Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.222.488
 
Mịch Quang – một bậc Quốc sĩ của nghệ thuật dân tộc
Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Trong hội thảo khoa học quốc gia về tác giả tuồng kiệt xuất Nguyễn Diêu tại thành phố Quy Nhơn đầu năm 2012, có một nhà nghiên cứu cao niên vốn quen thuộc trong giới sân khấu và nghệ thuật dân tộc đã lên trình bày một cách sôi nổi bản tham luận đầy tâm huyết của mình. Đó là Mịch Quang- người từng được các đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò suốt mấy chục năm qua trân trọng mệnh danh là "Lão tướng tuồng",“Cây đại thụ của sân khấu dân tộc”, “Học giả hàng đầu của nghệ thuật học dân tộc"... Ông lại thêm một lần khiến mọi người ngạc nhiên và kính phục trước nhiệt huyết và tinh thần khoa học của mình, khi say sưa góp vào công cuộc khôi phục lại vị trí đích thực từng bị lãng quên suốt thời gian dài của một tác giả tuồng lớn- người thầy của Đào Tấn vĩ đại. Lúc này ông đã bước qua tuổi 95!

 

Tôi đã được theo chân tác giả Mịch Quang trở lại quê hương Bình Định, tới thăm làng Tuy Phước - nơi đã từng nuôi dưỡng nhà viết tuồng Nguyễn Diêu Tại đó, ông như được sống lại với tuổi thơ của mình- hơn thế, được sống với cội nguồn của tình yêu đối với nghệ thuật hát bội, cái nghệ thuật kỳ lạ chứa đựng thân phận của dân tộc mà ông đã gắn bó, đã cống hiến gần hết cuộc đời cho nó...

 

Chính ông là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu và phát huy di sản danh nhân Đào Tấn, trong khi người ta cố lãng quên một nhân vật khổng lồ trong ngành tuồng và văn học dân tộc, với lý do: đó là một ông quan tổng đốc, một thượng thư triều nhà Nguyễn!

 

Chưa bao giờ được ra nước ngoài, được tới thăm những đại học danh tiếng quốc tế, nhưng Mịch Quang vẫn tìm cách tiếp cận được những lý thuyết cùng những thành tựu khoa học hiện đại. Từ giữa những năm 1960, bên cạnh việc thọ giáo Kinh dịch hết sức nghiêm túc với thầy Cao Xuân Huy, Mịch Quang còn tìm đọc nhiều sách về toán học, vật lý học, sinh học, điều khiển học... Chắc chắn rằng, đó là khi ông nhận thấy nhiều vấn đề của nghệ thuật cần phải được soi sáng bằng triết học và khoa học tự nhiên. Ông được tiếp xúc hàng ngày với các nghệ sĩ hàng đầu của nghệ thuật dân tộc như Nguyễn Nho Túy, Ngô Thị Liễu, Phạm Chương, Trùm Thịnh, Năm Ngũ, Cả Tam… Rồi những cuộc đàm đạo thường xuyên với GSVS Hoàng Trinh, nhạc sĩ Lê Yên, nhà viết kịch Học Phi, các nhà hoạt động chèo Tào Mạt, Trần Bảng, các nhà hoạt động cải lương Lưu Chi Lăng, Phạm Ngọc Truyền, các GSTS Trần Văn Khê, Nguyễn Thuyết Phong từ nước ngoài về… Ông có thụ cảm sâu sắc với âm nhạc của Dvorac, Debusy, Nguyễn Thiện Đạo, với hội hoạ-điêu khắc của Phạm Tăng, Lê Bá Đảng, với sân khấu Nô, Kabuki Nhật Bản... Kiến thức sâu rộng tích luỹ không ngừng từ thực tế đời sống nghệ thuật nước nhà, từ nhiều bộ môn khoa học, cùng với ưu thế về một tư duy lý luận sắc sảo, một đầu óc độc lập luôn phát hiện cái mới đã giúp Mịch Quang hoàn thành những công trình đầy khó khăn thách thức, không ngần ngại đi vào những trung tâm bão tố của nghệ thuật học truyền thống để có những tổng kết, lý giải khoa học đầy sức thuyết phục.

