lại. “Có khả năng là đứa bé phát triển bình thường”, anh nói “những mối nguy hiểm khác là nó có thể lớn lên với một chỉ số thông minh rất thấp. Điều đó có nghĩa là con phải dành dụn tiền bạc tối đa cho tương lai của nó cũng như của chúng con. Tuy nhiên con không yêu cầu ba giúp con tìm một việc làm khác đâu, nhất là sau khi con đã ói mửa một trận như thế. Con đã quyết định quên nghề dạy học, con đang muốn trở thành một hướng dẫn viên du lịch cho người nước ngoài. Con luôn mơ được đến châu Phi và thuê một hướng dẫn viên người bản xứ, vì vậy con ôm ấp mộng tưởng: con sẽ là hướng dẫn viên bản xứ cho những khách ngoại quốc đến Nhật”.
Vị giáo sự định trả lời một câu gì đó khi cả hai cùng nép sang một bên để cho một chàng trai tay bị băng bó đang đi vội xuống hành lang với đám bạn theo sau lưng. Bọn thanh niên đi lướt qua, không hề biết đến Điểu và cha vợ anh đứng đó. Cả bọn đều mặc áo jacket nhớp nhúa, bạc màu và có vẻ quá mỏng manh so với thời tiết lạnh buốt của mùa thu, Điểu thấy những con rồng thêu trên lưng áo họ và nhận ra đây là đám thanh niên mà anh đối đầu vào cái đêm đầu mùa hạ khi con anh chào đời.
“Con biết bọn này, nhưng vì một lý do nào đó chúng không để ý đến con”. Anh nói.
“Chỉ trong một vài tuần, anh hầu như đã trở thành một con người hoàn toàn khác hẳn, có thể vì thế mà chúng không nhận ra anh”.
“Ba nghĩ thế à?”
“Anh đã thay đổi”. Giọng của vị giáo sư ấm áp với một tình cảm thân thuộc. “Cái tên cúng cơm Điểu hồi nhỏ của anh không còn thích hợp với anh nữa rồi”.
Điểu chờ hai người đàn bà bắt kịp và cúi nhìn đứa con trai đang nằm trong vòng tay đưa nôi của người mẹ. Anh muốn thử soi mặt mình vào đôi đồng tử của đứa bé. Cái gương trong đôi mắt của thằng bé là tấm gương soi màu xám trong veo và sâu thẳm, phản chiếu một hình ảnh, nhưng là một hình ảnh quá đẹp đến nỗi Điểu không thể tin chắc được đó lại là gương mặt mới của mình. Khi về đến nhà, anh liền nhìn vào gương soi. Sau đó anh lấy quyển tự điển Balkan mà ông Delchef đã tặng anh trước khi tòa công sứ đưa ông ta lên tàu về nước. Trên mặt bìa trong, ông Delchef đã viết một từ có nghĩa là hy vọng. Điểu định tra từ sự chịu đựng.
HẾT
|
Lê Ký Thương
|
Số lần đọc: 790
Ngày đăng: 13.05.2021
[ Trở lại ]
[ Tiếp ]
|
|
|
|
|
|