 

Năm 1963, Mịch Quang đã cho xuất bản công trình “Tìm hiểu nghệ thuật tuồng” - công trình nghiên cứu lý luận đầu tiên về sân khấu dân tộc gây tiếng vang lớn. Trong công trình này, Mịch Quang đã bác bỏ truyền thuyết Lý Nguyên Cát dạy tuồng cho nhân dân ta, lần đầu tiên tổng kết nhiều đặc trưng thể loại của tuồng cả trên phương diện kịch học và sân khấu học, và cũng lần đầu tiên những phát hiện của Mịch Quang về sự hài hoà giữa tự sự, kịch tính, trữ tình và phương pháp hiện thực tả ý được coi là những chìa khoá hết sức quý báu để đi sâu tìm hiểu những chân giá trị của nghệ thuật tuồng cũng như sân khấu dân tộc. Ở Pháp, GS Trần Văn Khê, ở miền Bắc, nhạc sĩ Lê Yên, ở miền Nam tạm chiếm, các ông Nguyễn Văn Trung, Phạm Duy đều đã đọc và có trích dẫn cuốn sách đó của Mịch Quang... Tiếp tục sự nghiệp này, năm 1988, ông viết cuốn “Đặc trưng nghệ thuật tuồng”, với những luận điểm sâu rộng hơn. Năm 1995 cuốn “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc” ra đời, Mịch Quang đã đi vào những vấn đề hóc búa rất quan trọng của Kịch hát dân tộc, đó là những vấn đề về âm nhạc. Đặc biệt ông đã mở rộng tầm quan sát, tìm hiểu sang cả cải lương, bài chòi, chèo... Và ông không chỉ dừng lại ở lĩnh vực sân khấu... Đầu năm 2000, ông cho xuất bản công trình “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống”. Đây là một bước đột phá nhiều ý nghĩa của Mịch Quang, khi giới nghiên cứu bắt đầu tìm ra cơ sở triết học hình thành nên những đặc tính thẩm mỹ độc đáo của nghệ thuật truyền thống dân tộc. Đến công trình “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”, ông lại bước đầu nêu ra những phạm trù riêng biệt của Mỹ học dân tộc mà mỹ học phương Tây chưa có: đó là phạm trù cái hùng, cái nhu và cái hậu. Cho đến nay, nhiều phát hiện và tổng kết về nghệ thuật truyền thống dân tộc của Mịch Quang đã trở thành tài sản chung của giới nghệ thuật học dân tộc như “hiện thực tả ý”, phương pháp mô hình hoá”, “sân khấu tổng thể tích hợp” “tự sự kịch kính trữ tình”, “cấu trúc động mở”…

 

Sống gần tròn một thế kỷ, Mịch Quang sống ngay thẳng giản dị, lấy chữ tâm làm trọng, không màng danh lợi, lặng lẽ, bền bĩ làm việc một cách kiên định. Đã có lúc ông mang tiếng là "bảo thủ", "cực đoan", "dân tộc hẹp hòi" trong giới nghệ thuật học, vì hay chỉ trích những hiện t­ượng xu thời, lai căng, mất gốc. Như­ng rồi, ngư­ời ta hiểu ra hầu hết những ý kiến thẳng thắn cương trực của ông là rất có lý, có tình. Mùa hè 1999, sau khi đọc công trình "Âm nhạc và kịch hát truyền thống" do Mịch Quang gửi tặng, từ duyên hải Đại Tây Dư­ơng, GSTS Trần Văn Khê đã gửi về Nha Trang những dòng thư­ xúc động: "Tôi vô cùng tâm đắc với nhiều điểm anh nêu ra, với thái độ quý trọng cổ mà không "nệ cổ" mở rộng tầm hiểu biết để tiếp thu cái hay bên ngoài mà không "vọng ngoại", th­ương anh đơn th­ương độc mã giữa rất đông L­ương Đăng hiện đại. Trong tình trạng hiếm sách báo bên ngoài mà anh làm nhiều việc, viết nhiều câu đến nỗi tôi không cầm đ­ược nước mắt khi đọc..." Và GS Trần Văn Khê gửi Mịch Quang những câu thơ tràn đầy yêu mến tin tư­ởng, trong đó có câu: Vọng ngoại, mình chê, nhiều kẻ ghét/ Vốn nhà, ta giữ, lắm ng­ười thương...

 

Những phát hiện, khám phá do sự kiên trì và công phu nghiên cứu của Mịch Quang đã được các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc có uy tín tâm đắc vận dụng và phát triển. Nhạc sĩ Lê Yên, người luôn coi ông là "người bạn thân thiết nhất", đã tâm đắc xử dụng các nghiên cứu của ông cho công trình quan trọng: "Âm nhạc trong tuồng". PGS Tất Thắng coi Mịch Quang là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên làm nền móng cho ngôi nhà nghệ thuật học dân tộc. GS. NSND Trần Bảng đã nhận xét khi đọc "Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống": "Những ai từng đọc Kinh Dịch sẽ không khỏi bất ngờ trư­ớc một số lý giải riêng biệt và mới lạ của tác giả về kinh điển".  GSVS Hồ Sĩ Vịnh thì gọi Mịch Quang là “nhà khoa học thực tài”, và xếp ông thuộc nhóm các nhà khoa học mà: "Công trình của họ ở dạng bề sâu, nhiều vấn đề lý luận đư­ợc đề xuất, nhiều tổng kết học thuyết có giá trị". GSTS Terry Miller, nhà dân tộc nhạc học người Mỹ gọi các bài viết của Mịch Quang là những bài viết "rất khai phóng trí tuệ"... Công trình: “Cấu trúc Động - Mở trong âm nhạc truyền thống Việt Nam”, một khám phá có tính chất khai sáng về một đặc trưng nổi bật của âm nhạc VN như nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước ca ngợi- đã đ­ược đưa vào giáo trình giảng dạy tại Hoa Kỳ và nhiều tr­ường đại học trên thế giới. GSTS Nguyễn Thuyết Phong, nhà dân tộc nhạc học nổi tiếng được tặng danh hiệu “Di sản quốc gia” Hoa Kỳ đánh giá: “Tôi hết sức ấn t­ượng về ông ở nhiều nhận định và nghiên cứu đáng quí, ngoài phong cách sống đẹp và trí thức. Tôi tâm đắc với phát hiện “Cấu trúc động” mà ông nhìn thấy  đư­ợc trong toàn bộ âm nhạc VN. Đây là một nhận định chính xác, mỹ cảm và khoa học... một trong những thành tựu nghiên cứu có tầm cỡ đáng quí nhất ở VN, bắt kịp với trào l­ưu dân tộc nhạc học trên thế giới...." Còn Gs Trần Văn Khê đã nói về lý thuyết cấu trúc động – mở của ông: "Lý thuyết này không chỉ đã nói rất đúng cái đặc sắc uyển chuyển của âm nhạc truyền thống Việt Nam, mà còn cho thấy âm nhạc truyền thống Việt Nam, phương Đông và âm nhạc Phương Tây là hai vẻ đẹp khác nhau của hai hệ thống khác nhau, bổ sung cho nhau để làm phong phú thêm âm nhạc thế giới... "

 

Không chỉ là một nhà nghiên cứu xuất sắc, Mịch Quang còn được coi là một trong những tác giả có những đóng góp mới mẻ, để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử tuồng. Với ba vở tuồng liên hoàn về Đào Tấn mang tên Giấc mộng hồ hoa – Thanh gươm hát bội – Lam Hồng còn đó, Mịch Quang đã khắc họa thật toàn diện, sống động chân dung nhà yêu nước, nhà soạn tuồng vĩ đại nhất của dân tộc, một nhân vật khổng lồ của lịch sử và văn hóa Việt Nam.

 

Với bề dày nghiên cứu học thuật và trước tác như vậy, song Mịch Quang vẫn chỉ coi mình là một “Lão học sinh”: Tám m­ươi lăm tuổi tự ta phong/ Hàm lão học sinh có đư­ợc không. Là một bậc thầy trong giới nghiên cứu tuồng nói riêng và nghiên cứu sân khấu nói chung, nhưng Mịch Quang luôn gần gũi, ưu ái và đối xử bình đẳng với các nhà nghiên cứu trẻ, và in dấu trong tâm khảm họ ấn tượng thật sâu sắc về một người thầy khảng khái, cá tính mạnh mẽ, song trung thực và nhân hậu.

 

Suốt mấy chục năm, dù đã qua tuổi "cổ lai hy" khá lâu, mắt yếu tay run, việc đọc việc viết hàng ngày với ông đã rất khó khăn, nhưng ông ch­ưa bao giờ rời nổi trang sách, ngòi bút. Năm 85 tuổi, ông hoàn thành công trình “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống”, vở kịch thơ “Chẳng sợ Côn Lôn” về nhà yêu nư­ớc Phan Châu Trinh. Năm 89 tuổi, ông cho xuất bản hồi ký “Đời tôi và nghệ thuật”. Từ đầu năm 2002, ông đã cùng với một số nhà nghiên cứu hoàn chỉnh công trình biên khảo "Đào Tấn – Con ng­ười và Tác phẩm” dày trên 2000 trang. Và năm 2004, ông đã cho công bố tác phẩm đầy tâm huyết của mình: “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”. Năm 2003, GSTS Trần Văn Khê đến giảng bài về dân tộc nhạc học tại Viện Âm nhạc Việt Nam, hết sức ngạc nhiên cảm động khi thấy giữa những học viên trẻ có một ngư­ời tóc bạc phơ rất chăm chú lắng nghe, ghi chép. Ngư­ời đó chính là Mịch Quang, "một trong những người tri âm tri kỷ hiếm có, vừa là bậc thầy vừa là người bạn tâm đắc" như chính GS thú nhận.

 

Nhiều người ngạc nhiên về việc ông không được phong giáo sư. Ông tự nguyện về hưu từ năm 1979, về hưu để dồn cả thì giờ công chức cho công cuộc nghiên cứu lý luận. Thời kỳ về hưu, công trình của ông nhiều gấp ba lần thời đương chức.

 

Tôi có may mắn được tham dự mấy buổi lễ mừng thư­ợng thọ, lễ sinh nhật của “Lão học sinh” Mịch Quang, và thấm hiểu vì sao GSTS Nguyễn Thuyết Phong đã gọi cuộc đời của Mịch Quang là “Một bản giao h­ưởng mùa xuân dân tộc tuyệt vời”... Các thế hệ nghệ sĩ tuồng và sân khấu Hà Nội, TP HCM, Bình Định, Khánh Hoà và nhiều nơi trong nư­ớc đã về chúc mừng ông. Rất nhiều ng­ười bạn thân thiết, các thế hệ học trò lại có mặt bên ông để để bày tỏ lòng thương yêu, kính phục một học giả lớn có tâm hồn trong trẻo.

 

Tôi cũng được đi cùng ông lang thang trên những con đường xưa, thưởng thức những món ăn đặc sản của quê nhà, nghe ông kể về những tấm gương yêu nước thương nòi của các bậc tiền hiền trong gia tộc, về đội tuồng và quỹ Nghĩa thương của làng Phụng Sơn, và nghe những câu thơ chất chứa nỗi lo lắng thường trực trong ông: Lo quá, mai đây trong hội nhập/ Mất ta do vọng ngoại sa đà...

 

Huân chương Lao động hạng nhất, giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh đã được trao cho Mịch Quang - ông từ giữ ngôi đền thiêng của nghệ thuật dân tộc. Trong Hội thảo khoa học "Lê Đại Cang - tấm gương kẻ sĩ" tại Quy Nhơn đầu năm 2013 - hội thảo về một danh nhân lịch sử Bình Định chưa được sử sách nhắc nhiều, nhà nghiên cứu Mịch Quang không thể đến tham dự được, nhưng ông đã gửi tới bản tham luận tâm huyết của mình để góp phần khẳng định nhân cách cao cả của một bậc Quốc sĩ. Mịch Quang vốn có họ bên ngoại với danh nhân Lê Đại Cang; song, điều quan trọng hơn cả đã tạo nên sự gần gũi thiêng liêng giữa hai người, đó chính là phẩm chất của bậc Quốc sĩ- mà hôm nay, cuộc sống của chúng ta đang cần biết bao nhiêu!

 

Ảnh:

-Ô Mịch Quang và nhà dân tộc nhạc học Trần Văn Khê

-Hội thảo KH về Nguyễn Diêu- người thầy của Đào Tấn

 

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 906
Ngày đăng: 20.05.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trịnh Công Sơn một thời đã qua - Võ Công Liêm
Trịnh Công Sơn và Bob Dylan, giống và khác - Nguyễn Hoàn
Kinh nghiệm tư tưởng - Võ Công Liêm
Nam Kỳ – tờ báo Quốc ngữ cuối thế kỷ 19 còn ít được biết đến - Võ Xuân Quế
Trò chuyện với thiên thần: tác phẩm dành cho ai yêu quá đỗi đời này - Đặng Châu Long
Khi nhà thơ làm hề kiếm sống - Nguyễn Anh Tuấn
Tác phẩm điện ảnh đầu tiên về Nguyễn Du: Long thành cầm giả ca - Nguyễn Anh Tuấn
Biểu tượng Đất và Nước trong trường ca Phồn Sinh - Nhiều Tác Giả
Phản chiến hay phản kháng - Võ Công Liêm
Đọc “ Bàn tay nhỏ dưới mưa” - Phạm Xuân Nguyên
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)